Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (22)


Xem mục lục

Xưa có anh chàng nông dân mua được thửa đất mới. Một hôm đang cày đất, anh bắt được một chum vàng. Vốn thật thà, anh ngẫm nghĩ:

- Chum vàng này chắc của người chủ cũ.

Anh liền mang đi trả, người chủ cũ cũng đáp rất vô tư:

- Tôi không có vàng để chôn, nên chum vàng đó không phải là của tôi.

Anh nông dân cãi lại:

- Khi tôi mua thửa đất, không hề nói là có chum vàng, vì vậy nên tôi xin trả lại cho bác.

- Lúc tôi bán đất, tôi cũng không biết là có chum vàng, vậy thì bác cứ lấy.

Hai người cứ nhượng qua, nhượng lại mãi cho đến lúc trời sụp tối, đành phải chia tay. Sau một đêm suy nghĩ cặn kẽ, cả hai hối hả đi tìm nhau. Gặp nhau ở giữa đường, hai người cùng nói:

- Bác dạy thật chí lý! Chum vàng ấy là của tôi.

Hai người tranh cãi, cố chứng minh chum vàng là của mình. Cuối cùng, nội vụ phải đưa lên quan.

Lời bàn

Em thân mến,

Hóa ra càng suy đi gẫm lại, chúng ta càng bóp méo sự thật, càng làm cho sự việc rắc rối thêm lên. Có lẽ vì thế mà chư Tổ thường dạy chúng ta nên tiếp ứng với ngoại vật bằng bản tâm bình thường, không bị những tính toán lo toan làm xao động. Mang tâm ấy đã đo đủ khả năng làm lành lánh dữ (giới), sáng suốt (huệ), và không bị giao động vì những tư dục cá nhân (định). Ðó là lúc mà cả hai bác nông dân đều thấy rõ mồn một rằng: "chum vàng ấy không phải là của tôi".

nhiều tác giả

Những mẩu truyện hay của Phật giáo

Bồ Tát và Chúng Sanh

Trời mưa vừa dứt, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát:

- Thằng cu, mày có lên ngay không? Khiếp!

Chú bé phản đối:

- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!

Em thân mến!

Bồ Tát là những vị mà sách vở định nghĩa là: "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh", riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, thì ta đã có một mầm Bồ Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình. Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha. Nhưng ... tâm Bồ Tát thì khó phát mà lại rất dễ thối thất. Em có biết tại sao không?

Em đừng tưởng là khi thực hành Bồ Tát hạnh, đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu ... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé. Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng, họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích đó. Trong trường ấy, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo ... u đầu!

Nếu em có giúp đỡ ai điều gì thì chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng mình, vì có hằng khối kẻ bàng quan đang bĩu môi phẩm bình rằng: "Ðồ ngu, chuyên môn làm mọi thiên hạ", hoặc là: "Cái số cực ... ", "cái nghiệp nặng ... ". Chà! Coi bộ em muốn thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này ... thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình. Có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát và Ngài cũng đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng: "Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật", Pháp Sư phải ngồi tòa Như Lai và mặc áo Như Lai. Tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó em ơi !

(1984)

Xem mục lục