Thập Nhị Môn Luận là một trong ba bộ Luận nồng cốt chủ yếu tạo thành Tam Luận Tông, một trong những Tông phái nổi tiếng khó hiểu và thâm áo nhất của Phật giáo.
Chủ đích của Thập Nhị Môn Luận là lý giải nhằm làm sáng tỏ giáo nghĩa thâm sâu cùng cực của Đại thừa. Cốt lỏi quan trọng của giáo nghĩa này chính là đạo lý tánh Không, mà danh từ thời thượng thường gọi là “Triết lý tánh Không”, do Bồ Tát Nàgàrjuna (Long Thọ) sáng tác.
Bồ Tát Nàgàrjuna là một bậc đại sĩ có tuệ giác siêu việt, đã từng được tôn xưng là “Bát Tông Cộng Tổ” và ngài còn là tác giả của rất nhiều bộ Luận được đánh giá là những kiệt tác xuất chúng vô tiền khoáng hậu, không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn đối với tất cả mọi nền học thuật, tư tưởng, triết lý kim cổ Đông Tây; trong đó bộ Ưu Bà Đề Xá gồm 10 vạn kệ, Trang Nghiêm Phật Đạo gồm 5 ngàn kệ, Đại Từ Phương Tiện Luận 5 ngàn kệ, Vô Úy Luận 10 vạn kệ v.v... và, Thập Nhị Môn Luận và Trung Luận là những tư tưởng tối thắng được đúc kết cô đọng từ Vô Úy Luận.
Tư tưởng chủ đạo của Bồ Tát Nàgàrjuna chính là tông chỉ Bát Nhã mà chủ điểm thù thắng của nó là triệt hủy mọi hữu kiến và không kiến nhằm hiển thị nhất chân pháp giới, thường tịch chân không, vô trú vô ngại, hiển chánh phá tà.
Luận này đã được dịch từ tiếng Phạn sang Hoa ngữ bởi ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập ở vào đời Diêu Tần, theo thể kệ tụng và trường hàng, trong đó có 26 kệ tụng được in từ trang 159 đến 167 trong Đại Chánh Tân tu số 1568.
Như một cung cấp tài liệu cần thiết, chúng tôi cố gắng chuyển dịch Thập Nhị Môn Luận này sang Việt ngữ từ chữ Hán, với sự đối chiếu bản dịch Anh ngữ của giáo sư HSUEH-LI CHENG thuộc phân khoa Nghiên Cứu Triết Học và Tôn Giáo, University of Hawaii, và cho in phần tóm lược lời nói đầu của ông về Thập Nhị Môn Luận để giúp cho mọi giới có thêm một cái nhìn về tư tưởng tối cực ưu thắng của Không Tánh.
Dĩ nhiên như Bồ Tát Long Thọ đã tuyên bố “Giáo pháp vô thượng của Như Lai không phải dễ dàng có thể thâm nhập”, do vậy, rất mong các bậc thức giả hoan hỉ bổ chính cho những điểm mà người dịch rất có thể chưa chuyển dịch trọn vẹn ý lời của tác giả.
Cẩn bút,
Thích Viên Lý
(Dịch xong vào ngày cuối đông 1996
tại tu viện Bảo Pháp, PL 2540)