GIẢI THÍCH: PHẨM TÔN ĐẠO THỨ 36
( Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm A-nan ngợi khen)
(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần hai, Phẩm Thiên Lai thứ 34)
KINH: Bấy giờ Tuệ mạng A-nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao không ngợi khen Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật Thiền ba-la-mật, cho đến mười tám pháp không chung mà chỉ khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo A-nan: Bát-nhã ba-la-mật là tôn quý, dẫn đạo năm Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung.
Này A-nan! Ý ông nghĩ sao? Không hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà bố thí có được xưng là Ba-la-mật không?
Thưa không, Bạch Thế Tôn!
Không hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ có gọi là Bát-nhã ba-la-mật không?
Thưa không, Bạch Thế Tôn!
* Trang 659 *
Vì vậy nên biết Bát-nhã ba-la-mật đối năm Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung là tôn quý dẫn đạo, vậy nên khen ngợi Bát-nhã.
A-nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là bố thí, hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng để thành Thí ba-la-mật cho đến thành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo A-nan: Do pháp không hai Bố-thí, hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là Thí ba-la-mật; do bất sinh không thể có được hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà bố-thí, ấy gọi là Thí ba-la-mật, cho đến do trí tuệ biết pháp không hai, hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật; do bất sinh, không thể có được, hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
A-nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là do pháp không hai hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng mà Bố-thí, ấy gọi là Thí ba-la-mật; cho đến thế nào là do pháp không hai hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo A-nan: Do pháp sắc không hai; pháp thọ, tưởng, hành, thức không hai, cho đến pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không hai vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là pháp sắc không
* Trang 660 *
hai cho đến pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng hai?
Phật dạy: Sắc, sắc tướng không, vì sao? Vì Thí ba-la-mật và sắc không hai không khác, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và Thí ba-la-mật không hai không khác. Năm Ba-la-mật kia cũng như vậy. Vì vậy, nên A-nan! Chỉ khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật đối với năm Ba-la-mật cho đến Trí nhất thiết chủng là tôn quý dẫn đạo.
Này A-nan! Thí như đất lấy hạt giống rải vào, gặp đủ nhân duyên hòa hợp liền mọc, các hạt giống ấy nương đất mà mọc. Như vậy, A-nan! Năm Ba-la- mật nương Bát-nhã ba-la-mật được sinh; bốn niệm xứ cho đến Trí nhất thiết chủng cũng nương Bát-nhã ba-la-mật được sinh. Vì vậy, nên A-nan! Bát-nhã ba- la-mật đối với năm Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung là tôn quý dẫn đạo.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Phật nói công đức của thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng chưa hết, vì sao? Vì thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, thời là thọ trì đạo Vô thượng của ba đời chư Phật, vì cớ sao? Vì muốn được Trí nhất thiết chủng hãy từ trong Bát-nhã ba- la-mật mà cầu, muốn được Bát-nhã ba-la-mật hãy từ trong Trí nhất thiết chủng mà cầu.
* Trang 661 *
Bạch đức Thế Tôn! Nhờ thọ trì Bát-nhã ba-la- mật cho đến nhớ nghĩ đúng nên có mười thiện đạo xuất hiện ở đời, có bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, cho đến mười tám pháp không chung xuất hiện ở đời. Nhờ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, nên thế gian bèn có dòng lớn Sát-lợi, dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ, trời Tứ thiên vương cho đến trời A-tra-nị-ca. Nhờ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng nên bèn có Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát ma-ha-tát. Nhờ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, nên có chư Phật xuất hiện thế gian.
Bấy giờ, Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, Ta không nói chỉ có ngần ấy công đức, vì cớ sao? Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nử nhân ấy, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Trí nhất thiết chủng còn thành tựu được vô lượng giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Trí nhất thiết chủng nên biết người ấy là như Phật.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Hết thảy Thanh-văn, Bích-chi- Phật có được giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn,
* Trang 662 *
giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn, không sánh kịp được giới uẩn cho đến giải thoát tri kiến uẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, trăm phần, ngàn phần, ngàn vạn ức phần, cho đến toán số, thí dụ cũng không thể kịp được, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân này đối với Thanh-văn, Bích-chi Phật địa, tâm được giải thoát, lại không cầu pháp Đại thừa.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca!Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân viết chép, giữ gìn quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, hương hoa, anh lạc cho đến kỹ nhạc, cũng được công đức đời nay đời sau.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Trí nhất thiết chủng, cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, cung kính, tôn trọng, hương hoa cho đến kỹ nhạc thời con thường thủ hộ người ấy.[1]
LUẬN: A-nan đa văn (bahuśrutam), sức phân biệt được “không” mà chưa lìa dục, nên không thể thâm nhập, tuy thường hầu Phật mà không thường vấn nạn về không. Nay Phật tán thán Bát-nhã ba-la-mật, cũng tán thán người tu, vì thế nên A-nan mới bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao không tán thán
[1] T.8: Ma-ha Bát-nhã ba la mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 9, Phẩm tôn đạo thứ 36: Phẩm A-nan ngợi khen (尊導品第三十六-丹阿難稱譽品), tr. 288a16-c24.
* Trang 663 *
các Ba-la-mật khác và các pháp, mà chỉ tán thán riêng Bát-nhã ba-la-mật?
Hỏi: Phật từ đầu đến đây, thường nói tên sáu Ba-la-mật, sao nay A-nan nói Phật không xưng tán?
Đáp: Trước tuy nói danh tự, không phải xưng khen, đều chỉ vì khiến tìm vào Bát-nhã nên nói.
Phật bảo A-nan: Trong tất cả pháp hữu vi, trí tuệ là đệ nhất; trong tất cả trí tuệ đưa qua bờ kia, Bát-nhã ba-la-mật là đệ nhất; thí như đi đường, tuy có chúng bạn mà vị thầy dẫn đường là đệ nhất. Bát-nhã cũng như vậy, tuy tất cả thiện pháp đều có lực, song Bát-nhã hay chỉ đường ra khỏi ba cõi, đạt đến ba thừa. Nếu không có Bát-nhã, tuy làm các thiện pháp bố thí, mà thọ quả báo theo hành nghiệp có cùng tận; vì có cùng tận, nên còn không thể được Niết-bàn Tiểu thừa, huống gì đạo Vô thượng. Nếu làm việc thiện bố thí v.v... mà quán được như tướng Phật đạo không hai, không sinh không diệt, không được không mất, rốt ráo không tịch, ấy gọi là hồi hướng đến Trí nhất thiết chủng, thì phước của bố thí ấy, đời đời thường thọ quả báo không cùng tận, sau sẽ được Trí nhất thiết chủng; giống như bố thí, tất cả pháp khác cũng như vậy.
Hỏi: Cớ sao Phật không đáp nhân duyên của không hai (bất nhị) mà trở lại tiếp giải thích nghĩa không hai ?
Đáp: A-nan không hỏi về nhân duyên của không hai, chỉ hỏi pháp gì không hai, thế nên Phật đáp các pháp sắc v.v... không hai. Bát-nhã ba-la-mật có thể làm cho năm việc
* Trang 664 *
kia thành Ba-la-mật, nên chỉ khen ngợi Bát-nhã ba-la-mật. Phật muốn làm cho nghĩa ấy dễ hiểu, nên lấy ví dụ như đại địa hay sinh muôn vật, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy.
Giữ gìn được tất cả chủng tử thiện pháp là trừ Bát-nhã ba-la-mật thì tất cả thiện pháp khác đều có được từ khi phát tâm lại đây.
Nhân duyên hòa hợp là đối với Phật đạo nhất tâm tin nhẫn, tinh tấn không ngừng nghỉ, muốn thọ trì thông đạt không biến hoại, có các pháp như vậy.
Việc được thành biện là sự tăng trưởng ấy, từ khi phát tâm khởi lên, học các Ba-la-mật, từ một địa đến một địa cho đến Phật địa.
Hỏi: Cớ gì Đế-thích nói Phật dạy chưa hết công đức thọ trì Bát-nhã ba-la-mật của hành giả?
Đáp: Bát-nhã ba-la-mật vô lượng vô biên, nên công đức cũng vô lượng vô biên, nói chưa rốt ráo, thì giữa chừng ngoại đạo Phạm-chí và ma đi đến, nên bàn qua việc khác, nay trở lại muốn tiếp tục nghe. Đế-thích rất ưa quả báo phước đức, ưa nghe nói công đức Bát-nhã, nghe không biết chán, nay lại muốn nghe nói nữa, nên tự nói nhân duyên: Bạch đức Thế Tôn! Nếu người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, cho đến nhớ nghĩ đúng, thời được công đức và trí tuệ Vô thượng đạo của ba đời chư Phật, vì cớ sao? Vì nên tìm Trí nhất thiết chủng trong Bát-nhã, nên tìm Bát-nhã trong Trí nhất thiết chủng, như nói ở cuối Phẩm trên.[1] Các hành giả nếu thọ trì Bát-nhã, phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì độ chúng sinh, nên
[1] Đại trí độ luận, quyển 58, Phẩm phạm chí thứ 35, tr. 470c14-17: Trí nhất thiết chủng của chư Phật nên tìm trong Bát-nhã là Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật đầy đủ nên khi được thành Phật, Bát-nhã biến thành Trí nhất thiết chủng, nên nói Trí nhất thiết chủng nên tìm trong Bát-nhã. Phật hay nói Bát-nhã ba-la-mật, nên nói Bát-nhã ba-la-mật nên tìm trong Trí nhất thiết chủng.
* Trang 665 *
nhóm các công đức Bát-nhã ba-la-mật như mười thiện đạo cho đến mười tám pháp không chung xuất hiện ở thế gian. Do nhân duyên của pháp lành ấy nên có dòng lớn Sát-lợi cho đến chư Phật.
Phật bảo Thiên đế: Người ấy không chỉ được công đức như trên mà còn được vô lượng công đức giới uẩn v.v... Giới uẩn là Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật, đối với hết thảy chúng sinh tu hạnh thí vô úy một cách rốt ráo. Số chúng sinh trong mười phương vô lượng vô biên, trong ba đời số cũng vô lượng vô biên, bốn loài chúng sinh trong sáu đường mỗi tướng mỗi loại cũng vô lượng vô biên. Đối với vô lượng vô biên chúng sinh ấy, thí cho vật yêu quý nhất là mạng sống mà không giết, thế nên được vô lượng quả báo giới uẩn. Như vậy giới bất sát chỉ nói danh tự thời có 250, trong Tỳ-ni nói lược thời 84.000, nói rộng thời có vô lượng vô biên. Giới này, người phàm phu hoặc thọ tu một ngày, hoặc một đời, hoặc trăm ngàn vạn đời, còn Bồ-tát thì thí vô úy đối với tất cả chúng sinh, cho đến khi vào Vô dư Niết-bàn. Ấy gọi là vô lượng giới uẩn. Cho đến giải thoát tri kiến uẩn cũng như vậy, theo nghĩa mà phân biệt. Công đức năm uẩn ấy hơn Nhị thừa, không thể lường kể.
Nếu người viết chép cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, được công đức đời nay đời sau.
Hỏi: Công đức đời nay đời sau rất nặng, còn việc viết chép, giữ gìn, cúng dường là nhỏ nhẹ, làm sao được công đức hai đời?
* Trang 666 *
Đáp: Cúng dường có hai cách: 1. Bắt chước người khác mà cúng dường. 2. Tự thâm tâm cúng dường. Biết công đức Bát-nhã nên thâm tâm cúng dường, nên được công đức hai đời.
Bát-nhã có nhiều cửa vào; nếu nghe, thọ trì, cho đến nhớ nghĩ đúng, đó là từ cửa trí tuệ, tinh tấn mà vào; viết chép, cúng dường, đó là từ cửa tin và tinh tấn mà vào. Nếu nhất tâm tin sâu thời cúng dường quyển kinh hơn, nếu không nhất tâm thời tuy thọ trì mà không bằng.
* Lại nữa, có ngọc báu như ý, là sắc pháp vô ký, không tâm, không thức, do nhân duyên phước đức của chúng sinh mà sinh ra. Nếu có người đem cúng dường còn có thể khiến cho người thọ dụng tùy ý, huống gì Bát-nhã là trí tuệ vô thượng, là mẹ của chư Phật, là đệ nhất báu trong các pháp báu; nếu người đúng như điều được nghe, nhất tâm tín thọ cúng dường, làm sao chẳng được công đức hai đời? Chỉ vì người không nhất tâm cúng dường, lại vì đời trước tội nặng, nên tuy cúng dường Bát-nhã mà không được công đức như trên, điều ấy, Bát-nhã không có lỗi.
KINH: Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy khi muốn đọc, tụng, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật, thời có vô lượng trăm ngàn chư thiên đều đến nghe pháp. Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy nói Bát-nhã ba-la-mật, các Thiên tử giúp thêm sức can đảm; các Pháp
* Trang 667 *
sư ấy nếu quá mệt mỏi, không muốn thuyết pháp, thời các Thiên tử giúp thêm sức can đảm cho nên lại có thể thuyết.
Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, cúng dường hoa hương cho đến kỹ nhạc cũng được công đức đời nay ấy.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, khi nói Bát-nhã ba-la-mật giữa bốn bộ chúng, tâm không khiếp nhược, nếu có ai luận nạn, cũng không có ý tưởng sợ, vì sao? Vì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì.
Trong Bát-nhã ba-la-mật cũng phân biệt tất cả pháp, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc lành, hoặc chẳng lành, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc pháp Thanh-văn, hoặc pháp Bích-chi Phật, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Phật. Thiện nam tử, thiện nữ nhân trú nội không cho đến trú vô pháp hữu pháp không nên không thấy người nạn luận Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy người thọ nạn, cũng không thấy Bát-nhã ba-la-mật... Như vậy, thiện nam tử, thiện nữ nhân được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì nên không ai nạn luận, phá hoại được.
* Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân, khi thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, cho đến nhớ nghĩ đúng, không chìm đắm, không sợ hãi, vì sao? Vì thiện
* Trang 668 *
nam tử, thiện nữ nhân ấy không thấy pháp ấy chìm đắm hoặc sợ hãi.
Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, hương hoa cúng dường cho đến phan lọng cũng được công đức đời nay.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, viết chép, giữ gìn quyển kinh, hương hoa cúng dường, cho đến phan lọng, người ấy được cha mẹ yêu, tôn thân tri thức nhớ, các Sa-môn, Bà-la-môn kính; mười phương chư Phật và Bồ-tát ma-ha-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán cho đến Tu-đà-hoàn yêu kính. Hết thảy thế gian hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc A-tu-la cũng đều yêu kính; người ấy tu Thí ba-la-mật, Thí ba-la-mật không có lúc nào đoạn tuyệt; Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật cũng không có lúc nào đoạn tuyệt. Tu nội không không dứt, cho đến tu vô pháp hữu pháp không không dứt; tu bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung không dứt; tu các môn Tam-muội không dứt, tu các môn Đà-la-ni không dứt, tu các thần thông Bồ-tát không dứt, thành tựu chúng sinh, tịnh cõi nước Phật không dứt; cho đến tu Trí nhất thiết
* Trang 669 *
chủng không dứt, người ấy cũng có thể hàng phục, nạn luận, hủy báng.
Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì Bát-nhã ba-la-mật cho đến nhớ nghĩ đúng, tâm không lìa Trí nhất thiết chủng, viết chép giữ gìn quyển kinh, hương hoa cúng dường cho đến phan lọng, cũng được công đức đời này, đời sau.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, viết chép giữ gìn quyển kinh, ở trú xứ ấy, các trời Tứ thiên vương trong ba ngàn đại thiên thế giới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều đến chỗ ấy, thấy kinh Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái rồi đi trở về.
Trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa-lạc, trời Tha-hóa-tự-tại, trời Phạm chúng, trời Phạm-phụ, trời Phạm hội, trời Đại Phạm, trời Quang, trời Thiểu-quang, trời Vô-lượng-quang, trời Quang-âm, trời Thiểu-tịnh, trời Vô-lượng-tịnh, trời Biến-tịnh, trời Vô-âm-hành, trời Phước-đức, trời Quảng-quả phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều đến chỗ ấy, thấy kinh Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái rồi đi trở về.
Các trời Tịnh-cư là trời Vô cuống, trời Vô nhiệt, trời Diệu-kiến, trời Hỷ-kiến, trời Sắc cứu cánh đều đến chỗ ấy, thấy kinh Bát-nhã ba-la-mật
* Trang 670 *
thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái, rồi đi trở về.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Các trời Tứ thiên vương trong mười phương thế giới cho đến trời Quảng-quả, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng trời Tịnh-cư và các trời, rồng, quỷ, thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già cũng đến thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái rồi đi trở về.
Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy nên nghĩ rằng: Trời Tứ thiên vương trong mười phương thế giới cho đến Quảng-quả, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng trời Tịnh-cư và các trời, rồng, quỷ thần, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, đến thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái, như vậy, ấy là ta đã pháp thí rồi.
Kiều-thi-ca! Các trời Tứ thiên vương trong ba ngàn đại thiên thế giới cho đến trời Sắc cứu cánh, và các trời Tứ thiên vương trong mười phương thế giới, cho đến trời Sắc cứu cánh, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thủ hộ thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, khiến các sự ác không thể được dễ dàng, trừ có tội nặng đời trước.
* Trang 671 *
Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy cũng được công đức đời nay là các Thiên tử phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều đến chỗ ấy, vì sao? Kiều-thi-ca!Vì các Thiên tử phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chỉ muốn cứu hộ tất cả chúng sinh, không bỏ tất cả chúng sinh, đem an lạc cho tất cả chúng sinh.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhơn bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân làm sao biết được khi các trời Tứ thiên vương cho đến trời Sắc cứu cánh đến? Và các trời Tứ thiên vương trong mười phương thế giới cho đến các trời Sắc cứu cánh đến thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái?
Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhơn: Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, thấy ánh sáng lớn trong, ắt biết khi đó có đại đức chư thiên đến, thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu nghe mùi thơm lạ, ắt biết khi đó có đại đức chư thiên đến thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, lễ bái.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nhờ tu hành tinh khiết nên chư thiên đến chỗ
* Trang 672 *
đó, thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, hoan hỷ, lễ bái, trong chỗ đó nếu có bọn quỷ nhỏ, liền bỏ đi ra, vì không đương nổi oai đức các đại đức chư thiên. Do đại đức chư thiên ấy đến, nên thiện nam tử, thiện nữ nhân sinh đại tâm. Vì vậy, trú xứ của Bát-nhã ba-la-mật, bốn phía không nên có đồ bất tịnh, mà nên thắp đèn, đốt hương, rải các danh hoa, lấy hương bôi đất, treo tràng phan, lọng, các thứ trang nghiêm.
* Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, khi nói pháp trọn không mỏi mệt, tự giác thân nhẹ, tâm vui, nghĩ ngơi đúng pháp, ngủ thức an ổn, không có các ác mộng. Trong mộng thấy chư Phật 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo Tăng vây quanh ở hai bên Phật nghe thọ pháp giáo sáu Ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung; phân biệt nghĩa sáu Ba-la- mật, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung; cũng thấy cây Bồ-đề trang nghiêm thù diệu ; cũng thấy các Bồ-tát đi đến cây Bồ-đề chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; thấy chư Phật thành đạo rồi Chuyển pháp luân; thấy trăm ngàn vạn Bồ-tát cùng nhau tập pháp luận nghĩa. Nên như vậy cầu Trí nhất thiết chủng, nên như vậy thành tựu chúng sinh, nên như vậy tịnh cõi nước Phật.
* Trang 673 *
Cũng thấy mười phương vô số trăm ngàn vạn ức chư Phật, cũng nghe danh hiệu ấy, cõi ấy, có Phật ấy, bao nhiêu trăm ngàn vạn ức Bồ-tát, bao nhiêu trăm ngàn vạn ức Thanh-văn, cung kính vây quanh nghe thuyết pháp.
Lại thấy mười phương vô số trăm ngàn vạn ức chư Phật Niết-bàn, lại thấy tháp bảy báu của vô số trăm ngàn vạn ức chư Phật, lại thấy cúng dường các tháp, cung kính, tôn trọng, tán thán, hoa hương, cho đến phan lọng.
Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy, thấy mộng lành như vậy, ngủ yên thức yên, chư thiên giúp thêm khí lực, tự giác thân thể nhẹ nhàng, không quá tham đắm ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang. Đối với bốn sự cúng dường ấy, tâm rất nhỏ nhẹ, thí như Tỳ-kheo tọa thiền, từ thiền định dậy, tâm cùng định hợp, chẳng tham đắm uống ăn, tâm rất nhỏ nhẹ, vì sao? Kiều-thi-ca! Vì phép của chư thiên là nên dùng chất tinh khiết của các vị để tăng thêm khí lực, nên mười phương chư Phật và trời, rồng, quỷ, thần, A-tu-la, Càn-thát-bà, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già cũng giúp thêm khí lực.
Như vậy, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn được công đức đời nay như vậy, hãy nên thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, thân cận, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, cũng không rời tâm Tát-bà-nhã.
* Trang 674 *
Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân tuy không thể thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng, hãy nên viết chép giữ gìn quyển kinh, cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, hoa hương, anh lạc cho đến phan lọng.
Kiều-thi-ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, viết chép quyển kinh, cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, hoa hương cho đến phan lọng, công đức của thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy rất nhiều hơn cúng dường mười phương chư Phật và chúng dường đệ tử, cung kính, tôn trọng, tán thán, y phục, đồ nằm, ăn uống, thuốc thang. Sau khi chư Phật và đệ tử vào Niết-bàn, dựng tháp bảy báu cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán, hương hoa, cho đến phan lọng.
LUẬN: Hỏi: Trên trời tự có Bát-nhã, cớ gì còn đi đến chỗ người thuyết pháp giúp thêm sức can đảm cho họ?
Đáp: Trên trời tuy có Bát-nhã mà chư thiên thương xót chúng sinh nên đi đến. Khi đến tự nhiên ác quỷ tránh xa, mà sức can đảm của Pháp sư được tăng lên, khiến Pháp sư vui nói: Lại khiến chúng sinh càng thêm tin kính, vì thế nên đi đến.
* Trang 675 *
Có người nói: Vị cam lồ của trời, vi tế thấm vào lỗ chân lông khiến các căn bốn đại của thiện nam tử, mềm mại, nhẹ nhàng, lanh lẹ, vui nói.
Hỏi: Tất cả người nói Bát-nhã đều được vị cam lồ của chư thiên, khiến cho vui nói chăng?
Đáp: Không. Nếu có hành giả nhất tâm cầu Phật đạo, chiết phục kiết sử, y phục sạch sẽ, chỗ thuyết pháp thanh tịnh, hương hoa, phan lọng, nước hương rưới đất không có các đồ bất tịnh, thế nên chư thiên hoan hỷ và cũng lợi ích cho người nghe. Người thuyết pháp tuy không đọc nhiều kinh sách trong ngoài, song thâm nhập nghĩa Bát-nhã ba-la-mật nên tâm không khiếp nhược, không chìm đắm, không sợ hãi, vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật không có định pháp có thể chấp, có thể vấn nạn, có thể phá.
* Lại nữa, trong Bát-nhã ba-la-mật cũng phân biệt nói các pháp thế gian, xuất thế gian, thường, vô thường, thiện, bất thiện v.v... không có pháp gì không có. Vì có đủ các pháp nên không khiếp không sợ, nếu chỉ có một pháp thời vì thiếu nhiều điều nên sợ hãi. Vị Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật bẻ mỏng phiền não, các phước đức tăng trưởng ướp thân nên có oai đức đáng kính. Thân là trú xứ của công đức, tuy hình thể xấu xí, không thể làm gì, vẫn được người ái trọng, huống gì tự nhiên đoan chánh, có thể lợi ích người.
Hỏi: Nếu được chư Phật, Sa-môn, Bà-la-môn ái trọng, có thể được, còn cha mẹ ái niệm đâu đủ khen?
* Trang 676 *
Đáp: Con người tuy do cha mẹ sinh, không nghe lời cha mẹ, thời không được ái niệm; trong sự cung kính, cung kính Bồ-tát là thù thắng gấp bội. Nhờ cúng dường, cung kính, tôn trọng bậc đạo đức nên được Sa-môn, Bà-la-môn ái kính. Bình thật chí thành, miệng không nói dối, rất ưa công đức đời sau, không đắm cái vui đời này, tiếp dưỡng người dưới không tự cao tự đại; nếu thấy người có lỗi còn không nói sự thật của họ, huống gì chê bai, hủy báng; nếu bất đắc dĩ phải nói, trọn không nói hết, thương cấp kẻ cô đơn khốn cùng, không dành riêng cho kẻ theo mình, những việc như vậy đều là nhờ oai lực của Bát-nhã ba-la-mật. Công đức người ấy nghe xa nên chư thiên, người đời đều ái kính. Do cúng dường Bát-nhã ba-la-mật nên đời đời thường được sáu Ba-la-mật, không có lúc nào đoạn tuyệt. Người ấy có phước đức, trí tuệ, tiếng tăm, nên nếu có ai vấn nạn hủy báng, đều hàng phục được hết.
* Lại nữa, chư thiên vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, nên đi đến trú xứ Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, núi sông, cây cỏ, thành quách, thổ địa, tất cả quỷ thần, đều thuộc bốn Thiên vương, nên khi bốn Thiên vương đi đến, họ đều cùng đi theo. Trong các quỷ thần ấy, có kẻ không được quyển kinh Bát-nhã, cho nên đến chỗ Bát-nhã ba-la-mật để cúng dường, đọc tụng, lễ bái, cũng vì làm lợi ích cho thiện nam tử. Đây cũng là công đức đời nay, do có chư thiên thiện thần đến. Thiên-đế muốn phá cái nghi của người mắt thịt, nên hỏi: Làm sao biết khi đại đức chư thiên đến?
* Trang 677 *
Do thấy ánh sáng lớn, hoặc nghe mùi hương lạ, và do như trước nói trú xứ thanh tịnh.[1]
Hỏi: Thân người bên trong đầy bất tịnh, bên ngoài tịnh thì ích lợi gì?
Đáp: Sạch trú xứ, sạch y phục, thời bên ngoài đều sạch, bên ngoài đều sạch, nên chư thiên hoan hỷ, thí như chỗ Quốc vương đại nhân đến, thời thứ dân nhỏ mọn tránh đi, chỗ chư thiên đại đức đến, tiểu quỷ tránh đi cũng như vậy, trời lớn oai đức trọng, nên tiểu quỷ ở chỗ cũ tránh đi, có các trời lớn đến gần, thời tâm người ấy thanh tịnh rộng lớn. Hành giả muốn chư thiên đại đức đến, thời nên làm như trong Kinh nói.[2] Ác quỷ đi xa, thời thân tâm nhẹ nhàng, lanh lợi, vì sao? Vì gần ác quỷ thời làm cho thân tâm người dần dần trở nên ác; ví như gần người giận thời ưa làm cho người giận, gần sắc đẹp thời làm cho lòng ưa sắc đẹp khởi lên. Nhân duyên ác bên trong bên ngoài xa lìa nên người ấy ngủ yên thức yên, không có ác mộng. Nếu có mộng, chỉ thấy chư Phật như trong Kinh đã nói.[3]
Hỏi: Bát-nhã ba-la-mật ở trong thân Phật, nếu cúng dường một vị Phật thời là cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, cớ gì nói cúng dường mười phương Phật, không bằng cúng dường Bát-nhã ?
Đáp: Tâm người cúng dường, nếu cúng dường Phật mà chấp thủ tướng người, tướng người rốt ráo không thể có được, mà vì chấp thủ tướng nên phước điền tuy lớn mà công đức mỏng ít. Cúng dường Bát-nhã ba-la-mật thời như đều được
[1] Đại trí độ luận, quyển 58, phẩm phạm chí thứ 35, tr. 473c23-474a1: Phật bảo các Thiên tử Thích-đề-hoàn-nhơn: Như vậy, như vậy! Kiều-thi-ca và các Thiên tử người cõi Diêm-phù-đề thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, tùy lúc trụ ở, Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, cũng trú như vậy, cho đến trú xứ nào có thiện nam tử thiện nữ nhân viết chép thọ trì quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, chỗ ấy thời chiếu sáng, đã xa lìa mọi tối tăm.
[2] Đại trí độ luận, quyển 58, tr. 473b17-c4: Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nhờ tu hành tinh khiết nên chư thiên đến chỗ đó, thấy quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, cúng dường, hoan hỷ, lễ bái, trong chỗ đó nếu có bọn quỷ nhỏ, liền bỏ đi ra, vì không đương nổi oai đức các đại đức chư thiên. Do đại đức chư thiên ấy đến, nên thiện nam tử, thiện nữ nhân sinh đại tâm.
[3] Đại trí độ luận, quyển 58, tr. 474a7-23: Lại nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân, khi nói pháp trọn không mỏi mệt, tự giác thân nhẹ, tâm vui, nghĩ ngơi đúng pháp, ngủ thức an ổn, không có các ác mộng. Trong mộng thấy chư Phật 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo Tăng vây quanh ở hai bên Phật nghe thọ pháp giáo sáu Ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung…
* Trang 678 *
nghe trong Bát-nhã nói là không chấp thủ tướng người, không chấp thủ tướng pháp, dùng tâm ấy cúng dường, nên phước đức lớn.
* Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật là mẹ của mười phương chư Phật, cũng là Thầy chư Phật, chư Phật được thân 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, và ánh sáng vô lượng, thần thông biến hóa, đều là thế lực của Bát-nhã ba-la-mật. Vì các nhân duyên như vậy nên cúng dường Bát-nhã ba-la-mật hơn cúng dường mười phương chư Phật, chứ không phải không kính Phật.
(Hết cuốn 58 theo bản Hán)
* Trang 679 *