Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 4
GIẢI THÍCH: TRÚ VƯƠNG-XÁ THÀNH
 
KINH: Trú ở Thành Vương-xá (Rājagṛha)
LUẬN:  Hỏi: Sao không nói ngay pháp Bát-nhã Ba-la-mật, mà nói Phật trú ở thành?
Đáp: Nói phương xứ, thời gian và nhân vật, khiến lòng người sanh tịnh tín vậy.
Sao gọi là trú? Thân có bốn oai nghi là: Nằm, ngồi, đi, đứng, ấy gọi là trú. Lại nữa, để làm khiếp sợ bọn Ma quân và khiến chúng đệ tử hoan hỷ nhập vào các Thiền định, cho nên Phật trú ở thành Vương-xá này.
Lại nữa, có ba thứ trú là: Thiên trú, Phạm trú và Thánh trú. Trú pháp của trời Lục dục gọi là Thiên trú. Trú pháp của Phạm-thiên cho đến Phi-phi-tưởng-thiên, ấy gọi là Phạm trú. Trú pháp của chư Phật, Bích-chi Phật, A-la-hán gọi là Thánh trú. Trong ba trú pháp ấy, đức Phật trú nơi trú pháp của bậc Thánh; vì thương xót chúng sanh nên trú ở thành Vương-xá.
Lại nữa, làm ba việc[1] bố thí, trì giới, thiện tâm gọi là Thiên trú. Tu bốn tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Xả gọi là Phạm trú. Tu ba tam muội là: Không, Vô tướng, Vô tác, gọi
 

[1] T. 27: A-tỳ-đạt ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論),quyển 82, tr. 424b20-26: Có ba loại phước-nghiệp-sự (puṇyakriyāvastus) là: (1) bố thí phước nghiệp sự: nghĩa là đem các thứ ăn uống, y phục, hương hoa, rộng nói cho đến thuốc thang v.v… cúng dường cho Sa-môn và Bà-la-môn. (2) giới tánh phước nghiệp sự là: từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo và từ bỏ uống rượu v.v… (3) tu tánh phước nghiệp sự là: tu tập tâm từ, không oán, không đối, không não, không hại, rộng như nói ở trước, tu tập tâm bi, tâm hỷ và tâm xả cũng lại như vậy.
 

* Trang 102 *
device

là Thánh trú.[1] Phật ở trong trú pháp của bậc Thánh.
Lại nữa, có bốn thứ trú là: Thiên trú, Phạm trú, Thánh trú và Phật trú. Ba thứ như trên đã nói. Phật trú là: Vô lượng tam muội như Thủ Lăng Nghiêm v.v… Mười lực, Mười tám pháp bất cọng, các thứ tuệ như Nhất thiết trí, v.v… và mười tám vạn bốn ngàn môn[2] Pháp tạng độ người. Những công đức của chư Phật như vậy, là chỗ trú xứ của Phật. Phật trú ở trong đó.
Lược nói về “Trú” đã xong.
Nay nói về “thành Vương-xá”
Hỏi: Các đại thành như Xá-bà-đề, Ca-tỳ-la, Ba-la-nại đều có các nhà vua, cớ sao chỉ gọi thành này là Vương-xá?
Đáp: Có người nói: Vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha) có người con một đầu, hai mặt, bốn cánh tay. Người thời bấy giờ cho là bất tường. Vua liền xé thân và đầu người con đem quăng ra đồng vắng. Nữ quỷ La-sát tên là Xà-la, hiệp thân nó lại đem về nuôi, sau lớn thành người, sức mạnh gồm thâu các nước, làm vua thiên hạ, bắt tám vạn bốn ngàn quốc vương, giam ở trong năm núi này. Do lực thế mạnh trị cõi Diêm-phù-đề, người Diêm-phù-đề nhân đó gọi núi này là thành Vương-xá.
Lại nữa, có người nói rằng trong thành của vua Ma-kiệt-đà ở trước đây bị lửa cháy, mỗi lần cháy mỗi lần làm lại, như thế đến bảy lần, quốc dân mệt mỏi, vua rất lo sợ, họp các người trí hỏi ý kiến, có người nói nên đổi chỗ ở, vua liền tìm chỗ ở, thấy năm núi này bao quanh như thành, liền dựng Cung điện trong đó mà ở. Do vậy mà nó có tên là thành
 

[1] T. 30: Du già sư địa luận (Yogācāryabhūmi-śāstra-瑜 伽 師 地 論), quyển 34, tr. 477a20-23: Thánh trú là: không trú, vô nguyện trú, vô tướng trú, diệt tận định trú. Thiên trú là: các tịnh lự, các vô sắc trú. Phạm trú là: Từ trú, bi trú, hỷ trú và xả trú.; Yogācāryabhūmi - śāstra - Bodhisattvabhūmi - tatra śūnyatānimittāpraṇihitavihārā nirodhasamāpattivihāras cāryavihāra ity ucyate. Catvāri dhyānāny ārūpyasamā-pattayaś ca divyo vihāra ity ucyate. catvāry apramāṇāni brāhmo vihāra ity ucyate.
[2] T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大毘婆沙論), quyển 74, tr. 385c27-a1: Thọ hóa hữu tình có tám vạn hạnh. Vì đối trị tám vạn hạnh của hữu tình. Thế-tôn vì chúng sanh nói tám vạn pháp uẩn. Các loài hữu tình y vào Phật đã dạy tám vạn pháp uẩn vào trong Phật pháp. Nên sở tác mỗi mỗi được cứu cánh.
 

* Trang 103 *
device

Vương-xá.[1]
Lại nữa, thời cổ đại, nước này có vua tên là Bà-tẩu, tâm nhàm chán thế pháp, xuất gia làm tiên nhân. Lúc ấy, các Bà-la-môn tại gia cùng với các tiên nhân xuất gia luận nghị. Bà-la-môn tại gia nói: “Kinh thơ nói: Trong khi tế trời phải giết vật và ăn thịt.” Các vị tiên nhân xuất gia lại nói: “Trong khi tế trời, không nên giết vật, ăn thịt.”
Họ cùng nhau tranh cãi mãi. Các Bà-la-môn xuất gia nói: “Ở đây có vị Đại vương xuất gia làm tiên nhân, các ngươi tin tưởng chăng?” Các Bà-la-môn tại gia nói: “Tin.” Các vị tiên nhân xuất gia nói: “Ta nhờ người này làm chứng, hôm sau sẽ hỏi.” Các Bà-la-môn tại gia ngay đêm ấy, đi đến trước chỗ tiên nhân Bà-tẩu, hỏi mọi việc xong, nói với tiên nhân Bà-tẩu: “Ngày mai luận nghị, ông hãy giúp chúng tôi.”
Như vậy, ngày mai khi luận nghị, các tiên nhân xuất gia hỏi tiên nhân Bà-tẩu: “Trong khi tế trời, có nên giết vật ăn thịt chăng?” Tiên nhân Bà-tẩu đáp: “Theo pháp của Bà-la-môn, trong khi tế trời nên giết vật ăn thịt “. Các tiên nhân xuất gia hỏi tiếp: “Còn thật tâm ông thì sao, có nên giết vật ăn thịt chăng?” Tiên nhân Bà-tẩu nói: “Vì tế trời nên giết vật ăn thịt. Con vật bị chết trong khi tế trời đó, sẽ được sinh lên trời.” Các tiên nhân xuất gia nói: “Ông nói không phải, ông đại vọng ngữ!” Rồi họ liền thóa mạ, nói: “Ngươi là kẻ mắc tội, diệt đi!.” Lúc ấy, tiên nhân Bà-tẩu liền bị chôn xuống đất, lút mắt cá. Đó là cánh cửa ban đầu mở ra cho kẻ có tội lớn. Các tiên nhân xuất gia nói: “Ngươi nên nói thật, nếu
 

[1] T. 51: Đại đường tây vực ký (大唐西城記), quyển 9, tr. 923a-b4.
 

* Trang 104 *
device

cố vọng ngữ thì thây ngươi sẽ bị chôn vào trong đất.” Tiên nhân Bà-tẩu nói: “Tôi biết vì tế trời mà giết vật ăn thịt, không tội.” Tức thì lại bị chôn vào trong đất đến đầu gối. Như vậy, chôn dần đến lưng, đến cổ. Các tiên nhân xuất gia nói: “Ngươi nay vọng ngữ, thì phải chịu quả báo hiện tại như thế; còn nếu như ngươi nói thật, tuy bị chôn xuống đất nhưng chúng tôi vẫn có thể cứu ngươi ra, tha tội cho.”
Bấy giờ tiên nhân Bà-tẩu tự suy nghĩ: “Ta là người quý trọng, không nên nói hai lời. Lại trong bốn pháp Vệ-đà của Bà-la-môn, có nói đủ nhân duyên khen ngợi phép tế trời; chỉ ta một người chết có gì đủ kể”, nên vẫn một lòng nói: “ Trong pháp tế trời, giết vật ăn thịt không tội.” Các tiên nhân xuất gia nói: “ Ngươi là kẻ trọng tội, diệt đi, không cần nhìn thấy ngươi nữa!.” Khi ấy toàn thân Bà-tẩu bị chìm trong lòng đất.
Từ đó về sau và cho đến ngày nay, thường theo vương pháp của tiên nhân Bà-tẩu, mỗi khi tế trời đều giết vật. Đương lúc hạ đao giết thì nói “ Bà-tẩu giết ngươi.”
Con của Bà-tẩu tên là Quảng-xa, kế vị làm vua, sau cũng nhàm chán thế pháp, nhưng lại không thể xuất gia. Quảng-xa suy nghĩ như vầy: “Tiên vương cha ta xuất gia mà bị chôn sống, nếu trị vì thiên hạ, thì còn gây tội lớn. Ta nay nên tự xử thế nào đây?” Trong lúc suy nghĩ như thế, vua bỗng nghe trong hư không có tiếng nói: “Ngươi nếu đi đến gặp chỗ mà ngươi thấy hiếm có, khó gặp được, thì ngươi nên làm nhà trong đó mà ở.”
Nói lời ấy xong, liền không còn nghe tiếng nữa. Chưa

* Trang 105 *
device

bao lâu, vua đi săn, thấy một con Nai chạy mau như gió, vua đuổi theo mà không kịp, bèn đuổi mãi không dừng, bá quan tùy tùng không ai theo kịp cả. Đi dần tới trước, vua thấy có năm hòn núi bao vây nghiêm ngặt vững chắc, đất bằng phẳng, cỏ non nhỏ mịn, hoa đẹp khắp nơi, đủ thứ cây rừng, hoa quả đầy dẫy, suối ấm, ao tắm đều trong sạch. Đất ấy trang nghiêm, nơi nơi có rải hoa trời, hương trời, nghe tấu nhạc trời. Lúc bấy giờ, các kỹ nhạc Càn-thát-bà vừa thấy vua lại, đếu tự rút lui, vua nghĩ: “Đây là chỗ hy hữu chưa từng thấy, vậy đúng là ta nên làm nhà mà ở đây.”
Suy nghĩ như vậy xong, quần thần bá quan tìm dấu mà đến. Vua nói với quần thần: “Trước kia, ta nghe thấy trong hư không có tiếng nói: Ngươi nếu đi đến chỗ mà thấy là chỗ hiếm có, khó gặp thì ngươi nên làm nhà mà ở đó. Nay ta đã thấy nơi hiếm có này, ta hãy làm nhà ở trong đó.” Vua liền bỏ thành cũ mà ở núi đó. Vị vua ấy đầu tiên trú ở nơi đó, từ đó về sau, đời đời tiếp nối ở đó. Vị vua ấy tiên khởi tạo lập Cung xá, nên gọi là thành Vương-xá.
Lược nói “Thành Vương-xá” đã xong. 
KINH: Trong núi Kỳ-xà-quật-Gṛdhrakūṭa.
LUẬN: “Kỳ xà” là chim Thứu, “Quật” là núi[1]
Hỏi: Sao gọi là Thứu đầu sơn?
Đáp: Núi ấy đỉnh tợ chim Thứu. Người ở thành Vương-xá thấy núi ấy tợ chim Thứu, nên cùng nhau truyền miệng nói là Thứu đầu sơn, nhân đó mà gọi là Thứu đầu sơn.
Lại nữa, trong rừng Thi-đà ở phía nam thành Vương-xá,
 

[1] T. 34: Diệu pháp liên hoa kinh văn cú (妙法蓮華經文句), quyển 1, tr. 5b28-c6: Núi Kỳ-xà-quật: dịch là Linh-thứu; cũng gọi là Thứu-đầu; cũng gọi là Lang-tích. Lại giải thích rằng:  Núi Phong giống như chim kênh kênh nên lấy phong đặt tên cho núi. Núi phía nam có Ni-đà-lâm (Śītavana), kênh kênh (chim thứu) thường đến ăn rồi trở lại đậu ở đầu núi, người bấy giờ gọi là Thứu sơn; Lại giải thích rằng Phật qúa khứ và hiện tại đều ở trên núi này, nếu sau khi phật diệt độ A-la-hán (Arhat) ở, Pháp diệt thời Bích-chi-phật ở (trú), không có Bích-chi-phật quỷ thần ở, đã là nơi cư trú của Thánh linh, tổng có ba việc, nhân đó gọi là Linh thứu sơn.
 

* Trang 106 *
device

có nhiều xác người chết, các chim Thứu thường đến ăn rồi trở lại đậu ở đầu núi, người bấy giờ bèn gọi là Thứu đầu sơn. Núi này là núi cao lớn nhất trong năm núi, có nhiều rừng đẹp, nước tốt, các bậc Thánh hay ở đó.
Hỏi: Đã biết nghĩa của núi Kỳ-xà-quật, còn vì sao Phật trú ở thành Vương-xá? Pháp của chư Phật là từ bi đối với tất cả, như mặt trời chiếu sáng vạn vật không đâu là không tới. Có các thành lớn như Âu-kỳ-ni (Ujjayinī), Phú-lâu-na Bạt-đàn (Puṇḍravardhana), A-lam-xa-đa-la (Ahicchatra), Phất-ca-la-bà-đa (Puṣkarāvatī)… những thành lớn như vậy, đông đúc, giàu vui, sao Phật không trú ở đó, mà thường trú ở thành Vương-xá (Rājagṛha) và Xá-bà-đề (Xá-vệ-Srāvastī)? Các thành Ba-la-nại (Vārānasī), Ca-tỳ-la-bà-(Kapilavastu), Chiêm-bà (Canpā), Ta-sí-đa (Sāketa), Câu-diệm-di (Kausāmbī), Cưu-lâu (Kuru) v.v… tuy có khi Phật trú ở các nơi đó, nhưng phần nhiều Phật trú ở thành Vương-xá và Xá-bà-đề. Làm sao biết Phật phần nhiều trú ở hai nơi đó? Vì thấy các kinh Phật phần nhiều nói ở hai thành ấy, mà ít nói ở thành khác?
Đáp: Phật tuy đại từ với khắp cả, nhưng các đại thành Âu-kỳ-ni v.v… là nơi biên quốc nên không trú ở. Lại không ở đất Di-ly-xa, vì kẻ tệ ác nhiều, thiện căn chưa thuần thục, như kệ nói:
“Như ánh mặt trời chiếu,
Hoa đến lúc thì nở,
Nếu hoa chưa thể nở,
Không thể ép phải nở.

Phật cũng lại như thế,
Bình đẳng mà thuyết pháp

* Trang 107 *
device

Thiện căn chín thì nở,
Chưa chín thời không nở.

Vì vậy nên Thế Tôn,
Trú trong ba hạng người,
Lợi trí, thiện căn chín,
Kiết sử phiền não mỏng.”
Lại nữa, vì tri ân nên Phật phần nhiều trú ở hai thành Vương-xá và Xá-bà-đề.
Hỏi: Vì tri ân như thế nào mà phần nhiều trú ở hai thành ấy?
Đáp: Nước Kiều-tát-la là nơi đức Phật đản sanh. Như Phật trả lời vua Tần-bà-ta-la (Bimbisara) rằng:[1]
                           “Có Quốc độ tốt đẹp,
                           Ở tại bên núi Tuyết,
                           Giàu vui, nhiều báu lạ,
                           Tên gọi là Kiều-tát-la (Kosala).

                           Họ Thích, giống mặt trời,

                           Ta sanh trong họ đó,
                           Tâm chán già, bệnh, chết
                           Xuất gia cầu Phật đạo.”
Lại, vua Ba-tư-nặc (Prasenajit), Quốc chủ nước Kiều-tát-la (Kosala) trú ở trong đại thành Xá-bà-đề (Sravatthi). Phật là Pháp chủ cũng trú ở thành này, vì hai chủ thì nên ở một nơi, nên Phật phần nhiều trú ở Xá-bà-đề (Xá-vệ).
Lại nữa, nước Kiều-tát-la là nơi sanh thân của Phật, vì
 

[1] T. 3: Chúng hứa ma ha đế kinh (眾許摩訶帝經), quyển 5, tr. 947c-948a, T. 4: Phật sở hành tán (Buddhacarita-佛所行讚), quyển 3, tr. 19-20. T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da phá tăng sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事), quyển 4, tr.  118b-119a. T.  29: A-tỳ-đạt-ma  câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-俱舍論), quyển 3, tr. 119a3.
 

* Trang 108 *
device

tri ân nên Phật trú ở Xá-bà-đề nhiều.
Hỏi: Nếu vì tri ân mà ở Xá-bà-đề nhiều, thì nước Ca-tỳ-la-vệ gần chỗ Phật sanh, sao không trú ở đó nhiều?
Đáp: Phật đã dứt hết kiết sử, không còn dư tập, nên dù gần thân thuộc cũng không sanh dị tưởng. Nhưng các đệ tử giòng họ Thích phần nhiều chưa ly dục, nếu ở gần người thân thuộc, thời tâm nhiễm trước dễ sanh.
Hỏi: Vì sao Phật không bảo hộ cho các đệ tử người thành Xá-bà-đề, mà lại trú ở đó nhiều?
Đáp: Đệ tử ở Ca-tỳ-la-bà nhiều. Khi Phật mới trở về nước cùng với một nghìn Tỳ-kheo của anh em Ca-diếp, họ là những người trước đã tu theo pháp Bà-la-môn, hành khổ hạnh trong núi nên thân hình tiều tụy. Lúc Phụ vương của Ngài trông thấy họ, cho rằng các Tỳ-kheo ấy không đủ để làm rạng rỡ cho đức Thế Tôn, vua liền chọn con em của các quý nhân họ Thích và các tráng niên của thường nhân, mỗi hộ một người khiến xuất gia. Trong số đó, có người thiện tâm vui đạo, có người không vui; còn các Tỳ-kheo ấy, vua giữ lại không cho họ trở về bản xứ. Còn chúng đệ tử người Xá-bà-đề thì không như vậy, vì vậy nên Phật thường trú ở Xá-bà-đề mà không thường trú ở Ca-tỳ-la-bà.
Lại nữa, phép xuất gia không nên ở gần thân thuộc, vì gần thân thuộc tâm dễ nhiễm trước, như lửa như rắn. Như con các Bà-la-môn tại gia, vì sự học vấn mà không ở tại quê nhà, huống là hàng xuất gia Sa-môn.
Lại nữa, thành Xá-bà-đề lớn, thành Ca-tỳ-la-bà không

* Trang 109 *
device

được như vậy. Thành ở Xá-bà-đề có chín ức nhà, nếu trú ở đó ít thời gian thì không thể độ được nhiều người, vì vậy cần phải trú ở đó lâu hơn.
Lại nữa, thành Ca-tỳ-la-bà là nơi Phật đản sinh; người trong đó đã tập hành lâu ngày, thiện căn thuần thục, trí tuệ lanh lợi, Phật chỉ ở đó một thời gian ngắn để thuyết pháp, không cần đợi lâu, hóa độ xong rồi đi. Còn người ở Xá-bà-đề, hoặc mới tập hành, hoặc tập hành đã lâu, hoặc thiện căn thuần thục, hoặc thiện căn chưa thuần thục, hoặc lợi căn, hoặc độn căn, vì học nhiều thứ kinh thơ mà tâm lanh lợi, rơi vào các lưới tà kiến, thờ đủ hạng thầy, thuộc đủ loại trời, và người tạp hành nhiều, vì vậy Phật ở đó lâu. Như thầy trị ung nhọt, biết mụn nhọt đã chín, phá cho vỡ mủ ra, xức thuốc rồi đi, nếu mụn nhọt chưa chín thời ở lại lâu mà bôi, chớm thuốc. Phật cũng như vậy, nếu đệ tử thiện căn thuần thục thì giáo hóa xong liền đi đến chỗ khác; nếu đệ tử có thể độ mà thiện căn chưa thuần thục thời Ngài phải ở lại lâu.
Phật xuất hiện thế gian, chính vì muốn độ chúng sanh, đưa đến cảnh giới Niết-bàn, nơi vui sướng an ổn, cho nên phần nhiều trú ở Xá-bà-đề mà ít trú ở Ca-tỳ-la-bà.
Phật vì chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thành tựu pháp thân là ở xóm Ưu-lâu-tần-loa bên sông Ni-liên-thuyền thuộc nước Ma-kiệt-đà, nên trú ở thành Vương-xá nhiều.
Hỏi: Đã biết nhân duyên trú ở thành Vương-xá và Xá-bà-đề nhiều, trong hai thành ấy, sao Ngài lại trú ở thành

* Trang 110 *
device

Vương-xá nhiều hơn?
Đáp: Vì báo ân chỗ sanh thân nên Ngài trú ở thành Xá-bà-đề nhiều. Hết thảy chúng sanh đều nhớ nghĩ đến sanh địa, như kệ nói:
“Tất cả luận nghị sư,
Yêu mến điều mình biết,
Như người nhớ sanh địa,
Tuy xuất gia còn lụy.”
Và, vì để báo ân được thành tựu Pháp thân (dharmakāya) nên Ngài trú ở thành Vương-xá nhiều. Chư Phật đều yêu mến Pháp thân. Như kệ nói:
“Chư Phật trong quá khứ,
Hiện tại và vị lai,
Đều cúng dường, thờ kính,
Và tôn trọng pháp thân (dharmakāya).
Pháp thân thù thắng hơn sanh thân, nên trong hai thành ấy, Ngài trú ở thành Vương-xá nhiều hơn.
Lại nữa, vì ở đó, tinh xá có chỗ tọa thiền nhiều, chỗ khác không có, như Trúc Lâm (Veḷuvana), Bệ-bà-la-bạt-thứ, Tát-đa-ban-na-cầu-ha, Nhân-đà-thế-la-cầu-ha, Tát-bà Thứ-hồn-trực-ca-bát-bà-la. Trong năm núi Kỳ-xà-quật của thành Vương-xá có năm tinh xá như vậy, Trúc Lâm tinh xá ở bình địa, các nước khác không có nhiều tinh xá như ở đây. Thành Xá-bà-đề có một tinh xá Kỳ Hoàn và một Ma-già-la-mẫu-đường, không có nơi thứ ba. Nước Ba-la-nại có tinh xá ở trong vườn Nai, tên là Lê-sư-bàn-đà-na. Thành Tỳ-gia-lê có

* Trang 111 *
device

hai nơi là Ma-ha-bàn và Lâu-xá bên bờ ao Di-hầu. Câu-diệm-di có một nơi tên là vườn Cù-sư-la. Các nước như vậy, hoặc một nơi có tinh xá, hoặc rừng cây trống. Vì thành Vương-xá có nhiều tinh xá thích hợp cho người tọa thiền, nên Phật trú ở đó nhiều.
Lại nữa, trong thành đó có Lục sư ngoại đạo là Phú-na-la v.v… Họ tự nói ta là người Nhất thiết trí, sánh đối với Phật. Lại có các luận nghị sư ngoại đạo như Trường trão Phạm-chí họ Bà-ta, Câu-ca-na-đại v.v… là những oan gia của Phật, không tin Phật pháp, ôm lòng tật đố. Vì có bọn người đó, nên Phật trú ở đó nhiều. Ví như chỗ có cỏ độc thì gần bên đó nhất định có thuốc hay. Lại như kệ nói:
“Ví như con sư tử.
Là vua trăm loài thú,
Mà thét với sâu con,
Tất bị chúng chê cười.

Nếu ở giữa cọp beo,
Là loài thú dũng mãnh,
Mà hăng hái thét to,
Kẻ trí nên như vậy.”

“Các thầy luận nghị như mãnh hổ,
Ở trong chúng không còn sợ hãi.
Bậc đại trí tuệ thấy nghe nhiều,
Là tối đệ nhất trong chúng đó.”
Vì các người đại trí đa văn đều ở thành Vương-xá, nên

* Trang 112 *
device

Phật trú ở đó nhiều.
Lại nữa, vua Tần-bà-tà-la đến ở đền thờ Già-gia, rước Phật và một ngàn A-la-hán đã trừ kiết sử. Lúc ấy Phật thuyết pháp cho vua, vua được đạo quả Tu-đà-hoàn, liền thỉnh Phật: “Xin Phật và tăng đi đến thành Vương-xá của con, suốt đời thọ nhận y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược.” Phật liền nhận lời. Vì vậy Phật trú ở thành Vương-xá nhiều.
Lại nữa, trong bốn phương của Diêm-phù-đề, phương Đông kể đầu, vì nơi mặt trời mọc, tiếp đến phương Nam, Tây, Bắc. Tại phương Đông, nước Ma-kiệt-đà là tối thắng. Trong nước Ma-kiệt-đà, thành Vương-xá là tối thắng, trong đó có mười hai ức nhà. Sau khi Phật Niết-bàn, vua A-xà-thế vì lẽ nhân dân ít dần nên bỏ đại thành Vương-xá, mà dựng một thành nhỏ bên đó, rộng và dài một do tuần, đặt tên là Ba-ta-phất-đa-la (Pataliputra) còn lớn hơn các thành khác, huống gì thành cũ Vương-xá.
Lại nữa, trong thành đó người phần nhiều thông minh, đều học rộng biết nhiều, các nước khác không như thế.
Lại nữa, Phật dự biết có người đáng được độ, chờ thời, chờ nói, chờ người giáo hóa mới có thể đắc đạo, đó là Thích-đề-hoàn-nhơn và tám vạn chư thiên, phải ở trong thạch thất của Ma-già-đà mà đắc đạo, vì thế nên Phật trú ở thành Vương-xá nhiều.
Lại nữa, nước Ma-già-đà giàu vui, khất thực dễ được, các nước khác không bằng. Vì ba nhân duyên: Một, vua Tần-bà-ta-la ước sắc trong cung thường sắm sửa thức ăn cho một

* Trang 113 *
device

ngàn Tỳ-kheo. Hai, Thọ-đề-già tuy sanh ở trong loài người mà hưởng thọ khoái lạc chư thiên; lại có nhiều Ưu-bà-tắc giàu sang. Ba, Long vương Ba-la-la có thiện tâm vâng theo giáo hóa, làm đệ tử Phật, thường làm mưa tốt, trừ cơ cẩn cho đời, nên nước được no đủ. Như sau khi đức Phật Niết -bàn, Trưởng lão Đại Ca-diếp muốn kết tập Pháp tạng, suy nghĩ: “Nước nào no đủ an vui, khất thực dễ được, để dễ chóng được kết tập pháp tạng?”, suy nghĩ như vậy xong, nhớ trong thành Vương-xá, có vua Tần-bà-ta-la ước sắc thường sắm sửa thức ăn cho một ngàn Tỳ-kheo. Vua Tần-bà-ta-la tuy đã chết, mà lệ ấy vẫn còn, ở đó khất thực dễ được, dễ kết tập pháp tạng. Các chỗ khác không thể thường cúng dường như vậy. Nếu lúc đi khất thực, gặp các ngoại đạo đến luận nghị, nếu luận nghị với họ thì việc kết tập pháp tạng bị bê trễ, nếu không luận nghị với họ, thời họ sẽ nói các Sa-môn không bằng ta.” Suy nghĩ như vậy, Ngài Ca-diếp chọn lấy một ngàn A-la-hán tối thượng, dẫn đến núi Kỳ-xà-quật kết tập Kinh tạng. Như trong A-hàm và Tỳ-ni nói rằng nước Tỳ-gia-ly có lúc cũng đói khát. Như trong kinh Hàng-nan-đà-bà, Nan-đà Long vương nói:[1] “Nước Bà-xá-đề đói kém, các nước khác cũng thường khi đói kém, còn trong nước Ma-kiệt-đà không có chuyện đó.”
Vì vậy nên biết nước Ma-kiệt-đà sung túc yên vui, khất thực dễ được.
Lại nữa, thành Vương-xá ở giữa các núi nhàn tĩnh, tinh xá các nước khác ở bình địa, nhiều người phức tạp ra vào, vì
 

[1] T. 15: Long vương huynh đệ kinh (龍王兄弟經), quyển 1, tr. 131a-c.
 
 

* Trang 114 *
device

qua lại dễ nên không được nhàn tĩnh. Lại trong các núi này có nhiều tinh xá, các người tọa thiền, các người thánh nhân đều ưa chỗ nhàn tĩnh, nên phần nhiều ở núi. Phật là chủ tể của các bậc Thánh và người tọa thiền, nên trú ở thành Vương-xá nhiều.
Hỏi: Nếu Phật trú ở thành Vương-xá, được rồi, nhưng sao không trú ở Trúc viên mà thường trú ở Kỳ-xá-quật?
Đáp: Tôi đã trả lời là Thánh nhân và người tọa thiền ưa ở chỗ nhàn tĩnh.
Hỏi: Còn bốn núi khác, là Bệ-bà-la-bạt-thứ v.v… sao không thường ở mà thường ở Kỳ-xà-quật ?
Đáp: Kỳ-xá-quật là tối thắng trong năm núi, tối thắng thế nào? Kỳ-xá-quật có tinh xá gần thành mà núi thì khó lên, nên hạng người tạp không hay đến, gần thành nên đi khất thực không nhọc, vì vậy Phật thường trú ở Kỳ-xà-quật, mà không ở các chỗ khác.
Lại nữa, Trưởng lão Đại Ca-diếp ở trong Kỳ-xà-quật kết tập ba Pháp tạng, độ xong những chúng sanh khả độ, muốn theo Phật vào Niết-bàn nên sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Vương-xá khất thực rồi lên Kỳ-xà-quật nói với các đệ tử: “Ta nay muốn vào Vô-dư Niết-bàn.” Nói như vậy xong, vào phòng ngồi kiết-già, các thiền định vô lậu tự huân ướp thân. Đệ tử của Đại Ca-diếp nói với các quý nhân: “Các người biết không, hôm nay Tôn giả Đại Ca-diếp vào Vô-dư Niết-bàn?” Các quý nhân nghe được đều hết sức u sầu nói: “Phật đã diệt độ, Đại Ca-diếp hộ trì Phật pháp nay lại muốn

* Trang 115 *
device

vào Vô-dư Niết-bàn!”
Các quý nhân, các Tỳ-kheo, vào lúc xế chiều tụ tập ở Kỳ-xà-quật. Trưởng lão Đại Ca-diếp lúc xế chiều từ thiền định dậy, vào giữa chúng ngồi tán thuyết về vô thường, rằng hết thảy pháp hữu vi vì nhân duyên sanh nên vô thường. Trước không nay có, có rồi hoàn không nên vô thường. Nhân duyên sanh nên vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên vô ngã, vì vô ngã nên người có trí không nên chấp ngã và ngã sở. Nếu chấp ngã và ngã sở thì bị vô lượng ưu sầu khổ não. Trong hết thảy thế giới, tâm nên nhàn chán mà cầu ly-dục. Thuyết các thứ khổ não như thế trong thế giới, khai mở tâm cho đại chúng, khiến vào Niết-bàn.
Nói lời ấy xong, Tôn giả liền mặc y Tăng-già-lê nhận được từ Phật, mang y bát, cầm tích trượng, như chim Kim-sí hiện bay lên hư không, với bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi của thân; một thân hiện ra vô lượng thân, khắp cả thế giới phương Đông; từ vô lượng thân trở lại một thân, phần thân trên xuất lửa, phần thân dưới xuất nước, phần thân trên xuất nước, phần thân dưới xuất lửa. Ở phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy, làm cho chúng tâm nhàm chán đời, đều hoan hỷ xong, Tôn giả ở tại đỉnh Kỳ-xà-quật, cùng y bát đầy đủ, phát nguyện “Nguyện cho thân tôi không hoại, khi đức Di-lặc thành Phật, cốt thân này của tôi xuất hiện trở lại, lấy nhân duyên ấy để độ chúng sanh.” Phát nguyện như vậy, Tôn giả đi thẳng vào trong đá ở trên đỉnh Kỳ-xà-quật, như đi vào bùn nhuyễn, vào xong, núi khép lại.[1] Về sau, khi con người sống
 

[1] Tham khảo T.  24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 40, tr. 409a. T. 50: A dục vương truyện (阿育王傳), quyển 4: tr. 115a. T. 27: Đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-大 毘 婆 沙 論), quyển 135, tr.  698b; T. 51: Đại đường tây vực ký (大 唐 西 域 記), quyển 9, tr.  919. T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增 一 阿 含 經), quyển 44, tr. 789a; T. 14: Di lặc đại thành Phật kinh (彌 勒 大 成 佛 經), quyển 1, p.433b.
 

* Trang 116 *
device

tám vạn bốn ngàn tuổi, thân cao tám mươi thước. Phật Di-lặc ra đời, thân Phật cao một trăm sáu mươi thước, mặt Phật hai mươi bốn thước, vòng hào quang mười dặm. Lúc ấy chúng sanh nghe đức Phật Di-lặc ra đời, vô lượng người theo Phật xuất gia. Lúc Phật ở giữa đại chúng thuyết pháp lần đầu tiên, có chín mươi chín ức người chứng được đạo quả La-hán, đầy đủ sáu thông. Hội thứ hai, có chín mươi ức người chứng được đạo quả La-hán. Hội thứ ba, có chín mươi ba ức người chứng được đạo quả La-hán. Từ đó về sau, độ vô số người.
Nhân dân bấy giờ dần dần về sau sinh biếng nhác, chán nản. Phật Di-lặc thấy chúng nhân như vậy, dùng ngón chân mà mở núi Kỳ-xà-quật ra. Lúc ấy, cốt thân của Trưởng lão Đại Ca-diếp mặc y Tăng-già-lê hiện ra, đảnh lễ chân Phật Di-lặc, rồi bay lên hư không hiện các thần biến như trước, liền ở giữa hư không tự diệt thân mà vào Niết-bàn.
Bấy giờ, các đệ tử của Phật Di-lặc trông thấy, lấy làm lạhỏi: “Đó là giới nào, tợ như người mà nhỏ, thân mặc pháp y mà có thể làm biến hóa?” Đức Phật Di-lặc đáp: “Đó là đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni ở đời quá khứ tên là Đại Ca-Diếp, tu hạnh A-lan-nhã; ít muốn, biết đủ; bậc nhất về hạnh tu Đầu Đà (dhūta) trong hàng Tỳ-kheo, chứng được Sáu thần thông, cọng giải thoát và là đại A-la-hán. Lúc ấy, con người sống một trăm tuổi, tăng thì ít mà giảm thì nhiều, cho nên thân nhỏ mà có thể làm chuyện to như thế. Các người thân lớn, lợi căn, tại sao không làm được công đức như vậy?”
Bấy giờ các đệ tử đều hổ thẹn, sanh tâm rất nhàm chán,

* Trang 117 *
device

Phật Di-lặc tùy theo tâm chúng sanh mà thuyết các pháp cho họ. Có người được A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tư-đà-hoàn, có người gieo giống thiện căn Bích-chi Phật, có người được vô sanh pháp nhẫn, Bất thối Bồ-tát, có người sanh trong loài trời, loài người hưởng thọ phước báo.
Do vậy, nên biết núi Kỳ-xà-quật là chỗ phước đức cát tường, các bậc Thánh ưa ở. Phật là chủ tể của các bậc Thánh, nên Phật thường ở núi Kỳ-xà-quật.
Lại nữa, núi Kỳ-xà-quật, là trú xứ của các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Như trong Kinh Phú-lâu-na nói: “Phật nói với Phú-lâu-na: Giả sử cho Tam thiên đại thiên thế giới đến kiếp thiêu cháy rồi lại sanh. Ta vẫn thường trú trong núi này. Hết thảy chúng sanh, vì kiết sử buộc ràng, không tạo công đức để thấy Phật, nên không thấy Ta.”
Lại nữa, núi Kỳ-xà-quật là chỗ thanh tịnh, tươi tốt của Tam thế Phật và các Bồ-tát, không còn chỗ nào như vậy, nên Phật hay trú ở núi Kỳ-xà-quật.
Lại nữa, các kinh Đại thừa đều thuyết ở núi Kỳ-xà-quật, các chỗ khác thì ít, vì sao vậy? Vì ở đó là chỗ thanh tịnh, có phúc đức, nhàn tĩnh, là chỗ tam thế chư Phật ở và Mười phương các Bồ-tát cùng tán thán cung kính chỗ đó. Chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la, Ca-lầu-la, Càn-thát-bà, Chân-đà-la, Ma-hầu-la-già v.v… Các Quỷ thần đại lực thủ hộ, cúng dường cung kính chỗ đó, như kệ nói:
“Núi Kỳ-xà-quật này,
Trú xứ của chư Phật,

* Trang 118 *
device

An nghỉ của Thánh nhân,
Vì che mát tất cả,
Các khổ được giải thoát,
Chỉ còn chân pháp thôi.”
Lại nữa, vì ở đó, vô lượng đại Bồ-tát có trí tuệ phước đức lực trong mười phương thường đến chiêm ngưỡng đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ cung kính nghe pháp. Phật thuyết kinh Đại thừa phần nhiều ở núi Kỳ-xà-quật. Trong các kinh Đại thừa, Kinh Bát nhã là tối đại, sao không thuyết ở núi Kỳ-xà-quật được!?
Lược nói núi Kỳ-xà-quật xong.

 
___________

* Trang 119 *
device

Xem mục lục