Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
KẾT
 

     Tuy nhiên khi trình bày luận thức có hai cách. Một là Cụ trần, tức trình bày đầy đủ cả ba chi là tôn, nhân, dụ. Và ở đồng dụ có hợp tác pháp, ở dị dụ có ly tác pháp, như luận thức đã nêu trên. Hai là Lược trần, tức trình bày luận thức một cách tóm lược, tuy cũng đủ ba chi tôn, nhân, dụ, song ở đồng dụ không có hợp tác pháp, ở dị dụ không có ly tác pháp. Như luận thức dưới đây:
     –      Tôn:   Tiếng là vô thường.
     –      Nhân: Vì do tác động mà có.
     –      Dụ: Như bình.
     Cũng có trường hợp lược bớt cả đồng dụ và dị dụ. Vì mục đích của Nhân minh không giống với mục đích nghiên cứu của luận lý học hình thức. Mục đích của nhân minh hoàn toàn ở chỗ thực dụng, chủ yếu làm cho người khác hiểu rõ tôn chỉ của mình, nên khi vừa nêu tôn chỉ và lý do mà bên đối phương liền công nhận hiểu rõ rồi thì không cần nêu thêm đồng dụ và dị dụ. Nếu nêu lý do rồi mà bên đối phương vẫn chưa công nhận thì mới nêu thêm đồng dụ, đã nêu đồng dụ mà họ vẫn cứ phân vân thì mới nêu tiếp dị dụ. Đây là lý do lập luận thức có khi cụ trần, có khi lược trần, không nhất định.

Xem mục lục