Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ MƯỜI BA
DẪN SÁCH THẾ TỤC ĐỂ SO SÁNH

  Cổ nhơn nói: “Tâm và tâm ấn chứng nhau” (tâm tâm tướng ấn).

               Cổ nhơn lại nói: “Biển Đông có vị Thánh nhơn, cái “Tâm” đồng và cái “lý” cũng đồng. Biển Tây có vị Thánh nhơn, cái “Tâm” đồng và cái “lý” cũng đồng. (Đông hải hữu Thánh nhơn, kỳ tâm đồng, kỳ lý đồng. Tây hải hữu Thánh nhơn, kỳ tâm đồng, kỳ lý đồng).

               Sách nho tuỳ thuộc thế pháp, nói về Nhơn thừa, nhưng có khi bàn đến “tâm lý” thì phần nhiều hợp với Phật pháp. Nay chúng ta nói  Duy Thức, cũng tạm dẫn vài chỗ để so sánh. Vậy học giả chớ nên cố chấp một bean, mà cần phải dung hội.

               Trong Hệ Từ truyện dẫn Kinh Dịch, nói: “Đạo lý Dịch không thể xa được, vì nó hằng dời đổi, biến động không ở một chỗ, chân lưu sáu cõi, trên dưới không thường, “cang” và “nhu” đổi nhau, không thể cố định chỉ biến thì thông”, (Dịch chi vị thơ giả, bất khả viễn, vị đạo giả lụ thiên, biến động bất cư, châu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cang nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thông)

               Bên Duy Thức nói về “lý”, cũng dựa trên những việc mắt thấy tai nghe, thường gặp gỡ xung quanh mà bàn, chớ không phải tìm cầu đâu xa vậy (tả hữu phùng nguyên, bất khả viễn cầu). Song, bên Duy Thức nói về “dụng” là ở nơi chủng tử khởi hiện hành; hiện hành thì sát nasanh diệt, cũng như bên kinh Dịch nói cái nghĩa: “…Hằng dời đổi, biến động không ở một chỗ…” (Lụ thiên, biến động bất cư).

               Bên Duy Thức nói: “Chủng tử tuy chứa trong A lại da thức, mà thật ra khắp giáp cả pháp giới”, Kinh Dịch cũng nói: “Châu lưu sáu cõi, trên dưới không thường” (Châu lưu lục hư, thượng hạ vô thường), cũng hiệp với kinh Phật nói cái nghĩa: “Khắp giáp cả pháp giới, trên dưới sáu phương” – “Thức” là pháp y tha duyên sanh, cho nên cũng đồng với nghĩa “vô thường” của kinh Dịch.

               Bên Duy Thức nói: “Chủng tử thì lặng đứng”, tương tợ như bên kinh Dịch nói “đức Nhu” (chủng tử tịnh chỉ tợ nhu). –Bên Duy Thức nói: “Hiện hành thì phát động”, tương tợ bên kinh Dịch nói: “đức Cang” (hiện hành phát động tợ cang). –Bên Duy Thức nói: “Chủng tử và hiện hành huân nhau, bèn thành ra các vật biến hóa, chẳng nên lầm chấp làm thật pháp” cũng như bên kinh Dịch nói “Cang và nhu đổi nhau, không thể cố định, chỉ biến thì thông” (cang nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thông).

               Bên Duy Thức nói: “Chủng tử”; tương tợ các nhà Triết học cận đại nói “bản thể”. Bên Duy Thức nói “hiện hành”; tương tợ các nhà Triết học nói “hiện tượng”. Bản thể thì yên tịnh, nên không thể thấy, còn “hiện tượng” thì động nên hiển hiện. Cũng in như trong kinh Dịch nói: “Khôn là thuận, còn Kiền là kiện” (khôn thuận, kiền kiện – “Khôn” thuộc âm, thuận sanh muôn vật. “Kiền” là dương, thuộc về tánh hỏa).

               Bên Duy Thức nói: “Cùng tột pháp giới, tất cả các pháp không ngoài chủng tử và hiện hành”. Đồng một ý, chương Hệ từ nói: Kiền Khôn là sự uẩn áo của Dịch vậy! (Kiền Khôn kỳ dịch chi uẩn da).

               Bên Duy Thức nói: “Chủng tử và hiện hành sanh nhau, thì pháp giới hiện”. Trong kinh Dịch cũng nói: “Kiền Khôn thành rồi thì đạo dịch lưu hành ở trong vậy” (Kiền Khôn thành liệt, nhi Dịch hành hồ kỳ trung hỹ).

               Bên Duy Thức nói: “Chủng tử diệt thì không hiện hành, lúc bấy giờ cũng không có pháp giới”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Bỏ Kiền Khôn đi, thời không thấy được Dịch” (Kiền Khôn huỷ, tắc vô dĩ kiến Dịch).

               Bên sách Phật nói: “Không có pháp giới, thời không có chủng tử và hiện hành, lúc bấy giờ thế gian cũng không”. Kinh Dịch cũng nói: “Đạo Dịch không hiển hiện được, thì Kiền Khôn cơ hồ như nghỉ vậy” (Dịch bất khả kiến, tắc Kiền Khôn hoặc cơ hồ tức hỹ).

               Trong kinh Dịch nói: “trên cõi hữu hình, gọi đó là Đạo” (hình nhi thượng giả vị chi đạo). Tương đương trong kinh Phật nói: “Chơn như vô vi, vô lậu” – Trong kinh Dịch nói: “Từ cõi hữu hình trở xuống, gọi đó là sự vật” (hình nhi hạ giả vị chi khí). Tương đương trong kinh Phật nói: “Những pháp sanh diệt, thuộc về hữu vi hữu lậu”.

               Trong kinh Phật nói: “Diệt sanh diệt, mà chứng Chơn như vô vi”. Kinh Dịch cũng nói: “Vật biến, là hóa đi để thành vật khác” (hóa nhi tài chi chi biến). –Kinh Phật nói: “Y Chơn như mà khởi ra pháp hữu vi sanh diệt”, cũng như trong kinh Dịch nói: “suy mà làm theo đó, thì không” (suy nhi hành chi chi thông).

               Kinh Phật nói: “Chúng sinh y lưu chuyển Chơn như mà tạo ra tất cả nghiệp lành dữ trong thế gian”, bên kinh Dịch nói: “Sắp đặt dân trong thiên hạ, gọi đó là sự nghiệp” (cử nhi thố chi thiên hạ chi dân, vị chi sự nghiệp).

               Kinh Dịch nói: “Đạo Dịch vô tư vô lự, là đạo vô vi tịch nhiên không động”. (Dịch vô tư giả vô vi giả, tịch nhiên bất động), cũng như trong kinh Phật khi nói về trạng thái: “Chủng tử chưa khởi hiện hành”. – Kinh Dịch nói: “Có cảm ứng thì mới thông cái cớ trong thiên hạ” (cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố), cũng như Kinh Phật khi nói về trạng thái: “Chủng tử đã khởi hiện hành”.

               Bên kinh Phật nói: “Duy chủng tử mới khởi ra được hiện hành, song quyết phải nhờ các duyên”, giống như bên kinh Dịch nói: “Có cảm thì mới thông, không cảm thì không thông vậy” (cảm nhi thông, vị bất cảm tắc bất năng thông hỷ).

               Kinh Phật nói: “Chủng tử được chứa trong thức A lại da, lẳng lặng vậy không động”, tương đương bên kinh Dịch nói: “Không có nghĩa là đóng” (Hạt hộ, vi chi khôn). – Kinh Phật nói: “Chủng tử gặp duyên, thì từ trong Tàng thức khởi ra hiện hành” giống như trong kinh Dịch nói: “Kiền, có nghĩa là mở” (Tịch hộ, vị chi kiền).

               Kinh Phật nói: “Đồng thời nương cái Thể của Tàng thức và đồng thời làm chủng tử, nhưng khi gặp duyên thì nó thoạt vậy hiện khởi ra”, cũng như trong kinh Dịch nói: “Một đóng một mở gọi là biến” (nhứt hạt nhứt tịch, vị chi biến).

               Kinh Phật nói: “Chủng tử và hiện hành thông nhau biến hóa qua lại, qua lại không cùng”. Đồng bên kinh Dịch: “Vãng lai không cùng gọi đó là thông”. (vãng lai bất cùng vị chi thông).

               Kinh Phật nói: “Hiện hành thì thấy vạn tượng sum la”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Những vật thấy được, gọi đó là tượng” (kiến nải vị chi tượng) – Kinh Phật nói: “Nương vạn tượng sum la làm bản chất, rồi dùng năm Thức trước duyên vào đó, thành ra những hình hình sắc sắc trong vũ trụ”, cũng như kinh Dịch nói: “Hình gọi là khí” (hình nải vị chi khí).

               Kinh Phật nói: “Y những hình hình sắc sắc kia, rồi đặt ra các tên kêu gọi để mà dùng đó”. Kinh Dịch cũng nói: “Chế ra mà dùng đó, gọi là Pháp” (chế nhi dụng chi, vị chi pháp).

               Kinh Phật nói: “Chúng sinh nương các pháp đây, rồi khởi ra vọng chấp, nên phải bị trầm luân trong bể sinh tử. Nếu phá trừ các pháp chấp thì được xuất ly”, cũng như kinh Dịch nói: “lợi dụng ra vào” ( lợi dụng xuất nhập).

               Kinh phật nói: “… Song, chúng sanh không ra ngoài muôn pháp, mà thường dùng đó, cái thần diệu không thể xét lường”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Dân đều dùng đó, gọi là Thần” (dân hàm dùng chi, vị chi thần).

               Nhà Duy Thức nói: “Thế gian hiện thấy sơn hà đại địa tất cả các pháp, đều do Duy Thức biến hiện, chẳng phải thật có. – Vì sợ e người đời không tin, nên nhà Duy Thức lại dẫn ra bốn món “trí” để chứng minh, mong cho người đời nhờ đấy mà ngộ nhập được lý Duy Thức”.

               1. Cái “Trí” hiểu biết của mỗi loài khác nhau (tương vi thức tướng trí) – Như đồng một vật, mà loài người thì thấy là nước, loài trời thì thấy là ngọc lưu ly, loài quỷ thì thấy là máu mủ, loài cá rồng thì lại thấy là cung điện. Nếu cảnh vật thật có, thì các loài phải thấy như nhau, tại sao lại sai khác như thế?

               2. Cái “trí hiểu biết” không có cảnh bị duyên (vô sở duyên thức trí) – Những cảnh quá khứ, vị lai, chiêm bao đều không có thật, chỉ do Thức biền hiện ra, rồi tự duyên đó thôi.

               3. “Trí hiểu biết” của phàm phu đáng lẽ không điên đảo (tự ưng vô đảo trí) – Nếu cảnh vật có thật, thì cái trí hiểu biết của phàm phu thấy thật ngã thật pháp, đáng lẽ phải không điên đảo. Nếu không điên đảo thì đáng lẽ phải được giải thoát, chớ không cần dụng công tu hành, vì sự thấy biết của họ đúng với sự thật, không điên đảo vậy.

               4. Cái “Trí” tuỳ theo ba trí sau này mà biến chuyển (tuỳ tam trí chuyển trí).

               a) Cái Trí, tuỳ trí của những người đã chứng được quả tự tại mà chuyển biến (tuỳ tự tại giả trí chuyển trí) – Những người đã chứng được quả tự tại, tuỳ họ muốn chuyển biến đất nước gió lửa… thì đều được biến thành đất, nước, gió, lửa…Nếu các cảnh vật thật có, thì làm sao biến đổi được?

               b) Cái Trí, tuỳ trí của người quán sát mà sanh (Tuỳ quán sát giả trí chuyển trí) – Người tu thiền định hoặc quán tưởng khi được thù thắng rồi, tuỳ họ quán tưởng một cảnh nào, thì tướng ấy đều hiện ra trước. Nếu cảnh thật có, thì làm sao lại tuỳ tâm biến hiện được.

               c) Cái Trí, tuỳ người đặng Vô phân biệt trí, chuyển sanh (Tuỳ vô phân biệt trí chuyển trí) _ Người khi đã chứng được Vô phân biệt trí rồi, thì tất cả các cảnh tượng hiện tiền đều kh6ong còn. Nếu các cảnh vật thật có, thì làm sao lại chẳng còn?

               Cái lý “Duy Thức, không có thật cảnh” này, nhà Duy Thức, hiểu đã sâu, nói cũng tường tận. _ Chí ư vị Thánh Nhơn làm ra kinh Dịch, tuy chưa có thể trình bày được rõ ràng, nhưng thật ra cũng có chỗ hiểu ngộ. Như Ngài nói rằng: “Người Nhơn thấy đó là nhơn; người Trí thấy đó là trí” (Nhơn giả kiến chi vị chi nhơn, Trí giả kiến chi vị chi trí).

               Bên sách Nho nói cái “cảnh Nhơn”, tức là bên kinh Phật nói cái “tướng phần” của Thức người Nhơn vậy. _Cái “tướng phần” kia là từ nơi cái “kiến phần” sanh; cho nên bên Nho nói: “Người nhơn thì thấy là nhơn, còn người bất nhơn thì không thể thấy được cảnh nhơn”.

               Bên sách Nho nói: “Cảnh của người Trí”, tức là bên kinh Phật nói “cái tướng phần của thức người trí”. _ Cái “tướng phần” là từ nơi kiến phần sanh; cho nên bên sách Nho nói: “Người Trí mới có thể thấy đó, còn người không trí thì không thể thấy được cảnh trí”.

               Bên sách Nho nói: “Thức người Nhơn thì thấy cảnh Nhơn, Thức người Trí thì thấy cảnh Trí”, tức là bên kinh Phật nói cái nghĩa “các cảnh vật tuỳ Thức biến hiện” vậy.

               Nếu vị Thánh Nhơn kia, không thật hiểu ngộ được lý Duy Thức, thì đâu nói được như thế.

               Lại nữa, vị Thánh Nhơn kia đã hiểu ngộ được lý Duy Thức rất thâm thuý, lại thường than cho người đời, xem kỹ mà không thấy (thục thị nhi bất kiến); cho nên Ngài mới than rằng: “Trăm họ thường ngày dùng đến mà không biết!” (bách tánh nhật dụng, nhi bất tri).

               Sách Đại học nói: “Muốn cho “tâm” mình được chơn chánh, thì trước phải sửa cái “ý” của mình thành thật; muốn cho cái “ý” của mình thành thật, thì trước phải có cái “biết” của mình được thấu đáo; cái “biết” được thấu đáo là do đã cùng tột được sự vật”.

               Trong sách Đại học nói “Tâm” tức là bên Duy Thức chỉ cho Thức “ A lại da” thứ tám vậy. _ Sách Đại học nói “ý” tức là bên Duy Thức chỉ cho  Thức “Mạt na” thứ bảy vậy. _ Sách Đại học nói “tri”, tức là bên Duy Thức chỉ cho “tác dụng phân biệt của Ý thức” thứ sáu vậy.

               Thức A lại da thì sát na sanh diệt, không có thật ngã và thường nhứt, làm chủ tể. Nhưng vì Thức Mạt na thứ bảy, vọng chấp kiến phần của Thức A lại da cho là thật ngã và thường nhứt, có thể làm chủ tể, nên khiến cho cái chơn tướng của Thức A lại da chẳng hiện. Bên Nho gọi đó là “Tâm không chánh”.

               Nếu muốn cái “tâm” mình được chơn chánh, quyết phải đối trị bốn món phiền não tương ưng với Thức thứ Bảy này là: ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Khi bốn món phiền não đã hết rồi, thì chuyển được Ý thức nhiễm ô, trở lại thành Ý thức thanh tịnh. Lúc bấy giờ Thức thứ Bảy, không những chẳng chấp Thức A lại da làm ngã, mà lại thường quan sát Thức A lại da là vô ngã. Chỗ này đồng với bên sách Nho nói: “Cái ý  được thành thật”.

               Song cái bản tánh của Thức thứ Bảy là vô ký, nên cái tác dụng của nó yếu hèn. Vì tự nó không thể đối trị được phiền não, nên quyết phải đợi Thức thứ Sáu nhập quán nhị không: quán sát biết được ngã và pháp đều không. Lúc bấy giờ Thức thứ Sáu  chuyển thành “Diệu quán sát trí”, thì Đệ thất thức cũng nhờ đó mà bỏ được bốn món phiền não, chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”. Đến đây đồng bên sách Nho nói: “Muốn  cái “ý” được thành thật, thì trước phải cái “biết” thấu đáo”. – Nói “cái biết thấu đáo”, tức là chỉ cho cái Ý thức nhập hai món “quán không” vậy (nhơn không, pháp không).

               Khi nhập pháp quán, hoặc duyên cái tướng chung của các pháp, hoặc duyên cái tướng riêng của các pháp. Tuy chủng loại rất nhiều, nhưng đều đã phân tích cái ảnh tượng tướng phần, để vào thật tướng. Chỗ này đồng trong sách Đại học nói: “Biết được chu đáo là do đã tột sự vật”.

               Khi Ý thức nhập pháp “quán không”, được chuyển thành “Diệu quán sát trí” thì đồng bên sách Đại học nói: “Tột sự vật, vậy sau cái “biết” mới chu đáo”.

               Do Đệ lục Ý thức được chuyển thành trí, nên Thức Mạt na cũng nhờ đó mà chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”. Đồng bên sách Đại học nói: “cái biết được chu đáo, vậy sau cái “ý” mới thành thật”.

               Do Thức Mạt na đã chuyển thành “Bình đẳng tánh trí” không còn chấp Đệ bát thức làm ngã, nên khiến cho chơn tướng của Đệ bát thức được hiển  bày và chuyển thành “Đại viên cảnh trí”, chỗ này đồng trong sách Đại học nói: “cái ý được thành thật, vậy sau cái “tâm” mới chơn chánh”.

               Năm căn trước là tướng phần của Đệ bát A lại da thức. Năm Thức trước y năm căn mà phát sanh, nó cũng tuỳ theo Đệ bát A lại da thức mà chuyển lại đặng “Thành sở tác trí”. Nghĩa là cái trí này, hay tạo tác thành tựu các sự nghiệp trong thế gian như thân, tâm, quốc gia, thiên hạ v.v….Đồng trong sách Đại học nói: “Tâm có chơn chánh vậy, sau thân mới tu; thân có tu vậy, sau trong gia đình mới tề; gia đình có tề vậy, sau nước nhà mới thạnh trị; nước nhà có thạnh trị vậy, sau thiên hạ mới được thái bình”.
 

   Dịch xong ngày 28 tháng Chạp năm 

Xem mục lục