Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

 

BÀI THỨ HAI
NÓI VỀ YẾU CHỈ CỦA DUY THỨC
(CÓ BỐN ĐOẠN)

I. NĂNG VÀ SỞ ĐỀU DUY THỨC

  Chữ “Duy” nghĩa là “chỉ” hay “riêng một”. Nói Duy thức là nói tất cả sự vật hình hình sắc sắc trong vũ trụ đều không thật có, chỉ do Thức biến hiện; không có một vật nào ngoài Thức. Muốn rõ nghĩa này, phải căn cứ trên nghĩa “Thức là hiểu biết phân biệt” mà bàn. Như núi, sông, đất, nước v.v…  là những cảnh vật “bị (sở) hiểu biết phân biệt”; còn mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… của chúng ta, là cái Thức “hay (năng) hiểu biết phân biệt”. Nếu không có núi, sông là cảnh vật “bị phân biệt”,thì cũng không thể tự đâu mà khởi ra cái “hay (năng) phân biệt” được. Trái lại, nếu không có mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… là cái “Thức hay phân biệt”; thì cũng không thể phân biệt được cảnh vật “bị phân biệt”. Bởi thế, nên “năng phân biệt” (cái hiểu biết) và “sở phân biệt” (vật bị hiểu biết) như một, không thể rời nhau; cho nên nói là “Duy thức”. Cũng như   “tánh hay chảy” của nước, cùng với “dòng nước bị chảy” đều đồng một thể, là nước.

Duy thức (nước)

1-      Hay phân biệt – tánh hay chảy (ướt)

2-      Bị phân biệt – dòng nước bị chảy

II. CÁC ẢNH TƯỢNG ĐỀU DO DUY THỨC BIẾN HIỆN

  Nói “Duy thức” nghĩa là nói “muôn sự muôn vật trong thế gian này, đều là cái ảnh tượng do Duy thức biến hiện, không có một vật nào chân thật cả”. Cũng như trong nhà tối không có ánh sáng, thoạt đốt một ngọn đèn, thời cả nhà đều sáng, cái ánh sáng đó là giả ảnh của đèn. Trong Thái hư, không có thế giới và các sự vật, mà thấy có thế giới và sự vật đó là giả danh, do Duy thức biến hiện.

III. DO DUY THỨC BIẾN HIỆN, NÊN VỌNG THẤY CÓ CÁC CẢNH VẬT

  HỎI: Thế giới nếu thật không, tại sao hiện nay người ta đều thấy có thật?

  ĐÁP: Thí như trong hư không, không có hoa đốm, nhưng vì người bệnh (nhặm) con mắt, nên thấy có hoa đốm giữa hư không. Và cũng như người mang gương xanh thì thấy tất cả cảnh vật đều xanh; người mang gương vàng thấy cảnh vật đều vàng v.v…

  Hiện nay chúng phàm phu, vọng thấy các cảnh vật đều thật có, là do “mắt nhặm” cả (mê vọng). Cho đến các nhà học giả như khoa học, triết học v.v… cũng đều thiên chấp một bên cho là thật có, mà bài xích về phương diện khác cho là toàn không; đây cũng vì họ đeo cái gương màu vậy. Nay bàn về Duy thức học, tức là để trừ bệnh nhặm mắt của kẻ phàm phu và lột gương màu của hàng học giả, nên nói thẳng rằng “Tất cả muôn vật đều Duy thức biến hiện”.
Muôn vật

1-      Người chấp có:

a)      Phàm phu (mắt bệnh)

b)      Học giả (mang gương màu)

2-      Người ngộ Duy thức: Do Thức biến hiện

IV. ĐỊNH NGHĨA CHỮ “PHÁP”

  Trong Duy thức nói “muôn pháp”, tức là người đời nói “muôn sự  muôn vật”. Nhưng cái giới nghĩa của chữ  “muôn sự muôn vật” không rõ ràng và đích xác bằng chữ “Pháp”. Vì theo nhà Duy thức định nghĩa chữ  “Pháp”, là “cái gì nó gìn giữ được bản thể của nó, làm cho người ta trông đến nhận biết đó là vật gì, thì kêu là một pháp (nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải). Cũng như cái chén để trên bàn đây, bởi nó gìn giữ được hình thể của nó, cho nên người ta trông đến thì biết đó là cái chén. Phải có nghĩa rõ ràng và nhất định như thế, mới gọi là “một pháp”.

Xem mục lục