Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

LÀM RA PHÂN VƯỜN NHÀ

Như một phần trong nỗ lực làm cho người ta ý thức về môi trường hơn, thị xã Northampton của tôi, bang Massachusetts, đã khuyến khích mọi người dân lấy rác làm phân trong vườn. Rốt cuộc, mỗi chút gì cũng góp phần giải quyết những vấn nạn môi sinh : rác choán mất đất, nhiễm chất hóa học, phá rừng, đất bị xói mòn và tầng ô-zôn biến mất. Mỗi gia đình được giao cho những cẩm nang làm ra với những chỉ dẫn chi tiết dùng các vật thải bỏ. Như vậy không chỉ làm giảm khối lượng rác mà còn làm đất mầu mỡ hơn. Khi tôi đọc cuốn cẩm nang, tôi nhớ một bài thơ Chân tông của Chisho Yanagida :

Khi đất đai nhận những chất thải bỏ
Chất thải bỏ biến thành đất
Không cần thiết phải biến đổi thành đất
Để trở thành phần của đất.
Đất đai nhận bất cứ cái gì cho nó
Không có yêu cầu, đòi hỏi nào.

Nam mô A Di Đà Phật nhận lấy
Một người như chính nó.
Khi niệm Phật nhận lấy một người,
Bất kể là ai hay là gì,
Người ấy được chuyển hóa thành niệm Phật,
Tôn vinh và ban phước cuộc đời.

Niệm Phật nhận tôi như tôi là,
Bất toàn và khiếm khuyết,
Với những lo âu và vấn nạn,
Và chuyển hóa mọi sự
Thành những nội dung của đức hạnh cao nhất.

Sự kỳ diệu của con đường niệm Phật là nó không đòi hỏi một người phải trở nên thông thái hơn, tốt hơn hay hoàn hảo hơn. Nhưng nó đòi hỏi chúng ta chính thức trở thành thật sự như những con người bằng cách thức giấc với lòng bi vô biên đang hộ trì chúng ta. Khi làm thế chúng ta nhận ra những giới hạn và bất toàn của chúng ta như là những chúng sanh mang nghiệp và cuối cùng những cái ấy được chuyển hóa thành những nội dung của đức hạnh cao nhất. Khi “những thứ gạch vụn được chuyển hóa thành vàng”, sự tràn đầy phong phú của Phật pháp được biểu lộ trong đời sống của một con người.

Vài năm trước, vợ tôi và tôi sống trong một căn nhà ở Los Angeles với đứa con hai tuổi. Một hôm, tôi hỏi nó khi lớn lên muốn trở thành cái gì. Đấy có vẻ là một câu hỏi lừa gạt đối với một đứa bé hai tuổi, nhưng nó tức thì la lên, “Người đổ rác !” Vâng, tôi không nhất thiết hy vọng nó nói, “Học giả Phật giáo !” nhưng sự lựa chọn nghề nghiệp của nó khá gây ngạc nhiên. Tuy nhiên tôi nhớ đến sự say mê của nó với chiếc xe tải vệ sinh trắng bóng đến nhà chúng tôi mỗi sáng thứ ba lấy thùng đựng rác. Khi phần sau của chiếc xe tải khổng lồ rầm rầm mở ra, nó nuốt mọi thứ rác công nhân vệ sinh ném vào. Tôi nghĩ thằng bé ngạc nhiên biết bao – giống như một con quái vật nuốt đồ ăn. Bấy giờ tôi nói, “OK, nhưng trở thành người Phật giáo sưu tập rác tốt nhất thế giới !”

Cho đến lúc đó tôi đã không ngừng nhìn xem những chiếc xe hốt rác và những công nhân vệ sinh, nhưng do luôn luôn tìm một ẩn dụ lớn, tôi bắt đầu suy nghĩ những ám chỉ siêu hình của việc ấy. Bởi vì rác chúng ta mang theo chung quanh chúng ta – sự vô minh, những lỗi lầm, những nghiện ngập, những tự phụ và những bệnh loạn thần – tất cả đều được nhận lấy không một lời hỏi han, A Di Đà giống như một người sưu tập rác sẵn sàng nhận những thứ bị khước từ và đổ vào bãi rác Tịnh Độ (được tạo ra một cách thích hợp bởi một người bạn láu lĩnh). Bởi vì mọi thứ đều được biến thành phân vi sinh trong cánh tay bi mẫn của A Di Đà, bãi rác tự chuyển hóa thành chất dinh dưỡng có thể giúp cho một đời sống phong phú và mầu mỡ.

Một bài thơ của Tz’u-min, một vị tổ Tịnh Độ Trung Hoa thế kỷ thứ tám, tóm kết công việc vận hành của lòng bi chân thật :

Đức Phật ấy, trong giai đoạn Bồ tát, đã phát lời nguyện toàn vũ trụ :
Khi chúng sanh nghe đến Danh Hiệu tôi và nghĩ đến tôi, tôi sẽ đến rước họ.
Không phân biệt gì giữa người nghèo, người giàu và người sang quý,
Không phân biệt gì giữa người hạ lưu và người thượng lưu ;
Không chọn lựa người học nhiều và người giữ giới,
Không từ chối người phạm giới và người nghiệp nặng.
Chỉ cần chúng sanh quay lại và niệm nhiều Danh hiệu,
Tôi có thể làm gạch vụn biến thành vàng.

Như đã bàn ở chương trước, “gạch vụn” là ẩn dụ cho những người bất toàn, không giác ngộ, họ là mối quan tâm chính yếu của đại bi. Rộng ra, nó ám chỉ đến những khó khăn, xung đột và thất vọng trong đời chúng ta. Mọi thứ tiêu cực được biến thành vàng. Hành giả niệm Phật Ichitaro kinh nghiệm một sự chuyển hóa như vậy bất cứ lúc nào ông gặp những vấn nạn trong cuộc đời. Một lần ông nói : “Bạn đừng trốn chạy khỏi những rắc rối của bạn và thế là bạn tìm thấy hạnh phúc. Hơn nữa, bạn đừng nghĩ đến những rắc rối như là những rắc rối nữa. Và những rắc rối tự chúng biến thành hạnh phúc, nam mô A Di Đà Phật.”

Một số vấn đề khó khăn trong đời sống không có những giải đáp hợp lý, nhưng điều ấy không có nghĩa là tận thế. Thật vậy, trong một giây phút bất ngờ của sự phát hiện, một chương mới của đời người có thể mở ra. Brian Schulz, khổ đau vì bệnh thấp khớp nhận ra trong Một Con Đường Chữa Lành của Mark Ian Barasch : “Trước kia mong muốn của tôi là trốn khỏi cơn bệnh đau như thể nó là một cái gì ngoại lai, một kẻ xâm nhập. Bây giờ tôi bắt đầu đối xử với nó như là một phần của tôi có thể sờ chạm được.” Một tư tưởng tương tự của Joseph Cardinal Bernadin ở Chicago, trước khi chết vào ngày 14 tháng 11 năm 1996, đã nói : “Cái chết là bạn tôi.” Đấy chính xác là tình cảm biểu lộ trong câu nói phổ thông của Chân tông : “Bệnh tật cũng là người bạn tốt (thiện tri thức) của tôi.”

Trước chương trình tái sinh rác ở thị xã của tôi, tôi không ngừng nghĩ đến rác rưởi có chút giá trị gì không. Nhưng trên con đường Tịnh Độ chính những cái của mình mà chúng ta muốn vứt đi, chúng là vô giá, vì chúng là mối quan tâm chủ yếu của lòng đại bi và chính nhờ lòng đại bi này chuyển hóa chúng thành những sở hữu quý giá và thân yêu.

Xem mục lục