TINH THẦN THUNG LŨNG
Lý tưởng của Phật giáo tu viện là sự siêu vượt khỏi hiện hữu thế gian, như thể người ta leo lên đỉnh núi. Ngược lại, thực tiễn của Phật giáo Tịnh Độ là đi xuống trong thung lũng, bóng của ngọn núi. Chúng ta tìm thấy một đối nghịch tương tự trong văn minh Trung Hoa. Như Phật giáo tu viện, lý tưởng Khổng giáo có thể tượng hình bằng những đỉnh núi vươn cao, biểu hiện những thành tựu cao nhất của giới trí thức. Và giống như Tịnh Độ, Lão giáo được tìm thấy trong thung lũng và vùng đất thấp, một nơi trú ẩn cho những người không thích hợp với xã hội quy ước vì lý do nào đó. Nhưng chính trong thung lũng này mà đời sống và sự sáng tạo nở hoa. Đạo Đức kinh nói : Tinh thần Thung Lũng không bao giờ chết. Trong thung lũng, sự trù phú được nuôi dưỡng và sáng tạo năng động được sanh ra. Từ chiều sâu của nó năng lực đời sống tạo ra Trời và Đất. Được bất tử hóa như Tinh Thần Thung Lũng và đồng nhất với nguyên lý âm, sinh khí sáng tạo của nó không bao giờ cạn kiệt. Từ đó mà có tên của văn bản Lão giáo này, Đạo (con đường) và Đức (Năng Lực của Đạo). Thung lũng cuối cùng là nơi an nghỉ cho mọi sự bị trôi từ đỉnh núi, thu gom mọi loại bị từ chối và rác rưởi của xã hội và chào đón cái không cần đến, cái thừa, cái gây thất vọng, cái tan nát. Ở Nhật, truyền thống tu viện Phật giáo – dù Thiên Thai, Chân Ngôn hay Thiền – đều nhắm đến sự “siêu vượt lên” khỏi những đam mê trần thế. Những nguyên tắc căn bản của nó cốt ở từ bỏ mọi ràng buộc gia đình, giữ sự độc thân, làm chủ những kỷ luật gắt gao, tránh tiếp xúc với người khác phái và dấn thân vào những lễ nghi tỉ mỉ. Ngược lại, Tịnh Độ là sự “siêu vượt xuống” vào thế giới đối nghịch, sự tự thức tỉnh với sự chìm ngập trong bùn lầy của giận dữ, ghen ghét, không an toàn, sợ hãi, nghiện ngập, kiêu căng, đạo đức giả. Thật tự nhiên khi giáo lý Tịnh Độ được chào đón một cách thật đặc biệt bởi những người của các tầng lớp thấp, bị xem là vô phương cứu chuộc trong con mắt của giới được đặc ân. Nhưng trong những mảnh vỡ vô giá trị và bị thải bỏ này, một tính tâm linh phong phú được nuôi dưỡng, cung cấp nghị lực vô tận và sinh khí vô biên cho một con người. Phật giáo Chân tông làm sống lại những người sống trong thung lũng và trong bóng núi. Nó thách thức người ta khám phá ý nghĩa tối hậu của cuộc đời trong vực thẳm của bóng tối vô minh. Khi chúng ta đáp ứng đầy đủ cho thách thức, giáo lý Chân tông giúp chúng ta vượt qua mê cung của cuộc đời sanh tử. Sự kỳ diệu của giáo lý này là giải thoát có thể dành cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta thông thái mà bởi vì chúng ta ngu dốt, hạn hẹp, bất toàn và hữu hạn. Trong ngôn ngữ của Tịnh Độ, chúng ta là những chúng sanh ngu ngốc được chuyển hóa thành rất ngược lại bởi năng lực của đại bi. Pháp Nhiên tóm kết những con đường khác nhau của Phật giáo trong phát biểu của mình : “Trong Con Đường của những vị Thông Tuệ người ta hoàn thiện trí huệ và thành tựu giác ngộ ; trong Con Đường Tịnh Độ người ta trở lại chính sự ngu dốt để được cứu độ bởi A Di Đà.” Sơ khởi, sự thức tỉnh tôn giáo không tùy thuộc vào việc chúng ta là gì hay chúng ta làm gì, mà nó trở nên tương hợp với sự vận hành của đại bi ở trong lòng hiện hữu. Sự tương hợp này được thực hiện nhờ cái lắng nghe sâu xa được tiếng gọi từ sâu thẳm. Chúng ta không bị đòi hỏi gì cả ngoại trừ việc đi vào sự lắng nghe sâu xa. Bởi vì đây là đòi hỏi độc nhất – không giới luật, không thực hành thiền định, không hiểu biết giáo lý, nó được biết như là “con đường dễ”. Tuy nhiên, con đường dễ chỉ diễn tả sự đơn giản của con đường, chứ không phải cấp độ khó khăn khi thực hiện của nó, vì con đường dễ không “dễ” chút nào. Lắng nghe sâu xa là một thách thức thật sự và có thể là một cuộc chiến đấu dữ dội, nhất là đối với người kiêu hãnh, bởi vì sự kêu gọi phải trở nên hiện thân trong một con người. Hiện thân có nghĩa là sống sự niệm Phật từ đó tuôn chảy một cách tự nhiên lời niệm Nam mô A Di Đà Phật. Tiến trình hiện thực như vậy có thể không quá đơn giản, như chúng ta nhớ lại trong Tịnh Độ có nói : “Dù con đường thì dễ, ít người chịu dùng nó.” Những trở ngại gặp phải thì khác với những trở ngại khi tuân thủ những kỷ luật tu viện trên con đường của những bậc Thông Tuệ bởi vì người ta phải tranh đấu với chính mình giữa mọi loại cạm bẫy trong xã hội. Như James Hallman chỉ ra, “Con đường đi qua thế giới thì khó tìm thấy hơn con đường vượt qua thế giới.” Phật giáo Tịnh Độ có thể gợi lên một định hướng về một thế giới khác, nhưng tiêu đích chủ yếu của nó đặt vào cái tại đây và bây giờ. Không phải là cái tại đây và bây giờ do kiểm soát tự ngã mà nắm được, mà cái tại đây và bây giờ thân thiết như một quà tặng của chính đời sống để sống đầy sáng tạo và tạ ơn, ban cho chúng ta bởi lòng bi vô hạn. Tính hào phóng của đại bi làm cho sự giải thoát của chúng ta khỏi cái cũi sắt do chúng ta tự tạo trở nên có thể.
Gọi là Mẹ nhiệm Mầu.
Cửa của Mẹ Nhiệm Mầu
Là gốc từ đó Trời và Đất xuất sinh.
Nó ở đó trong chúng ta mọi lúc
Dùng nó như bạn muốn, nó không hề khô kiệt.