Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 26)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Tịnh Khẩu Niệm Phật”. Tịnh: là tập cho trong tâm chúng ta thanh tịnh. Ba nghiệp Thân Khẩu Ý thanh tịnh. Bên ngoài tịnh nghĩa là buông xả ra, tịnh khẩu để cho chúng ta thanh tịnh. Bên trong và bên ngoài những gì không cần thiết, thì tập buông ra. Vì phàm phu tục tử tội chướng thâm trọng như chúng ta, con đường đọa lạc quá dễ dàng, nếu sơ ý một chút rơi vào trong tam ác đạo liền. Trong khi đó thì đối với con đường giải thoát chúng ta phải cẩn thận từng chút, từng chút, nếu không thì không kịp trở tay!...

Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện có thực để chư vị nghiệm thử coi. Câu chuyện này hoàn toàn có thực, ở đời này chớ không phải là chuyện đời xưa. Vào cỡ tháng 6 năm 2004, có một bà Cụ ở Việt Nam, bà Cụ này bảy mươi mấy tuổi, là mẹ của một người bạn. Bà Cụ này bị bán thân bất toại nằm trên giường không đi được nữa đã sáu tháng qua rồi, tức là nằm để chờ chết. Người bạn tới hỏi tôi, bây giờ phải làm sao để cứu người Mẹ? Tôi mới nói là hãy về khuyên người Mẹ buông hết đi, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, còn mình thì tìm cách tổ chức hộ niệm. Nhắc nhở bà Cụ niệm Phật, gọi là hộ niệm. Người bạn này về Việt Nam khuyên bà mẹ niệm Phật, thì bà Cụ nói rằng:

 

- Con cứ thử nghĩ đi, thằng em trai út của con chưa có vợ, chưa có việc làm, làm sao mà mẹ đành lòng tu hành đây?...

Người bạn đó khuyên hoài mà người mẹ nhứt định không chịu nghe theo. Bà cứ nói:

- Bây giờ nỡ nào mà Mẹ niệm Phật cho được trong khi người em của con còn khổ như vậy!

Thời gian khuyên qua khuyên lại như vậy bà mẹ cũng vẫn không niệm Phật. Khoảng bốn, năm tháng sau gì đó thì bà Cụ chết. Chết rồi, sau khi mai táng xong thì cái tấm hình của bà Cụ để thờ trên bàn tự nhiên rơi ra nước mắt. Tôi hỏi, nước mắt rơi ra từ khóe nào? Người bạn nói là rơi từ khóe ngoài. Tự nhiên cái khóe mắt trong tấm hình tự nó rơi nước ra lăn xuống má đọng lại một giọt nước. Ban đầu người ta tưởng là có người vô ý làm rơi nước. Nhưng không phải, tấm hình đó để trong khuôn kiếng, và nước vẫn cứ rịn ra liên tục ba ngày như vậy, chặm không khô. Chặm cái giọt nước này rồi lại rỉ ra giọt nước khác rồi lăn xuống má.

Người bạn đó cũng cầu siêu, làm nhiều việc lắm... Sau đó có một cái chuyện lạ lùng khác xảy ra. Khoảng chừng mấy tuần sau thì linh hồn của người mẹ đó ứng mộng về báo cho người con trai rằng, sáng mai hãy đến tại địa điểm đó để nhận việc làm, mẹ đã xin được việc cho con ở đó rồi. Người con đó thấy như vậy mới nói lại với người nhà, thì người nhà bàn rằng, chắc là mẹ hiển linh xin được việc làm thật đó, nên cứ theo lời mẹ đi. Người em trai mặc áo quần chỉnh tề, sáng ngày hôm sau tới tại địa điểm đó... Đúng như vậy, người con tới tại chỗ đó và người ta nhận cho anh làm việc.

Không biết là việc làm đó có tốt lắm không? Nhưng có việc làm thì gia đình cũng thấy yên tâm. Nhưng sau đó lại có thêm một hiện tượng khác xảy ra tiếp. Sau khi cúng thất 49 ngày xong rồi, thì chiều chiều khoảng chừng 5 - 6 giờ, tức là mặt trời vừa lặn, thì bà Cụ lại hiện thân về trước đầu hè của gia đình đó mà khóc! Người ta thấy được, các con cái đều thấy được bà Mẹ hiện về ngay tại đầu hè ngồi khóc. Người con của bà Cụ nghe nói vậy mới sợ quá! Sợ mất hồn! Thực sự là sợ quá! Mới tới tìm tôi và hỏi, làm sao để giải quyết vấn đề đây? Thực sự, là trong trường hợp đó tôi cũng không biết cách nào giải quyết. Tôi chỉ khuyên người bạn đó hãy mau mau trở về lại Việt Nam, lấy số tiền mà bà Cụ tích trữ được đem ra in kinh, ấn tống, in hình Phật, phóng sanh, làm tất cả những việc thiện lành, rồi hồi hướng thẳng cho hương linh của bà Cụ, và mỗi chiều niệm Phật xong, đứng trước bàn thờ của bà Cụ khai thị cho bà Cụ:

- Mẹ ơi! Mẹ đã bị đọa lạc rồi! Vì tình chấp không bỏ, nên Mẹ đã bị khốn khổ rồi! Bây giờ Mẹ trở về đây khóc than với tụi con, tụi con cũng không cứu được Mẹ. Chỉ có Mẹ ngộ ra, quyết lòng buông xả, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương. Con sẽ làm tất cả những việc thiện lành để hồi hướng cho Mẹ. Mẹ phải mau mau ngộ ra để tìm con đường giải thoát cho chính Mẹ.

Tôi khuyên đại khái như vậy. Tôi cũng khuyên người bạn hãy đến một tự viện nào đó, xin các Sư cầu siêu cho Mẹ mình thêm 49 ngày nữa, cứ tận sức mà làm chớ không biết cách nào hơn? Người bạn đó đã về Việt Nam và làm đúng như vậy. Sau đó người mẹ không về khóc nữa, còn vấn đề có giải thoát được hay không thì không dám nói. Khi trở lại Úc, người bạn đó đã đến biếu cho tôi một chồng hình Phật như thế này, và nói với tôi rằng:

 

- Đây là những việc tôi đã làm được. Tôi cúng dường những hình Phật này ở Việt Nam nhiều lắm, nay tôi đem tới đây gởi cho anh để anh đi phát cho người ta, hồi hướng công đức cho Mẹ tôi.

Sự việc đó có thật đã xảy ra vào khoảng giữa năm 2004.

Mình thấy đó, đã nằm trên giường bệnh trên nửa năm để chờ từng phút ra đi, thế mà tình chấp không buông xả được. Vì tình chấp không buông xả, nên khi chết đi, mới lặn lội kiếm cho người con một việc làm. Việc làm không biết như thế nào? Đến bây giờ người con đó không biết còn giữ được việc làm đó hay không? Không biết! Nhưng vì cái chấp này, người Mẹ đã bị nạn rồi! Sau 49 ngày mà hiện thân về trước đầu hè cho người ta thấy và khóc, thì chắc chắn bị khổ rồi! Địa ngục thì chắc không thể nào xuống được đâu, vì nếu đã rơi vào trong địa ngục, thì dễ gì ra được để báo cho người thân? Nếu mà lọt vào trong hàng bàng sanh súc vật thì cũng không về được nữa rồi, vì đã biến thành bốn cẳng chạy lăn quăn ở đâu đó rồi, nhưng đây không phải. Nếu mà đầu thai chuyển thế thành người cũng không thể nào trở lại được nữa.

Mình dùng cái phương pháp loại suy để tìm hiểu thì rõ ràng bà Cụ này đã rơi vào trong hàng quỷ đói. Kinh Phật chúng ta gọi là “Ngạ Quỷ”. Quý vị thấy không? Dễ sợ không? Người con đó có được việc làm đó, có đánh đổi được sự đọa lạc của người mẹ trong vạn kiếp ở hàng quỷ đói hay không? Khi mà rơi vào đó rồi dù có khóc, khóc cho một vạn đời đi nữa, nước mắt có biến thành biển đi nữa, cũng không giải quyết được gì cả! Trong cảnh giới của quỷ đói còn khổ nhiều hơn tiếng khóc đó nữa! Nó khổ đến nỗi mà khóc không còn ra lời nữa kìa, đừng có nói là ít... Tại vì sao? Vì đói quá rồi! Không nhà không cửa, lang thang, thường thường là tìm những cái cây để mà tấp vào đó, nương vào cái sức nóng của cây đó mà sống. Mà thực sự phải tìm cây nào xấu nhứt, dở nhứt, tệ nhứt chớ những cây tốt thì đã có người chiếm rồi, không dễ gì đâu ạ! Thường khi rơi vào tình trạng đó rồi, thì phải lang thang từ chỗ này đến chỗ nọ, không biết chỗ nào mà sống ổn định cả! Cảnh khổ như vậy đó!...

Người tu hành chúng ta hiểu được chỗ này rồi, phải biết sợ. Sợ gì? Sợ cảnh ngạ quỷ! Sợ cảnh bàng sanh! Sợ cảnh địa ngục! Dễ sợ lắm!...

Nếu người con mà nhìn thấy được cảnh người mẹ đó, thì người con mới giật mình.

 

- Trời ơi! Tại vì con chưa có việc làm, Mẹ vì con mà Mẹ bị đọa lạc vào cảnh ngạ quỷ, bây giờ làm sao đây?

Người con mà ngộ ra đạo lý này, thì ngày đêm lo tu hành, ngày đêm lo niệm Phật, để đem tất cả công đức hồi hướng cho Mẹ, cầu cho Mẹ vượt qua ách nạn. Nhưng xin hỏi, chắc gì người con ngộ được chuyện này?! Thấy thế, rõ ràng người con đã gián tiếp gây tội cho người Mẹ. Người Mẹ vì không biết buông xả, không biết đường thoát nạn, cứ chấp vào tình thức để bị nạn. Khi đã bị nạn rồi, thì làm sao còn có thể trở về nói rằng: “Con ơi, thằng em trai của con chưa có việc làm, thì nỡ nào ta tu hành cho được!”. Mà chỉ hiện về ân hận, ngồi khóc mà thôi! Còn lời nào để nói nữa đây? Đau khổ vô cùng!

Khi nghe được mẫu chuyện này, ở đây có ai ngộ ra không? Ngộ ra đi, gọi là “Hồi đầu thị ngạn”, niệm câu A-Di-Đà Phật về Tây Phương thành đạo. Không ngộ ra, tiếp tục mê muội, mê muội này nó sẽ dẫn tới chỗ, nếu tránh khỏi địa ngục, thì cũng phải rơi vào ngạ quỷ! Nếu tránh được ngạ quỷ, thì nhất định phải là bàng sanh! Có những con chó sanh ra lạ lùng lắm, nó cứ chui vào trong nhà của mình, mình đá lăn cù ra, nó cũng lại chui vô. Con cái không biết, cứ tưởng đó là con chó của hàng xóm, lấy roi đánh nó ra, nhưng mà đánh nó, nó cũng chạy vào. Tại sao nó không chạy vào nhà hàng xóm mà cứ chạy vào nhà mình? Coi chừng người Mẹ mình đó mà không hay! Ở quê có nhiều người không biết đạo, thấy con chó vào trong nhà thì bắt nuôi luôn. Nuôi con chó không phải vì thương nó, mà vì con gái mình vừa mới sanh một đứa cháu ngoại, đứa cháu nó bỉnh ra đầy giường đầy chiếu không ai giải quyết. Thôi nuôi con chó để nó giải quyết giùm... Đau khổ vô cùng!

Chính vì vậy, khi nghe câu chuyện này, chúng ta phải biết giật mình. Tự mình cứu lấy mình. Hồi đầu đi. Tỉnh ngộ đi. Một câu A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương, giải thoát cho mình, giải thoát cho tất cả dòng họ, bà con, cửu huyền thất tổ trong nhiều đời nhiều kiếp, cứu cho bà con thân thuộc trong vô lượng kiếp về sau. Xin chư vị chú ý.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 27)

Nam Mô A-Di-Đà Phật,

 

Ta bây giờ còn đang sống, chưa có lâm chung! Cho nên ta hướng dẫn cho người trước khi lâm chung, tức là trong những ngày mà chúng ta chưa chết, chớ khi lâm chung rồi thì không dễ gì hướng dẫn được nữa đâu.

Chính vì thế, ta nói đây là đưa ra tất cả những kiến thức về hộ niệm cho vững vàng, để lúc lâm chung ta phải vui vẻ đi về Tây Phương Cực Lạc với Phật... Chớ đừng có sơ ý nói là... niệm Phật khi lâm chung... thì cứ đợi đến lúc sắp “Queo râu” rồi mới kêu A-Di-Đà Phật...

Mấy bài tọa đàm nói về “Hộ Niệm Là Pháp Tu đưa ra, thì có nhiều người vừa nghe nói Hộ Niệm Là Pháp Tu mới viết thư tới nói:

- Tôi đồng ý với anh Diệu Âm, là phải tu hành mới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, chớ nghiệp chướng nặng quá như vầy mà cứ nằm đó chờ hộ niệm. Làm gì có chuyện hộ niệm vãng sanh? Hòa Thượng Tịnh-Không cũng nói không được hộ niệm.

Nghe người ta nói như vậy, thì tôi mới trả lời:

- Nếu biết mình nghiệp chướng sâu nặng thì phải lo tu hành, khuyến tấn tu hành, đừng nằm đó chờ là đúng. Còn nói rằng Hòa Thượng Tịnh-Không bảo không được hộ niệm, thì xin lỗi tôi chưa nghe. Coi chừng hiểu lầm!...

Có nhiều người không tin rằng có thể vãng sanh, vì đưa ra vấn đề nghiệp chướng chúng ta lớn quá. Còn nghiệp chướng như vậy làm sao có thể vãng sanh? Dù cho trong kinh Phật nói về vãng sanh Tây Phương rất nhiều, nhưng họ vẫn không tin tưởng rằng với người nghiệp sâu tình nặng như thế này có thể được vãng sanh! Cho nên người ta nói làm gì có chuyện hộ niệm vãng sanh? Họ nghe từ đâu không biết, lại nói rằng, Hòa Thượng Tịnh-Không không cho hộ niệm! Tôi mới nói, đừng có nên hiểu lầm về Ngài. Ngài nói chỗ nào đâu? Trong đoạn nào đâu đưa ra coi?

Trong khi đó, thì cách đây cỡ bốn, năm tháng, có một vị ở bên Mỹ ngày đêm dịch một bài khai thị của Hòa Thượng Tịnh-Không với cái chủ đề là “Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Đời Người Bài khai thị đó Ngài dạy phải hộ niệm, và hộ niệm là điểm quan trọng nhứt. Tập sách đó dày cũng khoảng chừng hai mươi mấy ba mươi trang, cũng khá dày. Ấy thế mà ngày nay có người nói rằng làm gì có chuyện hộ niệm được vãng sanh? Họ đem việc này ra bài bác! Đây là một nỗi khó khăn! Thật sự, tôi thấy làm đạo cái gì cũng khó khăn hết, không có cái gì mà dễ dàng! Nói một lời cũng khó nữa, chớ đừng nói chi tới chuyện lớn!...

Nhiều người không chịu tin tưởng vào pháp hộ niệm, cứ đòi hỏi tu cho đến chứng đắc để được vãng sanh. Nói về lý đạo thì đúng, ta phải có công phu. Chứng tỏ mấy ngày hôm nay chúng ta cổ động chuyện lập công cứ, để công phu được tinh tấn hơn nữa. Tăng thêm ngày tu tinh tấn. Đúng! Nhưng vì không tin tưởng vào pháp hộ niệm, để trợ giúp tích cực cho người lâm chung vãng sanh, nên suốt cuộc đời của họ, hình như khi gặp một người Phật tử nào ra đi cũng im lìm lặng lẽ!... Không biết đi về đâu? Một người thân thuộc nào ra đi cũng im lìm lặng lẽ!... Mê man, bất tỉnh ra đi!... Không biết đi về đâu? Thậm chí, sau cùng coi chừng chính mình ra đi, bên canh không có một người nào hộ niệm cho mình. Tại vì sao? Tại vì trong suốt cuộc đời, mình không bao giờ giảng giải về phương pháp hộ niệm cho những người chung quanh!... Rồi mình ra đi cũng im lìm lặng lẽ!... Không biết đi về đâu?!!!...

Cái gì cũng có Nhân có Quả. Cái nhân mình gieo ra như thế nào, thì cái quả mình gặt lại như thế đó. Cái nhân mình gieo ra là truyền bá phương pháp hộ niệm, thì cái quả là khi mình nằm xuống, mình cũng được những người chung quanh tới hộ niệm cho mình.

 

Xin thưa thật, nói về “Khế Lý, thì muốn nói sao nói, muốn lý luận sao cũng được. Vì nói về thì không thể không hay. Nhưng mà “Khế Cơ”, là hợp căn cơ, thì nói làm chi những “Lý Luận” cao siêu mà ngay cả chính mình chưa chắc gì thực hiện được, thì làm sao những người chung quanh có thể thực hiện được? Thực hiện không được, mà tham vào đó thì thường dễ đưa đến tình trạng gọi là Vọng Tưởng!...

Để biết được phương pháp hộ niệm quan trọng như thế nào, thì chúng ta nên đọc quyển sách đó: Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Đời Người chính ngài Tịnh-Không giảng hơn một tiếng đồng hồ. Ngài dặn là phải niệm Phật, phải hộ niệm cho người ta. Ngài chỉ từng chút, từng chút, căn bản, rất rõ ràng. Và cũng để biết phương pháp hộ niệm quan trọng như thế nào, thì ở Tịnh-Tông-Học-Hội lúc nào người ta cũng lập ban hộ niệm rất là cẩn thận, và nhứt là Tịnh-Tông-Học-Hội tại Úc Châu này, cứ mỗi lần ngài Ngộ-Hạnh, là vị Pháp Sư rất uy tín, khi Ngài về Tịnh-Tông thì phiên họp đầu tiên thường là Ngài họp ban hộ niệm. Hễ cứ về là kêu ban hộ niệm họp. Chính tôi đã làm việc trong đó bảy, tám năm. Ngài giảng rất kỹ và Ngài còn viết những lời khai thị mẫu, cho những người hộ niệm đọc để thâm nhập vào tâm. Điều này chứng tỏ các Ngài chú trọng về pháp hộ niệm kỹ lắm.

Ví dụ như ở Việt Nam, có những người họ tu hành đâu có nhiều, nhưng mà nhờ thiện căn phước đức của họ trong quá khứ nó dồn lại, nên gặp cái duyên hộ niệm này mà người ta vãng sanh bất khả tư nghì. Xin thưa rằng, trước đây vài chục năm có nhiều người có được thiện căn phước đức không? Có chứ, làm gì không!... Chắc chắn! Con người tiếp tục sinh, năm nào cũng sinh, càng ngày càng tăng lên. Thời nào cũng có những người có thiện căn phước đức, thời nào cũng có những người tạo ra nghiệp chướng hết. Thế mà những người có thiện căn phước đức trước kia tại sao họ không vãng sanh? Phải chăng vì họ không gặp được cái duyên hộ niệm. Không gặp cái duyên có người chỉ điểm cho họ phải làm như thế nào để được vãng sanh!...

Thường thường khi lâm chung ta có thể thấy Cha, thấy Mẹ, thấy Ông, thấy Bà tới... Có nhiều người đi khoe ra:

- Ông Bà của tôi đã được đắc đạo rồi. Bây giờ Ông Bà tôi về đây để dạy dỗ tôi, để chuẩn bị tiếp dẫn tôi....

Người ta mừng như vậy đó. Thì người biết hộ niệm người ta đã hiểu rõ rồi...

- Không phải đâu chị ơi!... Không phải đâu anh ơi!...

Vì người ta biết là không phải, nên người ta mới nói:

 

- Anh ơi! Lo niệm Phật đi và hồi hướng công đức cho họ. Hãy chắp tay lại thưa với chư vị đó, là tôi với chư vị không biết duyên như thế nào? Nếu mà tôi làm lỗi lầm với chư vị, thì bây giờ tôi xin thành tâm sám hối. Xin chư vị hộ pháp cho tôi, hộ niệm cho tôi, tôi niệm Phật tôi đem công đức niệm Phật của tôi hồi hướng cho chư vị, để chúng ta cùng về Tây Phương, chứ nếu chư vị đến với tôi, tôi cũng không cứu được...

Nhờ như vậy mà người thấy đó mới giật mình tỉnh ngộ, người ta mới chắp tay lại thành tâm niệm Phật. Trước đó cũng có những người thấy như vậy, nhưng vì không ai giảng giải cho họ biết sự thật, lại còn xúi họ:

- Đúng rồi đó, đi theo ông bà đi!...

Nhiều người đứng trước bàn thờ ông bà thường khấn vái như vầy:

- Ngày nay là ngày giỗ của Cha Mẹ, xin Cha Mẹ linh hiển về đây cứu độ con!...

Càng khấn nguyện chừng nào thì Cha Mẹ, những người thân đã chết của mình càng về nhiều để cứu độ mình! Nhưng xin thưa thực, khi mình biết được pháp hộ niệm rồi, quý vị phải dặn dò cho rõ ràng:

- Khi lâm chung chỉ đi theo A-Di-Đà Phật, không được đi theo bất cứ một người nào.

Được sự hướng dẫn này là vì phước phần của những người trong giai đoạn này, nhờ có duyên hộ niệm mà người ta chỉ cho thấy con đường vãng sanh, tránh đường lầm lạc. Thế thì tại sao có người nói rằng hộ niệm không quan trọng?

Bây giờ đây mình tu hành, có những người nghĩ rằng mình sẽ chứng đắc để được này, được nọ. Có những người niệm Phật được một tuần, nghe được âm vang A-Di-Đà Phật từ trong tâm phát ra(?). Từ chỗ nào nó phát ra và hô hoán lên rằng tôi đã chứng đắc rồi, tôi đã nghe được âm thanh của chơn tâm tự tánh rồi(?). Xin thưa thực, nói về lý đạo, thì chơn tâm tự tánh chúng ta là Phật. Là Phật thì tự niệm Phật. Là Phật thì tự nhiên có tất cả. Nhưng đó là nói về Lý mà thôi, (nghĩa là “Lý Tức Phật”). Chớ còn có “Danh Tự Tức Phật”, còn có “Quán Hạnh Tức Phật”, còn có “Tương Tự Tức Phật”, v.v... mình chưa đạt được. Ngay cái chuyện “Thập Thiện” đơn giản kia mà mình cũng chưa làm được... thì nói chi những chuyện xa vời! Nghĩa là cái chơn tâm tự tánh của mình đang chìm trong trùng trùng lớp lớp của những gì đen tối nhứt. Thế mà mới niệm có năm, bảy ngày thì ra tuyên bố:

- Tôi niệm Phật đã được nhất tâm bất loạn rồi!

Nếu như những người này may mắn gặp được ban hộ niệm, họ sẽ chỉ dẫn cho:

 

- Anh ơi! Ngài Ấn Quang Đại Sư nói rằng, phải lo nhiếp cái tâm lại, thành tâm niệm Phật, thì anh sẽ được thiện lợi. Nếu anh mở cái tâm tâm ra, anh hồ hởi lên... thì Ngài nói, Thắng Cảnh đó sẽ biến thành Ma Sự ngay lập tức!...

Ai dạy cho những người đó biết vậy? Chính là những người hộ niệm. Người ta biết được những chuyện đó. Cho nên chúng ta ở đây hô hào với nhau, là quyết lòng tinh tấn hơn nữa, nhưng càng tinh tấn phải càng khiêm nhường. Có khiêm nhường mình mới cảm thông được với chư vị oan gia trái chủ, và sau cùng mình mới cảm thông được với chư đại Bồ-Tát và cảm thông được với A-Di-Đà Phật, chư đại Thánh-Chúng ứng ra gia trì cho mình. Chớ đừng có bao giờ sơ ý, cho rằng chứng đắc này, chứng đắc nọ, nhất là trong thời kỳ này đức Phật đã nói rõ rệt: “Vạn ức người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc”. Không dễ gì có người niệm Phật năm ngày, mười ngày là được chứng đắc? Có người niệm hai tháng, ba tháng là chứng đắc? Không có bao giờ có chuyện đó đâu ạ! Nếu mà có như vậy thì chư Tổ đã dạy cho mình rồi.

 

Ngài Ấn-Quang Đại Sư không bao giờ dạy cho ai phải nhất tâm bất loạn. Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói... Tín tâm cho thật vững, Nguyện cho thật tha thiết, thì dù có loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Nếu mà không chịu Nguyện vãng sanh, Tín tâm mình không vững, thấy gì cũng chao đảo... dù niệm Phật cho đến “Nhất tâm bất loạn(!)” cũng không được vãng sanh”.

Các Ngài nói giống giống nhau hết, là để nhắc nhở cho những người phàm phu như chúng ta:

 

- Luôn luôn khiêm nhường,

 

- Luôn luôn kính cẩn,

- Luôn luôn giữ niềm tin cho vững. Cứ như vậy mà đi...

 

Rồi sau cùng, ban hộ niệm này sẽ hộ niệm, sẽ nhắc nhở. Tất cả những kiến thức ta đã biết hết, nên ta vãng sanh Bất Khả Tư Nghì.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 28)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Mới đây có được tin bên New Zealand, một nước sát bên chúng ta bị động đất. Nghe nói cũng khá nặng nề! Thế giới này “Vô An”! Càng ngày những tai nạn này càng nhiều. Thấy như vậy thì nhắc nhở cho chúng ta phải cố gắng tinh tấn niệm Phật.

 

- Một là hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, cầu tiêu tai giải nạn.

- Hai là cầu cho chính mình, sau khi xả bỏ báo thân này đừng có lọt lại đây làm chi nữa...

Những thiên tai, họa hại này rất là kinh khủng! Muốn vãng sanh về Tây Phương thì chúng ta cần phải cố gắng tinh tấn tu hành. Bên cạnh cũng cần phải nghiên cứu cho tường tận phương pháp hộ niệm. Nói chung, chúng ta cần nên lịch lãm cái phương pháp này, nhờ đó chúng ta sẽ giải được rất nhiều ách nạn cho chính mình và cho đồng tu. Vì vậy, khi gặp một ca hộ niệm, một người cần hộ niệm, thì chúng ta nên tham gia. Hay lắm! Cứ tham gia nhiều lần đi, tự nhiên sau cùng khả năng hộ niệm của chúng ta sẽ có hiệu quả.

Hôm trước một người em của tôi dẫn một nhóm hộ niệm ở trên Gia-Lai, Đăk-Lăk về đạo tràng của bà Mẹ tôi để niệm Phật trong hai ngày tu tinh tấn. Những người em của tôi là những trưởng ban hộ niệm, bây giờ chúng nó hộ niệm rất vững vàng. Trước kia thì tôi hướng dẫn chúng nó hộ niệm, nhưng bây giờ hình như tụi nó hộ niệm còn vững vàng hơn anh Năm của nó. Em gái cũng vậy, em trai cũng vậy. Những người trong làng, những người em con người Cô... hầu hết đều là trưởng ban hộ niệm, một khi Mẹ già của Diệu Âm yếu thì tất cả những người đó đều hứa sẽ về hộ niệm. Ngay những ban hộ niệm ở các xã chung quanh đó cũng hứa rằng:

- Anh Diệu Âm ơi! Đừng lo. Nhất định tôi sẽ tới hộ niệm cho bà Cụ ...

Nghe vậy mà tôi cảm thấy an lòng! Rất là an lòng! Bà Mẹ của Diệu Âm cũng biết hộ niệm rồi, vì chính bà Cụ là người ngồi bên cạnh Cha tôi niệm Phật cho đến khi ông Cụ tắt hơi ra đi. Trải qua một kinh nghiệm như vậy, thì rõ ràng rằng bà Cụ cũng biết hộ niệm.

Mình thấy lợi ích của sự hộ niệm thật là bất khả tư nghì! Giả sử như trước đây Diệu Âm không phổ biến phương pháp hộ niệm này, nghĩa là chỉ lo tu cho chính mình, không chú ý tới chuyện hộ niệm, thì chắc chắn rằng ngày người Cha của Diệu Âm khi ra đi đã không cứu được, vì một người không có kiến thức về hộ niệm thì không thể hướng dẫn được người bệnh con đường vãng sanh!...

Ấy thế mà bây giờ những người ở Việt-Nam họ rất lịch lãm về phương pháp hộ niệm. Chị Diệu Thường, một trưởng ban hộ niệm ở chùa Hoằng Pháp, là người đầu tiên học cái phương pháp hộ niệm này. Ngay trong lúc đang học thì chị đã cứu được một người, đó là bà Bùi Thị Gái ở tại Quận 7. Người thứ hai là chị Thu Hương ở Đà-Nẵng, chị quyết tâm học phương pháp hộ niệm. Chị đã học từ Đà-Nẵng, theo vô tới Sài-Gòn, theo lên tới Bình-Dương để cố tình học cho được phương pháp hộ niệm. Học xong rồi về áp dụng liền. Diệu Âm lúc đó chưa kịp qua tới Úc thì chị đã báo cáo: “Tôi đã hộ niệm được một người vãng sanh rồi”... Vi diệu quá! Không tưởng tượng được!

Thật sự ở Việt Nam có nhiều người phát tâm, thấy đó mà mình cảm động vô cùng!

Có một anh ở ngoài Quảng-Ninh, vào năm 2006 khi Diệu Âm về Hải-Phòng nói chuyện ở một đạo tràng về pháp hộ niệm, thì anh ở Quảng-Ninh tới nghe. Nghe rồi thì về anh lập ban hộ niệm. Ảnh kéo cả một đại gia đình của anh vào ban hộ niệm. Ảnh hộ niệm luôn... hình như bốn, năm tháng gì đó, mà không có ca nào được kết quả hết. Ảnh tự hỏi, “Ủa tại sao kỳ vậy”?... Lạ lùng! Anh mới kéo luôn cả một nhóm hộ niệm của ảnh đi vào Đà-Nẵng học nghề với chị Thu Hương. Anh học đến một tháng rưỡi, đi hộ niệm chung với chị Thu Hương. Khi anh nắm vững những nguyên tắc hộ niệm rồi, anh quay trở về Quảng-Ninh. Sau đó, hình như là năm 2007, khi Diệu Âm về thì phái đoàn của ảnh đi theo Diệu Âm tới ba chiếc xe bus, mỗi chiếc chở tới năm, sáu chục người... Anh nói:

 

- Khi cháu học xong rồi, chú Diệu Âm ơi! Cháu hộ niệm luôn hai mươi sáu ca, không có ca nào mà không vãng sanh hết...

Quý vị thấy không?... Nó có những sự tế nhị trong đó. Hồi giờ anh nghiên cứu trong sách vở, anh cứ nghiên cứu như vậy... như vậy... rồi đem ra áp dụng. Áp dụng đâu trật đó! Áp dụng đâu trật đó! Đến khi theo chị Thu Hương học, chị Thu Hương huấn luyện cho anh bằng cách dẫn nhóm của anh theo hộ niệm, ngồi đó mà nghe, có những lúc bắt anh lên khai thị. Ấy thế mà qua một tháng rưỡi về... Anh hộ niệm hai mươi sáu ca liên tục, không có một ca nào mà không có cái thoại tướng tốt.

Thực sự, pháp hộ niệm thấy đơn giản, nhưng thực tế có những điều nhạy bén trong đó mà người ta không hay. Khi hướng dẫn cho mấy đứa em của Diệu Âm hộ niệm. Mắc cười lắm! Tụi nó khai thị hướng dẫn dở quá! Cũng bị la. Khai thị cho người bệnh mà cứng ngắc, coi như nghiêm quá! Cũng bị la. Nói lớn quá! Cũng bị la. Nói nhỏ quá! Cũng bị la... Thật ra là để chú ý rằng, cách khai thị hướng dẫn quan trọng vô cùng. Đi hộ niệm mà sơ ý chuyện này, thì hộ niệm hoài cũng không bao giờ có người được vãng sanh hết. Ví dụ, đối với người lãng tai mà mình nói nhỏ quá thì làm sao người ta nghe? Cho nên nói nhỏ quá, bị la. Còn những người lỗ tai thông mà mình nói lớn quá, giống như hét người ta, thì sao lại không la? Cho nên, điều nào cũng bị la hết! Có nhiều lúc đùa giỡn quá đáng, thì cũng phải la chứ! Biết được điều này, thì người hộ niệm cần phải biết uyển chuyển. Sau những trận la như vậy, bây giờ mấy người em biết hết trơn rồi, vững tâm hết trơn rồi, nên hộ niệm hay vô cùng!...

Có nhiều người nghĩ rằng, hộ niệm chỉ là điều thứ yếu, không quan trọng!... Thì xin thưa rằng, coi chừng nhiều khi suốt cuộc đời của họ không cứu được một người, ngay cả những người sát bên cạnh!... Giờ đây lý luận, giảng giải... thì hay lắm! Mà thực tế thì không cứu được ai!

Họ coi thường pháp hộ niệm? Vì phải chăng trong suốt cuộc đời của họ chưa từng trải qua một lần hộ niệm nào? Nếu có trải qua một lần hộ niệm đi nữa, thì có lẽ lần hộ niệm đó là lần thất bại! Tại vì sao? Vì không chịu học hỏi trước! Không chịu nghiên cứu trước! Khi đi hộ niệm thì hộ niệm với tinh thần “Vạn bất đắc dĩ!... Chính vì lòng tin không có, nên khi ở trước bệnh nhân họ niệm thử! Họ niệm chơi! Họ giả đò khai thị!... Không có tâm chân thành!...

Người không có tâm chân thành thì không có cảm ứng. Họ cũng làm dáng chắp tay lại nói: “Nam Mô A-Di-Đà Phật... Nguyện A-Di-Đà phật phóng quang tiếp độ cho bà này...”, nhưng thật sự tâm của họ không tin! Lòng không tin thì không có “Cảm”! Cảm không có, thì không có tương ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà, thành ra không có “Ứng”. Không Cảm thì không Ứng!.

Chính vì vậy, những lời niệm Phật của họ nó trôi... trôi... trôi trong không gian như trò chơi thôi!...

Xin thưa rằng, một người đứng trước người bệnh khuyên họ niệm Phật...

- Mà lòng mình chân thành.

- Mà lòng mình tha thiết.

 

- Mà lòng mình thèm muốn cho người đó vãng sanh.

- Mình tha thiết cứu người.

Thì tự nhiên trong âm hưởng đó làm cho người bệnh cảm động, làm cho người bệnh tin tưởng, tự nhiên người bệnh thành tâm niệm Phật theo. Đây là sự thật.

Có nhiều người cứ nói rằng, tu hành mới là chính, làm gì có chuyện hộ niệm vãng sanh? Họ thường mơ tìm những cơ hội chứng đắc. Điều này cũng đúng đấy. Chúng ta cần phải tu hành, cũng như chúng ta đang hô hào phải cố gắng niệm Phật cho nhiều, niệm Phật cho thành tâm. Chúng ta niệm Phật 365 ngày một năm, mà còn phải thêm những ngày tinh tấn nữa để giải bớt ách nạn. Nhưng nếu lơ là, khinh thường việc hộ niệm, thì coi chừng đến ngày chính người Cha của mình ra đi, mình sẽ lúng túng không biết cách nào cứu đó!...

Trong những ngày qua có nhiều người gặp tôi than thở và hỏi rằng:

- Anh Diệu Âm ơi! Làm sao giới thiệu cho tôi một ban hộ niệm?

Thật sự... một người xa lạ tới gặp một ban hộ niệm... Muốn giới thiệu cho họ, mà chính người nhà của họ không tin, chính người nhà không chịu tham dự, thì làm sao những người hộ niệm đó có thể hộ niệm cho người nhà của họ được?...

Phải nói người nhà của mình tới tham gia với ban hộ niệm. Người nhà phải tới hỏi han ban hộ niệm. Để chi vậy? Để kết duyên với họ. Để họ có dịp điều tra thử... Bà này còn bị kẹt chỗ nào? Bà này bị vướng những cái gì? Được vậy họ mới tìm cách hóa giải ra. Trong lúc giảng giải, thì họ lại có thêm những lời khuyên khác. Khuyên một lần không nghe thì họ khuyên hai lần, khuyên ba lần... Khéo léo khuyên nhiều lần khiến cho người bệnh cảm động. Nhờ thế người bệnh mới bắt đầu hạ quyết tâm niệm Phật. Chứ còn khơi khơi tới kêu ban hộ niệm, thì ban hộ niệm làm sao biết được gia đình mình như thế nào? Người bệnh như thế nào?...

Người hộ niệm rất cần gặp gia đình để tìm hiểu về:

- Có đứa em nào, có đứa cháu nào ngỗ nghịch hay không?

 

- Bà Cụ này có quyến luyến chồng lắm không?

 

- Ông Bác này có thương đứa con gái lắm hay không?

- Ông Cụ này có lo lắng cái nhà hay không?

- Có thích giữ tiền bạc hay không?...  v.v… và v.v…

Nếu người hộ niệm hoàn toàn không biết gì cả, thì làm sao có thể điều giải được? Làm sao có thể gỡ ra được? Chính vì vậy, khi nghe biết những chuyện này rồi, chúng ta hãy đi hộ niệm. Tôi nghĩ rằng, chắc chắn chư vị sau này sẽ là những người hộ niệm rất tài. Rất là tài! Cũng như ở Việt Nam, đầu tiên họ hộ niệm hai ca, ba ca, năm ca đầu... thường thường không có kết quả tốt! Nhưng sau những lần hộ niệm thất bại đó, họ mới bắt đầu tìm tới những người có kinh nghiệm để hỏi:

- Tại sao chị hộ niệm giỏi vậy?...

- À! Thì đến đây đi hộ niệm chung với tôi...

Khi đi hộ niệm chung với nhau, thì tự thấy có điều khác liền.

Trong thời gian Cha của tôi sắp ra đi, có nhiều người tới hộ niệm. Tôi thường thầm để ý đến những người mà tôi nghĩ họ có năng khiếu hộ niệm ngon lành!... Khi thấy người đó tới, thì tôi không đứng ra “Khai Thị” cho Ông già đâu, mà tôi mời:

 

-Chị ơi! Chị tới khai thị cho Ông Già đi.

-Anh ơi! Anh lên khai thị giùm cho Ông Già đi.

Tôi muốn tập cho người ta khai thị. Tôi lấy ông Già của mình làm người mẫu để họ thực tập hộ niệm. Chính vì mấy đứa em tôi được hộ niệm cho ông Già, chính những người được hộ niệm cho ông Già tôi, một thời gian sau đó họ hộ niệm hay vô cùng!...

Tình thực, bây giờ ở Việt Nam có những ban hộ niệm người ta hộ niệm trên một trăm người vãng sanh... Vững vàng! Mỗi khi tôi về thì người ta cứ kêu, “Anh Diệu Âm ơi! Đi... đi cứu độ...”. Tức là họ cầu cứu tôi! Nhưng mà thực ra là tôi tới đó để âm thầm học hỏi ở họ. Họ hộ niệm còn giỏi hơn tôi nhiều. Tôi hộ niệm được hai, ba, bốn tiếng đồng hồ thì khan tiếng, đành đi về, chịu không nổi! Trong khi đó, có người ngồi hộ niệm suốt đêm. Có những bà Cụ bảy, tám mươi tuổi mà ngồi từ đầu đêm cho tới cuối đêm để hộ niệm. Nếu có cuộc hộ niệm nào không kêu tới bà thì bà buồn. Hộ niệm xong, sáng ra bà còn bưng cái rổ bánh ít đi rao bán ngoài đường phố. Vậy đó! Thế mà Cụ cứ ngồi từ đầu đêm cho đến cuối đêm để hộ niệm cho người bệnh mà không bao giờ biết mệt!...

Hộ niệm vi diệu quá! Khi chính mắt thấy được những hiện tượng vãng sanh, thì niềm tin của người ta đã phát khởi mạnh mẽ. Vậy thì chúng ta nên phát tín tâm mạnh mẽ lên, đừng chao đảo. Quyết lòng niệm Phật cho chân thành, thành tâm đi hộ niệm cho người ta. Cứ tham dự đi, cứ mạnh dạn nói chuyện với người bệnh đi, một, hai lần đầu mình có thể bị vấp, nhưng sau đó mình sẽ là những chuyên gia hộ niệm cứu độ chúng sanh đi về Tây Phương, rồi mình cũng thành đạo luôn.

A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 29)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng tôi ở đây có một tờ giấy in ra từ một trang web chỉ cách hướng dẫn gia đình hộ niệm của ban hộ niệm Hoa-Sen ngoài Đà-Nẵng. Hay lắm! Chúng tôi sẽ in ra và để trong hộp phía trước, chư vị có thể lấy về để nghiên cứu, trong đó có những điều rất cụ thể. Càng cụ thể chừng nào thì chúng ta càng biết rõ rệt để đi hộ niệm cho những người bệnh và đồng tu vãng sanh.

 

Trở lại chủ đề của chúng ta trong mấy ngày hôm nay: “Hộ Niệm: Khế Lý - Khế Cơ”.

Khế Lý” chính là câu A-Di-Đà Phật. Vì “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Niệm Phật, chúng ta thành Phật luôn. Lý đạo này quá nhiệm mầu! Sâu thăm thẳm! Cao vời vợi! Không ai có thể giải thích được viên mãn! Đức Thế Tôn thường hay dùng câu: Bất Khả Tư Nghì”! Chư Tổ nói, bất khả tư nghì, là không thể nào có thể bàn luận được. Bàn luận là sai! Bàn luận sẽ không đi tới đâu hết. Trong kinh Hoa-Nghiêm, Phật nói: Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh”, là nói cho câu A-Di-Đà Phật. Có nghĩa là chỉ có Phật với Phật mới biết được cái vi diệu của câu A-Di-Đà Phật mà thôi. Chính chư vị đại Bồ-Tát cũng không hiểu được, các vị Bồ-Tát còn phải lấy lòng tin mà niệm Phật để về Tây Phương Cực Lạc.

Nhắc nhở như vậy để củng cố thêm niềm tin của chúng ta thật vững vàng, đừng nên hồ nghi. Chỉ cần một chút hồ nghi thôi thì vô tình công phu chúng ta tu hành nhiều khi bị lạc mất, và sau cùng không vãng sanh được. Đây là một điều hết sức là oan uổng!...

Nói về Khế Cơ tức là ta phải tìm một phương pháp nào thật hợp với căn cơ của chính mình để được thành tựu. Nếu sơ ý, chúng ta đi vượt qua khỏi căn cơ của mình thì chịu thua, không cách nào có thể giúp ích nhau được! Trong đó, pháp hộ niệm rất hợp với căn cơ của chúng ta. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp niệm Phật là Tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu. ba hạng Thượng, Trung, Hạ đều có phần. Chúng ta là đại hạ căn đi nữa cũng được câu A-Di-Đà Phật gia bị. Người phàm cũng dùng câu A-Di-Đà Phật để thành Phật. Thánh nhân cũng dùng câu A-Di-Đà Phật để thành Phật, gọi là “Tề Thâu”, “Bình Đẳng”. Hay chính là ở chỗ bình đẳng này. Phàm Thánh tề thâu, chư đại Bồ-Tát và phàm nhân đều được bình đẳng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Điều này hay lắm! Tuyệt vời lắm!...

Tu theo pháp niệm Phật thì chắc chắn là mình chọn lựa không sai. Nhưng bên cạnh đó, cái pháp hộ niệm còn thấp hơn nữa, còn cụ thể hơn nữa. Vì trước những người bệnh sắp sửa rời bỏ báo thân, mình nhắc nhở họ, mình dụ dỗ họ để họ phát tâm niệm được câu A-Di-Đà Phật, họ tin tưởng vững vàng và họ tha thiết muốn vãng sanh. Làm sao giúp cho người đó có được cái tâm này:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con đi liền hôm nay...

- Nam Mô A-Di-Đà Phật con quyết lòng đi về Tây Phương...

Chỉ vậy mà thôi! Tức là làm sao ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh này cho vững vàng trong tâm người bệnh, thì họ vãng sanh về Tây Phương. Đây là một chuyện mà xin thưa thật...

- Không cách nào có thể hiểu được!

- Không cách nào có thể bàn được!

- Gọi là “Bất Khả Tư Nghì!”...

Đây chính là sự gia trì của A-Di-Đà Phật. Chính là đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật.

Làm sao một người trước những giây phút ra đi niệm được câu A-Di-Đà Phật. Niệm thành tâm chứ không phải niệm giỡn. Phát nguyện vãng sanh tha thiết. Phải phát nguyện vãng sanh, nhất định đừng có chen cái nguyện nào khác trong lúc sắp sửa buông xả báo thân và có niềm tin vững vàng thì A-Di-Đà Phật sẽ đến tiếp độ. Chỉ ba điểm này thôi xuất hiện ngay trong thời điểm đó, thì người đó được vãng sanh. Cho nên tất cả những gì mà hổm nay chúng ta nói, tất cả những điều chúng ta cộng tu ở đây... đều chuẩn bị cho cái giây phút đó hết.

Nói về Khế Cơ thì liên quan rất nhiều đến những gút mắc, những nghi vấn trong lòng, liên quan đến pháp vãng sanh, pháp hộ niệm, pháp niệm Phật. Thì trong giai đoạn này, xin chư vị nào có câu hỏi nên viết ra rồi để vào hộp ý kiến. Chúng ta sẽ cố gắng mổ xẻ càng sâu. Nếu có những thắc mắc chứa chấp trong lòng không thố lộ ra, thì nhiều khi chúng ta cứ đắm vào đó mà có thể bị trở ngại. Ví dụ như hôm qua, khi ở trên xe anh Hai có hỏi một câu mà làm tôi ngộ! Anh hỏi, có phải mười hai lạy là liên quan đến “Thập-Nhị-Nhân-Duyên” không? Mười hai là thập nhị đó! Câu hỏi này rất là hay!

Chính những nghi vấn này mình nên khui ra. Nhiều khi có những vấn đề mình hiểu rồi, nhưng cũng nên hỏi ra, vì biết rằng còn có người chưa hiểu!

Thì xin thưa rằng, mười hai lạy đó không phải là “Thập-Nhị-Nhân-Duyên”. Thập-Nhị-Nhân-Duyên là pháp quán của các vị Bích-Chi-Phật trong hàng nhị thừa. Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bích-Chi-Phật và thường thường các ngài Bích-Chi-Phật tu theo cái pháp đó. Còn ở đây thì chúng ta tu pháp niệm Phật để đi về Tây Phương. Hai đường đi, hai chứng đắc khác nhau. Bích-Chi-Phật, Thanh-Văn, Duyên-Giác Gọi chung là A-La-Hán, thường thường các Ngài tu về Thiền Định để tự vượt qua Tam-Giới. Đối với pháp Niệm Phật mà nói, thì các vị đó đã chứng tới chỗ gọi là Vị Bất Thối. “Vị” tức là “Phàm Phu Vị”, các Ngài đã vượt qua Phàm Phu Vị.

Còn chúng ta tu đây là tu theo Bồ-Tát-Thừa, tiến thẳng đến Phật-Thừa luôn. Pháp Niệm Phật được gọi là “Nhất-Thừa Thật-Tướng”. Lạ lắm chư vị! Tu thì dễ mà chứng đắc thì cao! Chứng đắc tới cảnh giới Phật luôn. Khi về Tây Phương Cực Lạc thì đầu tiên chúng ta thành Bồ-Tát Bất-Thối trước. Bồ-Tát Bất-Thối nếu so sánh ra thì... lạ lắm! (Những lý đạo này cao quá, mình nên hiểu sơ như vậy thôi). So sánh ra, năng lực của họ cao tới cỡ Thất-Địa, Bát-Địa Bồ-Tát. Tức là, những vị A-La-Hán còn kém họ rất là xa. Những vị Sơ-Trụ Bồ-Tát, tức là khởi đầu của hàng Pháp-Thân Đại-Sĩ trên cảnh Hoa-Nghiêm rồi vẫn còn thua họ tới ba mươi sáu bậc “Sanh Tướng Vô Minh” cơ. Thật là Bất Khả Tư Nghì! Hòa Thượng Tịnh Không giảng, từ Sơ-Trụ mà muốn tu cho tới chỗ đó phải tu tới hai đại A-Tăng-Kỳ kiếp, trong khi đó thì mình ở đây vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, như là hạng thấp tẹt của mình, thì có thể nhiều lắm là mười hai kiếp, mười hai kiếp mình có thể đạt được Tam-Bất-Thối. (Tức là ba bậc bất thối). Điều này cao quá! Chúng tôi không dám nói sâu hơn nữa. Chỉ xin chư vị hãy phát lòng tin tưởng cho vững vàng là được rồi.

Trong thân phàm phu tục tử bệnh hoạn như thế này, mà mình phát khởi niềm tin vững vàng, niệm câu A-Di-Đà Phật, thì trong kinh Phật nói rằng, trong vô lượng kiếp về trước ta có thiện căn phước đức cúng dường tới vô biên ức đức Phật Như-Lai rồi mới có hiện tượng này, chứ không phải dễ gì đâu! Lạ lắm! Nên nhớ, có những vị Bồ-Tát khi gặp câu A-Di-Đà Phật cũng không tin. Thế mà nếu quý vị phát tâm tin tưởng vững vàng thì chứng tỏ công đức thiện căn trong quá khứ của quý vị đã bất khả tư nghì rồi. Chính nhờ cái thiện căn bất khả tư nghì đó, nên trong một đời này chỉ tu như vậy, nhiều khi một phẩm chấp trước không phá nổi, nhưng lại vượt về được tới Tây Phương Cực Lạc để đạt được cái năng lực như vậy.

Trở về vấn đề mười hai lạy. Phương pháp tu niệm Phật của chư Tổ trong Tịnh-Độ-Tông để lại hay lắm, đơn giản lắm. Ví dụ như mình dùng pháp này để tu. Chúng ta thấy có những lúc đi kinh hành, có những lúc ngồi, có những lúc khai thị, có những lúc thư giãn để xoa bóp, rồi có những lúc lạy Phật để cho thân thể của chúng ta được điều hòa, làm cho ba giờ cộng tu hay cả ngày niệm Phật giống như trải qua chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Nếu không có phương pháp này, mình tu một ngày không nổi. Thế mà nhờ pháp tu này, làm cho mình hình như là một ngày, hai ngày, ba ngày tu hành trôi qua một cách đơn giản dễ dàng. Nhờ vậy mà chúng ta dễ nhiếp tâm niệm Phật... Bất khả tư nghì!...

Thì pháp lạy mười hai lạy, là khi chúng ta lạy thì luôn luôn hướng về Tây Phương Cực Lạc. Quý vị hãy nhìn lên bàn thờ, có ba vị là: A-Di-Đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí, mỗi vị ta đảnh lễ Ngài ba lạy. Như vậy ba vị ta đảnh lễ chín lễ. Bên cạnh đó có một câu là: “Hòa-Nam Thánh-Chúng”. Chư Thánh-Chúng trên cõi Tây Phương chúng ta sẽ hội nhập với các Ngài. Bây giờ chúng ta đảnh lễ chung các Ngài ba lễ nữa, thành ra tất cả là mười hai lễ. Ý nghĩa của nó là như vậy.

Còn nói về sự điều hòa, thì chúng ta ngồi niệm Phật lâu quá, bây giờ lạy để được đứng lên, lạy xuống cho thân thể được điều hòa. Thực ra chỉ là vậy mà thôi! Chứ không có liên can gì đến “Thập-Nhị-Nhân-Duyên”.

Nên nhớ, niệm Phật thì tất cả chúng ta đều dồn hết vào câu A-Di-Đà Phật, dồn hết vào một đường để đi, đừng nên đi hai đường! Hòa Thượng Tịnh-Không thường nói, tu pháp nào một pháp. Nghe pháp cũng phải tuyển chọn để nghe. Những vị nghe nhiều pháp quá thì thường khó có chỗ định. Ví dụ, nghe người ta giảng pháp Thập-Nhị-Nhân-Duyên thì thấy pháp Thập-Nhị-Nhân-Duyên hay lắm! Nhưng thực ra chúng ta làm không nổi!

Tiện đây xin kể chuyện một chút xíu ra cho vui. Ở Việt Nam có một ban hộ niệm, năm đó tôi đến đó nói chuyện, thì các vị đó mới biếu cho một đĩa VCD, gọi là hộ niệm vãng sanh! Khi về mở ra xem mới thấy vị Trưởng lão đó “Khai Thị” cho người bệnh mà giảng từ Tứ-Diệu-Đế, đến Bát-Chánh-Đạo, rồi Thập-Nhị-Nhân-Duyên... Tức là nói luôn một dây như vậy. Khi xem VCD đó rồi, tôi mới viết thư khuyên vị đó rằng, đừng “Khai Thị” như vậy nữa. Đừng đem những lý đạo này ra “Khai Thị” cho người bệnh, vì người bệnh sắp chết rồi, không bao giờ có thể tiếp nhận được đâu. Chỉ khuyên người ta là nhiếp tâm niệm Phật và cầu A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ, nhờ vậy thì người ta mới được vãng sanh. Thực tế thì cái phim đó cũng không phải là phim vãng sanh, vì họ chỉ quay trong lúc người đó còn sống chứ chưa phải là ra đi. Nghe vậy thì các vị đó mới trả lời, hứa sẽ sửa đổi lại. Khi sửa đổi lại rồi, thì mười ngày sau đã phát hiện ra một người vãng sanh.

Tức là từ trước các vị đó chưa biết hộ niệm, khi biết được rồi điều chỉnh lại thì tự nhiên có người vãng sanh. Cũng giống như hôm qua chúng ta nói, những ban hộ niệm mới, thường thường người ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đề khai thị, nên khi ngồi trước bệnh nhân người ta cứ mở ra nào là Bát-Chánh-Đạo cũng giảng cho, Tứ-Diệu-Đế cũng giảng cho, Thập-Nhị-Nhân-Duyên cũng giảng cho... Giảng những bước đi của các hàng Nhị Thừa thì ta bị lạc đường đi về Tây Phương. Con đường về Tây Phương là nhắm thẳng tới: Tín-Nguyện-Hạnh, cứ vậy mà đi thì người ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chuyện này mỗi ngày chúng ta mỗi nắm vững. Nhất định ta sẽ thấy hình như đường đi về Tây Phương của chính mình, của người thân của mình đang ở trong hào quang của A-Di-Đà Phật, và chúng ta đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

KHẾ LÝ - KHẾ CƠ

 

(Tọa Đàm 30)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hộ Niệm để được vãng sanh về Tây Phương cực Lạc là chúng ta áp dụng cái phương pháp căn bản, cụ thể và gần gũi nhất đối với người phàm phu tục tử nghiệp chướng sâu nặng.

Nếu là người căn cơ cao thượng thì không bao giờ dùng đến phương pháp hộ niệm làm chi!... Ngay trong mỗi chúng ta, nếu thật sự là hàng căn cơ cao thượng cũng khỏi cần. Tuy nhiên, nếu mình muốn độ người khác thì cũng phải nghiên cứu phương pháp hộ niệm để áp dụng. Vì ta có thể thuộc hàng căn cơ cao?! Nhưng mà Mẹ ta, Cha ta, anh em, họ hàng... họ không có căn cơ cao. Không có căn cơ cao thì nghiệp chướng bao phủ, trước những giây phút ra đi thường thường bị trở ngại. Nếu không nhờ đến sự hộ niệm thì sẽ bị rối trong khi hấp hối, không cách nào vãng sanh được!

Khi hộ niệm chúng ta cố gắng phải nghiên cứu cho thật kỹ quy cách hộ niệm. Rất nhiều người không chịu nghiên cứu, cứ thấy rằng ngồi bên cạnh người bệnh niệm Phật, cứ niệm A-Di-Đà Phật... A-Di-Đà Phật... Rồi vỗ tay mấy cái vui vui, tưởng vậy là đơn giản! Thật ra, có khá nhiều sự sơ hở làm cho người bệnh không thể tiếp nhận, không thực hiện được Tín-Nguyện-Hạnh. Không thực hiện được ba tư lương này, thì người ta không được vãng sanh. Mỗi ngày chúng ta cố gắng khai thác một chút, mong cho mọi người sau một thời gian sẽ nắm vững vấn đề.

Ngày hôm qua, trong lúc đang bàn chuyện hộ niệm ở phòng bên kia, chúng ta có khuyến cáo rằng khi hộ niệm cần phải cố gắng làm sao cho người bệnh vui vẻ. Mình ráng cố gắng chiều người bệnh để cho họ vui vẻ ra đi. Nếu mình không có chiều theo ý của họ, làm cho họ phiền não thì không thể vãng sanh. Ví dụ như Mẹ của chúng ta muốn tới cái nhà này để niệm Phật, mình lại thấy căn nhà này không thích hợp, nên cứ bắt người Mẹ mình tới ở nhà kia, nhưng nơi đó Mẹ mình lại không thích. Làm vậy phải chăng, khi hộ niệm mình đã bắt người bệnh phải chiều theo ý muốn của mình? Làm vậy khiến cho người bệnh phiền não! Một khi họ phiền não thì chắc chắn không cách nào có thể vãng sanh được!

Do đó phải nhớ điều này, nhiều khi mình thấy người bệnh thích một chuyện gì đó, dù không được thuận lợi lắm, nhưng trước tiên ta cần phải cố gắng chiều người bệnh trước đã. Ví dụ, như trước những ngày sắp chết, người bệnh lại đòi vào bệnh viện, họ muốn bác sĩ khám họ thử như thế nào? Mình biết đây là cái tâm thoái hóa của người bệnh, nhưng một khi người bệnh đã quyết đòi như vậy, mà mình lại ép buộc người bệnh phải ở nhà, thì chắc chắn từ lúc đó cho đến khi chết không cách nào mà họ yên tâm niệm Phật được!

Vì thế, khi gặp trường hợp này, việc đầu tiên là nên đưa người bệnh vô trong bệnh viện trước đã. Đây có thể là do sau một thời gian niệm Phật người bệnh bị thối tâm, người ta sợ chết hay sao đó?... Tại sao mình không đưa họ vào trong bệnh viện, rồi nhờ bác sĩ khuyên người bệnh vài câu. Ví dụ, Bác sĩ nói:

- Anh ơi! Chư vị ơi! Cái bệnh này chúng tôi chữa không được nữa rồi. Cho nên ở lại cũng chết, về nhà cũng chết.

Người bệnh nghe được bác sĩ nói một câu như vậy, thì chính đây là lời khai thị rất tốt cho người bệnh, nhờ vậy mà họ an tâm về nhà lo niệm Phật vãng sanh.

Có một lần chính đứa em của Diệu Âm muốn Cha Mẹ của Diệu Âm vào trong Sài-Gòn để niệm Phật, vì nhà ở thành phố thì có máy lạnh, thoải mái hơn, mà lúc đó Ông già Bà già thì thích ở tại quê. Nó khuyên không được, nên mới lập mưu như thế này... Nó mướn một chiếc xe Taxi từ Sài-Gòn đi về tới Bình-Định. Về tới nhà, trước tiên đem bánh trái dọn ra ăn uống cho ngon lành, rồi sau đó mới dụ Cha Mẹ đi xuống Qui-Nhơn chơi, xuống Qui-Nhơn để thăm biển chơi cho vui! Ông bà nghe nói đi Quy-Nhơn thì bằng lòng đi.

Khi Ông già Bà già leo lên xe xong rồi, nó chở tuốt vô Sài-Gòn luôn. Tức là lúc đó đã leo lên xe... Ông già Bà già đã yếu rồi, đâu còn cách gì cưỡng lại được nữa! Khi Diệu Âm về nghe tin như vậy... Bên cạnh thì ông bà già cứ đòi về lại quê. Diệu Âm kêu đứa em ra la rầy:

- Em làm như vậy không được! Kỳ này nếu anh không về, mà Ông già chết thì chắc chắn không cách nào vãng sanh được!

Do vậy, sau khi tẩm bổ cho Ông già khỏe lại một chút, lại tìm cách đưa Ông về Bình-Định. Khi về lại Bình-Định thì lúc đó trời nóng quá chịu không nổi! Ông về đến đó thì muốn xỉu liền. Vì thấy nắng chịu không nổi, nên Ông giật mình! Ở tại quê không có máy lạnh! Thế thì, lại tìm cách, nhờ chị Nhung ở từ Bình-Phước đem xe ra ngoài Bình-Định đưa Ông vô lại trong Sài-Gòn. Lúc đó Ông ta mới an tâm niệm Phật!...

Thường khi mình phải chiều người bệnh, chứ không thể nào bắt người bệnh phải chiều chúng ta. Có nhiều người quá sơ ý trong phương pháp hộ niệm vãng sanh, không chịu nghiên cứu kỹ, cứ nghĩ sao làm vậy, vô ý tạo ra nhiều phiền não cho người bệnh. Một khi người bệnh phiền não rồi thì thôi chịu thua! Cứu không được!

Ví dụ như trong bữa nói chuyện hôm qua, sau khi nghe đến vấn đề này, bà Cụ đưa ra một cái câu giải quyết rất là hay. Bà nói:

- Mình quyết lòng niệm Phật đi về Tây Phương rồi, thì thôi ở nhà nào cũng được, tới chỗ nào cũng được, không cần chấp nữa.

Chính đây là câu giải quyết rất hay. Mình biết rõ rệt là con cái mình sau này có thể đưa mình tới chỗ này, đưa mình tới chỗ kia. Nhiều khi con cái biết tu nó đưa mình tới chỗ rất là tốt, nhưng vì chấp mình muốn trở lại cái chỗ của mình. Vì cái chấp của mình mà làm cho chính mình bị trở ngại, từ đó mà mình có thể mất phần vãng sanh. Cho nên bà Cụ nói rất là hay:

 

- Đừng có chấp nữa... Nhất định bây giờ con nó muốn đi vô Sài-Gòn thì ta đi vô Sài-Gòn, con nó muốn đi về quê ta đi về quê.

Thoải mái như vậy thì tự nhiên người hộ niệm chúng ta cũng thoải mái, tới bất cứ chỗ nào ta cũng niệm Phật được.

Vậy thì, là một người hộ niệm, chúng ta phải nhớ cố gắng uyển chuyển đừng nên gây phiền não cho người bệnh. Nếu ta là người bệnh, ta cũng phải tập cái tánh gọi là không chấp. Một người tới niệm lớn quá, điều này không đúng phương pháp hộ niệm, ta biết như vậy rồi nhưng lỡ có một người nào tới niệm lớn quá thì ta cũng đừng có giận. Nếu mà hàng ngày thấy người ta niệm lớn quá mà mình giận, thì lúc đó có nhiều người niệm lớn mình sẽ nổi giận lên! Đây là do “Chấp” mà tự mình làm mất phần vãnh sanh. Tất cả những đạo lý này không có gì là cao siêu cả, nó cụ thể vô cùng.

Ví dụ như ở nhà mình có một người bệnh. Nên nhớ, người bệnh thường thường cảm thấy khó chịu dữ lắm, tại vì đau lưng, vì nhức đầu, vì mệt mỏi... Điều quan trọng là ta nên cố gắng làm cho người đó vui lên. Yểm trợ tinh thần họ, củng cố tinh thần họ. Đây là hộ niệm.

Ví dụ khác, như người bệnh niệm Phật không nổi, mình khuyên hoài mà họ cũng không chịu niệm Phật, thì mình hãy làm gương, mình niệm Phật trước. Mình niệm Phật ngày niệm Phật đêm, và nói:

 

- Má ơi! Con còn trẻ nè mà con còn niệm Phật như thế này, Má không niệm Phật làm sao Má vượt qua cái ách nạn đây?

Mình làm gương trước, rồi chính sự niệm Phật của mình sẽ có công đức. Nhờ có công đức đó mới hồi hướng cho Cha Mẹ. Nhiều khi trước đó một tuần mình nói Mẹ mình không nghe, nhưng sau một tuần niệm Phật, nhờ có công đức nên lời nói của mình hình như có hiệu lực hơn... Lạ lắm!...

Chính vì vậy, muốn đi hộ niệm cho người được vãng sanh, thì người hộ niệm chúng ta cũng phải cố gắng niệm Phật để có công đức. Luôn luôn lúc nào cũng vậy. Khi mình tới ngồi hộ niệm... “Nam Mô A-Di-Đà Phật... A-Di-Đà Phật... A-Di-Đà Phật”. Nếu mình có công phu tu hành thì thường thường chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì cho mình, câu niệm Phật của mình có giá trị, lời nói của mình được các Ngài gia trì luôn. Chính nhờ vậy, khi mình khai thị cũng dễ làm cho người bệnh cảm động, làm cho người bệnh hình như có một sự cảm ứng, và người ta dễ nghe theo.

Thông thường nhiều vị cứ để Mẹ mình nằm ở nhà thương cho đến khi yếu thật yếu rồi mới tới kêu:

- Anh Diệu Âm ơi! Bây giờ làm sao? Mẹ tôi ở Sài-Gòn... Mẹ tôi ở Đà-Nẵng... bây giờ làm sao giới thiệu cho tôi ban hộ niệm....

Thật ra mình giới thiệu là vị nể mà giới thiệu thôi, chứ cũng chưa chắc gì cứu được người đó đâu! Vì hồi giờ người đó không có niệm Phật! Đừng nên nghĩ sai lầm rằng ban hộ niệm có thể giải quyết được! Cho nên, gặp những trường hợp này Diệu Âm thường thường khuyên người con đó hãy phát tâm ra trước đã.

Chứ còn như, khi hỏi tới:

- Hồi giờ Mẹ chị có niệm Phật không?...

 

- Có, nhưng lười biếng lắm!

 

- Có ăn chay chưa?

- Dạ chưa.

Còn vướng đủ thứ hết trơn! Vậy thì làm sao bây giờ?...

- Chính mình phải lo niệm Phật.

- Chính mình phải phát tâm phóng sanh.

- Chính mình phải in kinh ấn tống.

- Chính mình phải cầm xâu chuỗi niệm Phật trước Mẹ mình...

- Mẹ ơi! Con niệm Phật để hồi hướng cho Mẹ, chứ nếu không lỡ Mẹ bị chết rồi, con không có cách nào có thể cứu Mẹ được...

Chính cái tâm thành của người con cảm ứng đến Mẹ. Chính người con cũng nên dẫn người Mẹ tới gặp ban hộ niệm và hứa với ban hộ niệm rằng:

-Tôi sẽ cố hết sức để khuyên Mẹ tôi niệm Phật. Xin chư vị giúp Mẹ tôi...

Chính lòng chân thành của người con mà làm cho ban hộ niệm mới dám nhận cái ca này để hộ niệm. Chứ nếu mình ỷ lại ban hộ niệm, mình không chịu tham gia tích cực với họ thì nhiều khi ban hộ niệm đó họ hộ niệm cũng không được.

Nói chung, nhất định đừng bao giờ chờ đến phút cuối cùng rồi nhờ ban hộ niệm... Không hay! Xin thưa chư vị, phải lo trước...

- Nhất định phải niệm Phật trước,

 

- Nhất định phải tạo công phu trước,

 

- Nhất định nhớ rằng, chúng ta ở đây toàn là những người trên trên sáu mươi tuổi hết trơn. Một sớm một chiều là xong...

Nếu không có công đức để hóa giải những ách nạn của chính mình, thì sau cùng rồi cũng phải chịu khó khăn! Nếu từ giờ phút này chúng ta quyết lòng niệm Phật, xin thưa rằng, trong một ngày, hai ngày, ba ngày hay một tuần lễ, hai tuần lễ mà chúng ta quyết lòng niệm Phật đó thì tự nhiên phước đức mình sẽ tăng lên, nghiệp chướng của mình sẽ giảm xuống và có thể có sự cảm ứng rõ rệt. Đừng nên thấy có ban hộ niệm rồi ỷ lại, mà phải nhớ rằng là mình phải lo công phu niệm Phật. Lòng chân thành này nhất định sẽ cảm ứng đến A-Di-Đà Phật.

Nếu lòng chân thành thật sự có, thì tự nhiên vấn đề được vãng sanh sẽ đơn giản lắm! Dễ dàng lắm!... Vãng sanh vi diệu bất khả tư nghì!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

Xem mục lục