Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (7)


Xem mục lục
33 - CÂY TRẠCH TẢ
 
Trạch tả thường mọc bờ ao,
Cây ra rễ trắng, thân cao mét dài.
Lá mọc từ gốc đâu sai,
Hình trứng, lưỡi mác, hình hài trái tim.
Hoa họp thành tán ưa nhìn,
Cánh hoa thường trắng, lại xin phớt hồng.
Nhị nhiều, lá noãn dễ trông,
Một đa bế quả, thoáng lồng bên nhau.
                     *   *
Thân, củ chế biến muốn mau,
Đem phơi hoặc sấy, về sau khô dần.
Tác dụng lợi niệu, thông lâm,
Gặp khi ỉa chảy, thuốc cầm được ngay.
Chữa người bí đái lâu ngày,
Trạch tả sẵn có, đem ngay ra dùng.
 Còn chữa thẩm thấp nói chung,
Đái buốt, đái đục, Thận từng bị viêm.
Chữa người thủy thũng triền miên,
Bụng đầy, tức ngực dùng liền Trạch đây.
 
            Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây Trạch tả:
1- Lợi niệu, thông lâm: Dùng chữa các chứng bệnh thấp nhiệt, tiểu tiện không lợi, thủy thũng, đái nhỏ giọt và nước đái đục:
a- Trạch tả, Mộc thông, Mã đề, Trư linh, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 10gam; sắc uống ngày một thang, chữa các chứng bệnh trên.
b- Trạch tả, Phục linh, hạt Mã đề, Trư linh, mỗi vị 10gam; sắc uống ngày một thang, chữa các chứng bệnh: Viêm Thận cấp, đái ít, thủy thũng.
2- Thẩm thấp, cầm ỉa chảy: Chữa các chứng thủy thấp, ỉa chảy, sôi bụng mà không đau bụng: Trạch tả, Bạch truật, Phục linh, Thần khúc, Mạch nha, Sa nhân, mỗi vị 10g; Trần bì 5g, Cam thảo 3g; sắc uống ngày một thang.
3- Chữa viêm ruột cấp: Trạch tả, Phục linh, hạt Mã đề, Trư linh, Bạch đầu ông, mỗi vị 10gam; sắc uống ngày một thang.      
 

Lưu ý:  Trạch là đầm; tả là tát cạn, vị này thông tiểu tiện rất mạnh như tát cạn nước ở đầm, ao; công dụng chính dùng để chữa các chứng bệnh như trên./.

 

Xem mục lục