91. Khi dùng thuốc voltarène
"Mẹ tôi 50 tuổi, 2 năm trước bị đau khớp gối, được chữa trị tại bệnh viện; sau này mỗi ngày đều dùng 1 viên Voltarène. Nếu ngưng thuốc hoặc ăn mướp đắng, cà tím thì bị nhức. Xin cho biết mẹ tôi cần kiêng những thức ăn gì, dùng Voltarène thường xuyên có bị ảnh hưởng không?".
Voltarène có muối natri diclofenac, một chất không steroid có tác dụng ức chế quá trình sinh tổng hợp prostaglandine (chính chất này đóng vai trò chủ yếu trong việc gây viêm, đau và sốt), cho nên nó có tác dụng chống thấp khớp, giảm đau, chống viêm và hạ nhiệt.
Voltarène không được dùng cho người bị bệnh dạ dày (vì có thể gây chảy máu, thủng dạ dày) hoặc người bị dị ứng với axit acetylsalicylic. Không dùng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Bạn không nói rõ dùng viên thuốc có hàm lượng bao nhiêu (25 mg hay 50 mg). Tuy nhiên, với liều duy trì 1 viên mà cho hiệu quả như vậy là tốt, không nên ngưng. Uống thuốc trong các bữa ăn.
Voltarène còn có dạng tiêm bắp, hàm lượng 75 mg và dạng kem bôi ngoài da Voltarène émulgel.
Không chỉ riêng mướp đắng hay cà tím mà bất cứ thức gì bị cơ thể mẹ bạn "từ chối" đều phải kiêng, để tránh xảy ra dị ứng.
92. Tin vui cho cư dân vùng sốt rét
"Ký sinh trùng sốt rét ngày càng kháng thuốc, không biết đã có thứ thuốc chữa sốt rét nào tốt hơn chloroquine?".
Điều bạn quan tâm cũng làm các nhà dược học trên thế giới đau đầu, vì vị thuốc chủ bài chống sốt rét là chloroquine ngày càng bị ký sinh trùng của bệnh này coi khinh.
Vào quý 1 năm 2001, giáo sư Surolla thuộc Đại học Bangglore (Ấn Độ) khi nghiên cứu một chất tổng hợp chống vi khuẩn là tri-closan (vẫn dùng làm chất khử mùi trong nhà tắm) đã nhận thấy, chất này kìm hãm sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét, kể cả Plasmodium falciparum đã kháng cloroquine. Triclosan sẽ sớm có mặt trên thị trường.
93. Thuốc mới chống ung thư
"Chúng tôi nghe nói đã có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh ung thư, xin cho biết đó là thuốc gì?".
Cho đến nay, việc điều trị ung thư về căn bản dựa trên ba biện pháp kết hợp: cắt bỏ khối u, xạ trị (chiếu tia X. vào khối u hoặc khu vực đã mổ cắt khối u), hóa trị liệu (dùng hóa chất đưa vào người) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Kết quả đạt được phụ thuộc vào việc phát hiện và xử trí sớm hay muộn cũng như vào mức độ "ác" của từng loại ung thư và vào sức đề kháng của từng người.
Việc chiếu tia X. liều cao và việc dùng hóa chất đều có mặt trái là ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe.
Từ lâu, người ta nhận thấy rằng: Khối ung thư phát triển là nhờ nó kích thích cho hệ thống mạch máu của chúng ta phát triển để "nuôi" nó. Do đó, một số phẫu thuật viên đã đề xuất việc thắt các động mạch đi tới khối u (trong trường hợp không thể cắt bỏ) để cho ung thư "chết đói"! Tiếc thay, việc làm này không thành công vì còn biết bao nhiêu mạch nối khác sẽ bù cho chỗ bị thắt, và khối u vẫn không hề gì.
Gần đây, người ta tìm được hai chất có tác dụng ức chế sự hình thành mạch máu mới của ung thư, đó là angiostatin và endostatin. Trên cơ sở này, các biệt dược mới mang tên Anti-VEGF, TNP-470 đã ra đời, được sử dụng cho một số trường hợp ung thư muộn, bước đầu cho kết quả đáng mừng.
Tuy nhiên, mặc dù phấn khởi là đã đi đúng hướng, các nhà nghiên cứu thấy vẫn cần phải chờ một thời gian nữa, sau khi các loại thuốc mới này đã được dùng trên diện rộng, mới có thể khẳng định được.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện rằng chất telomerase (hiện diện trong 85% tế bào ung thư) có tác dụng làm cho các tế bào này "sống lâu muôn tuổi" (các tế bào lành vì không có chất này nên không thể "trường sinh bất lão"). Nếu có cách gì vô hiệu hóa telomerase thì sẽ giết chết được tế bào ung thư. Mới đây, các nhà khoa học Canada lại tìm thấy một protein mang tên *hnRNP A1 cũng có tác dụng làm cho tế bào ung thư "vạn thọ vô cương", lợi hại hơn telomerase ở chỗ nó hiện hữu trong 100% các khối u. Nếu vô hiệu hóa được *hnRNP A1, ta cũng sẽ làm cho các tế bào khối u già đi và chết.
Những phát hiện nói trên rất quan trọng, mở đường cho việc sáng tạo các thuốc chống ung thư hữu hiệu hơn và không độc hại đối với cơ thể.
94. Triển vọng của thuốc vacxin chống ung thư
"Nghe nói đã có thuốc tiêm phòng chống bệnh ung thư. Xin cho biết thực hư".
Chuyện có thật đấy. Có 2 thành tựu, một trên người và một trên chuột thí nghiệm.
1. Cuối năm 1997, một phụ nữ Đức 65 tuổi được chẩn đoán qua lâm sàng và ảnh scanner là bị ung thư thận đã di căn, cầm chắc cái chết. Bà xin làm người đầu tiên thử nghiệm một vacxin loại mới (do nhóm nghiên cứu của giáo sư G. Muller thuộc Bệnh viện Gottingen của Đức sáng tạo) và bà đã khỏi bệnh hoàn toàn, các di căn ung thư ở hai phổi cũng biến mất, sau hai năm rưỡi không xuất hiện lại. Như vậy là vacxin đó có tác dụng chữa ung thư rõ rệt.
Vacxin chống ung thư của Đức được chế tạo theo các bước sau: Lấy một số tế bào ung thư đem nghiền nát. Lấy các bạch cầu đơn nhân trong máu người bình thường đem nuôi cấy ở 37 độ C trong môi trường có cytokin. Sau 7 ngày đêm, các bạch cầu này biệt hóa và trở thành tế bào sợi nhánh chưa thành thục. Đem các tế bào ung thư trộn với các tế bào sợi nhánh này rồi đặt vào một thiết bị, để chúng hợp nhất thành các tế bào lai dưới tác động của một cú sốc điện.
Sau khi tế bào lai này được tiêm cho bệnh nhân ung thư, chúng kích thích bạch cầu lympho T (LT) tiết cytokin để kích hoạt nhiều tác nhân của hệ miễn dịch, đồng thời thúc đẩy bạch cầu lympho B (LB) sản xuất kháng thể hướng vào kháng nguyên của khối ung thư.
Nhờ đó, hệ miễn dịch tấn công thắng lợi vào tế bào ác tính và di căn. Các LT nhận diện ra ngay và phá hủy chúng. Các bạch cầu đơn thuần, các đại thực bào hay các bạch cầu lympho khác cũng nhận diện ra các kháng thể dính trên bề mặt của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
2. Viện Pasteur của Pháp đã hiệu chỉnh được một vacxin tổng hợp mang tên MAG (Multiple Antigenic Glycopeptide) giúp 70% chuột khỏi bệnh nhờ loại trừ được khối ung thư.
MAG gồm một trung tâm lysine và 4 peptide mô phỏng kháng nguyên của virus sốt bại liệt, có gắn thêm đường Tn (kháng nguyên đặc hiệu của tế bào ung thư). Khi tiêm MAG cho chuột bị ung thư, kháng nguyên của virus sốt bại liệt bị tế bào sợi nhánh của chuột thu lấy và đưa tới LT; bạch cầu này bèn kích thích LB bằng cách phóng thích cytokin. LB nhận diện ra kháng nguyên Tn trong vacxin, bèn tự tăng cường số lượng và sản xuất các kháng thể để gắn lên các đường Tn của tế bào ung thư. Nhờ việc "đánh dấu" này, các tác nhân của hệ miễn dịch nhận rõ mục tiêu tấn công và phá hủy tế bào ung thư.
Hai thành tựu nói trên mở ra triển vọng tốt đẹp trong việc chữa trị các bệnh nan y, kể cả HIV/AIDS.
95. Coi chừng dị ứng thuốc
"Cháu 17 tuổi, từ khi lên 10 tới giờ, mỗi lần dùng thuốc tây (uống hoặc tiêm) là da nổi mẩn đỏ, rất ngứa, sau phồng lên như bị bỏng, cả tuần mới khỏi. Cháu đã điều trị nhiều cách nhưng không hết".
Cháu không cho biết trong những lần bị dị ứng, cháu đã dùng thuốc gì, nhưng theo cách nói thì có thể đoán cháu bị dị ứng với một vài loại kháng sinh nào đó. Cháu hãy tìm lại các đơn thuốc đã dùng và tuyệt đối tránh sử dụng các kháng sinh đó.
Do không nắm được vấn đề nên bảy năm qua cháu đùa với lửa mà không biết. Hiện tượng dị ứng thuốc rất khó lường về mức độ nguy hiểm, có người chỉ tiêm trong da một nốt nhỏ để thử phản ứng mà cũng xây xẩm mặt mày, mạch nhanh, run tay chân. Trường hợp dị ứng mạnh sẽ dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
96. Máu nhân tạo
"Tôi nghe nói vài ba năm nữa sẽ có máu nhân tạo sử dụng rộng rãi. Máu nhân tạo có giống hệt máu người và thay được máu người không?".
Hiện chưa có chất gì bắt chước được y hệt máu người. "Máu nhân tạo" như bạn nghe nói chỉ là chất thay thế máu tạm thời trong một giai đoạn nào đó, chẳng hạn như khi bị chảy máu nhiều hoặc trong phẫu thuật; lúc bấy giờ điều quan trọng hàng đầu là đảm bảo ôxy cho cơ thể để duy trì sự sống. Nhiệm vụ này do huyết cầu tố (hemoglobin) của hồng cầu đảm nhiệm; vấn đề đặt ra là nghiên cứu một chất nào đó có khả năng vận chuyển ôxy giống như huyết cầu tố.
Hướng thứ nhất là chế tạo huyết cầu tố từ những chai máu người đã quá hạn dùng, hoặc từ máu bò, máu lợn; hay bắt các vi khuẩn đã qua tác động gene sản xuất. Nếu tạo ra được huyết cầu tố nguyên chất thì không cần phải quan tâm đến nhóm máu nữa, việc sử dụng sẽ an toàn và tiện lợi.
Tuy nhiên, việc sản xuất huyết cầu tố các chai máu người đã quá hạn như vậy vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cho và không thể cung cấp kịp thời với một lượng lớn, chẳng hạn khi có thiên tai, xung đột vũ trang...
Hướng thứ hai là sử dụng các fluorocarbure - những chất hữu cơ trơ nhất, đậm đặc nhất, dễ nén nhất và kỵ nước nhất - có khả năng thu ôxy từ phổi, sau đó đem phân phối cho các cơ quan qua hệ thống mao mạch.
Hãng Alliance Pharmaceutical (California) của Mỹ đã chế tạo được một chất lỏng trong suốt không màu mang tên Oxygent. Đó là một nhũ tương gồm perfluoro-carbure, nước và các chất nhũ hóa. Hạn sử dụng Oxygent (bảo quản ở nhiệt độ 5 độ C) là một năm rưỡi. Oxygent còn "cao thủ" hơn hồng cầu vì nó luồn được sâu vào các mao mạch.
Nhờ có "máu nhân tạo", loài người sẽ giảm thiểu, thậm chí tránh được những điều phiền phức hoặc nguy hiểm của việc truyền máu như hiện nay, đến mức mà người Mỹ coi truyền máu là một động tác nguy hiểm càng tránh được càng tốt.
97. Có insulin đường uống không?
"Mẹ cháu bị tiểu đường, lâu lâu phải đến bác sĩ tư tiêm insulin. Mẹ cháu sợ đau và có những lần để trễ nhiều hôm mới đi tiêm. Xin hỏi có loại insulin dạng uống không?".
Insulin hiện chưa có loại uống, bởi vì nếu uống theo cách thông thường thì nó không thể chui qua màng ruột để vào máu như một số lớn chất khác.
Tuy nhiên, có hai tin mới có thể làm cho người tiểu đường như mẹ cháu hy vọng có dịp được uống insulin thay tiêm:
1. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Fasano, Đại học Maryland (Mỹ) đã phát hiện ra một độc tố mới của vi khuẩn bệnh tả, được đặt tên là độc tố ZOT. Chính độc tố ZOT này làm cho những người bị bệnh tả liên tục bị tiêu chảy, mất nhiều nước và các chất điện giải, có thể chết rất nhanh nếu không được cứu chữa kịp thời. Sở dĩ như vậy là do ZOT làm tăng khoảng cách giữa các tế bào màng ruột (từ chỗ áp sát nhau nay hé rộng ra). Các nhà khoa học bèn trộn ZOT vào insulin rồi cho chuột bị tiểu đường uống; kết quả không kém insulin tiêm. Hiện thuốc đã được chuyển sang thí nghiệm trên khỉ (họ hàng gần của con người về di truyền cũng như sinh lý) và thu được kết quả y hệt như ở chuột, không có phản ứng phụ.
Một nhóm nghiên cứu khác của Mỹ đã hiệu chỉnh được, trên các chuột thí nghiệm, một phương pháp mới cho phép sử dụng insulin uống: Để bảo vệ insulin không bị chất axit của dạ dày phá hủy, các nhà nghiên cứu bọc nó trong một mạng lưới polymer. Khi gặp môi trường acid, mạng lưới "thông minh" này sẽ co khít lại, chỉ khi xuống đến ruột non nó mới lơi ra, giải phóng insulin cho màng ruột hấp thu. Phương pháp mới này đang được thử nghiệm trên người.
2. Gần đây, tại Liên hoan khoa học năm 2001 tại Edimbourg (Anh), các nhà nghiên cứu cho biết đã hiệu chỉnh được một kỹ thuật mới chế tạo các chất thuốc dưới dạng cực nhỏ, có thể vào máu dễ dàng qua việc trao đổi khí ở phổi. Do đó, mẹ cháu chắc sẽ có dịp được dùng insulin dưới dạng xông hơi, không cần tiêm mà cũng chẳng cần uống.
98. Để có thể phổ biến một phương thuốc hay
"Tôi là giáo viên, nhưng vì yêu thích nghề thuốc nên từ 20 năm nay, tôi mày mò tìm ra và ứng dụng có kết qủa một phương thuốc chữa bệnh thấp khớp. Tôi muốn được giúp đỡ để có thể phổ biến nó".
Xin hoan nghênh nhiệt tình của bác trong việc này. Thật vậy, bệnh thấp khớp gây tai hoạ cho biết bao nhiêu nam nữ thanh niên nước ta do những tổn thương ở tim. Tuy y học hiện đại đã có thuốc chữa bệnh này nhưng nó còn khá đắt, đông đảo người nghèo còn khó với tới lắm! Vả chăng, thuốc Tây y vẫn có những phản ứng phụ phải dè chừng. Bác đã chữa được một số trường hợp, nay muốn phổ biến rộng phương thuốc ấy, đó là một thiện ý đáng hoan nghênh.
Xin gợi ý với bác một số điểm như sau:
- Tuy phương thuốc đã được ứng dụng nhiều mà không gây nguy hiểm, bác vẫn nên rà lại dược tính, độc tính cũng như tính tương kỵ của từng vị (đã ghi trong cuốn Cây thuốc Việt Nam), rồi chép thành một tài liệu riêng. Những vị nào chưa có trong danh mục hoặc chưa có tên Latin, bác nên nhờ các nhà dược học xác định giúp.
- Liên hệ với một vài cơ sở Đông y ở gần để họ chấp thuận cho sử dụng trên bệnh nhân. Muốn được thuận lợi, có lẽ bước đầu bác chưa nên thu tiền, tuy có khó khăn về tài chính nhưng công chuyện sẽ trôi chảy hơn. Dựa vào kết qủa trên từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có nhận xét về phương thuốc đó.
99. Ghép khác với nối
"Chúng em đang học lớp 11. Sau khi đọc được bài báo về ca mổ ghép bàn tay thành công lần đầu tiên trên thế giới, chúng em đã tranh cãi. Đứa thì bảo đúng đây là lần đầu, đứa thì bảo trước đây đã mổ thành công nhiều trường hợp tương tự. Xin cho biết ai đúng ai sai?".
Hẳn là các em tranh luận về sự kiện ngày 24/9/1998: Lần đầu tiên trên thế giới, một ca ghép bàn tay được thực hiện thành công. Bệnh nhân là một người đàn ông 48 tuổi đã phải cắt cụt bàn tay trước đó 9 năm.
Nguyên nhân gây tranh luận có lẽ là do cả "hai phe" của các em đều chưa nắm chắc hai thuật ngữ "ghép" và "nối".
Đúng là người ta đã nhiều lần nối thành công bàn tay bị cắt đứt do rủi ro. Ngay sau tai nạn, bàn tay bị cắt rời được kịp thời chuyển theo người tới bệnh viện, và kíp mổ đã thực hiện cùng một lúc các phẫu thuật kết xương, nối mạch máu, nối dây thần kinh, nối cân cơ... Về căn bản, đó là bàn tay của bản thân cho nên hễ nó "còn sống" là được, chỉ cần luyện tập cho tốt.
Còn "ghép" là đem bàn tay của người khác (thường là người vừa mới chết) ghép lên mỏm cụt bàn tay của bệnh nhân. Đây không phải bàn tay của bản thân nên rất dễ bị đảo thải; bệnh nhân sẽ phải liên tục dùng thuốc để chống lại hiện tượng đó. Ngoài ra, do bàn tay bị cụt đã khá lâu nên có thể trên vỏ não không còn vị trí đại diện của nó; điều này sẽ làm hạn chế chức năng của bàn tay ghép.
Xin biểu dương cuộc tranh luận của các em. Bởi vì chỉ qua tranh luận, ta mới phân định được chân lý. Chỉ xin nhắc là trước khi tranh luận, "hai phe" phải thống nhất về định nghĩa thuật ngữ. Ví dụ: ghép xương (đặt các mảnh xương, đoạn xương vào ổ gãy, giúp cho xương liền lại) khác với kết xương (dùng đinh, vít, nẹp... bằng kim loại để cố định nó); giải phẫu (mô tả hình dạng, vị trí, chức năng của các bộ phận cơ thể) khác với phẫu thuật (dùng dao kéo để mổ xẻ cơ thể)...
100. Nhìn gà đẻ sẽ bị lang ben?
"Cháu sợ quá, xin cứu cháu với! Hôm qua, cháu kể với bạn là nhìn thấy gà mái đẻ trứng; bạn nói rằng ai nhìn gà đẻ sẽ bị bệnh lang ben. Cháu rất sợ sau này sẽ bị như vậy, vì như bạn cháu nói, lang ben làm cho khuôn mặt trở nên dễ sợ".
Gà mái đẻ trứng hay lợn nái sinh con là động tác sinh sản của loài vật. Lang ben là bệnh ngoài da ở con người. Hai hiện tượng này không liên quan gì đến nhau.
Có lẽ bạn cháu còn nhầm lẫn giữa bệnh lang ben và bệnh bạch tạng. Lang ben là một bệnh ngoài da thuộc loại nhẹ nhất; có một số trường hợp tự nhiên khỏi khi lớn lên. Còn bạch tạng là một bệnh bẩm sinh: một số tế bào bị mất hắc tố, trở nên trắng bệch. Tổn thương cứ thế lan rộng dần; nếu chẳng may bị ở mặt thì trông cũng dễ sợ, nhưng bệnh này không lây.