GIẢI ĐỀ :
NIẾT BÀN VÔ DANH LUẬN là Luận về Niết Bàn. Hai chữ Niết Bàn là tiếng Phạn, dịch là viên tịch. Ngũ trụ (1) sạch hết gọi là viên, nhị tử (2) vĩnh vong gọi là Tịch, cũng là biệt danh của nhất tâm tịch diệt, chân thể của thanh tịnh pháp thân, chẳng phải như người thế gian hiểu lầm cho là chết. Vì tam thế chư Phật tu nhơn trải qua nhiều kiếp, chứng đắc cái chân thể của nhất tâm nầy, gọi là Pháp thân; vì đáp lại cái nhơn quảng đại, gọi là Báo thân; tùy cơ lợi ích chúng sanh, gọi là Hóa thân.
Tất cả chư Phật đều đầy đủ tam thân: Pháp thân là thể, Báo thân, Hóa thân là dụng, có cảm ứng thì hiện, không cảm ứng thì ẩn; ẩn mà chẳng hiện thì viên qui nhất tâm, nhiếp dụng trở về chơn thể gọi là nhập diệt, tức là Niết Bàn chẳng phải là sanh tử.
Vì nhất tâm nầy ngũ trụ phiền não chẳng che lấp được nên gọi là viên; hai thứ sanh tử chẳng thể bó buộc nên gọi là "tịch".
Giáo môn tả về chỗ xuất phát, nói có bốn thứ:
l. Tự Tánh Niết Bàn: Tức là nhất tâm này cùng khắp mọi nơi, là bản thể của các pháp, tự tánh vốn tịch diệt. Cũng như nói : có Phật hay không có Phật, tánh tướng thường trụ, tất cả chúng sanh vốn diệt độ, chẳng cần diệt nữa, nên gọi là "Tự Tánh Niết Bàn".
2. Hữu Dư Niết Bàn: Nói sự chứng của tam thừa, vô minh chưa sạnh hết, biến dịch sanh tử chưa dứt, sự chứng lý chưa được cùng tột, nghĩa là còn dư một khoảng đường chưa giẫm đến, nên gọi là "Hữu Dư Niết Bàn".
3. Vô Dư Niết Bàn: Tức là Phật đã tu thành, vọng đã hết, chân đã sạch, thể dụng bất nhị, cũng là chứng được quả Vô Thượng Đại Niết Bàn, nên gọi là "Vô Dư Niết Bàn".
4. Vô Trụ Niết Bàn : Tất cả bậc thánh chẳng lấy hữu vi, chẳng trụ vô vi, nhị biên đều bất trụ, trung đạo cũng chẳng lập, động tịnh bất nhị, tổng danh là Niết Bàn, nên gọi là "Vô Trụ Niết Bàn".
Bốn thứ tên gọi này chỉ theo thể và dụng đặt tên, kỳ thật trong nhất tâm danh tướng đều tịch, nên gọi là "Vô Danh", tức là sanh tử và Niết Bàn cả hai đều bất khả đắc, cho nên hai chữ "Vô Danh" là cái tổng danh của nhất tâm thường trụ, bất sanh bất diệt.
Hai bài Luận "Vật Bất Thiên" và "Bất Chân Không" ở trước là cảnh sở quán, "Bát Nhã" là trí năng quán, ba luận ấy đều là nhân, nay "Niết Bàn" nầy là quả sở chứng, nên lấy làm luận.
GHI CHÚ :
(1) Ngũ trụ :
l. Kiến nhất thiết trụ địa phiền não: tức là tất cả kiến giải mê lầm của tam giới.
2. Dục ái trụ địa phiền não: tức là tư tưởng mê lầm của dục giới; trong tư tưởng mê lầm, nặng nhất là cái lỗi tham ái, nên đề ra cái chánh để bao gồm tất cả phiền não khác.
3. Sắc ái trụ địa phiền não: tức là tất cả tư tưởng mê lầm của sắc giới.
4. Hữu ái trụ địa phiền não : là tất cả tư tưởng mê lầm của vô sắc giới; vô sắc giới dù chẳng có sắc thân, nhưng còn chấp A Lại Da thức làm ngã, còn ngã là còn có ái, nên gọi là hữu ái.
5. Vô minh trụ địa phiền não : tức là nguồn gốc của tất cả phiền não.
Năm thứ phiền não kể trên gọi tắt là ngũ trụ. Nói trụ địa vì năm pháp này là chỗ vô sanh khởi tất cả tội lỗi cũng là chỗ dựa căn bản của hằng hà sa số phiền não.
(2) Nhị tử :
l. Phần đoạn sanh tử : là sanh tử của phàm phu từ đoạn này sang đoạn kia, như từ thân người sang thân thú.
2. Biến dịch sanh tử : cũng là sanh tử của bậc thánh đã chứng quả tam thừa, như bỏ A La Hán biến Bích Chi Phật, bỏ Bích Chi Phật biến Bồ Tát sơ địa, bỏ Bồ Tát sơ địa biến Bồ Tát nhị địa v.v...