Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

THƯ CỦA LƯU DI DÂN

(Ngài Huệ Viễn, sơ tổ của Tịnh Độ Tông, sau khi đọc bài Bát Nhã Vô Tri Luận, có tán thán rằng "xưa nay chưa từng có". Nhưng cảm thấy trong Luận còn nhiều điều thắc mắc chưa thông, nên có sai cư sĩ Lưu Di Dân, là vị đệ tử thượng thủ viết thư gởi cho Ngài Tăng Triệu để tham vấn đồng thời cũng có ý vấn nạn).

(Lược bỏ phần thăm hỏi, ở đây chỉ dịch phần vấn nạn).

Chánh lý tinh vi thì lời văn kỳ hiểm, âm điệu quá cao thì người xướng họa rất ít, nếu chẳng phải hạng người siêu việt ngôn ngữ, quên lời được ý thì sẽ chấp vào lời nói mà trái ngược với chánh lý.

Lời đáp trong bài Luận Bát Nhã Vô Tri, về đoạn lấy duyên để tìm trí, ý nghĩa tỏ ra thật uyển chuyển cùng tột, cực kỳ tinh xảo, chẳng có kẽ hở. Nhưng kẻ chưa thấu lý thì khó mà hiểu được, nay còn có một hai chỗ chưa hiểu rõ, xin kể ra trong thư viết riêng kèm theo đây, nếu Ngài được rảnh rỗi thì giải thích cho.

Trong Luận nói : "Thể tánh của Bát Nhã phi hữu phi vô, hư chẳng lìa chiếu, chiếu chẳng lìa hư, nên nói chẳng động đẳng giác mà kiến lập các pháp".

Đoạn sau có nói : "Khác với phàm phu là bởi tâm thần diệu linh minh, nên chẳng thể theo sự tướng để tìm cầu mà thôi". Lại còn nói : "Dụng tức là tịch, tịch tức là dụng, quyền trí càng vắng lặng thì sự ứng cơ càng linh động".

Chân tâm của bậc thánh tịch diệt, thật trí chứng lý cùng tột đồng với trống rỗng. Quyền trí ứng cơ chẳng mau mà mau, chẳng chậm mà chậm, cho nên tri chẳng lìa tịch, tịch chẳng lìa tri; chưa phải là chẳng tịch, chưa phải là chẳng tri. Cho nên, đạo ứng cơ hóa độ được thành công trên thế gian, dù ở trong hữu danh (quyền trí ứng cơ hóa độ) mà lại đồng với vô danh (thật trí chứng lý tịch diệt), đó là sự nhiệm mầu của chánh lý mà kẻ phàm lại càng cảm thấy mê muội!

Nhưng nay người bình phẩm có chỗ nghi đối với ý chỉ cao siêu của bài Luận, muốn tìm sự khác biệt của thánh trí (quyền trí và thật trí), cho là thật trí linh minh cùng tột, siêu việt số lượng, cực kỳ vi diệu, âm thầm phù hợp nhất thể với trung đạo ư? Hoặc cho là quyền trí tâm thể tự nhiên, linh minh trống rỗng, vô tướng độc tồn ư?

Nếu nói linh minh cùng tột, siêu việt số lượng, cực kỳ vi diệu, âm thầm phù hợp nhất thể với trung đạo thì hai tên gọi "Tịch" và "Chiếu" là thể của định và huệ mà thôi. Định và Huệ đã là hai thì tịch và chiếu cũng là hai; dụng đã là hai thì thể cũng là hai, đâu có thể nói tâm và cảnh hợp thành một? Vậy thì hai tên gọi chẳng nên cho là nhất thể.

Nếu nói tâm thể tự nhiên, linh minh trống rỗng, vô tướng độc tồn, tức là quyền trí càng vắng lặng thì đã trở về một mà tiêu diệt dấu tích, có cái thể mà chẳng có cái dụng, làm sao nói được có quyền trí? Nếu có thể chẳng có dụng, thì quyền trí ứng cơ đã tuyệt, làm sao nói là sự ứng cơ càng linh động được?

Chân tâm nhiệm mầu thì tịch nhiên vô tri, mà lại nói trống rỗng chiếu soi, có chiếu soi thì là tri rồi, tại sao nói vô tri ? Nói quyền trí ứng cơ hóa độ thấu qua ngoài vạn vật, sự ứng cơ đã tuyệt mà linh minh trống rỗng độc tồn thì chẳng nên có sự ứng cơ; có sự ứng cơ là có hai cái tri rồi, tức là một cái tri chiếu soi chân đế, một cái tri sáng tỏ tục đế, sao lại nói là vô tri? Ngài đã chứng ngộ thâm sâu, xin thử giải thích cho.

Người bình phẩm còn có chỗ nghi là : quyền trí ứng cơ hóa độ, khi ứng cơ hóa độ thì phải biết về căn cơ trình độ của chúng sanh, chẳng thể cho là không có, mà ý chỉ trong Luận lại nói : "Quyền trí vốn chẳng có cái tri chấp lấy", mà chưa giải thích tại sao chẳng chấp lấy? Nói trước tiên cần phải xác định rõ đạo ứng cơ hóa độ của thánh trí, vậy cho là chỉ có chiếu mà chẳng có tướng ư? Hay cho là quyền trí quán được căn cơ sai biệt của chúng sanh là có tướng ư?

Nếu quán được căn cơ sai biệt của chúng sanh thì khác với vô tướng. Nếu chỉ có chiếu mà chẳng có tướng thì chẳng có căn cơ nào để mà hóa độ; đã chẳng có căn cơ nào để hóa độ mà lại có công dụng của sự ứng cơ hóa độ, ý nầy tôi chưa hiểu, xin Ngài chỉ dạy cho.

Luận nói : "Chẳng có cơ để ứng thì không có cơ nào chẳng được ứng, chẳng có tâm nhận vật thì không vật nào mà chẳng nhận ra được.

Không vật nào mà chẳng nhận ra, nên nhận mà chẳng thấy có chỗ nhận; không có cơ nào chẳng được ứng, nên ứng mà chẳng thấy có cơ nào để ứng".

Sự chẳng có cơ để ứng mà không có cơ nào chẳng được ứng thì mới gọi là chân ứng; chẳng có tâm nhận vật mà không vật nào chẳng nhận ra được thì mới gọi là chân nhận; há có sự chân nhận mà chẳng thấy nhận, sự chân ứng mà chẳng thấy ứng, mà lại nói sự ứng mà chẳng có cơ để ứng, sự nhận mà chẳng có vật để nhận ư?

Nếu nói sự chân ứng chẳng phải là sự ứng cơ của phàm tình, sự chân nhận chẳng phải là sự nhận của phàm tình, ấy là do sự nói của mê và ngộ vốn khác nhau mà thôi. Như thế thì tôn chỉ của Luận không được rõ ràng, dám xin thí dụ thêm để khỏi bị nghi hoặc nữa.

Khi Đạo Sanh Pháp sư đem bài Luận này đến Lư Sơn, tôi cùng với Huệ Viễn Pháp Sư xem xét tường tận, và Sư cũng lãnh hội được và tán thán, có thể vì tông phái có khác biệt nên lý thú của đạo pháp chẳng cần đồng nhất với nhau chăng? Tôi có đưa cho các vị đồng tu cùng xem, cũng có nhiều vị khen ngợi, nhưng tiếc là không được cùng Ngài gặp mặt.

Xem mục lục