Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

Vũ trụ quan không cần thiết


Bạn có thể thực tập chánh niệm mà không cần phải lo lắng về sự khác biệt tôn giáo. Sự thật là đức Phật có một quan niệm về vũ trụ có thể khác biệt với bạn, và sự thật là đức Phật dạy ta lấy chánh niệm làm pháp môn thực tập chính. Nhưng ngài không hề nói rằng vũ trụ quan và thực tập chánh niệm cần phải đi đôi với nhau.

Trong kinh có kể câu chuyện về một người đệ tử than phiền với Phật rằng, ngài không bao giờ giảng dạy hay trả lời các câu hỏi có liên quan đến thế giới hay vũ trụ này. (Bạn thử nghĩ xem, dám than phiền với đức Phật!) Đức Phật đồng ý với người đệ tử ấy, nhưng ngài cũng nói rằng những kiến giải và tri thức không thể giúp ta chấm dứt khổ đau. Để giải thích thêm về điểm này, đức Phật cho ví dụ về một người bị trúng tên độc. Anh ta nhất định không cho ai lấy mũi tên ra, mà chỉ muốn biết những chi tiết về mũi tên ấy: nó làm bằng gì, lấy ở đâu ra, do ai bắn, có thuốc độc gì... Phương cách đối trị với những khó khăn và khổ đau là lấy mũi tên ra, chứ không phải bàn luận về nó.

Trong thời đại này, ví dụ trên có thể điều chỉnh một chút, như là một người bị tai nạn, sẽ được xe cứu thương lập tức chở vào phòng cấp cứu. Người bị nạn không cần luẩn quẩn ở hiện trường để bàn luận xem việc gì đã xảy ra. Đó là việc của cảnh sát giao thông. Đối diện với những khó khăn và khổ đau của mình rõ ràng là phương cách đối phó hay nhất.

Đức Phật dạy rằng, chánh niệm là một liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất đối với khổ đau, vì nó dẫn đến tuệ giác. Tôi thì thích nghĩ rằng, thực tập chánh niệm là một phương cách giúp ta, cùng một lúc, vừa trở nên có tuệ giác mà cũng vừa chính là tuệ giác.

Phần trở nên có tuệ giác là một tiến trình từ tốn, từng bước một. Khi ta biết chú ý trong tĩnh lặng, trong mọi hoàn cảnh, ta có thể thấy được rất rõ sự thật về kinh nghiệm của sự sống. Chúng ta hiểu được rằng, hạnh phúc và khổ đau là hai điều tất nhiên của cuộc sống, không tránh được, và chúng cũng chỉ tạm thời mà thôi. Ta cũng sẽ luôn nhớ rằng, những cố chấp, nắm bắt sẽ mang lại khổ đau; và tình thương, sự tha thứ sẽ giúp cuộc sống được dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng có nhiều lúc ta quên đi. Và mục đích lâu dài của sự thực tập là đừng bao giờ quên điều ấy!

Phần chính là tuệ giác của chánh niệm được biểu hiện ngay trong cách hành xử của ta trong giờ phút này, trên con đường đi đến một sự tỉnh giác không có lúc nào quên. Thực tập chánh niệm là thực tập một thói quen không bao giờ nổi giận với cuộc đời vì sự việc đã không xảy ra theo ý muốn. Những hoàn cảnh khó khăn chỉ cần một phản ứng quân bình và sáng suốt. Cái giận là dư thừa. Thực tập chánh niệm cũng có nghĩa là tiếp xúc với những hạnh phúc, cái hay, cái đẹp trong khi chúng có mặt, mà không cần phải tiếc nuối khi chúng qua rồi. Những lời quảng cáo về nắm bắt giây phút hiện tại là một chuyện không tưởng. Thực tập chánh niệm có nghĩa là ta hành xử như đã tỉnh thức rồi vậy.
 

 

Xem mục lục