Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

 

PHẦN MỘT: CHUẨN BỊ CHO KHÓA TU

 Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên

 

 

Khi được yêu cầu viết quyển cẩm nang này, tôi vui lắm. Nhưng rồi chỉ vài giây sau đó tôi lại lo! Tôi nghĩ: “Thường thường một quyển cẩm nang là để ghi lại những gì cần phải làm. Tôi có thể nói: ‘Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên’, vậy có được chăng?”

Tôi bắt đầu cân nhắc xem nên ghi lại những nghi thức Phật giáo nào. Mỗi truyền thống tu tập đều có một số nghi thức như là tụng kinh, cách hành lễ riêng biệt... Những điều ấy rất hay đẹp, nhưng tôi sẽ không đưa vào sách này. Trong sự tu tập chánh niệm, điều duy nhất mà ta cần cộng thêm vào kinh nghiệm của mình, trong giờ phút này, là một sự chú ý an tĩnh.

Chánh niệm, nhận thấy rõ, có nghĩa là tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút đơn sơ này. Thường thường, chúng ta hay tự làm cho giây phút này trở nên rắc rối hơn. Bất cứ một việc gì xảy ra, tâm ta bao giờ cũng tô vẽ thêm và biến nó thành một tác phẩm đầy những chi tiết. Và chính những chi tiết ấy khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn so với bản chất thật sự của nó.

Chúng ta có thói quen biến những sự kiện hết sức tầm thường thành những ý nghĩ khổ đau. Tôi khám phá được điều này nhiều năm trước đây, khi tôi gọi điện cho một tu viện để sắp xếp thời gian một khóa tu cá nhân. Người trả lời điện thoại bảo tôi: “Bà cần nói chuyện với Robert vì anh ta trông coi về việc này.” Tôi gọi và để lời nhắn lại cho Robert, và được hứa rằng anh ta sẽ gọi lại. Hôm sau, tôi nhận được lời nhắn tin trên máy từ Robert, nói rằng anh có gọi đến trả lời tôi. Hôm sau đó, tôi gọi cho anh và một lần nữa được bảo rằng Robert không có mặt ở đó. Tôi giải thích rằng, tôi đã gọi cho Robert, và Robert đã gọi lại cho tôi, và giờ đây tôi gọi lại một lần nữa cho Robert. Tôi nói thêm, thêu dệt cho tình trạng: “Có lẽ đây là dấu hiệu báo rằng tôi không nên tổ chức khóa tu của mình ở đây.” Và tôi nghe bên đầu dây trả lời: “Thưa bà, tôi thì nghĩ đây là dấu hiệu báo rằng Robert không có mặt ở đây, thế thôi.” Tôi đã vô tình làm rắc rối thêm thực tại của mình.

Thực tập chánh niệm có nghĩa là ta tập thói quen nhìn sự việc một cách đơn giản, không phức tạp. Bạn không cần phải chờ đi tham dự một khóa tu mới bắt đầu thực tập. Và bạn cũng không cần phải đi xa để tìm một nơi thực tập. Nếu bạn có thể có được một không gian hay một môi trường thuận lợi thì quá hay. Tốt nhất là nếu bạn có thể tránh xa được những bận bịu hằng ngày và có được một không gian tách biệt với cuộc sống. Nhưng nếu bạn không thể đi xa thì cũng không sao, bạn vẫn có thể thực tập ngay ở nhà. Bạn có thể tạm bỏ qua một bên những bận bịu hằng ngày, tắt máy điện thoại, tắt tivi, và dán một tấm bảng ngay trước cửa: “Ba ngày thiền tập bắt đầu.”

Thật ra thì sự thực tập trong khóa tu bắt đầu trước khi khóa tu chính thức khởi sự! Nó bắt đầu với quyết định thực tập, với ý định giữ chánh niệm. Với bấy nhiêu thôi, bạn đã bắt đầu rồi!

Xem mục lục