Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Năm

Chú Thích

[1] Khai ngộ: là mở trí huệ để chứng vào chân lý (đạo). Danh từ này xuất phát từ thành ngữ “khai thị ngộ nhập trong tri kiến Như Lai” của Đại Thừa giáo. “Tri kiến Như Lai” là Phật trí. “Khai” là mở ra trên vô minh; “thị” là chỉ cho thấy; “ngộ” là chứng lấy; “nhập” là đi vào chân lý biến thành một với chân lý, không còn năng tri sở tri nữa. (D.G)

[2] Trong Thiền nguyên chư thuyên tập, thiền sư Khuê Phong có nói khi Đạt Ma đến Trung Hoa thấy ở đây hầu hết các người học Phật đều chưa đắc pháp, chỉ hiểu theo danh số, hành theo sự tướng (dĩ danh số vi giải sự tướng vi hành), nên phản ứng lại Đạt Ma mới chủ trương lấy tâm truyền tâm chẳng lập văn tự (D.G.)

[3] Về bài luận này cũng như toàn bộ tác phẩm của Bồ đề Đạt ma, xin xem “Sáu cửa vào động Thiếu Thất" do Trúc Thiên dịch, An Tiêm ấn hành 1969. (D.G.)

[4] Tánh có nghĩa là bổn thể, yếu lý, linh hồn hoặc cái bẩm sanh ở con người. “Thấy tánh” là danh từ thông dụng của các Thiền sư và chính đó là đối tượng của phép hành thiền. Chữ “ngộ” phổ thông hơn trong đại chúng. Hễ thâm nhập trong sự vật thì có ngộ. Danh từ này thường dùng theo nghĩa rộng để chỉ chung mọi sự hiểu biết cao thâm, nhưng riêng trong Thiền dùng theo nghĩa hẹp hơn .Trong bài luận này tôi dùng chữ tánh chỉ vào cái tinh yếu nhất của pháp Thiền. Vì thấy tánh ngụ ý soi ngược lại để nhận ra cái gì vừa cụ thể vừa hàm dưỡng ở bên trong. Điều ấy có thể gây luận giải sai lầm dầu rằng ngộ cũng là một danh từ quá lông bông, không chân xác. Trong những trường hợp thông thường, không nặng về triết học lắm, chữ ngộ dễ dùng hơn, còn thấy tánh là ám chỉ riêng sự phát huệ, mở con mắt bát nhã. Về giáo lý thấy tánh của Lục Tổ xin xem luận IV, lịch sử Thiền tông bài Thiền Huệ Năng.

[5] Một trong số ba người con của Phật khi Phật còn là Bồ Tát ở một kiếp trước. Thiên Tinh làu thông kinh điển Phật giáo, nhưng kiến giải nghiêng về ngoan không (chấp đoạn) cuối cùng đoạ địa ngục (coi kinh Đại Bát Niết Bàn quyển XXXIII, bản Hán dịch của Pháp Hộ)

[6] Nghĩa là không dạy ngồi thiền để cầu giải thoát (xem luận 4, đoạn nói về Huệ Năng và phép thấy tánh). Ở đây tôi xin thêm đoạn văn Huệ Năng giải thích về thiền định theo đốn giáo: Định và Huệ giống như đèn và ánh sáng. Có đèn “tức” có sáng, không đèn “tức” có tối. Đèn là thể của ánh sáng, cái sáng là dụng của đèn tuy hai mà một. Cũng vậy, định và huệ chẳng phải hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định. Tức là khi huệ phát thì định ở trong huệ, khi định phát thì huệ ở trong định; phép toạ thiền cốt chẳng dính theo tâm, cũng chẳng định theo tịnh, cũng chẳng phải là chẳng động. Sao gọi là ngồi thiền? Ngoài, đối với mọi cảnh giới lành dữ niệm chẳng dấy lên gọi là toạ. Trong, thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền. Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa hình tướng tức là thiền, trong chẳng tán loạn gọi là định. Trong thiền ngoài định gọi là thiền định. (D.G.)

[7] Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) là một Thiền sư kỳ hình kỳ tánh, dị ngữ dị hành, bước đi như trâu, mắt trừng như cọp, tiếng hét như sấm, lưỡi dài quá mũi, dưới chân có hai luân văn (hình bánh xe). Cùng với Thạch Đầu, Mã Tổ chi phối toàn thể giới tu Phật đương thời, một người là pháp chủ Giang Tây, một người là pháp chủ Hồ Nam. Sư dạy đạo bằng lối nói làm đánh hét điên đảo không biết đâu mà rờ. Môn đệ được Pháp của Sư có thêm tám mươi người, gấp đôi số người đắc đạo với Huệ Năng.(D.G)

[8] Tức là không xếp bằng ngồi thiền để thành Phật. Từ thuở xa xưa của đạo Thiền ở Trung Hoa, khuynh hướng tĩnh toạ (quietism), suốt dòng lịch sử vẫn song hành với khuynh hướng trí đề cao yếu tố ngộ. Cả đến hiện đại, những luồng tư tưởng ấy vẫn còn biểu hiện phần nào trong tông Tào Động cũng như  tông Lâm Tế, mỗi tông có chỗ sở trường riêng. Riêng quan điểm của tôi là quan điểm trực giác, chẳng phải quan điểm tĩnh toạ, vì tâm yếu của  đạo Thiền cốt ở chứng ngộ.

[9] Trong bộ sách Mystics and saints of Islam (các nhà sư huyền bí Hồi Giáo) của Claude Field, đoạn nói về Hassan Basri, chép vầy: Ngày khác, tôi thấy một cậu bé cầm đuốc đến với tôi. Tôi hỏi: “Đuốc ở đâu đem tới đây?”. Cậu bé vụt thổi tắt ngọn đuốc, nói: “Này Hassan,  ngọn đuốc đi về đâu, ông nói tôi biết đi, rồi tôi nói ông nghe ngọn đuốc từ đâu đến”. Cố nhiên sự trùng hợp ấy chỉ là hình thức vì Đức Sơn đạt ngộ từ một nguồn hoàn toàn khác hơn là sự thổi tắt ngọn đèn, nhưng đây là một sự trùng hợp khá thích thú nên xin dẫn lại ở đây.

[10] Nguyên văn “hà tằng phi khứ”, dịch thẳng là “sao từng bay mất” và dịch ý là “từ bao giờ chưa hề bay mất đi đâu cả” thế nghĩa là bầy le le vẫn có đó từ vô thỉ đến vô chung. Bằng thủ đoạn ấy, Mã Tổ đặt Bách Trượng trước cái bất động trong cái động, trước cái khoảnh khắc vĩnh cửu bất biến (instant éternel) mà Huệ Năng gọi là sát na tam muội. Qua cơn đau, Bách Trượng chết đi ở cảnh giới nhị nguyên đối lập để sống lại ở cảnh giới đại định vô phân biệt. Xin nói thêm ngoài Huỳnh Bá, Bách Trượng sau này còn truyền tâm ấn cho Vô Ngôn Thông. Thông sau sang Việt Nam mở phái Thiền Vô Ngôn, là dòng Thiền chánh thống thứ nhì sau dòng Lưu Chi (DG)

[11] Sở tri: kiến thức. Phật giáo cho kiến thức gây trở ngại cho chân lý xuất hiện nên có tên “sở tri chướng” (D.G )

[12] Coi bài luận VI thực tập.

[13] Coi bài V tiếp sau.

[14] Từ Huỳnh Bá, Lâm Tế thạnh hành lối đánh đá và hét này dùng làm phương tiện khai ngộ, như lời tục thường nói: “Đức Sơn hét,  Lâm Tế hèo”. Đó gọi là Thiền Khổng và Thiền Hát. 

[15] Ba câu chuyện trên thuật theo Truyền đăng lục và Bích nham lục.(D.G.)

[16] Câu hỏi là "thập ma vật nhẫm ma lai?". câu đáp là "thuyết tự nhất vật tức bất trúng" Coi luận bốn,  phần IV, chương Thiền Huệ Năng.

[17] Câu hỏi là “thập ma nhẫm ma lai?”, câu đáp là “thuyết tự nhất vật tức bất trúng”. Coi luận bốn, phần IV, chương Thiền Huệ Năng .

[18] Đó là một công án lừng danh thường chư sư trao cho người học đạo để khai thị. Câu chuyện như thế này: Có người hỏi Triệu Châu con chó có Phật tánh không, Châu đáp: “VÔ”(không có) Dầu là “vô”, môn đồ của Lâm Tế hiện nay không coi đó là phủ nhận, theo nghĩa thông thường, mà đoán chắc có liên hệ đến cái gì rất thực tiễn nữa; cái gì ấy, người học đạo phải tìm ra, tự mình, không thể nhờ người khác, vì không ai giải thích được. Đó là công án “VÔ” của Triệu Châu. Công án là một luận đề, một câu nói, hoặc một bài toán các Thiền sư trao cho học trò để giải quyết, và giải quyết được là kiến chiếu được nội tâm, và thấy tánh. Đề tài này sẽ bàn rộng ở bộ Thiền luận II

[19] Một công án khác để tham quán. Một ông Tăng hỏi Triệu Châu: “Muôn vật trở về một, một trở về gì?”, Châu đáp: “Lúc tôi ở Thanh Châu có may cái áo nặng bảy cân”.

[20] Một công án là một câu hỏi, tức một đề án. Đề án nào cũng là nguồn kích động người cầu đạo quyết liệt đi tới, sức kích động đó tức là nghi tình, nghi niệm hoặc đại nghi. Xét một công án gọi là tham công án cũng gọi là tham thoại đầu hoặc chiếu cố thoại đầu. Ngoài ra chữ thoại đầu còn có nghĩa siêu hình hơn chữ công án. (D.G.)

[21] Bạch ẩn Huệ Hạc (Haknin Ekaku) là tổ khai sáng phái Thiền Lâm Tế mới ở Nhật. Các cao tăng hiện tại của phái này đều thuộc dòng Thiền Bạch Ẩn rọi truyền xuống.

[22] Đại nghi: nghi ngờ lớn, nhưng không phải cái nghi theo nghĩa thường. Đó là trạng thái tập trung tư tưởng cao độ nhất

[23] Nham Đầu (828 - 887) là một cao tăng đời Đường. Ông bị cướp giết, khi chết, tiếng rống của ông nghe xa đến mấy dặm. Khi Bạch Ẩn mới học Thiền, bi kịch ấy diễn ra trong đời một cao tăng Thiền đạo hạnh vượt ngoài tất cả tội lỗi của thế nhân khiến ông bị chấn động cả tâm thần và ông tự hỏi Thiền có thật là bộ kinh cứu khổ không. Do đó Bạch Ẩn ám chỉ đến Nham Đầu. Điều cần lưu ý là dưới mắt Bạch Ẩn, Nham Đầu ở đây là một nhân vật sống, không phải là hình ảnh trừu tượng hoặc khái niệm hư tưởng.

[24] Công án Thiền cũng gọi là “cát đằng”, theo nghĩa đen là “giây sắn giây bìm, giây mơ rễ má” mọc quấn quít vào nhau không gỡ nổi, vì chư sư cho rằng ngay trong bản chất Thiền không có gì là công án hết; đó chỉ là trò đặt bày vô lối làm rối thêm sự vật tự nó rất đơn giản. Chân lý Thiền chẳng cần đến công án. Công án có tất cả 1.700 câu dùng để thử lại độ chánh giác của người tu.

[25] Quốc Sư Phật Quang (1226 1286) tức là Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên, người Trung Hoa, sang hoằng hóa ở Nhật nhằm thời gia tộc Hojo đang trị vì ở Khiêm Thương; ngài dựng ngôi Viên Giác Tự, một trong số Thiền Viện hữu danh ở Nhật. Khi ngài còn ở Trung Hoa, chùa ngài bị quân Nguyên chiếm, chúng toan giết ngài. Ngài bình thản ngâm: 

Trời đất không đâu chỗ cắm dùi.

Là không, không hết, ông và tôi.

Vui thay ba thước gươm Nguyên xuống.

Cắt ngọn gió xuân giữa chớp lòe.

[26] Hình ảnh sống động ví như tia chớp nhoáng lóe. Ngộ cũng ví như tia chớp ấy thoắt bừng ra tự tâm thức, soi sáng toàn thể thế giới. Thành ngữ: “kích thạch hỏa thiểm điện quang” (lóe lửa đá. nhoáng ánh điện) mô tả bổn chất của cái ngộ ấy, đột ngột và chiếu diệu vô cùng tận. (D.G.)

[27] Đại nghi, hoặc nghi tình, nghi niệm, nghi đoàn đây không liên hệ gì đến cái doute philosophique của Descartes. Thiền tông đặt nghi tình làm một trong ba điều kiện thiết yếu để tham công án, đó là đại ý chí, đại tin tâm, đại nghi tình. Nghi tình là nguồn kích động lực thúc đẩy hành giả từng giây từng phút nhảy sấn vào hư vô, dầu đó là địa ngục cũng mặc. Nên thiền sư Huệ Khai, trong Vô môn quan, nói: “Hãy đem hết ba ngàn sáu trăm khớp xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông đúc thành khối nghi tình công phá vào chữ “Vô” ấy của Triệu Châu. Ngươi hãy như người nuốt phải viên sắt nóng, trạo trực ói tới ói lui vẫn không mửa ra được, có thế mới gội sạch hết kiến thức chồng chất bấy lâu. để rồi nổ bùng lên như trời long đất lở. Chừng như ngươi vừa đoạt được cây đao thanh long của Quan Công cầm tay qua ải gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, được tự tại ngay tại đầu bờ sanh tử, dạo nỗi vui du hí qua sáu nẻo luân hồi, bốn đường sanh hóa”. (D.G

[28] Truyền đăng lục chép lại những câu chuyện ngộ đạo ngắn gọn, vắn tắt chỉ vài hàng, khiến người đọc có cảm tưởng ngộ chỉ là một trò chơi dễ như ăn cơm uống nước. Tuy nhiên, đâu có thể thế được. Ấy là vì sách chỉ chép lại giai đoạn rung cây cho trái chín rụng xuống, nhưng còn biết bao giai đoạn diễn ra trước khi trái chín từ mầm đến nụ, hoa, trái ..v.v... phải bao ngày nắng đêm sương, bao mưa gió dãi dầu, sách không chép đến nên người đọc phải tự mình bổ khuyết vào. Đọc sách phải sáng tác là vậy. (D.G.)

[29] ditthe va-dhamme sayam abhinna sacchikatva.

[30] Bình thường tâm: Những cảm nghĩ thông thường đáp ứng với cuộc sống hằng ngày như ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ, v.v...

[31] Trong nhập đạo yếu môn luận, có người hỏi Thiền sư Huệ Hải: “Hòa thượng tu hành dụng công như thế nào?” Sư đáp: “Đói thì ăn cơm, mệt thì đi ngủ” - Như thế có khác gì thế tục? - Có khác là vầy: người đời ăn mà chẳng khứng ăn, trong khi ăn còn vọng cầu trăm thứ, ngủ mà chẳng khứng ngủ, trong giấc ngủ còn toan tính ngàn điều. Chỗ chẳng giống nhau là vậy.(D G.)

Xem mục lục