Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Bảy

XII. NGÔN NGỮ THIỀN

Sinh hoạt ở Thiền Đường không phải hoàn toàn là chấp tác cần lao, và tham công án. Ở hình thức nói pháp gọi là “thượng đường”, hay “thị chúng”, còn có sinh hoạt trí thức phần nào như tôi đã giới thiệu qua. Nhưng ngày xưa không có thời “nhiếp tâm” có định kỳ, nên những buổi thượng đường thường được tổ chức trong các ngày lễ, ngày vía, hoặc trong những cơ hội thuận tiện khác như tiếp tân, giải chức, hoặc lạc thành. Cơ hội nào cũng có thể dùng được vậy nhằm mở trí cho những người nhiệt thành cầu chân lý. Những bài giảng, bài pháp, bài phổ khuyến ấy, những nhận xét ngắn, gọn, và sống động ấy đều được ghi lại trong văn học Thiền mà phần lớn thật không chứa đựng gì khác hơn. Tuy chủ trương “bất lập văn tự”, Thiền lại đầy văn tự và đầy vun, đầy tràn nữa là khác. Trước khi đưa ra vài bài nói pháp, tôi xin thừa hứng có vài lời về Hoa ngữ, là thứ ngôn ngữ “chở” triết lý Thiền.

Theo thiển ý, Hoa ngữ là thứ tiếng xứng tuyệt cho Thiền; chắc chắn đó là phương tiện diễn đạt ưu tú nhất, ít ra xét ở khía cạnh văn chương. Vì độc âm, nên lời gọn, ý mạnh, một chữ buông ra là vô số nghĩa được gợi lên, thêm vào đó ý lại lơ mơ hóa thành một lợi thế hiển nhiên. Thiền tận dụng tánh chất thiếu thân xác ấy của ngôn ngữ luyện thành một lợi khí nhuệ nhất đặt vào tay chư sư. Không phải Thiền muốn tối nghĩa, muốn đánh lạc hướng, trái lại là khác, nhưng sự thật thì một khi rời khỏi môi, chỉ một tiếng đơn âm thích đáng ấy đủ sống động lên tất cả ý nghĩa, gánh trọn tất cả giang sơn Thiền. Thiền sư Vân Môn được coi là một cao thủ của kỹ thuật ấy có tên riêng là “nhất tự quan”.[29]

Sau đây vài câu chuyện chỉ rõ Sư cộc lốc đến chừng nào:

Một ông Tăng hỏi: “Thế nào là gươm báu Vân Môn?”

- Tổ 祖

Hỏi: Trong ba thân Phật, thân nào nói pháp?

Đáp: - Yếu 要

Hỏi: Người xưa có nói “rõ rồi nghiệp chướng hóa thành không, chưa rõ nợ xưa đành trang trải”.[30]Tôi không biết Nhị Tổ rõ hay chưa rõ.

Đáp: - Xác 確

Hỏi: Thế nào là con mắt của chánh pháp?

Đáp: - Phổ 普

Hỏi: Thế nào là Đạo?

Đáp: - Khứ 去

Hỏi : Giết cha giết mẹ thì đến trước Phật sám hối, còn giết Phật giết tổ thì sám hối ở đâu?”

Đáp: - Lộ 露

Hỏi: Sao cha mẹ không khứng không được đi tu?

Đáp: - Thiển 淺

Hỏi: Con không hiểu, thỉnh hòa thượng giảng.

Đáp - Thâm 深

v.v…

Chỉ một chữ độc âm, và mọi nỗi khổ vượt qua hết. Thiền sư khỏi cần nói quanh co. Nếu trong đời có những người nói thẳng và nói ít, chắc chắn không ai qua Vân Môn, Sư nói thẳng nhất, đập ngay vào trung tâm, và nói ít nhất, diễn ý không tô điểm rườm rà. Ở điểm ấy, tiếng nói Trung Hoa tỏ ra xứng tuyệt. Ngắn và mạnh, đó là hai ưu thế, mỗi âm đủ là một chữ, đôi khi còn diễn được nguyên câu nữa. Một loạt gồm vài danh từ, không có động từ, không cả liên từ, thường vẫn diễn đạt được một tư tưởng phức tạp. Văn học Trung Hoa tự nhiên dẫy đầy những câu trào lộng sắc bén, và ngạn ngữ hàm súc. Chữ thì bời rời, nhưng chắc nịch, và một khi ghép chung vào thì đồ sộ như đá kết, không xi măng. Nó không chìm lĩm như một hệ thống, mỗi bộ phận vẫn có một đời sống riêng; nhưng một khi từng tiếng từng được phát âm lên thì sức tác động chung thật không cưỡng nổi. Hoa ngữ là một tiếng nói thần bí vô song vậy.

Sinh hoạt Thiền vốn thực và thẳng, nên văn học Thiền dẫy đầy những câu nói nôm na như nói chuyện. Người Trung Hoa, như chúng ta đều biết, chuộng cái học từ chương cổ điển, hàng học giả và triết gia không thể phô diễn cách nào khác hơn là lỗi hành văn cực kỳ chải chuốt và trang nhã. Nên tất cả những gì học thuật cổ Trung Hoa lưu lại cho hậu thế là thứ văn học cổ điển ấy, ngoài ra không đâu có phần văn học bình dân thổ ngữ cả. Về phần này, những gì còn lưu  lại từ đời nhà Đường nhà Tống phải tìm trong những bút liệu của các Thiền sư. Thật là một sự trớ trêu của định mệnh: những người xưa nay miệt thị văn tự, không dùng chữ nghĩa làm phương tiện truyền đạt chân lý, những người chủ trương kêu gọi thẳng đến trực giác để thông đạt, nay bỗng dưng trở thành những người nhận giữ và trao truyền những thổ âm và thành ngữ xưa mà hàng “đại gia chư tử” coi như tầm thường, đáng khinh, thẳng tay loại trừ ngoài cơ thể văn học. Lý do kể cũng dễ hiểu. Đức Phật nói pháp bằng ngôn ngữ của thổ dân, Chúa Ki Tô cũng vậy. Các bản văn Hi Lạp và chữ Phạn (cả đến Pa li nữa) tất cả đều mới được khởi thảo sau này, khi lòng tin bắt đầu phôi pha, và cái học kinh viện gặp nhiều may mắn đặt được cơ sở. Đó là lúc nền đạo sống động trở thành một hệ thống học thuật, nên tất cả cần được phiên dịch lại một cách tinh tế hơn, chải chuốt hơn, nghĩa là giả tạo hơn, câu nệ hình thức hơn. Đó là chỗ Thiền quyết liệt chống đối lại ngay từ ban sơ, và hậu quả dĩ nhiên là ngôn ngữ được lựa chọn ở đây là thứ tiếng nói có nhiều thiện cảm nhất với phần đông dân chúng, nghĩa là thứ tiếng nói đi thẳng vào những trái tim mở ra trong một ánh sáng linh  minh sống động mới.

Các Thiền sư, trừ khi thiết yếu, tránh dùng thuật ngữ triết học Phật giáo; không những vì các ngài chỉ bàn đến những vấn đề thường can dự đến hạng người thường, mà còn sử dụng thứ ngôn ngữ hằng ngày vừa được đại chúng ưa thích, vừa diễn được thần tình nhất chỗ tâm yếu của đạo Thiền. Nên văn học Thiền trở thành kho tàng duy nhất của cổ triết. Ở Nhật Bản cũng vậy, khi Bạch Ẩn phát tâm canh tân Thiền, ngài toàn dùng tiếng nói quen thân của xó chợ đầu đường, và cả đến ca dao nữa . Khuynh hướng dùng chữ mới ấy đành là không tránh được trong Thiền vậy, bởi lẽ Thiền là sáng tạo, không thể phô diễn được bằng thứ ngôn ngữ cùn nát, thiếu sinh khí của hàng bác học và mô phạm. Do đó mà cả đến hàng độc giả uyên bác hiện đại về văn học Trung Hoa vẫn không hiểu nổi các bản văn Thiền, và tinh nghĩa Thiền. Nên ở Trung Hoa, văn học Thiền đứng riêng như một biệt loại, hoàn toàn độc lập với khối văn học cổ điển.

Như tôi đã trình bày trước, chánh thức Thiền đã trở thành một sản phẩm của tâm địa Trung Hoa tạo ảnh hưởng độc đáo vào văn hóa Trung Hoa. Nếu ảnh hưởng Ấn Độ còn chế ngự thì Thiền không thoát ra ngoài tinh thần học giải, cơ trí của triết lý Phật giáo - nghĩa là Thiền không phải là Thiền nữa theo nghĩa riêng của tên gọi. Nhiều học giả nghĩ rằng Thiền không có trong cái gọi là Phật giáo cổ sơ, và Phật không phải là người khai sáng đạo Thiền. Nhưng ta nên nhớ rằng nhận định như vậy là hoàn toàn không biết gì hết về bổn chất của tôn giáo, một khi du nhập vào đâu cần thích nghi với tinh thần dân tộc ấy, bằng không sẽ phải mòn mỏi chết dần theo thời gian, chứng tỏ tôn giáo ấy thiếu hồn sống. Thiền, ngay từ sơ khởi, tự nhận là truyền tinh thần của Phật, không truyền văn tự của Phật, thế nghĩa là độc lập với triết lý cổ truyền Phật giáo cùng mọi phương thức nói năng cảm nghĩ, Thiền tự dệt riêng cho mình một chiếc áo tự bên trong cũng như con tằm kéo tơ làm kén. Do đó, chiếc áo ngoài của Thiền mới độc đáo, vừa vặn một cách kỳ  diệu, không vá víu, mà cũng không đâu có đường may. Đích thật Thiền là chiếc áo thiêng của truyền thống tâm linh Phật giáo vậy.


XIII. NHỮNG BÀI NÓI PHÁP

Trước khi chấm dứt, tôi không quên đưa ra vài bài pháp trích trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của chư Tổ.

Hòa thượng Triệu Châu thượng đường bảo tăng chúng:

Như ngọc minh châu cầm nơi tay, ngươi Hồ đến người Hồ hiện, 

如 明 珠 在 掌  胡  來胡 現

người Hán đến người Hán hiện. Lão tăng cầm một cọng cỏ cho lay 

漢 來 漢 現  老 僧 把 一 枝 草

động như một kim thân (Phật) mình cao một trượng sáu; cầm kim 

為 丈 六 金 身 為 用 把

thân (Phật) mình cao một trượng sáu cho lay động như một cọng 

丈 六 金 身 為 一 枝 草 用

cỏ. Phật là phiền não , phiền não là Phật.

佛 是 煩 惱  煩 惱 是 佛

Một ông tăng bước ra hỏi:[31]

“Phật phiền não cho ai?”

Sư đáp : “Cho tất cả chúng sanh.”

Hỏi: Làm sao thoát khỏi?

Sư đáp: Thoát để làm gì? 

Có lần Sư nói: “Ca Diếp truyền pháp cho A Nan: quý vị có biết Đạt Ma truyền cho ai không?”

Một ông tăng bước ra nói: Sao sách sử nói Nhị Tổ (Huệ Khả) nhận được tủy của pháp?

Triệu Châu nói: “Đựng phỉ báng Nhị Tổ. Đạt Ma dạy rằng người ở ngoài được da, người ở trong được xương, quý vị có biết người cùng tột được gì không?”

Một ông tăng nói: “Nhưng ai cũng biết có người nhận được tủy mà?”[32]

Sư vặn lại: “Ông ta chỉ được da thôi. Với tôi, tôi cấm nói đến tủy”

- Thế nào là tủy?

- Hỏi thế đủ biết một mảy da ông cũng không vớt vát được

Hòa thượng thật chí thâm. Có phải đó là chỗ lập cước rốt ráo của hòa thượng không?

- Ông biết có người không chấp nhận ông không ?

- Nói thế tức có người khác lập cước khác hơn?

Sư hỏi: Ai là người khác?

Ông tăng vặn lại: Ai không phải là người khác?

- Ông muốn nói gì tùy thích.

Các bài pháp đều như vậy đó, ngắn và gọn, khiến người bàng quan không hiểu gì hết, hoặc thấy toàn vô nghĩa. Nhưng đối với Thiền, tất cả những nhận xét ấy thật đã phô diễn chân lý một cách rõ nhất, và thẳng nhất. Một khi không viện đến những phương thức hợp lý thông thường, nhưng vì nhu cầu phải nói lên những cảm nghĩ diễn ra tận thâm tâm, và các Thiền sư không thể diễn cách nào khác hơn là tối nghĩa và tượng trưng làm choáng váng người sơ cơ. Dầu vậy, chính các Thiền sư vẫn đầy ưu ái và nhiệt tâm; và nếu ông có lời trách móc xa xôi nào khi bị la quở là tức thì ba chục hèo sẽ giáng xuống đầu ông. 

Sau đây là vài bài pháp của hòa thượng Vân Môn.

Sư thượng đường nói:

Quý ông khá tìm ra con đường vào. Chư Phật nhiều như vi trần 

汝 若 相 當 去 且 覔 箇 入 佛 在 爾 腳 踉 路 為 塵

nằm dưới gót chân các ông, Ba tạng thánh giáo nằm trên đầu lưỡi 

諸 佛 在 爾 腳 踉 下 三 臧 聖 教 在 爾 舌 頭

các ông. 

Không gì bằng ngộ là xong hết. 

莫 如 悟 去 好

Quý hòa thượng, chớ nghĩ nhảm. 

和 尚 子 莫 妄 想

Trời là trời, đất là đất, non là non, nước là nước, tăng là tăng, tục là 

tục.

天是天  地 是 地  山 是 山  水 是 水  僧 是 僧  俗 是 俗

Giây lâu sau, Sư tiếp: “Mang ngọn núi Tu Di vào đây ta coi thử!”

良 久 雲 與 找 拈 面 按 山  來  看

Có lần Sư nói: “Bồ Tát Văn Thân vô cớ biến thành một cây gậy gỗ”. 

Nói xong, Sư đưa gậy vạch đất, tiếp: “Chư Phật nhiều như cát bụi hợp lại ở đây nói đủ thứ chuyện vớ vẩn”[33]

Rồi Sư hạ đường. 

Ngày kia, như thường lệ, Sư thượng đường để nói pháp.

Một ông tăng bước ra, vái lạy, bạch: “Xin hòa thượng một lời đáp”. Sư gọi lớn: “Chư tăng”. Tăng chúng ngoái đầu nhìn vào Sư. Sư hạ đường. 

Có lần Sư thượng đường, im lặng giây lâu, một ông tăng bước ra, vái. Sư hỏi: “Sao chậm vậy?” .Ông tăng toan đáp thì Sư mắng càn: “Rõ là phường bị gạo” 

Đôi khi bài pháp của Sư còn đầy vẻ thất kính đối với đấng Giáo Chủ. Như có lần Sư nói: “Vua Tự Tại Thiên và lão thấy già Thích Ca đứng trước sân bàn về Phật giáo. Sao mà rộn vậy?” 

Lần khác, Sư nói :

“Những điều tôi nói lên từ trước đến giờ rốt cuộc là gì? Hôm nay, không đành lòng được, tôi lại phải nói với các ông một lần nữa. Trong thế giới cao rộng như thế này, có gì làm chướng ngại hoặc ràng buộc các ông? Nếu có cái gì, dầu nhỏ như mũi kim, nằm trên đường ông, hoặc chắn bước ông, hãy gạc qua bên cho tôi. Ông bảo thế nào là Phật, thế nào là Tổ? Thế nào là núi sông đại địa, là mặt trăng mặt trời, ngôi sao? Thế nào là bổn đại, là năm uẩn? Tôi nói thế, chẳng qua chỉ là lời nói của một lão bà ở một cô thôn. Nếu tình cờ tôi gặp phải một vị nào tinh thâm nghe tôi dạy các ông như vậy ắt ông ta nắm lấy chân tôi ném xuống thang. Ông ta có gì trách cứ được không? Dầu sao, sao như thế được? Các ông chớ vì lời tôi nói mà bị kéo, hoặc phiền trách vẩn vơ. Trừ phi quý ông thấu đáo tất cả, bằng không, không bao giờ làm thế được. Hễ quý ông cố tình chấp vào lão tăng là sa đọa mất, và gãy chân ngay. Dầu vậy, tôi có gì đáng trách không? Vậy thì có vị nào muốn biết một đôi điều của tông môn tôi không? Xin ra đây để tôi hỏi thử. Sau đó mới có thể hồi đầu, và dọc ngang khắp thế giới, đông tây tùy thích”.

Một ông tăng bước ra, toan mở miệng hỏi thì Sư đưa gậy đánh vào mồm, rồi hạ đường.

Ngày kia, Vân Môn vừa vào Đạt Ma đường thì nghe tiếng chuông, Sư nói:

“Thế giới rộng thư thế kia sao nghe chuông lại mặc áo thất điều vào?”[34]

世 界 恁 麼 廣 闊 因 甚 向 鐘 聲 裏 披 七 條?

Lần khác, Sư chỉ nói: “Đừng thêm sương trên tuyết. Hãy giữ mình. Trân trọng”. Rồi bỏ đi. 

Có lần Sư bảo: “Coi kìa, Phật điện chạy tuốt vào Tăng đường”. Rồi sau đó, sư thêm: “Người ta đánh trống ở Lạc phố còn ở Triệu Châu người ta vũ”[35] 

Sư ngồi yên trên ghế, trước tăng chúng, giây lâu nói: “Mưa mãi thế này, không một ngày nắng ráo!” 

Có lần khác, Sư Nói: “Coi kìa, không còn gì là sinh khí hết”. Nói xong, Sư làm như té, hỏi: “Hiểu không? Không hiểu thì hỏi cây gậy này nó dạy cho?”. 

Hòa thượng Dương Kỳ Phương Hội, một cao tăng ở đời nhà Tống, từ lúc thượng đường không nói gì, giây lâu sư phá ra cười ha hả, rồi bảo: “Gì vậy? Thôi, trở về trai đường uống trà đi.” 

Cũng chính Sư ngày nọ thượng đường, tăng chúng hội đủ. Sư không nói gì, ném cây trụ trượng ra xa, rồi bất thần nhảy xuống ghế. Tăng chúng toan giải tán bỗng nghe tiếng sư gọi: “Chư vị!”. Mọi người xoay mặt lại, Sư bảo: “Dẹp cây trụ trượng đi!” Rồi Sư bỏ vào phòng. 

Hòa thượng Dược Sơn gần đây không thượng đường nên viện chủ thỉnh Sư cho tăng chúng nghe một lời pháp. Sư bảo: “Được, đánh trống lên”. Tăng chúng hội lại chờ nghe; Sư bỏ vào phương trượng. Viện chủ theo vào hỏi: “Hòa thượng hứa nói pháp sao không nói tiếng nào?”. Sư đáp: “Pháp (kinh) thì đã có pháp sư chuyên môn giảng, luận thì đã có sư chuyên môn giảng. Ông trách tôi nỗi gì?” 

Hòa thượng Pháp Diễn ngày kia thượng đường, câm lặng. Sư hết nhìn bên trái lại nhìn bên mặt, rốt cùng giơ cao cây gậy lên, nói: “Chỉ dài một thước mộc”. Rồi Sư hạ đường, không giảng gì thêm.

Những đoạn trích dẫn trên của Triệu Châu, Vân Môn và đôi vị khác đủ cho bạn đọc quen với những bài nói pháp ở Thiền viện dành cho tăng chúng làm món ăn tinh thần, hoặc siêu tinh thần. Bài văn thường ngắn ngũn như vậy. Chư sư không hoài công giải thích Thiền, một phần vì Thiền thoát ngoài nơi luận giải của cơ trí, và nhất là giải thích không đưa đến kết quả cụ thể và bền chắc nào trong việc xây dựng tâm đạo cho môn nhân. Nên những nhận xét, phê phán của chư sư tự nhiên phải cộc lộc như vậy; lắm khi các ngài còn không thèm phí lời biện luận hoặc thuyết trình, mà chỉ giơ lên cây trụ trượng hoặc cây phất tử, hoặc hét, hoặc tụng, và đó là tất cả những gì tăng chúng thọ giáo được ở chư sư. Mỗi sư dường như có thủ đoạn riêng minh chứng chân lý Thiền; chẳng hạn như Lâm Tế thì hét. Đức Sơn thì hèo, Câu Chi thì một ngón tay, Pimo (?) thì cây chĩa, Hòa Sơn thì đập trống .v.v... Ta không khỏi ngạc nhiên một cách thích thú trước bao nhiêu phương pháp mẫn nhuệ, cái nào cũng kỳ đặc, cũng thiện xảo, cũng độc đáo, mà cái nào cũng nhằm thúc đẩy học tăng đạt đến một cái thực như sau, một cái thực hiển lộ dưới vô số hình trạng trong thế gian cho vô số người lãnh hội khác nhau tùy căn cơ và hoàn cảnh.

Nói tóm lại, Thiền trước hết và trên hết, là thân chứng cá nhân; nên trong đời này có cái gì gọi được là triệt để duy nghiệm, cái ấy là Thiền. Không một vốn liếng sách vở nào, không một vốn liếng học hỏi nào, không một vốn liếng trầm tư mặc tưởng nào nặn ra được một thiền sư. Cuộc sống cần được nắm lấy trong dòng luân lưu, chận đứng nó lại để quan sát nó, để phân tách nó, là giết chết nó để ôm lấy một thây ma lạnh. Nên mọi sự việc ở Thiền Đường, và mọi chi tiết ấn định trong Thanh Quy, đều được sắp đặt chu đáo nhằm nâng khái niệm trên lên tuyệt độ hiệu năng. Địa vị duy nhất Thiền Tông duy trì giữa các trường phái Đại Thừa khác ở Tàu và Nhật suốt dòng Phật giáo sử ở Đông Phương này chắc chắn là do ở tổ chức độc đáo ấy của bản môn gọi là THIỀN ĐƯỜNG.

Xem mục lục