Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục
LUẬN NĂM

Ý NGHĨA CỦA TÂM KINH BÁT NHà
TRONG PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG

1

BÁT NHÃ TÂM KINH (Prajnaparamitahridaya Sùtra) là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajnaparamità). Trong bản Hán dịch của Huyền Trang, kinh gồm 262 chữ. Đây là bản lưu hành nhất trong giới Phật tử Nhật Bản. Chân ngôn tông (Shingon), Thiên thai tông (Tendai) và Thiền tông và Thiền tông (Shingon)[1]. Chủ đích của thiên luận này là khảo sát xem Tâm kinh giữ một địa vị quan trọng như thế nào trong giáo pháp của Thiền tông. Do đó cũng nên có một kiến thức khá về chính bản kinh đó. Vì ngắn, nên toàn thể nguyên bản Sanskrit sẽ được dịch trang kế. F.Max Muller, vào năm 1884, cho ấn hành và xuất bản Tâm kinh bát nhã từ bản lá bối cổ lưu trữ ở Nhật[2]. Nhưng bản dưới đây căn cứ trên bản Phạn Hán[3] của Huyền Trang với một ít thay đổi dựa trên các bản Hán dịch khác. Huyền Trang dịch Tâm kinh (Hridaya) ra chữ Hán vào năm 649, được soạn tập vào ấn bản Đại tạng kinh Taisho, số hiệu 251, với bài tựa ngự chế của Vua nhà Minh Nhưng bản này hình ảnh không được dịch từ bản Sanskrit của Huyền Trang, số hiệu 256, vì cả hai không phù hợp nhau mấy.

DỊCH BÁT NHÃ TÂM KINH [4]

Khi (1) Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitésvara) thực hành Bát nhã ba la mật sâu xa soi thấy rằng, có năm uẩn (skandha)(2); và thấy năm uẩn đó không có tự tánh trong chúng (3).

“Này Xá lợi Phất (Sàriputra), sắc ở đây là không (4), không là sắc; sắc không khác không, không không khác sắc; sắc tức thị là không, không tức thị là sắc. Thọ, tưởng,  hành và thức cũng vậy

Này Xá lợi Phất, hết thảy các pháp ở đây được biểu thị là không [5]: chúng không sinh, không diệt , không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm. Vì vậy, này Xá Lợi Phất, trong không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức (5) ; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc (6), thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới (7), cho đến (8) không có ý thức giới; không có minh, không có vô minh (9) không có minh diệt, không có vô minh diệt[6]  cho đến không có tuổi già và sự chết, không có sự diệt tận của tuổi già và sự chết; không có khổ (10), tập, diệt, đạo; không có trí, không có đắc, và không có chứng[7],  bởi vì không có đắc. Trong tâm của Bồ tát an trụ trên Bát nhã ba la mật không có những chuớng ngại;[8]  và bởi vì không có nhũng chướng ngại trong tâm đó, nên không có sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên đảo đạt đến Niết bàn. Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, do y trên Bát nhã ba la mật, mà chứng đắc giác ngộ viên mãn tối thượng.

“Vì vậy nên biết Bát nhã ba la mật là đại thần chú (mantram), là chú của đại minh huệ, là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá, có thể trừ diệt hết mọi khổ đau; đó là chân lý vì không sai lầm; đây là thần chú được công bố trong kinh Bát nhã ba la mật: gate, gate, pàragate, pàrasamgate, bodhi, svàha!” (Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kìa, Svàha!).

CHÚ GIẢI KINH BÁT NHÃ

(1) Có hai bản kinh cùng nhan đề là Hridaya (Tâm kinh): một bản được gọi là Lược bản, và bản khác được gọi là Quảng bản. Bản dịch ở trên, của bản lược, thông dụng ở Trung Hoa và Nhật Bản.

Đoạn mở đầu của quảng bản trong nguyên bản phạn ngữ và tạng ngữ được tiết lược trong bản lược như sau:

Bản tạng ngữ có thêm một đoạn: (Kinh lễ Bát nhã ba la mật vượt ngoài ngôn thuyết, tư tưởng và tán ngữ, vì tự tánh như hư không, không sinh, không diệt là cảnh giới của huệ và giới, hiển hiện trong nội tâm chúng tôi, và là mẹ của hết thảy các đấng Thế tôn trong quá khứ, hiện tại và vị lai), “Tôi nghe như vậy: Một thời, đức Thế tôn ngự tại thành Vương xá (Ràjagriha), trên đỉnh Linh Thứu, cùng với chúng Tì khưu và Bồ tát. Bây giờ đức Thế tôn nhập vào tam muội Chánh giác thậm thâm. Và cùng lúc đó Đại Bồ tát Thánh Quan Tự Tại àryàvalokitộsvara đang thực hành Bát nhã ba la mật sâu xa”.

Đoạn kế tiếp, cũng tiết lược trong bản lược, như sau:

“Này Xá lợi Phất, như thế Bồ tát phải tự mình thực hành trong Bát nhã ba la mật sâu xa”. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn rời khỏi Tam muội và tán dương Đại Bồ tát Thánh Quan Tự Tại rằng: hay thay, hay thay, thiện nam tử! quả vậy! Phải nên tiếp tục thực hành Bát nhã ba la mật sâu xa. Đúng như lời ông đã giảng thuyết, các đức Như Lai và A la hán cũng tán dương như thế”. Đức Thế tôn hoan hỉ nói như thế. Đại đức Xá lợi phất và Đại Bồ tát Thánh Quan Tự Tại cùng với toàn thể chúng hội, và thế giới của chư Thiên, loài người, a tu la và càn thát bà (gandharva) tất cả đều ca ngợi lời của đức Thế tôn)”.

(2) Trên quan điểm khoa học mới, khái niệm về Skandha (uẩn) có vẻ quá mơ hồ và bất xác. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng nguyên tắc phân tích của đạo Phật không phải xuất từ nhu cầu khoa học suông; nó có mục đích cứu vớt chúng ta ra khỏi ý tưởng về một thực tại cá biệt với ảo tưởng là nó hiện hữu như thế suốt mọi thời. Vì khi ý tưởng này được nhận làm cứu cánh, thì vướng mắc phải cái sai lầm của sự chấp trước, và chính do chấp trước đó đã từng bắt chúng ta làm tôi mọi cho bạo lực ngoại giới. Năm uẩn (skanha) (các tố chất, hay các thành tố) là : sắc chất (rùpam), cảm thọ hay tri giác giác năng (vedanà), suy tưởng (Samjnà), tập hành hay sự tác thành (samskàra), và thức (sijnàna).

Uẩn thứ nhất là thế giới vật chất hay chất thể của mọi vật; bốn uẩn còn lại thuộc về tâm giới. Vedanà xuất hiện qua các quan năng của chúng ta  samjnà tương đương với suy tưởng theo nghĩa rộng; samskàra là từ ngữ rất khúc mắc, không có từ ngữ tương xứng ở Anh ngữ; nó chỉ cho cái tạo nên hình chất, là nguyên lý tạo hình; vijnàna là ý thức hay hoạt động của tâm. Có những hoạt động của tâm khá rõ như thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, và nghĩ tưởng. 

(3) Bản dịch của Huyền Trang có thêm: “Ngài diệt trừ tất cả khổ ách”.

(4) Không (sùnya) hay “tánh không” (sùnayatà) là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong triết lý đại thừa và đồng thời cũng gây nhiều rắc rối khó hiểu nhất cho những độc giả ngoài đạo Phật. Tánh Không không có nghĩa là “thực tại tính hay hiện trung tính”, hay “cái không chi”. Nó chỉ cho cái tuyệt đối, hay bản tính siêu việt, dù nói thế cũng sai lầm như chúng ta sẽ thấy ở sau. Khi các nhà Phật học tuyên bố hết thảy mọi vật đều không, họ không binh vực một quan điểm hư vô luận; ngược lại nó ám chỉ một thực tại tối hậu, không thể đặt dưới các phạm trù luận lý. Với các phạm trù đó, nếu nói đến tính cách hữu vi của vạn hữu thì cũng nói luôn hiện hữu của cái hoàn toàn vô vi siêu việt tất cả mọi xác định. Sùntà như thế thông thường cũng được diễn dịch rất chính xác là Tuyệt đối thể. Khi kinh nói rằng năm uẩn mang bản sắc không (không tuớng) hay trong cái không, không có sinh và diệt, không có nhiễm, tịnh, v.v.. thì có nghĩa rằng: đừng có gán cho Tuyệt đối thể những phẩm tính quyết định; khi nó nội tại trong tất cả mọi vật thể cụ thể và cá biệt, nó hoàn toàn không thể định tính. Do đó, phủ định toàn diện trong triết lý Bát nhã là một hậu quả tất yếu

(5) “Không có mắt, tai, v.v...” chỉ có sáu quan năng. Trong triết học Phật giáo, ý thức (manovijnàna) là quan năng đặc biệt để thâu nhận các pháp (dharma) hay các đối tượng của tư tưởng.

(6) “Không có sắc, thanh. v.v...” là sáu phẩm tính của ngoại giới, chúng làm đối tượng cho sáu quan năng.

(7) Nhãn giới v.v…chỉ cho mười tám giới (dhàtu) hay các yếu tố của hiện hữu, chúng gồm sáu giác năng (indriya: căn), sáu phẩm tính (visaya trần) và sáu thức (vijnàna).

(8) “Cho đến” (sanskrit: ỳavat ; Hán: nãi chí), rất thông dụng trong văn học Phật giáo dùng để tránh lặp lại những đề tài đã biết. Những lối phân loại hơi có vẻ phồn tạp.

(9) “Không có minh, không có vô minh...” là phủ định toàn bộ 12 Nhân duyên (pratityasamutpàda), gồm vô minh (avidya), hành (samskàra), thức (vijnàna), danh sắc (nàmarùpa), lục nhập (sadàyatana), xúc (sparsa), thọ (vedàna), ái (trisna), thủ (upàdàna), hữu (bhava), sinh (jàti), già và chết (jaràmarana). 12 Nhân duyên này đã được các nhà học giả đạo Phật thảo luận rất nhiều.

(10) Đương nhiên ám chỉ Tứ diệu đế (satya); 1. Đời sống là đau khổ (duhkha); 2. Do sự tích tập (samudaya) của các nghiệp xấu; 3. Có thể tiêu diệt nguyên nhân của khổ (nirodha); 4. Con đường (marga) dẫn tới diệt nguyên nhân của khổ.

Xem mục lục