Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.A.2.c4- Hiển thị nhân quả (chỉ rõ lý nhân quả)

Nghiệp quả lôi cuốn, thực khó trốn tránh (95)! Tiếng hòa vang thuận (96), hình thẳng bóng ngay (97), nhân quả rõ ràng (98), há không lo sợ!?

 Hai câu trên nghiệp báo. Hai câu thứ lập lời dụ. Câu thứ năm chẳng mờ quên. Câu thứ sáu khiến cho biết, để mà gắng dè!

 Nghiệp quả kéo lôi…. Nghiệp: tức là, hễ tạo cái nhân chẳng lành, thì sự kết quả cũng do cái nhân ấy đưa đến. Nhân dời quả chín, nó kéo trả khó trốn! (Nghiệp: tỷ như cái chứng ghiền).

 Như kinh Pháp Cú chép “Có dòng Phạm Chí, anh em bốn người, đều tu chứng đặng năm phép thần thông, nên mỗi người tự biết sau bảy ngày, sanh mạng ắt cuối cùng, đến bảo nhau rằng “Chúng ta đều có thần thông tự tại, pháp lực cao cường như thế ni, há chẳng thể lánh được cái tử nạn như thế nớ ư!?

 Người anh cả đưa ra cái kế hoạch để trốn chết như thế nầy “Ta xuống nơi biển cả, trốn ở nơi lưng chừng chính giữa, nghĩa là với trên chẳng gần mặt nước, với dưới chẳng sát nơi đáy biển. Thế, con vô thường sát quỷ, làm gì biết được chỗ ta ở, mà hòng tìm bắt chết đặng ư?”

 Người em thứ hai trình bày diệu kế rằng “Ta vạch hở núi Tu -di ra, chun vô giữa lòng núi, rồi cho núi hiệp kín liền lại. Thế, vô thường sát quỷ đâu có biết chỗ ta ở mà kiếm bắt chết đặng ư?”

 Người em thứ ba tự hào cái pháp thuật rằng “Ta nhảy vọt lên giữa chốn hư không, rồi ẩn hình không để lộ dấu tích chi cả. Thế vô thường sát quỷ mần răng biết được chỗ ta ở mà bắt chết đặng ư?”

 Người em út tán thành rằng “Ba ca -ca có ba phương pháp rất thần diệu, vì lên cao, xuống sâu và vào chỗ kín đáo; đây, em không cần cao xa huyền bí chi hơn là, chỉ có lợi dụng giữa chốn huyên náo, tức ẩn lẫn nơi chợ lớn đông người, ai chả biết ai, vô thường sát quỷ có đến thì nó tùy ý bắt một người nào đó không tiện hơn à, chứ hơi mô phải đi điều tra kiếm cho ra tôi phí thời giờ!?”

 Bốn vị tiên ông họp nghị tham mưu kế hoạch trốn chết xong rồi đâu đều đến vào đấy, tức cũng như “dĩ đào vi thượng sách”. Tới ngày thứ bảy kỳ hạn đã mãn, than ôi! Bốn tiên ông ở đâu cũng mạng chung tại đó. Nghĩa là ở biển tử thi như chổng nổi lên, sóng đưa tấp vào bờ; ở núi lòi ra như đất lở đá lòi lăn tuốt xuống chân núi; ở trên thiên không như phi cơ ngộ nạn sa xuống mặt đất; ở giữa chợ đông như kẻ cảm đại phong ngã ngửa ra chết, thị trưởng sai dân chúng đem tử thi ra đồng chôn.

 Phật dùng đạo nhãn xem thấy bốn ông lão hóa phép tiên để trốn tay tử thần mà, rốt cuộc chẳng thể tránh đặng, nên nói bài kệ rằng:

Phi trốn trên không, cùng giữa biển, 
Và chun lòng núi, giữa người đông. 
Không đâu nơi, chỗ, phương nào nhá? 
Trốn chết, phép tiên hết ngõ mong!

(Phi không, phi hải trung 
Phi nhập sơn thạch gian 
Vô hữu địa phương sở? 
Thoát chi bất thụ tử.)

 Đấy, chính chỗ gọi là “thành nan đào tỵ” ấy thế.

 Tiếng hòa … hình ngay … là tỷ dụ cái thiện nhân. Vang thuận … bóng thẳng là tỷ dụ thiện quả. Nếu mà, tiếng bạo thì vang xẵng. Hình vạy thì bóng xiên, là lẽ tất nhiên phải như thế. Chứ có lý nào có tiếng mà không vang, và trái với nhau như hình vạy lại bóng ngay, hình ngay lại bóng vạy bao giờ? Thì ra, tiếng chả khác vang, hình không soi bóng, nhân quả chẳng mất, nên nói “nhân quả lịch nhiên”.

 Đấy, nghiệp báo không sai chạy, há cho không tin, trả liền cái trước mắt, đâu không lo sợ ru!?

 Ký: Đức Như Lai còn chịu cái quả “mã mạch (99), kim thương” (100); La-hán chẳng khỏi xà thích (101), ngạ vong (102). Phương chi bọn phàm như chúng ta khá chẳng sợ ru!?

Nên kinh Nhân Quả nói “Dẫu trải về sau trăm ngàn kiếp, chỗ làm nghiệp trước vẫn chẳng mất, hễ khi nhân duyên gặp gỡ nhau, tất nhiên quả báo lại tự chịu”.

 Hai câu trên là rõ cái thời tạo nhân. Hai câu dưới là rõ về thời chịu quả.

 Kinh Nhân Quả nói đó là dẫn lời của đức Như Lai thuyếỏt ra.

 Giả sử: ví dẫu, là lập lời tỷ huống.

 Trăm ngàn kiếp là cử lên cái số lớn, để trùm cả đến đời vô thỉ. Lại, cử lên chỗ gần để tỷ huống chỗ xa, biết chỗ xa để rõ chỗ gần.

 Chỗ làm nghiệp là những cái hành nghiệp do nơi thân, khẩu và ý đã tạo từ trước.

 Chẳng mất là dẫu ít nhất một hào một ly cũng không sai mất.

 Nhân duyên khi gặp gỡ nghiệp quả nó kéo nhau, hễ cái thời đến thì tức nhiên phải gặp lấy.

 Quả báo lại tự chịu: Quả là để đền cho nhân, lẫn nhau vay trả không lầm, nghĩa là tự tác huờn tự thụ, chứ người khác dẫu có thay thế cũng chẳng đặng.

 Ký: Trăm ngàn kiếp là thuộc về cái thời quá lâu xa. Sở tác nghiệp là thuộc về cái nhân cũng lâu xa. Gặp gỡ là cái thời gần đây. Tự chịu là cái quả cũng gần đây.

 Nói lên trăm ngàn kiếp, là để cho biết từ vô thỉ, nên nói “cử cận hướng viễn”; nói lên trăm ngàn kiếp, là để cho biết hiện tiền, nên nói “tri viễn hiểu cận” (103).

Quyết biết sự hình phạt của tam giới, nó trăn trói giết người (thế phàm là người đã biết cái lý nhân quả, tâm cảnh không mất, thì phải), nỗ lực cần tu, chớ bỏ không qua ngày!

 Hai câu trên khiến cho biết cái cảnh khổ. Hai câu dưới khiến cho biết tu thiện đoạn ác. Nghĩa là bảo cho biết cái cảnh khổ mà phải cần tu phương pháp xuất ly cảnh ấy.

 Do vì chúng sanh cả tam giới, hễ có sanh ra là chẳng khỏi các điều khổ lão, bịnh và tử, nên nói “hình phạt”! (bốn cái khổ lớn ấy nó hành phạt cái thân ngũ uẩn).

 Các điều vọng hoặc như Cửu kiết (104), Thập sử (105) nó vấn trói chúng sanh, phải luân hồi trong tam giới, chẳng đặng ra khỏi, thế là “hoanh bạn: trăn trói”.

 Mọi điều phiền não là kẻ thù quân giặc, vì nó hay dứt đứt huệ mạng, nên nói là “sát nhân: giết người!”

 Nỗ lực cần tu là với cái đạo quả vi diệu, phi kẻ trễ nải biếng nhác mà có thể chứng được đâu.

 Chớ bỏ không qua ngày là chẳng nên ăn rồi ngồi không, bỏ mất qua những canh và khắc của quang âm, mà phải cần học và tu mưu cầu cho được tiến lên, mỗi ngày đều có phần thắng lợi.

 Ký: Cảnh khổ là chỗ của chúng sanh chịu quả báo trong lục đạo giữa tam giới.

 Song, cái quả báo ấy là, do trước kia đã chứa cái ác nhân nên sau nó mới có; nay mà muốn tránh khỏi cái khổ quả ấy thì, cần phải đoạn cái ác nhân đi, đừng tạo ra nữa; muốn đắc cái vui vắng lặng Niết -bàn sau này thì, nay cần phải tu cái đạo xuất ly vô thượng. Khổ quả là cái ác báo của thế gian, Niết-bàn là cái diệu quả của xuất thế gian. Vì gây nhân khổ thì gặt quả khổ, tạo nhân vui tất huởng quả vui!

 Tu đoạn là đoạn ác mà tu thiện. Mỗi ngày có phần thắng lợi. Chỗ gọi rằng “Học hỏi thì cái thiện mỗi ngày có chỗ ích lợi; hành đạo thì cái ác mỗi ngày có chỗ tổn giảm.” Hễ phần ác nó tổn giảm đi thì, đạo nghiệp càng lên cao; phần thiện nó tăng ích thì, công học càng tiến lên xa. Tổn ích, tức là tên khác của tu đoạn (106).

Xem mục lục