Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.A.2.b2a- Thị giáo

Nhược bằng có tu sĩ bậc trung lưu, chưa có thể đốn siêu được như thiền học trên thì nên để tâm nơi giáo pháp, đặng ôn tìm bối diệp.

Hai câu trên nói rõ căn cơ. Hai câu dưới là rõ giáo pháp. Do đức Như Lai Ngài tùy nơi trình độ mà lập thành giáo khoa, quán sát căn cơ truyền trao pháp yếu, nên mới có phân ra tam thừa, mười hai phần giáo - và có một môn khác lạ là “giáo ngoại biệt truyền” như niêm hoa vi tiếu.

 Thoảng hoặc như kẻ tu Phật mà chưa có thể chóng vượt khỏi môn phương tiện thì, ắt phải để lòng nghiên cứu cho thuần thục giáo điển. Vì hễ văn tự đã thuần thục thì nghĩa lý tự nhiên rõ bày. Tỷ như nhân ngón tay (kinh) của người chỉ (thầy) mà ta thấy được mặt nguyệt (lý). Chính chỗ gọi “tìm theo dòng mà thấu tận đến nguồn” là thế.

 Ký:  ở đây chẳng nói đến trung sĩ và hạ sĩ là, với hạng người bực trung, có thể dùng nói đến bực thượng. Còn kẻ hạ sĩ, hễ họ nghe đến câu chuyện đạo thì họ lại chê cười, thành thử đây chẳng chép dùng đến!

 Lại phải để lòng nơi giáo pháp ấy, là e chẳng phải chính con (nhứt niệm bất sanh) của Sư tử (Phật) thì chẳng thể từ nơi chỗ không (bất lập văn tự) để day trở mình (chuyển uẩn thân y Pháp thân), nên lại phải đi men dọc theo khe (pháp lưu), dò lần bên vệ đường (giao đạo), mới khỏi bị cái hoạn nạn tán thân thất mạng (74). Thành thử khiến phải vừa ôn lại bài cũ, vừa tìm học bài mới (ôn tầm bối diệp), để đặng từ nơi giáo lý mà ngộ vào chân lý.

 Bối diệp tức là kinh điển cả tam tạng. Đọc đủ tiếng Phạm là Pattra (Bối-đa-la), dịch là ngạn ảnh: bóng ngàn, nghĩa là, thân cây ngay tót vượt khỏi lên cao. Thân cây nó hơi giống cây tông lư (cây kè) ở xứ này (nước Tàu), đã ngay lại cao. Lá nó khá dài và rộng, màu nó sáng và mướt. Bên nước Tây Trúc biên chép kinh sách đều dùng lá bối.

 Bối-đa-la, tiếng người Việt gốc Miên kêu là cây thốt lốt; mà có cả ba thứ thốt lốt; ở tại miền tây nam Nam Việt, người Miên có trồng được một thứ. Kinh bằng lá thốt lốt, khéo giữ thì năm, sáu trăm năm nó mới hoại (mục).

Ròng xét nghĩa lý, để truyền xướng khắp nơi, tiếp dẫn hậu lai, để đền trả ân đức của Phật.

 Câu đầu là tự học hành; hai câu kế là giáo hóa người; câu rốt là trả đức.

 Muốn trả ân của Phật, ắt phải truyền giáo dẫn dắt người. Nên có bài kệ rằng:

Dẫu đầu đội Phật trải trần kiếp, 
Thân làm giường, tọa khắp ba ngàn, 
Nếu chẳng truyền pháp độ chúng sanh, 
Rốt đều không thể trả ân được.

 Vả chăng, người mà muốn nêu truyền chánh pháp thì cần phải trước lo ôn tầm bối diệp, dò thấu chỗ thẳm mầu, nghiền xét cả tánh tông, tướng tông, tột hết nghĩa lý, chẳng sa trệ nơi thuyên đề (75) (nơm, rập) vẹt bày tông thú (76) mở dạy lớp sơ cơ, khiến chúng giác ngộ vào chân lý, thế mới là báo đáp ân đức của Phật.

 Ký: Khoa trên dạy phải xét thuộc giáo văn, khoa đây khiến phải tìm tột nghĩa lý. Vì nghĩa là chỗ sở hiểu của giáo pháp, lý là chỗ sở qui của sự nghĩa.

 Thuyên đề: với cái nơm là cốt để bắt con cá, rập là dùng để gài được con thỏ. Nghĩa là tạm dùng hai vật ấy là cốt để bắt cá thỏ, chứ phi hai vật ấy là cá thỏ. Cũng như ngón tay là vì để chỉ mặt trăng, người biết phải nhân ngón tay để thấy mặt trăng, chứ phi chấp ngón tay là mặt trăng, tức kinh sách là để nêu cái thâm ý của Phật chỉ rõ chân tâm, người học phải hiểu thâm ý để ngộ chân tâm, chớự nên chấp nơi ngữ ngôn văn tự, nên nói là đắc ý vong ngôn. Được thế, mới không sa trệ nơi nơm rập, ngón tay và ngữ ngôn.

 Nên Kinh nói “Giáo pháp khế kinh, tỷ như nêu ngón tay chỉ mặt nguyệt, nếu nhận thấy được mặt trăng (Bồ-đề nguyệt là giác tánh) thì rõ biết chỗ ngón tay nêu kia là phi nguyệt. Người mà biết được như thế, mới có thể nhân giáo tỏ tâm, chả mê mờ nơi ý chỉ của kinh để rồi làm việc tự lợi lợi tha, trả ân đức Phật. Người học tu Phật muốn được như vậy, thực là Tăng bảo trong đạo Phật của nước nhà vậy.”

Với giờ, phút cũng chẳng luống bỏ, ắt phải lấy đó giúp đỡ, giữ gìn, đi, đứng, nằm, ngồi đủ uy nghi, chính là pháp khí giữa chúng tăng.

 Câu đầu ngợi khen cái đức cố gắng tinh tấn. Câu thứ phú chúc chống chỏi chánh pháp. Hai câu dưới nói sự hành trì xứng đáng. Hoàn toàn như trên: trí hiểu, sự làm, trả ân đức Phật, thì là chẳng bỏ mất qua tấc bóng giờ phút vậy.

 Nay cách với thuở Phật Thánh đã xa, vắng tiếng thuyết pháp đã lâu, nếu chúng ta chẳng gắng sức phù trì thì, ngày Pháp diệt ở gần đây, thế rốt cuộc phi báo đức được.

 ắt phải trung kiên chí khí, đội giữ chánh pháp, tu mình, độ người, giác ngộ và hành trì dần dần viên mãn, gọi là chân chính báo ân.

 Đã thế, đức đầy hạnh đủ, trong lý tánh, ngoài sự tướng hiệp dấu (in nhau), tôn nghiêm ngôi Tăng bảo, bực thầy, thợ giữa nhân gian và thiên thượng, tức sứ giả của Như Lai, vì thực hành pháp sự của Như Lai.

 Nên ngài Trường Lô Trách thiền sư nói “Bực thượng thượng cơ, chỉ một đời là đức và hành dùng xong; còn kẻ sĩ bực trung lưu cần phải trưởng dưỡng thánh thai (77); chí như người chưa giác ngộ được tự tâm nguyên, thì trong mỗi giờ cũng chẳng bỏ trống qua sự học lý tu, để rồi, với gần thì làm tân lương (78) cho đời mạt pháp, với chỗ rốt sau thì, chứng đến cực quả nhị nghiêm (79)”.

 Ký: Như Lai sứ: Tăng mà ban truyền tông chỉ của Phật nên gọi là sứ. Sứ tức là chỗ sai khiến, nghĩa là đem luật nhân quả của Phật ra để tuyên truyền, nên tên là Như Lai sứ hành Như Lai sự.

 Đức sung túc, hành đầy đủ, trong ngoài hiệp dấu, thế là đi đứng uy nghi vậy. Ngôi Tăng bảo tôn nghiêm, làm thầy thợ chốn nhân thiên nên nói là Tăng trung pháp khí (80).

 Kinh Hoa Nghiêm nói “Tăng mà thụ trì uy nghi và giáo pháp được đầy đủ hoàn toàn thì, hay làm cho ngôi Tam bảo chẳng gián đoạn”; số là hai ngôi Phật bảo và Pháp bảo đều do nhờ ngôi Tăng bảo hoằng truyền. Còn chỗ tồn tại của ngôi Tăng Bảo, phi giới luật thì bất thành lập! Nên nói “Hễ Tăng mà thuận theo giới hạnh uy nghi thì, Tam Bảo được thường trụ cửu trì, trái lại, hễ vi phạm đến thì, chánh pháp bị lật úp tiêu diệt! Thế, biết rằng với uy nghi, chẳng khá chẳng giữ cho đủ ru.”

Há chẳng thấy dây cỏ các nương cây tùng, lên cao ngàn tầm; nương tựa thắng nhân, mới hay rộng ích.

 Hai câu trên là lời dụ. Hai câu dưới là chỉ thị phương pháp. Tùng là dụ cái thắng nhân. Cỏ các là dụ nương tựa. Ngàn tầm (81) là dụ ích lợi rất rộng rãi. Thắng nhân tức giáo lý. Phụ thác là nương tựa, tức là quán trí. Nghĩa là lấy trí để quán xét cái lý, hầu chứng ngộ vào quả vô sanh, chỗ thấy biết tày bằng với bực Phật. Có cái huệ biện luận vô cùng, khắp nên hoằng pháp lợi ích nhân sanh, thực là chân pháp khí.

 Ký: Lại, cây tùng dụ lý; cỏ các dụ trí; dùng trí quán xét lý, đặng thắng đệ nhất nghĩa đế của Pháp thân.

 Dẫu chưa thân chứng đệ nhất nghĩa đế của Pháp thân, mà pháp nhãn đã sáng, chẳng bị thanh, sắc đánh lừa, mới có thể truyền xướng phu dương để giúp ích cho mọi loài.

 Có hai cách rộng ích: 1-Rộng ích cho phần mình, vì thấy tày bực Phật. 2-Rộng ích cho người, vì khắp nêu lợi vật.

 Rằng đệ nhứt nghĩa đế là cái lý “tối thượng thậm thâm” thể nó lóng sạch, vắng lặng, tánh nó rỗng trống, dung hòa, không danh, không tướng, tuyệt bàn tuyệt nghĩ, chân tục phi hai, không hữu đều chẳng phải vì chỉ hiển rõ nghĩa trung đạo, nên nói là đệ nhất nghĩa đế. Lại, chẳng sa vào các con số và lượng nào hết, nên nói là đệ nhất.

 Như Kinh nói “Tuy nhứt, cũng chẳng phải là nhứt, vì để ngoài các số kia.”

Gắng tu trì trai, giữ giới, chớ gian trá mà bỏ thiếu, vượt lớp qua, mỗi kiếp mỗi đời, nhân quả tốt lạ.

 Hai câu trên nói cái nhân tốt của giới; hai câu dưới nói cái quả đẹp của giới. Khẩn: khẩn thiết, cố gắng. Tu: tu trì, chữ trai là nói “tày”, do mỗi bữa ăn cứ tày một chừng mực giữa ngày sánh đồng với chư Phật, nghĩa là thực hành sự như lý của trung đạo.

 Lại, Phật ngài muốn ngăn dứt cái tập nhân của sáu thú (đạo) nên khiến chư tăng bữa ăn phải đồng với chư Phật. Như Kinh nói “Các trời ăn bữa sớm mai; chư Phật ăn bữa giữa ngày; có một loại bàng sanh ăn lúc mặt nhựt đã xế về tây; quỷ thần ăn lúc mặt trời sắp lặn tối. Chúng tăng đã học theo Phật, nên bữa ăn phải từ nơi nhựt trung.”

 Song, lúc trước giữa giờ ngọ được ăn ấy, là để tiêu biểu rằng tiền phương tiện được cái nghĩa có chứng; còn sau giữa giờ ngọ chẳng đặng ăn đó là, để nên tỏ rằng ngoài cái tánh pháp giới, lại không còn pháp gì riêng khác nữa.

 Hoặc có kẻ hỏi: Với bữa ngọ thực như trên thì, bực trung sĩ vì hộ trì giới điều là phải như thế, chứ bực thượng sĩ làm ra chẳng hạn ở nơi luận ấy.

 Đáp: Thượng sĩ tức Đại sĩ là Bồ -tát thì, các ngài hộ giới còn cần cấp hơn Thanh văn; các Ngài sợ cái tội nhỏ cũng như sợ lỗi to. Với Lịch Đại Tổ Sư, chúng tôi chưa nghe có một Tổ nào phá trai phạm giới.

 Như ngài Thanh Lương quốc sư (82) tức Hoa Nghiêm Bồ -tát tự lấy mười điều luật (83) để nghiêm chỉnh thân nghiệp, ngài Vĩnh Gia chẳng chịu ăn thứ rau do dưới lưỡi cuốc của người xới trồng; ngài Trung Phong chẳng rời cái đãy lược nước; đức Ca -diếp tôn giả, là đầu tiên được Phật truyền tâm ấn, làm vị Tổ trước nhứt giữ tu hạnh đầu đà đến trọn đời. Giữa ngày ăn một bữa, trước giờ ngọ không ăn, phần nửa sau của giờ ngọ chẳng uốõng nước của trái cây ép ra.

 Sự ăn của các Ngài như thế là, chính vì để dứt cái tập nhân (84) của chúng sanh trong tam giới, chẳng mắc vào cái quấy lỗi của hai bên, thực hành cái chính đích của trung đạo, cũng là để tiêu biểu rằng đốn siêu pháp phương tiện, chẳng do nơi môn hộ (lớp lang của tam thừa) mà để chứng nhập ngay nơi Như Lai thất.

 Hỏi: Việc tu trong Phật giáo, có bốn cách:
1-Thừa (kinh luận) cấp giới (giới) huởn. 2-Giới cấp thừa huởn. 3-Thừa giới câu cấp. 4-Thừa giới câu huởn; mà ở đây (85), thì với giới, tựa hồ như khá huởn mà, với thừa phải khá cấp chăng?

 Đáp: thừa là lý, giới là sự. Sự do lý mà thành lập; lý nhân sự để sanh hiển. Người mà có sự tu, có lý chứng, đều viên dung, mới gọi là thượng sĩ (Bồ-tát).

 Tỷ như với con chim đủ cả hai cánh, nếu thiếu một nào giữa hai cánh ấy thì, mất cái bay lượn nơi muôn dặm. Như người sẵn đủ hai con mắt, nếu hư một con nào giữa đôi ngươi, tức không có cái quán chiếu lẫn dùng nhau.

 Nên chi, người mà tu về thừa thì cấp (chuyên cần tụng kinh, nghiên cứu luận) mà với giới luật thì huởn đãi, kiếp sau đọa làm thân A -tu-la hoặc ngạ quỷ, nhưng, còn được nghe pháp.

 Người mà do đều cần cấp cả thừa lẫn giới, kiếp sau được sanh hoặc làm người, hay làm trời, rồi đặng ngộ đạo. Thế, đối với học tu kinh luật luận hay giới định huệ, huởn cấp ưu liệt thế nào, đây khá thấy hẳn.

 Giới là ngừa điều phi, dứt việc ác, diệt trừ cả tam độc.

 Khuy du: Khuy: khuy khuyết là, đối với giới, có vi phạm. Du: du việt, tức vượt bỏ giới luật mà chẳng học.

 Thù diệu nhân quả: nhân quả tốt đẹp, do vì giữ giới được nghiêm tịnh, nên hiện đời thì thân tâm trong sạch, về sau đời đời được trả lại cho cái thân thể đoan trang, nghiêm chỉnh, nhẫn đến cái mình vóc đủ ba mươi hai tướng tốt, muôn đức rực rỡ là thân Phật, đâu chẳng lấy giới luật làm nhân. Nhân do vì cái nhân tốt lạ, nên chi cái quả phải nhiệm mầu. Nếu mà, chẳng giữ giới, hãy còn chẳng đắc phục nhân thân thay, huống nữa đâu đặng cái quí thể đầy đủ công đức là, hoàng kim mãn nguyệt tướng ư!

 Lại, thụ giới mà không giữ cho được thanh tịnh, vả chẳng có lòng chánh tín, dù có cái khoa ngôn ngữ, tài hùng biện, lời lẽ trôi chảy thao thao bất tuyệt như sông treo suối đổ đi nữa mà, sự làm, lý hiểu đều trái thì, đâu có thể “truyền xướng phu dương báo Phật ân đức” được ư?

 Các nhà thiền học ngày nay, đã khinh lờn giới luật của Phật, lại trái lời dạy răn của Tổ, hãy phi là người tín ngưỡng, đâu gọi là bực thượng sĩ, thì làm gì có thể phu dương lợi vật, ban truyền tâm ấn của Phật được ru!?

 Ký: Quả tương: nước nhựa của trái cây, là lấy các thứ trái cây ép ra nước, lược xác, nước lóng trong, gạn lấy phần trong sạch để uống.

 Các đức Phật cả ba đời, bữa ăn chẳng qua giữa giờ ngọ ấy, là tánh của chư Phật thường xử nơi trung đạo. Thế nên, đức Như Lai từ lúc giáng đản nơi cung vua, cho đến khi nhập Niết -bàn, với trong thời gian đó, chưa hề có ăn bữa phi thời. Nên Luận nói “Đức Như Lai là tánh Ngài xa lìa bữa ăn phi thời”.

 Nên Phật dạy “Sau giữa giờ ngọ, chẳng ăn nữa, có năm phước: 1-ít ham dâm dục. 2-ít buồn ngủ.
3-Được nhứt tâm. 4-Không hạ phong. 5-Thân được an ổn cũng chẳng sanh bệnh lặt vặt.”

 Mạn: chữ mạn này thuộc bộ “ngôn”, nghĩa là lời nói khinh khi, lại cùng đồng với chữ mạn bộ “tâm”, nghĩa là đãi đọa, hốt lược và bất kính.

 Luận Khởi Tín nói “Nhẫn đến với tội nhỏ, lòng còn sanh quan niệm bố úy, tàm quí, lo ăn năn đổi lỗi, chẳng dám coi rẻ lời cấm giới của Như Lai chế sắc, phải gìn giữ đừng để người ta chê trách, đừng để cho chúng sanh gây cái tội hủy báng vì mình phá giới!”

 Người xuất gia mà trai giới, nhân quả thù diệu được thế, đấy thực là tự lợi lợi tha, đội giữ chánh pháp, phu dương lợi vật, báo Phật ân đức, ấy thế.

Xem mục lục