Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

II.A.2.a4- Trạch hữu (Chọn bạn).

Đi xa cốt nương bạn lành, thường thường lóng trong tai mắt; dừng ở ắt phải chọn bạn, hằng hằng nghe chỗ chưa nghe. Nên nói “Người sanh ra ta là cha mẹ, kẻ nên cho ta là bậu bạn”.

 Hai câu trên đi đường nhờ bạn giúp ích; hai câu kế đó ở đâu phải cần bạn lợi lạc. Hai câu sau là công đức sanh thành.

 Đại ý rằng ra đi nơi đường xa, cốt nhờ bạn lương thiện, thường lấy những lời lợi ích để trong sạch nơi tai nghe mắt thấy; cư trú với chỗ nào, phải có bạn hiền, hằng đem những pháp chưa được nghe khiến cho ta nghe đó. Hễ tai mắt thanh sạch thì, chỗ thấy biết chân chánh, nghe chỗ chưa nghe thì, cái huệ thắng giải phát sanh. Thắng giải sanh là tỏ ngộ vào pháp vô sanh; kiến thức chánh là chẳng bị người ta lừa dối.

 Thế nên, cha mẹ có cái ơn sanh cái thân xác cho ta, thầy bạn có cái đức thành lập huệ mạng cho ta. Sở dĩ, được nghe rồi nhớ, tu, giác ngộ và chứng nhập, sanh trưởng pháp thân, thực là do cái sức lực của sư hữu đấy.

 : Giả: nhờ. Lương bằng: thiện hữu. Lại, bằng là anh em bạn đồng học một thầy. Hữu là anh em kết bạn đồng chí.

 Chọn bạn, sách Gia Ngữ chép “Người quân tử, hễ ở đâu, ắt phải chọn bạn, muốn đi dạo chơi đâu, cũng ắt phải chọn phương hướng”.

 Văn Trung Lễ Nhạc nói “Người quân tử, trước chọn lựa rồi sau mới kết bạn, nên về sau ít có sự lỗi lầm; đứa tiểu nhân kết bạn trước rồi sau mới chọn lựa, nên nhiều khi oán trách nhau. Nên chọn kẻ lương thiện để rồi theo, thấy người bực hiền mà lo mình cho bằng, thế là khéo chọn bạn có ích đấy”.

 Như lời Xả Duyên Minh chép “Với tà sư, ác hữu, sợ dường sói cọp; thầy tốt bạn hiền, mến như cha mẹ. Hạ lòng sát đất, ngọng miệng như ngây, xô đổ cái cờ ngã nhân cao cử, thủ tiêu cái mầm khí kiêu căng”.

 Tổ Vĩnh Gia nói “Rộng hỏi bực tiên tri, sau khi quyết trạch phải cẩn thận đối xử, như noi đi trên giá mỏng! ắt phải nghiêng tai mắt, vâng tiếng mầu, nghiêm căn trần để thưởng lẽ nhiệm. Quên lời nói, yêu chỉ, rửa tư lự, ăn vị hèn, tối kính sợ, sớm hỏi han, chẳng cho lộn xộn một tơ một tóc. Được như thế rồi thì, mới có thể ẩn hình nơi núi hang, để được vắng cái cảnh trần lụy, dứt cái ồn nhân quần”.

Gần gũi người lành, tỷ như đi trong vùng sương móc, dù không ướt áo, mỗi giờ có nhuận.

 Câu trên thân với người lành, ba câu dưới lợi ích của lành giúp. Thân phụ nghĩa như thân cận. Người lành tức các thiện tri thức là lương bằng.

 Sương móc dụ thiện hữu. Hành: đi, là tỷ dụ thân cận. Dù chẳng ướt áo là dụ chưa chứng quả. Có nhuận là dụ sự hữu ích của thiện hữu. Nghĩa là, thân cận người thiện, mặc dù chưa được liền chứng quả vô sanh, mà sớm được nghe, chiều được ích, đủ để nhuần nhã, thấm thía vào lòng dạ.

 Như kinh Bổn Hạnh Phật thuyết kệ rằng “Như có tay cầm hương trầm thủy (19), và cầm xạ hương, hoắc hương… (20), cầm hương giây phút thơm thấm tay; gần gũi bạn lành cũng như thế”. Nếu người thân cận thiện tri thức, tùy thuận kia những chỗ hành nghiệp, dù chẳng hiện chứng lợi thế gian, nhưng sau sẽ đặng hết khổ nhân.

 Lại, gặp nhau với thầy lành, đặng khỏi mọi điều khổ, nếu gặp nhau với thầy ác, sẽ tập làm sự ác, chẳng khỏi các tai họa! Để lời nhắn người sau, chẳng khá chẳng gìn dè!?

 : Bậu bạn giúp nhau, rằng lệ trạch (ánh gội) kia đây lẫn nhuần, dường mưa gội. Sách Tông Kính nói “Người mà tuy có cái trí mưu ngoài đời, nếu chẳng có người bạn tốt hơn để khai giác cho thì, người ấy chưa có thể tự mình giác ngộ được, vì thường mê vọng trái với đạo, nên cốt phải nhờ có lương hữu”.

 Thiện tri thức. Tri là được người nghe danh tiếng. Thức là bị người thấy thân hình. Vì người ấy giúp ích cái đạo Bồ -đề cho ta nên gọi là thiện tri thức.

 ác sư: thầy ác tục (21), thí như phía bắc sông Hà, với người không môn, không cấm cái tục bắt rắn. Bọn ông A -lê-tra(22) Tỳ-kheo, thực vậy.

 Nghĩa là tại xứ miền Bắc sông Hà (nay là sông Hoàng), người người thường có cái phép thuật bắt rắn không bị độc.

Gần quen với kẻ ác, thêm lớn những tri kiến ác, sớm tối gây việc ác, bị quả báo liền trước mắt, chết rồi trầm luân, một khi mất nhân thân, muôn kiếp khó đem lại.

 Câu trên là thân cận với kẻ ác. Sáu câu dưới là nói rõ những quấy lỗi của việc ác. Lại, câu thứ hai là cái kiến thức ác. Câu thứ ba là nguyên nhân ác. Câu thứ tư là quả báo hiện tiền. Câu thứ năm là trả quả ở đời sau. Câu thứ bảy là sẽ chịu báo cách nhiều đời về sau, nghĩa là sau đời sau.

 ác tập là gần gũi, xông ướp lấy thói quen, tức là ông ác tri thức bọn bất lương.

 Thêm lớn tri kiến ác: do bị xông ướp, nên thêm lớn cái thấy ác giác (23) bất chánh. Nên kinh nói “Chính mình không biết, lại không có bạn lành, ắt bị bọn ác hữu làm trọng thương cái chánh hạnh! Tỷ như nhền nhện sa vào trong sữa, tất nhiên sữa ấy biến thành chất độc!”

 Mơi chiều tạo điều ác: chỗ kiến thức đã bất chánh lại trọn ngày chỉ tạo những nghiệp bất thiện.

 Trả liền trước mắt: đã chứa nghiệp nhân từ nay, ác quả cũng từ đây đưa đến, vì nhân quả chẳng mất, nên nói liền trả báo trước mắt.

 Chết rồi trầm luân là chết rồi phải đọa xuống tam đồ.

 Như chỗ Phật đã nói “Nếu người mà thân cận với bạn ác tri thức, hiện đời chẳng được tiếng tăm tốt, ắt bởi thân cận nhau với ác hữu, qua đời sau cũng đọa xuống ngục A -tỳ”.

 Một khi mất thân người là từ đời nay mất hẳn cái thân của loài người.

 Muôn kiếp chẳng đem lại là cái nhân ác chả mất, thế thì những quả ác cũng khó hết! Nên những hạng đắc nhân thân rất ít, tỷ như chút đất dính nơi móng tay; còn hạng đọa xuống nơi tam đồ thì quá nhiều, tỷ như bụi đất khắp trên mặt đại địa. Chúng sanh ở nơi tam đồ mà muốn đắc lại nhân thân thực quá ư rất khó, tỷ như rùa gặp được cái lỗ bộng của khúc cây mục trôi giáp vòng nơi chơn núi giữa biển há chẳng gian nan ru!?

 : Hiện báo đời nay làm thiện hay làm ác, liền chịu quả báo hiện tiền trong đời nay, nên gọi là hiện báo.

 Sanh báo đời nay, chỗ đã làm thiện hay tạo ác, qua đời sau mới chịu quả báo, nên gọi là sanh báo.

 Hậu báo với chỗ đã tác thiện hay ác trong đời nay, khi chết rồi về sau hoặc đời thứ nhứt chưa trả, thì đời thứ hai, hoặc là đời sau, nhẫn đến trăm kiếp, ngàn đời mới trả, nên nói là hậu báo.

 Nghiệp nhân tức là tam độc tham, sân, si, thập ác, do cái nghiệp nhân đó mà, phải bị những ác quả nơi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh tại đời tương lai. Chao ôi! Cái ngày của địa ngục quá dài, mà cái thọ mạng của chúng sanh ở đấy khó hết.

 Nếu chịu tội ở địa ngục chưa hết mà, cái thế giới này đến thời phải hoại thì, lại đem tội nhân gởi qua nơi địa ngục ở thế giới phương khác. Mãi như thế, đến chừng nào trả tội báo nơi địa ngục hết rồi, mới đọa vào loài ngạ quỷ; tại ngạ quỷ, cái thọ mạng cũng vô cùng; đến chừng chịu tội nơi ngạ quỷ hết rồi, mới sanh vào loài súc sanh; luân hồi làm những thân của các con trâu, bò, ngựa, cầm, thú đến các hình hài cá, cua đinh… Đó, chịu sanh cái thân phi chủng loại, nên nói “vạn kiếp nan phục”.

 Rùa gặp lỗ bộng. Kinh Khổng Tước chép rằng “Thí tỷ khó đặng cái nhân thân, như giữa biển cả, có một hòn đảo. Tại chơn đảo, có một khúc cây mục, cây mục có lỗ bộng, tùy gió thổi trôi giáp vòng từ đông tây qua nam bắc. Trong biển mé núi, có con rùa đui mắt, trải qua một trăm năm mới ngóc đầu một lần, mà nó muốn chun vô cái lỗ bộng để nương đi kiếm ăn, nhưng than ôi! Biển đã mênh mông, cây theo gió giạt, rùa lại không có mắt, mà mỗi một trăm năm mới một lần ló đầu ra, muốn cho gặp đặng cái lỗ cây mục kia, há dễ gì được ru!?

 Biển: sanh tử hải. Núi: ngũ uẩn sơn. Cây: thân tứ đại. Rùa: chúng sanh. Gió: gió nghiệp. Tra: cây nổi trong nước. Kinh nói “Manh qui phù mộc vị kỳ thường…”

Xem mục lục