Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Một mai, bịnh nằm tại giường, các khổ buộc ràng ép ngặt! Sớm tối lo nghĩ, trong lòng hồi hộp!

Hai câu trên, cái thân bị khổ, hai câu dưới, cái tâm bị khổ! Cái thời Dị thục(106) đã đến, thân tứ đại trái thường hễ một đại chẳng điều hòa thì, cả trăm mạch và gân đều giựt rút! Nép đầu xuống gối, đã nghĩ lại lo, thì ra, không có một điều lành gì khá ghi, thôi thời, bó tay chịu chết xuống cửa Hoàng Tuyền, chứ có ngờ gì nữa, thế, há chẳng bối rối lo sợ ru?

Ký: Hoanh: buộc cột, Triền: trói ràng. Bức bách: là dường như bị xua đuổi quá gấp ngặt. Hiển tịch: sớm mai và xế chiều. Tư thổn là suy nghĩ xét đo. Hồi hoàng là mờ rối e gấp!

Trước đường mờ mờ, chả biết đi đâu. Từ nay mới biết ăn năn lỗi, như đến khát mới đào giếng(107) sao kịp!?

Hai câu trên, chẳng biết sẽ đi đến chỗ nào, hai câu dưới, chừ vói ăn năn chẳng kịp!

Lục đạo như đường hiểm nạn, sanh tử như đồng mênh mông, chẳng biết chỗ sanh lai, đâu biết chỗ tử khứ (sanh bất tri tòng hà xứ lai, tử bất thức tòng hà xứ khứ), ngày trước chẳng sớm tính toan, đến giờ rồi ăn năn sao kịp?

Phật ngài giác ngộ cho rằng “Người ta vì si, nên mới có sanh tử. Kẻ nào là si? Vốn từ trong si (vô minh vi phụ, tham ái vi mẫu) mà sanh lai, đời nay lại vẫn tạo si (cũng vô minh cũng tham ái) nữa, tâm đã không giải thoát, không khai ngộ, nên chả biết sau khi chết sẽ thú hướng đến chỗ nơi nào?”

Chính chỗ bảo “vị tri hà vãng”.

Ký: bổn văn đây, câu đầu: tam đồ, lục đạo quá rộng rình không bờ mé. Câu thứ hai: cái tâm thức nó chẳng biết chỗ để đi. Câu thứ ba: đến lúc cuối cùng mới ăn năn tội khiên từ trước. Câu thứ tư: lập lời dụ để cho rõ ra. Kinh Bách Dụ nói:

“Thuở xưa, ở ngoại quốc có một kẻ bần cùng, giả làm tiếng con oan ương kêu giống hệt, anh học giả làm tiếng chim ấy kêu là, muốn để bẻ trộm hoa sen. Liền vào ao sen của vua, ứng tiếng kêu Oan ương! Oan ương!

Người giữ ao nghe mà sanh nghi, hỏi “Thứ gì kêu trong ao đó?” Gả bần nhân hốt hoảng vấp miệng đáp rằng “Tôi là con chim oan ương” - Ủa? Oan ương sao biết nói tiếng người!? Chết! Chú nầy giả oan ương kêu để trộm hoa sen đây mà.

Kẻ giữ ao bắt trói, đem đi để nạp lên vua. Đi được nửa đường anh chàng lại ứng tiếng làm chim oan ương kêu Oan ương! Oan ương! Người giữ ao phẩm bình rằng:

- Sao khi nảy, tại trong ao mà tôi hỏi đó, chú đã không kêu như thế, lại ứng tiếng rằng “Tôi là chim oan ương”, bây giờ còn làm cái cách đó ích gì đâu?

Vả lại, chính chim ấy kêu như thế này Oan (là con trống kêu) ương (là con mái kêu) Đó là trống kêu, mái ứng, nên mới gọi là oan ương, vì mỗi con kêu mỗi tiếng; còn đây chỉ một mình chú là đàn ông mà lại kêu luôn cả hai tiếng oan ương như thế, trách sao không lòi mặt nạ của trò bịp! Thực “có gian mà không có ngoan”.

Kẻ mà giàu cái tánh chất ngu si ở thế gian, cũng lại như thế, vì trọn đời tạo đủ các nghiệp ác, chả có một phút nào tập tành tâm hạnh khiến cho hiền lành, để đến khi gần đất xa trời, sắp xuống miệng lỗ rồi mới nói cái câu toàn vô hy vọng rằng “ta nay muốn tu phước thiện”.

Thì ra, bấy giờ đây, quỉ vô thường, lính ngục tốt sắp bắt đem đến nạp vào chỗ Diêm-la vương, thế, chừ đây, mặc dù có muốn tu phước hành thiện gì, cũng chẳng cứu vãn chi kịp được! Tỷ như anh chàng giả chim kêu để đánh lừa trộm hoa sen kia, bị chúng lôi họng gần đến chỗ vua, chừ mới lấy hai cánh tay làm như vỗ cánh, đập đuôi rướn cổ lên mà kêu rằng Oan ương! Oan ương! Thì quá muộn rồi!

Giận mình sớm chẳng dự tu, tuổi xế (già) nhiều điều quấy lỗi, khi sắp chết đi, tay quơ quào, chơn run giựt, sợ hãi dớn dác!

Hai câu trên tự trách lại mình. Hai câu dưới mất sức tự chủ. Vì ngày trước chẳng chừa ba độc, đến lúc bóng xế tuổi già, tội chất như núi. Thuở sanh mạng cuối cùng, cái cảnh ác nghiệp nó hiện ra trước, giờ đây, ví dẫu miễn cưỡng có làm chủ trương đi nữa, cũng khó khỏi cái tấn kịch phách bố chương hoàng!

Chính là, ngày trước gót chơn chẳng vững (chả có lập trường tu học gì chắc chắn), nên chi, lúc thần thức sắp lìa thân nầy để đi thụ thân khác thì, tay run, chơn rủn!

Ký: Quá cửu: quấy lỗi tức tội khiên. Hoác: tay chơn tráo trớ lật úp, vặn trái. Huy: cánh tay bị gân giựt lay động. Hoác: cánh tay bị rút gân lật trái. Nghĩa là, như trong khi lật bàn tay, là nói rất chóng mau. Phạ bố chương hoàng là quá ư e gấp sợ sệt!

The lủng sẻ bay, thức tâm theo nghiệp. Như người thiếu nợ, ai mạnh kéo trước. Tâm dệt nhiều mối, chỗ nặng mích sa.

Hai câu trước thân tâm theo nghiệp, hai câu thứ nghiệp mạnh lôi tâm, hai câu sau quả báo thiên lệch, do tâm tạo nặng.

Lại, câu đầu tỷ dụ cái quả nghiệp (báo thân) của đời trước nay nó đã tàn tạ rồi. Câu thứ hai tâm theo nghiệp đi. Hai câu ba, bốn ví dụ hễ nghiệp nào mạnh hơn, phải trả quả trước. Câu năm vọng niệm phi một. Câu sáu quả báo theo tâm mà đọa.

Song, nghiệp mà thiện hay ác, mạnh yếu bởi tâm; với chỗ mà chịu quả báo, nặng nhẹ tự chia. Nghĩa là, cái tâm mà cấu uế trọng trược, tức nhiên phải đọa nơi tam đồ; cái nghiệp lành thì nhẹ bổng, là siêu thăng lên cõi người hoặc cõi trời.

Nếu căn cứ trong pháp xuất thế gian thì, cõi nhân, cõi thiên, vẫn còn là quả báo hữu lậu, cũng gọi là đọa; chỉ có kẻ mà nhất tâm chẳng sanh vọng niệm, mới giải thoát được cái cảnh luân trụy tam giới.

The lủng sẻ bay, sẻ: chim se sẻ. Đại luận nói “Con chim sẻ chun vào trong cái bình (lọ), người ta lấy tấm vải the bịt miệng bình, bất ngờ tấm the có rách lổ, sẻ chun ra bay đi mất, là thức thần theo nghiệp giong”.

Chừ lấy cái bình, dụ thân tứ đại. Tấm the dụ mạng căn. Chim sẻ dụ thức thần. Thức thần tức là cái thức tâm.

Nhân vì, nương nơi cái nghiệp thiện hay ác của đời trước đến chịu cái thân quả báo của đời nay; tỷ như chim vào bình bị nghiệp nó ràng buộc , như tấm the bịt miệng bình. Khi mà thân quả báo sắp tàn tạ, liền phải theo nghiệp. Như the lủng, chim bay đi, mà đi ắt cũng theo nghiệp, nên gọi là tùy tẩu.

Do thức tâm nó bị buộc lấy cái dây nghiệp (mười thiện, hay mười ác) tại nơi sắc bình (ngũ ấm thân) mà, không chỗ nào (ba giới, sáu đạo) nghiệp nó chẳng đến. Cái dây nghiệp chưa dứt thì, đi rồi còn trở lại (luân hồi), bình bể dây dứt (rời thân phận đoạn sanh tử) thì, đi mà không trở lại (biến dịch, chớ không luân hồi).

Nghĩa là, hiện nay, thân tứ đại hoại diệt, gọi là đi, để thụ cái thân đời sau, gọi là trở lại. Người mà tiến đến quả Vô học (La-hán), mới gọi là cái bình bể (diệt thân hữu lậu rồi). Hết cái nghiệp đời sau, gọi là chẳng trở lại (không sanh diệt lại thế gian nầy nữa).

Rằng thức tâm ấy, tức là cái thức A-lại-da, một tâm vương thứ tám, nó chứa giữ hột giống của mười thiện, mười ác, để làm tổng báo chủ cho một báo thân.

Tùy nghiệp là cả sáu thức trước, sở tạo ra nghiệp thiện, nghiệp ác, để rồi cùng dẫn cái thức thứ tám đi thụ cái tổng báo thân ở trong một đạo giữa sáu đạo. Thế, nghiệp là năng dẫn, thức là sở dẫn, nên nói là theo nghiệp.

Kéo trước: giữa hai nghiệp thiện và ác, cái nào mạnh, nặng hơn thì, nó kéo ngã về phía nó, để đến thụ quả báo cho tương lai trước đã, còn cái nghiệp nào nhẹ, sẽ thụ quả báo sau.

Tâm dệt nhiều mối: cái thức thứ sáu (ý thức) nó có mỗi mỗi vọng tưởng, phân biệt nhiều lắm, nó thường vín leo nơi sáu cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), làm mọi điều ác nghiệp, sa đọa xuống tam đồ. Hễ cái tâm vọng nhiều thì đọa nặng (đại địa ngục), ít thì đọa nhẹ (tiểu địa ngục).

Tổ Khuê Phong nói “Làm việc có nghĩa, là cái tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa, là tâm tán loạn. Tán loạn là theo cái vọng tình nó xây chuyển, khi lâm chung phải bị ác nghiệp lôi kéo; người mà tâm tỉnh ngộ chẳng do nơi vọng tình thì, khi lâm chung có thể tự chuyển đổi được ác nghiệp. Muốn nghiệm biết sau khi lâm chung đi thụ sanh, được tự tại hay chẳng tự tại, chỉ nghiệm xét lấy tầm thường hằng ngày, cái tâm hành động đối với cảnh sáu trần, được tự do hay bất tự do, trong hai mươi bốn giờ, ta tự phải kiểm xét lấy”.

Thế, đấy là Tổ Khuê Phong ngài dịch thêm cho học giả một phương thuốc phát hạn tán (đổ mồ hôi giải cảm), vậy, chư nhân giả! Tốt hơn tự xét nghiệm lại mình coi, rốt chớ chầy (chậm trễ) qua!

Ký: A-lại-da, đây rằng tàng thức, nghĩa là, vì nó thường hàm tàng những hột giống các pháp thiện ác của thế gian và xuất thế gian.

Do vì, lúc rốt trước (khi đi đầu thai) cái bất giác (mê) vọng động (nhân ái vi chủng, nạp tưởng thành thai) lên, mà thành ra cái vô minh, vô minh nó xông ướp vào cái chân như (chân vọng hòa hợp) mà thành làm cái thức A-lại-da. Thức đây nó hay chấp trì hột giống của các pháp thiện ác, thường khiến cho cái dòng sanh tử tiếp tục chuyển mãi chẳng dứt, nên thức đây cũng tên là Chấp trì thức. Hoặc tên là Dị thục thức, là nó thường dẫn dắt cái quả dị thục cho thân sanh tử giữa nghiệp lành và nghiệp chẳng lành.

Dị thục, là tại trong đời nay ta làm nghiệp chi, qua đời sau ta phải chịu báo nấy (trồng dưa được dưa…), hễ cái nhân nọ diệt thì, cái quả kia sanh, thời nầy sanh, qua thời khác (dị) mới chín (thục), nên gọi dị thục quả, cựu dịch rằng quả báo, thực thế.

Bộ Lục Tông Cánh, hỏi “Đến ngày các căn hoại, đến giờ thần thức dời lìa, bỏ cái xác cũ đây , đi thụ cái thân mới khác, thế thì, cái thức đi lại ấy, tướng trạng nó như thế nào?

Đáp, như kinh Hiển Thức chép rằng “Sự hành động, vận chuyển, dời diệt, qua lại của thức, dường như luồng gió, dù không màu sắc, không hình tướng, không thể rõ bày trạng mạo gì ra, mà nó có thể phát động được cả vạn vật, làm ra các hình trạng như hoặc là lay rung cây rừng, xô gãy tách toát, reo tiếng tăm lớn; hoặc làm cho lạnh, làm cho nực, nó xuông đến thân của chúng sanh làm khổ, làm vui!

Đấy, gió nó chẳng có tay chơn hình dáng gì, cũng không các màu đen trắng; thức giới cũng thế vô sắc vô hình, không quang minh hiển hiện, vậy mà, vì những nhân duyên huân tập, nó rõ bày ra mỗi mỗi công dụng, như là thấy nghe hiểu biết, phân biệt nhớ ghi…

Kinh Đồng Tánh nói “Chúng sanh khi mà bỏ cái thân tiền ấm đây rồi, do sức mạnh của gió nghiệp(108) nó thổi dời thần thức đưa đi đến chỗ mà thức nó chịu nghiệp báo để thụ lấy quả”.

Hộc là thứ vải the rất mỏng mà lổ vuông, dùng bận mát mùa hạ.

Cơn vô thường là quỉ dữ, mỗi niệm mỗi niệm chẳng ngừng, sanh mạng chẳng thể kéo dài, thời giờ không thể chờ đợi!

Hai câu trên, cơn vô thường rất mau; hai câu dưới, thời gian sanh mạng rất chóng.

Lấy vô thường làm sát quỉ là cái vô thường kia, tuy nó không hình chất gì khá thấy được mà, nó hay dứt đứt cái mạng căn của con người, nên bảo nó là sát quỉ.

Sách Chỉ Quán nói “Cơn vô thường là quỉ dữ, vì nó chẳng chọn chừa bực anh hào, đấng hiền tài gì, thể nó ngặt nghèo, giòn bở không bền chắc, rất khó mà nương cậy! Thế mà, sao người ta yên đành nề nếp mong sống trăm tuổi!? Như mải miết rông tìm bốn phương, thu nhóm chứa chất, thu nhóm chưa đủ (thế vô bách tuế nhân, uổng tác thiên niên kế), thoạt chốc qua đời! Sở hữu bao của cải, đều luống làm cái có cho kẻ khác(109)!

Một mình ra đi trong cõi mờ mờ, có biết ai đâu hỏi thăm phải trái!”

Mỗi niệm chẳng ngừng, là nghĩa dời trôi không đình trú.

Trí Độ Luận nói “Vô thường có hai thứ: 1-Cái pháp tiếp tục nhau giữa sáu căn sáu thức bị hoại, nên gọi là vô thường; 2-Trong tâm thức mỗi niệm sanh diệt luôn, nên gọi là vô thường.

Kinh Niết-bàn nói “Bồ-tát tu pháp tử tưởng, là quán xét cái sanh mạng đương sống đây, thường bị vô lượng(110) điều oán thù theo vấn vít! Mỗi niệm hao bớt dần, chớ chẳng có niệm nào tăng trưởng! Dường như dòng nước nơi bộc bố(111) chẳng đặng đình trú. Cũng như sương móc ban mai, thế nó chẳng dừng lâu. Như đứa tù bị dẫn đến chỗ xử tử, mỗi bước kề cái chết.

Mạng chẳng khá dài, mạng là thọ mạng, chính là cái thân dị thục do nghiệp báo từ đời trước đã nhất định rồi, nên nay chẳng có thể kéo dài thêm nữa được.

Thời chẳng thể đợi, thời, tức là thời khắc, đã là do nghiệp đời trước quyết định cho báo thân nầy rồi thì, phi sức mọn của con người mà có thể cầm lại hay là chờ đợi gì được. Chính chỗ bảo rằng “Diêm vương chủ định tam canh tử, định bất lưu nhân đáo ngũ canh: Diêm Chúa đã phê giờ Tý chết, chẳng cho người hẹn đến canh năm”. Đấy là “với cái nghiệp đã tiền định nay khó trốn”, đây gọi thế chăng?

Ký: lung chủng lão hủ: lửng chửng già mục là khổ về tướng lão. Ngọa bịnh tại sàng: nằm đau tại giường là khổ về tướng bịnh. Vô thường sát quỉ: không thường quỉ giết là khổ về tướng chết.

Kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói “Đến giờ sanh mạng cuối cùng, có luồng đao phong(112) đều chuyển động khắp thân thể, quá đau nhức như có ngàn mũi đao đâm xẻ cùng mình mẩy! Trong mười sáu phần, hãy chẳng còn một(113). Ai có nghiệp lành thì, ít khổ não (đời gọi là thiện chủng, sanh thuận tử an sách Phật gọi là hảo tử…)

Ba hữu, người, trời, hẳn chưa khỏi đặng thụ thân như thế chẳng kể kiếp số!

Hai câu trên khó trốn nghiệp quả. Hai câu dưới đường sanh tử không cùng tận!

Nói ba hữu thì đã bao gồm cõi người cõi trời rồi mà muốn cho văn và nghĩa lẫn chương, nên đã nói tam hữu, còn lại nói người và trời nữa.

Ba hữu: Tam hữu tức tam giới, là chúng sanh tạo tác những cái nghiệp nhân hữu lậu thiện, hữu lậu ác, trí sử chiêu cảm lấy cái quả báo hữu lậu thiện hữu lậu ác(114), vì nhân nào quả nấy, không sai không mất, nên gọi là hữu (có).

1-Dục hữu: Là bốn châu nhân loại, sáu cõi trời dục, bốn ác thú (a-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục), vì chúng sanh trong các cõi đây đều không lìa lòng dục nhiễm(115), nên gọi là Dục hữu.

2-Sắc hữu: Là sắc giới, có bốn loại trời thiền, tuy đã lìa được cái lòng dục nhiễm(116), nhưng còn cái thân sắc chất(117), nên gọi là sắc hữu.

3-Vô sắc hữu: Là vô sắc giới, có bốn cõi trời không, vì thân tứ đại đã không còn, nên chẳng có cái sắc chất, chỉ còn bốn uẩn (thụ, tưởng, hành, thức), nên gọi là vô sắc hữu.

Tất cả chúng sanh trong tam hữu đây, đều bởi gây cái nhân về hữu lậu, nên buộc cái quả về hữu vi, thì đã là vô thường, nên đi đầu thai và thụ thai, đều không rời tam giới, nên nói là hẳn chưa khỏi đặng.

Trong khi chịu quả, lại tạo ra cái nhân mới, đã có nhân đương thời, lại phải chịu quả sau nữa, cứ quanh đi quẩn lại luân hồi mãi như thế, không biết đâu là đầu cuối bờ mé, nên nói chẳng kể kiếp số(118)!

Ký: thế giới có bốn thời kỳ là thành, trụ, hoại và không (đó là bốn trung kiếp), mỗi một thời kỳ trung kiếp ấy, trải qua hai mươi tiểu kiếp, cả bốn thời kỳ ấy cọng là trải qua tám mươi tiểu kiếp.

Một tiểu kiếp cọng kể là một ngàn sáu trăm tám mươi vạn năm, tám mươi tiểu kiếp, gom lại là một đại kiếp, suốt kể là một chục ba vạn bốn ngàn bốn trăm vạn năm.

Hiện nay, loài người ở trong kiếp này là kiếp túc (trung kiếp) có hai mươi tiểu kiếp, cọng kể là ba vạn ba ngàn năm; mà nay là đương tiểu kiếp thứ chín, hãy còn mười một tiểu kiếp(119)nữa, qua rồi tức đến thời kỳ kiếp hoại.

Bốn uẩn(120): thụ, tưởng, hành, thức. Sáu cõi trời dục, bốn ác thú, bốn cõi thiền thiên, bốn cõi không thiên, đều giải thích như dưới.

Xem mục lục