Bẩm chịu cha mẹ thể vóc, mượn các duyên chung nên thân này.
Câu trên nói rõ cái gốc sắc thân. Câu dưới nói rõ mượn duyên hợp thành. Hai câu ấy, tổng quát thuộc về cái pháp sanh khởi (chúng sanh tự tạo kho), tức là cái nguyên thỉ muôn khổ lụy đấy.
Bẩm tức bẩm thụ. Thể vóc, tức cái sắc thân tứ đại. Từ thuở đầu tiên một niệm điên đảo(18) lẫn lộn vào hai điểm cấu uế là bạch tinh của cha, xích huyết của mẹ để tổ hợp họp lại thành cái thân thể của con, nên nói là “thể vóc”.
Mượn các duyên, mượn là tạm mượn, cũng là nương nhờ.
Các duyên, tức bốn đại, sáu căn, và mười hai nhân duyên.
Kinh Viên Giác nói “Bốn duyên mượn lẫn với nhau hợp lại bằng cách giả dối thành thân có sáu căn. Trong thân có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Bốn đại là địa, thủy, hỏa và phong; với đất, nước, lửa, gió nơi ngoài vũ trụ, hiệp lại thành thân thể.”
Rằng tứ đại, tức đất, nước, lửa, gió là bốn nguyên chất là đặc, lỏng, ấm và hơi. Cả bốn đại ấy, thể nó đều khác nhau, không có cái tánh chắc thực, cũng chả thành chủ tể, mà chỉ hay tự hòa hợp làm thân. Ắt nhờ nơi cái nhân (mười ác, mười thiện) đời trước và các nhân duyên(19), ba việc mà thành thân thể. Trái lại, thì sắc thân không thành được nếu chẳng đủ các duyên.
Mười hai nhân duyên, là nói “Bởi có cái đây nên mới có cái kia, cái đây sanh khởi nên cái kia mới sanh khởi.” Nghĩa là, từ cái vô minh duyên qua cái hành, hành duyên qua thức, thức duyên qua danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thụ, thụ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử mà sanh khởi ra lắm điều ưu bi khổ não. Với cái khổ uẩn (sắc thân) trọn lớn như thế, là bởi nhiều nhân duyên tích tập lại mà sanh thành.
Song, mười hai pháp ấy, lần lựa hay chiêu cảm lấy kết quả, nên nói là nhân, lẫn nhau cậy mượn mà có, nên bảo là duyên, hễ nhân với duyên tiếp tục nhau thì, đường sanh tử cứ qua lại mãi không biết đến đâu là bờ mé!
Bằng phá được cái vô minh rồi thì, chẳng còn sanh khởi cái thủ, cái hữu… nữa, thế, đều dứt hết sanh tử của hai mươi lăm hữu (loại) cả tam giới. Chính chỗ bảo rằng đây (vô minh) không nên kia (hành) không, đây diệt nên kia diệt. Là nói từ cái vô minh diệt thì, cái hành diệt… nhẫn đến cái lão tử diệt, tức cả những ưu bi khổ não, cái “khổ ngũ uẩn” trọn lớn chứa nhóm từ nhiều đời đều diệt hết.
Ký: Thân thể con người do mượn các duyên tổ thành, nên chi, hễ duyên hiệp lại thì hiện khởi lên làm sanh, còn duyên tan rã thì diệt mất làm tử.
Bởi thế, tất cả các pháp, pháp nào cũng đều tùy theo nhân duyên chẳng tự có, mà hễ nhân duyên đã sanh khởi nên chẳng không. Đã theo các duyên mà có, nên trong cái pháp (thân thể) ấy, không có phần tự chủ chắc thực thường còn.
Sách Chỉ Quán nói “Ngay nơi cái thân thể của ta, từ đầu đến chơn, nào lóng, nào đốt, mỗi mỗi xét cho kỹ, hẳn không thấy có cái ta chủ tể thì, chỗ nào có người và cả chúng sanh? Bởi cái nghiệp là (mười thiện, mười ác) làm cơ quan, mượn nhau làm nhóm ngũ uẩn luống không chủ tể đó thôi, vì theo các duyên sanh khởi nên chẳng có phần tự chủ.”
Mười hai nhân duyên, cũng tên mười hai duyên khởi, lại tên mười hai duyên sanh. Nghĩa là, nguyên trước không có thân thể mà, theo các duyên kia nên có sanh ra mình vóc, thì gọi là nhân, sẵn có mỗi phần mà theo cái nhân kia sanh khởi, thì gọi là duyên.
1-Vô minh tức là tối tăm, nghĩa là, bị cái vọng hoặc phiền não là tham, sân, si… của đời quá khứ, nó phủ che lấp cái chân tánh (Phật tánh), không còn thấy biết rõ hiểu gì cả.
2-Hành hành tức là hành nghiệp, nghĩa là, tại nơi đời quá khứ cái thân và cái khẩu làm và nói ra tất cả những nghiệp hoặc thiện hay bất thiện. Hai chi vô minh và hành ấy là cái nhân của đời quá khứ.
3-Thức thức tức là cái thức tâm. Nghĩa là, do cái nghiệp mê hoặc (thiện và ác) của quá khứ nó lôi cuốn khiến cho cái thức ấy gá vào mẫu thai, chỉ trong một sát-na (thời gian rất ngắn), nhiễm cái ái làm giống, nạp cái tưởng nên thai(20), tức thời, cái nghiệp thức nó lẫn lộn với hai điểm tinh, huyết của cha mẹ, tổ hợp thành một điểm, lớn bằng hột đậu, trụ trong bào thai, cùng hòa hợp nhau với ba sự này: một là cái mạng căn, hai là cái hơi ấm (dục hỏa), ba là cái thần thức. Trong đó có cái báo phong(21), cái bào thai nương theo báo phong (hơi thở), đó gọi là cái thọ mạng(22). Tinh của cha, huyết của mẹ ra đồng thời rập một nhịp thì nó chẳng hôi chẳng rữa, tên là noãn (ấm, lửa dục(23)), trong đó (tinh huyết) cái tâm ý (của đứa con) tên là thức. Ba sự (tinh, huyết, thức) như thế, nếu thiếu một cái nào thì cái bào thai ấy rục hư, không thành trụ được. Đó là cái vị trí bảy ngày đầu tiên của thai nhi ở trong mẫu thai, tên là Ca-la-ra, nghĩa là cái trạng thái nó giống như vết sữa đặc; từ đó về sau, cái thai nó theo nơi hơi thở ra vào của mẹ mà nó cũng phình lên xẹp xuống, cứ mỗi bảy ngày thì cái thai nó biến triển một lần.
Sách Chỉ Quán nói “Khi mà con người đi đầu thai, thần thức mới bắt đầu hợp cùng tinh huyết, cái khối “tinh huyết thức” dính nơi chỉ máu như sợi tơ ở cái rún của mẹ, vì cái rún liên lạc qua để duy trì cái thai ấy. Nghĩa là cái rún nó làm cái nguồn cho các ruột già, ruột non và cái bao tử, trong khi cái thai nhi còn ở nơi mẫu thai, lấy cái rún của mẹ, để nhỏ giọt vào cái rún của con, nên mẹ ăn uống chi, sinh tố từ nơi rún thấm vào để tư dưỡng cho con, hơi thở cũng thế. Đứa con khi ở trong thai vẫn nương hơi thở của mẹ, nên lời tục nói “Nó ỷ hơi mẹ nó”.
4-Danh sắc, Danh là tâm, vì tâm nó chỉ có cái danh tự, chớ không có cái hình chất. Sắc là sắc chất, nghĩa là từ sau khi gá vào thai bào của mẹ, đến tuần thứ năm, tên là hình vị, vì bấy giờ, đã nảy các căn hình, như mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chơn đều phân biệt, thế gọi là sắc; lấy tinh huyết của cha mẹ làm thân căn chủng, thần thức (tâm) lẫn ở trong đó, nên nhập chung lại xác và hồn, gọi là danh sắc.
5-Lục nhập, nghĩa là từ ngày vào mẫu thai về sau, đến tuần thứ sáu, tên là phát-mao-trảo-xỉ vị. Đến tuần thứ bảy tên là cụ-căn vị, nghĩa là sáu căn đều mở trương ra, có cái tác dụng tiếp xúc với sáu trần, nên gọi là lục nhập.
6-Xúc, tức là xúc đối, nghĩa là, từ ra khỏi mẫu thai nhẫn đến cái thời gian khoảng ba, bốn tuổi, cả sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, tuy tiếp xúc với sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp mà chưa được mấy rõ biết nảy lòng tưởng là khổ là vui gì, nên gọi là xúc.
7-Thụ, tức là lãnh nạp, nghĩa là, từ khi năm, sáu đến mười hai, mười ba tuổi, sáu căn xúc đối với sáu trần, liền biết nạp thụ các sự tốt xấu trước cảnh, mặc dù đã hiểu rõ phân biệt, song cũng chưa mấy sanh khởi cái tâm tham ái dâm nhiễm.
Năm món trên là cái quả của hiện tại.
8-Ái, ái tức là tham ái, nghĩa là, từ cái thời gian mười bốn, mười lăm đến mười tám, mười chín tuổi, mới thực là ham thích mỗi mỗi đồ vật tốt đẹp, và các cảnh dâm dục, nhưng hãy có thể rộng khắp ra để theo dõi tìm tòi, nên gọi là Ái.
9-Thủ, thủ là tìm lấy, nghĩa là, từ hai mươi tuổi về sau, cái lòng tham ái càng thạnh, đối với năm cảnh trần sắc, thanh, hương, vị và xúc, biết rong ruổi cả bốn phương để tìm kiếm, nên gọi là Thủ.
10-Hữu, hữu là hậu hữu, vì nhân quả chẳng mất, nghĩa là, nhân vì tìm lấy các cảnh, tạo ra nghiệp thiện hay nghiệp ác, đã có chứa chất những nghiệp ấy rồi nó sẽ lôi cuốn đi thụ sanh để chịu quả trong ba hữu là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Ba cái chi trên đây là cái nhân của hiện tại.
11-Sanh, sanh tức là đi thụ sanh, nghĩa là, đời nay ta tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác của thân, khẩu, ý thì nghiệp ấy nó dẫn đi qua đời sau phải thụ sanh trong lục đạo giữa tam giới.
12-Lão tử, lão là cái thân căn đã già như trái cây chín muồi. Tử là cả các căn đều hư hoại. Nghĩa là, với đời sau, đã thụ sanh ra đến thời kỳ mà thân ngũ ấm già muồi, gọi là Lão; đã chín muồi rồi thì phải hoại diệt, nên gọi là Tử.
Hai món ấy là cái quả của đời vị lai.
Cả mười hai chi trên là cái pháp sự của nhân quả ba đời tuần hoàn chẳng dứt. Do vì, cái vô minh và hành làm “nhân” từ đời quá khứ nên chiêu cảm lấy các cái thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ làm “quả” cho đời hiện tại; kế đó, vì do cái quả ấy, lại sanh khởi cái ái, thủ, hữu làm “nhân” cho đời hiện tại; vì do cái nhân ấy, lại chiêu cảm lấy cái quả sanh lão tử cho đời vị lai.
Ôi! Trong thời chịu quả lại tạo ra nhân, bởi có nhân lại phải chịu quả, ba đời cứ tiếp tục nhau luôn, không hề ngớt dứt, tỷ như cái vành bánh xe lăn tròn, nên nói rằng luân hồi.
Tuy là, bốn đại giúp giữ, mà thường trái nghịch nhau.
âu trên giả họp, vì lấy bốn đại làm thân; câu dưới quai thuận, vì khí huyết bất điều, như thủy thạnh, hỏa suy, phong cường, địa nhược, nên nói là tương vi.
Nguyên con người bao lãm lấy bốn nguyên chất tế bào là địa, thủy, hỏa, phong bên ngoài để hợp tập lại thành lập thân thể, cùng giúp giữ nhau để chấp trì sanh mạng, sống ở một thời kỳ bao nhiêu tuổi đó.
Song, với trong thời gian ấy, nó thường thường khi thuận, khi nghịch lẫn nhau hễ một đại chẳng được điều hòa thì sanh ra một trăm lẻ một chứng bệnh; nếu bốn đại đều chẳng điều hòa thì bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh đồng thời đều làm đau đớn.
Nói đại ấy, nghĩa là bốn pháp đây, không chỗ nào chẳng có nó, thể nó khắp cả các phương sở, khu vực, nên gọi là Đại.
Vạn sự, vạn vật đều do tứ đại tổ họp thành tượng thành hình. Ở bên ngoài (vũ trụ) thì là đất, nước, núi, sông. Ở nơi trong (căn thân) thì làm tứ chi, bách hài(24). Bốn đại tụ lại thì làm sanh, tán ra thì làm tử. Khi sống thì làm đặc, lỏng, ấm, hơi trong thân thể; khi chết thì làm đất, nước, lửa, gió ngoài khí giới.
Thế, trong ngoài dù khác, mà tứ đại chẳng lạ gì nhau.
Những thứ mà tánh chất cứng là thuộc về địa đại, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương…. Các thứ đây chẳng tự hòa hợp được, nếu chẳng mượn thủy đại.
Những thứ tánh chất lỏng, ướt thuộc về thủy đại, tức là nước mắt, nước miếng, đồ khạc nhổ, nước tinh dịch(25), nước tiểu tiện…, mấy thứ đây, nếu chẳng mượn địa đại thì liền tan chảy.
Thứ có tánh chất nóng thì thuộc về hỏa đại, tức là noãn khí(26) trong thân người. Ôn độ này nếu chẳng mượn phong đại không thể tăng trưởng được.
Thứ có tánh diêu động thì thuộc về phong đại, tức hơi thở ra vào, và sự động chuyển của thân thể, nếu chẳng có cái phong đại này thì, thi thể không cựa quậy, làm lụng gì được.
Song, bốn đại ấy, tánh cách nó riêng vốn không bệnh hoạn chi; duy vì các duyên tập hợp lại, hoặc cái này tăng phần cái nọ giảm, thạnh suy, xung khắc với nhau, thành thử bệnh hoạn do đó phát sanh.
Nên chi, hễ địa đại tăng phần thì, nó làm cho cái thân thể phải trầm trọng. Thủy đại mà tích ứ lại thì, nó trái với bình thường, vì sổ mũi nước, khạc nhổ. Hỏa đại thạnh thì, đầu và hông nóng ngăn. Phong đại nổi động thì hơi thở khò khè. Tức là những chứng bệnh trầm trọng (thuộc địa đại), đàm ấm (thuộc thủy đại), hoàng nhiệt (thuộc hỏa đại) và khí phát thuộc phong đại.
Do bốn bệnh gốc ấy, mà nảy ra nhiều bệnh chi tiết, kể có bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh. Nghĩa là, phong bệnh một trăm lẻ một chứng, hoàng bệnh một trăm lẻ một chứng, bệnh đàm ấm có một trăm lẻ một chứng, bệnh tổng tập(27) có một trăm lẻ một chứng.
Với các chứng bệnh hoạn như thế, không giờ nào chẳng có, nên nói “thường trái nghịch nhau”.
Ký: Đại Luận nói “Mượn bốn đại làm thân, mà nó thường xâm hại nhau, nên trong mỗi mỗi đại đều sanh khởi ra một trăm lẻ một món bệnh.
Bệnh hàn lãnh có hai trăm lẻ hai chứng, vì thủy đại, phong đại phát khởi. Bệnh viêm nhiệt có hai trăm lẻ hai chứng, vì địa đại, hỏa đại phát khởi.
Bệnh thuộc hỏa đại thì hiện cái tướng nóng; bệnh thuộc địa đại thì hiện tướng chắc (bỉ ngảnh), bởi tướng chắc, nên vật thực khó tiêu, khó tiêu nên có thể phát sanh bệnh nhiệt.
Huyết, nhục, gân, cốt, mạch, tủy… thuộc về phần địa đại; trừ ra cái bệnh nghiệp báo(28). Tất cả pháp (bệnh chứng) đều bởi nhân duyên (nguyên nhân) hòa hợp mà phát sanh thành chứng bệnh.
Sách Phụ Hạnh nói “Người mà tứ đại chẳng điều nhuận là hành dịch (lao động) không giờ khắc (quá độ), như ỷ mạnh dạn gánh vác quá sức, xông pha khi quá lạnh quá nóng, nhiệt độ bên ngoài nó giúp cho hỏa đại bên trong, hễ hỏa thạnh thì phá thủy, thế là tăng hỏa bệnh. Cơn lạnh rét bên ngoài nó trợ thủy đại, hễ thủy tăng thì nó hại hỏa, thế là bệnh thuộc về thủy. Phong bên ngoài nó xúc động cho phần khí bên trong, khí (hơi thở) nó thổi nơi hỏa đại, lửa nó nóng động nơi thủy đại, thế là bệnh thuộc về phong đại.
Hoặc ba đại kia đều tăng lên bằng cách đồng phần thì làm hại cho địa đại gọi là bệnh đẳng phần; hoặc thân phần tăng lên (quá phì) thì hại cả ba đại (thủy, hỏa, phong) cũng gọi là bệnh đẳng phần, thuộc về địa bệnh.
Ăn uống không chừng đỗi, chẳng hợp cách vệ sanh, cũng có thể sanh bệnh, như gừng, quế, ớt là vật vị cay độc thì nó tăng cho bệnh thuộc về hỏa; mía, mật vị nó ngọt lạnh thì, nó tăng cho thủy đại (thủng nước). Ăn trái thơm, trái khóm nhiều thì, nó tăng cho bệnh phong; ăn nhiều dầu mỡ chất nhớt thì nó tăng cho địa đại tức bệnh trầm trọng; ăn dưa vàng (bí ngô, bí rợ) nhiều thì nó làm trợ duyên cho bệnh nhiệt (bệnh tòng khẩu nhập), tức là ăn những vật thực không yên lành mà sanh ra bệnh.
Người xưa nói “Bệnh bởi miệng vào, họa từ miệng ra”. Đây gọi thế chăng?!
Cơn vô thường (chết), già, đau chẳng cho người hẹn.
Câu trên, rõ ba cái tướng khổ; câu dưới, rõ rằng không phần làm chủ. Ba cái tướng ấy vốn không, với trong đó tìm ra, nguyên chẳng có ta thì, có chi làm tự chủ đặng, để tự ý mình cùng đó hẹn hò. Trừ chăng người đã thức tâm đạt bổn (minh tâm kiến tánh) rồi, mới có thể làm chủ hẹn hò được, kêu bằng “sanh tử tự do”. Còn những kẻ mê muội thì chẳng biết gì cả, vì vẫn cũng “túy sanh mộng từ”.
Vô thường: không thường còn bền bỉ gì, nghĩa là, nguyên trước vốn không mà nay in tuồng như có, nhưng có bằng cách giả tạm mà rốt lại cũng không, tức là một sát-na cũng không đình trú vì mỗi niệm, mỗi niệm, biến đổi luôn luôn, nên bảo là vô thường.
Từ ra khỏi mẫu thai, đến lớn (ba mươi tuổi), đến già (sáu mươi tuổi), đến bệnh, đến lúc sanh mạng cùng tận, mà trong chặng giữa đều mỗi niệm trôi dời, ý thức chẳng hề an trụ, nên nói là vô thường, mà nó cũng là cái tên khác của cái chết đấy!
Lão: Già, các căn muồi mẫn già nua, thân hình khô khan, nhan sắc tiều tụy, tinh thần lú lẫn, tóc bạc mặt nhăn, nghĩa là sắp chết chẳng còn bao lăm nữa.
Bệnh: Bốn đại đều chẳng điều hòa, do đó, lần hồi sanh ra bốn trăm chứng bệnh, thân lực bì quyện, ăn uống không tiêu, tinh thần sút kém, khi ngồi lúc dậy nhờ người nâng đỡ, nên gọi là bệnh.
Vô thường, tức là tử, bằng theo thứ lớp nương nhau của pháp hệ thì, cái tử ở rốt sau (như sanh, lão, bệnh, vô thường), mà nay đây để vô thường ở đầu câu là, vì thể nó phổ biến hết thảy suốt trùm cả các pháp sanh, lão, bệnh, tử, phải vậy.
Ký: Hình luôn luôn chẳng trụ, ý niệm niệm không dừng, gọi là vô thường. Kinh nói “Sức của vô thường quá lớn, chóng kíp hơn núi lở, nước lên”. Chiết Luận nói “Có ba thứ vô thường 1-Mỗi niệm hoại diệt. 2-Vừa hòa hợp rồi ly tán. 3-Sự vật chi chi, rốt cũng vô thường như thế.”