Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Xét Nghiệp buộc chịu thân, chưa khỏi hữu hình hữu lụy.

Câu trên, nói rõ cái nghiệp nhân. Câu dưới, nói rõ các khổ quả. Đấy là chỉ ra cho biết rằng nghiệp nó buộc lấy cái tướng (cái thân) khổ.

Nghiệp(14), thuộc về đời quá khứ; khổ; thuộc về đời hiện tại. Rằng, trong cái thời tạo nhân có sự ràng buộc nên chi trong thời chịu quả tất phải khổ lụy. Mà cái lụy phi chỉ một điều, nên nói chúng khổ.

Chúng khổ, nói hẹp thì có ba khổ, tám khổ; nói rộng thì có cả tám vạn bốn nghìn các khổ trần lao.

Số là, bởi chúng phàm phu nó không rõ được tự tâm của nó, sanh khởi những quan niệm mê hoặc, tạo tác bao điều nghiệp chướng, như thập ác và thập thiện hữu lậu. Do vì cái nghiệp (mười thiện, mười ác) ấy nó cột buộc nơi thần thức (đã mang lấy nghiệp vào thân), nên khó khỏi những khổ lụy của thân hình phần đoạn sanh tử.

Tổ Thiên Thai Trí Giả nói “Tất cả những tâm niệm hành động hữu vi, thường bị những bệnh hoạn, khổ lụy của pháp vô thường nó biến đổi làm ép ngặt, nên gọi là khổ.”

Luận Trí Độ nói “Vô lượng chúng sanh có ba món khổ về cái thân là lão khổ, bệnh khổ và tử khổ; ba món tâm khổ là tham lam, sân hận và si mê; ba món khổ về đời sau là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.”

Kinh Pháp Cú chép rằng: Xưa có bốn sư tân học Tỳ-kheo tranh luận về sự khổ của đời

- Sự dâm dục nó làm khổ não cho người.
- Cơn đói khát nó làm ép ngặt thân thể.
- Chứng sân nhuế nó làm rối loạn tâm thần.
- Điều hoảng hồn nó làm cho người phải e sợ.

Cùng nhau đua giành phải chăng. Phật dạy rằng “Các sư tranh luận như thế là chẳng xét thấu nghĩa của khổ. Đây cái thân nó làm gốc cho các khổ, cái nguồn của mọi điều hoạn nạn! Vậy, phải cầu chứng quả tịch diệt, ấy là rất vui!”

Ký: Luận sở dĩ có ra muôn điều lụy là gốc ở nơi cái thân; mà sở dĩ sanh ra cái thân là do nơi cái nghiệp nó buộc lấy; cái nghiệp lại do nơi phiền não mà có; vì phiền não vô minh hoặc(15) mà tạo tác ra các hạnh nghiệp; vì bởi cái nghiệp ấy nó trói buộc chúng hữu tình, nên chẳng đặng giải thoát, thành thử bị xuống lên ba giới, qua lại sáu đường, để chịu các điều khổ lụy của mỗi mỗi thân hình.

Thế là, nhân nghiệp tạo đời trước mà chịu cái thân đời nay, đương có thân đời nay lại tạo ra cái nghiệp cho đời sau nữa, tất nhiên, hễ hữu thân là hữu khổ, hữu hình là hữu lụy!

Đức Lão Tử cũng nói “Ta có cái khổ hoạn lớn, vì ta có cái thân. Nếu ta không thân, thì có lo chi”.

Muốn được không thân, cần đặng không tâm, tâm nó làm cái dụng cho nghiệp, nghiệp nó theo cái duyên mà sanh, nếu tâm không sanh khởi một vọng niệm gì hết thì cả khổ hoạn, hệ lụy đều mất.

Nên Triệu Luận nói “Muôn điều lụy nảy bày, gốc ở nơi vọng tưởng, đã dẹp được vọng tưởng rồi, thì vạn lụy đều thôi”.

Rằng tam khổ: 1-Khổ khổ, là cái gốc của khổ (cái thân). 2-Hoại khổ, là cái khổ của sự biến hoại.

3-Hành khổ, là cái khổ của hành chuyển. Nghĩa là, chúng sanh bẩm thụ lấy cái thân phần đoạn của hữu lậu ngũ ấm, tánh cách nó thường thường ép ngặt, thế là khổ rồi, lại cùng tương ương nhau với cái khổ thụ(16), tức là trên cái khổ (cái thân) gia thêm nhiều khổ khác nữa, nên nói là khổ khổ. Nếu đến thời cái tướng vui (lành mạnh sức khoẻ) nó bại hoại, thì cái tướng khổ (lão bệnh) nó liền đến, nên gọi là hoại khổ. Cái pháp hữu lậu thì bốn cái hành tướng (sanh, trụ, dị, diệt) nó trôi dời (biến chuyển sanh diệt) luôn luôn, không hề an ổn được, nên nói là hành khổ.

Rằng bát khổ, nghĩa là 1-Khổ về khi sanh. 2-Khổ về khi lão. 3-Khổ về khi bệnh. 4-Khổ về khi tử.

5-Đương thương yêu mà cảnh ngộ buộc phải biệt ly là khổ về sanh ly. 6-Đương thù oán mà phải đối đầu gặp nhau là khổ. 7-Mưu cầu sự gì cũng bất thành là khổ.

8- Thân ngũ ấm nó lừng lẫy đủ mọi khổ. Nghĩa là các cái khổ chánh như sanh, lão, bệnh, tử và đông nhiều khổ phụ đều tụ hội dồn trong một cái thân, nên gọi là ngũ ấm thành (đụng) khổ.

Rằng phần đoạn, bởi tâm còn chấp nơi pháp tướng chẳng quên, nên Bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát còn phải thụ lấy cái khổ của thân biến dịch sanh tử, vì là nhân di quả dịch; còn chúng lục phàm thì bị cái bệnh ái kiến(17) nó che phủ, không rõ cảnh giới là hư vọng (cho căn thân, khí giới là vật chất thực có), nên sanh khởi kiến hoặc, tư hoặc, mà tạo những nghiệp của thân tam, khẩu tứ, và ý tam để rồi thụ lấy các khổ của thân phần đoạn sanh tử.

Rằng phiền não, nghĩa là những cái pháp hôn phiền, làm cho tâm thần (ý thức) não loạn, cùng với tâm làm phiền muộn, khiến cho tâm phải não loạn; nói hẹp thì tam độc, thập ác, nói rộng thì một trăm lẻ tám điều phiền não, cho đến tám vạn bốn nghìn các cửa trần lao. Cửa trần lao, tức là muôn điều khổ lụy vậy.

Xem mục lục