Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

 

Tổ thứ Hai Mươi Bốn:  TÔN GIẢ SƯ TỬ

 

 

Tôn giả, trung Ấn độ nhân. Vấn nhị thập tam Tổ: “Ngã dục cầu đạo, đương dụng hà tâm?” Tổ viết: “Nhữ dục cầu đạo, vô sở dụng tâm.” Viết: “Ký vô dụng tâm, thùy tác Phật sự?” Tổ viết: “Nhữ nhược hữu dụng, tức phi công đức; nhữ nhược vô tác, tức thị Phật sự.” Nhân phó dĩ đại pháp. Du hóa chí Kế Tân quốc, chuyển phó pháp dữ Bà-xá Tư-đa. Hậu, vương bỉnh kiếm chí Tôn giả sở, vấn viết: “Sư đắc uẩn không phủ?” Viết: “Dĩ đắc uẩn không,” Vương viết: “Ly sanh tử phủ?” Viết: “Dĩ ly sanh tử.” Vương viết: “Ký ly sanh tử, khả thí ngã đầu.” Viết: “Ngã thân phi hữu, hà lận ư đầu!” Vương tức huy nhẫn, trảm Tôn giả thủ, bạch nhũ dũng cao sổ xích, vương chi hữu tý toàn diệc đọa địa.

 

    Tôn giả người Trung Ấn Độ, có lần Tôn giả hỏi Tổ thứ 23:

                   - Thưa Ngài! Muốn cầu đạo con phải dụng tâm nào ?

                         Tổ đáp :

                   - Cầu đạo thì không có chỗ dụng tâm.

                   - Nếu không dụng tâm thì ai làm Phật sự ?

   Tổ bảo :

                   - Ngươi nếu có dụng thì chẳng phải công đức. Không làm đó mới là Phật sự.

          Nhân đây, Tổ truyền đại pháp cho Tôn giả. Tôn giả du hóa đến nước Kế Tân (Kubha), phó pháp cho Bà-xá Tư-đa (Basiasita).

    Một hôm, vua cầm kiếm đến hỏi Tôn giả:

    - Thầy đã chứng đắc “năm uẩn đều không” chưa” ?

Tôn giả đáp:

    - Đã chứng đắc.

    - Lìa sanh tử chưa ?

    - Đã lìa.

    - Đã lìa sanh tử thì có thể thí đầu cho ta chăng ?

    Tôn giả đáp :

    - Thân ta chẳng phải của ta thì tiếc gì cái đầu.

   Vua liền vung kiếm chặt đầu Tôn giả, lập tức sữa trắng vụt lên cao mấy thước và tay phải của vua cũng rơi xuống đất.

 

     Tán viết:

Vô tâm khả dụng

Đại dụng hiện tiền

Khuếch thông Phật lý

Xả tận đệ thuyên

Án kiếm dẫn cảnh

Hải khẩu nan tuyên

Lô hoa bạch tuyết

Thu thủy trường thiên[1]

 

        Bài tán:

Dùng cái không tâm

Đại dụng hiện tiền

Thông suốt Phật lý

Dứt bỏ buộc ràng

Vung  gươm chặt cổ

Đạo lý như biển

Bông lau tuyết trắng

Nước thu ngập trời.

 

Hoặc thuyết kệ viết:

Sư Tử Tôn giả chí phi phàm

Cầu pháp vấn đạo nguyện tâm kiên

Ưng vô sở trụ ly chư tướng

Như hữu công năng tức lạc biên

Ngũ uẩn giai không phá mê chấp

Vạn duyên phóng hạ liễu chân thuyên

Vương kiếm trảm đầu bạch nhũ hiện

Hữu tý đọa lạc thủy phục cam.[2]

               

           Kệ rằng:

Tôn giả Sư-Tử chí phi phàm

Ý định tâm kiên đạo vấn tham

Ưng vô sở trụ lìa các tướng

Công năng nếu có tức loạn đàm

Năm uẩn đều không phá mê chấp

Vạn duyên buông bỏ rõ chơn phàm

Kiếm chúa bêu đầu phun sữa trắng

Tay phải rớt đất mới chịu cam.

                            

Giảng:

          Vị Tổ sư đời thứ 24 là Tỳ-kheo Sư Tử, tức Tôn giả Sư Tử (Aryasimha). Tôn giả chứng đắc Bồ-đề vô tướng, tất cả tự tại, tất cả như như.

          Tôn giả, Trung Ấn Độ nhân: Ngài là người Trung Ấn Độ.

          Vấn nhị thập tam Tổ sư: Gặp Tổ thứ 23 là Hặc-lặc-na, Tôn giả hỏi đạo như sau: “Ngã dục cầu đạo, đương dụng hà tâm?” tức là ‘con muốn cầu đạo thì con dùng tâm nào?’ Với câu hỏi đó, quý vị nghĩ thử xem, nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh ấy thì chắc  sẽ xin Tổ dạy cho ta phải dùng cái tâm nào đặng có thể thoát khỏi vòng sanh tử, ra khỏi cảnh luân hồi, dứt sạch phiền não, chứng đạo Bồ-đề.

          Tổ viết: Nhữ dục cầu đạo, vô sở dụng tâm. Tổ thứ 23 trả lời: “Ông muốn cầu đạo sao? Thật sự ông nói muốn cầu đạo thì không cần dùng tâm gì cả. Mà cần phải vô tâm, nếu ông hiểu được vô tâm thì đó chính là đạo”.

          Viết: Ký vô dụng tâm, thùy tác Phật sự? Vì không hiểu rõ ý nghĩa câu nói của Tổ nên Tôn giả dùng lý lẽ để biện luận. Ngài nói rằng nếu đã nói không cần dùng tâm gì thì ai làm Phật sự? Đối đáp như vậy Ngài cho là biện tài vô ngại.

          Tổ viết: Nhữ nhược hữu dụng, tức phi công đức. Tổ thứ 23 nói: “Nếu có chỗ dụng tâm thì còn có sự tạo tác! Vậy là chưa tới được chỗ vô công dụng; còn có sự chấp tướng, còn có hình tướng. thì chẳng phải là công đức chân chính của tự tánh. Nhữ nhược vô tác, tức thị Phật sự: Nếu như ông không có chỗ dụng tâm, quét sạch mọi pháp, lìa mọi tướng, đó mới thật là đại Phật sự. Không phải chúng ta cứ ở đó niệm Phật, lễ Phật bái sám, dự các khóa lễ này nọ, mới gọi là làm Phật sự. Chân chánh tu đạo thì rốt ráo chẳng có gì hết, trừ hết pháp, lìa hết tướng; một không thì tất cả đều không, một lìa tất cả đều lìa, một tịnh tất cả đều tịnh, một chính tất cả đều chính” (tảo nhất thiết pháp, ly nhất thiết tướng; nhất không nhất thiết không, nhất ly nhất thiết ly, nhất tịnh nhất thiết tịnh, nhất chánh nhất thiết chánh). Vừa nghe Tổ thứ 23 nói như vậy, Tôn giả Sư Tử liền tỏ ngộ, vào được trí huệ Phật. 

Nhân phó dĩ đại pháp: Thế là Tổ thứ 23 truyền đại pháp tâm ấn cho Tôn giả (chú 1). Như vậy mỗi bài tôi đều nói đến ‘đại pháp’. Đại pháp này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong Phật giáo, pháp đó là pháp ‘truyền tâm ấn Phật, dùng tâm ấn tâm”. Đức Phật nói: “Ta có chính pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, giáo ngoại biệt truyền, đã phó chúc cho Ma-ha-ca-diếp!” Đó chính là “Đại pháp”.  

          Du hóa chí Kế Tân, chuyển phó dữ Bà-xá Tư-đa: Sau đó, Tôn giả Sư Tử du phương giáo hóa chúng sinh, đến nước Kế Tân- tên một nước lúc bấy giờ, có người nói đó là Vân Nam, có người nói là Tây-bá-lợi-á, nhưng ở đây không cần khảo chứng về nó, tóm lại đó là một nước lúc bấy giờ. Chính ở nước này Tổ truyền pháp cho Tổ thứ 25- Tôn giả Bà-xá Tư-đa.

Hậu vương bỉnh kiếm chí Tôn giả sở, vấn viết: Sư đắc uẩn không phủ? Sau ngày Tổ truyền pháp, gặp lúc bấy giờ ở trong nước có hai người theo ngoại đạo, họ học được nhiều huyễn thuật, mưu đồ phản loạn, ngụy trang thành người xuất gia và lẻn vào cung vua. Sự việc bại lộ nhưng vua lại hiểu lầm, cho đó là do người xuất gia làm, nên hủy diệt Phật pháp.Một hôm, vua cầm bảo kiếm đến chỗ Tôn giả Sư Tử hỏi: “Ông chứng đắc năm uẩn đều không rồi chăng? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ông đều coi như không chăng?”  

          Viết: Dĩ đắc uẩn không. Vì Tỳ-kheo Sư Tử vốn không nói vọng ngữ, cũng không khách sáo, nên khi vua đến hỏi Ngài, Ngài trả lời chân thật: “Tôi đã đắc năm uẩn đều không, quán chiếu thấy được năm uẩn đều không; biết ‘Sắc tức là không, không chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy’”

          Vương viết: Ly sinh tử phủ? Vua lại hỏi: “Ông đã lìa sinh tử chưa?” Có nghĩa là ông không còn sinh tử chăng?

          Viết: Dĩ ly sinh tử. Ngài đáp: “Tôi đã thoát khỏi sinh tử, không còn sinh tử !”

          Vương viết: Ký ly sinh tử, khả thí ngã đầu. Vua liền nói: “Sinh tử đối với ông đã không thành vấn đề, ông đã liễu  thoát sinh tử, vậy ông có thể bố thí cho ta cái đầu được không?

          Viết: Ngã thân phi hữu, hà lận ư đầu? Tỳ-kheo Sư Tử đáp: “Ngay cả thân thể tôi đều không, thì cái đầu có nghĩa gì mà không cho được? Đại vương cứ việc chém đi!”

          Vương tức huy nhận đoạn Tôn giả đầu, bạch nhũ dũng cao sổ xích: Vua liền vung kiếm chém một nhát, đầu Tỳ-kheo Sư Tử rơi xuống đất. Nhưng khi đầu Tôn giả vừa rơi xuống, thì cổ Ngài máu không tuôn chảy mà một dòng nước trắng như sữa bò vọt ra, cao đến vài thước. Quý vị nghĩ xem! Đó là ý gì? Đợi quý vị nghĩ thông suốt rồi, xin nói lại cho tôi biết!

          Vương chi hữu tý thi diệc đọa địa: Tay phải nhà vua cầm kiếm chém đầu Tỳ-kheo Sư Tử. Vậy là vua đã chém một vị thánh, phạm một trọng tội trong số 5 tội vô gián[3] là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng đoàn, làm thân Phật chảy máu. Bởi đó mà khi vừa chém xong thì cánh tay phải của vua cũng đứt đoạn, rớt ngay xuống đất. 

                                                Bài tán:

          Vô tâm khả dụng, đại dụng hiện tiền: Biết dùng cái vô tâm thì hiệu dụng của nó sẽ là tột cùng, đó là cảnh giới ‘vô công dụng đạo’, không  dụng tâm mà không chỗ nào là không có hiệu dụng (vô dụng vô bất dụng), chính là chỗ đại dụng hiện tiền, là Đại tạo Đại hóa.

          Khuếch thông Phật lý, xả tận đệ thuyên: Bừng sáng tức khắc đạo lý của Phật, gạt sạch mọi cặn bả, vứt bỏ các dây rễ, lột hết da, bóc sạch vỏ, tóm lại các thứ không cần thiết đều gạn lọc hết.   

          Án kiếm dẫn cảnh, hải khẩu nan tuyên: Vua cầm kiếm đến chỗ Ngài; Ngài liền đưa cổ ra, chờ vua giết, vua chém. “Hải khẩu nan tuyên” nói lên là tinh thần đại vô úy, không chấp ngã, tinh thần liễu sinh thoát tử, hiện bày chân lý “năm uẩn đều không”. Hải khẩu nghĩa là miệng rộng như biển. Cho dù có hải khẩu để tuyên thuyết đạo lý thì cũng không thể nói lên hết tinh thần này.

           Lô hoa bạch tuyết, thu thủy trường thiên: Hoa lau màu trắng, tuyết trắng cũng màu trắng, như nước mùa thu và bầu trời mênh mông, tất cả đều một màu, đều là bản sắc của thiên nhiên. Đó là cảnh:

                    Ráng chiều, cò lẻ cùng bay
                    Nước thu liền với trời mây một mầu[4] 
Đúng là một cảnh sắc của ‘Đại tự nhiên’.  

          Tỳ-kheo Sư Tử không chảy máu mà chảy một thứ nước màu trắng, quý vị  nghĩ kỹ thử xem, đó là ý nghĩa gì?

          Quý vị nói Ngài là người giác ngộ chứng quả; người vô lậu, không còn niệm dục, đoạn dục trừ ái, đạt đến cảnh giới không mong cầu- cũng chính là cảnh giới không tranh giành, không tham lam, không mong cầu, không riêng tư, không tự lợi.

          Quý vị không nên cho rằng năm thứ “Tài, sắc, danh, thực, thùy” là đơn giản. Trước khi chưa chứng quả, năm thứ này không thể đoạn được; sau khi chứng quả, cũng không nhất định đã đoạn hết hoàn toàn. Vì vậy, Vạn Phật Thánh Thành chúng tôi giảng giải cho quý vị diệu pháp chứng quả; quý vị không nên coi thường những pháp đó. Quý vị bảo: “Tôi hiểu rồi! Không tranh ư? Thì tôi cũng chẳng tranh giành !” Nói vậy nhưng thử hỏi trong lòng quý vị có thật sự không tranh chăng? Rồi đối vấn đề không tham, quý vị cũng bảo chẳng tham. Tuy nhiên, trong tâm quý vị có phải như thế chăng? Bề ngoài thì có vẻ như vậy, nhưng bên trong thì sao?  Nói bên trong không tham tức là nói bên trong tự tánh không tham ; bên trong của tám thức phải thật sự không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, phải như vậy mới đúng. Bên trong và bên ngoài phải là như một, bên trong và bên ngoài thảy đều trong sạch, vậy mới có thể chấp nhận được!

          Vì sao Tỳ-kheo Sư Tử có sữa trắng vọt cao đến mấy thước như vậy? Vì máu huyết của Ngài đều biến thành màu trắng; máu vốn màu đỏ nhưng hiện tại biến thành màu trắng - Các vị thánh nhân chứng quả đều như vậy! Vì vậy, quý vị không thể nhận giả làm chơn, không thể nói: “Tôi là người chứng quả!” Nếu quý vị chứng quả, trước tiên người ta sẽ chặt đầu quý vị xem có sữa trắng vọt ra không? Ái chà! Chỉ một điểm này, chắc quý vị không dám thừa nhận mình chứng quả! Vì chứng quả mà không có đầu, thì quả chứng ấy không có ý nghĩa, vì có ăn uống được gì đâu! Vì vậy không nên mạo muội cho mình là người chứng quả, chỉ háo danh một chút mà rất nguy hiểm đấy.     

          Nếu người lúc đã đạt đến thân thể dương khí thuần nhất thì máu biến thành màu trắng, đó là chứng minh người đã chứng quả thánh. Ngài Thần Quang Tổ thứ hai của Trung Hoa cũng bị chính phủ chặt đầu, vì họ cho Ngài là người điên. Khi người ta chặt đầu Ngài thì sữa trắng vọt ra. Đó là giải thoát chân chính, không chấp trước, cũng chính là vô lậu.

          Vô lậu là không có dục lậu, sắc lậu, tài lậu, danh lậu, tham lậu, thùy lậu, tất cả các lậu đều không! Đạt đến cảnh giới vô lậu này thì chứng được lậu tận thông, đây là thần thông khó đắc nhất. Trong sáu thần thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông đều dễ đắc, chỉ có lậu tận thông là rất khó đắc. Lúc vị nào đắc lậu tận thông thì lúc ấy máu trên thân thể người ấy đều biến thành màu trắng.  

                                               

Kệ rằng:

          Vì vậy tôi lại làm một bài kệ, để tán thán Tôn giả Sư Tử. Câu mở đầu là:

          Sư Tử Tôn giả chí phi phàm: Chí nguyện Tôn giả Sư Tử người thường không thể sánh được, Ngài là một người đặc biệt, đặc biệt đến mức độ thế nào?

          Cầu pháp vấn đạo nguyện tâm kiên: Ngài đi tới đâu cũng tìm cầu học pháp, hỏi đạo, tìm bạn cầu thầy; đến nơi nào Ngài cũng hạ mình khiêm cung, siêng năng hiếu học, không thẹn hỏi kẻ dưới mình. Không kể khi gặp một nhân vật cao siêu như Tổ thứ 23, gặp những người kém mình Ngài cũng không ngại hỏi đạo cầu pháp. Ngài vì pháp quên mình, rất là tha thiết với pháp, tâm nguyện  của Ngài như thế thật là kiên cố.  

          Ưng vô sở trụ ly chư tướng: Ngài thỉnh vấn Tổ thứ 23: “Dùng tâm gì để cầu đạo?” Tổ thứ 23 đáp: “Nên không chỗ trụ mà sinh tâm ấy”. Không dùng tâm, cũng chính là “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” Ông không nên chấp tướng! Ông cho rằng nên dùng tâm gì sao? Nếu Ông có chỗ dụng tâm, thì đó không phải là vô công dụng đạo.

          Như hữu công năng tức lạc biên: Nếu quý vị có dụng công thì rơi vào hai hoặc ba, có hoặc không, tức là lạc vào nhị biên.

          Ngũ uẩn giai không phá mê chấp: Ngài đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không; Ngài đã phá trừ năm uẩn phàm phu, không còn mê chấp.

          Vạn duyên phóng hạ liễu chơn thuyên: Dù vạn duyên gì cũng không ngăn ngại! Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt đến Niết-bàn cứu cánh, nên nói “liễu chân thuyên” tức là hiểu rõ chân lý.

          Vương kiếm trảm đầu bạch nhũ hiện: Vua vung kiếm chém đầu Ngài rơi xuống, sữa trắng từ chỗ bị chém vọt cao mấy thước, điều này chứng tỏ Ngài là người có công phu thật sự. Nếu quý vị hỏi: “Ngài đã chứng quả, thì sau khi đầu rơi xuống, sao không tự trở lại như cũ?” Có thể chứ, nhưng Ngài không làm vậy. Vì sao? Vì Ngài làm vậy sẽ sinh chấp trước. Lúc đó, Ngài thị hiện như vậy, vì Ngài nghĩ vị vua này giúp mình thành tựu đạo nghiệp, làm một chứng cứ cho chúng sinh. Đối với Tỳ-kheo Sư Tử, đầu Ngài có rơi xuống hay không, ở đây không thành vấn đề.  

          Hữu tý đọa địa thủy phục cam: Bấy giờ, tay phải của vua cũng rơi xuống đất. Lúc ấy, vua mới biết Ngài thật là một thánh nhân chứng quả! Hiện tại ta phải chịu quả báo này! Tuy tay phải rơi xuống đất, nhưng trong lòng vua rất kính phục; kính phục thế giới này thật sự còn có thánh nhân và người truyền tâm ấn của Phật. Vua tâm phục khẩu phục, không một chút phản kháng.   

Quý vị nói thử coi! Vì sao tay phải vua bị rơi xuống? Phải chăng Tỳ kheo Sư Tử biết võ công, phun sữa trắng ra có khác gì người luyện bảo kiếm, chặt đứt đoạn cánh tay của kẻ địch để báo thù? Tôi chẳng hiểu có phải vậy không? Quý vị thử suy nghĩ đi! Hôm nay tôi hỏi quý vị lắm chuyện như vậy đó! Hay là lúc đó biết đâu cả tám bộ trời, rồng trông thấy vậy cảm thấy không vui, nghĩ rằng : ‘À! Vị vua này! Dám mang cả một thánh nhân ra để làm vật thí nghiệm!’ Bởi vậy mà họ đã chặt cánh tay phải của nhà vua, một hành động hộ pháp.

          (Tuyên Công Thượng Nhân giảng ngày 7, tháng 9, năm 1981)

 


 

          Chú 1: Kệ truyền pháp của Tổ thứ 23 phó chúc cho Tổ thứ 24 thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi như sau:

Nhận đắc tâm pháp tánh

Khả thuyết bất tư nghị

Liễu liễu vô khả đắc

Đắc thời bất thuyết tri.[5]

Dịch:

Lúc ngộ được tâm tính

Mới nói không nghĩ bàn

Rõ ràng không thể đắc

Lúc đắc không nói biết  



[1]無心可用 大用現前 廓通佛理 捨盡第筌
按劍引頸 海口難宣 蘆花白雪 秋水長天

[2]師子尊者志非凡 求法問道願心堅
應無所住離諸相 如有功能即落邊
五蘊皆空破迷執 萬緣放下了真詮
王劍斬頭白乳現 右臂墮地始服甘

[3] Tội vô gián: tội mà hậu quả có  thể bị đầy xuống địa ngục vô gián, hay còn gọi là địa ngục A-tỳ

[4] Hai câu này là chữ lấy trong bài phú Đằng Vương Các Tự của Vương Bột đời Sơ Đường, nguyên văn là “lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc” .

[5]認得心性時 可說不思議
了了無可得 得時不說知

Xem mục lục