Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Eranos Tagung đã được tổ chức vào năm 1954 ở Ascona, Thụy sĩ, nơi tôi đang sống với gia đình bên bờ hồ Lago Maggiore. Nhiều học giả danh tiếng đã thuyết trình về tôn giáo Đông phương, chủ nghĩa thần bí Thiên chúa giáo, thi ca, và Phân tâm học phái Jung - đặc biệt trong quan hệ với "hiện tượng nguyên tượng" của nó như được biểu hiện trong những giấc mơ, những tập quán tôn giáo, phong tục dân gian, và trong sự hoang tưởng của người điên cũng như trong tư cách sinh hoạt hàng ngày.

Trong danh mục các buổi thuyết trình đó có một buổi của Bác sĩ Suzuki, một giáo sư Nhật Bản về Thiền. Lúc ấy tôi chưa biết đến đề tài này cũng như chưa từng biết Bác sĩ Suzuki hoặc đọc sách của ông; tâm tôi lúc ấy trắng tinh như một tờ giấy mới. Và một người đàn ông mảnh dẽ nhỏ thó đã xuất hiện trên giảng đường, với một cô gái khả ái đi theo, cô Okamura. Ông mỉm cười với cô, nhìn qua khán thính giả, cúi đầu chào họ với nụ cười tươi tắn, và bắt đầu buổi thuyết trình.

Ông có giọng nói rất trầm, rất dễ hiểu, và nhiều người còn gắng ghi lại những từ ông đang dùng. Nhưng không may, cái mi-crô lại hỏng. Bác sĩ Suzuki bèn không thực hiện một bài giảng theo cách thông thường là bắt đầu bằng dẫn đề A, triển khai nó thành B để rồi kết luận đại loại A là A và B phải là B. Ông không thừa nhận cái gì không thể giải thích, cái đó là ‘thần bí’ hay ‘huyền nhiệm’. Ông cũng không hứa hẹn bất cứ điều gì có thể thỏa mãn những tâm hồn khát khao và đơn độc. Cho nên bài thuyết trình của ông như dường một con ếch nhảy tỏm xuống hồ, chỉ khua động vài gợn nước rồi tan nhanh không để lại dấu vết.

Lúc ấy tôi chẳng hiểu nổi một lời của ông; ông kể chuyện gì đó về ba vị tổ của Thiền tông đang luận bàn một điều mà tôi mù tịt, tuy nhiên tôi giật mình trước lối diễn tả "và những hòn đá, hay một hòn đá, gật đầu."

Làm sao một hòn đá biết gật đầu? Tôi tìm mua những quyển sách của Bác sĩ Suzuki và đọc trong sự suy ngẫm về câu hỏi này, nhưng không thấy ở đâu, cho tới tận ngày nay, đoạn nào nói về những hòn đá gật đầu. Tuy thế sự kiện một hòn đá biết gật đầu đối với tôi bây giờ là chuyện hoàn toàn tự nhiên.

Năm sau Bác sĩ Suzuki đã trở lại Eranos để thuyết giảng về Mười bức tranh chăn trâu. Ông phân phát cho thính giả một tập sách mỏng in hình tranh với lời bình. Ông không kết thúc được buổi giảng vì đã vượt quá thời hạn, và thính giả lại một phen bối rối. Tôi muốn gặp riêng ông, và sau nhiều trở ngại, cuối cùng cũng được một cái hẹn. Nghĩ là người ta không phải lúc nào cũng tốt đối với ông, tôi đã mang đến tặng ông hoa, hương, và một bức tranh cuộn vẽ núi Phú sĩ của Hokusai, lấy từ bộ sưu tập của chúng tôi, để gợi nhớ về phong cảnh quê hương ông. Trông thấy bức tranh, ông già ốm yếu nhảy lên ghế với sức lực trẻ trung không ngờ để tìm một cây đinh treo tranh. Cô Okamura đã kéo áo ông và hỏi tại sao chúng tôi không nhìn thấy một cây đinh đã có sẵn trên tường. Bác sĩ Suzuki sung sướng nhìn ngọn Phú sĩ sau một hồi lâu chăm chú, rồi ông mỉm cười và khởi đầu câu chuyện bằng tình yêu sông hồ, cây cỏ và núi non của ông khiến tôi thấy mình ‘điếc đặc’. Tôi không còn thiết đến buổi mạn đàm và chỉ chực cáo lui.

Sau buổi gặp này, dù không trao đổi chuyện gì đặc biệt, Bác sĩ Suzuki, với lòng tử tế muôn thuở, đã giúp tôi vượt qua hầu hết các giai đoạn khó khăn có tính quyết định trong sự học Thiền của tôi. Tôi được mời viếng thăm Nhật Bản như một món quà đáp lại 25 năm cộng tác của chồng tôi, Bác sĩ Anthony van Hoboken, nhà âm nhạc học đã thực hiện vựng tập đầu tiên về các tác phẩm của Joseph Haydn, quyển vựng tập mà 100 năm sau khi nhạc sĩ mất vẫn chưa có ai hoàn thành.

Bác sĩ Suzuki, vẫn còn ở Mỹ, đã giới thiệu tôi đến Hòa thượng Furukawa, Viện trưởng Myôshin-ji (Diệu tâm tự), Hòa thượng Asahina chùa Engaku-ji (Viên giác tự), và Lão cư sĩ Kôryu Osaka thượng thủ Hannya Dôjô (Bát nhã Đạo tràng) ở Tokyo. Khi tôi đến thăm, lão sư Osaka không có ở nhà, nhưng tôi được gặp ông Akizuki và người này đã dạy tôi cách ngồi Thiền, một sự hướng dẫn hoàn toàn ngẫu nhiên. Trở lại châu Âu tôi bắt đầu tập ngồi theo tư thế của phụ nữ Nhật và thấy ngày càng đau đớn, cần phải có người chỉ dẫn thêm. Nhưng ở đây chẳng có ai để hỏi. Nên khi nghe tin Bác sĩ Suzuki trở qua châu Âu, tôi viết cho ông và cô Okamura xin gặp ở Luân đôn. Vấn đề được giải quyết ngay. Bác sĩ Suzuki mỉm cười, bảo ông không nhớ ngồi kiết già (tư thế hoa sen) thì để chân trái lên trước hay chân phải. Tôi còn nhớ bấy giờ chúng tôi đang ở trong phòng khách của khách sạn Rembrandt, Bác sĩ Suzuki ngồi kiết già trên ghế, còn tôi và cô Okamura ngồi trên sàn nhà theo kiểu phụ nữ Nhật bản. Sau cuộc chuyện trò thân mật, Bác sĩ Suzuki giản dị chào tạm biệt tôi: "Hẹn gặp lại ở Nhật Bản".

Tám tháng sau tôi nhận được một món quà quí từ Tokyo gởi đến dưới cái tên Sazô Idemitsu, một người lúc ấy tôi hoàn toàn không quen biết. Đó là một quyển lịch gồm các tranh vẽ của Sengai, cùng với bức thư đề được gởi theo yêu cầu của Bác sĩ Suzuki. Lại một trùng hợp thú vị, bởi mấy tháng nay tôi có nhận một vựng tập về cuộc triển lãm của Sengai được tổ chức ở California, do một người quen gởi cho. "Vũ trụ" là bức tranh mà ngày nào tôi cũng không khỏi ngắm nhìn.

Quyết định thăm lại Nhật Bản lần nữa đã được thực hiện nhanh chóng. Trong chuyến đi này tôi đã gặp Bác sĩ Suzuki ở Tokyo và Atami. Sau đó tôi bắt tay dịch tác phẩm Mười bức tranh chăn trâu sang Đức ngữ, và theo đề nghị của Bác sĩ Suzuki, ông Akizuki đã giúp kiểm tra phần Hán văn. Tôi cũng gặp ông Sazô Idemitsu và được ông ưu ái cho xem vài họa phẩm của Sengai mà nhiều bức trước đây tôi chỉ được biết qua các phiên bản. Rồi tôi gia nhập Hannya Dôjô (Bát nhã đạo tràng) để học Thiền truyền thống phái Lâm Tế. Ở Tokyo, tôi được gặp Lão sư Shônen Morimoto và Đại đức S. N. Kobori. Bác sĩ Suzuki, với lòng tốt bẩm sinh của ông, đã lo cho tôi hết mọi sự. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau nhờ sự thu xếp chu đáo của cô Okamura, một người có tấm lòng tận tâm luôn mở rộng. Chuẩn bị cho kỳ phát hành vựng tập của Sengai lần tới, tôi được ông Idemitsu đề nghị dịch các bài của Bác sĩ Suzuki viết về Sengai ra tiếng Đức, Ý, và Pháp. Lúc ấy việc dịch Mười bức tranh chăn trâu cũng đang tiến triển thuận lợi. Việc này đòi hỏi chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Tôi vẫn nhớ như in những buổi gặp này thường tràn ngập những nụ cười tuyệt diệu và những tràng cười thân mật đã khích lệ tôi rất nhiều trong công việc. Nụ cười luôn đến trên gương mặt Bác sĩ Suzuki ngay cả lúc ông nghiêm trang hay bực mình, và làm nhẹ đi khi ông mệt mỏi hay lo lắng, hoặc lúc đang đối phó với một vấn đề thực tiễn hóc búa, đang ngồi thư giãn trên chiếc ghế của ông, hay đang cùng chúng tôi trên những chiếc taxi chạy đua bạt mạng đến một phòng triển lãm thi họa Thiền nào đó.

Năm 1961, tôi được Bác sĩ Suzuki, ông Sazô Idemitsu và tổ chức Kokusai Bunka Shinkò Kai (Quốc tế Văn hóa Tiến hành Hội-ND) đề nghị hỗ trợ cho cuộc triển lãm của Sengai có thể đến với nhiều quốc gia ở châu Âu. Những cuộc triển lãm này đã trở thành một thắng lợi tinh thần thực sự, kể cả thành công thực tế ở các viện Bảo tàng, vì đó là chân Thiền được thể hiện qua phương tiện các nụ cười trong vắt và tinh thần trào phúng của Bác sĩ Suzuki, kèm theo những bản dịch và lời bình của ông. Tinh thần chân chính bất biến không có cách nào giải thích được, chính điều này giúp cho, trong nhiều phương diện, sự thông hiểu nhau tốt hơn qua trực giác. Chúng tôi đã tổ chức triển lãm ở mười hai nước châu Âu, từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, từ Stockholm đến Madrid, Vienna đến London, với tất cả mười bốn cuộc triển lãm đầy thành công. Điều này chỉ có thể thực hiện nhờ sự thông hiểu và giúp đỡ toàn diện của ông Idemitsu, và cũng nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối của ông nơi tôi và các thành viên cùng làm việc trong nhóm. Trong bốn năm ở châu Âu mọi người đều ngạc nhiên trước sự thành công của các lần triển lãm. Bác sĩ Suzuki thực sự vui mừng và nụ cười của ông càng đậm đà ý vị khi chúng tôi nói về việc giới thiệu Sengai đến châu Âu.

Cuộc chia tay thật sự của chúng tôi diễn ra vào tháng 12 năm 1965, ở Liêm thương trong ngôi nhà của ông. Khi tôi chào ông và bước qua khu vườn, ông đã kêu tôi lại. Tôi quay lại và cúi đầu chào, cúi mình thật thấp theo kiểu người Nhật thường làm. Ông mỉm một nụ cười mà tận thâm tâm tôi cảm thấy nó bất diệt - một nụ cười tôi thật sự nhận được khi nói lời cảm ơn ông vì những điều ông đã làm trong suốt cuộc đời. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông là lúc ông đang vẫy tay chào một cách vui vẻ và tươi cười trước khi tôi bước lên xe ra phi trường. Ông nói: "Đi đường bình an, hẹn gặp lại, ở đây hoặc ở đâu đó".

Và công việc của chúng ta vẫn tiếp diễn. Nó giúp ta quên đi những căng thẳng hay nỗi sợ, và cả nụ cười trong suốt của Bác sĩ Suzuki cùng với nụ cười của Sengai. Tôi muốn nói rằng người thầy vĩ đại này không bị giới hạn trong những từ ngữ ông đã viết và những cái được in ra trong sách của ông. Tri thức về Thiền của ông là không thể nghĩ bàn. Nhưng sự truyền đạt của ông về cái-bất khả truyền để lại những dấu ấn sâu xa trên thế giới giữa những con người bình dị. Và những tảng đá gật đầu.

Xem mục lục