Thật đau buồn trước hung tin bất ngờ về cái chết của Bác sĩ Daisetz Suzuki, nhà lãnh đạo Phật giáo trong thời đại chúng ta.
Ai cũng biết, tri thức của Bác sĩ Suzuki về Phật giáo thấm đẩm tinh thần satori (ngộ). Từ bước khởi đầu tầm Đạo, ông đã mong tìm giải đáp cho vấn đề ách yếu nhất - chuyện sinh và tử của con người. Mọi nỗ lực của tuổi trẻ ông đều tập trung vào mục đích này. Cuối cùng ông đã nhận ra vấn đề đã được giải quyết từ lâu trong satori hay là kinh nghiệm về tuyệt đối khẳng định. Từ đó ông hướng mục tiêu vào việc ghi lại kinh nghiệm này trong văn học Phật giáo, nhất là văn học Thiền, và phổ biến nó ra thế giới. Việc làm này cũng chính là lời thệ nguyện của ông.
Bác sĩ Suzuki là một người say mê đọc sách. Ông thông thạo tín ngưỡng, sự uyên áo và những tư tưởng của Đông và Tây phương, cổ cũng như kim, một cách đáng kinh ngạc. Thú đọc sách rộng rãi của ông được tập trung vào chủ đề nói trên, và ông gạt qua bất cứ hệ thống tư tưởng nào không soi rọi ánh sáng cho vấn nạn đó. Ông không quan tâm tập hợp các dòng tư tưởng hay học thuyết Phật giáo chính yếu của những nhà sáng lập các trường phái lớn của Phật giáo. Trực giác và trải nghiệm là đặc tính nổi bật trong tư tưởng của ông.
Tuy thế, rõ ràng Bác sĩ Suzuki không chỉ là một Thiền giả đã chứng ngộ theo kỷ luật của một vị thầy. Người ta nói, khi các tín đồ Thiền trình bày chỗ hiểu của họ về Thiền, Bác sĩ Suzuki thường trả lời: "Đó là chỗ xa chân lý nhất." Lời nói và tư tưởng của ông đôi khi làm cho người nghe hay độc giả có ấn tượng ông quả là ‘nhà tư tưởng’ Phật giáo vĩ đại theo nghĩa đặc trưng của thuật ngữ này. Ông có đôi mắt của nhà tiên tri nhìn thấu suốt xương tủy của sự vật. Ông thấu rõ bản chất của con người và đồng cảm sâu xa trước những bất hạnh của họ. Ông luôn biết lắng nghe. Ông thường phê phán một người mà trên quan niệm rộng hơn vẫn cho thấy ông xem trọng họ. Suy cho cùng, ông là ‘chiếc bình chứa’ mênh mông vô hạn.
Bác sĩ Suzuki và tôi, ngoài việc là đồng nghiệp ở Viện đại học Otani, thỉnh thoảng còn gặp nhau trong tư cách diễn giả ở những buổi thuyết trình về Phật giáo do các Hội đoàn Phật giáo tổ chức. Những dịp như vậy chúng tôi có cơ hội lắng nghe lẫn nhau. Sự phê phán của ông về tôi là một nguyên tắc chân thành và thẳng thắn. Ông thường nói: "Bài giảng của ông nghe ra quá trừu tượng và tư biện. Tôi không thích lắm, nó không hợp với tôi." Tôi sung sướng tiếp nhận lời phê bình của nhà học giả lão thành đáng kính này của chúng ta, và luôn suy xét chúng cặn kẽ. Tuy nhiên phân tích đến cùng sẽ thấy sự khác biệt cơ bản giữa hai cách tiếp cận Phật giáo của chúng tôi.
Về điểm này tôi có một điều phải suy nghĩ. Bác sĩ Suzuki thường giới thiệu tên tôi với các học giả và văn giới ngoại quốc muốn tìm hiểu Phật giáo Tịnh độ. Ông gợi ý họ đến thăm tôi. Phải chăng điều này có nghĩa là ông thừa nhận tư tưởng của tôi đáng được giới thiệu cho người ngoại quốc từ một quan điểm rộng rãi hơn, bất kể ông thích hay không thích nó? Dù thế nào, tôi vẫn rất cảm kích cử chỉ biểu hiện tinh thần cởi mở và chân tình này của ông.
Ngày 13 tháng 6 năm nay (1966), dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phật tử Tại gia, tôi đã đến Liêm thương để đối thoại với Bác sĩ Suzuki về chủ đề "Bản Nguyện". Bác sĩ Suzuki đã vui mừng tiếp đón tôi một cách nồng nhiệt, như gặp lại người em ruột thịt xa cách đã lâu. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Giờ đây tôi vẫn nhớ như in sự tĩnh lặng của những bụi cây mọc hai bên con đường dài dẫn lên đỉnh đồi và thư phòng của Bác sĩ Suzuki, trong khu vườn điểm xuyến đầy hoa cỏ mùa hè và những vật dụng tự nhiên khác. Tất cả đều hoàn toàn hòa vào tính cách con người Bác sĩ Suzuki.