Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Câu Chi (Nh. Gutei) là một Thiền sư Trung hoa xưa. Ông đau khổ vì không thể giác ngộ, cho đến ngày ông gặp Thiền sư Thiên Long (Tenryù).

Khi Thiên Long gặp Câu Chi, ông giơ một ngón trỏ lên và trong khoảnh khắc ấy, Câu Chi bừng tỏ ngộ. Từ đó về sau, khi có ai đến hỏi Pháp Câu Chi, ông đều giơ lên một ngón tay trỏ mà chẳng nói.

Khi Câu Chi biết mình sắp tịch, ông nói với đồ chúng vây quanh: "Ta đã nhận Thiền-một-ngón này từ Thiên Long. Ta đã dùng nó cả một đời vẫn chưa hết." Nói xong, Sư viên tịch.

(Cảnh đức truyền đăng lục, quyển 11)

Tôi luôn nhớ đến những lời cuối cùng này của Câu Chi mỗi khi nghĩ đến bất cứ thành tựu vĩ đại nào của Bác sĩ Suzuki.

Vào năm 17 hay 18 tuổi, Bác sĩ Suzuki nhập môn học Thiền với Lão sư Setsumon ở chùa Kokutaiji (Quốc thái tự), quận Toyama. Năm 21 tuổi, ông đến học với lão sư Kòsen ở chùa Engakuji (Viên giác tự), Liêm thương, và lưu lại đây đến năm 1892 khi sư phụ Kòsen qua đời. Ông tiếp tục theo đuổi việc học đạo với thầy Sôen, người kế Pháp sư phụ Kôsen. Tháng 12 năm 1895 ông được tỏ ngộ. Thầy Sôen ban cho ông xưng hiệu là koji-gò (Cư sĩ hiệu) (xưng hiệu ban cho Phật tử tại gia đã học đạo xong), "Daizets", cũng là tên của một đại Thiền sư (sư huynh của ngài Gizan và của thầy của lão sư Kòsen) từng nổi tiếng nghiêm khắc trong việc huấn luyện đồ đệ. Ông khắt khe đến mức chúng đồ đệ gọi ông là "Daizets khủng khiếp." Chính Kòsen cũng đã có thời học đạo với vị thầy này.

Sòen đã ban cho Bác sĩ Suzuki xưng hiệu này có lẽ vì ông đã nhìn thấy khả năng truyền đạo phi thường của Suzuki. Và Bác sĩ Suzuki đã dùng tên hiệu Daisetz trong suốt cuộc đời mình như một Phật tử tại gia, và hình như người ta đã quên cái tên thật của ông là Teitarô. Hơn thế, Bác sĩ Suzuki đã gọi mái nhà tranh của ông là Dã phong lưu am, có nguồn gốc từ Thiền ngữ dã phong lưu (yafùryù ), dù ở chỗ chẳng lấy gì phong lưu cũng vẫn phong lưu, cũng được viết trong bài kệ thị tịch của Kòsen.

Dù tôi không có dịp để hỏi Bác sĩ Suzuki về sự liên hệ giữa Dã phong lưu am của ông với bài kệ (Skt. gàthà) cuối cùng của Kòsen, tôi vẫn có cảm giác chúng liên hệ mật thiết. Điều này há chẳng nói lên rằng suốt cuộc đời mình Bác sĩ Suzuki đã ý thức rõ rệt là người thừa kế của Kòsen và Sòen? Học vấn của ông, tư tưởng và công lao truyền bá đạo pháp ra khắp thế giới của ông được đặt vững chắc trên kinh nghiệm này vốn là suối nguồn năng lực hành đạo của ông.

Có lẽ đó là lý do tại sao dù những tiểu luận của ông rất khó hiểu vẫn đặc biệt hấp dẫn chúng tôi. Tôi nghĩ đây cũng có thể là trường hợp của Bác sĩ Nishida (Tây Điền Kỷ Đa), tuy vị trí của ông này rõ ràng là một triết gia. So với Bác sĩ Nishida, Bác sĩ Suzuki thể hiện hình ảnh một Thiền giả.

Đọc tờ Tạp chí Asahi, tôi thấy Bác sĩ Suzuki đã được trân trọng gọi bằng "Ròshi" (Lão sư) trong bài phỏng vấn của một vị giáo sư giới thiệu tác phẩm vừa xuất bản của Bác sĩ Suzuki, quyển Tòyò no Kokoro (Cái Tâm của phương Đông). Ở trang khác ông lại được gọi bằng "Reverend" (Đại đức) trong bài tiểu luận ngắn của biên tập viên tạp chí Ashahi. Thẳng thắn mà nói, dù từ quan điểm Thiền những danh xưng này vẫn không thích đáng, cũng khó cho mọi người khi không biết nên xem Bác sĩ Suzuki là học giả hay là Thiền sư. Chính tôi cũng đã nhiều lần bị chất vấn "Bác sĩ Suzuki có phải là Thiền sư ?"

Dù tôi chẳng bao giờ đánh giá công trình của ông như một học giả Phật giáo, nếu tôi đặt ấn tượng của mình vào những tiểu luận, những phát ngôn và cả vẻ ngoài của ông, tôi muốn nói rằng Bác sĩ Suzuki tự biết rõ ông không chỉ là học giả mà còn là một Thiền giả hay một Phật tử. Học vấn uyên thâm của ông, tư tưởng và văn hóa của ông duy chỉ dựa trên kinh nghiệm thức tỉnh tâm linh, được đào sâu và lan tỏa bởi chính hành động và tinh thần Bồ tát của ông. Tất cả những cái đó, theo tôi, đã làm cho Bác sĩ Suzuki có thể đạt được sự thành tựu vĩ đại và độc đáo trong các nghiên cứu Phật học và các hoạt động truyền giáo toàn cầu.

S. T.

Xem mục lục