Trong tất cả các đức tính thì Phẩm chất Bác Ái quan trọng hơn hết, vì nếu một người nào có lòng Bác Ái khá mạnh thì lòng Bác Ái này sẽ buộc họ phải có cả những đức tính kia, và nếu không có phẩm chất Bác Ái thì những đức tính kia sẽ không bao giờ được coi là đầy đủ. Người ta thường giải thích phẩm chất Bác Ái là một ý muốn mãnh liệt để được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và được hiệp nhất với Thượng Đế. Song nói theo cách ấy thì nghe có vẻ ích kỷ và chỉ đem lại có một phần ý nghĩa mà thôi. Phẩm chất Bác Ái không có nhiều tham vọng như ý chí, lòng quả quyết, sự quyết định. Để tạo cái kết quả cho nó, lòng quả quyết này phải chiếm tất cả bản chất của bạn để không còn chỗ cho một ý nghĩ nào khác. Thật vậy, nó là ý chí được hợp nhất với Thượng Đế, không phải chỉ để thoát khỏi sự mệt nhọc và khổ não, mà còn là để cùng Ngài hành động, như Ngài đang làm, và cũng vì tình yêu sâu sắc dành cho Ngài. Vì Thượng Đế là Bác Ái, nên nếu con muốn hợp nhất với Ngài thì lòng vị tha trọn vẹn cùng lòng nhân từ phải được tràn ngập lòng con.
Trong sự sinh hoạt hàng ngày, phẩm chất Bác Ái có hai nghĩa: thứ nhất, con hãy cẩn thận đừng làm hại sinh vật; thứ hai, con hãy luôn luôn tìm cơ hội giúp đỡ. Trước hết, đừng làm hại ai. Trên đời có ba tội làm hại nhiều hơn các tội khác: tội nói hành, tội hung ác, và tin dị đoan, vì đây là những tội nghịch với lòng từ ái. Người nào muốn lòng mình chan chứa tình thương của Đức Thượng Đế phải luôn luôn để ý tránh ba tội ác này.
Hãy xem tật nói hành như thế nào. Nó bắt đầu bằng một tư tưởng xấu, và điều đó tự nó là một tội rồi. Vì trong mỗi người và mỗi vật đều có chỗ tốt và chỗ xấu. Chúng ta có thể làm cho cái tốt hoặc cái xấu mạnh hơn bằng cách nghĩ đến nó, và theo cách ấy ta có thể giúp đỡ hoặc gây trở ngại cho sự tiến hóa; chúng ta có thể thuận theo ý Thượng Đế hay nghịch lại Ngài. Nếu con nghĩ điều xấu của kẻ khác, thì con đang làm sai ba việc một lúc:
Vẫn không bằng lòng với cái hại đã tự gây ra cho chính mình và nạn nhân, người nói hành còn cố hết sức để lôi kéo những người khác dự phần tội lỗi của mình. Anh ta sốt sắng đem câu chuyện độc ác của mình kể cho những người khác nghe; và mong rằng họ sẽ tin đó là sự thật; và rồi họ hùa vào gieo rắc những tư tưởng xấu xa lên nạn nhân đáng thương đó. Rồi việc này được tiếp tục ngày này qua ngày khác, và không phải một người làm mà là cả ngàn người làm. Bây giờ con đã thấy đây là một tội ác thấp kém và ghê sợ đến thế nào chưa? Con phải hoàn toàn tránh nó. Đừng bao giờ nói xấu ai; đừng nghe ai nói xấu người khác; mà hãy dịu dàng nói: “Có lẽ điều này không đúng, và nếu có đúng đi nữa, tốt hơn là đừng nói đến nó”.
Còn về tính hung ác thì có hai loại: cố ý và vô ý. Cố ý hung ác tức là chủ tâm gây đau đớn cho một sinh vật khác; đó là tội lớn nhất trong các tội, là việc làm của yêu quỉ hơn là của con người. Con sẽ nói rằng không ai đi làm một việc như thế; nhưng mà người ta vẫn thường làm thế; và đến nay hàng ngày họ vẫn đang làm nó. Những tra khảo viên đã làm ác; nhiều kẻ tu hành đã nhân danh tôn giáo mình để làm ác. Những người giải phẫu sinh thể (mổ xẻ thú vật còn sống để thí nghiệm) làm ác; nhiều nhà giáo có thói quen làm ác. Tất cả những người này cố bào chữa sự tàn nhẫn của mình bằng cách nói rằng đó là tục lệ; nhưng không phải vì có nhiều người phạm một tội mà tội đó không còn là một tội nữa. Luật nhân quả không kể đến tục lệ; và quả báo của điều ác là điều đáng ghê sợ nhất. Ở Ấn Độ thì không thể nào bào chữa được chút nào về những tục lệ hung ác đó, vì ai nấy đều biết rõ bổn phận mình không được làm hại. Những kẻ nào viện cớ vì mục đích “thể thao” mà sát hại loài vật của Trời sinh ra, thì phải bị Trời phạt về tội hung ác.
Thầy biết con sẽ không làm những việc như thế; và vì lòng thương Thượng Đế nên khi gặp dịp con sẽ minh biện để phản đối họ. Nhưng trong lời nói cũng có sự hung ác như trong việc làm. Người nào thốt ra một lời với ý định làm hại người khác cũng phạm tội hung ác. Con cũng không được phạm điều này; nhưng đôi khi một lời nói bất cẩn cũng gây tai hại như một lời nói cố ý ác vậy. Vậy con phải đề phòng tránh sự hung ác vô ý.
Sự vô ý hung ác thường xảy ra vì sự thiếu suy nghĩ. Người thì quá thèm khát, tham lam đến đỗi không bao giờ nghĩ đến điều đau khổ mà họ gây ra cho người khác bởi trả lương quá hẹp hòi, hay để vợ con đói khát. Người thì chỉ nghĩ đến dục vọng của mình mà ít quan tâm tới bao nhiêu linh hồn và thể xác mà họ đã phá hoại cho thỏa mãn dục vọng này. Có người vì muốn tránh một vài phút phiền phức mà không trả lương cho thợ thuyền đúng ngày và không nghĩ đến những sự khó khăn gây ra cho họ. Biết bao sự đau khổ bị gây ra chỉ vì tính bất cẩn, vì quên không nghĩ đến hậu quả của một việc làm nó sẽ gây ra cho kẻ khác như thế nào. Nhưng Nhân Quả không bao giờ quên, và không kể đến sự kiện mà người đó lãng quên. Nếu con muốn bước vào Đường Đạo, con phải nghĩ đến hậu quả của những điều con làm, nếu không con sẽ phạm tội vô ý hung ác.
Dị đoan là một mối hại to lớn khác và đã gây ra nhiều điều hung ác khủng khiếp. Người nào làm nô lệ cho nó rồi thì khinh miệt những ai thông hiểu hơn mình và còn cố buộc họ làm theo ý mình. Hãy nghĩ đến sự tàn sát khủng khiếp gây ra bởi thói dị đoan đòi hỏi phải giết thú vật để cúng tế, và bởi còn một thói dị đoan hung ác hơn nữa cho rằng con người cần phải ăn thịt. Hãy nghĩ đến các hậu quả mà dị đoan đã gây ra cho hạng dân bị áp bức trong nước Ấn Độ yêu quí của chúng ta, và hãy xem điều tệ hại này gây ra sự nhẫn tâm độc ác như thế nào ngay cả trong hạng người đã biết tình hữu ái rồi. Bị thúc giục bởi thói dị đoan mộng mị này, loài người đã nhân danh Thượng Đế Từ Bi phạm nhiều tội ác. Do đó hãy cẩn thận đừng để một mảy may dấu vết dị đoan nào vương lại trong lòng con.
Con phải tránh ba trọng tội này vì chúng có hại cho tất cả sự tiến hóa, vì chúng nghịch lại với lòng bác ái. Nhưng không phải chỉ nên tránh điều xấu mà thôi; con phải tích cực làm việc lành nữa. Trong lòng con phải tràn ngập ý muốn nhiệt liệt phụng sự đến mức con luôn tìm cách giúp ðỡ tất cả các loài ở xung quanh con; không phải chỉ cho loài người mà cho cả thú vật và cây cỏ nữa. Con phải giúp đỡ trong những việc nhỏ hằng ngày để tạo thói quen, rồi khi có việc lớn cần làm, thì con không bỏ lỡ cơ hội hiếm có đó.
Con đã quyết được hợp nhất với Thượng Đế không phải chỉ cho riêng mình, mà để con có thể trở thành một vận hà xuyên qua đó tình thương của Ngài có thể ban rải cho anh em con. Người nào đã nhập Đạo rồi thì đời sống không phải cho chính mình mà là sống cho kẻ khác; họ đã quên mình để có thể phục vụ cho kẻ khác. Họ giống như cây bút trong tay Thượng Đế, nhờ đó tư tưởng của Ngài mới tuôn xuống và biểu lộ nơi cõi trần, và nếu không có cây bút này thì những tư tưởng đó không thể tuôn xuống được; mà đồng thời họ cũng là cây bút sống động của ngọn lửa thiêng, tỏa khắp thế gian lòng Bác Ái Thiêng Liêng mà nó hằng chan chứa trong lòng.
Minh Triết khiến con giúp đỡ được người khác, Ý Chí dẫn đường cho Minh Triết, và lòng Bác Ái gợi lên Ý Chí. Đó là những phẩm chất của con. Ý Chí, Minh Triết và Bác Ái là ba trạng thái của Đức Thượng Đế. Và con, nếu con muốn dâng mình phục vụ Ngài, con phải biểu lộ ba phẩm chất đó trong đời.
HẾT