1. Nơi nào có bản ngã và lòng tham dục của nó, nơi ấy có đau khổ. Nơi nào không có bản ngã và lòng tham dục của nó, nơi ấy mọi đau khổ đều dứt sạch, chỉ còn một vị bình an, trong sạch, Niết-bàn. Có khổ đau vì chúng ta bị ràng buộc trong thân tâm năm uẩn và trôi lăn theo chúng. Khi năm uẩn là Không, khổ đau chấm dứt.
2. Có thân là có khổ, không thân khổ chỗ nào? Kinh Duy-ma-cật nói: “Thân này như bọt đọng, không thể rờ nắm, như bọt sùi, không thể dừng lâu. Thân này như lửa chớp, do khát ái sanh. Như cây chuối, bên trong rỗng không. Như ảo, do điên đảo khởi. Như mộng, do hư vọng thấy. Thân này như bóng, do nghiệp duyên hiện. Như tiếng dội, phụ thuộc các nhân duyên. Như mây nổi, liên miên biến diệt. Thân này không chủ, như đất vô tri. Không có ta, như lửa cháy. Không có người, như dòng nước chảy. Thân này không thiệt, lấy đất nước gió lửa làm nhà. Thân này là rỗng không, lìa ta và vật của ta. Thân này bất tịnh, đầy dẫy mọi nhơ nhớp xấu xa. Thân này sinh họa, có một trăm lẻ tám bịnh lo buồn. Như rắn độc, như kẻ cướp oán thù, như xóm nhà không người, năm uẩn giả hợp mà thành.”
“Thân này đáng lo đáng chán, hãy nên yêu thích thân Phật. Thân Phật là Pháp thân, rộng không ngằn mé, bất sanh bất diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”
Pháp thân là Tánh Không mà Tâm Kinh đang nói.
3. Muốn vượt qua mọi khổ ách, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi thì phải có người vượt và chỗ để vượt đến. Nếu có người vượt thì đó là cội rễ của sanh tử luân hồi rồi. Nếu có chỗ đến, thì đó nằm trong tam giới sanh tử rồi. Không vượt không được. Vượt cũng không được.
* Đây là câu trả lời của Tổ Đạt-ma, người đã vượt qua mọi khổ ách, khi Lương Võ Đế hỏi: “Trước mặt trẫm là ai ?”
Tổ trả lời: “Quách nhiên vô thánh.” (Rỗng rang như nhiên, tuyệt không có thánh.)
Trong kinh Nikàya, Đức Phật tuyên bố: “Không dừng lại, không bước tới, Như Lai vượt khỏi bộc lưu.” (Bộc lưu: dòng nước chảy xiết, dòng sanh tử)
Ai hay Bất động đạo tràng lại phá tan sanh tử vậy.