Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Sắc tức là Không, Không tức là sắc

1. “Không khác” chỉ là mới thoạt nhìn, “tức là” mới chân thật. Sóng không chỉ không khác với nước mà sóng đích thị là nước. Hiện tượng đích thị là bản thể, vì hiện tượng là hiện tượng của bản thể và bản thể lộ bày trong mỗi hiện tượng. Không có làn sóng nào nằm ngoài đại dương và đại dương nằm trong mỗi bọt sóng.

Đối với con mắt thế gian thì sự phân đôi chính là một nghiệp dĩ của con người. Bao giờ cũng có hai mặt, bản thể và hiện tượng. Thấy hiện tượng thì lại quên mất bản thể. Tìm bản thể lại chạy đâu đâu ra ngoài hiện tượng. Chỉ có con mắt Bát-nhã mới thấy được cái Tức Thị đó.

Phẩm Bất Nhị Pháp Môn kinh Duy-ma-cật nói: “Sắc và Không là hai. Sắc tức là Không. Cái chẳng phải sắc cũng là Không. Tánh của sắc tự Không. Ai thông đạt lẽ ấy tức nhập vào Pháp môn Không Hai. Sanh tử và Niết-bàn là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử, tức chẳng có sanh tử, không trói buộc, không cởi mở, không khởi, không diệt. Biết thế là vào Pháp môn Không Hai.”

Chỉ có con mắt Bát-nhã mới thấy được cái Không Hai đó. Mê lầm thấy có hai vì lỗi của thức. Thức thì bao giờ cũng phân hai, đây là tôi, kia là cái tôi thấy. Đây là sanh tử, còn Niết-bàn là cái ở đâu đó ngoài tôi. Thậm chí trong Tánh Không bình đẳng một vị, thức cũng cho rằng tôi đạt đến Tánh Không nhiều hay ít hơn kẻ này người nọ. Dẹp cái thức phân biệt này đi, Trí Vô Phân Biệt hiện tiền. Trí Vô Phân Biệt thì thấy ngay thực tại Không Hai này vậy. Thức phân biệt gọi là có niệm. Không phân biệt thì vô niệm. Vô niệm tức là Trí Bát-nhã.

2. Trong Chân Tâm Không Tánh sáng suốt thấu suốt mười phương, tất cả mọi pháp đều thanh tịnh. Toàn sắc là Chân Không, toàn bóng là gương, không hai không khác, nói có cũng không thể được, nói không cũng không thể được. Toàn tướng tức tánh, toàn hiện tượng là bản thể nên không thể nói là có tướng, cũng chẳng phải là không có tướng.

Chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, đương thể không tịch tức là Chân Không. Tức là sắc, tức là Không, vạn pháp như như tức là Diệu Hữu. Chân Không Diệu Hữu đó là Chân Như.

Kinh Đại Bát-nhã nói: “Nhất thiết trí trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, vì không riêng không khác vậy.” Nhất thiết trí trí là Như Như. Sắc cũng Như mà Không cũng Như.

Kinh Đại Bát-nhã lại nói: “Như Lai Như tức thị nhất thiết pháp Như, Nhất thiết pháp Như tức thị Như Lai Như.” Nhất thiết pháp Như là nhất thiết pháp Không. Chân Không là Chân Như, Sunyata là Tathata.

Chân Như, Tánh Không và Bát-nhã là một: “Bồ-tát trong hết thảy các pháp bổn lai tự tánh thanh tịnh mà tu học Bát-nhã. Đây là phương tiện sẵn có trong Bát-nhã và phát sanh từ Bát-nhã. Bồ-tát soi thấy thực tại Như Thực đó và xa lìa mọi kinh hãi khiếp sợ.”

Sắc tức thị Không là toàn tướng tức tánh. Không tức thị sắc là tánh tướng Như Như. Tiến thêm một bước nữa, một tướng cũng là tánh, mỗi một sắc cũng là Không, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Sắc thọ tưởng hành thức đều là Như Lai Tạng.” Không những toàn sắc là Như Lai Tạng mà mỗi một sắc cũng là Như Lai Tạng, không tăng giảm, không sanh diệt. Kinh Đại Bát-nhã gọi là Sắc Như. Ở đây là chỗ ý thức không thể nào hiểu được. Nói theo hệ thống kinh Hoa Nghiêm, sắc là sự, Không là lý.

Sắc khác Không là thế giới của sự, còn kẹt trong sự

Toàn sắc là Chân Không là thế giới của lý vì thấu được lý.

Mỗi một sắc cũng là Không, mỗi một tướng cũng là Tánh, mỗi một bọt nước cũng là đại dương, không sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm: sự lý vô ngại

Mỗi một sắc bao gồm tất cả sắc, tất cả sắc nằm trong một sắc, đây là diệu dụng của Chân Không: sự sự vô ngại.

3. Một Thiền sư, khi có người đến hỏi Đạo là gì, bảo thị giả mang cái tịnh bình lại. Người hỏi không hiểu. Thiền sư bảo thị giả mang tịnh bình để lại chỗ cũ.

* Tổ Triệu Châu, khi thấy có người đến bèn hỏi: “Từng đến đây chưa?”
Người ấy trả lời: “Thưa chưa.”
Ngài bảo: “Vậy hãy uống trà đi.”
Lại có người khác đến, Tổ cũng hỏi: “Từng đến đây chưa?”
Trả lời: “Dạ đã có đến.”
Tổ bảo: “Vậy hãy uống trà đi.”
Thị giả thấy thế liền hỏi: ”Người chưa từng đến, Thầy cũng bảo uống trà, người đã từng đến, Thầy cũng bảo uống trà, thế là thế nào?”
Tổ đáp: “Ngươi cũng hãy uống trà đi.”

* Thiền sư Sùng Tín có đệ tử là Đạo Ngô. Đệ tử ở với Thầy mấy năm không thấy Thầy dạy điều gì. Một hôm thưa với Thầy: “Con ở với Thầy bao nhiêu năm mà Thầy không chỉ dạy cho điều gì cả, nay xin Thầy cho con đi học chỗ khác.”
Thiền sư bảo: “Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng không chỉ dạy tâm yếu.”
Đạo Ngô hỏi: “Thầy chỉ dạy chỗ nào đâu?”
Thiền sư đáp: “Ta có dấu gì ông đâu. Khi ông dâng trà, ta vì ông tiếp lấy. Khi ông mang gạo đến, ta vo gạo. Khi ông ăn xong, ta rửa bát. Khi ông bưng cơm lên, ta nhận lấy. Khi ông xá lui, ta gật đầu. Chỗ nào mà chẳng chỉ tâm yếu?”
Ngay đó, Đạo Ngô đại ngộ.

* Ngài Hư Vân nói trong bài kệ ngộ đạo: “Sơn hà đại địa tức thị Như Lai.”

4. Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc.

Tướng tức tánh, tánh tức tướng, tánh tướng Như Như, là pháp tu thứ ba trong ba pháp quán của đạo Phật. Đó là Thiền hay Chỉ Quán song tu. Thiền là cái Tức Thị này. Kinh Kim Cang nói: “Như Lai đó, chính là nghĩa Như của hết thảy các pháp.” Và kinh kết luận: “Không giữ lấy tướng, như như chẳng động.” Đó là Thiền.

Đây cũng là pháp quán Trung Đạo của ngài Trí Giả:
“Nếu Bồ-tát muốn đầy đủ tất cả Phật pháp trong một niệm thì cần tu Tức Nhị Biên Phân Biệt Chỉ, thực hành Trung Đạo chánh quán. Biết tâm không phải chân, không phải giả, thế là cái tâm duyên theo chân giả bèn tịch diệt, thế gọi là chánh đế quán. Tâm không phải không, không phải giả, mà không phá các pháp Không, Giả, nhận rõ như thế thì thông suốt Trung đạo, soi khắp được chân đế và tục đế nơi tự tâm. Thấy được hai đế Trung đạo nơi tất cả các pháp, cũng không chấp trước hai đế Trung đạo, vì chúng không có tánh quyết định. Đó là Trung đạo chánh quán.”

Trong Tứ liệu giản của ngài Lâm Tế, điều này là nhân cảnh bất câu đoạt, không trụ cảnh, không trụ tâm, không quán cảnh cũng không quán tâm. Tâm ở tự tâm, cảnh ở tự cảnh, không nhiễm không trước, không quán sắc là Không mà cũng không quán Không là sắc. Sắc tự nó là Không, nên sắc là Chân Sắc. Không tự nó là sắc nên Không là Chân Không, vạn pháp tự Như Như. Đó là Bình Thường Tâm của Thiền.

Xem mục lục