8. Bà D. K., Nội Trợ, Người Ca-na-đa, 35 tuổi
Ca-na-đa và Hoa kỳ
Những năm đầu đời tôi lặng lẽ và bằng phẳng. Không một bi kịch nào tác động đến tôi. Cha mẹ tôi đã nuôi dưỡng tôi và em gái tôi đầy đủ. Hầu như có thể gọi đó là thời thơ ấu lý tưởng theo đa số các tiêu chuẩn phương Tây. Mặc dù ngay từ buổi đầu cũng đã có những thời kỳ xảy ra thất vọng và cô đơn thường rỉ ra không duyên cớ rõ ràng, tràn vào những dòng nước mắt và dìm tôi trong sự loại trừ mọi thức khác. Những lúc ấy, cảm giác đau đớn vì bị mắc bẩy chế ngự, và một cách đơn giản là một con người, một số phận khốn nạn và ô nhục.
Một lần vào khoảng tuổi mười hai mười ba, tôi đã mượn được vài cuốn truyện Ấn độ giáo (Hindu) mà chúng đã gợi cho tôi mối quan tâm khẩn trương nhất. Chúng nói một cách đúng mức về sự phức tạp của cuộc đời và sự tự do của linh hồn, về cái ta tinh thần của con người và tính khả hữu của sự sống không có thân xác. Đa số các chi tiết từ sự đọc này đã bốc hơi khi đối mặt với một cái gì đó kích động sâu xa hơn nhiều trong con người tôi và tôi cảm thấy sung sướng được biết rằng sự hiểu biết như thế đã có thực. Các thần thoại bất tử của Ấn độ đã làm xúc động những mối quan tâm sâu xa nhất của tôi và tôi nguyện sẽ viếng đất Ấn một ngày nào đó.
Sau khi ghi tên vào đại học, tôi bắt đầu nghiên cứu văn học tôn giáo và còn thử thiền định đơn giản nữa. Những năm ở đại học đã dạy tôi niềm vui và sự kích thích của khám phá trí thức, nhưng đồng thời chúng cũng thấm nhập vào tôi nỗi bất an cao độ. Rốt cuộc tôi đã tốt nghiệp và khởi sự những nghiên cứu cao hơn. Khoảng cuối năm thứ nhất, đời tôi đã có một khúc quanh bất ngờ. Sau vài tháng phân vân, tôi đi Hoa kỳ và kết hôn với một người Mỹ mà tôi đã gặp ở Ca-na-đa.
Lễ cưới của chúng tôi xảy ra trong vòng vài tháng và hầu như liền ngay sau đó tôi chợt tỉnh thấy mình là một góa phụ. Cái chết tàn bạo, tự trừng phạt của chồng tôi là một kích động nghiêm trọng hơn bất cứ điều gì tôi từng kinh qua. Những tình cảm và hệ lụy của nó đã đưa tôi đến những vùng sâu thẳm nhất của con người tôi, ở đấy các nền móng bị rung chuyển với sự căng thẳng thực hãi hùng. Tôi không thể tước bỏ cái cảm thức sâu thẳm về trách nhiệm của con người đối với nó. Nhận thức, trưởng thành, khôn ngoan, tất cả những cái ấy, tôi đều thiếu một cách đau đớn.
Vào lúc ấy, tôi thường bị sự tê cóng hoàn toàn nắm giữ, và luôn luôn sợ hãi, một nỗi sợ hãi xâm chiếm sâu xa, kéo dài làm tôi ngộp thở và không ăn được. Ban đêm tôi thường thấy mình ngồi xếp chân trên sàn nhà, thân thể lắc lư, và đầu va xuống những viên gạch lót sàn, hầu như mê sảng vì buồn và tuyệt vọng.
Một buổi chiều, sau khi đi những công việc lặt vặt trở về, bước chân vào phòng, nơi tôi sống một mình, sự khốn khổ sâu xa nhất chụp lấy tôi và trong vô vọng tôi ngã bổ xuống sàn nhà. “Tôi đang chết,” tôi nức nở. “Tôi đã giết tất cả thần hộ mạng, tôi không có chìa khóa hồi sinh, tôi hoàn toàn cô đơn.” Nỗi sợ hãi điếng hồn và tuyệt vọng hoàn toàn xâm chiếm tôi và tôi nằm vật trên sàn nhà không biết bao lâu cho đến khi có tiếng kêu từ hốc bụng phát ra: “Ước gì trong khắp vũ trụ này có ai quan tâm xem tôi sống hay chết, hãy giúp tôi, ôi hãy giúp tôi!”
Dần dần một ý nghĩ thành hình và tôi bắt đầu viết. Tôi có một người bạn rất thân mà gần đây đã từ bỏ thế gian. Bây giờ chị ấy đang sống trong một tinh xá (ashram) (33) ở nam Ấn độ và tôi xin chị ấy chỉ cho tôi các phương pháp thiền định, vì tôi cần sự giúp đỡ một cách ác liệt và cảm thấy mình không còn khả năng tự giúp mình được nữa. Chị ấy đã đáp ứng một cách nhanh chóng rằng chị ấy và nhiều người khác ở tinh xá đã gửi đến sự trợ giúp tinh thần bằng tất cả khả năng của họ. Sự đáp ứng của họ khiến tôi xúc động đến độ tôi quyết định từ giã phương Tây để sang Ấn độ ngay khi nào tôi có thể.
Phải mất nhiều tháng sau tôi mới có thể làm được việc này. Bấy giờ mọi sức lực tôi đều tập trung vào việc
---------------------------------------------
(33) Tinh xá Shri Aurobindo, ở Pondicherry. Tinh xá (Ashram) là nơi ẩn tu tinh thần hay cộng đồng tôn giáo.
thanh toán tài sản của chồng tôi và bán các đồ đạc của mình. Cuối cùng, tôi đáp tàu, kiệt sức đi Ấn độ, định ở lại đó cho đến khi nào tôi tìm được một bậc thầy đã giác ngộ. Đúng ba năm đã trôi qua kể từ khi tôi đến Hoa kỳ.
Ấn độ và Miến điện
Vào một buổi chiều nóng bức, hai tháng sau khi khởi hành từ Nữu Ước, tôi bước vào khu tịnh xá rộng lớn, nơi chị bạn tôi đang sống một cách lặng lẽ, tôi được dẫn đến căn phòng nhỏ của chị và thế là nhẹ nhõm khi chị đến chào tôi, dịu dàng và mỉm cười khiến tôi òa ra khóc, hai tay tôi trở nên tê liệt và tôi bắt đầu mệt lả. Hoàn toàn không nhận ra gì cả, những năm ở Hoa kỳ thực quá đầy ứ căng thẳng và đấu tranh đến độ nhất thời tôi không thể thích nghi được với sự trầm lặng này. Sự căng thẳng của tâm trí và thể xác tiếp tục một thời gian khá lâu vì sức mạnh của thói quen.
Tinh xá, nằm trên bờ vịnh Bengale, đang trẻ lại. Nhưng sự suy lý siêu hình và biện luận triết học ở Ấn độ rất mạnh và tôi luôn luôn bị đánh ngã nhanh chóng trong khi một phần tôi bị chúng kích động, nhưng bản năng sâu kín nhất của tôi lại cho tôi biết trước rằng rốt cuộc chúng sẽ trở nên vô ích. Một định chế khuyến khích tôi nghiên cứu và đọc nhiều, nhưng dường như đối với tôi, trong thời gian đặc biệt ấy chính là điều tôi không nên có, càng lúc tôi càng cảm thấy cần sự thực hành thiền định có sự hướng dẫn gần gũi.
Bất mãn chồng chất cùng với những gì tôi nắm lấy là cuộc thiền định bất ngờ ở tinh xá trùng hợp với sự viếng thăm của một Phật tử người Mỹ đã thực hành Thiền ở Nhật bản một số năm. Những gì gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất về người Mỹ này là sự trầm tĩnh mà anh ta hòa hợp và thâm nhập trong tất cả mọi tình thế anh ta gặp trong tinh xá và sự quan tâm đầy trắc ẩn đối với cuộc sống của tất cả những người anh ta tiếp xúc, kể cả chính tôi, thực đầy căng thẳng tuyệt vọng và bất bình thường. Tôi quyết tâm đi Nhật nếu được anh ta giúp đỡ. Điều ấy anh ta đã cho tôi quá đầy đủ, cùng với sự bảo đảm giúp tôi tìm được một Thiền sư ở đó.
Sau khi từ giả tinh xá, tôi du hành ngược xuôi đất Ấn, viếng các tinh xá khác, thăm những nơi khảo cổ, thâm nhập kiến thức phong phú và bầu không khí thấm nhuần tôn giáo của các thánh địa Phật giáo và Ấn độ giáo. Các thánh tích, đền chùa và hang động mà Ấn độ sản sinh. Một thị lực tâm linh tràn ngập thể hiện trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc hang động hùng vĩ, vì thế không thể bước chân vào các hang động này mà không bị cái nhiệt tình tôn giáo ấy lôi cuốn. Đứng trước những tượng Phật chạm trên tảng đá khổng lồ, tôi hơi run sợ và động lực hùng mạnh nhất ấy đã cho tôi quyết tâm đi theo con đường của Phật.
Từ lâu tôi đã hy vọng được viếng Miến điện nơi tôi đã hình dung là hàng thứ nhì sau Tây tạng vì mối quan tâm có một không hai của nó đối với tôn giáo như là nền tảng của cuộc sống hàng ngày. Vì thế, khi người bạn Mỹ của tôi viết thư bảo rằng trong tất cả các quốc gia Phật giáo ở vùng Đông Nam Á thì các trung tâm thiền định ở Miến điện là tốt nhất, đề nghị tôi cùng tham dự với anh ta ở trung tâm của một bậc sư Miến điện danh tiếng (Mahasi Sayadaw) ở Rangoon (Ngưỡng quang) trong năm tuần lễ thiền định kịch liệt, tôi đã chụp lấy cơ hội này.
Bắt đầu sự thiền định chính thức đầu tiên dưới sự hướng dẫn của một vị sư và trong mọi phương diện tỏ ra cực kỳ đau đớn. Mùa nóng đã ổn định khi tôi đến Ngưỡng quang và tôi đã sớm bị sốt cùng với chứng ho hành hạ, cả hai kéo dài hầu hết thời gian cho đến khi tôi từ giã và làm tôi suy yếu một cách đáng kể. Thêm vào cái nóng khủng khiếp và sự lười nhác do nó tạo ra là sự cố gắng không ngớt, ngồi một mình trong căn phòng trơ trụi trên bộ ván hết giờ này đến giờ khác chống lại những đau đớn nung đốt ở hai đầu gối và lưng, vì cách ngồi xếp chân. Đối với người mới bắt đầu, thiếu sự trợ giúp khó thấy được của những người khác cùng ngồi với mình, và sự trợ giúp dễ thấy hơn theo một thời biểu như trong Thiền ở Nhật bản, ngồi một mình khó vô cùng và người ta sẽ sớm thấy mình tìm cách chạy trốn sự buồn tẻ và đau đớn.
Thiền định bao gồm sự tập trung vào nhiệp thở lên xuống, sự chú ý qui tụ trên hoành cách mạc. Khi tâm lang thang (mà nó thường như thế) phải nhắc nhở bằng những tiếng “suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ” cho đến khi tái lập được nó ở hoành cách mạc. Mọi phân tán khác cũng được đối trị tương tự như vậy. “Ho, ho” khi ho, “nghe, nghe” khi có bất cứ tiếng động nào lôi kéo sự chú ý. Một giờ ngồi thay đổi với một giờ đi, được thực hiện bằng những bước đi chậm đều tới lui bên ngoài chỗ ở của mỗi người trong im lặng hoàn toàn. Hai bàn tay đặt sau lưng và tâm tập trung chỉ chú ý đến các động tác của từng bước đi, “nhấc, nhấc” khi giở bàn chân lên, “di động” khi tiến bàn chân tới, và “đặt” khi đặt bàn chân trên mặt đất.
Mỗi ngày vào buổi trưa, chúng tôi gặp người hướng dẫn riêng, một nhà sư thâm niên, khảo sát xem chúng tôi tiến bộ ra sao. Ông hỏi những câu tỉ mỉ và bảo tường trình chi tiết trong thời gian ngồi. Khi phàn nàn với ông rằng tâm tôi thường lang thang vì nhàm chán, ông cười bảo tôi hãy nghĩ, “nhàm chán, nhàm chán, nhàm chán” cho đến khi nhàm chán biến mất, tôi ngạc nhiên việc xảy ra như vậy.
Giống như mọi người khác, tôi phải ký lời thệ nguyện, khi nhập vào trung tâm, như giữ các giới luật của người Phật tử (34), như không ăn sau 12 giờ trưa, không ngủ quá 5 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Thức ăn được mang đến tận cửa hai lần trước buổi trưa trong những đồ đựng thức ăn và tôi ăn một mình trong khi suy nghĩ: “Nhấc, nhấc, đặt, đặt, nhai, nhai, nuốt, nuốt.” Chỉ bằng cách ấy, các chi tiết nhỏ nhặt nhất của mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác phải được chú ý đến với sự chú tâm hoàn toàn.
Ở đây, trong trung tâm, lần đầu tiên trong đời, tôi bị đẩy xuống một địa vị xã hội kém hơn đàn ông và hơn nữa, một tín đồ nữ cư sĩ xuống hàng thấp nhất trong một cơ cấu đặt ông sư ở chóp bu, kế đến là các bà ni, rồi nam cư sĩ và cuối cùng là nữ cư sĩ. Song tôi đã biết ơn vô cùng đối với dịp may được thực hành thiền định dù phải ở địa vị thấp kém như thế, sau này tôi thấy rằng chỉ vì cái ta đã khiến tôi tự xem địa vị mình ở hàng đầu.
Khi năm tuần lễ chấm dứt, sự tập trung và sức khỏe của tôi được cải thiện đáng kể, mặc dù hay bởi vì sự đau đớn và khó chịu cấp thời mà tôi đã trải qua do ý muốn tự do của mình. Khúc quanh của tâm tôi từ hoạt động bên ngoài đến quán xét bên trong là việc làm đáng khuyến khích nhất mà tôi từng làm được và chắc chắn là việc làm khó nhất. Thế giới bên ngoài khi trở lại, có vẻ đẹp sáng ngời với cái nhìn tươi tắn, tôi có sự trầm tĩnh và quân bình, song chưa sâu, vượt qua mọi sự tôi đã trải qua cho đến bây giờ. Tôi biết tôi đã bước được bước đầu theo hướng tôi muốn đi.
Nhật bản và Thiền
Ngay hôm tôi đến Nhật, người bạn Mỹ của tôi đã dẫn tôi đến chùa Long Trạch, một tự viện Lâm Tế, tựa như
----------------------------------------------
(34) Năm giới đầu trong mười giới của Đại thừa. Xem “Giới luật” ở Chương X.
con chim khổng lồ đậu giữa những khu rừng thông và trúc cao ngất, trong cái bóng của núi Phú-sĩ (Fuji) hùng vĩ và nhìn xuống một thung lũng đẹp nín thở trải dài. Nhờ độ lượng của người chủ chùa, Lão sư Tông Uyên (tức Soen Nakagawa), đây là nhà của tôi trong năm tháng tới. Dưới sự hướng dẫn nhân từ của ông, tôi bắt đầu biết được cơ cấu và nội qui của đời sống tự viện. Tiếng chuông gọi tập hợp tôi biết phải dậy vào cái giờ không thể hiểu được: 4 giờ sáng, nhảy xuống giường, mặc áo tu, tóe nước lạnh vào mặt, và chiếm lấy chỗ của mình với các tăng nhân trong chánh điện trong bình minh lạnh lẽo để tụng kinh lúc sáng sớm. Giọng kinh trầm bỗng đã trở thành một trong những kinh nghiệm phong phú nhất trong đời tôi và phấn khích tôi sâu xa.
Dần dần bản tánh không kiên nhẫn của tôi sụp đổ, sự bình tĩnh đã hình thành trong tôi ở một mức độ nào đó. Những giờ dài rung mình trên hai đầu gối đau nhức trong sảnh đường lộng gió chờ đến lượt đến trước lão sư để tham thiền (sanzen), bắt buộc tôi có sự khiên nhẫn mà tôi không tin mình có thể có được. Những giờ tọa thiền hàng ngày và hơn thế nữa, trong nhiếp tâm là những bài học đầy đau đớn trong kiên nhẫn chịu đựng, được chấm câu bằng những cú đánh rất đau qua đôi vai rùn thấp bằng kích trượng. Một phần, ấy là phương pháp dùng gậy của Lâm Tế từ phía trước và đáp ứng sự yêu cầu bằng điệu bộ làm tôi quen đi mà về sau khiến tôi rất ghét kích trượng khi nó được điều động, theo qui cách Tào Động, đột ngột và không báo trước từ phía sau, khi người ngồi quay mặt vào tường, và phần khác là do phương Tây đã dạy tôi xem đánh là làm hạ giá trị con người.
Quyết định tái giá khiến tôi rời khỏi tự viện Lâm Tế này và gia nhập vào nhóm Thiền Tào Động mà chồng tôi đang theo ở chùa Thái Bình (Taihei-ji) ở ngoại ô Tokyo, dưới sự hướng dẫn của Lão sư Bạch Vân. Vì hầu hết những người theo Thiền sư này là cư sĩ, cả nam lẫn nữ, nhiếp tâm ở đó theo một chương trình ít cứng ngắt hơn là ở tự viện, để họ có thể theo dự tùy theo khả năng việc làm của họ cho phép. Kết quả chỉ có đến và đi mà trong lúc bắt đầu bị phân tán cao độ. Nội qui nghiêm khắc bề ngoài mà nếp sống tự viện bắt buộc thì ở đây dược mỗi cá nhân tự giác đảm đương. Tôi sớm nhận ra điều này, ở bên dưới bầu không khí nhiếp tâm bề ngoài có vẻ thoải mái là một sự nghiêm túc cao độ. Ở chùa này, các phòng ốc để ở có giới hạn, khiến tôi tiếp xúc gần gũi hơn với những người khác, và thấy mình không còn có thể co rút cô độc vào căn phòng nhỏ bé để ngủ vào ban đêm mà bằng lòng với một tấm đệm trải ra trong một căn phòng có nhiều người khác cùng ở. Tọa thiền trong những hoàn cảnh chật hẹp này (đối với tôi) có hơi dằn xóc, sau khi đã tọa thiền trong bầu không khí nghiêm túc nhưng rộng rãi của tự viện. Song sau vài tuần vài tuần nhiếp tâm tôi đã thấy ngồi với những người giống như mình, không phải ni cô, tăng nhân hoặc tu sĩ, có sự kích thích và phấn khích lẫn nhau.
Tuần nhiếp tâm Lạp bát (Rohatsu) mồng tám tháng chạp kỷ niệm ngày Phật thành đạo ở chùa Thái Bình đang đến gần và tình cảm đối với sự theo dự của tôi thật lộn xộn. Tôi đã nghe nhiều tường thuật về tuần nhiếp tâm giừa mùa đông hàng năm này từ những người đã kinh nghiệm nó ở các tự viện. Nó được biết như là tuần nhiếp tâm gian khổ nhất toàn năm, một cuộc chiến đấu không ngừng chống lại cái lạnh và sự cực nhọc. Tôi sợ hãi sâu xa cái lạnh ấy, thân thể tôi sẽ trở nên căng thẳng vì run rẩy đến độ tôi không thể nào giữ được tư thế ngồi. Và vì quá mệt nhọc, đầu óc tôi trở thành hầu như trống rỗng. Hai cái ấy tôi xem là kẻ thù đích thực của mình. Đồng thời sự kiện nó đánh dấu ngày đức Phật thành đạo, ngẫu nhiên xảy ra trước sinh nhật của tôi chỉ có một ngày, làm tôi xúc động sâu xa. Rốt cuộc tôi quyết định đi và sẽ dốc toàn lực. Đấy là tuần nhiếp tâm thứ sáu của tôi ở Nhật. Lần đầu tiên tôi tin rằng tôi hoàn toàn có thể nhận ra Tự tánh trong tuần nhiếp tâm sắp tới ấy. Tôi cũng cảm thấy rằng tôi cần nó một cách đau đớn. Trong mấy tuần lễ đã có sự trở lại của bất an và lo âu mà tôi đã chiến đấu chống lại trong lúc còn ở Hoa kỳ. Giờ đây nó còn pha lẫn với sự không kiên nhẫn và dễ nổi nóng nữa, thêm vào đó tôi bị bệnh suýt chết vì những xáo trộn tâm trí và tình cảm bên trong, và bấy giờ tôi cảm thấy chỉ có kinh nghiệm Tự chứng ngộ mới có thể cắt đứt được con đường phát sinh chứng bệnh này.
Tôi đã thu xếp xong những quần áo ấm nhất của tôi vào túi xách và khi tôi vặn chiếc chìa khóa nơi ổ khóa cửa, một cảm giác sung sướng len lén bò khắp người tôi. Trong tận cùng trái tim, tôi biết rằng con người sẽ mở khóa cánh cửa này sau nhiếp tâm sẽ không giống với con người bây giờ đang khóa nó.
Trọn ngày đầu của tuần nhiếp tâm tôi thấy thực không thể giữ tâm mình kiên định được. Sự đến và đi của những người tham dự cũng như tiếng ồn náo thường xuyên của kích trượng sử dụng là nguyên nhân cản trở liên tục. Khi tôi phàn nàn với lão sư rằng tôi đã tọa thiền một mình ở nhà tốt hơn biết mấy. Ông dạy tôi đừng chú ý đến người khác và học thiền định trong những hoàn cảnh gây phân tâm thực quan trọng biết bao. Nhưng trong lúc nhiếp tâm, không một lần nào tôi bị kích trượng đánh. Tôi đã thấy trong một khóa nhiếp tâm trước, nó đã làm tôi phân tâm đến độ lão sư đã chỉ thị không được đánh tôi bằng kích trượng nữa.
Vào cuối ngày thứ nhì, sự tập trung của tôi phát triển đều đặn hơn. Chân tôi không còn đau nhiều, với tất cả quần áo mang theo tôi chịu đựng được cái lạnh. Song còn một vấn đề nữa đối với tôi càng lúc càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Tôi đã nhiều lần được bảo đặt tâm ở hốc bụng, hoặc một cách chính xác hơn, ở vùng dưới rốn. Càng cố gắng làm như thế tôi càng không hiểu về cái đáy bụng được bảo là rất ư quan trọng này. Nó thường được lão sư gọi là trung tâm điểm hay tụ điểm, nhưng đối với tôi điều này chỉ có ý nghĩa theo lối triết lý. Bấy giờ tôi phải đặt tâm ở cái điểm triết lý này và liên tục lặp đi lặp lại chữ “Mu.” Tôi không thể nào tìm thấy mối quan hệ giữa bất cứ cơ quan nào ở vùng bụng dưới với quá trình thiền định cũng như với giác ngộ. Sự thực, lão sư đã chỉ định cho tôi công án Mu, sau khi ông rất hài lòng vì ham muốn nhiệt thành của tôi đối với Tự chứng ngộ, và đã dạy tôi về mục đích và cách sử dụng nó, song tôi vẫn còn bối rối về cách nói Mu như thế nào. Thoạt đầu tôi thử xem nó như chơn âm “Om” của Ấn độ giáo. Cố gắng trở thành một với sự chấn động của nó và không hỏi Mu là gì. Lúc ấy tôi suy nghĩ Mu như là viên kim cương trên đầu lưỡi khoan và tôi là cái máy khoan đang xuyên qua các lớp thức mà tôi hình dung như là các lớp địa tầng và đương nhiên tôi phải lặn vào cái gì đó mà tôi không biết là cái gì.
Vào sáng ngày thứ ba, tôi đã tập trung thật sự, do sự loại suy giống như cái khoan ấy hướng dẫn. Bấy giờ tôi đã có thể qui tụ tâm ở một nơi nào đó tại vùng bụng song không biết đích xác nơi nào, và ở đó một sự kiên định như đá tảng đang phát triển cho việc ngồi vào giữa buổi sáng, sau bài thuyết giảng của lão sư, tôi đã ổn định trong sự tập trung khá sâu hòa nhịp với sự lặp đi lặp lại chữ Mu. Tôi mong sự gia tăng nỗ lực này tăng thêm sức mạnh cho sự tập trung của tôi nhiều hơn nữa. Khoảng 15 phút sau, sự kết hợp hơi thở và sự lặp lại chữ Mu này bắt đầu phát sinh một cảm giác kỳ lạ rần rần như kiến bò ở hai cổ tay lan đến hai bàn tay và các ngón tay cũng như đến hai cùi chỏ. Khi cảm giác này tiến triển tốt, tôi nhận thấy nó giống như những gì tôi đã trải qua trong những cơn kích động tình cảm nhiều lần trong đời. Tôi tự bảo nếu mình gia tăng hơn nữa sức mạnh của hơi thở và sự tập trung, mình có thể đạt kiến tánh. Tôi đã làm như thế và kết quả chỉ làm cho tình thế trở nên tệ hơn, cuối cùng đi đến trạng thái mệt lả. Ngay trước khi trạng thái này xuât hiện, tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi buồn sâu xa và nhức nhối, cùng đến với nó là những cơn co giật run rẩy và nghiến răng. Những cơn kịch phát thần kinh làm rung chuyển thân tôi nhiều lần. Tôi khóc cay đắng và vặn vẹo mình mẩy tựa như có luồn điện xuyên qua người. Rồi tôi bắt đầu toát mồ hôi như tắm. Tôi cảm thấy rằng toàn thể cái buồn của vũ trụ đang cấu xé nơi bụng tôi, và tôi đang bị cơn xoáy của những nhức nhối cuốn hút. Sau đó một lúc – tôi không thể nói là bao lâu – tôi nhớ chồng tôi đã ra lệnh cho tôi ngừng tọa thiền và nằm xuống nghỉ. Tôi sụm xuống trên tọa cụ và bắt đầu run rẩy. Bấy giờ hai bàn tay tôi hoàn toàn cứng đơ, các ngón tay, các đầu khớp phồng lên một cách kỳ dị, cũng như hai cùi chỏ không thể co lại được. Đầu tôi kêu ù ù và tôi nằm kiệt lực. Từ từ thần kinh dã ra. Trong nửa giờ đồng hồ, sức lực phục hồi, và về mọi phưng diện tôi đã sẵn sàng để bắt đầu tọa thiền lại.
Lúc độc tham chiều, lão sư hỏi ngay việc gì đã xảy ra. Khi tôi kể lại, ông bảo ấy chỉ là ma cảnh và hãy tiếp tục tọa thiền. Ông báo trước là từ nay về sau những chuyện như thế sẽ thường xảy ra, những cái đó chứng tỏ sự thiền định của tôi đã sâu. Rồi ông dạy tôi tìm Mu ở mạn thần kinh thái dương [vùng bụng ngay dưới xương ức]. Với những tiếng mạn thần kinh thái dương, lần đầu tiên, mọi sự bỗng rơi đúng vị trí – tôi biết đích xác tôi đang đi đâu và làm gì.
Sáng hôm sau, ngày thứ tư, tôi thức dậy với tiếng chuông 4 giờ sáng và thấy mình không tách rời Mu ngay cả trong lúc ngủ, đó là điều mà lão sư thúc giục. Trong thời ngồi đầu tiên trước khi độc tham sáng, các triệu chứng ngày hôm trước lại bắt đầu xuất hiện. Lúc ấy tự bảo chỉ là ma cảnh, tôi cứ thẳng tiến, quyết “an toàn vượt qua” nó. Song dần dần sự tê liệt cũng xuống đến hai chân và tôi chỉ có thể nghe chồng tôi nói xa xa nơi nào đó rằng tôi đang xuất thần. Tôi nghĩ thân tôi có thể bắt đầu bay lên không, nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục tọa thiền. Rồi tôi ngã nhào không có sự trợ giúp và nằm bất động. Dần dần tôi cảm thấy khá hơn để bắt đầu trở lại, giờ độc tham sáng đã qua.
Tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi phải có chỗ sai, đưa năng lực đi lạc hướng theo cách nào đó. Trong lúc nghỉ sau bài giảng buổi sáng, tôi bỗng nhận ra rằng cái tâm điểm mà tôi được bảo phải đặt tâm ở đó chỉ có thể là một vùng nào đó đã quen thuộc với tôi từ lâu. Từ thuở ấu thơ, nó là cái vùng tôi luôn luôn rút vào đó để suy tư. Tôi đã dựng lên một toàn cảnh của những hình ảnh thân yêu của nó. Nếu tôi từng muốn hiểu “Sự thật” của một tình thế đối với cái vùng đặc biệt ấy mà tôi phải đến xem xét những vấn đề như thế, nó phải được tiếp cận trong một tâm thái tựa như trẻ thơ, không có thành kiến. Tôi sẽ đơn giản giữ tâm mình ở đó và im lặng, hầu như không có hơi thở, cho đến khi có cái gì đó hợp nhất. Tôi tin đó là cái vùng lão sư muốn nói. Một cách trực giác, tôi đoán ra và bằng toàn bộ sức lực của mình tôi tập trung Mu ở đó. Trong khoảng có lẽ nửa tiếng đồng hồ, một điểm ấm áp bắt đầu xuất hiện trong bụng tôi, từ đó lan đến xương sống và dần dần bò lên cột sống. Đây là cái mà tôi đã nỗ lực để có được.
Phấn khởi cao độ, vào lúc độc tham lần kế, tôi nói với lão sư rằng tôi đã tìm thấy cái chỗ ấy và miêu tả sự vận hành của nó với ông như tôi đã luôn luôn kinh nghiệm. “Tốt!” ông kêu lên. “Bây giờ cứ tiếp tục đi!” Trở về chỗ ngồi, tôi lao mình vào tọa thiền với sức mạnh như thế rất lâu trước khi chứng tê liệt xuất hiện – vẫn là sự tấn công khốc liệt nhất. Tôi không thể cử động được và chồng tôi giúp tôi nằm xuống, đắp chăn cho tôi. Trong khi nằm đó để lấy lại sức khỏe, tôi nghĩ: “Thân xác này không chịu nổi sự căng thẳng mà tôi đang đặt lên nó. Nếu muốn thấy được Mu thì phải thấy bằng tâm thôi và tôi phải hạn chế chút ít sức lực thể xác và tinh thần, dành cho nỗ lực cuối cùng.”
Lần này, khi đã lấy lại sức, tôi chỉ cố tập trung mà không suy nghĩ đến Mu, nhưng thấy khó quá. Trong thực hành điều ấy có nghĩa là phân cách sự tập trung và nhịp thở. Song, sau khi nỗ lực nhiều lần, tôi đã làm được và có thể giữ tâm ổn định nơi bụng, tựa như đang chăm chú vào một vật gì đó và chỉ để hơi thở theo bất cứ nhịp nào nó thích. Tôi càng tập trung tâm mình ở bụng, tư niệm càng xuất hiện như những đám mây, nhưng không liên tục. Chúng giống như những hòn đá lát trên mặt đường hướng dẫn bước chân tôi. Tôi nhảy từ hòn này đến hòn kế, liên tục di động theo một lối đi đã xác định mà trực giác bảo tôi phải theo. Dù thế, tôi tin rằng đến một điểm nào đó chúng phải biến mất và tâm tôi trở nên trống rỗng hoàn toàn, như tôi mong được dẫn đến trước khi kiến tánh. Sự có mặt của những tư niệm này cho tôi biết tôi còn cách mục tiêu xa lắm.
Để dự trữ sức lực tối đa, tôi xả tư thế, và để cho ấm, tôi kéo tấm chăn – quấn quanh thân tôi đã lỏng ra – trùm kín cả đầu. Tôi buông thẳng hai tay vào lòng và nới hai chân ra theo tư thế xếp lỏng. Ngay cả một chút sức cũng để cho tâm tự quyết định gia tăng cường độ tập trung của nó.
Sáng hôm sau, ngày thứ năm, lúc độc tham, lão sư bảo tôi đã đến giai đoạn sinh tử và chớ để tách rời Mu dù chỉ trong chốc lát. Sợ rằng hai ngày và một đêm còn lại không đủ thời gian, tôi bám lấy Mu như con chó bám lấy cục xương, quả thật dai đến độ tiếng chuông và những dấu hiệu khác đều trở nên mờ hồ và không thực. Tôi không còn nhớ được chúng tôi phải làm gì khi có báo hiệu vang lên và phải hỏi chồng tôi chúng có nghĩa là gì. Để giữ sức, tôi ăn thực tình vào mọi bữa ăn và nghỉ tất cả thời gian còn lại mà chương trình nhiếp tâm cho phép. Tôi cảm thấy mình giống như một đứa trẻ con trong một chuyến du lịch mới lạ, được lão sư dẫn dắt từng bước.
Chiều hôm đó, khi đi tắm, tôi vừa bước xuống đường vừa suy nghĩ về Mu. Tôi bắt đầu bực bội. Thế thì Mu là cái gì? Tôi tự hỏi: “Trời ơi, nó thể là cái gì?” Thực buồn cười! Tôi chắc chắn không có cái gì là Mu hết. Mu không là cái gì hết. Tôi kêu lên bực tức. Ngay khi tôi nói nó không là cái gì cả, tôi bỗng nhớ đến tính đồng nhất của những cái đối nghịch. Dĩ nhiên, Mu cũng là mọi cái! Trong khi tắm, tôi nghĩ: “Nếu Mu là mọi sự vật, như thế nó là nước tắm, như thế nó là xà bong, như thế nó là người tắm. Nội kiến này cho tôi sự thôi thúc mới khi tôi bắt đầu ngồi trở lại.
Mỗi buổi sáng vào khoảng 4 giờ rưỡi, lão sư có thói quen đi giám sát và nói với tất cả những người ngồi. Dùng tỉ dụ cuộc chiến đấu trong đó các sức mạnh vô minh và giác ngộ đối chọi nhau, lão sư thúc giục chúng tôi tấn công kẻ thù mạnh hơn nữa. Bấy giờ ông nói: “Quí vị đã đến giai đoạn đánh xáp lá cà. Quí vị có thể dùng bất cứ phương tiện nào, bất cứ vũ khí nào!” Nghe những lời ấy, thình lình tôi thấy mình ở trong một khu rừng rậm, đang xuyên phá vùng tàng lá âm u rậm rạp với một con dao lớn đu đưa ở thắt lưng, tìm kiếm kẻ thù. Hình ảnh này đến nhiều lần và tôi nghĩ rằng với Mu thế nào tôi cũng thắng kẻ thù mà bây giờ tôi đang tiến gần để giải quyết trận cuối cùng.
Vào ngày thứ sáu, theo tưởng tượng tôi lại vạch một lối đi xuyên qua rừng rậm, lẩm bẩm một mình và tiến tới tìm kiếm lối ra, trong âm u và chờ đợi “cơn lụt ánh sáng,” có nghĩa là tôi đã ở cuối con đường của mình. Bỗng nhiên với tiếng cười bên trong bật ra, tôi nhận ra rằng cách duy nhất để chiến thắng kẻ thù này là ôm chặt lấy y. Ngay khi tôi vừa nghĩ thế, thì kẻ thù bỗng hiện hình ngay trước mắt tôi trong trang phục của một vị chỉ huy trăm quân La mã, thanh kiếm và cái khiên của y đang giơ lên tấn công. Tôi xông tới và vui vẻ vòng tay ôm lấy y. Y tan thành hư không. Ngay tức khắc tôi thấy ánh sáng rực rỡ xuất hiện qua rừng rậm âm u. Nó trải rộng ra, trải rộng ra. Tôi đứng chong mắt nhìn nó và vào tận tâm điểm của nó phát ra lời: “Mu là tôi.” Tôi ngừng ngay, cả hơi thở cũng ngừng. Có thể như thế ư? Vâng, thế đó! Mu là tôi và tôi là Mu. Một đợt sóng hân hoan và nhẹ nhõm đích thực dội qua người tôi.
Lúc hết vòng kinh hành kế, tôi thì thầm với chồng tôi: “Người ta tưởng em hiểu được bao nhiêu khi em hiểu Mu?” Anh ấy nhìn sát tôi và hỏi: “Em hiểu thực ư?” “Em muốn lão sư trắc nghiệm em trong giờ độc tham sắp tới,” tôi nói. Giờ độc tham sắp tới còn những năm tiếng đồng hồ. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ lão sư xác nhận tôi hiểu hay không. Trong thâm tâm tôi chắc chắn tôi biết Mu là cái gì và tự bảo mình một cách cương quyết rằng nếu câu trả lời của tôi không được chấp nhận tôi sẽ vĩnh biệt Thiền. Nếu tôi sai thì Thiền cũng sai. Song bất chấp tôi chắc chắn đến đâu (vì tôi vẫn chưa quen với cách diễn đạt của Thiền), tôi vẫn cảm thấy mình không thể nào đáp ứng được sự trắc nhiệm của lão sư theo phong cách Thiền.
Cuối cùng giờ độc tham đã đến và tôi yêu cầu Lão sư trắc nghiệm. Tôi chỉ mong ông hỏi: “Mu là cái gì?” Ông lại hỏi “Mu dài bao nhiêu? Mu bao nhiêu tuổi?” Tôi nghĩ đây là những câu hỏi mẹo theo kiểu Thiền và tôi ngồi im lặng, bối rối. Lão sư nhìn tôi một cách thân mật, bảo tôi phải thấy Mu rõ hơn và trong thời gian còn lại tôi phải tọa thiền bằng hết sức mình.
Khi trở về chỗ ngồi, tôi lao mình vào tọa thiền một lần nữa với mọi sức lực. Bấy giờ không có ý nghĩ nào hết, tôi đã cạn kiệt chúng rồi. Hết giờ này sang giờ khác, tôi ngồi và ngồi, chỉ nghĩ đến Mu với tất cả tâm.
Dần dần khí nóng lại dâng lên trong xương sống. Một điểm nóng xuất hiện giữa hai lông mày và bắt đầu chấn động kịch liệt. Từ chỗ ấy những làn mây nhiệt chạy xuống hai má, cổ và vai. Tôi tin chắc phải có gì xảy ra, ít nhất cũng là một sự bùng nổ bên trong. Không có gì xảy ra cả, trừ kinh nghiệm các thị kiến tái hiện chỗ tôi ngồi xếp chân thiền định trên một sườn núi trơ trụi và lê từng bước khốn khổ qua các thành phố đông đúc dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Vào lúc độc tham lần kế, tôi nói với lão sư về các thị kiến và cảm giác này, ông bảo tôi cách tốt nhất để đưa điểm chấn động này, lúc bấy giờ đang ở khoảng giữa hai mắt, trở về mạn thần kinh thái dương là vạch một lối đi bằng tưởng tượng, một cái gì đó giống như mật ngọt và kẹo chảy xuống ri rỉ. Ông cũng bảo tôi đừng quan tâm đến các thị kiến hay những đám mây nhiệt ấy, cả hai đều là kết quả của sự nỗ lực phi thường do tôi tạo nên. Điều quan trọng là chỉ tập trung đều đặn vào Mu. Sau vài cố gắng, một lần nữa tôi đã có thể tái lập được tâm điểm ở mạn thần kinh thái dương và tiếp tục làm như ông đã bảo.
Ngày hôm sau, ngày thứ bảy, tôi đến trước lão sư để độc tham một lần nữa. Vì liên tục tọa thiền sáu bảy tiếng đồng hồ, tôi quá kiệt sức hầu như không thể nói nổi. Bất giác tâm tôi lẻn vào một trạng thái trong sáng và nhạy bén phi thường, tôi biết và biết mình biết. Một cách dịu dàng ông bắt đầu hỏi: “Thượng đế bao nhiêu tuổi?” – Hãy chỉ Mu cho tôi! Hãy chỉ tôi thấy Mu ở ga xe lửa!” Bấy giờ cái thấy bên trong của tôi đã hội tụ hoàn toàn và tôi đáp ứng tất cả mọi trắc nghiệm không do dự. Sau đó, lão sư, chồng tôi, người thông dịch của tôi, cùng cười vui vẻ và tôi kêu lên: “Ôi nó đơn giản làm sao!” Vì thế Lão sư bảo rằng từ đây sự tu tập của tôi với những công án liên tiếp phải khác hẳn. Tốt hơn là nên trở thành một với những công án như đã trở thành một với Mu. Tôi phải tự hỏi một cách sâu xa: “Tinh thần của công án này là gì?” khi có câu trả lời đến, tôi cứ treo nó lên móc, nếu được, và thực hành chỉ quán đả tọa cho tới lúc độc tham đem lại cho tôi cơ hội chứng minh cái hiểu của mình.
Quá cứng đơ và mệt mỏi không thể ngồi tiếp, tôi lặng lẽ lẻn ra khỏi chánh điện, và trở lại nhà tắm để tắm lần thứ nhì. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy con đường đi là con đường đi đến thế, các cửa hiệu hoàn toàn là các cửa hiệu đến thế, và bầu trời mùa đông là bầu trời mùa đông nhiều sao vô tả đến thế. Hân hoan nổi lên như mùa xuân tươi tắn.
Những ngày và tuần tiếp theo là thời gian hạnh phúc và trầm lặng nhất trong đời tôi. Chẳng có gì là “vấn đề” cả. Sự vật vô vi và cũng không phải vô vi, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không có lo phiền hay hoảng hốt cả. Những giao tiếp với người khác đã một thời làm cho tôi phiền não sâu xa, bây giờ thấy rõ với sự hiểu biết hoàn toàn. Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể di động như không khí, theo bất cứ chiều hướng nào, cuối cùng đã thoát khỏi cái ta mà đã một thời luôn luôn là mối dây đau khổ trói buộc tôi.
Sáu Năm Sau…
Một ngày mùa xuân, khi tôi đang làm việc ngoài vườn, không khí dường như rung động một cách kỳ lạ, mặc dù hậu quả thông thường của thời gian đã mở ra theo một chiều kích mới, và tôi cảm biết rằng cái gì đó sắp xảy ra, nếu không phải hôm nay thì cũng không lâu. Hy vọng chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận nó. Tôi ngồi tọa thiền gấp đôi thường lệ và mỗi đêm tôi đều thức khuya nghiên cứu sách Phật giáo.
Vài tối sau đó, sau khi nghiên cứu cẩn thận tỉ mỉ cuốn The Tibetan Book of the Dead, (35) tôi đi tắm, rồi tôi ngồi trước bức chân dung Phật, im lặng lắng nghe bên ánh đèn sáp sự chuyển động từ từ của tấu khúc bốn phần A Minor Quartet của Beethoven, một biểu hiện của sự khước từ sâu xa của con người, rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, sau bữa ăn sáng, tôi bỗng thấy mình như bị sét đánh và tôi bắt đầu run rẩy. Đột nhiên toàn bộ vết thương sinh khó của tôi vụt lóe lên trong tâm thức. Giống như một chiếc chìa khóa, nó mở các cửa căn phòng u tối của những phẫn uất bí mật và sợ hãi ẩn núp chảy tràn ra ngoài tôi như những chất độc. Nước mắt rào ra và tôi suy nhược đến độ phải nằm xuống. Nhưng lại có niềm hạnh phúc sâu xa trong ấy… từ từ tụ điểm của tôi thay đổi: “Tôi đã chết! Không có gì gọi là tôi cả! Không bao giờ có tôi cả! Nó chỉ là một ngụ ngôn, một hình ảnh của tâm trí. Một cái mẫu không bao giờ được đúc khuôn.” Tôi trở nên choáng váng vì hân hoan. Những vật thể rắn chắc tựa hồ như những cái bóng và mọi vật mà tôi chợt thấy đều rực rỡ.
----------------------------------------------
(35) Ấy là bản dịch tiếng Anh do Lạt ma Kazi Dawa Samdup và W. Y. Evans-Wentz thực hiện của Luận thư danh tiếng Bardo Thodol của Padma Sambhava (Liên Hoa Sanh). Bardo Thodol, tiếng Tây tạng, có nghĩa là Giải Thoát Qua Sự Nghe khi thần thức con người lìa khỏi xác và mang thân trung ấm trong thời gian từ khi chết cho đến lúc đầu thai. Bardo Thodol có thể xem là cuốn kinh cầu siêu chính thức của Mật tông Phật giáo Tây tạng. Luận thư nói với người chết mà thực ra cũng là nói với người sống. (Đỗ Đình Đồng)
Những lời này chỉ là ám chỉ những gì tôi đã được tiết lộ trong những ngày tiếp theo:
1. Thế giới như được các giác quan nhận thức là ít đúng thực nhất (theo nghĩa hoàn toàn), ít động đích nhất (theo nghĩa biến dịch vĩnh cửu), và ít quan trọng nhất theo “kỷ hà học tồn sinh” mênh mông của sự thâm sâu không thể nói được mà độ chấn động, độ sâu và vi tế của nó ở bên kia ngôn từ.
2. Ngôn từ thì trở ngại và thô sơ, hầu như vô dụng trong việc cố gợi ra các vận hành đa phương của một động lực phức tạp vô cùng khó tả, mà khi tiếp xúc với nó, người ta phải từ bỏ tầng mức tâm thức bình thường.
3. Động tác dù nhỏ nhất, như ăn hay gãi tay, cũng không đơn giản chút nào. Ấy chỉ là thoáng chốc có thể thấy được trong mạng lưới nhân quả hướng tới Vô Tri và trở về với Im Lặng vô cùng nơi mà ý thức cá nhân không thể vào được. Thực ra không có gì để biết và cũng không có gì có thể biết được.
4. hế giới vật lý là một trạng thái vô cùng biến dịch của Thời gian–Hiện hữu. Nhưng đồng thời nó cũng là một trạng thái của Im lặng và Trống không. Mỗi vật thể cũng trong suốt như thế. Mỗi vật
thể đều có cá tính nội tại riêng, có nghiệp
hay “cuộc đời trong thời gian” riêng,
nhưng đồng thời nó cũng không có chỗ
nào trống rỗng, không có chỗ để vật thể
này chạy vào vật thể kia.
5. Biểu hiện, dù nhỏ nhất, của sự thay đổi thời tiết, một cơn mưa nhẹ hay một ngọn gió hiu hiu chạm vào tôi – tôi có thể nói gì – như phép mầu kỳ diệu, tốt và đẹp vô song. Không có gì để làm: chỉ là động tác hoàn toàn tối thượng.
6. Nhìn những bộ mặt, tôi thấy có cái gì đó của sợi dây xích dài kinh nghiệm quá khứ của họ, và đôi khi là cái gì đó của tương lai, và quá khứ lùi lại phía sau bộ mặt bề ngoài tựa như những làn vải mỏng thượng hảo hạng, song đồng thời cũng đang thai nghén bên trong.
7. Khi cô tịch tôi có thể nghe được “tiếng hát” phát ra từ mọi vật. Mỗi vật và mọi vật đều có tiếng hát riêng, ngay cả tâm trạng, tư tưởng và tình cảm cũng có những khúc hát rất hay. Song bên dưới cái đa dạng này, chúng hòa đồng với nhau trong một nhất thể mênh mông vô tả.
8. ôi cảm thấy một tình yêu, không đối tượng, cách hay nhất để gọi nó là từ ái, nhưng các phản ứng tình cảm cũ của tôi vẫn can thiệp thô bạo vào các biểu hiện của từ ái dịu dàng và không gượng ép cao cả nhất này.
9. Tôi cảm thấy một tâm thức không phải tôi cũng không phải không phải tôi, đang bảo vệ, đang dẫn dắt tôi đến sự trưởng thành và già dặn riêng của tôi theo các chiều hướng hữu ích và thúc ép tôi tránh những gì trái nghịch với sự trưởng thành ấy. Tôi tựa như chảy vào một dòng suối, và một cách vui vẻ, nó mang tôi qua bên kia chính tôi.