& Có năm – ngài Ajaan Fuang phải đến Bangkok chữa bệnh ngoài da với một bác sĩ người Trung Quốc, nên tạm trú tại Wat Asokaram –một nhóm tu nữ và cư sĩ đến hành thiền với ngài thiền sư mỗi tối. Một số thành viên trong nhóm thường kể là thấy được điều này, điều kia khi đang hành thiền. Cuối cùng một trong số các tu nữ than thở: “Con biết là tâm con không đi đâu cả; nó luôn trụ vào hơi thở, vậy tại sao con không thấy gì giống như các vị kia?”
Ajaan Fuang trả lời cô: “Con có biết là con may mắn lắm không? Với những người thấy cái này, cái kia, họ luôn bị chúng quấy rầy. Con không có nghiệp cũ nào xen vào việc hành thiền, nên con có thể trụ vững chãi nơi tâm mà không bị dây dưa với bất cứ thứ gì từ bên ngoài”.
& “Chớ ngưỡng mộ những người thấy cái này, cái kia. Chúng không khác gì hơn là những giấc mộng. Có thứ thật, có thứ giả. Ta khó thể thực sự tin vào chúng”.
& Một bà nội trợ tu thiền với sự hướng dẫn của Ajaan Fuang nghe một số thiền sinh khác của sư nói rằng trong thiền tập mà không thấy cái này, cái kia, mới là con đường trực chỉ. Bà lại là người thường thấy các hình ảnh trong thiền tập, nên khi nghe như thế, bà nghĩ tại vì lý do này mà con đường thực hành của bà quá gập ghềnh, trắc trở. Khi bà trình với ngài Ajaan Fuang những điều này, sư nói: “Thấy các hình ảnh khi thiền tập giống như thấy nhiều cây xanh hoang dại mọc dọc theo lối ta đi. Hành giả có thể hái chúng để có cái ăn trên đường, nhưng cuối cùng hành giả cũng sẽ đến được cuối đường giống như bao nhiêu người khác. Còn những người kia, họ có thể cũng thấy đám cây xanh, nhưng không hái chúng, hoặc có thể họ không thấy gì cả -vì con đường của họ đi qua vùng đất khô cằn”.
& “Các hành giả tu thiền được chia thành hai nhóm: những người có thể thấy các hình ảnh bằng mắt khi tâm họ đã an tĩnh, và những người cảm nhận điều gì đó qua thân. Các hành giả thuộc nhóm đầu tiên thấy hình ảnh của người, thú, hay bất cứ gì. Nhóm thứ hai không thấy hình ảnh, nhưng khi tâm họ đã ổn định, thân họ sẽ cảm thấy nặng hay nhẹ, hoặc lớn, nhỏ, một cách bất thường, vân vân. Khi những người này chú tâm đến các yếu tố ở thân, họ sẽ cảm nhận chúng qua cảm thọ: ấm, mát, nặng, nhẹ, vân vân”.
“Nếu sư phải dạy những người này thiền tập, sư không phải lo lắng cho họ nhiều, vì không có gì trở ngại trên con đường tu của họ -ngoài trở ngại là họ có thể sinh nản lòng vì không thấy điều gì khác lạ xảy ra khi hành thiền. Nhóm đầu tiên mới làm sư lo ngại, vì họ có nhiều trở ngại. Những cái họ thấy có thể đưa họ đến đủ loại kết luận sai trái. Nếu họ không biết cách đối phó với các cái thấy của mình, họ có thể bám chặt vào chúng và không bao giờ có thể đạt đến bất cứ tầng thiền nào cao hơn thế cả”.
& “Các hình ảnh – hay bất cứ thứ gì xuất hiện trong thời khóa thiền của mình: Đó không phải là lúc hành giả bỏ qua chúng, vì có một số loại hình ảnh mang các thông điệp quan trọng. Nên khi các thứ này xuất hiện, hành giả cần phải quán xét xem chúng xuất hiện như thế nào, tại sao chúng xuất hiện, và cho mục đích gì”.
& “Các hành giả thường thấy các hình ảnh, giống như có con dao hai lưỡi trong tay, nên họ cần phải cẩn thận. Những gì họ thấy có thể hữu ích mà cũng có thể tai hại. Vì thế họ phải học chắt lọc những điều lợi ích và bỏ các thứ tai hại lại đằng sau”.
& Thông thường nếu các đệ tử của Ajaan Fuang thấy hình ảnh của bản thân họ lúc đang hành thiền, sư khuyên họ nên phân chia hình ảnh đó thành bốn yếu tố -đất, nước, gió và lửa- hay thành ba mươi hai thể trược, sau đó đốt chúng thành tro. Nhưng nếu có hình ảnh nào xuất hiện trở lại, thì ngài thiền sư cũng khuyên họ làm như cũ, cho đến khi họ thành thạo trong việc làm đó.
Một trong số các đệ tử của sư, một tu nữ, đang thực hành loại thiền này mỗi ngày, nhưng ngay khi cô vừa chia thân ra làm 32 phần và chuẩn bị đốt chúng, thì một hình ảnh khác về thân của cô lại xuất hiện kế bên hình thứ nhất. Ngay khi cô vừa sẵn sàng để hỏa thiêu cái thân thứ hai, thì một thân nữa lại xuất hiện, rồi cứ tiếp tục như thế, giống như một đàn cá đang xếp hàng để chờ được nướng. Khi nhìn thấy các hình ảnh này, cô tu nữ sinh nản lòng, không muốn tiếp tục nữa, nhưng ngài thiền sư khuyên cô: “Tất cả mọi thứ ta đang thực hành là để sinh lòng nhàm chán, nhưng không phải là để chán việc thực hành”.
& Một phương cách khác mà ngài Ajaan Fuang dạy đệ tử để đối phó với việc thấy hình ảnh của chính thân mình là chủ tâm xem thân đó như thế nào trong tuần lễ đầu tiên ở trong bụng mẹ, rồi tuần thứ hai, thứ ba, vân vân cho đến ngày được sinh ra đời; rồi một tháng sau đó, hai tháng, năm đầu tiên, năm thứ hai, vân vân cho đến lúc già và chết.
Một thiền sinh sử dụng phương cách này, nhưng dường như bà thấy quá chậm, nên thay vào đó, bà chủ tâm vào những khoảng thời gian của năm-mười năm cách biệt. Khi ngài thiền sư biết việc này, sư nói, “Con đã bỏ qua tất cả những phần quan trọng”. Sau đó, sư đề ra các quy luật mới: “Hãy chủ tâm lên đầu, rồi quán rằng con đang nhổ từng sợi tóc trên đầu, đặt ra tay. Thử xem con có thể nhổ được bao nhiêu, rồi gắn lại cũng từng sợi tóc. Nếu con chưa hoàn thành công việc này, con không được xả thiền cho đến khi hoàn thành. Con cần phải quán xét từng chi tiết như thế nếu con muốn đạt được điều gì tốt trong công phu tu thiền của mình”.
& Một thiền sinh khác lại hỏi Ajaan Fuang: “Tại sao các tri giác mà con có được trong thiền tập chỉ nhóang đến, không kịp cho con có thể thấy toàn cảnh vấn đề?” Ngài thiền sư trả lời: “Khi chơi nhạc qua đĩa quay, đầu kim phải luôn ghim trên đĩa, ta mới nghe trọn được bản nhạc. Cũng thế, nếu con không tiếp tục ghim sâu trong thực hành, thì làm thế nào con hy vọng biết hết mọi thứ?”
& Một thiền sinh khác khi đang hành thiền thì thấy hình ảnh người chết, đến đòi bà phải chia sẻ công đức tu tập của bà. Điều này khiến bà khiếp đảm, nên đến trình với Ajaan Fuang, “Sư phụ ơi, có một con ma ở trước mặt con”.
“Đó không phải là ma,” ngài trả lời. “Đó là con người”.
“Dạ không, nó thật sự là ma mà,” bà khẳng định.
“Nếu đó là ma,” sư nói, “thì bà cũng là ma. Nhưng nếu bà coi đó là con người, thì bà cũng có thể là con người”.
& Sau đó, ngài thiền sư khuyên đệ tử phải trải rộng tâm từ nếu bà thấy giống như thế nữa, thì hình ảnh đó sẽ biến mất. Cho nên từ đó trở đi, bà làm đúng theo lời dạy của thiền sư, ngay khi nhìn thấy hình ảnh một người chết trong lúc hành thiền. Khi ngài Ajaan Fuang nghe thế, sư dặn dò, “ Hãy từ từ, đừng vội vã đuổi chúng đi. Trước hết, con phải xem họ ở trong trạng thái nào, rồi hỏi xem họ đã tạo nghiệp gì mà phải chịu quả như thế. Nếu con làm thế, con sẽ bắt đầu đạt được một số tri giác về Pháp”.
& Sau đó vài tuần, bà lại thấy hình ảnh một phụ nữ gầy mòn đang bồng một đứa bé nhỏ tí teo. Người phụ nữ mặc quần áo dơ bẩn, tả tơi, còn đứa bé thì khóc không dừng. Vị thiền sinh hỏi người phụ nữ đã làm nghiệp gì mà phải chịu khốn khổ như thế, và câu trả lời là cô đã cố gắng phá thai, nhưng kết quả là cả cô và đứa bé đều bị chết. Nghe thế, vị thiền sinh cảm thấy quá thương cảm, nên cố gắng để rải tâm từ đến họ, nhưng dường như việc làm đó chẳng có tác dụng gì, do nghiệp của họ quá nặng.
Điều này khiến người thiền sinh bức xúc, nên bà đến trình bày sự việc với ngài Ajaan Fuang. Ngài thiền sư trả lời, “Dầu họ có nhận được tâm từ của con hay không, đó là vấn đề của họ, không phải của con. Mỗi người có nghiệp riêng, và một số nghiệp không thể được hóa giải ở thời điểm đó. Con đã làm tất cả những gì mình có thể làm, nhưng đừng quay trở lại để hỏi cho rõ ràng kết quả ra sao. Cứ làm bổn phận của mình, rồi cứ để vấn đề được tự giải quyết. Họ nhờ con giúp đỡ, con đã làm hết khả năng của mình. Họ thị hiện cho con thấy để con biết thêm về các nghiệp quả. Đó là quá đủ. Một người đã làm xong bổn phận, hãy trở về với hơi thở của mình”.
& Vị thiền sinh làm theo lời hướng dẫn của Ajaan Fuang, cho đến một ngày, bà chợt nghĩ, “Nếu ta cứ tiếp tục ban tặng, ban tặng như thế này mãi, liệu ta có còn gì cho bản thân?” Khi Ajaan Fuang nghe về sự hoài nghi của thiền sinh, sư nhìn bà hồi lâu, rồi nói: “Con thực sự có thể hẹp hòi đến thế à?” Rồi sư giải thích: “Tâm từ không phải là vật chất, giống như tiền bạc, càng cho đi, càng bớt có lại. Mà nó giống như ngọn đèn trong tay ta. Người này xin mồi lửa, kẻ kia xin đốt đèn. Con càng đốt nhiều cây đèn, mọi người đều được sáng hơn –kể cả con”.
& Thời gian qua đi, một ngày vị thiền sinh này thấy một người chết nhờ bà nói với con cháu ông hãy tạo phước bằng cách này, cách kia, và hồi hướng phước báu đó cho ông. Khi xuất thiền, bà xin phép được đi báo lại cho con cháu người chết biết, nhưng Ajaan Fuang ngăn lại và nói, “Để làm gì? Con đâu phải là bưu tá. Mà dầu có phải, ông ta cũng đâu có tiền trả công con. Rồi con lấy gì làm bằng chứng để con cháu ông ta tin con? Nếu họ tin, con sẽ sinh kiêu mạn, cho rằng mình có tánh linh này nọ. Đi đâu, con cũng dương dương, tự đắc. Còn nếu họ không tin con, con biết họ nói gì về con không?”
“Dạ, nói gì thưa Sư?”
“Họ sẽ nói là con điên”.
& “Có những hình ảnh thực và những ảo ảnh. Vì thế, bất cứ khi nào hành giả nhìn thấy hình ảnh, chỉ nên ngồi yên và quán sát. Đừng để bị lôi kéo vào đó”.
& “Hành giả nên xem các hình ảnh như đang xem truyền hình: Chỉ xem, chứ không bị cuốn vào bên trong màn hình”.
& Một số đệ tử của Ajaan Fuang thấy hình ảnh của bản thân hay bạn bè trong các tiền kiếp và rất hào hứng về những gì họ thấy được. Khi họ trình với Ajaan Fuang về cái thấy của mình, ngài thiền sư cảnh báo họ, “Các vị vẫn còn bám víu vào quá khứ phải không? Nếu đúng thì các vị thật dại khờ. Các vị đã sống và chết qua hàng tỉ kiếp. Nếu lấy xương của các thân quá khứ, chất chồng lên nhau, chúng sẽ cao hơn núi Sumeru[i]. Nước trong đại dương còn ít hơn nước mắt mà các vị đã khóc vì những khổ đau lớn, nhỏ mà các vị đã trải qua. Nếu các vị quán xét những điều này với trí tuệ, các vị sẽ sinh nhàm chán với sự sống, và không còn vui thích được sinh ra. Tâm quý vị sẽ nhắm thẳng đến Niết-bàn”.
& Năm 1976, Ajaan Fuang có thêm rất nhiều thiền sinh mới. Có người thắc mắc về chuyện này, nên đã hỏi ngài thiền sư về lý do. Ngài Ajaan Fuang trả lời là sư đã có rất nhiều con cái trong các tiền kiếp, nên giờ chúng được sinh trở lại làm đệ tử của sư.
Khi được hỏi tại sao có nhiều con, người ta tưởng rằng sư sẽ bảo vì sư là một vị quân vương với nhiều tì thiếp, nhưng sư bảo, “Có lẽ vì sư đã từng là một con cá ở ngoài biển, đã đẻ không biết bao nhiêu trứng mỗi lần”.
& Có lần một cô giáo hành thiền tại gia và bà bắt đầu nhớ lại các tiền kiếp của mình cho đến tận thời điểm của vua Asoka. Bà thấy lại cảnh vua Asoka đánh đập cha bà một cách không thương tiếc chỉ vì một lỗi lầm nhỏ trong cách ứng xử trong triều. Sáng hôm sau, bà trình lại với Ajaan Fuang chuyện này mà vẫn còn tức giận với vua Asoka về những gì bà thấy ông đã làm.
Ajaan Fuang không xác nhận cũng không bài bác sự thật về cái thấy của bà. Thay vào đó, sư nói về sự sân hận của bà trong giờ phút hiện tại, “Vậy bà đã mang nỗi sân hận này qua hơn 2000 năm, và nó đã đưa bà đến đâu? Hãy đi sám hối với vua Asoka trong tâm của bà, rồi bỏ qua hết mọi chuyện”.
& “Không nhớ được các kiếp quá khứ cũng là chuyện tốt. Nếu không mọi việc còn sẽ tồi tệ hơn”.
& Một phụ nữ, không phải là đệ tử của Ajaan Fuang, hành thiền tại gia, thấy hình ảnh của một câu chú –hinh như tiếng Pali, nhưng không hẳn vậy- hiện ra trong tâm bà. Bà chép xuống, và đã đi từ chùa này qua chùa khác, hỏi một số tu sĩ dịch giùm cho bà câu chú ấy. Không ai giúp được cho đến một ngày bà gặp một vị sư bảo rằng đó là ngôn ngữ của A-la-hán, và chỉ có vị A-la-hán mới có thể hiểu được nghĩa của nó. Vị đó còn có gan dịch câu chú cho bà, và còn bảo nếu bà còn thấy thêm câu nào nữa hãy mang đến ông dịch cho bà.
Bà không tin hẳn, nên khi gặp được Ajaan Fuang bà hỏi ngay chuyện đó. Ngài thiền sư phản ứng, “Cái gì? Ngôn ngữ A-la-hán? Tâm của vị A-la-hán vượt trên mọi chế định. Tâm đó phải có thứ ngôn ngữ nào đây?”
& “Phần đông con người không thích nghe sự thật. Họ lại thích những cái giả tạo”.
& Có nhiều trường hợp khi một số đệ tử của Ajaan Fuang có được chút hiểu biết từ các hình ảnh họ thấy khi thiền tập, trở nên quá đà trong đó, nhưng sư không hề tra vấn họ. Có người thắc mắc sao sư không cảnh báo với các thiền sinh đó rằng họ đã đi lệch đường. Ngài thiền sư trả lời: “Ta phải xem họ trưởng thành đến đâu. Nếu họ thực sự trưởng thành, ta có thể nói thẳng với họ điều đó. Ngược lại, nếu tâm họ còn ấu trĩ, ta phải để họ rong chơi một lúc, giống như đứa trẻ với một món đồ chơi mới. Nếu ta quá cứng rắn, họ có thể đâm nản lòng và buông bỏ mọi thứ. Khi họ bắt đầu trưởng thành hơn, chắc chắn là họ sẽ bắt đầu tự nhận thấy điều gì đúng, điều gì sai”.
& “Đừng vướng mắc với quá khứ hay tương lai. Chỉ sống trong hiện tại –cũng đủ rồi. Nhưng dầu hiện tại là nơi ta cần có mặt, ta cũng không nên bám víu vào chúng. Vậy tại sao ta lại bám víu vào những thứ ở những nơi ta không nên có mặt?”
& “Hành giả biết rằng mình không nên tin vào những hình ảnh chính mắt thấy, vậy tại sao lại đi tin vào hình ảnh người khác thấy?”
& “Nếu hành giả không thể buông những cái thấy của mình, sẽ không thể nào đạt được xả”.
& Một thiền sinh hỏi ngài Ajaan Fuang, “Khi thấy một điều gì đó, như hình ảnh, làm sao ta biết nó thật hay giả, thưa sư?”
Câu trả lời của ngài thiền sư: “Ngay khi nó thật, nó chỉ thật theo nghĩa chế định. Con phải để tâm vượt lên trên cả hai, thật và giả”.
& “Mục đích của việc tu tập là thanh tịnh hóa tâm. Tất cả mọi thứ khác chỉ là các trò chơi, thú tiêu khiển”.