Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị tỳ kheo theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời Ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động. Nổi tiếng là vị thầy đạo hạnh và có khả năng thần thông, Ngài là người đầu tiên đã đem truyền thống tu khổ hạnh ra khỏi những cánh rừng thuộc lưu vực sông Mê-kông, để hòa nhập vào xã hội hiện đại ở ngay trung tâm Thái Lan.
Một năm trước khi mất, Ngài phải nằm viện hai tháng vì bệnh tim. Nhân cơ hội này, Ngài đã đọc cho đệ tử ghi chép lại cuộc đời Ngài.
___________
Bài Pháp này nhắc nhở các bạn về một số điều Phật dạy, như một cách để sách tấn, khuyến khích các bạn chăm chỉ thực hành đúng theo lời Phật dạy. Những lời dạy đó được gọi là Pháp. Pháp để tôn trang cho tâm. Pháp cũng là phương tiện để phát triển các chức năng của tâm. Bài Pháp này dựa trên Patimokkha (Giới Luật Tỳ kheo), nói về những bổn phận mà các vị tăng sĩ xuất gia theo Phật phải tuân giữ, nhưng chúng cũng áp dụng cho hàng cư sĩ. Cư sĩ tại gia có thể tu tập, gìn giữ các giới luật này để rèn luyện thành người tốt hơn, để có thể trở thành tai, mắt, chân, tay, trong việc gìn giữ đạo pháp, giúp đạo pháp được phát triển.
Những giới luật này, áp dụng cho tất cả mọi người, có thể chia làm các phần chính như sau:
Thứ nhất: Anupavado. Đừng tìm lỗi người khác. Có nghĩa là đừng nói xấu về người khác, đừng xuyên tạc, đừng nói điều gì gây chia rẽ. Đừng nói sai trái về người khác, hay khuyến khích người khác làm điều đó. Đừng trách móc, la mắng nhau. Thay vì tìm lỗi người, ta hãy tự thấy lỗi mình. Đó là giới luật. Dầu là hàng tu sĩ hay cư sĩ đều có thể gìn giữ theo giới luật này ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Thứ hai: Anupaghato: Đừng ghét bỏ lẫn nhau. Thường khi chung sống, không phải mọi người đều cư xử giống nhau. Có người biết cách cư xử khéo léo, người khác lại cư xử thô lỗ - chứ không phải là do ác ý, hãy nhớ điều đó. Về thể chất cũng thế, có người siêng năng, đầy sinh lực; kẻ khác thì yếu đuối, hay bệnh hoạn. Về lời nói thì có người khéo léo, người không. Người nói nhiều, kẻ lại rất kiệm lời; kẻ thì ba hoa đủ chuyện trên trời dưới đất, người chỉ thích bàn chuyện Phật pháp; kẻ thì thường nói sai, người hay nói đúng. Đó được coi là sự không tương ưng. Khi điều này xảy ra, tất nhiên sẽ có mâu thuẫn, xung đột ở một mức độ nào đó. Nếu có những điều này xảy ra trong chúng, khi chúng ta cùng sống trong Pháp, chúng ta không nên để tâm. Chúng ta cần tha thứ cho nhau, cần rửa sạch những tỳ vết khỏi tâm ta. Vì sao? Vì nếu không, ta sẽ trở thành ganh tỵ, soi mói, thù hằn nhau. Hành động tha thứ được coi là quà tặng của tâm từ. Nó khiến ta không chấp giữ điều chi, không canh cánh bên lòng điều gì, không bị thứ chi gây phiền não – đó là những người không mang lòng hằn thù. Dầu đôi khi có sai trái, có lầm lỗi, chúng ta vẫn tha thứ lẫn nhau. Chúng ta cần nên có lòng thương yêu, tử tế, cảm thông với tất cả mọi người quanh ta, càng nhiều càng tốt. Đó được gọi là anupaghato. Đó là một phần trong quá trình tu tập làm người Phật tử, dầu ở tại gia hay chốn thiền môn.
Thứ ba: Patimokkha samvara: Hành động như thế nào để giúp ta đến gần cửa vào Niết Bàn hơn. Cửa vào Niết Bàn là gì? Patimokkha. Mukha có nghĩa là cửa vào. Mokkha nghĩa là giải thoát. Hãy ngồi gần đồ ăn để miệng ta được ăn. Đừng ngồi xa quá, ta sẽ khó ăn được. Ngồi đủ gần để sự giải thoát ở trong tầm tay, để ta có thể với tới thực phẩm. Nói cách khác, bất cứ hành động gì giúp ta đến gần hơn với đạo pháp, thì ta cần phải hành động như thế. Gần với đạo pháp có nghĩa là đi theo con đường đạo. Người cư sĩ cũng có con đường đạo của mình, giống như hàng xuất gia có con đường đạo của họ.
Tuy nhiên người cư sĩ có thể thực hành con đường đạo của mình theo hai cách. Cách đầu tiên là gìn giữ năm giới: không giết hại; không trộm cắp; không tà dâm – đây là điều giúp ta sống đạo đức; không nói dối; và không sử dụng những chất làm say. Đó là một cách sống đưa ta đến gần với Niết Bàn. Cách sống đạo thứ hai đối với người cư sĩ là giữ tám giới luật.
Còn đối với các sa di và các vị tỳ kheo thì phải giữ mười hay 227 giới luật. Ngoài ra, họ cũng không được bỏ qua bất cứ hành động tốt lành nào mà họ có thể làm được. Đó được gọi là acara-gocara-sampanno. Đừng đi ra ngoài những giới luật đó, làm tổn hại chính bản thân mình. Nói cách khác, đừng để thân, lời nói, ý của mình phạm vào các giới luật đó. Đừng thân cận với kẻ ác, những người hành động không kiềm chế. Đừng nghe theo những người không có phẩm hạnh. Đừng để tâm vướng bận vì họ. Hãy nghĩ đến những thiện hữu, những người mà hành động hợp với những điều tốt đẹp mà ta đang muốn phát triển. Đó là con đường đạo. Bất cứ ai hành động như thế được gọi là đã sống theo Patimokkha, gần ngay cửa Niết Bàn.
Thứ tư Mattaññuta ca bhattasmim: Ăn uống điều độ. Ở đây chúng ta chỉ nói đến thực phẩm vật chất. Có ba cách ăn uống thông thường. Trước hết là tham ăn. Dầu bụng đã no, nhưng tâm còn đói. Miệng đã no, không thể nuốt trôi nữa, nhưng tâm vẫn muốn ăn nữa. Đó được gọi là tham ăn. Đừng đế tánh tham ăn làm chủ bạn.
Cách thứ hai là ăn uống một cách tự tại. Bạn nhận lãnh những gì có trong bát của mình, và không ăn gì ở ngoài bình bát. Hay bạn chỉ ăn những gì có trước mặt, trong tầm tay. Không đòi hỏi những gì ở xa tầm tay. Không biểu lộ băng cử chỉ, bằng mắt, hay bằng nét mặt rằng bạn muốn ăn thêm nữa. Chỉ ăn những gì trong dĩa, hay trong bát của bạn. Đó được gọi là ăn uống một cách tự tại.
Cách thứ ba là ăn uống tiết độ. Đó là một cách ăn uống nền nếp, tốt đẹp trong đạo và cả ngoài đời. Một ví dụ điển hình là Đại đức Sivali. Sư luôn ăn uống tiết độ. Sư thường nhận được rất nhiều vật phẩm cúng dường. Sư có nhiều của cải. Của cải đó có được là nhờ sự tiết độ. Đại đức Sivali đã làm như thế này. Khi Sư được cúng dường vải vóc, Sư không hề mặc những vải vóc đó, mà Sư đem tặng cho người khác. Khi được cúng dường thực phẩm, Sư cũng không dùng chúng, cho đến khi Sư có thể cúng dường lại cho ai đó. Bất cứ tứ vật dụng nào mà Sư được nhận - thực phẩm, quần áo, chỗ ở, hay thuốc men, không kể ít hay nhiều - một khi đã thuộc sở hữu của Sư, Sư sẽ không sử dụng cho đến khi Sư đã có thể chia sẻ chúng với những người chung quanh. Khi nhận nhiều, Sư chia sẻ với nhiều người. Khi nhận ít, sư vẫn cố gắng chia sẻ. Kết quả đem đến cho Sư bao điều lợi ích. Thân hữu yêu mến sư, các chúng quý trọng sư, ân cần với sư. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng sự rộng rãi kết nối thân hữu, và xóa bỏ bạn thù. Đó là công đức mà Đại đức Visali đã tạo nên. Khi ngài qua đời và được tái sinh trong một đời sống đầy đủ, sung túc, không bao giờ ngài phải chịu đói khổ. Ngay cả khi ngài đi đến những nơi hoang vu, nơi khó có thực phẩm, ngài cũng không phải chịu đựng thiếu thốn, vất vả.
Câu chuyện này dạy chúng ta rằng, bất cứ chúng ta có gì, chỉ nên sử dụng một phần ba của cải đó, và hãy cho đi hai phần ba còn lại. Những gì có thể cho thú vật, ta cho chúng, những gì có thể chia sẻ với người, ta dành cho người. Phần mà chúng ta có thể chia sẻ với bạn đạo, hãy cúng dường với trái tim trong sáng. Đó là ý nghĩa của việc sử dụng một cách tiết độ. Chúng ta sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng khi làm được như thế. Khi tái sinh, chúng ta sẽ không phải chịu đói nghèo.
Cách sống này không chỉ làm tốt đẹp cho đạo, mà đối với xã hội nói chung cũng thế. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để chống khủng bố. Nó giúp chống khủng bố như thế nào? Khi người ta không còn nghèo khổ, người ta không dễ bị khích động. Nguyên nhân đưa đến khủng bố là gì? Một phần do người ta đói nghèo, không nơi nương tựa, không ai chăm sóc. Khi đó, con người dễ suy nghĩ rằng, “Tôi khổ, thì mọi người khác cũng phải khổ theo…” Cách suy nghĩ đó là do con người còn nghèo đói và thiếu thốn. Nhưng tại sao họ đói nghèo? Vì còn có những người chỉ biết lo cho bản thân. Họ không biết chia sẻ với đám đông. Do đó số đông nghèo khó sẽ nổi giận, sẽ trở thành khủng bố.
Như thế khủng bố là do lòng tham lam, ích kỷ, không biết chia sẻ những gì ta có.
Nếu có mười đồng, chúng ta có thể cho chín, và chỉ ăn những gì mà đồng tiền còn lại có thể mua. Được thế, ta sẽ có biết bao bạn bè. Sẽ có tình thương, hòa bình và phát triển. Tại sao? Vì khi con người có đủ ăn, có nơi trú ngụ, có thể an tâm thì tại sao họ lại phải dấn thân vào những lập trường chính trị phức tạp?
Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta rằng tiết độ trong sự hưởng thụ là việc tốt lành, cao thượng, đáng trân quý. Khi chúng ta thực hành được như thế là chúng ta đã sống đúng theo tinh thần của mattaññuta ca bhattasmim. Đó là chúng ta đã tu đúng, đã thực hành đúng, để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.
Thứ năm, Pantañca sayanasanam: Đừng làm người lăng xăng. Bất cứ bạn sống ở đâu, hãy sống tĩnh lặng, an bình. Đừng gây chuyện hay, ‘hùa theo’ với những người khác trong nhóm. Đừng dây vào những vấn đề phải tranh cãi, trừ khi đó là việc chẳng đặng đừng. Khi bạn đã tu tập, hiểu được bổn phận của mình rồi, thì hãy tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh để sống, để hành thiền. Nếu sống trong chúng, thì hãy thân cận với các chúng thích tĩnh lặng. Khi sống một mình, ở nơi vắng vẻ, hãy là người trầm lắng. Khi sống trong chúng, hãy là người tĩnh lặng. Chỉ thâu nhận những gì tốt đẹp, an lành mà chúng bạn đạo có thể mang đến cho bạn. Khi sống một mình, đừng lăng xăng, bận rộn. Hãy trầm lắng trong hành động, lời nói và tâm ý. Khi sống với nhóm - dù hai hay ba người - đừng dây vào những việc tranh cãi, vì ở đâu có tranh cãi, ở đó không có an tĩnh. Hành động của bạn lúc ấy khó thể tự tại, vì bạn phải náo động. Lời nói của bạn sẽ không được êm dịu. Tâm ý của bạn - đầy những ý nghĩ giận hờn, oán trách - thì không thể an bình. Và điều đó sẽ là nguyên nhân dẫn ta đến bao nghiệp xấu. Khi bạn sống trong một cộng đồng - khoảng từ 4 đến 99 người trở lên - bạn phải biết chắc đó là một cộng đồng hòa hợp, không có tranh chấp, cãi vả, không ai muốn làm tốn thương hay gây đau đớn cho ai. Cộng đồng đó phải hòa hợp để tu tập giới luật và Phật pháp. Một cộng đồng có kỷ luật, văn minh, nhắm đến việc phát triển cho tất cả mọi thành viên. Đó là bổn phận của người con Phật, phải sống theo lời Phật dạy. Đó được gọi là patañca sayanasanam: tạo ra nơi thanh vắng để sống, để thân tâm được an lạc.
Thứ sáu, Adhicitte ca ayogo: Đừng dễ duôi. Hãy tinh tấn trong việc hành thiền để đạt được định. Hãy thường xuyên định tâm, hành thiền, để làm gương tốt cho chúng noi theo. Khi tham vấn đạo, hãy tìm những lời dạy làm thế nào để phát triển chủ đề thiền quán. Hãy trao đổi về những lợi ích của việc hành thiền. Thực tập tẩy sạch những uế nhiễm trong tâm. Làm được như thế, là bạn đang đi trên con đường tiến tới trạng thái tâm cao thượng.
Sâu xa hơn nữa là khi tâm đã được giải thoát khỏi mọi chướng ngại, đã vào được định, không còn dao động lên xuống. Tâm đã ổn định, kiên cố, mạnh mẽ, không còn gì có thể làm uế nhiễm nó. Đó được gọi là adhicitte ca ayogo, nguyện đạt được tâm giải thoát. Vì thế đừng dễ duôi. Hãy luôn tu hành miên mật.
Etam buddhanasasanam: Khi bạn làm được những điều này, là bạn đã sống theo lời Phật dạy. Đây là những lời Phật đã dạy, từ kim khẩu Phật. Vì thế tất cả chúng ta đều phải cố gắng để thực hành những lời ấy nơi bản thân. Nếu bạn đã thấm nhuần những lời dạy này, bằng tâm chân thật, trọn lành, thì dù bạn chưa thể giải thoát tâm hoàn toàn khỏi khổ đau, thì ít nhất bạn cũng đang tự vun trồng, phát triển tâm theo đúng hướng. Những hành động bất thiện của bạn sẽ ngày càng bớt, và những tánh thiện mà bạn chưa có được sẽ phát khởi thay vào đó. Trong khi các tánh thiện bạn đã có, sẽ ngày càng tăng trưởng, nở hoa.
Giờ bạn đã được nghe bài Pháp này, hãy chiêm nghiệm và thực hành. Hãy rèn luyện bản thân để sống đúng theo lời Phật dạy. Làm được như thế rồi, thì bạn sẽ được hạnh phúc, thịnh vượng, tâm bạn ngày càng tăng trưởng trong lời Phật dạy.
Thanissaro Bhikkhu
(Chuyển ngữ từ tiếng Thái)
(http://www.accesstoinsight.org/lib/thai/lee/everyone.html) 4/2009
3 PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN TÂM
Leonard Bullen
Leonard A. Bullen là một trong những nhà tiên phong về hoạt động Phật giáo tại Úc. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Phật Học Victoria, được thành lập vào năm 1953, và ông là người đầu tiên trong Ban Điều Hành của Hội Đoàn Phật giáo Úc. Ông cũng là phó chủ bút của tờ Phật giáo Metta. Ông mất vào năm 1984, hưởng thọ 76 tuổi.
Những sách báo của ông được Buddhist Publication Society xuất bản:
Kỹ thuật Sống (A Technique of Living – Wheel No. 226/230) và Hành Động & Phản ứng trong Phật pháp -trong Nghiệp và Quả (Action and Reaction in Buddhist Teaching - in Kamma and Its Fruit - Wheel No. 221/224).
Khi nghe một điều gì về Phật giáo trong bản tin tức hàng ngày, bạn thường nghĩ đến một tôn giáo thờ nhiều hình tượng to lớn, có các thầy tu áo vàng, với không khí dày đặc mùi khói nhang. Bạn có cảm giác tôn giáo nầy không phải dành cho bạn, ngoại trừ có thể đấy chỉ là một buổi trình diễn ly kỳ, hấp dẫn.
Tuy nhiên, chẳng lẽ Phật giáo chỉ có thế thôi? Các tân nhiếp ảnh gia không chụp được các ảnh thật sự về Phật giáo hay sao? Báo chí trình bày cho bạn thấy những hào nhoáng của tôn giáo đó, hay đó chỉ là cái dáng vẻ bề ngoài?
Chúng ta hãy nhìn rõ xem Phật giáo thật sự là gì, Phật giáo được trình bày rành rẽ tận gốc rễ, vì Phật giáo vẫn hiện hữu ngay cả dưới các trang sức bên ngoài. Mặc dù Phật giáo, thông thường được xem là một tôn giáo, căn bản của Phật giáo là trau dồi, rèn luyện tâm. Thật sự thì với truyền thống của tu viện và những yếu tố về mặt đạo đức, Phật giáo sở hữu nhiều đặc điểm với ngoại hình mà người Âu Mỹ thường cho là thuộc về tôn giáo. Tuy vậy, Phật giáo không tin vào một đấng thượng đế, vì Phật giáo cho rằng vũ trụ được hình thành và chuyển vận bằng những định luật không có chủ thể, vũ trụ không phải là sáng tạo của một đấng trời nào; Phật giáo không chủ trương cầu xin, vì đức Phật là một vị thầy, không phải là thượng đế, và Phật giáo xem việc thờ cúng không phải là một điều luật bắt buộc, nhưng đó là cách để bày tỏ sự biết ơn đối với đức Phật và là phương thức để trau dồi, phát triển thân tâm. Vì thế, với những nhận xét như nói ở đây, Phật giáo không phải là một tôn giáo.
Lại nữa, Phật giáo hiểu rằng niềm tin không thể chỉ gói gọn trong sự tin tưởng vào lời chỉ dạy của đức Phật. Một người Phật tử không được tin vào bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được đức Phật nói ra, hoặc vì đó là điều được ghi trong sách cổ, hoặc vì điều ấy được truyền xuống từ những bậc cha ông, hoặc vì có nhiều người tin vào điều ấy. Phật tử có thể xem lời dạy của đức Phật như một giả thuyết, và truy cứu về điều ấy, nếu đúng thì Phật tử hãy tin tưởng; người Phật tử không nên chấp nhận bất cứ điều gì nếu như thấy nó không đúng lý lẽ. Điều nầy không có nghĩa là mọi thứ đều phải được trình bày một cách hợp lý, vì có những nhận thức nằm xa khung kính tri thức và chỉ có thể nhận biết bởi sự phát triển về mặt tâm linh. Nhưng yếu tố chánh vẫn là không nên mù quáng tin về mọi điều trong lời dạy của đức Phật.
Phật giáo là cách sống dựa trên việc rèn luyện tâm. Mục đích cao nhất là để đi trên con đường giải thoát khỏi đau khổ, và đạt đến Niết Bàn, một trạng thái xa hẳn cấp bậc của một tâm trí thông thường, chưa được rèn luyện. Mục tiêu tức thời là đánh ngay vào những gốc rễ của đau khổ trong cuộc sống hàng ngày.
Mọi hoạt động của con người được chỉ dẫn, ngay đó hay xa hơn, để tiến đến hạnh phúc bằng cách này hay cách khác; hoặc giả để bày tỏ một việc bằng những chữ tiêu cực, tất cả hoạt động của con người được chỉ dẫn để đạt giải thoát, vượt qua những việc bất như ý, không hài lòng. Bất như ý, có thể được xem như khởi điểm của hoạt động con người, và hạnh phúc là mục đích cao cả nhất.
Bất mãn hay bất như ý, khởi điểm hoạt động con người, là điểm xuất phát trong Phật giáo; và điểm này được bày tỏ bằng công thức của Bốn Câu Căn Bản, yếu tố của sự bất mãn được chỉ rõ, nguyên nhân, cách chữa, và phương thức để chữa .
Câu Căn Bản Thứ Nhất như sau: Trong Đời Sống con người không thể tránh được sự bất mãn.
Nguồn gốc ý nghĩa của câu nầy, chữ “bất mãn” thường được dịch là “đau khổ”, bao gồm ý nghĩa không chỉ là nỗi đau, buồn phiền, và bất mãn, nhưng mọi thứ đều là không như ý, từ nỗi đau đớn thể xác và sự khổ não về tâm bệnh, cho đến mệt mỏi chút ít, chán nản hay chỉ một chút thất vọng.
Đôi khi lại chỉ cho sự “bất mãn” hoặc “bất như ý”; trong vài bài pháp có thể những từ nầy được dùng một cách chính xác, và ở lúc khác từ “đau khổ” lại được sử dụng. Vì lẽ nầy, chúng tôi sẽ dùng cả hai từ “đau khổ” và “bất mãn” hay “bất như ý” tuỳ vào nội dung của bài pháp thoại.
Trong vài bài dịch từ bản gốc, thì sanh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, và sung sướng là khổ. Trong bản tiếng Anh, câu cuối cùng không có nghĩa gì; nhưng nếu chúng ta sửa lại là “sự thỏa mãn không được như ý” thì có lẽ dễ hiểu hơn, vì mọi thỏa mãn đều vô thường, và mặt trái của sự sung sướng, thỏa mãn thường là đau khổ, và từ nhận thức nầy, chữ không được như ý có lẽ đúng lý hơn.
Bây giờ đức Phật dạy rằng sự bất mãn hoặc đau khổ là việc không thể tránh khỏi, trong đời sống con người có cái “ngã”; và “đời sống có cái ngã” cần được giải thích. Tóm lại, kinh điển dạy rằng bản ngã được xem là một linh hồn cố định, bất biến, đây là một điều không có thực.
Trung tâm cốt lõi của mỗi sinh vật không phải là một linh hồn bất biến, mà là dòng sông cuộc sống, một nguồn năng lượng luôn thay đổi, và phút giây kế tiếp không bao giờ giống như phút giây vừa trôi qua. Cái ngã, được xem như một linh hồn bất diệt, và đây là ảo tưởng của bản ngã, nỗi đau khổ nhất bắt nguồn từ nơi đây. Cuối cùng khi cái ảo tưởng về Tôi được chuyển hoá thì đấy là sự giác ngộ, trạng thái nầy cao nhất, và nằm xa hơn cái vũ trụ tương đối mà chúng ta biết. Nơi trạng thái cao nhất này, đau khổ bị dập tắt; khi bất cứ một cái gì về “ngã” còn tồn tại, cho dù chỉ là một ảo tưởng nhỏ, đau khổ vẫn còn hiện diện.
Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng Câu Căn Bản Thứ Nhất không có nghĩa là đau khổ không thể tránh được; nó chỉ có nghĩa là trong cuộc sống nơi cái ngã ngự trị, ta không thể tránh khỏi đau khổ, và nếu như ảo tưởng cái ngã còn, thì đau khổ vẫn tiếp diễn.
Bây giờ chúng ta nói đến Câu Căn Bản Thứ hai, như sau: Nguyên nhân của đau khổ (bất như ý) là ham muốn.
Nếu bạn trợt té trên sàn nhà trơn ướt và bị bầm mình, bạn nói nguyên nhân cái đau mà bạn đang phải chịu đựng là vì sàn nhà trơn trợt. Điều nầy đúng, và nếu nói vết bầm của bạn là do ham muốn mà ra thì chắc là không đúng rồi.
Nhưng câu hai không nói đến trường hợp cá nhân, hoặc nguyên nhân tức thời. Câu hai muốn nói đến sức mạnh hợp nhất để gìn giữ nguồn sống là sự ham muốn cho chính bản thân; vì nguồn sống nầy – ảo tưởng về cái ngã – chứa đựng những điều kiện cho đau khổ, trong khi sàn nhà trơn trợt chỉ là một cơ hội cho đau khổ xuất hiện.
Vì bản chất của thế giới mà chúng ta đang sống, thật là điều không tưởng khi muốn chữa đau khổ bằng cách loại bỏ hết những cơ hội có thể mang lại đau khổ; cũng như không thể đánh vào nguyên nhân hay cơ sở chánh của cái khổ.
Vì thế Câu Ba căn bản là: Giải thoát sẽ đạt được bằng cách tiêu diệt ham muốn.
Sự ham muốn của cái ngã là giữ chặt lấy đời sống; dòng sông ý thức hiện hữu mà chúng ta gọi là ngã; và chỉ vì cái si mê của ngã mà sự bất như ý và đau khổ xuất hiện. Khi diệt trừ được sự nắm giữ si mê về ngã, gốc rễ của đau khổ cũng bị tiêu diệt.
Mục đích cao nhất của thực tập trong Phật giáo là để tiêu diệt bản ngã. Chính ngay nơi nầy sự hiểu lầm xuất hiện, và đó là điều tự nhiên; nhưng một khi nhận thấy rằng tiêu diệt cái ngã là huỷ diệt si mê thì sự hiểu lầm nầy sẽ biến mất. Khi si mê được tẩy trừ, thực tại xuất hiện; như vậy tiêu diệt si mê là để thực tại hiển hiện. Khi si mê về cái ngã vẫn tiếp tục che tối thực tại thì ta không tài nào tìm thấy nó.
Giờ đây khi si mê bị tiêu diệt thì thực tại nầy là gì. Thực tại cao tột là Không Duyên Khởi, cũng được gọi là Không Sanh, Không Cội Nguồn, Không Pha Lẫn. Với cách thức diễn đạt không đầy đủ, không chính xác, chúng ta có thể tạm diễn tả nó như một trạng thái khả quan tích cực. Đó là nơi có hạnh phúc và tự do, hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và nó rất khác biệt với trạng thái hiện hữu tầm thường và không thể nào được diễn tả bằng lời nói. Trạng thái Không Duyên Khởi có thể được chỉ dẫn – để đạt đến điểm cao tột – chỉ bằng cách nói về những điều mà trạng thái đó không có.
Trong các bài pháp Phật giáo, Không Duyên Khởi thường được giải thích là tâm không còn tham, sân, si. Đây cũng nói đến sự hoàn hảo của các cá tính đối nghịch, vị tha, từ bi, và trí tuệ.
Đạt đến trạng thái Không Duyên Khởi là mục đích cao tột của tất cả thực tập nơi Phật giáo, và cũng tương đương như sự giải thoát rốt ráo khỏi đau khổ và sự bất như ý. Sự việc nầy đưa chúng ta đến với câu cuối cùng của bốn Câu Nói Căn Bản.
Câu Căn Bản Thứ Tư: Con đường giải thoát là Bát Chính Đạo.
Con đường có tám yếu tố sau đây:
Hiểu biết đúng, sự hiểu biết về bản chất chân thật của hiện hữu
Suy nghĩ đúng, ý nghĩ không còn vướng vào nhục dục, sự xấu xa, và độc ác.
Nói lời chân thật, không bịa đặt, nói xấu, nói lời cộc cằn thô lỗ, và không nói nhảm.
Hành động chân chính, tránh việc sát hại, trộm cắp, và tà dâm.
Cuộc sống chân chính, nghề nghiệp không làm hại đến các chúng sinh.
Cố gắng chân chính, hoặc cố gắng tiêu diệt kiết sử nơi tâm thức và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp.
Tâm thức chân chính, sự hoàn hảo của chánh niệm.
Tư duy chân chính, nuôi dưỡng tâm thức qua việc thiền định.
Bây giờ bạn thấy trong Con đường Bát Chính Đạo, quan trọng là nó không có tính chất tôn giáo; nó giống như khoa tâm lý đạo đức.
Nhưng con người ở phương Đông cũng như ở phương Tây, nói chung, giống như sự đòi hỏi phiến diện bằng cách này hay cách khác – ít nhất ở mặt bên ngoài – những cái không quan trọng lại được xem là cần thiết.
Trong khi những đặc điểm phiến diện trong thực tập Phật giáo cần được thay đổi tùy vào hoàn cảnh xung quanh, những đặc tính quan trọng, không thay đổi của thực tập được tóm tắt trong bảng chỉ dẫn của Bát Chính Đạo, đức Phật đã dạy về Trung Đạo, con đường trung dung giữa những trạng thái cực đoan.
Mặc dù thật bất tiện khi nói về những khía cạnh khác của Bát Chính Đạo như là tám cấp bậc, không nên xem đó là những cấp bậc riêng biệt, phải làm từng chặng. Ngược lại, mỗi cấp bậc phải được thực tập cùng lúc với những cấp bậc khác, và có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta nhìn nó như tám lằn ranh của một con đường hơn là tám cấp bậc nối tiếp nhau.
Bước thứ nhất của con đường, hiểu biết đúng, quan trọng nhất là thấy mọi việc như nó là – hoặc ít nhất, thử làm mọi việc với tính cách không trốn tránh, hoặc tự lừa dối. Nghĩa là, hiểu biết đúng bắt đầu bằng sự yêu thích trí tuệ, yêu bản chất tự nhiên của sự hiện hữu, và như thế đấy được coi như là bước đầu của con đường thực tập; nhưng khi đã đến cuối con đường, sẽ đạt được tình thương và trí tuệ.
Trong khi Chánh Kiến có thể được xem như sự thấu hiểu hoàn hảo nơi Phật Pháp, nó dựa vào sự hiểu biết ba đặc điểm chánh yếu trong thế giới tương đối của vũ trụ, thời gian, hình thể và vật chất. Ba đặc điểm này có thể tóm tắt như sau:
1. Vô thường: Tất cả mọi thứ trong thế giới tương đối này luôn thay đổi liên tục.
2. Bất như ý: Trong một mức độ nào đó của đau khổ và bất như ý dính liền với cuộc sống “có bản ngã”, hoặc liên hệ tới những giới hạn kinh nghiệm cá nhân trong thế giới tương đối.
3. Vô ngã: Không có thực thể - không là con người hay bất cứ chúng sanh nào - không sở hữu một linh hồn hay bản ngã thường hằng, không thay đổi. Mỗi một chúng sanh có một dòng sinh lực luôn thay đổi, sự thay đổi tùy thuộc vào hiện tượng tinh thần và vật chất, giống như một dòng sông luôn trôi chảy và không bao giờ đứng yên một chỗ dù chỉ trong tích tắc.
Như vậy, bản ngã, không phải là một thực thể tĩnh lặng mà là một dòng thay đổi liên tục. Khái niệm năng động về sự hiện hữu là một ý nghĩ sâu xa tiêu biểu trong Phật giáo; trong cuộc sống không có bất cứ vật gì là tĩnh lặng, cuộc sống là một dòng trôi chảy liên tục mà ta cần phải học để biết cách bơi theo dòng.
Một khái niệm khác của Chánh kiến là nhận thức rằng vũ trụ có tiến trình của nó với nền tảng nhân và quả, với hành động và sự phản kháng, liên tục không cố định và nó đều giống nhau trong thế giới đạo đức, tinh thần và vật chất. Tùy vào hành động tốt mà người tạo tác có lúc hưởng được sự sung sướng, và có lúc vì hành động xấu ác mà kẻ tạo tác phải chịu đau khổ.
Các ảnh hưởng tốt hay xấu – nghĩa là, hạnh phúc và đau khổ là kết quả của những hành động đã tạo tác – thông thường kết quả không theo liền sau nhân tạo tác; thường có sự chậm trễ trong vấn đề thời gian, kết quả của hạnh phúc và đau khổ chỉ xuất hiện khi nhân duyên đầy đủ. Kết quả có thể không xuất hiện trong hiện tại. Và như vậy, cái chết thông thường là một sự thăng bằng về mặt “hưởng phước”, nếu như quả tốt chưa xuất hiện kịp thời; và đồng thời cũng là một sự thăng bằng về mặt “chịu khổ”, nếu như đau khổ là kết quả không thể tránh khỏi.
Sau khi chết, thân thể tan hoại, dĩ nhiên, dòng sinh lực vẫn còn tiếp tục, không phải trong dạng của một linh hồn bất biến, mà là trong dạng của dòng năng lực luôn thay đổi. Tức thời sau khi chết, một chúng sinh mới bắt đầu cuộc sống trong dòng đời; nhưng chúng sinh này không nhất thiết phải là một người, và trong tích tắc sự đầu thai có thể xảy ra ở một tầng hiện hữu khác. Tuy vậy, chúng sinh mới hiện hữu đó vẫn phải chịu đựng một ảnh hưởng trực tiếp từ chúng sinh vừa mới qua đời.
Như vậy, chúng sinh mới này hiện hữu là sự tiếp tục không ngừng nghỉ của chúng sinh kia, mà dòng đời vừa đứt đoạn. Chúng sinh mới thừa hưởng phần phước đức còn lại của chúng sinh đã chết, và như vậy, phần phước đó sẽ mang lại cho chúng sinh mới này sự sung sướng trong tương lai. Đồng thời, chúng sinh này cũng phải chịu luôn phần ác báo còn lại của kẻ kia, và như vậy, sẽ phải chịu đựng sự đau khổ nào đó trong tương lai.
Tóm lại, trong ý nghĩa của sự liên tục, chúng sinh mới giống như chúng sinh đã chết. Cũng như vậy – chỉ trong ý nghĩa của sự liên tục – một ông già không khác với cậu thanh niên lúc trẻ, cậu thanh niên không khác với đứa bé con lúc trước, và đứa bé con không khác với đứa bé mới sanh khi xưa đó. Cá tính của ông già với cậu thanh niên, với đứa bé con, và đứa trẻ sơ sanh, chỉ là một sự liên tục ; không có cá tính nào khác.
Tất cả mọi vật trong vũ trụ thay đổi ngày này sang ngày khác, từ phút này tới phút khác, như vậy một chúng sinh lúc này chỉ khác với chúng sinh lúc sau chút xíu thôi ; Cá tính duy nhất là sự liên tục. Cũng như vậy, một chúng sinh được tái sinh thì khác với chúng sinh vừa chết kia; nhưng do sự liên tục mà cá tính hôm nay vẫn không khác cá tính lúc trước.
Những lời giảng dạy này là điều căn bản của phật pháp – bản chất thật về bản ngã là một ảo giác, quy luật nhân quả trong phạm vi đạo đức, và sự tái sinh của những năng lượng trong đời sống – nhưng không cần mọi người phải chấp nhận bất cứ điều gì nếu cảm thấy không đúng lý với bản thân. Chấp nhận bất cứ lời giảng dạy nào cũng không quan trọng; quan trọng là sự cố gắng không ngừng nghỉ để nhận thấy mọi vật như nó là, không trốn tránh, không tự lừa dối.
Dàn bài ngắn gọn của bài pháp coi như khá đầy đủ với Chánh kiến dẫn đầu. Bước kế tiếp, suy nghĩ hoặc mục đích chân chính, giải thoát các khả năng tri thức khỏi những yếu tố xúc cảm có hại, như tham dục, ác ý, và hành động bạo tàn, làm bất lợi cho những quyết định sáng suốt, không thiên vị.
Chánh ngữ, Chánh mạng, và Chánh nghiệp tạo nên một phần của con đường đạo đức, chúng giúp cho những nhiễm ô của tâm thức bị nằm dưới sự điều khiển và không cho nó trồi lên để tạo thành những hành động có hại. Tuy vậy, những nhiễm ô này không thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ nhờ vào sự đạo đức, và như vậy những bước khác của con đường cần được áp dụng để tẩy rửa những nhiễm ô của tâm thức một cách sạch sẽ hoàn toàn.
Bây giờ bước kế tiếp – Chánh tinh tiến – chúng ta bước vào phạm vi của tâm lý thực tiễn, Chánh tinh tiến trong bài này nghĩa là sự cố gắng của ý chí. Cũng có nghĩa là, bước thứ sáu trên con đường trau dồi bản thân, luyện tập ý chí để phòng ngừa và khắc phục những trạng thái tâm thức có thể làm cản trở sự phát triển tâm linh, và bồi dưỡng cũng như khuyến khích những trạng thái tâm thức có thể mang lại sự phát triển về tinh thần.
Bước thứ bảy trên đường cũng là môn tâm lý thực tiễn; bước này gọi là Chánh niệm, và nó bao gồm sự phát triển tối đa nơi khả năng bình thường của sự chú tâm. Sự phát triển về mặt chú tâm – sự hiểu biết lan rộng và mạnh mẽ -- tâm thức dần dà có thể phân biệt mọi vật và thấy rõ mọi vật như nó là.
Hoạt động cơ bản của bước thứ bảy, Chánh niệm, là phát triển sự chú tâm về bản chất không thực của bản ngã. Tuy vậy, cần phải liên tục cải thiện khả năng chú tâm bình thường, và như vậy, tâm thức được trang bị tốt hơn để đối diện với những vấn đề căng thẳng trong sinh hoạt hằng ngày nơi thế gian.
Phương cách của đức Phật, sự chú tâm bao gồm sự phát triển về khả năng tập trung, để tạo nên chánh niệm liên tục trong tất cả những ý nghĩ chợt xuất hiện, tất cả những chữ đã được thốt ra, tất cả những hành động đã làm, với cái nhìn buông xả, không tham đắm, không thiên vị, và không mê lầm.
Chánh niệm có nhiều cách áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Thí dụ, chánh niệm có thể được sử dụng để có một cái nhìn thấu đáo, sự hiểu biết rõ ràng, của những động lực nằm sau các hoạt động, và sự hiểu biết rõ ràng về động lực này là một điều thật quan trọng.
Chánh định, bước cuối cùng trong tám cấp bậc, trau dồi tâm thức ở những trạng thái cao hơn – đến lúc hấp thụ mọi thứ trong chánh niệm – những trạng thái tâm thức cao tột này được sử dụng để thống nhất, thanh tịnh hoá, và làm mạnh mẽ tâm thức để đạt đến sự giải thoát, sáng suốt.
Khi đạt được giải thoát thì ảo giác về bản ngã, với những tham đắm, đau khổ cũng được chuyển hoá và bị dập tắt hoàn toàn.
Sự hiểu biết xuyên suốt là mục đích tối hậu của tất cả các thực tập Phật giáo, và với sự sáng suốt đó, sự hiểu biết về bản chất thực của đời sống cũng sẽ hiện diện, tột bậc của sự hiểu biết về Không Duyên Khởi. Không Duyên Khởi là sự dập tắt bản ngã, không hẳn là không hiện hữu hoặc hủy diệt, bởi vì sự tiêu diệt bản ngã chỉ là sự tiêu diệt si mê. Mỗi sự miêu tả về Không Duyên Khởi đều thất bại, bởi vì nó nằm xa hẳn thế giới chữ nghĩa, và ý nghĩ; và cách duy nhất để biết về Không Duyên Khởi là thực hành Bát Chánh Đạo từ đầu đến cuối.
Như vậy, đây là nguyên gốc của Phật giáo; đây là Phật giáo của Bát Chánh Đạo, của con đường đưa đến giải thoát, thoát khỏi bản ngã và đạt đến sự hiểu biết thấu đáo về thực tại.
Mỹ Thanh
(Theo Buddhist Publication Society (BPS) Bodhi Leaves BL 42)
4 NHÌN SỰ VẬT NHƯ CHÚNG THẬT SỰ LÀ
Ajahn Chah
Ajahn Chah (1919-1992) là vị thiền sư người Thái rất được tin kính. Các bài thuyết pháp của Ngài rất thông thoáng, rõ ràng, dứt khoát - sự dứt khoát của vị đã chứng thực được giáo lý của Đức Phật. Ngài là người có nhiều ảnh hưởng sâu đậm đối với nhiều thiền sư người Mỹ.
Đức Phật dạy chúng ta nhìn bất cứ điều gì xuất hiện trước mắt cũng phải nhận biết rằng: sự vật không trường tồn. Đã sinh, chúng sẽ diệt. Diệt rồi, chúng sẽ sinh trở lại. Sinh trở lại rồi, chúng sẽ mất đi. Nhưng một người vô minh, không được hướng dẫn, không muốn nhìn sự vật như thế. Khi hành thiền, được định, chúng ta muốn được như thế mãi, không muốn có gì quấy phá, làm gián đoạn. Nhưng suy nghĩ như vậy là thiếu thực tế. Đức Phật muốn chúng ta trước hết nhìn vào sự vật và biết rằng những thứ này là giả tạo; rồi chúng ta mới thật sự có được sự an bình. Khi không biết như thế, chúng ta trở thành người sở hữu của chúng và cái bẫy của ngã tưởng sẽ xuất hiện. Vì thế chúng ta phải trở lại từ gốc ngọn, tìm hiểu xem chúng xảy ra như thế nào. Chúng ta phải hiểu các sự vật thật sự như chúng là, cách sự vật tác động đến tâm và tâm đã phản ứng như thế nào; có thế chúng ta mới có được bình an. Đó là những gì chúng ta cần phải quán sát. Nếu chúng ta không muốn sự vật xảy ra theo cách của chúng, thì chúng ta không có được sự bình an. Dầu chúng ta có cố gắng làm khác đi, nhưng sự vật vẫn xảy ra như thế; thì đó là bản chất của chúng.
Nói một cách đơn giản, đó là chân lý. Vô thường, khổ và vô ngã là bản chất của sự vật. Chúng không có gì khác hơn thế, nhưng chúng ta tạo cho sự vật nhiều ý nghĩa hơn chúng thật sự là.
Thật sự không khó để phát triển trí tuệ. Nó có nghĩa là quán sát nguồn gốc và tìm hiểu bản chất của sự vật. Khi tâm xao động, bạn cần phải nhận ra rằng: “Điều này không kéo dài mãi. Nó vô thường!” Khi tâm an tĩnh, đừng bắt đầu nghĩ, “Ôi, thật là an lạc!” Vì điều đó cũng không chắc chắn.
Khi có ai đó hỏi, “Bạn thích ăn thứ gì nhất?” đừng quá bận tâm để trả lời câu hỏi đó. Nếu bạn trả lời rằng, bạn thật sự thích món gì đó, thì có gì quan trọng đâu? Thử suy nghĩ xem - nếu bạn ăn món đó mỗi ngày, bạn có còn thích nó nhiều như vậy không? Có lẽ sẽ có lúc bạn phải kêu lên rằng “Ôi, lại món này nữa!”
Bạn có hiểu điều đó không? Có thể cuối cùng bạn sẽ phát chán về chính cái thứ mà bạn đã thích. Đó bởi vì là sự vật đổi thay, và đây là điều bạn cần phải biết. Khoái lạc không trường tồn. Bất hạnh cũng không trường tồn. Tình yêu không bền chắc. Thanh tịnh cũng không chắc chắn. Lo âu không chắc chắn. Tất cả mọi thứ, tuyệt đối là không chắc chắn. Vì thế nếu có bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta đều hiểu như thế, thì chúng ta sẽ không bị chúng chế ngự. Tất cả mọi việc đều không chắc chắn, không có gì là ngoại lệ, vì vô thường là bản chất của chúng. Vô thường có nghĩa là sự vật không cố định hay trường tồn, và nói một cách đơn giản, chân lý này chính là Phật pháp.
Anica, vô thường, là chân lý. Chân lý có mặt để chúng ta nhận chân ra nó, nhưng chúng ta thường không nhìn kỹ, nhìn rõ nó. Đức Phật nói: “Những ai thấy Pháp là thấy Ta.” Nếu chúng ta nhận ra vô thường, tính chất không chắc chắn, trong tất cả các pháp, thì tâm nhàm chán, buông xả sẽ phát sinh: “Ôi, thì cũng chỉ có thế! À, ra vậy! Thật sự cũng chẳng có gì quan trọng quá, cũng chỉ có vậy!” Tâm trở nên rất chắc chắn về điều đó: “Nó chỉ có chừng ấy!” Sau khi nhận thức được như thế, chúng ta không cần phải làm điều gì quá khó khăn trong công phu thiền quán của mình. Bất cứ điều gì chúng ta đối mặt, tâm sẽ nói: “Chỉ có thế!” và tâm dừng lại. Chấm dứt mọi chuyện. Chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả các hiện tượng đều giả tạo; không có gì chắc chắn hay thường hằng, mà đúng ra tất cả mọi thứ không ngừng thay đổi và có đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã. Nó giống như một trái banh sắt đã được nung đỏ trong lò lửa. Phần nào của trái banh sắt đó không nóng? Hãy thử sờ nó đi, nếu bạn muốn. Sờ phía trên, nó nóng. Sờ phía dưới, cũng nóng. Sờ hai bên, cũng nóng. Tại sao nó nóng? Vì nguyên trái banh sắt đó nóng đỏ ở khắp nơi. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ không sờ nó. Khi tâm bạn khởi nghĩ: “Cái này thật tốt! Tôi rất thích! Ước gì tôi được nó!” thì đừng dành cho những tư tưởng đó một sự tin cậy nào; đừng coi chúng quan trọng quá. Nó là một trái banh sắt nóng đấy. Nếu bạn sờ vào phần nào của trái banh, nếu bạn cố cầm nó lên, bạn sẽ chịu nhiều đau đớn, da của bạn sẽ phỏng rộp, chảy máu.
Chúng ta cần phải luôn quán tưởng về điều này: đi, đứng, nằm, ngồi. Ngay cả khi chúng ta đang ở trong nhà vệ sinh, hay đang đi đâu đó, khi chúng ta đang ăn hay đang bài tiết các chất thải từ đồ ăn, chúng ta cần phải nhận thấy rằng tất cả những gì ta trải nghiệm đều không chắc chắn, đều vô thường mà cũng là khổ và vô ngã. Sự vật không cố định, vô thường thì không chắc chắn và không thật. Tất cả đều là thế, không có ngoại lệ nào - cũng giống như trái banh sắt nóng - đâu có nơi nào ta sờ vào mà không bị phỏng. Tất cả mọi thành phần của nó đều nóng, vì thế chúng ta không tìm cách sờ vào nó.
Đây không phải là điều gì khó khăn mà không luyện tập được. Thí dụ cha mẹ thường dạy con không được chơi với lửa: “Đừng đến gần lửa! Rất nguy hiểm! Con sẽ bị phỏng!” Đứa trẻ có thể không tin hay không hiểu cha mẹ muốn nói gì. Nhưng nếu em chạm vào lửa chỉ một lần và bị phỏng, sau đó cha mẹ không còn cần phải giải thích điều gì hay cố gắng kiềm chế em nữa.
Không cần biết là tâm bị cuốn hút, bị chế ngự bởi điều gì đến mức độ nào, bạn cần phải luôn nhắc nhở nó. “Điều ấy không trường tồn! Điều ấy không bền chắc!” Thí dụ, bạn có một cái ly, và nghĩ rằng nó rất đẹp. “Chiếc ly này đẹp làm sao! Tôi phải cất kỹ đi, không được để nó bể.” Lúc đó bạn phải tự nhắc nhở mình, “Nhưng nó không bền chắc.” Bạn có thể dùng nó uống nước, để ly xuống, rồi lỡ tay đụng nó bể đi.
Dầu chiếc ly không bể hôm nay, thì ngày mai, nó cũng sẽ bể. Nếu nó không bể ngày mai, thì ngày hôm sau nữa. Bạn không nên đặt lòng tin của mình vào những vật dễ bể.
Vô thường là chánh Pháp. Sự vật không vững bền hay thực có. Không có gì về chúng là thật, chỉ có chân lý này là thật. Bạn có đồng ý không? Điều chắc chắn nhất là: được sinh ra, bạn phải già, phải bịnh và chết. Thực tế đó là chắc chắn, thường hằng, và sự thật thường hằng đó dựa trên chân lý về vô thường. Quán sát sự vật thật thấu đáo bằng con mắt của ‘không thường hằng, không chắc chắn,” một sự chuyển hóa sẽ xảy ra thành thường hằng, và chắc chắn, lúc đó ta không còn phải bận tâm về sự vật nữa.
Các vị đệ tử của Đức Phật đã thức tỉnh nhờ chân lý về vô thường. Từ sự thức tỉnh đó, họ trở nên nhàm chán, buông xả đối với sự vật, hay nibbida. Sự nhàm chán này không phải là do có mâu thuẫn, bất mãn. Nếu có sự bất mãn, thì đó thực sự không phải là nhàm chán, không thể đưa đến con đường đạo. Nibbida không phải giống như sự chán đời theo thế gian thường tình. Thí dụ, sống trong gia đình, khi không được thuận thảo với nhau, chúng ta có thể bắt đầu nghĩ là mình đang trở nên nhàm chán mọi thứ giống như giáo pháp đã dạy. Tuy nhiên không phải thế; đó chỉ là do các phiền não, uế nhiễm của ta đang lớn mạnh, làm trái tim ta đau đớn. “Tôi thật chán ngán – tôi sẽ rũ bỏ tất cả!” Đó là sự nhàm chán do phiền não, uế nhiễm tạo ra. Khi sự phiền não, thất vọng đối với những việc xảy ra không theo ý ta muốn trở nên quá sức chịu đựng của ta.
Giống như cách ta suy nghĩ về metta, tâm từ. Ta nghĩ rằng ta phải có tâm từ đối với tất cả chúng sanh. Vì thế ta tự nhủ mình, “Tôi không được có lòng sân hận đối với ai. Tôi phải có lòng bi mẫn. Thật vậy, tất cả mọi chúng sanh đều đáng thương.” Rồi bạn bắt đầu thương yêu tất cả, và kết cục là đưa đến tham đắm, dính mắc. Hãy cẩn thận về điều đó! Đó không phải là thứ tình yêu thương ta vẫn thường nói đến. Đó không phải là lòng từ bi trong chánh pháp. Đó là tâm từ pha lẫn với lòng ích kỷ. Chúng ta đòi hỏi, mong đợi một sự đáp trả, mà lại gọi đó là từ bi. Sự “chán đời” thông thường của chúng ta cũng thế, “Ôi, tôi thật chán ngán tất cả, tôi muốn trốn khỏi nơi này!” Đó chỉ là tâm uế nhiễm nặng nề. Đó không phải là sự nhàm chán hay xả bỏ; chỉ là ta dùng cùng một tên để gọi chúng. Đó không phải là con đường đạo của Đức Phật. Đúng ra thì sự nhàm chán không có mâu thuẫn, xung đột, không có ác ý đến bất cứ ai. Bạn không than phiền hay đổ lỗi – mà bạn nhìn mọi thứ đều trống không.
Có nghĩa là lúc đó tâm bạn rổng rang. Nó không còn bám víu vào điều gì. Điều đó không có nghĩa là thế giới này không còn có người, có vật, không có gì cả. Vẫn còn có người, có sự vật, có tâm rổng rang. Nhưng tâm ta nhìn chúng với ý thức rằng, chúng không bền chắc. Vạn pháp được tiếp nhận như chúng là, thuận theo dòng chảy tự nhiên của sinh diệt.
Thí dụ, bạn có thể có một chiếc bình. Bạn có thể thấy rằng nó đẹp, nhưng tự chính nó, nó chỉ có mặt một cách tự nhiên. Nó không có gì để nói; chỉ có bạn là người có tình cảm về nó, là người sẽ sống hay chết vì nó. Nếu bạn thích hay không thích nó, nó cũng không bị ảnh hưởng. Đó là chuyện của bạn. Nó như như, nhưng bạn là người có tình cảm thích hay không thích, rồi bám víu vào chúng. Chúng ta so sánh tốt xấu về thứ này, thứ nọ. “Tốt” làm tâm xao động. “Xấu” cũng xao động tâm. Cả hai đều là uế nhiễm.
Chúng ta không cần phải chạy đi đâu cả; chúng ta chỉ cần suy gẫm, quán tưởng điều này. Đó là cách tâm vận hành. Khi chúng ta không thích gì, đối tượng của sự không ưa thích không bị ảnh hưởng gì cả; nó cũng vẫn chỉ là nó. Khi chúng ta ưa thích gì, nó cũng không bị ảnh hưởng bởi sự ưa thích đó, mà cũng vẫn là nó. Tất cả chỉ là chúng ta tự làm khổ mình thôi.
Bạn cho là điều gì đó tốt, điều khác vĩ đại hơn, nhưng đó chỉ là do bạn tự suy nghĩ ra. Nếu bạn có chánh niệm, bạn sẽ ý thức được rằng tất cả vạn pháp đều bình đẳng.
Một thí dụ dễ hiểu là với đồ ăn. Chúng ta thường cảm thấy rằng loại đồ ăn này hay loại đồ ăn kia rất ngon. Khi chúng ta nhìn thấy những đĩa đồ ăn này trên bàn, trông chúng rất hấp dẫn; nhưng một khi mọi thứ đã vào bao tử, thì đó lại là chuyện khác. Chúng ta nhìn các dĩa đồ ăn và nói, “Cái này là cho tôi. Cái kia là cho anh. Cái nọ là của cô ta.” Nhưng sau khi chúng ta đã ăn rồi, và bài tiết ra, có lẽ không có ai đi tranh giành những thứ đó và nói: “Đây là của tôi. Đó là của anh.” Có đúng vậy không? Lúc đó bạn có còn muốn sở hữu hay tham đắm chúng không?
Đó là nói một cách vắn tắt và đơn giản. Nếu bạn đã thấy rõ ràng như thế với tâm kiên định, thì vạn pháp đều bình đẳng. Khi chúng ta còn ham muốn và suy nghĩ theo cách “của tôi” và “của anh,” thì chúng ta sẽ đi đến xung đột. Khi chúng ta nhìn mọi thứ bình đẳng, như nhau, thì chúng ta không coi chúng thuộc về ai – chúng chỉ là các duyên hiện hữu như chúng là.
Khi chúng ta nhận thức rằng vạn vật là một pháp, tất cả đều có cùng bản chất, chúng ta sẽ không còn bám víu, sẽ buông bỏ chúng xuống. Chúng ta nhìn thấy chúng trống không và chúng ta không thương hay ghét chúng; chúng ta được thanh tịnh. Có lời nói rằng, “Niết bàn là hạnh phúc tối thượng; niết bàn là cái không tối thượng.”
Hãy lắng nghe kỹ điều này. Hạnh phúc ở thế gian không phải là hạnh phúc tối thượng, tuyệt đối. Những gì chúng ta coi như trống không, không phải là sự trống không tối thượng. Nếu nó là sự trống không tối thượng, thì sẽ chấm dứt mọi ham muốn và bám víu. Nếu nó là hạnh phúc tối thượng thì sẽ có được an bình. Nhưng thứ an bình chúng ta được biết thì vẫn là chưa tối thượng. Thứ hạnh phúc chúng ta biết thì cũng chưa là tối thượng. Khi chúng ta đạt đến Niết bàn, thì lúc đó sự trống không là tối thượng. Hạnh phúc là tối thượng. Đã có sự chuyển hóa. Tính cách của hạnh phúc được chuyển hóa thành an bình. Có hạnh phúc nhưng chúng ta không gán cho nó một ý nghĩa đặc biệt gì. Cũng có cả khổ đau. Nhưng khi những điều này xảy ra, ta coi chúng như nhau. Giá trị của chúng như nhau.
Những tình cảm yêu hay ghét cũng giống nhau. Nhưng khi chúng phát khởi trong ta, ta không coi chúng là giống nhau. Nếu điều gì dễ chịu, ta thực sự hạnh phúc với nó. Nếu khó chịu, ta muốn trốn tránh nó. Nên đối với chúng ta, chúng không giống nhau, nhưng sự thật là chúng thực sự giống nhau. Chúng ta phải luyện tập như thế này: chúng giống nhau vì chúng không bền chắc và vô thường.
Giống như thí dụ về đồ ăn. Chúng ta cho rằng loại đồ ăn này ngon, loại kia tuyệt vời, loại nọ dở. Nhưng khi chúng ta đã ăn, rồi bài tiết ra, chúng đều giống nhau. Lúc đó bạn không nghe ai than phiền rằng, “Sao tôi được ít quá!” Lúc đó tâm ta không bị chúng lôi cuốn.
Nếu ta không thực sự chứng nghiệm chân lý về vô thường, khổ đau và vô ngã, thì không thể chấm dứt được khổ đau. Nếu có chánh niệm, ta có thể chứng nghiệm chân lý này trong từng giây phút. Chúng hiện hữu nơi thân và tâm, và ta có thể nhận ra chúng. Đó là lúc ta có thể tìm được sự bình an.
(Trích dịch theo Vạn Pháp Sinh Diệt – Everything Arises, Everything Falls Away, NXB Shambhala 2005.)
05 QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC PHẬT
Sokei Shigetsu Sasaki
Ngài Sokei Shigetsu Sakaki, một trong những thiền sư Nhật Bản đã đến truyền đạo từ rất sớm ở Mỹ, và đã hiến cả cuộc đời mình để giới thiệu về Thiền đốn ngộ (Sudden Awakening Zen) cho người Mỹ. Thiền sư bắt đầu thuyết giảng ở Manhattan từ những năm 1930. Khi thiền sư Sokei chuẩn bị sang Mỹ hoằng pháp, một người bạn đã hỏi ông,“Làm sao ông giáo huấn được những kẻ không biết gì đó?” Ngài Sokei trả lời: “Tôi giáo huấn họ bằng sự Im lặng”. Thiền sư mất vào tháng 5 năm 1945.
Bài này trích trong The Zen Eye (Con Mắt Thiền) là tổng hợp các bài giảng về Thiền của Thiền sư.
Trong Dighannikaya (Trường Bộ Kinh), cổ kính lâu đời nhất của Phật giáo, có nói về quan điểm của Đức Phật – niềm tin của chính Ngài.
Đức Phật trong những ngày cuối đời, khoảng 80 tuổi, đi về thành Kusinara, nơi Phật sẽ nhập Niết Bàn. Ở mảnh đất khô cằn đó, Ngài đã không thể giữ được 1250 đệ tử ở lại với Ngài, vì thế Ngài khuyên họ giải tán và tự đi kiếm sống. Sau đó Ngài đi đến vùng cây sala ở Kusinara với Ananda, vị đệ tử trung thành của Ngài.
Ngài Ananda bèn hỏi Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn, sao Thế Tôn không tụ họp các đệ tử lại để giảng cho họ nghe bài Pháp cuối cùng?”.
Đức Phật trả lời: “Ta đã nói cho họ nghe tất cả Pháp của ta, và đã nói cho họ nghe tất cả những kinh nghiệm ta đã trải qua. Nhưng nếu họ không có kinh nghiệm tự thân, thì họ không thể nghe đặng lời của ta. Ta đã Giác Ngộ, ta đã đạt đạo. Họ cũng phải làm như ta. Ta không muốn nói với họ về những kinh nghiệm của riêng ta để họ giữ mãi bên mình, cho lợi ích của riêng ta. Có lần ta đã nói với họ về kinh nghiệm của mình và thế là đủ. Sao phải tụ hội họ lại để làm mất đi thời gian tu tập để đạt Giác Ngộ của họ? Những lời ta nói để họ hiểu, ta đã nói sao phải lặp lại lần nữa?”
Nếu bạn đã kinh nghiệm về vấn đề gì đó, thì khi người khác nói về kinh nghiệm của họ, bạn sẽ hiểu ngay. Nhưng nếu bạn chưa từng kinh qua một điều gì đó, thì dầu người khác có nói bao nhiêu lời, bạn cũng sẽ khó thấu hiểu.
Trong Phật giáo, hành giả phải tự mình tu tập, tự mình thực hành để khai sáng trí tuệ, để tự giải đáp cho mình những thắc mắc về cuộc đời, thiên nhiên, vũ trụ. Còn đâu thì giờ để nói về kẻ khác.
Vì thế, người ta đã cho rằng Phật giáo có thái độ ích kỷ, chỉ lo tu cho riêng mình - không để ý đến những đau khổ của người khác. Và kết tội các nhà sư luôn sống ẩn dật trong các nơi rừng núi hẻo lánh, không để ý đến cuộc sống ở thế giới bên ngoài.
Ngày nay, ở Nhật một số tu sĩ Phật giáo cũng bắt chước theo Thiên Chúa giáo dạy kinh điển cho trẻ con vào ngày Chủ Nhật. Số khác vẫn duy trì truyền thống cũ - không có những hoạt động bên ngoài xã hội.
Tông phái của tôi, Thiền tông, rất thụ động. Chúng tôi bận rộn với việc tu học để giác ngộ mình trước, rồi nếu còn thì giờ sau đó, chúng tôi mới giúp người khác như một cách để báo ân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng tôi coi việc tu truyền Phật giáo như là một cách để báo ân vì đã được uống “nguồn sữa của Pháp”.
Giống như đứa bé đang đói, hành giả được uống nguồn sữa đạo luật từ vị Thầy của mình. Hành giả tự nuôi dưỡng thân tâm mình nhu thế, và tự mở mắt ra để nhìn thấy được những luật chân thật của vũ trụ, thiên nhiên và con người. Nhờ thế khi bước chân vào đời, hành giả không cảm thấy sợ hãi, bối rối, không thấy nghi ngại cuộc đời mình đang sống. Hành giả đầy tự tin. Đối với hành giả hình như thế giới bên ngoài không có bóng tối và thế giới bên trong thì rõ ràng, phân minh. Chúng ta mang ơn Thầy, vị Thầy Giác Ngộ Đức Phật Ca Mâu Ni, vì thế hành giả phải làm gì đó để báo ân Thầy. Truyền pháp cho người khác cũng là một cách để báo ân -không phải vì những mục đích khác như tiền bạc, danh lợi - hành giả chỉ báo ân trong khả năng của mình. Nếu không có nhân duyên để báo ân, hành giả cũng chỉ chờ chúng đến. Vì thế, nếu có ai đến với tôi, tôi sẽ dựa vào nhân duyên đó mà báo ân cho Phật.
Chúng ta hy vọng có thể truyền thừa những điều Phật dạy được lâu dài - qua những kiếp người và còn xa hơn nữa trong tương lai. Nhưng chúng ta không thể tạo ra sự giác ngộ cho người khác. Tôi không thể ăn giùm cho bạn. Đôi khi chúng ta băn khoăn không biết phải làm gì, truyền dạy điều gì, kêu gọi Phật tử như thế nào - nhưng tất cả những sự lo âu đó đều là vô ích. Hành giả chỉ cần quán tưởng và thực hành, và nếu có thì giờ thì hành giả báo ân thêm chút nữa. Nếu không có nhân duyên thì chỉ việc chờ đợi. Đó mới chính là quan niệm của các bậc thầy cũng như của người tu học chân chánh. Không cần thiết phải làm gì hơn thế nữa. Không cần thiết phải “quảng cáo” về sự Giác ngộ của chính mình, của quý thầy. Không cần phải chỉ trích ai hay chê bai chỗ này, chỗ kia. Hành giả chỉ cần giữ tâm mình cho sáng. Nếu vị thầy có được lòng tin đúng đắn và có khả năng giúp bạn hiểu được đạo một cách chân chính, đó là tất cả những gì bạn cần - rồi bạn sẽ đi đến đích thôi.
(Trích Dịch theo The Zen Eye, NXB Weatherhill)
06 NGÔI NHÀ THỰC SỰ CỦA CHÚNG TA
Ajahn Chah Subatto
Ajahn Chah Subatto (1918-1992) đa tu theo dòng thiền Theravada. Thiền sư đã sống một cuộc đời đơn giản trong rừng Thái Lan hơn 70 năm.
Ngay chính Đức Phật, với bao công đức tích tụ từ vô lượng kiếp, cũng không tránh khỏi cái chết. Cuối đời, Ngài đã từ bỏ thân này, thoát khỏi gánh nặng xác thân. Ta cũng nên tự bằng lòng với bao nhiêu năm nương dựa vào thân mình. Ta cần thấy đủ.
Ta có thể so sánh thân mình với vật dụng trong nhà mà ta đã xài bao nhiêu năm - ly, chén, muỗng, nĩa, v.v... Khi mới được sắm về chúng sạch bóng, nhưng giờ, sau khi đã được sử dụng quá lâu, chúng bắt đầu hư hao. Có cái sứt mẻ, cái lạc mất, những cái còn lại thì cũ kỹ; không giữ nguyên hình thể ban đầu, và đó là đặc tính của chúng. Thân thể của ta cũng thế. Nó luôn luôn biến đổi kể từ lúc ta chào đời, rồi lớn lên, trưởng thành, và già đi. Ta phải chấp nhận điều đó. Đức Phật bảo mọi duyên hợp, dù là duyên hợp bên trong, ở thân, hay ở ngoài, tất cả đều không phải là ngã - đặc tính của chúng là vô thường, luôn biến đổi. Hãy quán chiếu tư duy này cho đến khi ta thật rõ ràng.
Các bộ phận trong cơ thể ta đang bị hoại diệt, đó là saccadhamma. Sự thật về thân thể là saccadhamma, và đó là giáo lý bất biến của Đức Phật. Đức Phật dạy ta phải chăm sóc cho thân thể, để sống hoà hợp với nó, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đức Phật dạy rằng dù thân ta có bị giam cầm, nhưng đừng để tâm hồn ta cùng bị trói buộc theo nó. Giờ đây khi cơ thể của ta bắt đầu suy yếu, hoại diệt với tuổi tác, hãy chấp nhận điều đó, nhưng chớ để tâm ta cũng bị hủy hoại, suy yếu theo. Hãy tách biệt thân và tâm. Hãy tăng thêm sức mạnh cho tâm bằng cách nhận ra tính cách vô thường của mọi vật. Đức Thế Tôn đã dạy đó là bản chất của thân. Không thể làm gì khác hơn. Sinh ra, lớn lên, già, bệnh rối chết. Đó là sự thật tuyết đối mà ta phải chấp nhận. Hãy quán chiếu thân này với trí tuệ và nhận chân sự thật.
Ta không nên lo âu, vì đây không phải là căn nhà thật sự của ta. Đây chỉ là một chỗ tạm trú. Tất cả mọi thứ trong căn nhà này sẽ biến mất. Nếu ta nhận biết điều đó, tâm ta sẽ được an lạc.
Ta đã sống một thời gian dài. Mắt đã được nhìn bao nhiêu cảnh vật, màu sắc, tai đã nghe được bao âm thanh, và ta đã có bao nhiêu là kinh nghiệm sống. Vâng, tất cả tóm lại cũng chỉ là thế - chỉ là kinh nghiệm. Ta đã thưởng thức bao nhiêu miếng ngon, và miếng ngon cũng chỉ là miếng ngon, không có gì hơn. Miếng dở, cũng chỉ là miếng dở. Tất cả chỉ có thế. Nếu mắt đã được nhìn bao cảnh đẹp, thì cảnh đẹp cũng chỉ là cảnh đẹp, cũng như ngược lại. Tai đã nghe bao điệu nhạc du dương, thì cũng chỉ thế. Mà tiếng động chói tai thì cũng chỉ có thế.
Đức Phật dạy rằng, giàu, nghèo, già, trẻ, con người hay động vật, không có gì trên thế gian này có thể giữ nguyên hình thể của mình trong một thời gian dài; mọi vật đều thay đổi và biến hoại. Đó là một khía cạnh cuộc đời mà ta không thể làm gì thay đổi được. Tuy nhiên Đức Phật cũng dạy điều chúng ta có thể làm được là quán chiếu thân và tâm để nhìn ra tính vô ngã của chúng, để thấy rằng không phải thân cũng chẳng phải tâm là ‘cái tôi’ hay ‘cái của tôi’. Chúng chỉ là phương tiện vật chất. Giống như ngôi nhà này: trên danh xưng là của ta, nhưng ta không thể mang nó đi theo đâu cả.
Cũng thế đối với của cải, sở hữu, người thân của ta - tất cả là của ta cũng chỉ trên danh xưng, chúng không thực sự thuộc về ta, chúng thuôc về thiên nhiên. Sự thật đó không chỉ dành riêng cho ta, mà cho tất cả mọi người, ngay cả Đấng Giác Ngộ và các đệ tử cùa Ngài cũng thế. Họ chỉ khác chúng ta ở chỗ biết chấp nhận sự vật như chúng là như thế. Họ nhận biết rằng không thể có cách nào khác hơn.
Đức Phật dạy ta phải quán sát lại thân này từ gót chân lên tới tận đỉnh đầu, rồi trở lại gót chân. Hãy quán sát thân. Ta thấy được những gì? Có gì thực sự sạch sẽ trong đó không? Có gì lâu bền không? Cả thân ta đang thoái hóa dần và Đức Phật dạy ta phải nhận biết rằng nó không thuộc về ta. Thân phải hoại, đó là điều tự nhiên vì tất cả mọi thứ do duyên hợp đều phải thay đổi. Đâu có thể khác hơn. Thật ra không có gì sai khi thân biến đổi như thế. Thật ra không phải thân tạo ra phiền não cho ta, mà chính là những sự suy nghĩ sai lầm, u mê của ta làm ta phiền não. Khi ta nhìn cái đúng ra sai, thì chắc chắn phải có sự đảo lộn.
Sự chú tâm của ta càng kiên định để có thể đối đầu với những cảm giác đau đớn dấy khởi, ta càng thấy mệt nhoài. Khi bắt đầu cảm thấy mỏi mệt, hãy dừng mọi suy nghĩ, để tâm có thể định tĩnh, và chuyển sự chú tâm vào hơi thở. Hãy thầm niệm: Nam mô - Nam mô. Hãy buông bỏ ngoại cảnh. Đừng nghĩ tưởng đến con cái, người thân ta, đừng nghĩ tới gì hết. Hãy buông bỏ. Hãy điều tâm về một chỗ, và để tâm định tĩnh trú ngụ vào hơi thở. Hãy để hơi thở là đối tượng duy nhất của tri thức. Hãy tập trung cho đến khi tâm dần trở nên tĩnh lặng, cho đến khi mọi cảm thọ đều không còn là trở ngại, và nội tâm trở nên sáng suốt, đầy tỉnh thức. Khi đó các cảm giác đau đớn khó chịu có dấy khởi thì chúng cũng tự tan lắng.
Sự thật là ta không thể tìm ra tự Ngã ở đâu. Chỉ có các cảm thọ dấy khởi, rồi qua đi, rồi dấy khởi, theo bản chất của chúng. Đó là bản chất của vạn vật, nhưng ta cứ bắt chúng phải thường hằng. Thật là khờ dại.
Hãy buông xả, hãy buông bỏ mọi thứ- trừ trí tuệ. Trong khi thiền định, nếu trong tâm ta dấy lên những cái thấy, những cái nghe, thì đừng để chúng dẫn dắt ta theo chúng. Hãy buông bỏ chúng. Đừng bám víu vào gì cả. Chỉ trú trong sự tỉnh thức trong tinh thần bất nhị nguyên. Đừng lo lắng về quá khứ hay cho tương lai. Hãy ngồi yên và ta sẽ đến được nơi không có sự tiến tới, hay thoái lui, không có sự ngưng nghỉ, không có gì để bám víu, nắm bắt. Tại sao? Bời vì không còn có cái ngã, không có ‘cái tôi’ hay ‘cái của tôi’ nữa. Tất cả đều đã lặng.
Đức Phật dạy chúng ta phải buông xả hết mọi thứ bằng cách đó, không mang theo thứ gì với chúng ta. Muốn đạt đạo, hãy buông xả.
Hành pháp là con đường đưa ta thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, là việc ta phải tự mình thực hiện. Vì thế hãy cố gắng buông bỏ và học hỏi pháp. Hãy dốc mọi tâm lực vào việc tu tập thiền định. Đừng lo âu về người thân của ta. Hiện tại họ là họ, trong tương lai họ sẽ giống như ta thôi. Không có ai trên thế giới này thoát ra khỏi số phận đó. Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ mọi vật có tính cách vô thường. Nếu buông bỏ được chúng, ta sẽ thấy được sự thật. Nếu không, ta sẽ mãi bị u minh che mờ. Chỉ có như thế và đối với ai cũng thế. Vì thế đừng nên lo âu và đừng bám víu gì.
Đó là công việc ta phải tự gánh vác, không ai có thể làm thay cho ta. Trách nhiệm duy nhất của ta hiện thời là quán sát tâm và mang lại an bình cho tâm. Hãy để mọi thứ khác cho ngưòi khác lo. Hình thể, âm thanh, hương thơm, mùi vị - hãy để chúng cho người khác quan tâm. Hãy bỏ chúng lại đằng sau và lo thực hiện công việc của ta, làm tròn trách vụ của ta. Bất cứ vọng tưởng nào dấy khởi trong tâm ta - dù là lòng sợ đau đớn, sợ chết, lo lắng cho người thân hay gì đi nữa - hãy nói với chúng, “Đừng quấy phá tôi. Các người không còn là mối quan tâm của tôi nữa”. Hãy tiếp tục tự nhủ như thế khi ta thấy các vọng tưởng phát sinh.
Ước muốn được sống thật lâu làm ta đau khổ. Nhưng ước rằng ta được chết ngay hay chết nhanh chóng cũng không phải là đúng. Các duyên nghiệp không tùy theo ý chúng ta, chúng có luật lệ riêng của chúng. Ta có thể tô điểm, làm sạch đẹp cho thân trong một khoảng thời gian ngắn, như cô gái trẻ tô son, đánh móng tay, nhưng khi tuổi già đến, mọi người có khác gì nhau. Đó là bản chất của thân, ta không thể làm khác được. Nhưng cái chúng ta có thể làm là phát triển tâm, thanh tịnh hóa tâm.
Ngay khi vừa được sinh ra, chúng ta đã chết. Sinh và tử chỉ là một. Giống như một thân cây: khi có rễ, phải có các cành non. Khi có các cành non, phải có rễ. Ta không thể có thứ này, mà không có thứ kia. Thật buồn cười khi chứng kiến cảnh con ngưòi đau khổ tột cùng, sợ hãi, thất thần, buồn thảm khi có người thân chết và mừng vui, hạnh phúc lúc họ được sinh ra. Thật ra theo tôi nghĩ, nếu cần khóc ta khóc lúc sinh ra đời. Vì sinh thực ra là tử, và tử là sinh, rễ là cành lá, cành lá là rễ, nếu cần khóc hãy khóc từ lúc bắt rễ, khóc lúc mới chào đời. Hãy nhận cho rõ: không có sinh, không có tử, chúng ta có thể hiểu điều đó không?
Ta không cần phải lo âu về bất cứ điều gì, vì đây không phải là căn nhà thực sự của ta, nó chỉ là một chốn tạm dùng. Dầu muốn, dầu không, ta đã có mặt ở trong cõi đời, vậy hãy quán chiếu về bản chất của cuộc đời. Tất cả mọi vật hiện hữu ở đây phút hiện tại, đều sẽ biến mất, hủy diệt. Hãy quán sát thân ta. Có bộ phận nào còn giữ nguyên hình thể lúc ban đầu? Da ta có giống như xưa không? Và tóc? Đã đổi thay rồi phải không? Những cái xưa cũ, đã biến đi đâu? Đó là luật tự nhiên, đó là bản chất của sự vật. Khi duyên hợp tan, chúng biến mất. Không có gì trên thế giới này đáng để ta dựa vào - đó là một vòng luân hồi không dứt của phiền não, khổ đau, sung sướng và đau đớn. Không bao giờ có sự bình an.
(Theo Our Real Home, Tricycle 1997)
07 CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
Sri Swami Rama
Swami Rama (1925 – 1996): Được sinh ra ở miền Bắc Ấn Độ trong một gia đình người Bà La Môn, ở một ngôi làng nhỏ có tên là Toli, trong vùng Hy Mã Lạp Sơn. Từ nhỏ Ngài đã được giáo dục theo truyền thống Himalayas, là đệ tử của Ngài Madhavanada Saraswati. Dưới sự hướng dẫn của Sư phụ, Ngài đã đi du hành từ tu viện này đến tu viện khác và đã được thọ giáo với nhiều vị thánh, minh sư, kể cả vị đại sư của Ngài, người sống trong một vùng hẻo lánh của Tây Tạng. Sau nhiều năm tu tập trong các hang động ở Hy Mã Lạp Sơn, theo lời khuyên của sư phụ mình, Ngài đã đến các nước Tây phương để hoằng pháp, đặc biệt là ở Mỹ và Âu châu.
Cái chết cũng tự nhiên như sự sống, cũng đầy mầu nhiệm và huyền diệu như sự sống.
Chúng ta cần hiểu về cái Chết để biết Sống, ngược lại ta phải thông suốt về sự Sống, để hiểu về cái Chết. Chết không phải là sự cáo chung của cuộc đời, nó chỉ là sự gián đoạn của một dòng chảy. Cái Chết giống như là một bến đỗ, một trạm dừng, một nơi chúng ta xuống tàu để chuẩn bị cho một chuyến đi khác.
Nói thế không phải để làm giảm ý nghĩa của vấn đề sinh tử. Chúng ta đã sống như thế nào, nói cách khác đi là sự chọn lựa chuyến tàu để chúng ta bước chân lên, sẽ quyết định tâm trạng của chúng ta khi tới bến, sẽ là hành trang cho chuyến đi sắp tới của chúng ta. Có thể chúng ta đã chọn một con tàu bẩn thỉu, cũ kỹ, thay vì một con tàu sạch bóng, tối tân. Có thể chúng ta đã chọn một chuyến tàu đầy thú vui cám dỗ, với các cô gái nhảy, các trò chơi, với bao mời mọc của tiền tài và danh vọng. Chúng ta sẽ đau khổ biết bao khi phải rời chuyến tàu đó, nếu như ta đã bị dính mắc vào các thú vui hưởng thụ sắc dục. Mặt khác có thể chúng ta đã chọn một chuyến tàu chở ta qua bao nhiêu cảnh thiên nhiên đẹp đẽ bên đường, một chuyến tàu mà khi đỗ bến, chúng ta khoan khoái đứng dậy từ giã nó không quyến luyến.
Đừng dính mắc
Chỉ có thân xác, cái áo che cho tâm thức chúng ta khi sống ở đời, là bị hủy hoại. Tâm thức ta không hề bị hủy hoại.
Làm sao không buồn khi chúng ta phải mất đi những gì mình yêu thích ở cõi đời. Khi người thân ta mất, hãy thương xót, nhưng đừng để những đau khổ về sự mất mát kéo dài đến suốt cuộc đời. Quá đau khổ là u mê. Vì sự mất mát, cái chết là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, ở nhiều tôn giáo, nhiều tập quán văn hóa đã đề ra thời gian dành cho tang chế. Thí dụ, người Do Thái tỏ lòng thương tiếc người chết bằng cách ở trong nhà suốt bảy ngày, họ không ra đường trừ khi có việc khẩn cấp. Họ không cạo râu, không cắt tóc hay mặc đồ mới. Họ còn không được ngồi trên ghế hay mang giày. Trong bảy ngày này, họ chiêm nghiệm về sự đau khổ của mình.
Chúng ta đau khổ vì sự ra đi của người thân và lo sợ cho chính cái chết của mình. Kiếp con người là một vòng luân hồi của đến và đi, của sinh và tử. Sự mất mát thân xác không phải là tất cả. Tâm vẫn tồn tại, vì thế đau khổ kéo dài quá hạn định là u mê. Nếu ta quá coi trọng sự mất mát, thì cái chết là một nỗi ám ảnh lớn lao, khủng khiếp đối với ta. Vì ta nghĩ cái Chết là sự tận cùng của tất cả. Là nỗi khổ đau khôn tả. Nhưng nếu chúng ta biết buông bỏ những gì đã qua, đã mất, dầu đó là của cải vật chất, hay thân bằng, quyến thuộc, và chỉ chú trọng vào sự trường tồn của Tâm thức thì cái Chết không còn đáng sợ nữa. Đó chỉ là một ngã rẽ, một sự thay áo. Hãy thương xót, nhưng chớ kéo dài quá lâu nỗi đau khổ. Lời khuyên này có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ mất mát khác: tình yêu, hạnh phúc gia đình, công việc làm, bạn bè, nhà cửa... Hãy đau khổ, nhưng rồi bước tới.
Sợ chết, nổi đau khổ vì chết chóc gây ra do ta bám víu vào những thứ bên ngoài chúng ta như thân xác, danh vọng. Ta luôn tìm cách sở hữu của cải, tình cảm... trong đời như một cách để phủ nhận cái Chết, để trốn tránh phải đối mặt với thực tại là cuộc đời này chỉ tạm bợ. Sự dính mắc, cái ý nghỉ là chúng ta không thể sống thiếu những thứ đó càng làm cho cái Chết trở nên thêm khủng khiếp. Trong khi tính cách vô thường sẵn có trong vạn vật, trong mọi tương quan tình cảm càng làm cho sự thay đổi, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Sự thay đổi, sự hủy hoại, mất mát... không làm con người thức tỉnh, trái lại còn làm họ thêm sợ. Họ sợ sự mất mát của thân xác, tư tưởng, của cải, tương quan tình cảm. Chìa khóa để giải thoát khỏi những khổ đau này là buông bỏ mọi dính mắc.
Thuyết Tứ Diệu Đế của Đức Phật đã dạy chúng ta rằng chính lòng ham muốn khiến chúng ta sợ hãi, khổ đau, người không ham muốn sẽ không đau khổ, bớt sợ hãi.
Bám Víu Vào Ngoại Cảnh
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được huân tập là Hạnh phúc được đo lường bằng những của cải, những tương quan tình cảm mà ta có thể sở hữu được. Nên khi vật chất bị đánh mất, liên hệ tình cảm thay đổi, con người trở nên khổ đau. Chúng ta đã gắn chặt mình với những hình ảnh, tình cảm nào đó, nên chúng ta đau khổ khi mất chúng. Chúng ta nghĩ thân xác này là “ta” nên ta đau đớn khi nó bịnh hoạn, già nua hoặc khi nhìn người khác bịnh hoạn, già nua, chúng ta cũng thấy đau khổ.
Đau khổ là dấu hiệu của sự mất thăng bằng trong đời sống. Sự đau khổ khi mất mát của cải vật chất, thay đổi tình cảm, hư hoại cơ thể, nói với ta điều gì? Có thể đơn giản đó là bản chất của cuộc đời. Chúng ta có mặt ở cõi đời, đấu tranh, giành giựt để đạt được những gì ta nghĩ là ta cần có, và đau khổ trên con đường tìm kiếm chúng. Hết chuyện. Nhưng thật vô nghĩa nếu cuộc đời chỉ có thế. Nếu bạn cảm thấy đau ở chân, cái đau báo cho bạn biết chân bạn bị nhiễm trùng, bạn có chỉ rùng vai rồi nói: "Ồ, đời là vậy mà. Có chân, thì phải đau". Nếu thế, sự nhiễm trùng sẽ lan tràn cơ thể, làm chúng ta mất mạng sống. Như thế thật vô lý. Con người sẽ biết cái đau đã báo hiệu một bộ phận nào đó bị thương tổn, cần được chữa trị. Con người sẽ biết cái đau là một vấn đề cần được giải quyết. Cũng thế, những đau khổ trong cuộc đời có lẽ là dấu hiệu cảnh báo với chúng ta rằng cách chúng ta cảm nhận về của cải vật chất, liên hệ tình cảm, tư duy, thân thể... không đúng.
Chúng ta bị lệ thuộc vào của cải vật chất, con người, tình cảm, thân thể. Chúng ta tưởng chúng chính là ta, và bám víu vào chúng. Khi chúng bị hư hoại, hay mất mát, chúng ta cảm thấy đau khổ. Chính sự bám víu này, cùng với u mê, là nguyên do đưa đến sự sợ chết. Càng bám víu, ta càng sợ chết. Ai biết buông xả - biết rằng không có gì thuộc về mình, biết rằng thân chúng ta chỉ là một phương tiện - người ấy được giải thoát khỏi sự sợ hãi.
Thế nào là sự bám víu hay đồng hóa ta với điều gì đó? Bám víu có nghĩa là chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần có điều gì đó để hiện hữu. Đó là sự chấp ngã. Nói cách khác là ta nghĩ, "Tôi là người quan trọng, nên tôi cần có chiếc xe này. Chiếc xe này là của tôi, làm chủ chiếc xe này chứng tỏ là tôi giàu có, thành công ở đời, chiếc xe này giúp tôi xác định bản ngã của mình". Hay "Tôi cần người phụ nữ/người đàn ông này ở bên tôi. Không có người đó, tôi sẽ không thể có hạnh phúc với ai khác. Nếu người đó bỏ tôi, tôi sẽ chết mất, cuộc đời tôi sẽ mất hết ý nghĩa". Người ta còn bám víu vào cả một tư duy nào đó. Thí dụ, trong văn hóa Mỹ, từ nhỏ người ta đã giáo dục con cái là phải có thứ này, thứ kia mới là có một cuộc sống xứng đáng, một cuộc sống thành công. Mẫu cuộc đời đó là sinh ra, lớn lên có một gia đình hạnh phúc, sống trong những ngôi nhà gạch trắng, bao bọc bởi những vòng rào bằng hoa, có những đứa con thành đạt. Ước vọng của mọi người là làm sao để tậu được những căn nhà rộng lớn, có được hai chiếc xe, có được căn nhà thứ hai, thứ ba ở những nơi nghỉ dưỡng (resort), và được hưu trí sớm. Những ước vọng này đã được xã hội mớm cho họ, gầy mầm trong họ, và khi họ không đạt được những điều này, họ trở nên rất khốn khổ. Họ nghĩ là cuộc đời đã bạc đãi họ.
Đó là do chúng ta đã đồng hóa mình với ngoại vật. Ta đã tự vẽ ra mình, tự đồng hóa mình với những mẫu người sống trong các ngôi nhà sạch sẽ, sang trọng và có một cuộc sống hoàn hảo. Ta nghĩ đó mới chính là ta. Nhưng sự thật không phải thế. Đừng bám víu vào các hình ảnh này. Hãy sống như cuộc đời dẫn dắt, đưa đẩy chúng ta với những thăng trầm của nó.
Cũng thế, khi sân si, chúng ta nghĩ, "Tôi giận". Nói rằng, "Tôi giận" là tự đồng hóa mình với tình cảm giận, là nghĩ rằng tình cảm đó là chúng ta. Tình cảm không phải là chúng ta. Là con người, chúng ta có khả năng giận dữ, có cảm thọ giận nhưng tất cả các cảm thọ đó không phải là chúng ta. Cũng thế, thân chúng ta không phải là chúng ta. Chúng ta có thân. Chúng chỉ là phương tiện. Ta nói: “Tôi cao thước sáu. Tóc đen. Da trắng". Nhưng đó không phải là chúng ta. Vậy mà có ai chê gì về dáng vẻ bề ngoài của ta, thì ta thấy đau khổ. Chúng ta hỏang sợ khi nhận ra cơ thể của chúng ta trở nên già nua, chậm chạp. Hầu hết chúng ta đều bám víu vào thân, đồng hóa thân này với ta. Do đó ta trở nên sợ hãi khi nghĩ đến mất thân, tức là mất đi cá thể và sự hiện hữu của mình. Bao giờ còn chưa thức tỉnh, chúng ta còn sợ hãi cái chết. Chúng ta còn là nô lệ của sự sợ hãi.
Cũng thế, ai càng bám víu vào của cải vật chất, nhà cửa, quần áo, nữ trang, tiền bạc, người đó càng sợ mất chúng. Vì họ tự đồng hóa với chúng, nghĩ rằng chúng mang đến cho họ sự hãnh diện, ý nghỉa trong cuộc sống. Lại có người bám víu vào người khác. Họ đồng hóa tình cảm gắn bó với họ. Họ sợ cái chết sẽ cướp mất đi tình cảm đó. Họ sợ cái chết của người họ thương cũng vì lý do đó.
Để giải thoát khỏi những khổ đau, ta đừng bám víu vào thân, của cái vật chất hay người khác. Ta cần phải nhớ rõ điều này. Việc giảm bớt dần, rồi đi đến chỗ dứt bỏ hẳn những bám víu đó, không có nghĩa là chúng ta phải quay lưng lại với cuộc đời, từ bỏ hết những niềm vui trong cuộc sống, làm cho cuộc đời chúng ta nghèo nàn, mất ý nghĩa sống. Trái lại là khác. Khi không vướng mắc, bám víu vào thứ gì, cuộc đời ta sẽ thêm ý nghĩa, sẽ hạnh phúc hơn. Ta sẽ biết cho, biết nhận và cởi mở hơn với tất cả. Bám víu có nghĩa là nắm chặt, giữ lấy, không buông thả. Nên khi cái Chết đến, tất cả những sự nắm giữ sẽ bị giằng ra khỏi tay ta. Càng nắm chặt, sự giằng co, xé rời càng dữ dội. Nỗi đau càng bội phần. Nếu chúng ta đi qua cuộc đời với hai bàn tay mở rộng, không nắm giữ, thì dầu cái Chết có đến, chúng ta cũng sẽ ung dung tự tại, không luyến tiếc, níu kéo gì.
Tuy nhiên, không phải tự dưng một buổi sáng thức dậy là chúng ta có thể buông xả hết mọi vướng mắc. Cần phải tu tập cả đời. Cần phải thức tỉnh từng giây phút mới làm được việc đó vì có biết bao quyến rũ, cám dỗ trong cuộc đời để chúng ta lại rơi vào sự dính mắc.
Ngã Vào Đời
Chết có phải là sự tận cùng của cuộc đời? Có phải tử thần là ma vương nấp trong bóng tối, rình mò để bất chợp phủ chụp chúng ta không báo trước?
Theo triết lý Đông phương, Chết không phải là sự tận cùng của đời sống. Cơ thể ta ngưng hoạt động, các duyên hợp (trong không gian và thời gian) tan rã. Nhưng tâm thức không mất. Hiểu như thế thì cái Chết không quá đen tối, khủng khiếp. Cái Chết cũng tự nhiên như sự Sống, cũng diệu kỳ và tốt đẹp như nhau. Tử cũng như Sinh đều dẫn đến sự sống, sự phát triển. Nhìn dưới khía cạnh đó, con người do duyên hợp (trong không gian và thời gian) vì một nhân duyên nào đó. Giống như khi trồng trọt ngoài đồng, phải đợi đúng lúc, đúng nơi để gieo mầm, cấy hạt. Nhưng khi xong việc rồi, không có lý do gì để nấn ná ngoài ruộng. Rồi đến giai đoạn chờ đợi cho hạt nẩy mầm, lớn lên. Lúc lúa đã chín, cây đã cao, ta lại ra đồng vì một mục đích khác, ở một thời điểm khác. Cuộc đời con người cũng thế. Chúng ta sinh ra để sửa soạn, bón phân cho một mảnh đất vào một thời điểm nào đó, rồi lại ra đi, chờ khi đến mùa gặt hái lại trở về.
Người ta có thể nói về cuộc đời con người như một căn duyên, một năng lực, một kết hợp của không gian, thời gian. Nguồn năng lực đó không thể bị hủy diệt, nó chỉ có thể được luân chuyển. Con người đến ở một khoảng thời gian, không gian nào đó, rồi lại ra đi, đến một nơi khác. Triết lý phương Đông cho rằng nghiệp lực của con người dẩn dắt họ đi từ nơi này đến nơi khác, vì mục đích này hay mục đích khác, trong khoảng thời gian này hay khoảng thời gian khác.
Dù ít, dù nhiều, Chết vẫn là mối đe dọa của chúng ta. Giây phút từ giã cuộc đời là giây phút trọng đại, khi con người chiếu rọi lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình trong giây phút cuối: tất cả tình cảm, kỷ niệm, việc làm của cả một đơi người được cô đọng lại, tạo thành một lực dẫn dắt ta đi. Năng lực đó mạnh mẽ đến nỗi nó có thể tạo hình cho cuộc đời mới của ta. Chúng ta đã sống như thế nào cho tới giờ trước khi ra đi rất quan trọng.
Thử so sánh cái chết và giấc ngủ. Suốt ngày ta làm gì sẽ tác động đến giấc ngủ của ta. Nếu ta lên giường ngủ với bao hối tiếc, sợ hãi, bất mãn... thì giấc ngủ của ta sẽ bất ổn, và chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến cả ngày hôm sau. Những ước vọng chưa được thỏa mãn của ngày hôm trước sẽ ám ảnh ngày kế tiếp. Hay đúng hơn một ngày mới đã bị đánh mất vì những hồi tưởng của ngày vừa qua.
Trái lại nếu ta đi vào giấc ngủ với một tấm lòng thoải mái, tự tại, thì ngày hôm sau sẽ là một ngày mới đón chờ chúng ta. Hãy sống trọn vẹn cho ngày hôm nay và đừng vướng mắc. Ngày mai là chuyện của ngày mai. Mỗi ngày có nhiệm vụ và mục đích riêng của nó. Cũng vậy, con người đã sống một cuộc đời như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến giây phút lâm chung của họ thế ấy. Nếu cuộc đời một người chỉ toàn sống bằng sợ hãi, ám ảnh thì giây phút lâm chung sự sợ hãi còn tăng gấp vạn lần. Một người đã sống cuộc sống vô lề lối, thì cái chết cũng đến một cách vô lề lối. Một người không làm chủ đời mình, sống không có mục đích thì cái chết cũng không thể lường trước được.
Trái lại, một người đã sống cuộc đời nề nếp, kỷ luật, không bám víu vào gì, sẽ ra đi một cách thong thả. Như một người khách biết đã đến lúc phải chia tay. Mục đích của cuộc đời họ đã đạt. Họ thản nhiên ra đi, biết rằng thực tại ở bên trong họ vĩnh hằng, không hề bị ảnh hưởng hay dao động bởi người khác, bởi vật chất của cuộc đời mà họ sắp giã từ.
Sống hay Chết cũng nằm trên vòng chuyển của bánh xe luân hồi. Hết vòng này lại đến vòng kia, nối tiếp nhau, không ngừng...
(Trích dịch từ SACRED JOURNEY:
LIVING PURPOSEFULLY AND DYING GRACEFULLY)