Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

 

Chương Mười Ba
Chính niệm (Sati)


Chính niệm là chữ dùng để dịch chữ sati trong tiếng Pali. Sati là một sinh hoạt. Nhưng thật ra nó là gì? Ta không thể có một câu trả lời chính xác, ít nhất là không thể bằng văn tự. Văn tự được thành lập trên bình diện những biểu tượng của tâm thức, vì vậy chúng được dùng để diễn tả những thực tại nào có liên hệ đến những suy nghĩ có tính cách biểu tượng. Chính niệm là tiền biểu tượng, có nghĩa là nó có trước khi có biểu tượng. Nó không bị trói buộc bởi lý luận. Nhưng dù vậy, chính niệm vẫn có thể kinh nghiệm được - một cách rất dễ dàng - và nó cũng có thể diễn tả được, nếu ta nhớ rằng ngôn ngữ chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Tự chúng không phải là mặt trăng. Kinh nghiệm thật sự của ta nằm ngoài ngôn ngữ và các biểu tượng. Người ta có thể giải nghĩa chính niệm bằng những danh từ hoàn toàn khác hẳn với những gì chúng ta sử dụng ở đây, và như vậy vẫn có thể đúng.

Chính niệm là một tiến trình rất vi tế mà bạn đang sử dụng ngay trong giây phút này. Sự thật rằng tiến trình này vượt ra ngoài và bên trên ngôn ngữ, không có nghĩa là nó không có thật - mà ngược lại. Chính niệm là một thực tại làm phát sinh ngôn ngữ - và những ngôn ngữ ấy thật ra chỉ là một bóng dáng lờ mờ của nó. Vì vậy, điều quan trọng chúng ta cần nhớ là những điều theo sau đó, chỉ là những bóng dáng tương tự của thực tại mà thôi. Ta sẽ không thể nào thấy và hiểu nó hoàn toàn được. Thực tại bao giờ cũng nằm ngoài những suy luận bằng lý trí. Nhưng có điều là ta có thể kinh nghiệm được nó. Phương pháp thiền quán vipassana, mà đức Phật đã chỉ dạy hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, là những bài tập tâm thức có mục đích giúp ta kinh nghiệm được một trạng thái chính niệm miên mật, không gián đoạn.

Khi bạn mới nhận biết một điều gì, thoạt tiên sẽ có một khoảnh khắc của sự nhận diện đơn thuần thoáng qua rất nhanh, ngay trước khi bạn bắt đầu lập ý niệm về vật ấy, trước khi bạn định nghĩa nó. Đó chính là một trạng thái tỉnh thức. Thông thường thì trạng thái này rất ngắn ngủi. Nó là một giây phút chớp nhoáng, khi bạn mới vừa để mắt nhìn vào một vật, khi bạn mới chú tâm vào nó, trước khi bạn định nghĩa và đặt tên cho nó, cô lập và tách rời nó ra khỏi phần còn lại của thực tại. Nó xảy ra trước khi bạn bắt đầu suy nghĩ về sự vật ấy - trước khi tâm bạn nhận định: “Ồ, đó là một con chó.” Giây phút chú tâm nhẹ nhàng của một ý thức đơn thuần ấy chính là chính niệm.

Trong giây phút chớp nhoáng này, bạn kinh nghiệm sự vật không như là một sự vật. Bạn kinh nghiệm một sự trôi chảy nhẹ nhàng của một kinh nghiệm thuần túy, đan kết vào với thực tại, chứ không hề có mặt riêng rẽ. Chính niệm cũng giống như một cái thấy toàn diện, so với một cái nhìn tập trung nhỏ hẹp và bị giới hạn. Và cái thấy của chính niệm có tàng chứa một tuệ giác sâu sắc ấy sẽ biến mất ngay khi bạn thu nhỏ tâm mình lại, đối tượng hóa và biến nó trở thành một sự vật. Trong tiến trình nhận thức bình thường của ta, bước chính niệm đầu tiên này rất là ngắn ngủi, gần như là không thể nào thấy được. Và trong những bước kế tiếp, chúng ta có thói quen hoang phí sự chú ý của mình vào những việc như là tìm hiểu nó, đặt tên cho nó, và hơn hết, tạo nên một chuỗi ý tưởng đầy những biểu tượng về nó. Giây phút chính niệm ban sơ kia trong phút chốc đã tan biến mất. Và mục đích của thiền quán là giúp ta có thể kéo dài được giây phút chính niệm ấy.

Khi giây phút chính niệm này được kéo dài, bằng sự thực tập, bạn sẽ thấy nó rất sâu sắc, và có thể thay đổi được hoàn toàn quan điểm của mình về cuộc sống. Nhưng trạng thái đó cần phải được học hỏi, và cần có một sự thực tập thường xuyên. Một khi bạn đã học được rồi, bạn sẽ thấy rằng chính niệm có rất nhiều khía cạnh thú vị.

Những đặc tính của chính niệm


Chính niệm là một tấm gương soi thực tại. Nó phản ảnh những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại này, đúng thật như là đang xảy ra. Không có thiên kiến.

Chính niệm là một sự quán sát không phán xét. Nó là một khả năng quán sát nhưng không phê bình của tâm. Nhờ vậy, ta có thể nhìn sự vật mà không chỉ trích, không lên án. Không có một điều gì làm cho ta ngạc nhiên. Ta chỉ đơn giản quân bình chú ý vào sự việc như nó thật sự đang hiện hữu, trong trạng thái tự nhiên của nó. Ta không cần phải quyết định và cũng không phê phán. Chỉ quán sát. Khi tôi nói “không cần phải quyết định và cũng không phê phán” là có ý ví dụ thiền sinh với một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Ông ta quan sát đối tượng của mình dưới ống kính hiển vi mà không có một nhận thức, một thiên kiến nào trước, chỉ nhìn sự vật đúng như nó đang hiện hữu. Cũng bằng cách đó, hành giả quán sát những tính chất vô thường, vô ngã và bất toại nguyện của mọi hiện tượng.

Chúng ta không thể nào khách quan quán sát những gì đang xảy ra trong ta, nếu ta không cùng một lúc chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm mình. Điều này đặc biệt đúng đối với những tâm thức tiêu cực. Muốn quán sát nỗi sợ của mình, trước nhất ta phải chấp nhận là mình sợ hãi. Chúng ta không thể nào khám xét được nỗi khổ của ta, nếu ta không chịu chấp nhận nó trọn vẹn. Và đối với những nhức nhối, buồn lo, bực tức, và tất cả những cảm thụ bất an khác cũng vậy. Chúng ta không thể nào quán sát được một sự việc gì trọn vẹn, nếu ta cứ bận rộn chối bỏ sự có mặt của nó. Bất cứ một kinh nghiệm nào đang có mặt trong ta, chính niệm sẽ chấp nhận nó. Nó chỉ đơn giản là một sự kiện khác của cuộc sống, thêm một việc nữa để ta có ý thức. Không tự hào, không mặc cảm, không có gì là cá nhân - cái gì có mặt thì nó có mặt.

Chính niệm là một sự quán sát vô tư. Nó không thiên vị một bên nào. Nó không bị dính mắc vào những gì nó nhận thức. Nó chỉ đơn thuần nhận thức. Chính niệm không bị những trạng thái tốt đẹp làm mê đắm, và cũng không tránh né những trạng thái xấu xa. Không nắm bắt những gì dễ chịu, cũng không xua đuổi những gì khó chịu. Chính niệm đối xử với tất cả mọi kinh nghiệm đều bình đẳng như nhau, mọi tư tưởng bằng nhau, và mọi cảm thụ cũng bằng nhau. Không có gì được đưa lên, không có gì bị đè xuống. Chính niệm không có sự thiên vị.

Chính niệm là một ý thức không cần khái niệm. Một cách khác để diễn tả chính niệm là “sự nhận diện đơn thuần.” Nó không phải là suy nghĩ. Nó không có liên quan gì đến tư tưởng hoặc khái niệm. Nó không dính líu gì đến ý tưởng, ý kiến hoặc ký ức. Nó chỉ nhìn và quán sát. Chính niệm ghi nhận hết những kinh nghiệm, nhưng không hề so sánh. Nó không dán nhãn hiệu hoặc phân loại chúng. Nó quán sát mọi việc như là chúng đang xảy ra lần đầu tiên. Đây không phải là một sự phân tích dựa trên ký ức và những suy tưởng. Mà đó chính là một kinh nghiệm trực tiếp và tức thì về bất cứ một điều gì đang xảy ra, không cần đến tư tưởng. Chính niệm có mặt trước tư tưởng trong tiến trình nhận thức.

Chính niệm là sự ý thức trong giây phút hiện tại. Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chính niệm quán sát những gì đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Nó vĩnh viễn ở trong giây phút hiện tại, lúc nào cũng đứng yên trên đầu những ngọn sóng thời gian đang lướt ngang qua. Nếu bạn nhớ về cô giáo dạy lớp mẫu giáo của mình, đó là ký ức. Khi bạn có ý thức rằng mình đang nhớ về cô giáo dạy lớp mẫu giáo, thì đó là chính niệm. Và nếu bạn nhận thức việc ấy và tự bảo thầm “Ồ, tôi đang nhớ,” thì đó là suy nghĩ.

Chính niệm là một ý thức không có một cái ngã. Nó xảy ra không cần đến một cái “tôi” nào hết. Với chính niệm, chúng ta nhìn mọi hiện tượng mà không cần phải cộng thêm những ý niệm như là “tôi” hoặc “của tôi”. Ví dụ, có một cái đau nơi chân. Bình thường, tâm bạn sẽ nói: “Tôi bị đau.” Với chính niệm, ta chỉ đơn giản ghi nhận cảm giác ấy như là một cảm giác. Ta sẽ không gắn thêm lên nó một ý niệm về một cái “tôi” dư thừa. Chính niệm ngăn chận không cho ta cộng thêm bất cứ một cái gì vào nhận thức của mình, hoặc bỏ bớt ra. Ta không nhấn mạnh một cái gì. Ta không tô đậm một cái gì. Ta chỉ quán sát những gì đang thật sự có mặt - không bóp méo.

Chính niệm là một ý thức về sự thay đổi. Nó quán sát dòng biến chuyển không dừng của mọi hiện tượng. Nó theo dõi sự vật trong khi chúng đang thay đổi. Chính niệm nhìn thấy được tiến trình sinh ra, lớn lên và già đi của mọi hiện tượng. Nó nhìn chúng tàn hoại và tiêu diệt. Chính niệm theo dõi sự vật trong từng giây phút, không gián đoạn. Nó quán sát tất cả mọi sự kiện - vật lý, tâm lý hoặc cảm thụ - bất cứ những gì đang có mặt trong tâm. Ta chỉ ngồi yên và xem một tấn tuồng đang diễn ra. Chính niệm nhìn thấy được tự tính căn bản của các hiện tượng đi ngang qua. Nó quán sát sự vật sinh khởi và diệt mất. Nó thấy được phản ứng và cảm xúc của mình đối với chúng. Nó nhìn thấy được những ảnh hưởng của chúng trên kẻ khác. Trong chính niệm, ta là một người quan sát vô tư, không thành kiến, với một công việc duy nhất là ghi nhận hết những gì đang đi qua thế giới nội tâm của mình.

Xin bạn ghi nhớ điểm chót ấy. Trong chính niệm, ta quán sát thế giới bên trong ta. Hành giả thực tập chính niệm không quan tâm gì đến thế giới bên ngoài. Mặc dù nó có đó, nhưng trong thiền tập chúng ta học khảo sát về những kinh nghiệm của chính mình, tư tưởng của mình, cảm thụ của mình, và nhận thức của mình. Trong thiền tập, tâm ta chính là phòng thí nghiệm. Thế giới bên trong ta có tàng chứa những dữ kiện rất phong phú, phản ảnh được hết thế giới chung quanh, và còn rộng lớn hơn thế nữa. Khảo sát những chất liệu này sẽ đưa ta đến giải thoát.

Chính niệm là một sự quán sát có tham dự. Hành giả vừa là người quán chiếu mà cũng vừa là người tham dự. Nếu ta đang theo dõi cảm thụ hoặc cảm xúc của mình, thì cũng cùng ngay trong lúc ấy, ta đang cảm nhận nó. Chính niệm không phải là một chức năng thuộc về tri thức. Nó chỉ thuần túy là một ý thức. Chính niệm rất vô tư và khách quan, nhưng không có nghĩa là nó dửng dưng hoặc lạnh lùng. Ngược lại, nó là một kinh nghiệm sống rất sinh động, một sự quán chiếu có tham dự trong quá trình của sự sống.

Chính niệm rất khó có thể nào diễn tả được bằng ngôn từ. Không phải vì nó quá phức tạp mà là vì nó quá đơn giản và rộng mở. Và đó cũng là một vấn đề chung trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nếu bạn để ý sẽ thấy rằng, những ý niệm cơ bản thường lại là những gì mà người ta khó lĩnh hội nhất. Thử mở một quyển tự điển Anh Việt ra và bạn sẽ thấy. Những chữ dài và phức tạp lại thường có những câu định nghĩa rất chính xác và rõ ràng. Trong khi những chữ căn bản như là “the” và “be” có thể lại có rất nhiều định nghĩa khác nhau, có khi dài đến cả trang. Trong khoa học vật lý cũng thế, những chức năng khó diễn tả nhất lại là những cái cơ bản nhất - ví dụ như những gì có liên quan đến cái thực tại cơ bản về lượng tử học (quantum mechanics). Chính niệm là một chức năng tiền biểu tượng, nó không cần đến biểu tượng. Bạn có thể tìm tòi, sử dụng những biểu tượng của ngôn ngữ cả ngày, và rồi bạn sẽ khám phá ra rằng mình không thật sự hiểu gì hết. Chúng ta không thể nào diễn tả được một cách trọn vẹn chính niệm là gì. Nhưng ta có thể nói được nó làm những gì.

Ba chức năng căn bản của chính niệm

Chính niệm có ba chức năng căn bản. Đó là:

1. Chính niệm nhắc nhở ta về những gì mình phải làm.

2. Chính niệm giúp ta nhìn sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu.

3. Chính niệm giúp ta thấy được thật tính của mọi hiện tượng.

Bây giờ chúng ta hãy nói chi tiết hơn về những chức năng này.

Chính niệm nhắc nhở ta những gì phải làm


Trong thiền tập, chúng ta đặt sự chú ý của mình vào một sự vật duy nhất. Khi tâm ta đi lan man ra khỏi đề mục này, chính niệm nhắc nhở tâm ta đang bị tản mác và ta cần phải làm gì. Chính niệm mang tâm ta trở về với đề mục thiền quán. Tất cả những điều đó xảy ra tức thì, không bằng ngôn từ. Chính niệm không phải là suy nghĩ. Công phu thiền tập lâu ngày sẽ giúp ta biến khả năng này thành một thói quen, và mang nó vào trong mọi lĩnh vực khác của đời sống. Một thiền sinh tinh tiến lúc nào cũng thực tập nhận diện đơn thuần đối với mọi sự việc xảy ra, ngày hay đêm, trong lúc ngồi thiền hay không ngồi thiền. Đây là một mục tiêu rất cao thượng mà chúng ta cần hướng đến, và nó có thể mất nhiều năm hoặc đôi khi phải đến mấy mươi năm. Thói quen dính mắc vào tư tưởng của ta cũng đã có gốc rễ rất lâu đời, không dễ gì bứng nhổ nó đi trong một sớm một chiều. Chỉ có một phương cách duy nhất là cứ kiên trì thực tập chính niệm cho thật miên mật. Khi ta có chính niệm, ta sẽ thấy được khi nào mình đang bị kẹt vào thói quen suy nghĩ. Nó sẽ giúp ta dừng lại và bước ra khỏi tiến trình suy nghĩ ấy, và ta có được tự do. Rồi chính niệm sẽ mang sự chú ý của ta trở về với đề mục chính. Nếu bạn đang ngồi thiền, bạn sẽ trở lại chú tâm đến đối tượng thiền quán. Nếu bạn không ngồi thiền, bạn chỉ cần áp dụng một sự nhận diện đơn thuần, thuần túy ghi nhận những gì đang khởi lên mà không để bị dính mắc: “À, cái này khởi lên... và rồi cái này, và cái này nữa... và bây giờ là cái này...”

Chính niệm vừa là sự nhận diện đơn thuần, vừa là chức năng nhắc nhở chúng ta nhận diện đơn thuần, mỗi khi ta lơ đễnh. Nhận diện đơn thuần là ghi nhận. Nó tự thiết lập lại chính nó bằng cách ghi nhận rằng mình không có mặt trong giây phút hiện tại. Vừa khi bạn ghi nhận rằng từ nãy giờ mình không ghi nhận gì hết, thì ngay chính lúc đó là bạn đã có sự ghi nhận, có nghĩa là bạn đã thiết lập lại chính niệm.

Chính niệm cũng có một cảm thụ riêng biệt của nó trong tâm thức. Nó có một vị riêng - nhẹ nhàng, trong sáng, nhiều năng lượng. Ngược lại, những tư tưởng bình thường khác có những tính chất nặng nề, cân nhắc, và khó khăn. Nhưng một lần nữa, bạn nên nhớ rằng những điều này cũng chỉ là ngôn từ mà thôi. Sự thực hành của chính bạn sẽ chỉ cho bạn thấy sự khác biệt ấy. Khi đó, bạn sẽ có thể giải thích bằng chính ngôn ngữ của bạn, còn những chữ nghĩa dùng ở đây chỉ là dư thừa, vô ích. Hãy nhớ, sự thực tập mới là vấn đề chính.

Nhìn sự vật đúng thật như đang hiện hữu


Chính niệm không thêm vào một cái gì, và cũng không bỏ ra bất cứ một cái gì. Nó là một sự nhận diện đơn thuần, chỉ nhìn xem cái gì đang có mặt. Ý nghĩ của ta thường tô điểm cho kinh nghiệm, chồng chất lên thêm những ý tưởng của mình, nhận chìm ta xuống cơn lốc xoáy của những lo âu, dự tính, sợ hãi và mơ ước. Khi có chính niệm, chúng ta sẽ thôi không làm những việc ấy nữa. Ta chỉ ghi nhận chính xác điều gì đang khởi lên trong tâm, và rồi ghi nhận cái kế tiếp. “À, cái này... và cái này... và bây giờ là cái này.” Điều đó rất đơn giản.

Thấy được thật tính của mọi hiện tượng


Chính niệm, và chỉ có chính niệm mới có thể nhận thức được rằng, ba đặc tính trong đạo Phật là ba sự thật sâu sắc nhất của hiện thực. Trong tiếng Pali, ba đặc tính đó là anicca (vô thường), dukkha (bất toại nguyện, khổ), và anatta (vô ngã - không có một thực thể độc lập, thường hằng và riêng rẽ) Nhưng những sự thật này trong đạo Phật không bao giờ được trình bày như là những giáo điều tuyệt đối, bắt ta phải mù quáng tin theo. Người học Phật cảm thấy những sự thật này rất là phổ biến và hiển nhiên cho bất cứ ai muốn khảo sát một cách đúng đắn. Chính niệm là phương pháp khảo sát đó. Chính niệm tự nó có đầy đủ năng lực để làm hiển lộ cái thực tại sâu kín nhất mà con người chúng ta có thể quán sát được. Dưới sự quán chiếu ấy, ta có thể thấy được những điều này:

a. Bản chất của mọi sự vật tồn tại có điều kiện là luôn luôn biến đổi.

b. Tất cả mọi việc trên thế gian này, xét cho cùng đều là bất toại nguyện.

c. Không có một thực thể nào thường hằng hoặc không thay đổi, chỉ có những tiến trình liên tục diễn ra mà thôi.

Chính niệm cũng giống như một kính hiển vi điện tử. Có nghĩa là nó tinh vi đến nỗi có thể giúp ta thật sự tiếp xúc trực tiếp được với thực tại mà ta chỉ biết qua lý thuyết về quá trình nhận thức của mình. Chính niệm có thể nhìn thấy được tính chất vô thường của mỗi nhận thức. Nó thấy được tính chất tạm thời và tự tính thay đổi của những gì nó tiếp xúc. Nó cũng thấy được bản chất bất toại nguyện của những sự vật nào vẫn còn tồn tại có điều kiện. Nó hiểu rằng, bám víu vào những vở tuồng tạm bợ này sẽ chẳng mang lại một lợi ích nào. Ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc bằng cách ấy. Và sau hết, chính niệm nhìn thấy được bản chất vô ngã trong tất cả mọi hiện tượng. Nó thấy được rõ rằng chúng ta đã chọn lấy một số nhỏ nhận thức hoặc tri giác nào đó, cắt đứt và tách lìa chúng ra khỏi dòng kinh nghiệm, rồi xem đó như là một thực thể riêng biệt và có bản chất thật sự. Chính niệm có thể thực sự nhìn thấy được những việc ấy. Nó không nghĩ về chúng, nó trực tiếp thấy chúng.

Khi chính niệm được tăng trưởng đầy đủ, ta có thể nhìn thấy được ba thuộc tính này của sự sống một cách trực tiếp và tức thời mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng. Thật ra, bản chất của ba thuộc tính ấy - vô thường, vô ngã và bất toại nguyện - cũng chỉ là một. Chúng không thể nào có mặt một cách riêng rẽ được. Sở dĩ có sự phân biệt ấy là do kết quả của một sự diễn đạt khó khăn, khi ta cố gắng diễn tả tiến trình chính niệm đơn giản này bằng những biểu tượng, ý tưởng đầy thiếu sót và rườm rà.

Chính niệm là một quá trình, nhưng nó không xảy ra theo thứ tự từng bước một. Chính niệm là một quá trình xảy ra trong một đơn vị trọn vẹn: ta ghi nhận rằng mình không có chính niệm; và sự ghi nhận ấy, tự chính nó là kết quả của chính niệm. Chính niệm là sự nhận diện đơn thuần; và nhận diện đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như nó thật sự đang hiện hữu, không thêm, không bớt, không bóp méo; và sự vật như nó thật sự đang hiện hữu chính là: anicca (vô thường), dukkha (bất toại nguyện) và anatta (vô ngã). Tất cả những điều đó chỉ xảy ra trong một vài sát-na, một khoảnh khắc của tâm thức. Nhưng việc ấy không có nghĩa là bạn sẽ lập tức đạt được giải thoát ngay sau khi mình mới vừa có chính niệm. Làm sao để mang chất liệu chính niệm ấy vào trong cuộc sống hằng ngày là một quá trình khác. Và học cách duy trì trạng thái chính niệm cho được dài lâu lại là một quá trình khác nữa. Nhưng đó là những quá trình rất là thú vị và hạnh phúc, chúng hoàn toàn rất xứng đáng với công sức của ta.

Chính niệm (Sati) và Thiền quán (Vipassana)


Chính niệm là trái tim của thiền quán và là chìa khóa của cả tiến trình ấy. Nó vừa là mục đích, vừa là phương tiện của thiền quán. Ta đạt đến chính niệm bằng cách tinh tiến giữ chính niệm. Một chữ Pali khác cũng được dịch thành chính niệm là appamada, có nghĩa là không lơ đãng hoặc sự vắng mặt của điên rồ. Một người lúc nào cũng chú ý đến những gì đang xảy ra trong tâm, sẽ đạt đến một trạng thái hoàn toàn an ổn và tốt lành.

Chữ sati trong tiếng Pali cũng có hàm nghĩa là ghi nhớ. Ghi nhớ ở đây không có nghĩa là những ký ức về các hình ảnh, ý tưởng thuộc quá khứ, nhưng là một cái biết rõ ràng, trực tiếp, không lời về cái gì có và cái gì không, về cái gì đúng và cái gì sai, về những gì mình đang làm và nên làm như thế nào. Chính niệm nhắc nhở hành giả chú tâm đúng lúc đến đối tượng thích hợp và với sự cố gắng đúng mức để thực hiện được việc quán chiếu. Khi năng lượng của chính niệm đầy đủ, hành giả sẽ luôn luôn ở trong một trạng thái an vui và tỉnh giác. Trong tình trạng này, những trạng thái “chướng ngại” hoặc “kích thích” của tâm thức sẽ không thể nào khởi lên được - không còn tham lam, sân hận, si mê và lười biếng.

Nhưng chúng ta đều là con người và vì vậy đều có những lỡ lầm. Phần lớn chúng ta cứ lỗi lầm liên tiếp. Mặc dầu cố gắng hết lòng, nhưng đôi khi chúng ta vẫn để cho chính niệm mình bị sơ xuất, và bị mắc kẹt vào những lỗi lầm đáng tiếc. Nhưng đó cũng là điều bình thường của con người mà thôi. Chính niệm giúp ta ghi nhận được những sơ xuất ấy. Và cũng chính niệm nhắc nhở ta vận dụng chính niệm để tự kéo mình ra khỏi. Những lỡ lầm này sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng nhịp độ của nó sẽ dần dần giảm đi theo sự tu tập của ta.

Và một khi chính niệm đã đẩy được những tâm thức vẩn đục này sang một bên, những tâm thức khác tốt lành hơn sẽ thay thế chúng. Thù hận sẽ được thay thế bằng tình thương, đam mê sẽ được thay thế bằng sự buông xả. Chính niệm cũng ghi nhận được những đổi thay này, và nó nhắc nhở hành giả biết cố gắng tinh tiến để duy trì những trạng thái tốt lành ấy. Nhờ chính niệm mà tuệ giác và tình thương được lớn mạnh. Thiếu chính niệm, chúng sẽ không bao giờ có thể tăng trưởng và thành thục được.

Nằm sâu kín trong tâm thức ta là một cơ chế tinh thần luôn chấp nhận những kinh nghiệm mà tâm ta cho là đẹp, là dễ chịu và loại bỏ những kinh nghiệm được cho là xấu, là khó chịu và đau đớn. Cơ chế ấy làm phát khởi những tâm thức mà chúng ta đang cố gắng tu tập để tránh - như là tham lam, đam mê, sân hận và ghen tức. Chúng ta muốn tránh những tâm thức chướng ngại này, không phải vì chúng là điều xấu ác theo nghĩa thông thường, nhưng bởi vì chúng rất là độc đoán; bởi vì chúng xâm lấn tâm ta, chiếm hữu hoàn toàn sự chú ý của ta; bởi vì chúng cứ chạy quanh quẩn theo những suy nghĩ vòng vo; và bởi vì chúng ngăn che ta với thực tại sinh động.

Những chướng ngại ấy sẽ không thể nào khởi lên khi chính niệm có mặt. Chính niệm là sự chú ý vào giây phút hiện tại. Vì vậy nó là một liều thuốc trực tiếp hoá giải được hết tất cả những tâm thức nào làm trở ngại cho việc ấy. Là một thiền sinh, chỉ khi nào chúng ta lơ đễnh, sống trong thất niệm, cơ chế phân biệt ấy mới có thể giành quyền kiểm soát - nó nắm bắt cái này và loại bỏ cái kia. Và từ đó, những mâu thuẫn sẽ xuất hiện làm lu mờ đi ý thức của ta. Chúng ta không còn khả năng ghi nhận được những gì đang xảy ra. Ta quá bận rộn với một ý nghĩ trả thù, hoặc tham lam, hoặc là gì gì đó... Chính niệm sẽ nhận diện được sự kiện ấy. Chính niệm sẽ nhớ lại phương pháp thực tập, và tập trung lại sự chú ý của ta, khiến cho những rối loạn ấy từ từ phai nhạt đi. Và cũng là chính niệm cố gắng duy trì cho nó được lâu dài, để những chướng ngại ấy không còn nổi lên được nữa. Vì vậy, chính niệm là một loại thần dược hóa giải được hết tất cả mọi chướng ngại. Nó vừa là biện pháp chữa trị mà cũng vừa là một biện pháp ngăn ngừa.

Chính niệm phát triển đúng mức là một trạng thái hoàn toàn tự tại, không bị dính mắc vào bất cứ một sự việc gì trong cuộc đời này. Nếu ta giữ được trạng thái này, ta sẽ không cần phải nhờ đến bất cứ một cái gì khác để chuyển hóa những khó khăn của mình. Chính niệm là một ý thức sâu sắc. Nó nhìn thấy sự vật một cách thẩm thấu, xuyên qua mọi bình diện của ý niệm và tư tưởng. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho ta một niềm tin vững chắc và kiên cố, không ngờ vực. Nó được biểu hiện bằng một sự chú tâm chuyên nhất, không gián đoạn, không lay động và cũng không bao giờ thối chuyển.

Năng lực của chính niệm không những chỉ cô lập các chướng ngại trong tâm thức, mà còn làm phơi bày cơ chế hoạt động của nó ra, để rồi tiêu hủy đi. Chính niệm làm thanh tịnh mọi ô uế trong tâm. Kết quả là một tâm thức hoàn toàn trong sáng và an ổn, hoàn toàn bất động trước mọi phong ba và thăng trầm của cuộc sống.

 

Xem mục lục