Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

Sự nhận biết giấc mộng là cốt lõi của thực hành Yoga Giấc Mộng. Để thực hiện điều này, trước hết người ta phải dẹp bỏ mọi nguyên nhân che chướng Tánh Giác trong sáng của mình. Những nguyên nhân nổi trội làm ngăn ngại tánh Giác và những đối trị của chúng được nêu ra ngắn gọn sau đây :

(1) Người vi phạm những Giới Luật Mật thừa sẽ không thể nhận ra những giấc mộng. Trong trường hợp này, thiền giả cần sám hối những vi phạm và thực hành thần chú Vajrasattva(17) để tẩy sạch tội lỗi và lập lại những Giới Luật Samaya. Nó cũng phải cố gắng có được một quán đảnh mới hoặc từ Guru của mình hay qua cầu nguyện.(18)

(2) Người có ít lòng tin vào Guru của mình và vào những giáo huấn Mật thừa sẽ thấy khó mà nhận ra những giấc mộng ; trong trường hợp này, nó phải cố gắng tăng cường lòng tin.

(3) Người tham lam những sở đắc vật chất sẽ không thể nhận ra những giấc mộng ; trong trường hợp này, nó phải vất bỏ những lệ thuộc vật chất của nó và thôi bám chấp vào đời sống này.

(4) Người mất Hạt, hay làm dơ bẩn thân thể(19) không thể nhận ra những giấc mộng của mình ; thế nên người ta cần cố gắng mạnh mẽ để bảo tồn Hạt và tránh chung đụng với người, thức ăn và nơi chốn không trong sạch. Nếu phải tiếp xúc với chúng, nó phải cử hành những nghi lễ tẩy tịnh để sửa chữa.

(5) Người ta không thể nhận ra những giấc mộng nếu tâm thức họ đầy những tư tưởng phóng dật, hay ước muốn làm được điều ấy yếu ớt. Trong trường hợp này, nó nên sống một mình và cố gắng làm mạnh niềm tin và nguyện vọng vào sự Thành Tựu.

(6) Ban ngày liên tục nghĩ rằng mọi thứ mình thấy, nghe, sờ chạm… đều là trong giấc mộng, sẽ làm tăng trưởng lớn lao cơ may nhận ra giấc mộng vào ban đêm.

Trước khi bắt đầu tu hành Yoga Giấc Mộng, trước hết người ta cần hoàn thành những thực hành sơ bộ tổng quát, rồi dành một phần ba của mỗi thời để thực hành Tumo, và hai phần ba để quán tưởng những chủng tử tự trong Trung Tâm cổ Họng – một kỹ thuật tốt để phát sanh những giấc mộng. Trước tiên cầu nguyện đến Guru ngồi trong Luân Xa Cổ Họng để gia hộ cho nhận ra những giấc mộng vào ban đêm ; rồi quán tưởng một hoa sen bốn cánh trong Luân Xa Cổ Họng, ở trung tâm của hoa sen một chữ Om [ ] màu trắng, trên cánh trước mặt một chữ A [ ] màu xanh, trên cánh bên phải một chữ Nu [ ] màu vàng, trên cánh phía sau một chữ Ta [ ] màu đỏ, và trên cánh bên trái một chữ Ra [ ] màu lục. Tất cả đều rất rõ ràng và sống động.

Người ta có thể đơn giản hóa bằng cách chỉ quán tưởng một chữ Om màu đỏ trong Trung Tâm Luân Xa Cổ Họng, và duy trì Hơi Thở Cái Bình càng lâu nếu có thể ; hay nó có thể xướng ngâm bằng tâm trí một âm Om dài với mỗi hơi thở.

Một số người nói rằng điều này chỉ làm khi ngủ. Vậy là không đúng, bởi vì nếu tu hành nó lúc ban ngày như là thiền định chính, Tâm Khí sẽ tập trung trong Luân Xa Cổ Họng nhanh chóng và dễ dàng, để cho nhiều giấc mộng rõ ràng hơn sẽ sanh ra. Thêm nữa, thực hành này cũng sẽ giúp cho khí vào Kinh Mạch Trung Ương, và làm hiển lộ Bốn Cái Không.

Thiền giả phải nghĩ liên tục trong trạng thái thức rằng mọi thứ nó thấy, nghe, xúc chạm, suy nghĩ và hành động đều là trong giấc mộng. Nó cũng tránh thức ăn bổ dưỡng nhiều hay ăn nhiều quá, và không làm cạn kiệt mình bằng những hoạt động hao tốn nhiều sức. Tóm lại, nó cần cố gắng phối hợp những năng lực của khí, của ý chí mạnh mẽ và của những phương pháp khác để nhận ra những giấc mộng.

Thời gian tốt nhất để quan sát giấc mộng là giữa lúc gần sáng và mặt trời mọc, bởi vì đây là lúc thức ăn đã được tiêu hóa và nghỉ ngơi đã đủ, hôn trầm không nặng, và tâm thức tương đối sáng tỏ. Nhưng người nào ngủ chập chờn cũng có thể thực hành điều này trong đêm.

Thiền giả dùng một cái mền mỏng, một cái gối cao, và nằm nghiêng bên hông. Trước khi rơi vào giấc ngủ, nó cần làm mạnh thêm lòng tin và quyết tâm nhận ra những giấc mộng ít ra bảy hoặc nhiều là hai mươi mốt lần. Nó có thể quán tưởng bốn chữ cốt yếu trong Trung Tâm Cổ Họng trong một lúc, rồi tập trung duy nhất vào chữ Om đỏ trong khi nhẹ nhàng duy trì Hơi Thở Cái Bình.

Một giấc ngủ dài và liên tục là điều nên tránh ; thay vào đó, người ta nên cố gắng ngủ nhiều kỳ ngắn. Mỗi lần thức dậy, nó cần xem xét lại nó đã nhận ra được những giấc mộng của nó trong giấc ngủ trước đó chưa. Nếu không, một sự cầu nguyện chân thành cần được làm trước khi ngủ trở lại.

Nếu sau mọi thứ này người ta vẫn không thể nhận ra được những giấc mộng, nó nên ngồi dậy và quan sát những đồ vật trong phòng – ghế, bàn, giường, áo quần, tranh ảnh… và nghĩ rằng chúng đều là những thị kiến trong một giấc mộng. Với cảm giác này, nó đi vào giấc ngủ một lần nữa.

Người không thể nhận ra những giấc mộng bởi vì hôn trầm quá sức, nên quán tưởng một chữ Om đỏ rạng rỡ trong Trung Tâm Cổ Họng, phát ra những tia sáng đầy toàn thân và căn phòng, hay một Hạt trắng ở giữa hai lông mày. Người có khuynh hướng ngủ chập chờn nên quán tưởng một chữ Hum hay một Hạt màu xanh trong Trung Tâm Bí Mật…

Người thực hành cẩn thận mọi lời dạy ở trên, nhưng còn chưa nhận ra giấc mộng, cần rút vào cô tịch, cởi hết áo quần, nhảy nhót, múa may và chạy trần truồng và kêu lớn “Đây là một giấc mộng ! Một giấc mộng !” Nó cũng có thể đến mé của một bờ vực nguy hiểm, nhìn xuống vực thẳm, và la to lên như thế. Nếu nó còn chưa thể nhận ra những giấc mộng, nó nên xấu hổ với chính nó và cầu khẩn hết lòng với Guru và Phật Bổn Tôn. Rồi nó cần quán tưởng trong Trung Tâm Cổ Họng một dĩa bén quay càng lúc càng nhanh, đi lên và đi xuống khắp toàn thân như một lưỡi cưa tròn – cắt lát nó thành từng mảnh và tro bụi – và dâng cúng chúng cho chư Phật và cho những chúng sanh đói. Bấy giờ nó thiền định về Đại Ấn mà không có một tư tưởng phân biệt nào…

Người chỉ có thể nhận ra những giấc mộng đôi khi và chốc lát, nhưng không thường trực, sẽ thấy sự thực hành của mình kém hiệu lực. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp thức tỉnh đột ngột ngay sau khi nhận ra những giấc mộng. Nếu thế, thiền giả cần không ngừng cảnh giác với khuynh hướng này và làm mạnh mong muốn trong trạng thái mộng. Dầu có thức dậy, nó không nên mở mắt, mà cố gắng tiếp tục giấc mộng, hay định tâm vào Trung Tâm Trái Tim hay Trung Tâm Bí Mật.

Thiền giả cần tìm tòi cẩn thận điều gì gây ra sự tỉnh giấc nhanh chóng khỏi những giấc mộng – nếu do quá căng thẳng, nó phải thư giãn hơn nữa ; nếu là tiếng ồn, nó nên ngủ nơi yên tĩnh ; nếu lạnh hay nóng, nó nên mặc thêm hay cởi bớt áo quần… Một vài chỉ dạy nói rằng quán tưởng mình ngồi giữa một Hạt đỏ và trắng – những năng lực dương và âm – sẽ tốt. Cũng nói rằng quán tưởng một chữ Hum màu xanh trong Trung Tâm Cổ Họng, trong khi duy trì Hơi Thở Cái Bình, cũng trợ giúp nhiều… Tóm tắt, thiền giả luôn luôn cố gắng tìm ra tại sao nó không thể nhận ra những giấc mộng, và rồi dùng những biện pháp chữa trị thích hợp. Ví dụ, nếu quá hôn trầm, hãy quán tưởng một Hạt đỏ hay trắng trong Cổ Họng, hay trong điểm giữa hai lông mày, tỏa chiếu ánh sáng rực rỡ ; nếu quá căng thẳng hay quá dễ dàng tỉnh dậy, hãy quán tưởng một Hạt xanh hay đen trong Trung Tâm Trái Tim hay Trung Tâm Bí Mật ; nếu những giấc mộng không rõ ràng, hãy quán tưởng một Hạt đỏ trong Trung Tâm Cổ Họng, chiếu ánh sáng toàn khắp mọi kinh mạch của toàn thân.

Khi thiền giả có một giấc mộng dễ sợ, nó cần loại bỏ sợ hãi vô cớ bằng cách nói rằng : “Đây là một giấc mộng. Làm sao lửa có thể đốt hay nước nhận chìm ta trong một giấc mộng ? Làm sao con thú này hay quỷ ma này… có thể làm hại ta ?” Giữ sự tỉnh giác này, nó giẵm đạp lên lửa, đi qua nước hay biến hình thành một ngọn lửa lớn và bay vào tim của một con quỷ đáng sợ hay một con thú dữ và thiêu rụi nó…

Thiền giả nào có thể nhận ra những giấc mộng một cách khá rõ ràng và ổn định, nên tiếp tục thực hành Sự Chuyển Hóa những Giấc Mộng. Nghĩa là trong trạng thái Mộng, nó cố gắng chuyển hóa thân thể mình thành một con chim, một con cọp, một con sư tử, một Bà la môn, một nhà vua, một cái nhà, một tảng đá, một rừng cây… hay thứ gì nó muốn. Khi sự thực hành này đã vững chắc, bấy giờ nó chuyển hóa mình thành Thân Phật Bổn Tôn trong nhiều hình dạng, ngồi hay đứng, nhỏ hay lớn, v.v… Cũng thế, nó chuyển hóa những sự vật thấy trong giấc mộng thành những đồ vật khác nhau – ví dụ, một con vật thành một con người, nước thành lửa, đất thành không gian, một thành nhiều, hay nhiều thành một… Nó thực tập nhiều thần lực khác nhau, như làm lửa vọt ra từ thân trên hay nước từ thân dưới, giẵm lên mặt trời và mặt trăng, hay hóa thân mình thành một triệu, tỷ thân lấp đầy toàn bộ vũ trụ…

Một trong những mục đích chính của thực hành Yoga Giấc Mộng là giúp người ta thực hiện Thân Huyễn trong trạng thái Trung Ấm và ngay trong đời này. Để hoàn thành nó, trước hết người ta phải nhận ra Bốn Cái Không của Giấc Ngủ,(20) rồi từ Cái Không Bổn Nguyên thứ Tư, nó lập tức phóng xuất Thân Huyễn của Phật Bổn Tôn làm bằng Tâm-Khí trong một Mạn đà la, và rồi làm tan biến Mạn đà la và Phật Bổn Tôn vào trong Đại Không một lần nữa. Đây là, một cách ngắn gọn, tiến trình Sanh Khởi và Hòa Tan được thực hành trong Yoga Giấc Mộng.

Sau đó, thiền giả thực hành Sự Du Hành đến những Đất Phật như lời dạy sau :

Quán tưởng chính mình trở thành Phật Bổn Tôn, và tức khắc, như một ngôi sao băng, đi đến cõi Trời Indra, hay một cõi trời trong sanh tử nào khác ; quan sát quang cảnh trước khi trở lại. Khi điều này đã vững chắc, bấy giờ người ta du hành đến một trong những quốc độ Phật, như Tịnh Độ của Vairocana hay của Amitabha… Điều này cũng xảy ra trong nháy mắt. Đến Tịnh Độ của Phật, người ấy đảnh lễ và cúng dường Phật rồi nghe Ngài thuyết pháp…

Lúc bắt đầu, những thị kiến và kinh nghiệm chưa thật rõ ràng, nhưng người ta phải cương quyết tin rằng điều nó thấy trong giấc mộng chính thực là Tịnh Độ, bởi vì cả hai Sanh Tử và Niết Bàn rốt ráo chỉ là mộng ; thực hành như thế, những thị kiến càng ngày càng rõ ràng hơn…

Nếu người ta hỏi “Có sự khác biệt gì giữa Yoga Thân Huyễn và Yoga Giấc Mộng ?” câu trả lời là tự nền tảng, chúng giống nhau, nhưng Yoga Giấc Mộng nên được xem như bổ sung cho Yoga Thân Huyễn. Một cái dùng để phát sanh Thân Huyễn và cái kia để tiến thêm hay hoàn thiện nó. Người ta cũng cần biết rằng Thân Huyễn sanh khởi từ Ánh Sáng trong trạng thái Thức thì sâu xa hơn và vi tế hơn nhiều so với thân huyễn của những giấc mộng. Nhưng cả hai Yoga cần được thực hành để bổ sung lẫn nhau ; vì theo cách đó, sự bám chấp về thời gian biểu lộ trong phân đôi giữa trạng thái Mộng và trạng thái Thức cuối cùng có thể vượt qua được. Thực hành phối hợp hai Yoga này có thể dẫn người ta đến chỗ tịnh hóa những tư tưởng thói quen của Sanh Tử, chứng ngộ rằng mọi sự là những biểu lộ của tâm thức và tâm thức thì vô tự tánh, như những giấc mộng ; biết rằng cả Sanh Tử và Niết Bàn là những ảo ảnh không thật, và rằng chúng không trói buộc cái gì và không giải thoát cho cái gì ; tẩy sạch khỏi mọi luyến chấp thô và tế, tịnh và bất tịnh ; và cuối cùng làm hiển lộ Báo Thân như huyễn hóa của Phật quả.

Xem mục lục