Trong tiến trình thực hành thiền định, thiền giả sẽ gặp ba kinh nghiệm : Lạc, Sáng Tỏ và Không phân biệt.
Trong kinh nghiệm Lạc, một số người cảm thấy một sự say sưa lớn lao bao trùm toàn thân và không giảm bớt dù trong những nghịch cảnh, như gặp khí hậu quá lạnh hay quá nóng. Một số cảm thấy cả thân và tâm biến mất, và họ cực kỳ vui sướng, và thường phá lên cười. Một số cảm thấy đầy cảm hứng và hăng say, hay cực kỳ bình an, hài lòng và hạnh phúc. Sự xuất thần có thể lớn lao và mạnh mẽ đến độ họ trở nên không còn ý thức ngày và đêm.
Trong kinh nghiệm Không phân biệt, một số người cảm thấy mọi sự đều trống không hay thấy bản chất trống không của thế giới ; những người khác kinh nghiệm mọi sự là không có tự tánh, hay cả thân và tâm là không hiện hữu ; trong khi có những người khác lại hiểu thật sự chân lý về tánh không.
Không có kinh nghiệm nào ở trên được xem là hoàn hảo và trọn vẹn, và người ta không bao giờ nên bám lấy chúng. Trong ba kinh nghiệm ấy, Không phân biệt (không có tư tưởng) là quan trọng nhất và không đi lầm. Một số kinh nghiệm Sáng Tỏ và Lạc rất có thể dẫn đến lầm lạc và thậm chí có hại.
• * *
Điều sâu xa nhất của mọi giáo huấn truyền miệng về Đại Ấn là :
Buông bỏ mọi bám níu và bản tánh sẽ tức thời hiển lộ.
Cốt lõi của thực hành Đại Ấn gồm hai điều, không nỗ lực và không sửa trị. Tuy nhiên người ta cần biết không sửa trị là gì. Jetsun Milarepa giải thích điều này rất rõ ràng : “Về không sửa trị, người ta cần hiểu ba điều : Nếu những tư tưởng lang thang và những phiền não không được sửa trị, người ta sẽ rơi vào ba cõi thấp. Nếu Lạc, Sáng Tỏ, và Không phân biệt không được sửa trị, người ta sẽ rơi vào ba cõi sanh tử. Chỉ có tự tâm vốn sẵn là không cần sửa trị.”
* * *
Vào mọi lúc trong ngày, trong hay sau thời thiền định, người ta cần cố gắng không để mất bản tánh. Nói cách khác người ta cần cố gắng đem kinh nghiệm thiền định vào những hoạt động hàng ngày của nó.
Thật dễ hiểu là người ta thường bị xao lãng trong công việc hàng ngày, như vậy quên bẵng bản tánh, nhưng hễ cố gắng luôn luôn đem tỉnh giác trở lại, và nếu họ thành công, bản tánh sẽ lập tức hiển lộ.
Người ta cần cố gắng không mất tánh Tỉnh Giác cả ngày lẫn đêm. Thực hành Đại Ấn trong giấc ngủ và trong giấc mộng cũng cực kỳ quan trọng. Người nào không thể làm điều đó một cách thích đáng thì nên tránh mọi hoạt động và thực hành thiền định Đại Ấn trong năm, sáu ngày, rồi nghỉ ngơi trong một ngày trước khi tiếp tục. Người ta không nên chán nản nếu không thể giữ tỉnh giác luôn luôn sống cho suốt một ngày. Nỗ lực liên tục và kiên trì là thiết yếu. Người làm được như thế chắc chắn sẽ mở rộng sự tỉnh giác và chứng ngộ của mình.