Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Năm chương đầu của sách Abhidhammattha Saṅgaha (Vi Diệu Pháp Toát Yếu) đề cập đến 89 và 121 loại tâm vương, 52 tâm sở, những tiến trình tâm khác nhau trong đời sống và vào lúc tái sanh, 31 cảnh giới sinh tồn và phương thức phân hạng Kamma (Nghiệp). Hiểu theo một lối, những đề tài nầy hợp thành đầy đủ một quyển.

Bốn chương còn lại đề cập đến Rūpa (Sắc), Nibbāna (Niết Bàn), Paṭicca-Samuppāda (Định Luật Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên), Paṭṭhāna Naya (Duyên Hệ Tương Quan), Những Phân Loại Thiện Và Bất Thiện Pháp, Trau Giồi Tâm, Thanh Tịnh Đạo, và Những Chứng Đắc Cao Thượng.

Chương thứ sáu cốt yếu dành riêng cho Rūpa (Sắc) và Nibbāna (Niết Bàn).

Hai mươi tám loại Sắc được liệt kê. Sắc là gì, phát sanh như thế nào, tồn tại và hoại diệt như thế nào cũng được giải thích. Rūpa (Sắc) là Paramattha (Chân Đế) thứ ba được đề cập đến trong Abhidhamma (Vi Diệu Pháp), và cũng là một trong hai thành phần cấu thành cái được gọi là chúng sanh -- thành phần kia là Nāma (Danh). Cũng như phần tâm linh, Nāma (Danh), phần cơ thể vật chất, Rūpa (Sắc) cũng đuợc phân tách tỉ mỉ. Nhưng không có một định nghĩa hợp lý cho danh từ Rūpa (Sắc) trong Kinh Điển cũng như trong những Chú Giải.

Chữ Rūpa do căn "rup", là tan vỡ, phân tán hay hoại diệt (nāsa).

Theo sách Vibhāvini Tīkā, Rūpa là cái gì thay hình đổi dạng, hay có một hình thể khác do ảnh hưởng của những điều kiện vật lý nghịch chiều như nóng, lạnh v.v... (sītoṇhādi virodhippaccayehi vikāraṁ āpajjati).

Theo quan điểm Phật Giáo, Sắc không những luôn luôn biến đổi mà cũng hoại diệt (khaya, vaya). Sắc chỉ tồn tại trong mười bảy chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Rūpa (Sắc) biến đổi nhanh chóng đến đổi ta không thể gỏ hai lần đúng ngay vào một nơi.

Rūpa (Sắc) cũng đuợc giải thích là cái gì tự biểu hiện (căn "rup" -- pakāsane).

Các nhà học giả có những gợi ý khác nhau về ý nghĩa của chữ Rūpa. Danh từ nầy thường đuợc phiên dịch là "hình tướng", "thân thể", "phần vật chất", "cơ thể vật chất" v.v... Những ý nghĩa khác nhau, tùy theo đoạn văn. Không có một nghĩa đặc biệt đúng cho tất cả mọi trường hợp.

Đứng về quan điểm triết học, "phần vật chất", hay "sắc", có ý nghĩa gần nhất với danh từ Rūpa, mặc dầu các nhà khoa học cũng thấy khó mà tìm ra một định nghĩa chính xác.

Nên ghi nhận rằng lý thuyết về nguyên tử cũng thạnh hành ở Ấn Độ vào thời Đức Phật. Paramānu là một danh từ tương đương với chữ "nguyên tử" thời hiện đại. Theo sự tin tưởng thời bấy giờ, một rathareṇu gồm 36 tajjāris; một tajjāri bằng 36 aṇus; một aṇu bằng 36 paramāṇus. Một hột bụi tý ty vởn vơ trong làn ánh sáng được gọi là ratheraṇu. Như vậy, một paramāṇu bằng 1/46,656 phần của một rathareṇu. Paramāṇu nầy đuợc xem như không thể còn phân chia được nữa.

Với nhãn quan siêu thường của một vị Phật, Đức Thế Tôn phân tách cái gọi là paramāṇu ấy và tuyên ngôn rằng nó bao gồm những paramatthas (chân đế) -- đơn vị cùng tột, không còn có thể bị phân chia thêm nữa.

Những chân đế nầy là paṭhavi, āpo, tejo, và vāyo. Không nên hiểu rằng những nguyên tố nầy là đất, nước, lửa và gió thông thường, như vài tư tưởng gia Hy Lạp thời xưa đã tin như vậy.

Paṭhavi, đất, là nguyên tố của vật chất có đặc tính duỗi ra, bản thể của vật chất. Nếu không có nguyên tố nầy vật thể không thể chiếm không gian. Tính chất cứng hay mềm, thuần túy tương đối, là hai điều kiện của nguyên tố cá biệt nầy. Có thể nói rằng nguyên tố nầy nằm trong đất, nước, lửa và trong gió. Thí dụ như nước ở phần dưới nâng đỡ nước ở phần trên. Chính nguyên tố có đặc tính duỗi ra nầy, hợp với nguyên tố có đặc tính di động (vāyo) tạo nên áp lực đẩy lên, nâng đỡ phần nước ở trên. Nóng hay lạnh là tejo, nguyên tố lửa. Tính chất lỏng là āpo, nguyên tố nước.

Āpo, nước, là nguyên tố có đặc tính làm dính liền. Không giống như paṭhavi, ta không thể cảm nhận nguyên tố nầy bằng giác quan. Đây là thành phần làm dính liền những phần tử rời rạc của vật thể, và làm khởi sanh ý niệm hình thể. Khi một vật ở thể đặc chảy ra thì thành phần nước (āpo) trong chất lỏng ấy trở nên trội hơn. Khi một vật ở thể đặc bị phân tán thành bụi, trong mỗi hột bụi tí ti cũng có chứa đựng thành phần nước. Thành phần có đặc tính duỗi ra (đất) liên quan rất mật thiết với thành phần có đặc tính làm dính liền (nước) đến độ khi thành phần nầy chấm dứt thành phần kia cũng tiêu tan.

Tejo, lửa, là nguyên tố nóng trong vật chất. Lạnh cũng là một hình thức của tejo (lửa). Cả hai, nóng và lạnh, đều được hàm xúc trong thành phần "lửa" vì cả hai đều có năng lực làm cho vật chất trở nên chín mùi. Nói cách khác, tejo, nguyên tố lửa, tạo sinh lực cho vật chất. Vật chất được bảo tồn hay bị hư hoại đều do nguyên tố nầy. Không giống như ba nguyên tố khác trong "tứ đại", nguyên tố nầy có năng lực làm cho vật chất tự mình hồi sinh. 

Vāyo, nguyên tố gió, có đặc tính di động, không thể tách rời ra khỏi tejo, lửa. Chính thành phần gió (vāyo) trong vật chất tạo sự vận chuyển và được xem là năng lực làm phát sanh nhiệt độ. "Sự di động và nhiệt độ trong phạm vi vật chất tương đương với tâm và nghiệp báo trong phạm vi tinh thần".

Tứ Đại -- bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió -- luôn luôn dính liền nhau, không thể tách rời, nhưng trong một loại vật chất, thành phần nầy có thể trội hơn những thành phần khác, thí dụ như trong đất thành phần paṭhavi trội hơn, trong nước āpo trội hơn, trong lửa tejo, và trong gió vāyo trội hơn. 

Bốn nguyên tố nầy cũng được gọi là Mahābhūtas, Tứ Đại Chánh Yếu bởi vì luôn luôn có mặt trong tất cả những hình thể vật chất, từ tế bào cực nhỏ đến thiên thể khổng lồ.

Tùy thuộc nơi bốn thành phần chánh yếu ấy có bốn chuyển hóa là vaṇṇa (màu sắc), gandha (hương), rasa (vị) và ojā (tinh chất dinh dưỡng). Những năng lực và tánh chất cùng dính liền với nhau nầy hợp thành nhóm vật chất gọi là "Suddhaṭṭhaka Rūpa kalāpa -- nhóm tám-thành-phần-sắc". Hai mươi loại nguyên tố vật chất (sắc) còn lại cũng rất quan trọng.

Nên ghi nhận rằng nguyên lý của đời sống vật chất (rūpa jīvindriya, mạng căn) và tánh nam hay tánh nữ của một chúng sanh cũng do Kamma (Nghiệp) tạo điều kiện. Nên phân biệt rõ ràng sức sống của những vật vô cơ, vô tri giác, và đời sống của những chúng sanh hữu tri hữu giác.

Sự kiện nói rằng rūpas, sắc hay vật chất, phát sanh theo bốn phương cách như nghiệp, tâm, hiện tượng thời tiết, và vật thực, sẽ là một ý niệm mới mẻ cho những tư tưởng gia hiện đại. Tất cả bốn căn nguyên nầy, phần lớn nằm trong khả năng kiểm soát của ta. 

Đến một mức độ nào chúng ta chịu trách nhiệm về việc tạo nên những hiện tượng vật chất xảy đến cho chính mình, dầu đáng được ưa thích hay không.

Để hợp thành đặc tính vật chất của một người, các khuynh hướng nghiệp báo tích trữ mà người ấy tạo nên trong những kiếp sống quá khứ đôi khi có vai trò quan trọng hơn là những tế bào và những chủng tử truyền thống của cha mẹ, 

Đức Phật chẳng hạn, đã thọ nhận những tế bào và những chủng tử do cha mẹ truyền thừa, như tất cả mọi người. Nhưng từ ông cha nhiều đời trong gia tộc quý phái của Ngài, không ai có thể so sánh với Ngài về phần vật chất. Chính Đức Phật đã tuyên ngôn rằng Ngài không thuộc về huyết thống nhà vua mà về dòng dõi chư Phật. Quả thật Ngài là bậc siêu nhân, được tạo nên một cách kỳ diệu do Nghiệp lực mà chính Ngài đã dày công huân tập. Theo kinh Lakkhana Sutta, Dīgha Nikāya, Trường A Hàm số 30, Đức Phật thừa hưởng những đặc tướng phi thường như 32 tướng tốt. Ấy là quả lành của bao nhiêu công đức mà Ngài đã tạo trong vô số kiếp. Bài kinh giải thích rành mạch nghiệp lành nào đã là nhân đưa đến hảo tướng nào.

Trong chương thứ sáu, chỉ có một vài hàng đề cập đến chân đế thứ tu -- Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo. Nhưng đường đến Niết Bàn thì được mô tả với nhiều chi tiết ở chương thứ chín.

Chương thứ bảy liệt kê tất cả trạng thái có tánh cách đạo đức và phân hạng làm nhiều nhóm khác nhau.

Hai giáo huấn thâm sâu nhất trong Phật Giáo có tánh cách triết học là Paṭicca-Samuppāda (Định Luật Tùy Thuộc Phát Sanh, hay Thập Nhị Nhân Duyên) và Paṭṭhāna (hai mươi bốn Duyên Hệ Tương Quan) được mô tả trong chương tám.

Chương cuối cùng quan trọng nhất và cũng là hứng thú và đáng chú ý nhất, vì chương nầy bàn thảo về pháp Trau Giồi Tâm (bhāvanā), tức thiền tập, và Giải Thoát, phần nòng cốt của Phật Giáo. 

Để thấu hiểu những điểm phức tạp của Vi Diệu Pháp ta nên nhẫn nại, thận trọng đọc đi và đọc lại nhiều lần tập Abhidhammattha Saṅgaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, và suy gẫm sâu sắc phần giáo lý thâm diệu trong đó.

Người thấu hiểu Vi Diệu Pháp sẽ có thể lãnh hội Lời Dạy của Đức Phật và do đó chứng ngộ mục tiêu cùng tột.

Xem mục lục