Bardo tiếp theo là bardo của giấc mộng : nó bắt đầu khi người ta chìm vào giấc ngủ và kết thúc khi thức dậy.
Bardo giấc mộng chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời chúng ta, nó cũng cho phép chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về kinh nghiệm sau khi chết, cũng như kinh nghiệm về bardo của tái sanh.
Khi chìm trong giấc ngủ, có một giai đoạn qua đó các giác quan chúng ta hòa tan cái này vào trong cái kia, và một trạng thái nó sẽ chấm dứt khi giấc mộng bắt đầu. Giữa giây phút thiu ngủ và giây phút giấc mộng bắt đầu có một khoảng trống. Vài người trong chúng ta có sự thực hành tâm linh có thể ngay trong giây phút ấy nhận ra quang minh và trụ trong trạng thái quang minh ấy hay tịnh quang ấy. Vài người không có học tập, bỏ lỡ sự nhận ra này và ngược lại, rơi vào một trạng thái tối tăm. Tiếp theo giấc mơ bắt đầu khởi động.
Bây giờ, để bắt đầu, giấc mơ khởi động như thế nào ? Các giác quan, các năng lực của các nguyên tố, hòa tan lần lượt trong nhau. Tiếp theo chúng ta có tám trạng thái khác nhau của tâm thức, chúng hòa tan trong tâm thức nền tảng là a lại gia thức, Tây Tạng là kunshyé. Người ta ở một chốc trong trạng thái này. Và rồi bắt đầu giấc mộng, nó tùy thuộc vào vị thế nằm của chúng ta trong giấc ngủ, vào các việc làm trong ngày, vào thân xác và sức khỏe... Trong mọi trường hợp, khi thân thể yên nghỉ ở đó, như một xác chết, thì tâm thức chúng ta bắt đầu lang thang. Lúc đó chúng ta có cái gì ? Chúng ta có một thân thể tâm thức. Cái thức thân này bắt đầu lang thang đây đó và biết mọi loại kinh nghiệm. Đôi khi là các ác mộng không thể tin nổi, đôi khi là những giấc mơ rất bình thường hàng ngày, hay lại theo đuổi điều chúng ta đã làm thời thơ ấu hay trong một quá khứ rất gần. Lại có đôi khi, khi chúng ta không hiện hữu trong phương diện vô minh của a lại gia mà trái lại trong phương diện trí huệ của nó, chúng ta có những giấc mơ liền lạc chúng chỉ cho chúng ta những gì sắp xảy ra trong tương lai.
Dầu là giấc mộng gì, khi nó diễn tiến điều quan trọng là có thể nhận biết nó thật sự là giấc mộng – đây là giai đoạn đầu tiên, kết quả đầu tiên để nhắm đến – nghĩa là không để cho giấc mộng cuốn đi và nhận biết trong trạng thái giấc mộng rằng người ta đang mộng.
Trình bày đơn giản, đâu là những giai đoạn tu hành về yoga giấc mộng ? Người ta tiến hành qua những giai đoạn : người ta tập trung tâm thức vào thân thể huyễn hóa, vào những hình tướng ảo giác... Đặc biệt, khi thực hành, trước khi thiếp ngủ, người ta nằm bên phía phải, tay phải dưới đầu, cánh tay trái duỗi thẳng theo thân phía trái. Nếu người ta có thói quen thực hành thường xuyên hay nếu có một hiểu biết tâm linh, người ta cầu nguyện nhiệt thành các bậc giác ngộ để có thể nhận ra giấc mộng thật sự là giấc mộng.
Người ta có thể quán tưởng hình tướng Padmasam-bhava trong một khối cầu ánh sáng rất rực rỡ, như mặt trời mọc, nơi trung tâm cổ họng. Người ta cũng có thể rất đơn giản tập trung trên một vài chữ nơi trung tâm cổ họng. Phải làm điều này không chỉ vài lần mà rất nhiều lần, và thử, mỗi lần ngủ, duy trì sự quán tưởng ánh sáng này trong trung tâm cổ họng. Lần lần, người ta có thể nhận ra giấc mộng thật sự là giấc mộng. Khi thức dậy buổi sáng, phải thử xác minh xem chúng ta đã có thể biết mộng thực sự là mộng chưa ; ban đầu điều ấy đến rất hiếm hoi, nhưng rồi dần dần người ta sẽ đạt đến đó.
Nếu chúng ta thử xem tất cả mọi việc mà chúng ta làm ban ngày là không gì khác hơn một kinh nghiệm tương tự với những kinh nghiệm chúng ta có trong giấc mộng, như thế chúng ta có thể thấy các kinh nghiệm khi thức của chúng ta chỉ là một giấc mộng và điều ấy cũng cho phép chúng ta nhận biết những giấc mộng thật sự là giấc mộng. Không chỉ thế, sự kiện có thể áp dụng thái độ này sẽ giúp chúng ta, chẳng hạn như khi chúng ta trải qua các khủng hoảng tâm lý đáng sợ, những vấn đề dữ dội... Bằng cách ấy, chúng ta không để cho mình bị đóng kín trong tình trạng khủng hoảng và chúng ta trở nên rất dễ dàng giáp mặt đối đầu ; điều ấy cho chúng ta một sự tự do khi đối diện với những tình huống của đời sống.
Nếu chúng ta không đạt đến chỗ nhận ra giấc mộng là giấc mộng, chúng ta có thể quán tưởng trong trung tâm của lời nói (trung tâm cổ họng) một vòng tròn với chữ OM ở giữa. Trước mặt chữ OM, chúng ta quán tưởng chữ AH, bên phải là chữ NU, phía sau là chữ TA và bên trái là chữ RA.
Nếu chúng ta quán tưởng năm chữ này và đơn giản chỉ ý thức về các chữ đó phóng chiếu ánh sáng cho đến khi chìm vào giấc ngủ, đây là một phương pháp rất hiệu quả để nhận ra trạng thái giấc mộng.
Chắc hẳn, nếu chúng ta muốn đi vào chi tiết của một sự thực hành như vậy... Chúng ta không tự thấy mình trong hình tướng bình thường của mình mà tự thấy mình trong hình tướng của một bậc giác ngộ, chẳng hạn là đức Phật, và trong vòng ánh sáng cực kỳ rực rỡ trong trung tâm cổ họng, có một hoa sen bốn cánh. Giữa trung tâm hoa sen có chữ OM, và trên mỗi cánh có một chữ là AH, NU, TA, RA.
Nếu chúng ta thấy khó mà gợi lên tất cả các cái ấy một cách tức thời, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc quán chữ OM. Tiếp theo, khi việc đó đã rất rõ ràng và chúng ta cảm thấy rất gần với giấc ngủ, chúng ta tập trung chúù ý vào chữ AH, trước chữ OM. Và chúng ta vào một trong trạng thái sâu hơn, lúc ấy tập trung trên chữ NU, rồi thì chữ TA, khi chúng ta đến giai đoạn các thức chìm tan vào tâm thức căn bản, và rồi tập trung trên chữ RA khi chúng ta bắt đầu đi vào thức thân nó tự biểu lộ dưới dạng giấc mộng.
Rõ ràng ban đầu cực kỳ khó khăn để duy trì ý thức mình qua suốt các giai đoạn liên tiếp này, nhưng với sự thực hành và nhiều quyết tâm, vừa cầu nguyện mỗi khi ngủ và tự nhủ “tôi tuyệt đối phải duy trì sự tỉnh thức qua suốt các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ !”, dần dần người ta sẽ đạt được sự duy trì sợi dây không đứt đoạn của ý thức và điều ấy sẽ là một sự hộ trì, giúp đỡ lớn lao để nhận ra giấc mộng là giấc mộng.
Người ta có thể luân phiên các kỹ thuật ấy : đôi khi tập trung bằng cách quán tưởng mình trong hình tướng của Phật ; khi khác tập trung trên vòng tròn ánh sáng, tập trung trên hoa sen và thấy rõ ràng các cánh hoa... Nếu kiên trì thực tập như vậy, tệ lắm người ta sẽ đạt đến chỗ biết mộng là mộng trong chưa đầy một tháng.
Hiệu quả đầu tiên của sự tu hành này sẽ là càng ngày càng có những giấc mộng, những giấc mộng kỳ quái, những ác mộng... Và dần dần các giấc mộng thay vì rối rắm, đứt đoạn, không dứt sẽ trở nên càng ngày càng nhẹ nhàng, càng ngày càng trong suốt sáng tỏ. Và cuối cùng, người ta sẽ có thể nhận ra ở trong giấc mộng, rằng người ta đang mộng.
Mặc dầu mỗi trường hợp thuộc về cá nhân, nhưng tổng quát, sự nhận ra đầu tiên trạng thái mộng đến trong dịp một cơn ác mộng. Thình lình, ngay giữa cơn ác mộng, người ta biết rằng đấy chỉ là một cơn ác mộng !
Nếu ngay cả khi theo sự thực hành này kiên trì trong một tháng mà không chứng được mộng là mộng, đó là có một nguyên nhân vật lý hay một nguyên nhân khác ngăn trở chúng ta. Lúc ấy có nhiều các sự thực hành khác để giúp chúng ta có được sự hiểu biết này.
Với người biết được mộng là mộng, điều đó chưa đủ. Trong một giai đoạn thứ hai, chúng ta phải có thể biến đổi tình thế trong giấc mộng. Ví dụ vì các thói quen quá khứ, trong giấc mộng chúng ta có thể cảm thấy rất sợ hãi các thú dữ hay e ngại một cuộc gặp gỡ bất ngờ với người mà chúng ta không thích. Có người mơ thấy hỏa hoạn, động đất, sóng thần. Chúng ta luôn luôn có các thứ sợ hãi. Khi chúng khởi dậy trong một giấc mộng, làm sao để biến đổi, chuyển hóa chúng ? Chúng ta đã thực hành tập trung vào ánh sáng, chuyển hóa một đối tượng bình thường thành ánh sáng. Cũng thế, khi gặp một con quái vật, nếu chúng ta xem rằng cái tri giác về con quái vật không gì khác hơn là tri giác của chúng ta, không gì khác hơn là một giấc mộng và cũng cùng một thứ như khi chúng ta thử tập trung vào một đối tượng bình thường, rồi biến đổi nó thành ánh sáng, vậy thì bây giờ là lúc áp dụng điều ấy, con quái vật biến thành vị Phật và vị Phật biến thành ánh sáng hòa tan trong chúng ta, và đến lượt chúng ta tan thành ánh sáng. Và điều ấy sẽ thình lình đem lại cho chúng ta một sự khai mở đến nỗi tất cả nỗi sợ hãi của ta đều sụp đổ !
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta hãy có thêm nữa một quyết định trước khi ngủ, xác định với một quyết tâm lớn : “Bây giờ tôi không chỉ sắp nhận ra giấc mộng là giấc mộng, mà còn thăm viếng các cõi trời nơi đó có các bậc giác ngộ, để nhận được các chỉ dạy cho phép tôi đạt đến chứng ngộ trong mục đích cứu giúp những người khác.”
Nhờ vào một quyết định như thế, chúng ta sẽ du hành thăm viếng các cõi khác của đời sống, các thế giới khác. Cũng thế, trong trạng thái mộng, chúng ta có thể thử giúp đỡ những chúng sanh đang đau khổ trong thân thể tâm thức của họ, thử chuyển hóa sự đau khổ của họ. Như thế, nhờ vào sự tu hành này, chúng ta có khả năng liên lạc với các chúng sanh họ chỉ có độc nhất là thân thể tâm thức. Có biết bao sinh linh họ không có thân thể vật lý để có thể liên lạc với chúng ta.
Không chỉ thế, sự thực hành yoga giấc mộng cũng sẽ có ích cho chúng ta sau khi chết : khi chúng ta chết, mặc dầu thân thể chúng ta nằm đó, tâm thức dựa vào tinh chất rất vi tế của các nguyên tố. Ngay lúc này, chúng ta có những nguyên tố bên ngoài : đất, nước, gió, lửa, không gian... Thân thể chúng ta tạo thành bởi tinh chất của năm nguyên tố bên ngoài này. Tinh chất của năm nguyên tố là sức nóng, hơi thở, tất cả các thứ cứng chắc, tất cả chất lỏng của thân và khoảng không gian ở giữa chúng, tương ứng với năm nguyên tố bên ngoài. Và tinh chất rất vi tế của năm nguyên tố này gồm năm năng lực chúng tạo thành chỗ nương dựa của thân thể tâm thức. Khi chết, mặc dù thân thể vật lý được bỏ lại, chúng ta vẫn giữ một thân thể tâm thức, y hệt như khi chúng ta ở trong trạng thái giấc mộng. Thế nên, nếu chúng ta thực sự tu hành suốt đời này pháp môn yoga giấc mộng, chúng ta sẽ có thể có một sự kiểm soát, một sự tự chủ toàn diện mọi kinh nghiệm đến sau lúc chết. Và điều này không chỉ vì lợi lạc cho chính chúng ta mà còn cho sự lợi lạc của các chúng sanh khác. Đấy không phải là những lời nói đơn thuần, chúng ta có rất nhiều bằng chứng về tính hiệu quả của phương pháp tu hành này !
Như đã đề cập ở trước, trong giấc mộng thân thể chúng ta chỉ là một thân thể của giấc mộng, một thân thể tâm thức, và chúng ta áp dụng để nhận ra nó trong yoga giấc mộng. Thân thể của giấc mộng, thân thể tâm thức không thể bị lôi cuốn bởi các nguyên tố vật lý như nước, lửa... Và ngay cả khi đang mộng, chúng ta cũng cảm nhận một kinh nghiệm về nước, lửa hay gió, nhưng như thế tất cả điều này chỉ là một giấc mộng, cũng huyễn hóa như thân thể giấc mộng của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra điều đó và xem rằng mọi thứ ấy chỉ là một giấc mộng. Để tu hành điều này, chẳng hạn nếu chúng ta thấy trong giấc mộng một dòng sông ồn náo, chúng ta tự nhủ “tôi sắp phóng mình vào trong dòng sông giấc mộng này !” Trước tiên, vì thói quen nghiệp lực của chúng ta, chúng ta cảm thấy vài khó khăn, ngại ngần để làm chuyện đó ; tiếp theo, nếu chúng ta thực hành như thế đã nhiều lần, chúng ta không khó khăn gì nhận ra nước sông là nước của giấc mộng, rằng đấy chẳng phải là nước thật và nó chẳng thể cuốn trôi chúng ta.
Khi đạt đến đó, điều ấy sẽ đem lại cho chúng ta một trạng thái khó tin của định và phúc lạc... Lúc ấy, tất cả đều nhập vào một trạng thái phúc lạc. Phúc lạc không gì khác hơn là một trạng thái tự do, khai mở phi thường.
Cũng cùng cách ấy, người ta có thể tu hành bằng cách dùng những kinh nghiệm khác nhau của cuộc đời, dù đó là những sợ hãi, lo lắng hay những kinh nghiệm thương tổn mà người ta trải qua trong ban ngày hay trong quá khứ, và chúng rất khó khăn để đối mặt : mỗi khi kỷ niệm về chúng khởi lên, chúng ta có thể thử nhận ra chúng và chứng nghiệm rằng rốt ráo chúng không thực gì hơn một trạng thái mộng hay là ác mộng. Chúng ta cũng có thể dùng trạng thái mộng để lại nhảy vào trong tình huống đó và làm việc với nó, chuyển hóa nó.
Trạng thái giấc mộng gồm các giai đoạn khác nhau ; người ta gọi một trong các giai đoạn ấy là rơi vào sự tỉnh thức, nghĩa là thức dậy thình lình : ví dụ khi chúng ta đang mơ một giấc mơ xấu, và chúng ta biết nó, chúng ta tỉnh giấc thình lình và chúng ta không thể mơ tiếp. Tiếp theo, chúng ta khó tìm lại giấc ngủ. Chúng ta khá thường gặp loại kinh nghiệm này. Chúng ta phải làm gì đây ? Chúng ta phải tập trung vào một khối tròn bằng ánh sáng trong trung tâm quả tim (giữa ngực), hoặc ở phía trên một chút. Người ta cũng có thể tập trung vào hai điểm đen dưới hai bàn chân. Sự tập trung này sẽ giúp chúng ta tìm lại giấc ngủ và tiến trình của giấc mộng. Hai điểm ánh sáng màu đen ban đầu có kích thước của một hạt đậu Hà lan, rồi thì chúng tan biến mất.
Có một trường hợp khác rất thường : tất cả chúng ta đều có một số giấc mơ, nhưng khi tỉnh dậy chúng ta không thể nhớ lại, thậm chí chúng ta cũng không biết là chúng ta đã mơ. Cái ấy là do nghiệp lực quá khứ. Điều này cũng giống như khi người ta có thói quen nói ác, rồi thì người ta cũng không biết đến nữa và người ta để mình bị cuốn vào trong dây chuyền mắc xích của thói quen. Cũng thế, thường thường chúng ta ngủ bảy, tám tiếng, chúng ta có nhiều giấc mộng, thế mà khi thức dậy chúng ta chẳng nhớ gì ráo. Điều ấy tiếng Tây Tạng gọi là je-jam, rơi vào trạng thái quên. Làm gì trong trường hợp này ? Rất quan trọng phải thực hành rất nhiều yoga về thân thể huyễn hóa, nghĩa là biết rằng tất cả mọi hoàn cảnh mà người ta gặp trong đời chỉ là một hình thức mộng. Cũng rất quan trọng phải tập trung với một quyết chí lớn lao trước khi ngủ vào ý muốn phải nhận ra giấc mộng là giấc mộng.
Điều mà người ta thử làm, là vào lúc ngủ, hãy đừng rơi vào trong ảo giác và cố gắng duy trì sợi dây liên tục của ý thức. Và sự tu hành yoga về thân huyễn là một hỗ trợ lớn trong kỹ thuật này.
Những trở ngại khác có thể biểu lộ trong yoga về giấc mộng : người ta có thể rơi vào trạng thái ảo giác hay dưới nanh vuốt của các khuynh hướng thường ngày người ta luôn luôn mơ cùng những giấc mơ giống nhau trong khuôn khổ các thói quen hàng ngày. Trong trường hợp này, cũng phải áp dụng thực hành về thân thể huyễn hóa. Người ta cũng có thể làm những thực tập về thanh tịnh hóa : vài thực tập hơi thở rất ích dụng ; người ta cũng có thể cúng dâng mạn đà la. Nhờ vào các thực hành này chúng ta đạt đến chỗ chuyển hóa giấc mơ thói quen thành giấc mơ tích cực và tiếp đó, chuyển hóa giấc mơ tích cực này thành trạng thái quang minh.
Một trở ngại khác mà người ta gặp phải trong yoga giấc mộng là khó ngủ. Điều này thường do nhiều duyên cớ hay do các nguyên nhân vật lý. Nếu thuộc về các nguyên do vật lý, phải dùng đến thuốc, những thực vật cần thiết cho sự tái lập cân bằng thân xác ; nếu thuộc về các duyên cớ trầm trọng hơn, cần thiết phải xem chúng là như huyễn và rốt ráo không quan trọng gì hơn chỉ là một giấc mộng. Người ta cũng có thể quán tưởng trong trung tâm trái tim một điểm sáng có màu xanh đậm ; điều ấy giúp chúng ta tìm được giấc ngủ.
Các trở ngại khác có thể xảy đến do các lực bên ngoài, gây nên một sự gián đoạn trong việc tu hành của chúng ta, ngăn cản chúng ta ngủ hoặc không nhận ra được trạng thái mộng. Trong trường hợp này, chúng ta có các kỹ thuật trong đó chúng ta tập trung vào các hình tướng của Phật, và cũng có những thần chú để trì tụng giúp chúng ta ngủ và hoàn thiện sự thực hành giấc mộng.
Đặc biệt trong những sự thực tập được đề cập đến sáng nay, sự suy nghĩ về vô thường và sự quý giá của đời người là rất hữu ích để nhận ra giấc mộng là giấc mộng và trong tu hành yoga giấc mộng.
Sự tu hành Guru Yoga cũng là một sự hỗ trợ lớn để nhận ra và làm chủ trạng thái giấc mộng.
Tuy nhiên có thể xảy ra rằng người ta đạt đến chỗ biết rõ trạng thái giấc mộng nhưng rồi lại rơi vào trạng thái ảo giác. Điều này có thể do một sự thiếu sót trong các hiểu biết của chúng ta, chúng ta thiếu vài giáo huấn quý báu ; hay một kẽ hở trong samaya hay một sự thiếu tập trung... gây nên sự gián đoạn ấy.
Như tôi đã nói, nếu người ta có thể dùng thì giờ để tu hành yoga giấc mộng, đó là một kỹ thuật cực kỳ hiệu nghiệm, nó cho phép chúng ta nhận ra ánh sánh thanh tịnh (tịnh quang) sau khi chết. Không chỉ thế, nếu trong đời sống này, chúng ta thành công trong việc nhận ra mộng là mộng ít ra là bảy lần, thì người ta sẽ không có khó khăn nào để nhận biết kinh nghiệm bardo của tái sanh và người ta có thể trong lúc ấy thoát khỏi mọi ảo tưởng và mọi huyễn hóa.
Khi thực hành mãnh liệt và miên mật sáu bardo, kéo dài sáu tháng, có một chương trình cực kỳ chính xác, cực kỳ chi tiết về các thực hành khác nhau mà người ta phải làm trong mỗi ngày. Các thứ định và quán thay đổi luôn và người ta thật sự phát triển được các khả năng tuyệt đối khó tin trong các tháng tu hành yoga giấc mộng. Có rất nhiều chi tiết về các loại định và quán này, và có lẽ chúng ta sẽ thấy chúng một ngày nào đó.
Trước khi chấm dứt khóa này, chúng ta hãy làm một cuộc thiền định ngắn. Ở đây chúng ta hãy tập trung vào hơi thở như chúng ta đã thấy lúc nãy. Người ta tự xem mình như là đại diện cho tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ : mỗi lỗ chân lông, mỗi nguyên tử của thân thể chúng ta là một chúng sanh của vũ trụ bên ngoài. Và người ta làm sự thực tập này với mục đích giúp đỡ mọi sanh linh trong vũ trụ.
Trước tiên, người ta tống xuất các ngăn ngại kết bế thuộc về tình thức sân hận của thân và tâm bằng cách thở ra theo lỗ mũi bên phải, các ám chướng này có hình dáng một đám mây đỏ sậm. Người ta quán tưởng trước mặt một ngọn lửa của trí huệ nó thiêu rụi các ám chướng ấy và tất cả tan vào hư không. Với lỗ mũi trái, người ta tống xuất mọi ngăn ngại kết bế thân tâm của các nghiệp xấu do tham lam ích kỷ, dưới dạng một đám mây đỏ tươi nó sẽ tiêu hủy trong ngọn lửa trí huệ.
Với đồng thời cả hai lỗ mũi, người ta tống xuất tất cả mọi kết bế ám chướng của vô minh, dưới dạng một đám mây xám sẫm nó sẽ tiêu hủy hoàn toàn trong ngọn lửa trí huệ trước mặt ta.
Và ta xem thấy tiếp đó mọi kinh mạch vi tế của thân được tẩy rửa, trong sạch hoàn toàn, và mọi ngăn ngại kết bế được tháo mở hết.
Tất cả mọi chuyển động của nghiệp lực, tất cả mọi ám chướng đều chuyển hóa thành năng lực của trí huệ.
Giờ đây, người ta chỉ đơn giản tỉnh giác với chuyển động của hơi thở, xem thấy sự ra vào của hơi thở mà không để cho mình bị phân tâm bằng thứ gì khác trong một chốc lát.
Tiếp theo chúng ta thực hành hơi thở như đã nói trước đây, bây giờ không khí ở dưới lỗ rốn. Để làm điều đó, người ta thở ra tất cả không khí trong thân, và để thở ra, dĩ nhiên thu rút các bắp thịt ở phần dưới. Tiếp đó, người ta hít vào nhẹ nhàng bằng hai lỗ mũi, đưa hơi thở xuống dưới lỗ rốn và giữ ở đó. Khi hít vào, người ta thấy rằng tất cả tinh túy của các nguyên tố và các năng lực của các bậc giác ngộ, cũng như tinh túy của các nguyên tố và các năng lực sự sống đến tái tạo thân tâm chúng ta ; và ta giữ không khí này lâu tới mức có thể ở phía dưới rốn, không cưỡng ép.
Rồi khi khó giữ lâu thêm, người ta làm cho không khí ấy lưu chuyển bằng cách xoay vòng các bắp thịt bụng qua phải và qua trái, rồi ép về phía dưới và thở ra.
Thực hành hơi thở này là quan trọng ; người ta gọi nó là sự tu hành “cái bình” vì không khí chứa trong bụng như một cái bình. Đây là một thực hành cực kỳ ích lợi để tái tạo năng lực sống và để đem lại nhiều sắc bén, nhiều sáng tỏ của tâm thức trong thiền định.
Kỹ thuật thở này là một kỹ thuật căn bản cho tất cả mọi thực hành yoga cao cấp. Đó đích thực là nền tảng của mọi thực hành hơi thở. Người ta có thể kết hợp nó với một sự thực hành kéo dài đời sống. Người ta dùng nó trong tất cả mọi loại thiền định của mọi giáo huấn khác nhau. Nó cũng là căn bản của các thực hành như là sự thực hành về nội nhiệt, nó cho phép các bậc thánh, các lạt ma ở ẩn nhiều năm trong các hang động để thiền định, sống trong một sự thiếu thốn nhất mặc dù thời tiết cực kỳ lạnh. Nó cũng rất hiệu quả để phục hồi bộ tiêu hóa khi chúng ta có những vấn đề thuộc loại đó, và nhiều đặc tính khác. Vậy đó là một thực hành chính yếu cần phải biết rõ và thi hành tốt đẹp. Nó gồm bốn điểm chính :
– Thở vào
– Giữ không khí hít vào ở phía dưới rốn
– Sự luân chuyển không khí ấy
– Thở ra
Tiếp theo, chúng ta hãy đơn giản ngồi mà tỉnh giác với hơi thở đồng thời dùng ba âm kim cương OM AH HUNG. Khi hít vào nghĩ đến OM, giữ hơi thở nghĩ đến AH và thở ra, nghĩ đến HUNG.
Và người ta hãy chấm dứt khóa này bằng cách hồi hướng cho mọi chúng sanh trong pháp giới tất cả năng lực tích cực mà chúng ta có thể tích tập, để cho mọi nỗi thống khổ của họ được dập tắt và họ được hạnh phúc bằng chính nguyên nhân của hạnh phúc và nhanh chóng đạt đến giải thoát tối hậu.