Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

 

CHƯƠNG XV
NGƯỜI TƯ TƯỞNG VÀ TƯ TƯỞNG
 
Trong tất cả mọi kinh nghiệm chúng ta luôn luôn hiện hữu, người thể nghiệm, người quan sát, người thu góp cho mình thực nhiều kinh nghiệm hoặc là tự phủ nhận chối bỏ mình. Phải chăng đó chỉ là một biến trình sai lầm và chỉ là một sự đeo đuổi phù phiếm không thể nào đem đến trạng thái sáng tạo được ? Nếu đó là một tiến trình sai lầm, chúng ta có thể nào bôi xóa tiến trình ấy một cách toàn triệt và xua hẳn nó qua một bên, không màng biết tới ? Điều ấy chỉ có thể thực hiện khi nào tôi thể nghiệm, không phải như một tư tưởng gia thể nghiệm, mà phải thể nghiệm như chính lúc tôi ý thức được tiến trình sai lầm ấy và thấy rằng chỉ có một trạng thái duy nhất, trạng thái đồng nhất giữa người tư tưởng và điều tư tưởng.
Khi nào tôi còn thể nghiệm một sự việc nào đó, khi nào tôi còn trở nên một cái gì đó, tất nhiên phải có hành động chia hai đối nghịch ; tất nhiên phải có sự đối lập giữa người tư tưởng và điều tư tưởng , hai tiến trình ly cách vận hành tác động ; không thể nào có sự nhất trí đồng thể được, mà chỉ luôn luôn có sự tác động của một trọng điểm xuyên qua ý chí của hành động, muốn hiện thể hay không hiện thể trên bình diện tập thể, cá thể quốc gia, vân vân. Đại thể tiến trình xảy ra như vậy. Khi nào nỗ lực còn chia xẻ ra làm thành người thể nghiệm và điều thể nghiệm thì tất nhiên phải có sự thoái hóa suy sụp. Sự thuần nhất toàn bộ chỉ có thể thực hiện khi người tư tưởng không còn là người quan sát . Nói rõ hơn, hiện giờ chúng ta biết rằng có hai thực thể đối nghịch : người tư tưởng và điều tư tưởng , người quan sát và điều quan sát, người thể nghiệm và điều thể nghiệm ; đó là hai trạng thái cách biệt tương khắc. Nỗ lực chúng ta là nối kết lại hai thực thể gián cách này.
Ý chí hành động luôn luôn gây ra tinh thần nhị nguyên. Chúng ta có thể nào vượt qua ý chí phân ly này để khám phá ra một trạng thái mà hành động nhị nguyên không còn tác động nữa ? Điều này chỉ có thể tìm thấy được khi chúng ta trực tiếp thể nghiệm trạng thái nhất thể mà người tư tưởng và điều tư tưởng chỉ là một, không khác nhau nữa. Chúng ta thường quan niệm rằng người tư tưởng khác biệt với tư tưởng ; nhưng thực sự có phải thế không ? Chúng ta muốn quan niệm rằng sự thực là thế, bởi vì nếu quan niệm như vậy thì người tư tưởng mới có thể cắt nghĩa giải thích những vấn đề bằng tư tưởng của mình. Nỗ lực của người tư tưởng là trở thành một cái gì lớn hơn hoặc một cái gì nhỏ hơn ; do đó, trong sự tranh đấu như vậy trong hành động của ý chí như thế, trong sự “trở thành”, luôn luôn phát xuất thành tố suy đồi phân tán ; chúng ta đeo đuổi một biến trình sai lầm, chứ không phải một biến trình chính xác.
Có sự phân biệt chia đôi nào đó giữa người tư tưởng và tư tưởng không ? Khi mà người tư tưởng và tư tưởng còn bị phân đôi ly cách thì nỗ lực chúng ta chỉ là phù phiếm, không có ích lợi gì cả, chúng ta đã đeo đuổi một biến trình sai lầm phá hoại, một yếu tố đồi trụy. Chúng ta nghĩ rằng người tư tưởng khác biệt với tư tưởng của hắn. Khi tôi thấy rằng tôi gian tham, chiếm hữu, phũ phàng, tàn bạo, tôi liền nghĩ rằng tôi không nên thế. Rồi người tư tưởng cố gắng thay đổi tư tưởng mình, và thế là xuất phát nỗ lực muốn thành đạt, trở nên, “trở thành” ; trong tiến trình nỗ lực như vậy, người tư tưởng ôm ấp ảo tưởng sai lầm rằng có hai tiến trình sai biệt, nhưng trái lại thực ra chỉ có một tiến trình duy nhất thôi. Tôi nghĩ rằng ảo tưởng sai lầm ấy là mầm móng yếu tố căn bản của sự thối hóa đồi trụy.
Mình có thể nào thể nghiệm trạng thái đồng nhất thể, một thực thể duy nhất, chứ không phải hai tiến trình ly cách, kẻ thể nghiệm và điều sở nghiệm ? Chỉ có thế có lẽ chúng ta mới tìm thấy thế nào là sáng tạo, thế nào là trạng thái không thối hóa đồi trụy trong bất cứ thời gian nào, trong bất cứ tương quan nào mà con người còn có thể liên hệ.
Tôi gian tham. Tôi và tính gian tham không phải là hai trạng thái khác nhau ; chỉ có một trạng thái duy nhất, đó là sự gian tham. Nếu tôi ý thức được rằng tôi gian tham thì những gì sẽ xảy ra ? Tôi cố gắng không gian tham, vì những lý do xã hội hoặc vì những lý do tôn giáo ; chính nỗ lực ấy sẽ luôn luôn lệ thuộc trong một phạm vi nhỏ bé giới hạn ; tôi có thể khai triển phạm vi ấy, nhưng nó vẫn luôn luôn là một phạm vi giới hạn. Thế là yếu tố sa đọa đồi trụy vẫn còn đó. Nhưng khi tôi nhìn sâu hơn, nhìn gần hơn, tôi sẽ thấy rằng người nỗ lực, người cố gắng chính là nguyên nhân của sự gian tham và chính hắn là hiện thân của sự gian tham rồi ; tôi cũng thấy rằng không có cái “tôi” và sự gian tham, hai thực thể hiện hữu cách biệt nhau, mà chỉ có một thực thể duy nhất, đó là sự gian tham. Nếu tôi ý thức rằng tôi gian tham, rằng không có một người quan sát có tính gian tham, nhưng chính tôi là tính gian tham, nếu ý thức được như vậy thì toàn thể vấn đề chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn, sự đáp ứng của chúng ta đối với vấn đề sẽ hoàn toàn khác hẳn ; lúc ấy, nỗ lực chúng ta sẽ không còn mang tính cách phá hoại nguy hiểm nữa.
Các ngài sẽ làm gì khi toàn thể hiện thể các ngài là sự gian tham, khi bất cứ hành động nào của các ngài chỉ là sự gian tham ? Thực là bất hạnh ; chúng ta không hề suy tư theo đường lối này. Cái “tôi” vẫn hiện hữu thực thể tối cao, người lính canh gác, kiểm soát , cai trị. Đối với tôi, tiến trình này rất khốc hại. Nó là một ảo ảnh và chúng ta đều hiểu tại sao chúng ta vẫn làm thế. Tôi tự chia cắt mình ra hai phần, phần cao và phần thấp để có thể tiếp diễn liên tục. Nếu chỉ có gian tham thôi, hoàn toàn chỉ có thế thôi, chứ không phải “tôi” tác động trên sự gian tham ấy, mà chính tôi hoàn toàn là sự gian tham, vậy thì cái gì sẽ xảy ra ? Hiển nhiên lúc ấy một tiến trình hoàn toàn khác hẳn sẽ vận hành, một vấn đề khác hẳn sẽ thành hình. Chính vấn đề này mới có tính cách sáng tạo, không còn cảm thức về “tôi” ngự trị, trở nên, thành đạt, một cách tích cực hay tiêu cực. Chúng ta phải đạt đến trạng thái này nếu chúng ta muốn có được tinh thần sáng tạo. Trong trạng thái này, không còn kẻ nỗ lực, không còn người cố gắng. Đây không phải là vấn đề chuyển đạt suông bằng lời lẽ ngôn từ hay cố gắng tìm hiểu trạng thái ấy là gì, nếu các ngài khởi sự tìm hiểu trạng thái ấy bằng đường lối ấy thì các ngài sẽ đánh mất nó ngay và các ngài sẽ không bao giờ tìm thấy được. Điều quan trọng là thấy rằng người nỗ lực và đối tượng mà nỗ lực ấy hướng tới chỉ là một, không khác nhau. Muốn thấy được như vậy mình phải có ý thức giao cảm phi thường, tinh tường tỉnh thức, nhìn ngắm sự vận hành của tâm trí trong việc phân chia ra làm hai thực thể tương phản, thực thể ở trên và thực thể ở dưới ; thực thể thường còn, nhưng đó vẫn là một tiến trình tư tưởng và lệ thuộc vào thời gian. Nếu chúng ta có thể hiểu được điều này, hiểu bằng kinh nghiệm, trực tiếp, thì lúc ấy ngài sẽ thấy rằng một yếu tố khác biệt hẳn được thành hình.
Xem mục lục