Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Tâm bắt đầu đi hoang từ lúc bất giác vô minh khởi niệm chấp Ta (ngã), tự quên mình là ai, quên mất tự tánh diệu minh, năng khởi, năng biết, nên chìm đắm trong thế giới vật chất do chính nó tạo ra. Muốn chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi thì tâm phải lên đường trở về. Trở về đâu? Trở về bổn tánh của nó, trong đó không có một cái ngã nào hết. Trên đường trở về có ba thứ mà tâm cần phải giải quyết: phiền não, ái dục, và vô minh. 

Tâm bị dính vào cái thân nên phải chịu sinh, già, bệnh, chết. Nếu không muốn tái sinh thì tâm phải ngừng tạo nghiệp (hữu), bởi vì tạo nghiệp nên mới bị nghiệp lực dẫn đi luân hồi. Muốn ngưng tạo nghiệp thì đừng ái, thủ. Vì có yêu, ghét nên mới sinh ra thủ, xả và phiền não. Có thủ, xả (lấy, bỏ) là có tạo nghiệp. Có yêu thì có thương, có nhớ, muốn ở gần, muốn chiếm hữu, muốn đủ thứ. Ở gần không được, muốn chiếm hữu không được thì buồn khổ (ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ). Khi ghét thì muốn tránh xa, muốn bỏ đi. Tránh xa hoặc bỏ đi không được thì bực tức, khó chịu (oán tắng hội khổ). Vì thế hễ tâm có yêu ghét là có phiền não theo sau. Muốn hết phiền não thì tâm đừng yêu ghét, đừng ái dục. 

Vấn đề khổ đau của con người là phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét, buồn, nhớ, giận hờn, v.v...). Nguyên nhân gần sinh ra phiền não là ái dục, nguyên nhân xa là vô minh. Cho nên muốn hết phiền não thì phải diệt trừ ái dục và vô minh.

Làm thế nào để hết ái dục? Có nhiều người cho rằng muốn hết ái dục thì phải tránh xúc và thọ, vì có tiếp xúc qua lại nên cảm thọ mới phát sinh, nên họ xa lánh thế gian đi vào rừng núi. Nhưng đó chỉ là tránh tiếp xúc với loài người, chứ sáu căn vẫn tiếp xúc với sáu trần như thường, mắt vẫn thấy hình sắc, tai vẫn nghe âm thanh, mũi vẫn ngửi mùi, khi ăn lưỡi vẫn biết vị, thân vẫn biết nóng lạnh, trơn ngứa, v.v... 

Theo 12 nhân duyên thì thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả của quá khứ nên không thể diệt trừ. Ngay cả đức Phật và các vị A-la-hán cũng có lạc thọ, khổ thọ và xả thọ khi tiếp xúc với trần cảnh. Khi gặp trời nắng hay mưa, các ngài cũng bị nóng lạnh, bệnh hoạn, thọ khổ nơi thân nhưng tâm của các ngài vắng lặng, không có thọ khổ. Khi được ăn uống đầy đủ, khí hậu mát mẻ, thân thể khỏe mạnh các ngài cũng không vui thích cảm giác khoái lạc nơi thân. Ngoài ra thọ cũng là một uẩn cấu tạo nên con người, cho nên không thể dứt trừ ái bằng cách từ bỏ xúc và thọ.

Muốn dứt trừ ái dục thì phải tìm về cội nguồn xem Ai ái dục? Người thích ái dục là Ai để loại trừ, đó tức là tu tập vô ngã, chứ không phải tránh né xúc và thọ.

Từ bỏ ái dục

Ái dục gồm có ái và dục. Ái có nghĩa là yêu thương thuộc tình cảm, dục là ham muốn thuộc thể xác. Dục gồm có lục dục hay ngũ dục. Lục dục là sự ham muốn của sáu căn đối với sáu trần; mắt thích nhìn sắc đẹp, tai thích nghe âm thanh dễ chịu, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi thích nếm món ngon vật lạ, thân thích xúc chạm da thịt êm ái, ý thích nghĩ tới cái gì thỏa mãn sự thèm khát. Ngũ dục là năm thứ ham muốn của người đời: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Ái bao gồm đủ loại tình cảm: yêu, thương, nhớ, mến, ưa, ghét, giận, hờn, buồn, lo, v.v... Phần đông đàn bà thích ái (tình), đàn ông thích dục. Một bên cần tình, một bên cần dục, hợp nhau lại thì say mê chìm đắm trong ái dục. 

Nhiều người tu theo đạo Phật, muốn giải thoát, muốn hết khổ nhưng không muốn từ bỏ ái dục. Đây là điều rất mâu thuẫn, giống như muốn sạch sẽ nhưng không muốn ra khỏi vũng bùn, muốn thành Phật nhưng cũng muốn hưởng thụ dục lạc thế gian.

Thái tử Siddharta xưa kia nếu không từ bỏ cuộc sống vương giả, cung phi mỹ nữ hầu hạ, để ra đi tầm đạo thì làm sao thành Phật? Tại sao ngài không tiếp tục ở lại cung thành với vợ con, chỉ cần tu tâm tích đức, không làm việc ác, ăn hiền ở lành, thương yêu dân chúng cũng được, tội gì phải bỏ ra đi cầu đạo? 

Tại sao cần phải từ bỏ ái dục? Vì ái dục là dây xích trói buộc tâm chúng sinh trong luân hồi. Ái dục làm cho tâm lún sâu vào đầm lầy vật chất, cảm thọ, khi mất thân này liền đi tìm thân khác để tiếp tục cảm thọ ái dục. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật nói về sự giải thoát của ngài khi chiến thắng ái dục:

                  Lang thang bao kiếp sống

                  Ta tìm nhưng chẳng gặp,

                  Người xây dựng nhà này,

                  Khổ thay phải tái sinh. (Kệ 153)

                  Ôi! Người làm nhà kia

                  Nay ta đã thấy ngươi!

                  Ngươi không làm nhà được nữa.

                  Đòn tay ngươi bị gãy,

                  Kèo cột ngươi bị tan

                  Tâm ta đạt tịch diệt,

                  Tham ái thảy tiêu vong. (Kệ 154)

Người làm nhà là ngã, đòn tay là ái dục, kèo cột là phiền não.

Người tu thiền, khi chứng được tầng thiền đầu tiên (sơ thiền) có tên là “Ly dục sinh hỷ lạc địa”, nhờ xa lìa dục lạc thế gian, tâm an trụ vào vững chắc vào đề mục mà phát sinh hỷ lạc. Cảm giác hỷ lạc này thanh tao nhẹ nhàng hơn cảm giác của ái dục gấp trăm lần. 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma đạo, hạng trên thành ma-vương, hạng giữa thành ma-dân, hạng dưới thành ma-nữ... Nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng”. Chưa cần tu thiền cực nhọc mà chỉ cần từ bỏ ít nhiều dâm dục thì tâm cũng được nhẹ nhàng sinh lên các cõi trời Dục giới. Nếu thoát ly hoàn toàn ngũ dục qua con đường Thiền quán, nhưng còn sắc thân thì sinh lên cõi trời Sắc giới. Tiếp tục thiền quán xa hơn nữa, không còn sắc thân thì sinh lên cõi trời Vô sắc giới.

A-nan, các người thế gian, không cầu đạo thường trụ, chưa có thể rời bỏ được ân ái với vợ mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, sau khi mệnh chung ở gần với mặt trời, mặt trăng, một loài như thế gọi là Tứ thiên vương thiên.

Nếu lòng dâm ái với vợ mình ít ỏi thì mệnh chung sinh lên Đao lợi thiên.

Nếu gặp cảnh dâm dục thì tạm hưởng ứng, nhưng qua rồi tâm không nhớ nghĩ tới, trong tâm động ít, tịnh nhiều, thì được sinh lên cõi Tu diệm ma thiên.

Nếu tâm thường thanh tịnh, nhưng khi xúc cảnh dâm dục, chưa chống lại được, thì sinh lên cõi Đâu xuất đà thiên.

Nếu chính mình không có tâm dâm dục, chỉ đáp ứng với người khác, trong lúc đáp ứng cảm thấy là vô vị, thì sinh lên cõi Lạc biến hóa thiên.

Đến khi không còn tâm thế gian, chỉ miễn cưỡng làm việc ngũ dục theo thế gian, mà tâm vẫn thường siêu thoát, thì sinh lên cõi Tha hóa tự tại thiên”.

Chỉ cần từ bỏ ái dục mà đã được lợi ích như thế, nhưng con người vẫn thích ái dục, chìm đắm trong thất tình lục dục, vì không hiểu rõ sự nguy hiểm của nó.

A-nan, phần trong của chúng sinh, nhân vì lòng ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, tình chứa mãi không thôi, có thể sinh ra ái thủy; vậy nên chúng sinh, tâm nhớ thức ăn ngon thì trong miệng nước chảy ra; tâm nhớ người trước, hoặc thương, hoặc giận thì con mắt lệ tràn; khi tâm dính vào việc dâm dục thì hai căn nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan, các ái đó, tuy khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng; thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa đọa”.

Con người thích ái dục vì bản chất của con người là năm uẩn, và cái sinh ra năm uẩn là tâm vô minh, chấp ngã, ái ngã. Trong năm uẩn, sắc uẩn có nam căn và nữ căn do tâm dục tạo ra. Tâm dính mắc vào sắc thân nên tìm cảm thọ qua xác thân. Sơ khởi vì dính mắc vào sắc và thọ uẩn nên tâm ưa thích dâm dục. Một khi tâm đã nếm mùi khoái lạc của dâm dục qua xác thân, với tưởng uẩn, nó hồi tưởng, nhớ lại những hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm cho ra lạc thọ. Với hành và thức uẩn, tâm thèm khát, suy nghĩ, tìm cách tái diễn lại lạc thọ qua ái dục, dâm dục. 

Con người tái sinh trở lại cõi này cũng do dâm dục. Trước khi tái sinh, Trung ấm thân theo gió nghiệp đưa đẩy, tìm tới cha mẹ tương lai, và khi thấy cha mẹ hành dục thì cũng khởi tâm dâm dục. Nếu tái sinh làm con trai thì thần thức ưa thích người mẹ, muốn nhảy vào chỗ của người cha và liền bất tỉnh nhập thai. Nếu tái sinh làm con gái thì thần thức ưa thích người cha, muốn nhảy vào chỗ người mẹ và liền bất tỉnh nhập thai. Khởi đầu của sự tái sinh là sự hành dục của cha mẹ, (cho ra tinh cha huyết mẹ), cộng với tâm dâm dục của thần thức (hay Trung ấm thân), cho nên khi sinh ra ai cũng có chủng tử dâm dục trong tâm, không nhiều thì ít. 

Ngày nào còn thích ái dục, dâm dục thì ngày đó tâm còn mắc kẹt vào xác thân vật chất, và làm nô lệ cho cảm thọ, cảm giác. Muốn giải thoát mà tâm cứ thích ở trong tù (sắc) và làm nô lệ (thọ) thì làm sao giải thoát?

Hàng Phật tử tại gia nghe tới đây chắc không khỏi phân vân, như vậy thì phải làm sao đây? Phảy từ bỏ việc chăn gối vợ chồng sao? Trên đây là nói về phương diện chân đế. Trên tục đế, người cư sĩ hãy còn gia đình nên không bắt buộc phải sống như người xuất gia. Chỉ cần giữ đúng giới không tà dâm, và tập xả bỏ tâm dâm dục là tốt lắm rồi. Nhờ công phu tu hành, tâm chuyển thì nghiệp sẽ chuyển. Từ từ cả hai vợ chồng cùng học đạo, hiểu đạo, và trở thành bạn đạo, khuyến khích nhau tu hành để cùng giải thoát sinh tử, khổ đau, giống như vợ chồng ngài Ma Ha Ca Diếp khi xưa, cả hai cùng xuất gia tu hành và chứng A-la- hán.

Làm sao từ bỏ ái dục?

Quán bất tịnh

Để từ bỏ ái dục, các kinh sách thường dạy quán về sự bất tịnh của thân thể, bởi vì đối tượng của ái dục là thân hình sắc đẹp. Đàn ông, đàn bà say mê thân hình và sắc đẹp của nhau, rồi từ đó tâm dục phát sinh, hai căn nam nữ bị kích thích, tinh dịch chảy ra và đưa đến sự hành dục. Khi còn thấy thân thể mình và người kia là đẹp và hấp dẫn thì tâm rất dễ khởi dục. Muốn đối trị tâm dục thì phải quán chiếu thấy được sự nhơ nhớp, tanh hôi, thối tha bên trong và bên ngoài của thân thể, như máu, mủ, đờm, dãi, phân, tiểu, gân, xương, thịt, mỡ, ruột non, ruột già, v.v... 

Một người thật đẹp mà nếu không tắm rửa vài ngày thì thân thể sẽ toát ra mùi hôi. Nếu không súc miệng, đánh răng thì mở miệng ra ai nấy đều tránh xa. Mắt, tai, mũi, miệng, đường tiểu và hậu môn là những nơi tiết ra những thứ dơ bẩn, tanh hôi. 

Có thấy rõ được sự bất tịnh nơi thân mình và thân người khác phái thì tâm mới nhàm chán, xa lìa sắc dục. Thời xưa các thầy tỳ kheo phải đi vào những bãi tha ma (thi lâm) để quán các xác chết sình thúi và tan rữa. Nhờ mục kích trực tiếp sự bất tịnh nên lòng dục được nguội lạnh dễ dàng. Còn thời nay khó tìm đâu ra những xác chết để quán chiếu, vì thế nên phép quán bất tịnh tương đối khó thành tựu. Nhưng nếu quyết tâm từ bỏ ái dục thì vẫn quán chiếu được.

Quán biệt tướng

Đa số người ta bị thu hút bởi sắc đẹp vì chỉ nhìn thấy tổng tướng bề ngoài như dáng điệu, mặt mũi, chân tay, mông ngực, da thịt, mà không nhìn thấy được biệt tướng và ẩn tướng bên trong cơ thể. Khi nhìn tổng tướng thì dễ bị mê hoặc, vì thế đức Phật dạy chúng ta tập quán thấy biệt tướng của các pháp. Thí dụ cái gọi là “một” con người thì Phật dạy chúng ta tập thấy đó là danh sắc, tứ đại, ngũ uẩn Thí dụ cái gọi là “tâm” thì đó không phải là “một” tâm mà là tám thức, 51 tâm sở. Thí dụ khi nhìn thấy một người “đẹp” thì hãy ghi nhận đây là một chúng sinh, hoặc một ngũ uẩn và đừng chú tâm vào cái “đẹp”, bởi vì đẹp chỉ là một khái niệm chủ quan của tâm thức gán vào đối tượng.

Tu theo đạo Phật là học và tập nhìn sự vật một cách khác, thoát ra ngoài nhãn quan thường tình thế gian và đi ngược dòng đời. Thế gian thấy đời là vui, đạo Phật thấy đời là bể khổ. Thế gian thấy đời là thường, đạo Phật thấy nó vô thường. Thế nhân thấy có Ta thì Phật dạy không có Ta (vô ngã). Người đời thấy các nữ minh tinh điện ảnh là tuyệt sắc giai nhân thì kinh lại bảo đó là những túi da hôi thúi (xú bì nang) bên trong chứa đầy máu mủ, phân tiểu tanh hôi. Người đời thấy tình yêu là hạnh phúc thì người tu thấy đó là giây oan, v.v...

Đây là tích chuyện của trưởng lão Mahatissa chuyên quán về bộ xương.

Một hôm nọ ngài Mahtissa rời khỏi nơi ẩn cư trong rừng để vào làng khất thực. Trên đường đi, ngài gặp một thiếu phụ đang bỏ nhà ra đi sau khi gây gổ với chồng. Nhìn thấy trưởng lão, tình ái trong người nàng bộc phát và nhoẻn miệng cười một cách đầy quyến rũ. Khi thấy nàng, trưởng lão không chú ý đến toàn thân mà chỉ chú ý đến hàm răng của nàng. Bởi vì trong lúc đi khất thực, ngài vẫn chuyên tâm quán niệm về đề mục xương, nên toàn thân của nàng đối với ngài chỉ là một bộ xương không hơn không kém. Ngài tập trung vào ấn tướng này và đắc định, chứng quả A-la-hán. Trưởng lão tiếp tục đi khất thực, và trên đường đi ngài gặp chồng của nàng. Người đàn ông hỏi ngài có thấy một người đàn bà diện mạo như thế, như thế không? Trưởng lão đáp rằng ngài có thấy một người, nhưng không biết đó là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những gì ngài thấy được chỉ là một bộ xương đang đi thôi.

Cái mà ngài trông thấy thật ra là hàm răng của người đàn bà, nhưng nhờ tâm quán hay quán lực của ngài đã chuyển ấn tướng này vào toàn thân của nàng thành hình ảnh một bộ xương. Nhờ vậy mà tâm của ngài không khởi lên một chút dục vọng nào hết.

Quán vô ngã và chân tâm

Phép quán bất tịnh là quán về đối tượng bên ngoài, nhưng nhiều khi không hiệu nghiệm vì sức quán còn yếu, không đủ mạnh để thấy rõ những thứ bất tịnh. Ngoài ra nếu lòng dục còn mạnh thì nhiều khi biết là bất tịnh nhưng không cưỡng lại nổi sự cám dỗ, do đó cần phải diệt trừ lòng dục bên trong bằng cách quán chiếu về vô ngã và chân tâm.

Vì tâm mê tự cho mình là thân xác, nên mới thèm khát, thích thú thân xác người khác để hành dục, để tìm cảm thọ lạc. Nay tâm nhớ lại mình không phải là thân xác này thì sẽ ngừng lại, không chạy theo sự đòi hỏi của xác thịt.

Tâm (hay chân tâm) bổn tánh vốn tự thanh tịnh, vắng lặng, đầy đủ, vậy cái gì muốn dục??? Cái muốn dục chỉ là một tập khí vô minh của vọng tâm, lăn lộn trong sinh tử, hòa nhập và lún sâu vào vật chất, tưởng mình là xác thịt.

Mỗi khi bị lòng dục cám dỗ, bên ngoài bạn hãy quán thân bất tịnh hay biệt tướng, và bên trong tự hỏi Ai muốn dục? Rồi xoay cái nhìn trở vào bên trong để tìm cái Ai đó. Tìm một hồi thì cái “Ai muốn dục” đó sẽ tan biến. Vì nó chỉ là một vọng tưởng khởi lên dẫn tâm tạo nghiệp, nhưng nếu tỉnh thức quay lại nhìn thì nó biến mất. Nếu không nhìn được cái Ai đó thì nhớ đừng cho ta là thân. Vì cho ta là thân nên mới chạy theo dục.

Quán sự tai hại của sắc dục

Ngoài ra bạn có thể quán thêm về sự tai hại của sắc dục như liếm mật trên lưỡi dao, như khát uống nước muối, như chó gặm xương khô. Có người dùng dao nhúng vào lọ mật để lấy ra phết vào bánh mì, phết xong trên con dao còn dính lại chút mật, đứa con nít khờ dại thè lưỡi ra liếm chỗ mật đó. Mật tuy ngon ngọt nhưng vừa liếm xong là đứt lưỡi. Vị ngọt hưởng chưa tới một giây mà bị đau đứt lưỡi. Người đi trên biển, khát nước bèn múc nước biển mà uống, nước biển là nước muối nên càng uống càng khát, càng khát lại càng múc uống tiếp, uống tới khô cổ mà chết. Có người đồ tể vứt cho con chó một khúc xương khô, không còn dính chút thịt nào, nhưng con chó không biết, cố gặm tới gặm lui, rách răng chảy máu, rồi nó tưởng máu đó từ miếng xương khô mà ra nên ráng gặm nữa, càng gặm càng đói, càng thèm, càng chảy máu răng. Sắc dục cũng như vậy, không bao giờ vừa đủ, càng hành dục thì lòng dục càng tăng trưởng, (huân tập các chủng tử dục vào A-lại-da thức), càng thích thú, càng thèm khát tìm kiếm, nhiều khi rơi vào tội lỗi tà dâm, hoặc hiếp dâm. Hậu quả hiện đời là gia đình tan nát, hoặc bị tù tội, xử tử. Hậu quả đời sau đọa địa ngục hoặc tái sinh làm thú vật để thỏa mãn thú tánh.

Trong tâm con người có Phật tánh và thú tánh. Thú tánh càng nhiều thì Phật tánh càng mờ. Thú tánh giảm bớt thì Phật tánh mới có thể hiển lộ. Ham mê sắc dục thì tâm bị lún sâu vào sình lầy vật chất, tăng cường thú tánh, quên mất Phật tánh. Vì vậy nếu muốn giải thoát thì phải từ bỏ ái dục, sắc dục, dâm dục.

Quán chiếu

Bạn đọc vừa được giới thiệu bốn phép quán để từ bỏ ái dục, trong đó cái nào cũng có chữ quán, nói cho đủ là quán chiếu. Quán chiếu là một phương pháp rất quan trọng trong đạo Phật. Nó là một chìa khóa khai mở trí tuệ, chiếu phá vô minh. Nếu chỉ niệm (ghi nhận) hay chánh niệm suông thì không đủ để giác ngộ giải thoát. 

Thế nào là quán chiếu? Quán là quan sát, theo dõi, nhìn cho kỹ. Chiếu là nương vào một đề mục (hay công án) để nhìn đối tượng. Quán chiếu không phải là quan sát suông, mà là quan sát đối tượng dưới một góc độ đặc biệt để tìm ra tính chất của nó. Thí dụ quán chiếu về vô thường, tức là nhìn và quan sát sự vật để thấy được tính cách vô thường của chúng.

Quán chiếu cần phải được thực tập liên tục cho đến khi thành công. Quán chiếu giống như đưa một chương trình (program) mới vào trong tâm hay A-lại-da thức.

Từ xưa đến nay program “dục” được cài đặt trong tâm, nên mỗi khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì chương trình này tự động nhảy ra làm việc (autorun).  Biết được như thế, bây giờ chúng ta phải ngăn chận nó, không cho nó chạy tiếp và đồng thời tạo ra một chương trình đối lập bằng bốn cách quán ở trên. Khi những program mới tự động nhảy ra một mình thì xem như việc quán chiếu thành công.

Thí dụ trường hợp của ngài Mahatissa ở trên. Ngài đã quán thuần thục về bộ xương, nên khi vừa thấy người đàn bà nhe răng cười, ngài liền thấy ngay toàn thân nàng là một bộ xương. Còn nếu gặp người có sẵn chương trình dục trong tâm thì sẽ thấy người đàn bà là miếng mồi béo bở.

Xem mục lục