Vô ngã và Tánh Không
Khi nói đến vô ngã tức là ám chỉ năm uẩn vô ngã theo định nghĩa của kinh Vô Ngã Tướng. Nhưng rất tiếc kinh này ít được biết đến trong giới Phật tử Đại thừa. Bù lại họ thường tụng Bát Nhã Tâm kinh và rất quen thuộc với tư tưởng “ngũ uẩn giai không”. Vậy thì ngũ uẩn giai không? Hay ngũ uẩn vô ngã? Giai không và vô ngã có gì khác nhau?
Ngũ uẩn giai không
Bát Nhã Tâm kinh mở đầu như sau: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị....” Dịch nghĩa là: Quán Tự Tại Bồ tát khi thực hành thâm sâu bát nhã ba la mật đa, soi thấy năm uẩn đều không nên vượt thoát mọi khổ nạn. Xá lợi tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy...
Trong đoạn kinh trên, có hai phần quan trọng, đó là hành thâm bát nhã ba la mật đa và chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Từ hai phần này người ta lại rút ngắn lại thành trí Bát nhã và Tánh Không? Rồi khi bàn về Tánh Không, người ta quên mất ngũ uẩn mà lại nói về những sự vật khác như cái bàn, cái ghế, nhà, xe, thế giới, pháp giới, vũ trụ, v.v... Những thứ đó thật ra cũng là không, nhưng nếu quên phần chính yếu là ngũ uẩn thì sự hiểu biết những cái không kia không giúp ích gì nhiều trong việc diệt trừ phiền não khổ đau.
Bây giờ chúng ta hãy bàn về chữ “không” của kinh Bát Nhã. Bình thường khi nghe nói “không” thì người ta tưởng là “không có”, bởi vì quá quen thuộc với khái niệm Có và Không (Hữu và Vô). Cái gì mắt thấy, tai nghe hay sờ mó được thì cho là Có. Còn cái gì không thấy, nghe, sờ mó được thì cho là Không có. Chữ “Không” theo nghĩa thế gian là không có mặt, không hiện hữu, không có hình tướng, thuộc về không gian, vật chất.
Chữ “không” của kinh Bát Nhã là thuộc về tánh, cho nên gọi là Tánh Không (sunyata). Tánh Không không có nghĩa là không có gì hết. Cái “không” này không thể thấy bằng mắt, nghe bằng tai, mà phải thấy bằng lý trí, bằng sự quán chiếu. Mọi sự vật đều có hình tướng, nhưng không có tự tánh độc lập, cho nên gọi là Tánh Không. Tánh Không không từ chối sự có (hiện hữu) của sự vật. Chúng do nhân duyên hợp lại với nhau thành hình này, tướng nọ làm chúng ta cảm tưởng là có, nhưng chúng không có một bản tánh độc lập, tự hữu.
Hòa thượng Thanh Từ thường giảng chữ “không” là không có thật. Thiền sư Nhất Hạnh dịch chữ “không” là không có tự tánh. “Không có thật” nghe có vẻ bình dân và dễ hiểu hơn “không có tự tánh”. Những người bình dân chất phác khi nghe nói về không thì họ bỏ luôn chữ “thật” và “tự tánh” phía sau, chỉ giữ lại chữ “không có” cho gọn, đối với họ “không” là không có gì hết (nothing). Hòa thượng Thanh Từ vẫn thường nhắc nhở “không” là không có thật, chứ không phải là “ngoan không” hay “không ngơ”.
Dưới đây chúng ta hãy xem Luận sư Long Thọ (Nagarjuna), sơ tổ phái Trung Quán Ấn Độ (Madhyamika), và cũng là tổ Thiền thứ 14, định nghĩa về chữ “không” trong Trung Quán luận (Madhyamaka- sastra), phẩm XXIV, kệ 18:
Chúng nhân duyên sinh pháp,
Ngã thuyết tức thị không,
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa.
(Các pháp do duyên sinh,
Ta nói đó là không
Cũng gọi là giả danh,
Cũng là nghĩa trung đạo.)
Câu “Ta nói đó là không”, chữ Ta ám chỉ đức Phật, nhưng cũng có thể hiểu đó là Long Thọ, tác giả Trung Quán luận. Nhưng dù là Long Thọ nói thì cũng như Phật nói, vì ngài viết bộ Luận để hiển bày ý Phật.
Theo Luận sư Long Thọ chữ “không” đồng nghĩa với duyên sinh, giả danh, và trung đạo. Nhưng trong phái Trung Quán, “không” hay tánh Không đã trở thành một phương pháp biện chứng phủ định để phá ngã chấp và pháp chấp của Nhị thừa và ngoại đạo. Tánh Không không phải là một định nghĩa về thực tại, mặc dù trong đó như có hàm ngụ ý nghĩa bản tánh của Thực tại là Không. “Bản chất hiện hữu của thực tại là Không, “vô tự tính”, nghĩa là không có yếu tính quyết định. Đó là ý nghĩa phủ định trong tiền đề Không của Trung Quán”. Tánh Không này là một loại phủ định tuyệt đối, không chừa một khe hở nào cho khẳng định có thể chui ra. Bình thường khi nói “không phải là cái này” thì tức là cái kia, đây là phủ định cái trước để khẳng định cái sau. Nhưng Tánh Không cũng phủ định luôn cả cái sau. Hễ đưa ra cái nào là bị phủ định cái đó. Chỉ có phủ định mà không khẳng định, nói cách khác đó là một loại phủ định bỏ lửng. Bởi thế Tánh Không là một phương thức luận lý mâu thuẫn hóa nhằm đẩy ngôn ngữ đi đến tận cùng khả năng của nó. “Thực tại tuyệt đối không thể định nghĩa, mà điều cần thiết là phải nhận thấy rõ những uẩn khúc của ngôn ngữ và vai trò của nó”. “Đặc tính của ngôn ngữ là mô tả. Thất bại của nó là không mô tả nổi Tuyệt đối Niết bàn”. Nói là cái này hay cái kia đều là sai, là bị kẹt. Nó dồn hành giả tới đường cùng, không thể dùng ngôn ngữ hay ý thức được nữa, may ra từ đó hành giả có thể đạt tới Thực tại. Vì Thực tại vượt ngoài ngôn từ, bất khả thuyết. Nhưng nếu hành giả không hiểu điều đó mà lại lay hoay trong suy luận trí thức thì Tánh Không rất dễ trở thành Hư vô luận, cái gì cũng bác hết để rồi không đưa tới đâu, hoặc tới chủ nghĩa hư vô đoạn diệt.
Cùng một chữ “không” mà bao nhiêu trường phái Phật giáo đã định nghĩa khác nhau. Trong Đại Trí Độ luận, ngài Long Thọ nêu ra nhiều loại “không” như: Phân phá không, Quán không, Thập bát không, Tam muội không, Sở duyên không, Tự tánh không. Giáo lý Tánh Không của Long Thọ không phải dễ hiểu, vì muốn hiểu nó người ta cần phải hiểu luôn cả lý Bát bất Trung đạo mà Long Thọ đề xướng ra, cùng với Nhị đế (Tục đế và Chân đế), Không và Hữu, cũng như giáo lý của các trường phái khác như Hữu bộ (Sarvastivada), Kinh lượng bộ (Sautrantika) và Duy thức (Yogacara).
Ở đây chúng ta hạn chế chữ “không” vào hai định nghĩa thông thường được nhiều người biết đến là: không có thật và không có tự tánh để bàn luận về “ngũ uẩn giai không”. Dù là định nghĩa nào đi nữa, “không” vẫn là phủ định, nhưng phủ định tới một mức nào thôi, đủ để tu tâm sửa tánh.
1/ Theo nghĩa “không có thật”.
Ngũ uẩn giai không là năm uẩn không có thật. Khi nói không có thật, tức ngụ ý nói là có giả. Như vậy năm uẩn vẫn có mà có giả, không có thật. Có giả nghĩa là còn có hình tướng, mặc dù đó là huyễn tướng. Sắc là giả có nên bây giờ trẻ đẹp, mai mốt già nua. Chữ “không” ở đây phủ định sự “có thật”, nhưng vô tình khẳng định sự “có giả”. Nó không phủ định được tướng “có” của năm uẩn, bởi vì năm uẩn vẫn có mà có giả.
2/ Theo nghĩa “không có tự tánh”.
Ngũ uẩn giai không là năm uẩn không có tự tánh, vô tự tánh (nihsvabhava). Thế nào là có tự tánh? Một vật có tự tánh tức là nó tự có một mình, tự hiện hữu độc lập, không cần phải lệ thuộc hay nương vào cái khác để hiện hữu. Do tự có một mình nên nó không bao giờ tiêu diệt. Năm uẩn không có tự tánh, tức là năm uẩn không thể tự có (hiện hữu) một mình được. Sắc không thể tự có một mình được, vì nó là tổ hợp của nhiều thứ khác như tứ đại, hoặc 32 thứ trong cơ thể con người. Thọ, Tưởng và Hành không thể tự có một mình được, vì nó phát sinh do căn, trần, thức hợp lại. Thức phát sinh do sự tiếp xúc giữa căn và trần. Năm uẩn không có tự tánh bởi vì do duyên sinh, cái này có vì cái kia có. Năm uẩn chỉ là duyên sinh, không có tự tánh, chỉ là giả danh, một cái tên tạm gọi, nên không thể nắm bắt được. Thấy hình như có, nhưng tìm lại thì không thấy.
Ngoài kinh Vô Ngã Tướng dạy về ngũ uẩn vô ngã, đức Phật còn thuyết nhiều kinh khác dạy về cách quán chiếu tánh như huyễn và tánh không của ngũ uẩn. Thí dụ như Kinh Bọt Nước, trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập III, Thiên Uẩn, Chương V, Phẩm Hoa, đoạn III. Trong kinh dạy quán năm uẩn như sau:
“Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Đấng bà con mặt trời,
Đã thuyết giảng như vậy.”
Ví như trên sông chảy mang theo một đống bọt nước, nhìn xa thấy có hình thù giống như một người, nhưng lại gần bốc lên quan sát thì nó trống rỗng, không có gì ở trong. Sắc cần được quán chiếu như vậy, tức là sắc có hình tướng và người đời tưởng là có cái Ta ở bên trong, nhưng tìm kỹ lại thì sắc trống rỗng, không có cái Ta nào ở trong đó hết, chỉ toàn là da, thịt, xương, gân, máu, mủ, đờm, dãi, v.v...
Thọ ví như bong bóng nước. Bong bóng nước nhỏ hơn chùm bọt nước, nhưng cũng có hình dáng tròn tròn. Thấy có đó, nhưng đụng vào thì vỡ tan, không có thực chất, trống rỗng bên trong. Thọ cũng như vậy, mọi cảm thọ sướng, khổ, hiện ra như có, nhưng khi muốn nắm giữ nó thì nó tan biến mất.
Tưởng ví như ráng mặt trời. Vào buổi trưa mùa hạ, trời nóng làm hiện ra những làn sóng nắng trên mặt đất. Nhìn xa tưởng là có nước, nhưng lại gần tìm thì không có. Cũng thế, trong đầu chúng ta tưởng cái này, tưởng cái kia, nhưng chợt tỉnh tìm lại thì những thứ đó biến đâu mất.
Hành ví như cây chuối. Ví như có người đi vào rừng để tìm lõi cây, thấy một cụm cây chuối mọc thẳng, cao vút. Anh ta bèn chặt cây chuối đem về để tìm lõi cây. Nhưng lột từng bẹ chuối ra, từ ngoài cho đến trong, không tìm thấy một lõi cây nào. Hành cũng như vậy, chúng ta luôn luôn suy nghĩ, tính toán, lo âu việc này việc nọ, nhưng nếu quay trở vào trong tìm xem người suy nghĩ là ai thì không thấy.
Thức ví như ảo thuật. Ví như có nhà ảo thuật, dùng bùa chú làm hiện ra những con vật này, vật kia. Nhưng cuối màn, những con vật đó biến mất hết, không thể tìm thấy được. Tất cả những nhận thức, phân biệt khởi lên làm cho con người mê hoặc, tưởng lầm như có một cái Ta là tác giả, là chủ nhân đứng phía sau, nhưng nếu tìm kỹ lại thì không có ai cả.
Ngũ uẩn phối hợp với nhau hoạt động nhịp nhàng làm cho người đời tưởng lầm có một cái Ta ở bên trong điều khiển. Nhưng với trí tuệ quán chiếu sâu xa thì sẽ thấy chúng vô ngã và ảnh hiện như huyễn.
Tóm lại, dịch chữ “không” là không có thật hay không có tự tánh đều được cả. Bởi vì không có tự tánh, chỉ là giả danh, nên không thể nắm bắt được. Do không thể nắm bắt được nên không thật có. “Không” hay Tánh Không chỉ là phương tiện phá chấp, nhưng nếu tôi nổi sân lên khi thấy cái “không”của bạn không giống cái không của tôi thì “không” liền trở thành “có”, có phiền não chấp trước, và Tánh Không trở thành thuốc độc.
Bát Nhã và Tánh Không
Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành thâm sâu Bát nhã ba la mật đa thì thấy được Tánh Không của năm uẩn. Bát nhã là một loại trí tuệ thấy được Tánh Không, cho nên gọi là Trí Bát nhã. Trí Bát nhã không phải là Tánh Không. Khi hiểu được thể tánh hay bản chất thực sự của các pháp không thật có thì gọi là thấy được Tánh Không. Nhưng cái thấy này không phải bằng mắt nên không thấy hoài được, phải vận dụng trí óc suy tư mới thấy, cho nên gọi là quán chiếu. Thường suy tư quán chiếu theo lời dạy của đức Phật (như trên) để thấy ngũ uẩn không có thật tánh, như đống bọt, bong bóng nước, sóng nắng, cây chuối, ảo thuật thì gọi là Trí Bát nhã.
Từ Vô Ngã đến Tánh Không
Theo quan niệm của Đại thừa, lúc mới bắt đầu thuyết pháp cho đệ tử, đức Phật chỉ dạy ngũ uẩn vô ngã, vì căn bệnh chính của chúng sinh là bệnh chấp ngã, chấp năm uẩn là ngã (Ta), cho cái ngã có thật. Sau khi các đệ tử tu tập chứng quả A-la-hán rồi, không còn chấp ngã nữa, nhưng còn cho năm uẩn là thật có nên Phật mới giảng ngũ uẩn giai không hay Tánh Không để phá sự chấp pháp. Các kinh A-Hàm (Agama) hay Nikaya của Tiểu thừa chỉ dạy về ngã không (atmasunyata), phải chờ đến thời Bát nhã, đức Phật mới dạy về pháp không (dharmasunyata). Trong Bát nhã tâm kinh, khởi đầu cũng nói về ngũ uẩn giai không, nhưng sau đó nói đến cái không của các pháp, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm rồi tới cái không của năm uẩn, sáu căn, sáu trần, mười tám giới, mười hai nhân duyên, tứ đế. Do đó Tánh Không được xem là rộng lớn hơn Vô ngã. Chúng ta có thể tóm lược đại ý như sau:
- Ngũ uẩn vô ngã = ngã không > phá ngã chấp
- Ngũ uẩn giai không = pháp không > phá pháp chấp
Quan niệm của Đại thừa nghe cũng có lý, nhưng nếu đọc kỹ các kinh Nguyên thủy, chúng ta sẽ thấy sự việc không hẳn như vậy. Thí dụ trong kinh Bọt Nước (ở trên), đức Phật đã dạy quán năm uẩn không thật có, và trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) ba bài kệ số 277, 278, 279 được tóm gọn lại thành một bài kệ “Tam pháp ấn” dưới đây:
Tất cả hành vô thường
Tất cả hành khổ đau
Tất cả pháp vô ngã
Với tuệ quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh.
Chữ hành (sankhara) trong câu thứ nhất có nghĩa là các pháp hữu vi, do nhân duyên hợp thành nên vô thường. Chữ hành trong câu thứ hai ám chỉ ngũ uẩn. Chữ pháp (dhamma) trong câu thứ ba không phải là Phật pháp mà là tất cả sự vật gồm hữu vi và vô vi. Dù là nhân duyên hợp thành hay không do nhân duyên hợp thành, tất cả sự vật đều vô ngã. Chữ “vô ngã” ở đây cần được hiểu ra sao? Câu “chư pháp vô ngã” sẽ có ý nghĩa thâm sâu nếu dịch chữ ngã là tự ngã, hay tự tánh. Khi đó chư pháp vô ngã có nghĩa là các pháp không có tự ngã, không có tự tánh. Và như vậy thì vô ngã ở đây đương nhiên có nghĩa là tánh không. Chư pháp vô ngã = tánh không. Tánh Không của Đại thừa đã nằm sẵn trong giáo lý Nguyên Thủy.
Sự liên quan giữa vô ngã và tánh không có thể được tóm lược như sau:
Vô ngã = không phải là ta = ngã không.
Vô ngã = không có tự ngã = vô tự tánh = tánh không.
Vô ngã áp dụng vào ngũ uẩn = nhân vô ngã = ngã không
Vô ngã áp dụng vào các pháp = pháp vô ngã = pháp không
Dù dịch vô ngã theo kiểu nào đi nữa thì vô ngã vẫn là tánh không. Vì cả hai đều cùng một bản chất, đó là phủ định sự hiện hữu của ngã.