Cho tới bây giờ, chắc bạn đọc đã để ý là từ đầu cuốn sách có những lúc tôi dùng chữ Ta (viết hoa), và có lúc dùng chữ ta (viết nhỏ). Đó là vì có dụng ý. Qua câu hỏi số ba ở trên, chúng ta sẽ nói rõ về hai loại ta. Điều này tôi đã viết trong sách Vô Ngã, ở đây xin nói lại.
Như đã định nghĩa ở phần trước, chữ Ta được dùng để chỉ cái ngã, hay bản ngã (ego), còn chữ ta được dùng để chỉ chúng ta, là con người, là chúng sinh, tiếng Anh là human, person, sentient beings. Chữ ta là một danh từ quy ước (convention) xưng hô của xã hội. Nhưng chúng ta ai nấy đều có một cái Ta (we all have an ego). Trong đời sống bình thường ta và cái Ta rất giống nhau, bởi vì cái Ta nó sai sử ta, điều khiển ta, khi cái Ta bị tổn thương thì ta cũng cảm thấy bị tổn thương. Thí dụ như tên tôi là Hùng. Hùng chỉ là một cái tên do cha mẹ đặt cho tôi khi mới sinh. Hùng trở thành cái tên của tôi (ngã sở), và Hùng cũng là tôi (ngã). Khi cho Hùng là tôi thì Hùng trở thành cái ngã (cái Ta), và lúc đó nếu có ai kêu tên Hùng ra chửi thì tôi nổi giận liền. Người ta chỉ chửi một cái tên, một cái danh, cái tên đó là chữ H + chữ Ù + chữ N + chữ G. Đúng ra thì mấy chữ này phải nổi giận chứ, nhưng nó không nổi giận mà tôi nổi giận. Bởi vì tôi không còn thấy Hùng là một cái tên nữa mà là cái ngã của tôi (tự ngã của tôi), cho nên ai xúc phạm đến tên Hùng tức là đụng đến tôi hay cái Ta của tôi.
Khi có năm uẩn hợp lại thành một con người (puggala, person) thì chúng sinh chấp vào đó cho là Ta, là ngã (atta, ego).
Sự chấp ngã này có bốn loại, (thí dụ với sắc):
1. Chấp sắc là Ta
2. Chấp sắc nằm trong Ta: tức sắc nhỏ, Ta lớn.
3. Chấp Ta nằm trong sắc: tức Ta nhỏ, sắc lớn.
4. Chấp Ta có sắc: tức Ta khác sắc và sắc thuộc ý Ta.
Trên đây là bốn điều lầm chấp về sắc uẩn. Đối với bốn uẩn còn lại cũng lầm chấp như trên, chỉ thay thế thọ, tưởng, hành, thức vào chữ sắc. Như thế là có 20 sự lầm chấp về năm uẩn; 20 sự lầm chấp này xảy ra trong cả ba thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Thí dụ chấp cái sắc (thân) hôm qua là Ta, cái sắc hôm nay cũng là Ta và cái sắc ngày mai cũng vẫn là Ta. Như vậy là có 60 (20 chấp x 3 thời) sự lầm chấp. Thêm vào hai lầm chấp nữa là chấp thường và chấp đoạn: cho cái Ta thường còn vĩnh cửu hoặc mất hẳn sau khi chết. Tổng cộng là 62 tà kiến, lầm chấp về Ngã.
Ngoài sự vô minh lầm chấp của ngũ uẩn, bên ngoài lại thêm ngôn ngữ bao vây. Sống ở đời phải có tiếp xúc, nói năng qua lại. Hễ nói năng thì phải xưng hô, phải có chủ từ, động từ, túc từ, v.v... Chủ từ thì có ngôi thứ nhất là tôi, thứ hai là anh, thứ ba là nó. Chủ từ số nhiều thì có chúng tôi, các anh, chúng nó. Mỗi khi mở miệng ai nấy đều nói tôi, tôi là, tôi có, tôi thế này, tôi thế kia. Suốt ngày nói tôi như vậy mà bảo là không có tôi (ta) thì ai tin được??? Giáo lý vô ngã của đạo Phật kể ra cũng ngược đời. Chính vì sự lủng củng và giới hạn của ngôn ngữ nên nhiều người không hiểu nổi vô ngã. Ngay cả những sách Phật giáo cũng không tránh khỏi sự mâu thuẫn ngôn ngữ khi nói: “ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi bởi chấp ngũ uẩn là ta”, “vì vô minh, ta chấp danh sắc cho là ngã”, “ta chấp ngũ uẩn là Ta”, “ta phải diệt trừ vô minh và ái dục”, v.v... Nếu vô ngã, không có ta thì cái ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi này là ai? Cái ta chấp danh sắc này là ai? Cái ta chấp ngũ uẩn này là ai? Cái ta nào phải diệt trừ vô minh, ái dục?
Trường phái Trung Quán phân tách rõ về hai loại ta: cái ta tương đối (le Je relatif) và cái Ta tuyệt đối (le Je absolu).
Thế nào là cái ta tương đối? Cái ta tương đối là một danh từ giả lập (tạm lập ra) để chỉ năm uẩn. Mỗi khi năm uẩn hợp lại thì gọi đó là ta (ngã), nó là một danh từ quy ước để xưng hô và chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân trong cộng đồng. Thí dụ khi đi chợ, bạn nói: “Tôi đi chợ”. Cái tôi (ta) này thuộc loại giả lập, vì thực tế có một cái thân này đi chợ chứ không phải cái thân của người khác đi chợ, và cái ta được chỉ định trên cái thân này, liên quan và tùy thuộc vào thân.
Thế nào là cái Ta tuyệt đối? Cái Ta tuyệt đối là cái ta tự nó hiện hữu độc lập, tự tánh, không lệ thuộc vào năm uẩn, thường còn, bất biến, nó hiện hữu như là chủ của năm uẩn, điều khiển năm uẩn. Thí dụ như có ai chửi bạn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, tức tối: “Tại sao nó chửi Tôi?” Chính ngay lúc đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy có một cái Tôi (Ta) hiện hữu rõ ràng độc lập không ăn nhằm gì đến thân hay tâm cả! Cái Tôi (Ta) đó bị chửi, bị tổn thương chứ không phải cái tâm hay thân bị chửi. Người ta đâu có chửi thân tôi, đâu có chửi tâm tôi, người ta chửi “Tôi” mà! Cái “Tôi” này chính là cái Ta tuyệt đối, có tự tánh độc lập. Chính cái Ta này được mọi người nhận lầm là ngã (hay tự ngã), cho nên tôi dùng chữ Ta để chỉ định nó. Cái Ta này thật ra không có (inexistant), nó chỉ là một ảo tưởng, một lầm chấp, chúng sinh vô minh nên lầm tưởng ta là Ta, cho cái ta (giả danh) là một cái Ta (tuyệt đối) thật có.
Theo Trung Quán, giáo lý vô ngã phủ định cái Ta tuyệt đối, chứ không phủ định cái ta tương đối.
“Thông thường, vì không để ý xem cái ta hiện hữu kiểu nào, có mấy loại, nên người ta chấp lẫn lộn cả hai loại. Trong hai cái ta thì cái Ta tuyệt đối, hiện hữu độc lập tự tánh là một tà kiến cần phải dẹp trừ, vì thực sự nó không bao giờ có. Còn cái ta giả lập tương đối, là một quy ước tục đế (samvrti), nó vô hại một khi đã thấu hiểu vô ngã. Các vị A-la-hán, Bồ tát, sau khi chứng ngộ vẫn tiếp tục dùng chữ ta (tôi) để xưng hô hay nói chuyện với người khác, nhưng trong tâm của các ngài không còn bám víu vào một cái Ta (ngã), không còn bóng dáng của một cái Ta hiện hữu độc lập. Cái ta giả lập (tương đối) tự nó không phải là một tà kiến, nhưng nếu không hiểu vô ngã thì mỗi lần dùng đến nó như nói: Tôi đi, tôi làm, tôi nói, tôi là, tôi có, v.v... chúng ta lại vô tình củng cố thêm sự chấp ngã sâu dày từ đời vô thỉ”.
Lợi ích của vô ngã
Giáo lý vô ngã là nền tảng, là căn bản của đạo Phật, cho nên dù tu theo Nam tông hay Bắc tông, Nguyên thủy hay Đại thừa, Thanh văn hay Bồ tát cũng cần phải học và tu tập vô ngã. Chúng ta hãy xét đến lợi ích của vô ngã trên hai phương diện: đời sống hàng ngày và trên đường đạo.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đau khổ phiền não vì tham, sân, si, giận hờn, ưa ghét, buồn lo, v.v... tất cả những thứ phiền não đó có là vì chấp ngã mà ra. Vì khi tham thì ai tham? Tham cho ai, vì ai? Khi tham thì Ta tham chứ ai vào đây. Ta tham cho Ta, cho vợ con của Ta, cho gia đình của Ta, vì quyền lợi của Ta.
Khi sân thì ai sân? Tại sao sân? Khi sân thì Ta sân. Ta sân tại vì người khác làm trái ý Ta. Khi ưa thì ai ưa? Khi ghét thì ai ghét? Khi ưa thì Ta ưa, ưa những thứ làm cho Ta vừa lòng. Khi ghét thì Ta ghét, ghét những thứ làm cho Ta bực bội, khó chịu.
Khi có nội kết thì ai có? Tại sao có nội kết? Khi có nội kết thì Ta có. Có nội kết bởi vì người khác làm tổn thương Ta, danh dự của Ta, tình cảm của Ta.
Chấp ngã nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng đó. Ngược lại, tu tập vô ngã nhiều chừng nào thì bớt khổ nhiều chừng đó.
Do chấp ngã nên sinh ra đủ thứ phiền não liên quan đến ngã sở và ngã kiến. Ai đụng vào ngã sở như nhà cửa, vợ con, tài sản, quyền lợi của Ta thì Ta nổi sân lên, không sân được thì lo sợ mất. Người tu tập vô ngã không còn chấp tài sản là của Ta thì khi bị mất mát sẽ không đau khổ bằng người chấp ngã.
Do chấp ngã kiến, tức là cho ý kiến của Ta lúc nào cũng phải, cũng đúng, nên sinh ra cãi nhau, tranh chấp phải trái, hơn thua, lời qua tiếng lại, tệ nữa là tới đánh nhau, giết nhau. Người tu vô ngã trở nên khiêm cung, không ngã mạn, khoe khoang, nên được mọi người thương mến. Người tu vô ngã mới đầu chưa thuần thục còn bị đau khổ trước một lời nói ác độc. Khi tu khá hơn thì ngã chấp tiêu mòn, nếu bị chửi chỉ còn thấy khổ sơ sơ. Cuối cùng khi ngã chấp không còn thì mọi đau khổ đều tan biến.
Vì thế nên biết vô ngã chính là Niết bàn. Vì Niết bàn (Nirvana) có nghĩa là tịch diệt, là một trạng thái không còn bóng dáng khổ đau.
Kinh Pháp Cú (câu 81) có nói:
Như ngọn núi kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy, giữa khen chê
Người trí không dao động.
Người trí ở đây chính là người đã thấu rõ lý vô ngã.
Trên con đường tu đạo, vô ngã rất quan trọng và cần thiết, không thể bỏ qua được. Cũng vì không hiểu, không biết lý vô ngã nên nhiều người tu lâu mà càng xa đạo, càng chấp ngã, chấp danh, chấp tướng.
Tu vô ngã thì làm các việc phước thiện như bố thí, cúng dường sẽ không cần chùa hay thầy phải ghi tên mình vì hiểu không có một cái Ta bố thí mà chỉ có một sự bố thí. Đây gọi là Bố Thí Ba La Mật.
Tu vô ngã thì giữ giới trở thành tự nhiên, không còn cái Ta nào bị gò bó hay cấm đoán.
Tu vô ngã thì nhẫn nhục trở nên dễ dàng, vì không còn thấy có Ta bị chửi, bị nhục.
Tu vô ngã thì thiền định sáng suốt không bị vọng tưởng mê hoặc. Khi những ý niệm tốt xấu khởi lên trong tâm liền biết rõ: “Đó chỉ là những ý niệm hiện khởi”, ngoài ra không có một cái Ta nào tốt hay xấu.
Tu vô ngã tức là trí tuệ ba la mật. Trí tuệ ba la mật, còn gọi là bát nhã ba la mật, tức trí tuệ thấy chư pháp vô ngã.
Tu vô ngã tức là thực hành Kinh Kim Cang, xa lìa bốn tướng chấp: ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả.
Tu vô ngã để hành Bồ tát đạo, vì bồ tát thường cứu độ chúng sinh mà không thấy có Ta là người cứu độ, có chúng sinh là người được độ.
Nhờ vô ngã nên Bồ tát sẵn sàng xả thí thân mạng, ra vào sinh tử, chịu đựng khổ đau để cứu khổ chúng sinh.
Trích Đức Phật và Phật Pháp. Narada Mahathera. Phạm Kim Khánh dịch.