Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

CHÁNH VĂN

 

Hỏi:_ Như trên đã thành lập Duy thức tướng và Duy thức tánh rồi; Người nào mới có thể nhập được? Và làm sao để ngộ nhập? 

Đáp:_ Phải là người có đủ hai giống tánh Đại thừa và tu hành trải qua năm địa vị sau này mới được ngộ nhập: 

1. Vị Tư lương   
2. Vị Gia hạnh  
3. Vị thông đạt   
4. Vị Tu tập  
5. Vị Cứu tánh. 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Tư lương thế nào? 

Đáp:_ Nguyên văn chữ Hán 

Nãi chí vị khởi thức  
Cầu trụ Duy thức tánh  
Ư nhị thủ tuỳ miên  
Du vị năng phục diệt 
Dịch nghĩa  
Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: Từ khi chưa phát tâm, cho đến khi đã phát tâm cầu an trụ Duy thức tánh, trong thời gian đó hai món thủ (ngã chấp, pháp chấp) hãy còn miên phục; hành giả chưa có thể chinh phục hay diệt trừ được. 

LƯỢC GIẢI

Từ trước đến đây đã nói rõ về Duy thức cảnh rồi, tức là Duy thức tướng và Duy thức tánh. Nay sẽ nói Duy thức hạnh và Duy thức quả, tức là dạy người sau khi học hiểu, phải phát tâm tu hành rồi mới chứng được Duy thức quả. 

Vậy từ khi phát tâm tu Duy thức, cho đến chứng Duy thức quả, phải trải qua năm địa vị: 

1. Vị Tư lương: Lương phạn, đồ hành lý. Thí như người đi đường. Trước phải sắm sửa lương phạn tiền bạc v.v...để lên đường. 

Địa vị này bắt đầu từ khi chưa phát tâm tu Duy thức quán, cho đến khi phát Bồ Đề tâm, cầu an trụ Duy thức tánh (chơn như tâm). 

Thí như chúng ta nghe trong kinh dạy: "vạn pháp Duy thức"; rồi chúng ta bắt đầu ngày đêm tu Duy thức quán. Bất luận thời giờ nào, khi thấy nghe hay biết, chúng ta đều quán "Tất cả pháp là giả tướng, Duy thức biến hiện". Chúng ta luôn luôn ở trong Duy thức quán. Cũng như người ở trong cảnh Tịnh độ bảy báu trang nghiêm. Được như thế thì tất cả phiền não không thể xâm nhập. 

Song, khi mới cầu an trụ Duy thức, công tu chưa thâm, năng lực còn kém, nên chưa có thể an trụ Duy thức tánh được. Lúc bấy giờ hai món phiền não (năng thủ, sở thủ) còn miên phục, chưa trổi dậy; cũng như cỏ bị đá đè. Đến khi áp lực được nhẹ đi, thì hai món chủng tử này sẽ sanh khởi trở lại. 

Duy thức tánh như ông chủ nhà, phiền não như kẻ trộm. Kẻ trộm không bao giờ ưa chủ nhà; chủ nhà lúc nào cũng ghét kẻ trộm. 

Duy thức tánh và phiền não cũng thế. Nếu không diệt trừ phiền não thì không thể an trụ Duy thức tánh được. Bởi thế nên muốn an trụ Duy thức tánh thì quyết định phải diệt trừ hai món thủ (ngã, pháp). 

CHÁNH VĂN

Hỏi:_ Hành tướng củavị Gia hạnh thế nào? 

Đáp:_ Nguyên văn chữ Hán 

Tụng viết: 

Hiện tiền lập tiểu vật  
Vị thị Duy thức tánh  
Dĩ hữu sở đắc cố  
Phi thật trụ Duy thức 

Dịch nghĩa 

Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: Nếu hiện tiền còn một tí thấy mình an trụ Duy thức tánh, thì chưa phải thật an trụ Duy thức tánh, vì còn có chỗ sở đắc vậy. 

LƯỢC GIẢI

2. Vị Gia hạnh: Gia công tấn hạnh. Vị Gia hạnh này giống như người đi đường, trước phải dự bị đồ hành lý, rồi sắp sửa khởi hành. 

Hành giả, khi tu Duy thức quán, thấy cảnh giới Duy thức hiện tiền, nếu chấp mình chức được Duy thức tánh, như thế là còn có chỗ sở đắc, nên chưa phải thật chứng Duy thức. Cũng như ông Nhan Hồi học Đạo với đức Khổng tử, sau khi thể hội được Đạo, ông nói rằng: "Như có một vật gì đứng đồ sộ vậy(1)". Đó cũng là cảnh giới Duy thức biến, chẳng qua thức biến không đồng. 

Vì chơn tánh của Duy thức, chẳng phài có, chẳng phải không, tuy chứng mà không có gì là chứng, thế mới thật là chứng Duy thức. 

Người an trụ được chơn tánh của Duy thức, cũng như cái tay nghười biết viết chữ: Không thấy có gì khác cả. Bởi thế nên nói "đặng mà không có gì là đặng". 

Nay người tu Duy thức, do hiện tiền còn một tí thấy mình chứng Duy thức, nên không phải thật an trụ nơi Duy thức tánh. 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Thông đạt thế nào? 

Đáp:_ Nguên văn chữ Hán 

Tụng viết: 

Nhược thời ư sở duyên  
Trí đô vô sở đắc  
Nhĩ thời trụ Duy thức  
Ly nhị thủ tướng cố 

Dịch nghĩa 

Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: bao giờ cảnh sở quán và trí năng quán đều không, khi đó mới an trụ nơi Duy thức tánh, vì đã xa lìa được hai món thủ vậy. 

LƯỢC GIẢI

3. Vị Thông đạt: Rõ ràng thông suốt. Vị Thông đạt này cũng như người đi đường, đã thông suốt con đường sẽ đi, bắt đầu khởi hành, không còn lo ngại. 

Hành tướng của vị nầy,là khi hành giả đối với cảnh sở quán và trí năng quán, đều xem như huyễn như hoá, không có sở đắc  

Vị Gia hạnh trước, chưa xa lìa hai món thủ (Ngã chấp, Pháp chấp), vì còn có sở đắc  

Vị Gia hạnh trước, chưa xa lìa hai món thủ (Ngã chấp, Pháp, chấp), vì còn có sở đắc, nên chưa có thể an trụ nơi Duy thức. Đến vị Thông đạt này, thì đã xa lìa hai món thủ, không có sở đắc, nên mới thật an trụ nơi Duy thức. 

Đoạn văn này, đòng một nghĩa với câu: "Vô trí diệc vô đắc" (không có trí năng đắc và cảnh sở đắc) trong Bát Nhã Tâm kinh. 

CHÁNH VĂN

HỎI:_Hành tướng của vị Tu tập thế nào? 

Đáp: _Nguyên văn chữ Hán 

Tụng viết: 

Vô đắc bất tư nghị  
Thị xuất thế gian trí  
Xả nhị thô trọng cố  
Tiện chứng đắc chuyển y. 

Dịch nghĩa 

Luận chữ nói bài tụng để trả lời rằng: Cảnh giới: Vô đắc này không thể nghĩ bàn; đây là "Trí xuất thế gian" (vôphân biệt trí). Do đã xa lìa được hai món thô trọng (Phiền não chướng và Sở tri chướng) và chứng được hai món chuyển y (Bồ Đề,Niết bàn). 

LƯỢC GIẢI

4. Vị Tu tập:Tu hành tập luyện. Địa vị Thông đạt trên, là chỉ thông suốt giáo lý, song chưa tu tập. Đến địa vị này mới tu tập Lục độ muôn hạnh, để chứng ngộ chơn lý. 

Ơû địa vị Thông đạt mới vừa chứng cái "Thể" của trí vô đắc. Đến địa vị Tu tập này mới đặng "Diệu dụng"của trí vô đắc. Diệu dụng của trí này này không thể nghĩ bàn. Nhưng, nếu trí còn có sở đắc là trí của thế gian; cái trí không có sở đắc, mới phải là trí của xuất thế gian. 

Trí Vô đắc  

-Vị thông đạt mới vừa chứng cái thể "trí vô đắc.  
- Vị Tu tập mới được "Diệu dụng" của trí vô đắc 

Vị Tu tập này đã xả bỏ được chủng tử của hai chướng là phiền não chướng và Sở tri chướng và chứng được hai quả Bồ Đề và Niết bàn. 

Bài tụng trên nói chữ "thô trọng" là chỉ cho hai món chủng tử của hai món chướng: Phiền não và Sở tri: còn nói chữ "chuyển y" ,nghĩa là y cứ trên y tha khởi tánh, mà chuyển nhiễm trở lại tịnh: chuyểm phiền não chướng thành Đại giải thoát (Niết bàn), chuyển sở tri chướng thành Đại Bồ Đề  
   
  

Trên tánh Y tha khởi  
-Xả hai món nhiễm (Phiền não chướng và Sở tri chướng)  
 -Đặng hai quả Thanh tịnh (Đại Niết bànvà Đại Bồ Đề) 

CHÁNH VĂN

Hỏi:_ Hành tướng của vị Cứu cánh thế nào? 

Đáp:_ Nguyên văn chữ Hán 

Tụng viết: 

Thử tức vô lậu giới  
Bất tư nghị, thiện, thường  
An lạc, Giải thoát thân  
Đại Mâu ni danh pháp 

Dich nghĩa 

Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: Đây là cảnh giới vô lậu, cũng gọi là: 1. Bất tư nghi, 2. Thiện, 3. Thường, 4. An lạc, 5. Giải thoát thân, 6. Đại Mâu ni, cũng gọi là Pháp thân. 

LƯỢC GIẢI

5. Vị Cứu cánh: Quả vị rốt ráo; trong các quả vị tu hành, đến đây đã cùng tột rồi, không còn quả vị nào hơn nữa. Hành giả chứng được quả vị Bồ Đề, Niết bàn là cảnh giới vô lậu rốt ráo thanh tịnh. 

Nói "Cảnh giới thanh tịnh" tức là chỉ cai Tổng tướng của vị Cứu cánh; nếu chỉ Biệt tướng của vị này thì có 6 món: 

1. Bất tư nghi: cảnh giới này không thể dùng trí suy nghĩ hay lời nói luận bàn được. 

2. Thiện: Cảnh giới này đã xa lìa hết các pháp nhiễm ô, bất thiện. 

3. Thường: cảnh giới này thường còn, tột đến đời vị lai, không có cùng tận vậy. 

4. An lạc: Cảnh giới này rất thanh tịnh vui vẻ, không có các điều khổ não bức bách vậy. 

5. Giải thoát thân: Do xa lìa các phiền não triền phược, nên được thân Giải thoát (Cảnh giới của Nhị thừa). 

6. Đại Mâu Ni hay gọi là Pháp thân. Do xa lìa được sở tri chướng, nên chứng đặng quả vô thượng Bồ Đề: vì quả vị này bản tánh rất thanh tịnh, nên gọi là Đại Mâu ni (tịnh mặc) cũng gọi là Pháp thân vậy. 

Dịch xong tại chùa Phật quang (Trà Ôn)  
Ngày trừ tịch năm Canh Tý (14 2 1961) 
  
  
 

DUY THỨC TAM THẬP TỤNG  
CHÁNH VĂN  
Ngài Bồ Tát THIÊN THÂN tạo luận  
Ngài HUYỀN TRANG dịch ra chữ Hán  
Sa môn T.THIỆN HOA dịch ra chữ Việt

Nguyên văn chữ Hán 

Nhược Duy thức, vân hà thế gian cập chư Thánh giáo thuyết hữu Ngã, Pháp? 

Tụng viết: 

Do giả thuyết Ngã Pháp  
Hữu chủng chủng tướng chuyển  
Bỉ y thức sở biến  
Thử năng biến duy tam  
Vị: Dị thục, Tư lương  
Cặp liễu biệt cảnh thức. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Nếu chỉ có thức, tại sao người thế gian và trong Phật giáo đều nói có Ngã và Pháp? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Do giả nói Ngã, Pháp:  
Các tướng Ngã, Pháp kia,  
Nương nơi thức sanh ra.  
Thức năng biến có ba:  
Dị thục và Tư lương  
Cùng thức Liễu biệt cảnh. 

Nguyên văn chữ Hán 

Tuy dĩ lược thuyết tam năng biến danh, nhi vị quảng biện tam năng biến tướng; thả sơ năng biến kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Sơ A lai da thức  
Dị thục, Nhứt thế chủng  
Bất khả tri chấp thọ  
Xứ liễu thường dữ xúc  
Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư  
Tương ưng duy Xả thọ  
Thị vô phú vô ký  
Xúc đẳng diệc như thị  
Hằng chuyển như bộc lưu  
A lại hán vị xả. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã được nói cái "tên" của ba thức Năng biến, song chưa nói rõ cái "tướng"; vậy cái "tướng" của thức Năng biến thứ nhứt thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Trước là A lại da,  
Dị thục, Nhứt thế chủng.  
Không thể biết: giữ, chịu (chấp thọ)  
Thế giới (xứ) và phân biệt (liễu).  
Tương ưng năm Biến hành,  
Năm thọ chỉ Xả thọ  
Thức này và Tâm sở  
Hằng chuyển như nước thác  
A la hán mới xả.  
Nguyên văn chữ Hán  
Như thị dĩ thuyết sơ năng biến tướng, đệ nhị năng biến kỳ tướng vân hà?  
Tụng viết: 

Thứ đệ nhị năng biến  
Thị thức danh Mạt ma  
Y bỉ chuyển duyên bỉ  
Tư lương vi tánh tướng  
Tứ phiền não thường câu  
Vị: Ngã si, Ngã kiến  
Tinh Ngã mạm, Ngã ái  
Cặp dư Xúc đẳng câu  
Hữu phú vô ký nhiếp  
Tuỳ sở sanh sở hệ  
A la hán, Diệt định,  
Xuất thế đạo vô hữu.  
Dịch nghiã  
Hỏi:_Trên đã nói thức Năng biến thứ nhứt; còn thui71c năng biến thứ hai thế nào?  
Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng:  
Thức năng biến thứ hai,  
Tên là thức Mạt ma.  
Nương kia lại duyên kia (A lại da)  
Tánh tướng đều lo nghĩ;  
Thường cùng bốn phiền não;  
Ngã si và Ngã kiến  
Ngã mạn với Ngã ái;  
Cùng với Xúc vân vân.  
Hữu phú vô ký tánh  
Sanh đâu chấp ngã đó.  
La hán và Diệt định  
Đạo Xuất thế không có. 

Nguyên văn chữ Hán 

Như thị dĩ thuyết đệ nhị Năng biến, đệ tam Năng biến kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Thứ đệ tam Năng biến  
Sai biệt hữu lục chủng  
Liễu cảnh vi tánh tướng  
Thiện, bất thiện, câu phi  
Thử tâm sở Biến hành  
Biệtcảnh, Thiện, Phiền não  
Tuỳ phiền não, Bất định  
Giai tam thọ tương ưng 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Như vậy đã nói thức Năng biến thứ hai, còn thức Năng biến thứ ba thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Thức Năng biến thứ ba  
Có sáu món sai biệt  
Tánh, tướng đều biết (liễu) cảnh.  
Thiện, Bất thiện, Vô ký  
Đây tâm sở: Biến hành  
Biệt cảnh, Thiện, Phiền não  
Tuỳ Phiền não, Bất định,  
Tương ưng với ba thọ. 

Nguyên văn chữ Hán 

Tiền dĩ lược phiêu lục vị tâm sở tương ưng, kiêm ưng quảng biện bỉ sai biệt tướng; thả sơ nhị vị kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Sơ Biến hành: Xúc đẳng  
Thứ Biệt cảnh vị: Dục,  
Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.  
Sở duyên sự bất đồng 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã lược nêu 6 vị tâm sở tương ưng; nay xin nói rõ hành tướng sai khác của các loại tâm sở. Vậy hai vị tâm sở đầu thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Trước Biến hành là Xúc;  
Sau biệt cảnh là Dục,  
Thắng giải, Niệm, Định, Huệ  
Cảnh bị duyên không đồng. 

Nguyên văn chữ Hán  
Dĩ thuyết Biến hành, Biệt cảnh nhị vị,  
Thiện vị tâm sở kỳ tướng vân hà?  
Tụng viết: 

Thiện,vị: Tín, Tàm, Quí  
Vô tham đẳng tam căn  
Cần, An, Bất phóng dật  
Hành xả cập Bất hại. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã nói hai loại Biến hành và Biệt cảnh, còn hành tướng của Thiện tâm sở thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Thiện là: Tín, Tàm,Quí  
Vô tham, Sân và Si  
Cần, An, Bất phóng dật  
Hành xả và Bất hại 

Nguyên văn chữ Hán 

Như thị dĩ thuyết Thiện vị tâm sở,  
Phiền não tâm sở kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Phiền não vị: Tham, Sân  
Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Như trên đã nói Thiện tâm sở rồi, còn hành tướng của căn bản phiền não thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Phiền não là: Tham, Sân 

Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. 

Nguyên văn chữ Hán  
Dĩ thuyết căn bản lục phiền não tướng, chư Tuỳ phiền não kỳ tướng vân hà?  
Tụng viết: 

Tuỳ phiền não vị: Phẫn  
Hận, Phú, Não, Tật, Xan  
Cuống, Siễm dữ Hại, Kiêu  
Vô tàm cập Vô quí  
Trạo cử dữ Hôn trầm  
Bất tín tinh Giải đãi  
Phóng dật cập Thất niệm  
Tán loạn, Bất chánh tri 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã nói 6 món căn bản phiền não còn hành tướng của Tuỳ phiền não thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Tuỳ phiền não là: Phẫn,  
Hận, Phú, Não, Tật, Xan  
Cuống, Siểm, và Hại, Kiêu  
Vô tàm với Vô quí  
Trạo cử cùng Giải đãi  
Phóng dật và Thất niệm  
Tán loạn, Bất chánh tri. 

Nguyên văn chữ Hán 

Dĩ thuyết nhị thập Tuỳ phiền não tướng, 

Bất định hữu tứ kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Bất định vị Hối, Miên 

Tầm, Tư nhị các nhị. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã nói hai mươi món Tuỳ phiền não, còn hành tướng của bốn món Bất định thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Bất định là Hối, Miên 

Tầm, Tư lại chia hai 

Nguyên văn chữ Hán 

Dĩ thuyết lục vị tâm sở tương ưng  
Vân hà ưng tri hiện khởi phận vị? 

Tụng viết: 

Y chỉ căn bản thức  
Ngũ thức tuỳ duyên hiện  
Hoặc câu hoặc bất câu  
Như đào ba y thuỷ  
Ý thức thường hiện khởi  
Trừ sanh vô tưởng thiên  
Cập vô tâm nhi6 định  
Thuỳ miên dữ muộn tuyệt. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã nói 6 loại tâm sở tương ưng rồi, bây giờ làm sao biết được phận vị hiện khởi của 6 thức? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Nương nới thức căn bản (A lại da)  
Năm thức tuỳ duyên hiện,  
Hoặc chung hoặc chẳng chung,  
Như sóng nương với nước.  
Ý thức thường hiện khởi,  
Trừ sanh trời vô tưởng  
Và hai định vô tâm,  
Ngủ mê hay chết giả. 

Nguyên văn chữ Hán 

Dĩ quảng phân biệt tam Năng biến tướng, vi tự sở biến nhị phần sở y; vân hà ưng tri y thức sở biến, giả thuyết ngã pháp, phi biệt thật hữu, do thị nhứt thế duy hữu thức da? 

Tụng viết: 

Thị chư thức chuyển biến  
Phân biệt sở Phân biệt  
Do thử bỉ giai vô  
Cố nhứt thế D uy thức. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Trên đã nói ba thức Năng biến, đều do hai phần (Tự chứng và Chứng tự chứng) làm sở y, rồi tự nó biến ra hai phần (Kiến phần và Tướng phần); bây giờ làm sao lại biết "Tất cả đều Duy thức biến ra" rồi giả nói ngã pháp, chứ không phải thật có? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Các thức này chuyển biến:  
Phân biệt, bị phân biệt.  
Do bỉ, thử đều không  
Nên tất cả Duy thức 

Nguyên văn chữ Hán 

Nhược duy hữu thức, đô vô ngoại duyên, do hà nhi sanh chủng phân biệt? 

Tụng viết: 

Do nhứt thế chủng thức  
Như thị như thị biến  
Dĩ triển chuyển lực cố  
Bỉ bỉ phân biệt sanh 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Nếu chỉ có nội thức không có ngoại cảnh để làm duyên, thí làm sao sanh ra các món phân biệt. 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Do tất cả chủng thức,  
Biến như vậy như vậy;  
Vì sức biến chuyển đó,  
Sanh các món phân biệt. 

Nguyên văn chữ Hán 

Tuy hữu nội thức, nhi vô ngoại duyên,do hà hữu tình sanh tử tương tục? 

Tụng viết: 

Do chư nghiệp tập khí  
Nhị thủ tập khí câu  
Tiền Dị thục ký tận  
Phục sanh dư Dị thục 

Dich nghĩa 

Hỏi:_ Nếu chỉ có nội thức, không có ngoại cảnh để làm trợ duyên, thì tại làm sao chúng hữu tình lại sanh tử tương tục? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Do chủng tử các nghiệp  
Và chủng tử hai thủ (năng thủ, sở thủ)  
Nên Dị thục trước chết  
Lại sanh Dị thục sau 

Nguyên văn chữ Hán 

Nhược duy hữu thức, hà cố Thế Tôn xứ xứ kinh trung, thuyết hữu tam tánh? 

Ưng tri tam tánh, diệc bất ly thức. 

Sở dĩ giả hà? 

Tụng viết 

Do bỉ bỉ Biến kế  
Biến kế chủng chủng vật  
Thử Biến kế sở chấp  
Tự tánh vô sở hữu  
Y tha khởi tự tánh  
Phân biệt duyên sở sanh  
Viên thành thật ư bỉ  
Thường viễn ly tiền tánh  
Cố thử dữ Y tha  
Phi dị phi bất dị  
Như vô thường đẳng tánh  
Phi bất kiến thử bỉ. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Nếu chỉ có thức, tại sao trong các kinh đức Thế Tôn nói có ba tánh? 

Đáp:_ Phải biết ba tánh đó cũng không rời thức. 

Hỏi:_ Tại sao thế? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Do các tánh biến kế,  
Chấp hết tất cả vật.  
Tánh Biến kế sở chấp,  
Tự nó không thật có.  
Còn tánh Y tha khởi  
Do các duyên mà sanh.  
Viên thành thật với kia (Y tha)  
Xa lìa Biến kế trước.  
Thành thật với Y tha,  
Cũng khác cũng không khác;  
Như vô thường vân vân  
Chẳng thấy đây (Viên thành) và kia (Y tha) 

Nguyên văn chữ Hán  
Nhược hữu tam tánh, như hà Thế Tôn thuyết nhứt thế pháp, giai vô tự tánh?  
Tụng viết 

Tức y thử tam tánh,  
Lập bỉ tam vô tánh.  
Cố Phật mật ý thuyết:  
Nhứt thế pháp vô tánh.  
Sơ tức tướng vô tánh,  
Thứ vô tự nhiên tánh,  
Hậu do viễn ly tiền:  
Sở chấp ngã pháp tánh.  
Thử chư pháp thắng nghĩa,  
Diệc tức thị Chơn như:  
Thường như kỳ tánh cố;  
Tức Duy thức thật tánh. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ nếu có ba tánh, tại sao đức Thế Tôn nói: "tất cả pháp đều không có tự tánh"? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Y theo ba tánh này,  
Lập ra ba vô tánh.  
Nên Phật mật ý nói:  
Tất cả pháp vô tánh.  
Trước là "tướng" vô tánh,  
Kế, không tự nhiện tánh,  
Sau, do xa lìa trước:  
Tánh chấp Ngã và Pháp.  
Đây Thắng nghĩa các Pháp,  
Cũng tức là Chơn như,  
Vì tánh thường như vậy,  
Tức thật tánh Duy thức.  
Nguyên văn chữ Hán 

Như thị sở thành Duy thức tướng tánh, thuỳ y kỷ vị, như hà ngộ nhập? Vị cụ Đại thừa nhị chủng tánh giả, lược hữu ngũ vị, phương năng ngộ nhập. Nhứt Tư lương vị, nhị Gia hành vị, tam Thông đạt vị, tứ Tu tập vị, ngũ Cứu cánh vị. 

1. Sơ Tư lương vị, kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết 

Nãi chí vị khởi thức  
Cầu trụ Duy thức tánh  
Ư nhị thủ tuỳ miên  
Du vi năng phục diệt 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Như thế là đã thành lập tướng và tánh của Duy thức. Vậy người nào, có mấy vị, và làm sao ngộ nhập được Duy thức ? 

Đáp:_ Phải người có đủ hai món tánh Đại thừa và tu hành trải qua năm địa vị sau này, mới ngộ nhập được Duy thức tánh. 

1. Vị Tư lương, 2. Vị Gia hạnh, 

3. Vị Thông đạt, 4. Vị Tu tập, 

5. Vị Cứu cánh. 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Tư lương thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Cho đến chưa khởi thức 

Cầu trụ Duy thức tánh 

Hai thủ còn miên phục 

Chưa có thể diệt trừ. 

Nguyên văn chữ Hán 

2. Thức Gia hạnh vị, kỳ tướng vân hà ? 

Tụng viết: 

Hiện tiền lập thiểu vật  
Vị thị Duy thức tánh  
Dĩ hữu sở đắc cố  
Phi thật trụ Duy thức 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Gia hạnh thế nào? 

Đáp: _ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Hiện tiền còn một tí  
Gọi là Duy thức tánh;  
Vì còn sở đắc vậy,  
Chẳng thật trụ Duy thức. 

Nguyên văn chữ Hán 

3. Thứ Thông đạt vị, kỳ tướng vân hà ? 

Tụng viết 

Nhược thời ư sở duyên  
Trí đô vô sở đắc  
Nhĩ thời trụ Duy thức  
Ly nhị thủ tướng cố. 

Dịch nghĩa 

Hỏi: _Hành tướng của vị Thông đạt thế nào? 

Đáp: _ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Khi nào "cảnh" bị duyên  
Và "trí" đều không có   
Khi đó trụ Duy thức  
Đã lìa hai món thủ. 

Nguyên văn chữ Hán 

4. Thứ Tu tập vị, kỳ tướng vân hà? 

Tụng viết: 

Vô đắc bất tư nghị  
Thị xuất thế gian trí  
Xả thị thô trọng cố  
Tiên chứng đắc chuyển y. 

Dịch nghiã 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Tu tập thế nào? 

Đáp: _ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

"Không đặng", chẳng nghĩ bàn;  
Đây là "Trí xuất thế" (vô phân biệt trí)  
Vì bỏ hai Thô trọng  
Nên chứng đặng "chuyển y" 

Nguyên văn chữ Hán 

5. Hậu Cứu cánh vị, kỳ tướng vân hà ? 

Tụng viết 

Thử tức vô lậu giới  
Bất tư nghị, Thiện, Thường  
An lạc, Giải thoát thân  
Đại Mâu ni danh Pháp. 

Dịch nghĩa 

Hỏi:_ Hành tướng của vị Cứu cánh thế nào? 

Đáp:_ Luận chủ nói bài tụng để trả lời rằng: 

Đây là cõi Vô lậu  
Bất tự nghị, Thiện, Thường  
An lạc, Giải thoát thân  
Đại Mâu ni Pháp thân 

***  

Xem mục lục