Sự phân biệt của Phật giáo và vua A Dục.
Phật giáo sau khi trải qua lần kết tập thứ hai, về thái độ đối với giới luật, tuy đã phân thành Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ, nhưng về giáo nghĩa và giáo đoàn vẫn chưa xảy ra hiện tượng đối lập nổi bật. Nhưng đến thời vua A Dục, thì tự việc Luật chế mà phát triển thành tranh chấp, và đều thông qua việc dùng lý nghĩa để luận biện. Kết quả, Ðại Chúng Bộ chiếm ưu thế tại trung Ấn Ðộ, nhờ thái độ tự do tiến bộ.
Theo ghi chép của luận Ðại Tỳ Bà Sa (quyển 99) của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ(1), lấy việc vua A Dục yêu sách phải tiến bộ, và cho là vua A Dục kết phe nhóm với “tặc trú Tỳ kheo”, một phái của Ðại Thiên, và không chú ý đến ý kiến của những vị Thượng tọa trưởng lão. Vì vậy, mới có chuyện bức áp chư vị Thượng tọa phải đi đến Ca Thấp Di La để cùng với phái tiến bộ của Trung Ấn chia thành cương thổ để giáo hóa. Tuy ở đây chỉ nói về Hữu Bộ Thượng Tọa. Nhưng phải khảo sát sâu hơn, khi thấy địa phương Ma Kiệt Ðà thỉ chung vẫn là môi trường thích hợp đối với vấn đề tự do tư tưởng, nên có khả năng phái bảo thủ không được nhiều người hoan nghênh tại Ma Kiệt Ðà. Ðấy cũng là việc thông thường về mặt tình lý.
- Vương Thống của Ấn Ðộ.
Vua A Dục, tức vua A Luân Ca (Asoka), ông là vị quân vương thứ ba của vương triều Khổng Tước (Maurya Bynasty). Từ rất sớm Ấn Ðộ đã là một nước văn minh. Ấn Ðộ có những niên đại khả tín và có thể khảo cứu được, chẳng hạn như việc mở đầu vương triều Khổng Tước của vua A Dục. Nhân giới thiệu về vua A Dục, trước hết xin giới thiệu về lịch đại vương thống của đất nước Ấn Ðộ, dù chỉ là cái nhìn lướt qua các sự kiện và diễn biến của lịch sử Ấn Ðộ.
1. Vương thống Ma Ha Tam Ma Ða:
Ðây là vương triều sớm nhất của Ấn Ðộ, vương triều này được đọc thấy trong chín bộ Kinh, Luật của Phật giáo như: Hữu Bộ Luật, Phá Tăng Sự, Tứ Phần Luật, Phật Bản Hạnh Tập Kinh, Chúng Hứa Ma Ha Ðế Kinh, Khởi Thế Kinh, Trường A Hàm Kinh, Chương Sở Tri Luận v.v... Duy có điều danh hiệu của các vị vua kế truyền có tính bất nhất, vì không ghi rõ thời gian.
2. Vương Thống Nguyệt Thống (Candravasal):
Xem Tứ Thư trong thần thoại Ấn Ðộ.
3. Vương Thống Nhật Thống (Suryavansa):
Xem Tứ Thư trong thần thoại Ấn Ðộ.
4. Vương Thống Tô Tu Na Già (Saisunnàga Dynasty):
Vương triều này liền trước vương triều Khổng Tước, nơi đây là nước Ma Kiệt Ðà, cũng được đưa vào “Khải Mông Chánh Sử”, khoảng sáu, bảy trăm năm, hoặc bốn, năm trăm năm trước Công nguyên. Ðiều đó tìm thấy trong kinh Phật với mười sáu nước lớn đều thuộc về thời đại này, riêng có điều niên đại của mỗi vị vua khó có thể biết hết.
5. Vương triều Khổng Tước (Maurya Danasty):
Khoảng từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ hai trước tây lịch. Ðây là thời kỳ Phật giáo đại định.
6. Vương thống Huân - Gia (Sanga Dynasty):
Trước Công nguyên ước khoảng 180 năm đến 80 năm, vào năm đầu của vị vua thứ tư của vương triều này là vua Bồ Sa Ðà La, Phật giáo tại trung Ấn Ðộ bị pháp nạn, nhưng tại bắc và nam Ấn Ðộ, Phật giáo chuyển sang thời thịnh.
7. Vương thống Ca Nạp Bà (Kanva Dynasty):
Còn có tên là vương thống Khương Ngõa, vương thống Ca Ân Bà, vương triều chỉ tồn tại có bốn mươi năm.
8.Vương thống Án Ðạt La (Andhrabhritya Dynasty):
Trước Công nguyên hai mươi bảy năm, cho đến sau Công nguyên hai trăm ba mươi sáu (236) năm.
9. Vương thống Quí Sương (Kusam - Dynasty):
Vào thời này ở nam Ấn Ðộ thuộc vương triều Án Ðạt La. Vương thống Quí Sương là một bộ tộc của tộc Ðại Nguyệt Thị. Tộc này có vị vua rất nổi danh về đường lối cai trị nhân hậu, đó là vua Ca Nị Sắc Ca. Những bậc danh đức của Phật giáo như Mã Minh, Long Thọ, Ðề Bà, Ðạt Ma Ða La, Ha Lê Bạt Ma, Di Lặc v.v... tất cả đều xuất hiện ở thời đại này. Vương triều Quí Sương được kiến lập trước Công nguyên mười năm và kéo dài sự tồn tại đến cuối thế kỷ thứ ba sau công nguyên.
10. Vương thống Cấp Ða (Gupta Dynasty):
Vương triều Cấp Ða hưng khởi từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI tây lịch. Những vị như: Vô Trước, Thế Thân, La Thập, Giới Hiền, Kiên Huệ, Giác Âm v.v... đều thuộc về thời kỳ này. Chùa Na Lan Ðà cũng được tạo dựng vào thời kỳ này. Ðây là thời đại Phật giáo Mật tông bắt đầu tiến đến hưng thịnh. Ngài Pháp Hiển của Tung Quốc đến Ấn Ðộ cũng ở thời kỳ này. Ðây cũng là giai đoạn xuất hiện những vị như An Huệ, Trần Na, Thanh Biện, Hộ Pháp v.v...
11. Vương thống Giới Nhật (Vardhana Dynasty, dịch âm Hán ngữ là Phạt Ðàn Na):
Vương thống này ước vào khoảng đầu thế kỷ thứ VI cho đến hậu bán thế kỷ thứ VIII tây lịch. Thời này có ngài Long Trí làm hưng vương Mật giáo. Ở trung Ấn Ðộ có ngài Nguyệt Xứng hoằng truyền “Không tông”. Ðường Huyền Trang của Tung Quốc tây du Ấn Ðộ cũng ở thời này, và một lần nữa, ngài Pháp Xứng chấn hưng Nhân Minh học.
12. Vương thống Ba La (Pala Dynasty):
Vương triều Ba La không phải là trực tiếp kế thừa vương triều Giới Nhật, nhưng cũng là vương triều có phần tín ngưỡng Phật giáo. Mật giáo đặc biệt thịnh hành ở thời này.
Các vương thống vừa nêu, phần lớn đều lấy Ma Kiệt Ðà làm trung tâm để giới thiệu về vương triều của mình.
Vì rằng các vương thống của Ấn Ðộ rất ư là phồn tạp, bởi vậy ở đây chỉ nêu lên những nét chính.
Từ sau vương triều Giới Nhật, Ấn Ðộ qui tụ lại thành lập vương bang, và có nhiều vương triều hưng khởi. Ðến thế kỷ XII tây lịch, Hồi giáo xâm nhập Ấn Ðộ và tiêu diệt các vương triều Ấn Ðộ. Phật giáo tại Ấn Ðộ nhân đấy cũng bị Hồi giáo tuyệt diệt. Sự kiện này diễn ra tương đương với thời nam Tống của Tung Quốc - năm Tống Ninh Tông, Phật giáo khởi nguyên tại Ấn Ðộ, và tồn tại được một nghìn sáu, nghìn bảy trăm năm thì bị diệt vong. Nguyên nhân vì sao? Xin sẽ trình bày ở chương XII của tập sách này.
- Con người của vua A Dục.
Hệ thống các đời trước thuộc vương triều Khổng Tước không được rõ lắm; nhưng chẳng có gì phải ngờ khi nói rằng vương triều này không hoàn toàn là giống người Aryan thuần chủng. Có người cho rằng tổ mẫu của vua A Dục xuất thân từ giai cấp tiện dân. Vua Chiên Ðà La Quật Ða (Candrogupa) là tổ phụ của vua A Dục và là người khai sáng vương triều Khổng Tước, đời thứ hai của vương triều là vua Tần Ðầu Sa la (Bindusàra), đời thứ ba là vua A Dục, ông lên ngôi vào năm 268 trước công nguyên. Ðiều này là căn cứ theo ghi chép của Nam truyền, qua các bộ kinh, sử như: luật Thiện Kiến, Ðảo Sử, Ðại Sử và tuyền thuyết từ Phật giáo Miến Ðiện. Duy có điều mãi đến nay, niên đại lên nôi của vua A Dục, các học giả vẫn còn nỗ lực khảo đính. Truyền thuyết kể rằng, lúc vừa sinh ra đời vua A Dục vốn có hình dạng rất xấu xí, tính cách thì ngu dốt, kém cỏi nên chẳng mấy khi được vua cha yêu mến, khi trưởng thành cũng là lúc ở địa phương Ðức Xoa Thi La (Takkasilà) ở bắc Ấn Ðộ có xảy ra biến loạn; vua cha là Tần Ðầu Sa La liền phái ông đến đó bình loạn. Chủ ý của phụ vương ông là nhân đấy mà tống ông đến chỗ chết, do đó mà trang bị vũ khí cho đoàn quân của ông rất sơ sài. Cứ ngỡ bấy giờ vua A Dục chưa lớn đủ, cũng chẳng có trí dũng gì. Nhưng nào ngờ ông lại hoàn thành nhiệm vụ, và được cử làm tổng đốc tại đấy, kế tiếp ông nhận được sự ủng hộ của triều thần. Ðến khi phụ hoàng ông băng hà, ông liền giết chết nhiều anh em ruột thịt, và tự tay nắm chính quyền. Ðại khái vì lúc bấy giờ tình hình nội bộ không mấy ổn định; và tình hình đó kéo dài đến bốn năm sau cái chết của vua Tần Ðầu Sa La. Ðồng thời, lúc này vua A Dục cũng tròn hai mươi lăm tuổi, và ông chính thức cử hành lễ đăng quang. Truyền thuyết kể là vua A Dục có đến một trăm lẽ một người anh em cùng cha khác mẹ. Trong số đó bị ông giết đến chín mươi chín người, chỉ còn mình ông Ðế Tu là chưa bị giết. Nhưng theo lời răn dạy dân của vua A Dục được khắc vào bia đá của thời ông đương tại vị, thì không thấy nói gì đến tình hình giữa anh em nhà ông. Như vậy cho thấy truyền thuyết không hẳn là đúng và đáng tin.
Truyền thuyết còn chép là phụ vương ông bị ông bức hiếp mà chết, và khi lên chấp chính ông mới tiến hành cuộc tận diệt những người anh em. Ông còn tạo tội hình địa ngục để xử trí người dân. Ðồng thời ông cũng xua quân chính phạt nước Yết Lăng Già (Kalinga) nay là tỉnh A Lý Sa (Orìssa) thuộc Ấn Ðộ. Tại đây ông tàn sát vô số người, vì thế ông có xú danh là “bạo ác A Dục vương”.
Theo nghiên cứu, thì việc vua A Dục qui y Phật giáo cách đó một năm, tức sau khi chinh phạt nước Yết Lăng Già, ông tận mắt chứng kiến thảm trạng sát hại sinh linh do chính cuộc chinh phạt của ông gây ra, và ông sinh lòng “đại hối”. Nên chỉ lúc hồi triều ông thân cận Tăng Già, qui y và tu trì theo Phật pháp. Ông tự hứa sẽ dùng đường lối cai trị theo lý tưởng Luân Vương. Ðó là dùng chánh sách hòa bình để kiến thiết quốc gia, đem lại phồn vinh an lạc cho xã hội. Gần đây nhờ phát hiện được “Ðại Ma Nhai Pháp”, chương mười ba là chương được dùng để dạy răn người dân. Trong đó chép rõ việc vua A Dục “y thắng pháp, thị vi tối thắng” (phép trị dân tốt nhất, ấy là nương theo chánh pháp của đức Phật).
- Vua A Dục với Phật giáo.
Từ khi vua A Dục qui y Tam Bảo, thì mọi ngôn hành của ông đều có liên quan đến Phật giáo. Nghiên cứu tư liệu viết về vua A Dục, ngoài cuốn “A Dục Vương Thí Dụ” được viết bằng Phạn Văn (Asokavadàna), và cuốn “A Dục Vương Kinh” bản Hán dịch, cùng những truyện tích về ông, gần đây các học giả còn chú trọng đến:
1. “Ðại Ma Pháp Sắc”(2) Thất xứ”. Và chia thành giáp thiên có mười bốn chương, ất thiên có hai chương.
2. Thạch Trụ Pháp Sắc Lục Xứ, giáp có sáu chương, ất có một chương, bính có hai chương.
3. Tiểu Thạch Trụ Pháp Sắc Tứ Xứ, có bốn thứ.
4. Tiểu Ma Nhai Pháp Sắc, giáp có bảy xứ ba thứ, ất có một xứ một thứ, bính có một xứ một thứ.
5. Thạch bản.
Từ sau năm 1356 (tây lịch), những cổ vật lần lượt được phát hiện, đến năm 1837 trở lui, được ông J. Prinsep liên tục phát hiện, căn cứ ngữ nguyên học và sự hiệp sức của các học giả Phạn ngữ để dịch tất cả sang Anh văn. Căn cứ Ðại Ma Nhai Pháp Sắc, từ chương một đến chương bốn, chương mười một, và Thạch Trụ Pháp Sắc chương thứ năm, chương thứ bảy chép rằng. Sau khi lên ngôi, vua A Dục đã từng có hai mươi lăm lần đặc xá tù nhân, mỗi năm mở Vô Giá hội thí một lần. Ngoài các việc trên, vua A Dục còn cấm sát sinh, khuyến khích hạnh bố thí, trồng cây xanh, đào giếng, tu sửa đường xá, tạo Phật tự, kiến lập tháp Phật. Những việc như vậy được thực hiện trên khắp cả nước. Vua A Dục cho thiết lập “Chánh pháp Ðại Quan” (Dharma - Màhamtras), có nhiệm vụ đi đến các địa phương để tuyên dương chánh pháp, rộng thi hành chánh sách nhân trị, thương yêu và giúp đỡ người dân, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Vua A Dục cũng tự thân hành thăm viếng và đảnh lễ các Phật tích, tại mỗi Phật tích, ông đều cho dựng trụ đá, trên mỗi trụ đá đều có khắc ghi lại sự tích để kỷ niệm. Những trụ đá này hiện vẫn còn, tuy có bộ phận nào đó bị hư hoại. Hiện nay chính phủ Ấn Ðộ coi những trụ đá này là trân bảo của nền văn vật cổ của quốc gia, và cho qui tập về viện bảo tàng để lưu giữ. Vua A Dục rất yêu thương và bảo vệ động vật do đời trước lưu lại, nhờ đó những động vật này hiện nay tại Ấn Ðộ vẫn còn.
Lại nữa, theo sắc lệnh thành văn được khắc trên đá chứng thực rằng, vua A Dục đã từng sai phái Chánh Pháp Ðại Quan đi đến các nước ngoài để hoằng hóa Phật pháp, điều này được đọc thấy ttr sắc lệnh đề cập đến năm vương quốc Hy Lạp, đó là: Tự Lợi Á, Ai Cập, Mã Kỳ Ðốn, Khắc Lai Nại, Ái Tỳ Lao Tư. Ðây là các khu vực mà sau này Gia Tô giáo và Hồi giáo phát triển rất mạnh. Phật giáo bị ảnh hưởng hai tôn giáo này như thế nào, có thể suy nghiệm được. Về phía đông, vua A Dục cũng phái Chánh Pháp Ðại Quan đến tận Giản Bộ Trai để hoằng pháp. Việc rộng truyền bá Phật giáo của vua A Dục chủ yếu là đem giáo nghĩa của đức Phật tuyên dương một cách hòa bình, nhằm thăng tiến tính thân thiện quốc tế.
Việc làm trên của vua A Dục được các nhà sử học sau này đem sánh với việc vua Constatinhe của La Mã ủng hộ Cơ Ðốc giáo, và cho là tương tự. So sánh như thế có phần nào đúng, nhưng hoàn toàn bất xứng. Bởi việc vua Constatine ủng hộ Thiên chúa giáo vừa là một thủ đoạn chính trị, vua không dung nạp các tôn giáo khác. Trong khi sắc lệnh của vua A Dục được khắc nơi bia đá có ghi rõ cho dân biết là “không được bài xích và chê cười tín ngưỡng của người khác”. Thời vua A Dục, Ấn Ðộ có bộ “Ma na Pháp Ðiển” rất nổi tiếng được thành lập. Theo đó, thì sự độ lượng, bao dung được coi là đương nhiên phải có của tôn giáo. Việc hoằng dương Phật pháp của vua A Dục chỉ thuần bày tỏ lòng kính tin những điều Phật dạy, thực hiện việc phụng hành chánh pháp bằng cách yêu thương mọi người và các loài động vật.
Dưới thời vua A Dục, bản đồ nước Ấn Ðộ là rất lớn, có thể nói trên thế giới không nước nào lớn bằng. Biên giới ở đông bộ Ấn Ðộ giáp vứi Mãnh Gia Lạp Ô, bắc Ấn Ðộ bao gồm cả hai tiểu vương quốc là Ni Bạc Nhĩ và Khách Thập Mễ Nhĩ, cương giới ở nam bộ Ấn Ðộ kéo dài đến sông Ba Na (Panna River), nay là sông Cát Tư Ðặc na, thuộc phía nam tỉnh Hải Ðức Lạp Ba, tây Ấn Ðộ giáp với A Lạp Bá, tây bắc Ấn Ðộ đến tận Ðể Ðạt, nay là một bộ phận thuộc nội cảnh của Afghanistan.
Theo luật Thiện Kiến quyển hai(3), thì vua A Dục lên ngôi được mười bảy năm. Ông thỉnh ngài Mục Kiền Liên Tử Ðế Ta làm Thượng tọa, và nhờ ngài đứng ra triệu tập một nghìn vị trưởng lão vân tập về tại thành Hoa Thị. Chính nhờ sự kiện này mới diễn ra cuộc kết tập lần thứ ba, và kéo dài đến chín tháng. Nhưng theo thuyết của “Luận Sự” (Katthàvatthu) thuộc tạng Ba Lị của Nam truyền thì nói đấy là thành quả cụ thể của cuộc kết tập tại thành Hoa Thị.
Sau cuộc kết tập, vua A Dục phái nhiều đoàn truyên giáo nối tiếp nhau chia ra để đến nhiều địa phương hoằng truyền Phật pháp, luật Thiên Kiến quyển hai(4), có liệt kê danh tánh của các vị lãnh đạo các đoàn truyền giáo, cũng như tên các địa phương mà đoàn đi đến.
1. Ngài Mạt Xiển Ðề (Mejjhàntika) được phái đến Kế Tân, và Kiền Ðà La Tra (Ikasmìra Gandhara)¸, nay thuộc các địa phương ở Khách Thập Mễ Nhĩ ở bắc Ấn Ðộ.
2. Ngài Ma Ha Ðề Bà (Mahàdeva - tức ngài Ðại Thiên) được phái đến Ma Ê Bà Mạt Ðà La (Mahisaka Mandala), nay là các địa phương thuộc Mai Sách Nhĩ ở vùng nam Ấn Ðộ.
3. Ngài Lặc Khí Ða (Rakkhita) được phái đến Bà Na Bà Tư (Vanavàsi), tên vùng đất này hiện nay không rõ ở đâu, hoặc có thể là ở nam Ấn Ðộ.
4. Ngài Ðàm Vô Ðức (Yonaka - Dhammarakkhita), được phái đến A Ba Kan Ða Ca(Apurantaka), nay là vùng đất phía bắc Tô Khố Nhĩ ở tây Ấn Ðộ.
5. Ngài Ma Ha Ðàm Vô Ðức (Mahadhammarkkhita) được phái đến nước Ma Ha Lặc Tra (Mahàrattha) nay là địa khu Mãnh Mãi ở nam Ấn Ðộ.
6. Ngài Ma Ha Lặc Khí Ða (Mahàrakkta) được phái đến Du Na Thế Giới (Yonakaloka), nay là địa vực thuộc phía tây A Phú Hãn (Afghanistan).
7. Ngài Mat Thị Ma (Majjhima), ngài Ca Diếp Ba (Kasyapa - còn có tên là Ca Diếp Suy), được phái đến vùng biên của núi Tuyết Sơn (Himavantapadesa) nay là dọc theo dải Nepali - Ni Bạc Nhĩ.
8. Ngài Tu na Ca (Sonaka) ngài Uất Ða La (Utttra) được phái đến nước Kim Ðịa (Suvanabhùmi), nay là nước Miến Ðiện.
9. Ngài Ma Sẫn Ðà cùng nhiều vị khác được phái đến nước Sư Tử (Tambapannidìpa) nay là nước Tích Lan Sri-Lanka.
Như những gì vừa nêu cho thấy dưới thời vua A Dục, Phật Giáo đã trở thành tôn giáo mang tính quốc tế. Vua A Dục chủ tâm dùng giới luật của đức Phật để giáo hóa khắp vùng châu Á, châu Phi, và giáp biên giới châu Âu. Ðây được coi như vua Dục đảm nhiệm sứ mệnh mang lại hòa bình thế giới. Thậm chí có người dựa vào “Lịch Ðại Tam Bảo Ký”(5) cho rằng dưới thời Tần Thỉ Hoàng có Sa môn Thích Lợi Phồng cả thảy mười tám người từ Tây Vực đến được Trung Quốc. Tuy truyền thuyết trên không đủ chứng cứ, nhưng thời đại vua A Dục tương đương với thời Tần Thỉ Hoàng, cũng có khả năng đây là một nhánh truyền giáo do vua A Dục phái đi và bị đi lạc vào Trung Quốc(6) cũng nên.
Ðối với việc rộng truyền bá Phật Giáo, thì công đức của vua A Dục là cực kỳ to lớn, đối với lịch sử Ấn Ðộ, thì sự cống hiến của vua A Dục là vô cùng vĩ đại. Do đó, ông được người đời xưng tụng với mỹ danh là “Chánh pháp A Dục Vương” (Dharma Asoka). Ðiều đáng tiếc là những ngôi tự viện do lứon do ông kiến lập hiện nay không tìm thấy. Những Phật tháp được kiến tạo dưới thời vua A Dục, khi ngài Huyền Trang đến Ấn Ðộ - thế kỷ thứ VII tây lịch - ông trông thấy được là không dưới năm trăm tháp. Nhưng hiện tại chỉ mới phát hiện được có hai nơi; một là nhóm tháp Tang Khư (Sãnchi), và hai là tháp Bà Nhĩ Hô Ðặc (Bharhut). Còn thạch trụ và thạch tràng do vua A Dục kiến lập khi Huyền Trang đến Ấn Ðộ, ông ghi nhận là có mười sáu nơi, nhưng hiện chỉ còn có chín.
- Hai vua A Dục.
Theo sự truyền thừa của Nam truyền thì sau Phật diệt độ khoảng trăm năm, tại thành Tỳ Xá Ly diễn ra cuộc Thất Bách kết tập vào thời vua Ca La A Dục (Kàtasoka), và từ cuộc kết tập này mới đưa đến việc phân chia Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ. Còn lần kết tập thứ ba diễn ra sau Phật Niết bàn khoảng hai trăm hai mươi năm dưới thời Chánh Pháp A Dục Vương. Nguyên do của lần kết tập này là để giải quyết cuộc khởi tranh của hàng tặc trú Tỳ kheo. Cũng từ sau cuộc kết tập này dẫn đến việc Ðại Chúng Bộ lại chia ra thành sáu bộ, như Ðông Sớn Bộ v.v...
Nhưng theo sự ghi chép của Bắc truyền, thì lần Thất Bách kết tập xảy ra sau Phật nhập diệt ước khoảng trăm năm, nhưng vị quốc vương ủng hộ lần kết tập này là ai không rõ. Sau Phật diệt độ một trăm mười sáu năm(7)). Vua A Dục thống lãnh vùng đất Diêm Phù Lợi, nhân việc khởi tranh luận của Ðại Thiên về “Ngũ Sự”, từ đó mới đi đến phân chia thành Thượng Tọa Bộ và Ðại Chúng Bộ. Và cũng dưới thời vua A Dục; sau Phật diệt độ hai trăm năm, nhân việc tranh cãi về “Ngũ Sự” của Ðại Thiên mà Ðại Chúng Bộ chia thành ba bộ, như Bộ Ðông Sơn v.v.. Do sự kiện trên mà Nam truyền nói là có hai vua A Dục, trong khi Bắc truyền chỉ có một vua A Dục. Niên đại vua Ca La A Dục của Bắc truyền được nói đến trong “Thập Bát Bộ Luận”. Vua A Dục thứ hai của Nam truyền là nhân vật trung tâm của lần kết tập thứ ba. Lần kết tập thứ ba cũng xuất phát từ sự ghi chép của Nam truyền, thì vua A Dục này là nhân vật trung tâm, so ra vua A Dục này của Nam truyền sau vua A Dục của Bắc truyền cả trăm năm.”Ðại Tỳ Bà Sa Luận” quyển 99(8), cũng nói rất rõ: vào thời quốc vương A Luân Ca (tức vua A Dục), do vua nghe theo Ðại Thiên (Mahàdeva) nên muốn sát hại các Thánh tăng của Thượng Tọa Bộ, do đó các Thánh tăng mới đến ngụ tại nước Ca Thấp Di La. “Ðại Ðường Tây Vực Ký” quyển ba(9) của Huyền Trang cũng ghi tương tự về vấn đề trên. Cả hai thuyết vừa nói đều cho rằng sự việc trên xảy ra sau Phật nhập diệt một trăm năm. Do đó, sự thật về sự kiện trên, đứng về mặt lịch sử Phật Giáo quả là vấn đề rất khó thanh lý.
Cũng từ vấn đề trên nếu gia tâm khảo sát tường tận, thì thật sự dưới thời vua A Dục có xảy ra cuộc tranh luận về “Ngũ Sự”, nhưng không hẳn vua A Dục nghiêng về Ðại Thiên - một phái có tư tưởng tiến bộ. Theo ghi chép của luật Thiện Kiến(10), thì bấy giờ vua A Dục thỉnh mời ngài Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu làm Thượng tọa đứng ra tuyển chọn nghìn vị Tỳ kheo có đủ tư cách nhất tham gia bình nghị xem trong cuộc tranh luận nay ai đúng ai sai. Ngài Ðế Tu được đón từ trung tâm núi A Kiệt hà, ông thuộc đông hệ Ba Lị - nhân vật phân chi của Thượng Tọa Bộ. Ông đứng trên lập trường Thượng Tọa Bộ, nhưng lại đồng tình với tư tưởng cực đoan của Thượng Tọa Bộ. Ðấy chính là cái đích được nhắm tới của cuộc bình nghị này. Ðối với tư tưởng của Ðại Chúng Bộ, ông có phần chấp nhận, tất nhiên đấy là sự thật. Lần kết tập này kéo dài đến chín tháng, thiết nghĩ về mặt giáo nghĩa cần nên có các cuộc thảo luận về những dư thiếu. Nhưng về niên đại của lần kết tập này không được tỏ rõ, nhưng thuyết của Nam truyền ghi chép là diễn ra khoảng hai trăm hai mươi năm sau Phật diệt độ. Nhưng do đâu có sự ghi chép như vậy? Theo Bắc truyền là do sau Phật diệt độ hai trăm năm, trong Tăng đoàn có xảy ra cuộc tranh luận “Ngũ Sự”.
Còn như việc Nam truyền chia vua A Dục thành hai, một là vua Ca La A Dục, nghĩa là “Hắc A Dục vương” chữ “Hắc” được dùng trong Phật Giáo là chỉ cho “ác tác” (làm điều xấu, nghĩ suy xấu), giống như nói hắc nghiệp và bạch nghiệp. Do đó, Nam truyền dùng Ca La A Dục vương, ngụ ý nói một ông vua A Dục bạo ác khi ông chưa qui y Tam Bảo (điều này trong “A Dục Vương Kinh” của Bắc truyền gọi là Chiên Ðà A Dục Vương), đấy là nói một ông vua A Dục đại biểu cho tính thực tiễn sau khi ông đã qui hóa thành chánh pháp A Dục Vương. Nếu thuyết này khả tín, thì đúng là vì cách nhau cả trăm năm nên có sự nhầm lẫn giữa hai vua A Dục. Xét thấy cần nêu vấn đề này ra ở đây để tiện khảo chứng.
Cách kiến giải trên là của Ðịch Nguyên Văn Lai Thị, người Nhật Bản, và pháp sư Ấn Thuận của Trung Quốc có đọc đến, nhưng vấn đề có khả tín hai không cần có thêm sự nghiên cứu.
TIẾT II. BỘ PHÁI PHẬT GIÁO VÀ ÐẠI THIÊN.
- Sao gọi là Bộ Phái?
Danh từ Bộ phái ở đây không như danh từ Tông phái của Trung Quốc vậy. Nguyên nhân là do cố thủ quan điểm luận mà xảy ra bất đồng nên có sự phân lập riêng biệt. Sự phân lập này dẫn đến những tính cách tương đồng, tương dị rất thú vị, ấy là tự nhiên mà hình tành nên đạo nghĩa kết hợp, hoặc đối lập. Từ đấy mà Bộ phái Phật Giáo thành hình. Ðiều đó diễn ra sau Phật nhập diệt khoảng trăm năm. Thực thì nguyên nhân xa của phân phái cũng đã xảy ra khi đức Phật còn tại thế. Ðiều đó được chép rõ trong kinh Tạp A Hàm quyển mười sáu. Kinh 447(11) đơn cử mười ba vị đại đệ tử của đức Phật. Nhưng vị này mỗi người đều có nhiều Tỳ kheo thân cận kinh hành. Những Thượng tọa nghe nhiều, thường thân cận ngài A Nhã Kiều Trần Như, những Tỳ kheo tịnh tu khổ hạnh đầu đà thường thân cận ngài Ðại Ca Diếp; những vị đại trí biện tài, thường thân cận ngài Xá Lợi Phất; những vị có sức mạnh thần thông, thường thân cận ngài Mục Kiền Liên, những vì có thiên nhãn minh triết, thường thân cận ngài A Na Luật, những vị tinh tấn dũng mãnh, thường thân cận ngài Nhị Thập Ức Nhĩ (Scronakotivimsa), những vị vì đại chúng mà tu sửa cúng cụ, thường thân cận ngài Ða Phiêu, những vị hành trì thông đạt Luật nghi, thường thân cận ngài Phú Lâu Na, những vị đa văn tổng trì, thường thân cận ngài A Nan, những vị giỏi phân biệt các kinh, khéo thuyết giảng pháp tướng, thường thân cận ngài Ca Chiên Diên, những vị mật hạnh nghiêm cẩn hành trì giới luật, thường thân cận ngài La Hầu La, những vị thường tụ tập tăng chúng để nói và làm những điều sai quấy, thường thân cận ngài Ðề Bà Ðạt Ða. Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 46, (Phóng Ngưu Phẩm) kinh thứ ba, phẩm 49(11) cũng nói: “Nên biết căn nguyên của chúng sinh đều là “tự tương loại”, những kẻ ác hành thường theo với nhau; những người thiện hạnh cũng thế”. Chỉ có điều, lúc đức Phật còn tại thế, cửa với nhà chưa bị đứng riêng. Ðến lần tập kết thứ nhất, mới bắt đầu thấy cửa là cửa, nhà là nhà; và sau lần Thất Bách kết tập mới lộ rõ việc phần thành hai Bộ. Mãi đến thời vua A Dục, và sau đó Ðại Chúng Bộ một lần nữa bị chia cắt. Sự chia cắt lần này về mặt niên đại, thì tư liệu của Nam truyền và Bắc truyền sai khác nhau cả trăm năm. Ðại Chúng Bộ tuy bị chia cắt, nhưng lại tương đồng, nhưng thuyết về sự khởi tranh của tặc trú Tỳ kheo là giống nhau, trong đó có liên quan đến sự kiện Ðại Thiên.
- Hai vị Ðại Thiên.
Ðại Thiên tên tiếng Phạn là Ma Ha Ðề Bà (Mahàdeva). Sự tích nói về Ðại Thiên, xin đọc “Dị Bộ Tông Luận”, “Thập Bát Bộ Luận”, “Bộ Chấp Dị Luận”, tất cả các bộ nêu trên đều nói đến sự việc sau Phật diệt dộ hai trăm năm, có ngoại đạo tên là Ðại Thiên xin xuất gia với Ðại Chúng Bộ. Người này sống ở núi Chi Ðề (Caityagiri), còn có tên là núi Chế Ða. Trong bộ Ma Ha Tăng Kỳ, ông lại là người kiến lập thêm ba Bộ nữa. Lại nữa, Ðại Ðường Tây Vực Ký, quyển ba(12) chép: Sau Phật diệt độ khoảng trăm năm, có xuất hiện nhân vật tên Ðại Thiên, ông là người khoát đạt đa trí, ngẫm muốn có thực danh, nên suy nghĩ sâu xa và sáng tác luận nghĩa trái nghịch với Thánh giáo, khiến vua Vô Ưu (tức vua A Dục) không rõ đâu là phàm, đâu là thánh, nên đồng tình với luận điểm của Ðại Thiên, cho Ðại Thiên được thân cận, nương cậy ông; đồng thời vua A Dục lại có ý muốn giết các Thượng tọa thánh tăng. Thánh Tăng là những vị đã đắc quả A la hán nên quí ngài nhận biết ý sát của vua A Dục, bèn vận dụng thần thông đi đến nước Ca Tháp Di La. Cạnh dó luận Ðại Tỳ Ba Sa - quyển 99 của Hữu Bộ(13), còn công kích Ðại Thiên dữ dội hơn, cho rằng Ðại Thiên là người dâm dục vơí mẹ đẻ, giết A la hán, rồi giết luôn mẹ đẻ; và ông phạm cả ba tội Vô gián. Ðồng thời luận này còn chỉ trích Ðại Thiên là người gây ra cuộc tranh cãi “Ngũ Sự” đầy vọng ngôn.
Tất cả các việc nêu trên đều xuất phát từ truyền thuyết của Thượng Tọa Bộ; sự thực không hẳn như vậy, bởi hai người cùng có tên Ðại Thiên cách xa nhau cả trăm năm. Tiếc là về sử liệu, Ðại Chúng Bộ không còn lưu lại điều gì để có thể dựa vào tham khảo. Quả như các việc trên là thực, thì người có tên là Ðại Thiên đã phạm ba ba tội Vô gián, và đời sau gọi ông là Ðại Thiên ngoại đạo xin xuất gia với Ðại Chúng Bộ. Nhưng cả Hữu Bộ và Ðại Chúng Bộ lại đứng trên lập trường lưỡng cước khi nói về Ðại Thiên. Do đó, đối với việc Ðại Thiên phạm ba tội Vô gián chỉ là vu khống. Trên thực tế, thời đại đương thời Ðại Thiên là người đi trước về tư tưởng tiến bộ. Tuy ông bị các vị Kỳ túc Thượng tọa công kích, nhưng ông được đa số đại chúng ủng hộ. Lúc con vua A Dục là Ma Sẩn Ðà xuất gia, ông này thỉnh ngài Ðế Tu của hệ Phân Biệt Thuyết làm Hòa thượng, mời ngài Mạt Lan Ðề của Hữu Bộ làm cụ túc giới A Xà Lê, và ngài Ðại Thiên của Ðại Chúng Bộ làm thập giới A Xà Lê(14). Như thế đủ thấy vua A Dục không thiên vị bên nào, và Ðại Thiên cũng không phạm ba tội Vô Gián như truyền thuyết của Hữu Bộ. Lại càng không đúng với truyền thuyết nói rằng: Vào thời vua A Dục, Phật pháp long thịnh và tứ sự cúng dường rất nồng hậu. Do đó, đa số ngoại đạo vì miếng ăn cái mặc mà xin xuất gia theo Phật Giáo, nên gọi số này là “tặc tu”. Ðồng thời họ cũng khởi sự phân tranh khiến vua A Dục phải triệu tập chúng lại để kiểm nghiệm. Trong số đó có ba trăm người thuộc loại ngoại đạo thông minh. Họ thông đạt cả Tam tạng thánh điển, nên không còn cách nào khác, vua A Dục đành cho họ ở riêng một trú xứ, trong số này có một vị tên là Ðại Thiên, sống ở núi Chế Ða. Ông này lại cùng với Ðại Chúng Bộ nghị luận Ngũ Sự. Nhân đây Ðại Chúng Bộ bị chia thành ba Bộ.
Tất cả chỉ là truyền thuyết nên rất khó phân biệt được chân, ngụy. Nhưng ngày nay chúng ta có thể xác tín rằng; Ðại Thiên không phải là tặc trú Tỳ kheo, cũng không phải ông bị vua A Dục là Ma Sẩn Ðà thỉnh mời làm A Xà Lê(14). Trước đó ông cũng đã theo tăng chúng đến tu ở núi Chế Ða. Ông cũng từng phụng mệnh vua A Dục đi đến Ma Ê Bà Mạt Ðà La (nay là Mại Sách Nhĩ), và ông cũng đã cùng các vị như Mạt Lan Ðề cả thảy tám vị đại đức được phái đến các địa phương để hoằng hóa Phật pháp. Như vậy, ông không phải là người trái nghịch thánh giáo.
- Ðại Thiên Ngũ Sự.
Ðại Thiên Ngũ Sự là trọng điểm mà Ðại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ công khai tranh luận một cách quyết liệt. Ngay vào thời vua A Dục nó được tranh luận một cách minh xác. Ðại khái, Ðại Thiên là nhân vật ra đời sau Phật nhập diệt khoảng từ trăm năm đến hai trăm năm, thì xảy ra chuyện Ðại Chúng Bộ tôn trọng “Ngũ Sự”. Do vì Ngũ Sự có liên quan đến Ðại Thiên, nhưng không hẳn Ðại Thiên là chủ sự. Nhân vấn đề tranh luận “Ðại Thiên Ngũ Sự” rồi cho rằng Ðại Thiên xuất hiện sau Phật nhập diệt hai trăm năm. Thiết tưởng điều trên chỉ là truyền nhầm.
- Sao gọi là Ðại Thiên Ngũ Sự?
Ðó là năm việc liên quan đến thánh cảnh của thân tâm A la hán. Luận Ðại Tỳ Bà Sa quyển 99(15) của Hữu Bộ nói: “Ðại Thiên tự mình chưa chứng quả A la hán, nhưng nói là mình đã chứng A la hán quả. A la hán là người đã ly dục, nhưng Ðại Thiên đêm ngủ vẫn còn bị mộng tinh, đệ tử được ông ký biệt là đã chứng quả, nhưng bản thân đệ tử chưa từng tự biết chứng quả gì, nên vẫn cứ nghi hoặc Lý đán, A la hán và vị luôn sống an vui giải thoát, nhưng Ðại Thiên khi đêm đến thường hô lớn khổ quá, khổ quá. Ðem năm việc trên ra lượng định, biết là Ðại Thiên vọng ngôn”.
Theo Hữu Bộ, thì năm việc ấy là:
1. Ðại Thiên vì tư duy bất chính nên mới thoát thất bất tịnh (mộng tinh).
2. Ðại Thiên vì muốn nâng đỡ đệ tử mình mà loạn tác ký biệt, nói là đệ tử đã chứng bốn thánh quả Sa Môn.
3. La hán là người đã chứng đắc vô lậu, dứt đoạn tất cả mọi nghi hoặc. Vậy sao lại nói quả vị La Hán còn nghi hoặc?
4. La hán là người đã chứng đắc thánh huệ; tại sao lại nói tự mình không biết là đã chứng quả La hán hay chưa?
5. Thánh đạo vô lâu, vậy lý đáng phải y vào gia hạnh vị mà hiển hiện, sao lai còn than khổ quá, khổ quá, như thế làm sao sinh khởi được nhân của thánh đạo giải thoát? Như vậy đủ thấy những điều vừa nêu nói lên sự vọng ngữ của Ðại Thiên.
Ðã vậy, Ðại Thiên còn đem ngũ sự do ông xướng xuất biên thành một bài, và hướng về chúng đệ tử tuyên dương một cách sâu rộng: “Dư sở dục, vô tri, do dự tha linh nhập, đạo nhân thinh cố khởi, Thị danh chơn Phật Giáo”.
- Ngũ sự không là vọng ngôn.
- Lý do việc được Ðại Thiên đề ra Ngũ Sự:
1. “Dự sở dụ”, bậc A la hán tuy không còn bị phiền não về dâm dục, nhưng vẫn bị “lậu thất bất tịnh”, tức có ác ma lấy vật bất tịnh định đặt vào y của La hán.
2. “Vô Tri”, vô tri là không biết có nhiễm ô và không nhiễm ô. Bậc La hán mà chưa đoạn tận được bất nhiễm ô, thì đó là vô tri.
3. “Do dự”, nghi có hai thứ là xứ và phi xứ sẽ trình bày riêng. Bậc La hán chưa đoạn tận (dứt sạch) được nghi hoặc về xứ và phi xứ, thì tuy là bậc thánh Ðộc giác nhưng vẫn có cái “hoặc” này.
4. “Tha linh nhập”, bậc La hán cũng phải dựa vào ký biệt của người khác, mới biết được mình là La hán, chẳng hạn như ngài Xá Lợi Phất là người có trí tuệ bậc nhất, ngài Mục Kiền Liên có thần thông bậc nhất, nhưng cũng hpải dựa vào sự thọ ký của đức Phật mới biết được mình đã giải thoát.
5. “Ðạo nhân thinh cố khởi”, chí thành xướng niệm khổ quá, thì thánh đạo mới hiện khởi, “khổ” được nói ở đây với”khổ” trong tứ thánh đế có liên quan với nhau. Quán khổ, không, vô thường, vô ngã, thì đó là thánh đạo.
Về bản chất của “Ngũ Sự” mà nói, thì ngũ sự khó mà luận rằng đó là vọng ngôn để có thể loại bỏ. Bởi khi nói La hán là bậc ly dục, đó là nói về tâm lý. Nhưng về mặt sinh lý chưa hẳn là khác với người phàm, huống nữa là vấn đề di thất bất tịnh. Vì có lúc là mộng di, có lúc không mộng vẫn cứ “di” ; hoặc có vị do thân bệnh mà “di”. Việc di tinh của người nam giống như chuyện nguyệt tín của người nữ mà thôi.
Thời Phật tại thế có vị nam La hán nhân mắc bệnh phong khiến “dương cử”, phải tìm đến dâm nữ giải quyết (trị bệnh). Cũng có vị La hán ni vẫn còn nguyệt tín nên phải đến hồ nước dùng vải bố mà rửa. Nếu căn cứ theo giới luật nguyên thỉ để suy luận, thì năm việc được Ðại Thiên đưa ra, không có việ nào là không lập thành. Chi do các vị luận sư của Hữu bộ không nghiên cứu một cách thực tế nên sinh ra việc lấy người bỏ lời (dĩ nhân phế ngôn). Chuộng cái giống mình, công kích cái khác mình, và như vậy mà kết luận Ngũ Sự là voïng ngôn e không mấy thuyết phục.
Vả lại, “Ðại Thiên Ngũ Sự” cũng không hẳn là do Ðại Thiên sáng tác một cách độc lập, trong bộ “Luận Sư” của Nam truyền(16) cũng có truyền về Ngũ Sự. Trong luận thuyết của ngài Tam Tạng Chơn Ðế của Bắc truyền và của Tây Tạng cũng có nói đến Ngũ Sự, nhưng chú thích không giống nhau. Thời gian gần đây các nhà học giả thấy rằng Ngũ Sự nói chung, các bộ thuộc Ðại Chúng Bộ đều có nói đến; Ðại Thiên chẳng qua chỉ là người đem Ngũ Sự kết tập lại thành một loại, rồi dùng kệ tụng để trình bày.
Nghiên cứu kỹ, thì quả vị La hán quả dúng là người phi thường mới có thể vượt qua (chứng đắc). Nhưng đời sau lấy cảnh giới lý tưởng của La hán biến thành vấn đề cao siêu không dễ gì mong đạt tới được; tương tự như việc dương cao Bộ phái trong lúc hình thành, thẩm sát các vị La hán thời Phật tại thế, chưa hẳn quí ngài đạt đến trình độ cao siêu như vậy.