Ban đầu tham Mã Tổ, làm nhai phường (*). Một hôm đi giữa chợ gặp một người khách mua thịt heo, bảo hàng thịt rằng:
- Lựa miếng ngon, cắt cho một ký.
Hàng thịt buông dao vòng tay nói:
- Trưởng Sứ! Có miếng nào mà không ngon?
Bảo Tích có tỉnh. Lại một hôm Sư ra cửa gặp đám ma. Một người cầm linh khua hát:
Mặt trời nhất định lặn về Tây
Chưa rõ linh hồn đến phương nào?
(Hồng luân quyết định trầm Tây khứ.
Vị thẩm hồn linh vãng na phương?)
Ngay lúc đó tang gia đang kêu khóc bi ai dưới màn, Bảo Tích mừng rỡ cả thân tâm, trở về kể lại cho Mã Tổ, Tổ ấn khả. Sau trụ Bàn Sơn.
(*) Nhai phường: Có nhiệm vụ vào chợ búa để xin vật dụng cho đại chúng.
46. THIỀN SƯ MINH TOẢN Thuyết pháp HÀNH NHẠC
Minh Toản tức Lại Tàn, chấp dịch ở Hành Nhạc, nhặt đồ thừa mà ăn. Tánh Sư lười biếng, ăn đồ thừa nên có hiệu là Lại Tàn. Tể tướng Lý Bí đề cao đức hạnh của Sư lên vua Ðức Tông, vua sai chiếu mời. Sứ giả đến hang đá tuyên chiếu vua nói:
- Tôn giả hãy đứng lên tạ ơn vua.
Toản làm thinh, mũi dãi lòng thòng. Sứ giả trông thấy cười bảo Ngài chùi mũi. Toản nói:
Ta hơi sức đâu mà vì người đời chùi mũi.
Rồi không chịu đi.
Thích Sử sắp tế thần núi, lo sửa đường lên. Nửa đêm sấm gió, một khối đá to rơi xuống chắn ngang đường. Người sửa đường đem mười trâu đến kéo, lại thêm mấy trăm người giup mà hòn đá không nhúc nhích. Sư cười nói:
- Chẳng phiền nhiều sức. Rồi lấy chân đạp đá, đá lăn tròn rồi rơi xuống, tiếng như sấm nổ. Ðường được khai thông, mọi người xem Sư như thần. Ngoài cổng chùa, cọp beo chợt họp thành bầy. Sư bảo chúng tăng:
- Tôi sẽ đuổi sạch chúng cho các ông. Ðưa roi đây!
Chúng lấy roi đưa, Sư vừa ra khỏi chùa. Một con cọp vội vàng vâng lệnh Sư bỏ đi, hổ beo cũng theo đó mà dứt tuyệt dấu vết.
Sư thường có bài ca:
Ngơ ngơ vô sự không cải đổi
Vô sự đâu cần luận một đoạn
Trực tâm không tán loạn,
Việc khác chẳng cần đoạn.
Quá khứ đã qua đi
Vị lai vẫn chẳng tính
Ngơ ngơ vô sự ngồi
Ðâu từng có người gọi.
Hướng ngoại tìm công phu
Ðều là tên ngu ngôc.
Lương chẳng chứa một hột
Gặp cơm chỉ biết kêu.
Người đa sự ở đời,
Ðuổi theo mà chẳng kịp.
Ta chẳng ưa lên trời,
Cũng chẳng thích ruộng phước.
Ðói đến ăn cơm,
Mệt đến thì ngủ.
Người ngu cười ta,
Mà người trí biết.
Chẳng phải si độn,
Thể vốn như nhiên.
Cần đi thì đi,
Cần đứng thì đứng,
Thân khoác manh áo rách,
Chân mặc khố mẹ sanh.
Nhiều lời và lắm lẽ
Chỉ làm hiểu lầm nhau.
Nếu muốn độ chúng sanh,
Không gì hơn tự độ.
Chớ báng Phật thiên chân
Chân Phật chẳng thể thấy.
Diệu tánh và linh đài
Ðâu cần chịu rèn luyện.
Tâm là tâm vô sư
Mặt là mặt mẹ sanh.
Kiếp thạch có di động,
Trong đây không cải biến.
Vô sự vốn vô sự
Ðâu cần đọc văn tự,
Dẹp trừ gốc nhân ngã,
Thầm hợp ý trong này.
Các thứ nhọc gân cốt,
Chẳng bằng ngủ trong rừng
Ngơ ngơ ngẩng đầu nhìn,
Mặt trời lên cao.
Ăn thức ăn thừa
Ðem công dụng công,
Dần dà mờ tối.
Nắm lấy chẳng được,
Không nắm tự thông.
Ta có một lời,
Dứt nghĩ, quên duyên,
Nói khéo chẳng được,
Chỉ đem tâm truyền.
Lại có một lời,
Chẳng qua cho thẳng,
Nhỏ như mảy lông,
Lớn không nơi chốn.
Vốn tự viên thành,
Chẳng nhọc thêu dệt.
Thế sự mang mang,
Chẳng bằng non núi,
Tùng xanh che trời,
Suối biếc chảy dài,
Mây núi đang giăng,
Trăng đêm làm móc,
Nằm dưới dây leo.
Gối đầu tảng đá.
Chẳng chầu thiên tử.
Há khoái vương hầu.
Sanh tử chẳng lo,
Còn lo gì nữa?
Trăng nước không hình.
Ta thường chỉ an,
Vạn pháp đều vậy
Vốn tự vô sanh.
Ngơ ngơ vô sự ngồi,
Xuân đến cỏ tự xanh.
Lửa phân bò chỉ biết màu vàng đẹp mà thôi.
Móc bạc đâu rành bùn tía mới
Còn chẳng có tâm chùi mũi dãi
Há có công phu hỏi người tục.
(Phẩn hỏa đản tri hoàng độc mỹ
Ngân câu na thức tử nê tân
Thượng vô tâm tự thu hàn thế
Khởi hữu công phu vấn tục nhân).
47. ẨN SỸ LÝ NGUYÊN Thăm TỲ KHEO Viên Trạch
Xưa An Lộc Sơn vây hãm Ðông Thành, Lý Ðăng bị cầm giữa đến chết. Lý Nguyên là con, phẫn chí tự thề không làm quan, không lấy vợ, không ăn thịt, bỏ nha làm chùa Huệ Lâm. Tăng trong chùa là Viên Trạch, kết bạn với Nguyên rồi dẫn nhau đi dạo Nga Mi. Nguyên muốn đi từ Kinh Châu qua sông Tố lên đường núi, còn Trạch muốn đi theo đường Tà Cốc Trường An. Nguyên nói:
Tôi đã dứt việc đời, há trở lại đường kinh sư sao?
Trạch làm thinh, hồi lâu nói:
- Ði đứng cố nhiên chẳng do ý người.
Bèn đi theo đường Kinh Châu, thuyền đến Nam Phổ, thấy một người đàn bà mặc quần gấm múc nước. Trạch chỉ và khóc nói:
- Tôi không muốn đi đường này cũng vì bà ta.
Nguyên cả kinh hỏi. Trạch nói:
- Bà này họ Vương, tôi sẽ làm con bà. Bà mang thai ba năm rồi, vì tôi không đến nên không sanh được. Nay đã thấy thì không còn trốn thoát được. Ông nên dùng phù chú nguyện giúp tôi sanh mau. Ba ngày sau, lúc tắm đứa bé, mong ông đến với tôi, tôi sẽ cười để làm tin. Và sau mười ba năm, dưới trăng Trung thu, phía ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu sẽ cùng ông tương kiến. Tôi đã ba đời làm Tỳ kheo tu tập Thiền, ở sông Tương phía Tây chùa Nhạc Lộc có hòn đá to, tôi tọa thiền trên đó.
Nguyên nghe xong thương xót hối hận. Ðến chiều thì Trạch chết. Người đàn bà sanh được ba ngày thì Nguyên đến xem, đứa bé quả nhiên cười. Sau đến kỳ hạn, Nguyên đến chỗ hẹn ước, nghe bên bờ sông Cát Hồng có mục đồng gõ sừng trâu mà ca rằng:
Ba năm trên đá tinh hồn cũ
hưởng trăng, vịnh gió chẳng cần bàn
Hổ thẹn tình người xa đến viếng
Thân này tuy khác tánh còn nguyên.
(Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn
Thưởng nguyệt, ngâm phong bất yếu luận
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng
Thử thân tuy dị tánh thường tồn).
Nguyên bèn gọi:
- Trạch Công mạnh không?
Ðáp rằng:
- Chân tín sĩ Lý Công! Ông duyên tục chưa hết, cẩn thận chớ gần nhau, chỉ chuyên cần tu thì chẳng đọa. Rồi sẽ gặp nhau nữa.
Lại ca ràng:
Thân trước thân sau sự mịt mùng
Muốn nói nhân duyên sợ điếng lòng
Ngô Việt núi sông tìm đã khắp
Khua chèo trở lại đến Cù Ðường.
(Thân tiền thân hậu sự mang mang
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường
Ngô Việt sơn xuyên tầm dĩ biến
Khước hồi yên trạo thướng Cù Ðường).
Rồi ẩn mất không thấy nữa. Nguyên ở chùa hơn ba mươi năm, chết lúc hơn tám mươi.
|