Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
Cao tăng dị truyện
28. LƯƠNG VŨ ÐẾ
   

 

Lương Vũ Ðế, tên Tiêu Diễn, hình dung kỳ vĩ, vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều. Nhà ở thường có hơi mây. Thuở nhỏ hiếu học, từ thi thơ cho đến âm dương bói toán, chiêm đoán, bốc phệ; viết chữ thảo, chữ lệ trên tờ bồi (xích độc); cung tên, cưỡi ngựa, săn bắn thảy đều rành rẽ. Tuy lên địa vị to lớn, tay vẫn không rời quyển sách. Về già thờ phụng Phật đạo. Ngày chỉ ăn một bữa, nếu không có đại hội, yến tiệc, tế tự Tông Miếu thì không cử nhạc. Khi hành quyết tử tù thì rơi nước mắt. Chăm lo chính sự, mùa Ðông qua nửa đêm vẫn cầm bút xem xét công việc, tay bị nứt nẻ; tánh ngay thẳng, ở trong nhà tối cũng mặc áo mão; tháng nóng chưa hề vén áo, cởi trần, tuy thấy bầy tôi thấp hèn cũng như gặp khách quan trọng. Niên hiệu Thái Thanh năm thứ ba (549); Hầu Cảnh vây hãm Thành Ðài; đem năm trăm quân mặc giáp tự vệ, mang kiếm lên trên điện. Vua thần sắc vẫn không thay đổi, bảo Hầu Cảnh đến giường của bậc Tam Công ngồi, rồi bảo:

- Khanh ở trong binh lính lâu ngày không mệt nhọc sao?

Cảnh sợ hãi không đáp được, lui ra bảo tả hữu rằng:

- Ta mỗi lần lên ngựa ra trận, tên đá bời bời, không hề hãi sợ. Nay thấy Tiêu Công khiến người khiếp sợ. Há chẳng phải oai trời khó phạm. Ta chẳng gặp ông ta nữa.

Sau Lương Vũ Ðế nằm giường bệnh, ngày đêm niệm Phật luôn miệng. Dần dần chẳng thể đưa thức ăn, lâu ngày miệng đắng đòi mật, giơ tay nói:

- Hà, hà.

Rồi băng ở Ðiện Tịnh Cư, thọ 86 tuổi.

 

29. THỰC XOA NAN ÐỀ (SIKSÀNANDA)

 (GIÁC HỈ)

 Dịch kinh Ðại Hoa Nhiêm

Ban đầu Vũ hậu (Võ Tắc Thiên) nghe nước Vu Ðiền có Ðại kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Phạn, bèn sai sứ đến thỉnh, và mời một học giả rành tiếng Phạn cùng về.

Quốc vương Vu Ðiền đưa Thực Xoa Nan Ðề đến theo lệnh của Vũ Hậu. Tháng 3 năm Ất Mùi (695); mời vào chùa "Ðại Biến Không” phiên dịch.

 

30. PHÁP TẠNG

Pháp Tạng họ Khương người nước Khương Cư. Ban đầu Ðỗ Thuận truyền bản dịch Hoa Nghiêm Pháp Giới Quán đời Tấn cho Trí Nghiễm. Pháp Tạng hầu hạ Trí Nghiễm rất lâu, được truyền hết yếu chỉ kinh này. Nghiễm tịch. Pháp Tạng làm cư sĩ thuyết pháp. Vũ Hậu độ cho làm tăng. Năm Ất Mùi xuống chiếu mời Pháp Tạng khai thị tông chỉ Hoa Nghiêm. Mới nêu đề tựa kinh, hào quang trắng từ miệng Ngài lóe ra. Chốc lát biến thành một cái lọng dừng ở trên không.

Vũ Hậu rất vui ban cho Ngài hiệu là Hiền Thủ. Vũ Hậu vời Pháp Tạng đến chùa Phật Thọ Ký giảng kinh Tân Hoa Nghiêm, đại địa chấn động cả thời mới dừng. Ngay ngày ấy, mời đến điện Trường Sanh hỏi về Ðế Võng mười lớp huyền môn.

Pháp Tạng tuyên thuyết có đầu mối, huyền chỉ thông suốt. Vũ Hậu nghe xong kinh dị. Pháp Tạng chỉ con sư tử vàng ở góc điện để làm thí dụ cho rõ ràng, đến chỗ sư tử trên đầu một sợi lông có trăm ức sư tử, Vũ Hậu hoát nhiên liễu ngộ.

 

31. ÐẠO THỌ

Ðệ tử của Thần Tú, sau khi đắc pháp kết am tranh trên núi Tam Phong ở Thọ Châu. Thường có người rừng ăn mặc giản dị, nói năng lạ lùng, có lúc chợt hóa làm Phật, hoặc cách hình Bồ tát, La Hán, Thiên Tiên ... hoặc phóng hào quang, hoặc tạo âm vang, học đồ đều không lường được. Sau mười năm, lặng lẽ chẳng còn chút bóng dáng.

Ðạo Thọ bảo chúng rằng:

- Người rừng làm đủ trò khéo léo, mê hoặc mọi người. Lão nhân chả thèm thấy, chẳng thèm nghe. Cái khéo léo ấy có cùng, còn cái chẳng thấy chẳng nghe của ta vô tận.

 

32. HUỆ AN

Huệ An họ Vệ ở Kinh Châu, xuất gia thọ đại giới, hành hạnh đầu đà. Ðời Ðường niên hiệu Trinh Quán (627) đến Hoàng mai, yết kiến Hoằng Nhẫn được tâm yếu. Lân Ðức nguyên niên (664) ẩn cư ở Thạch Bích Chung Nam.

Ở Thạch Bích, vua Cao Tông xuống chiếu rước, Ngài không đi, rồi dạo khắp các danh thắng. Ðến Tung Nhạc, Ngài nói:

Ðây là đất cuối cùng của ta.

Hai vị tăng Thản Nhiên và Hoài Nhượng đến tham vấn hỏi:

- Thế nào là ý Tổ Sư từ Tây sang?

- Sao chẳng hỏi ý của chính mình?

- Thế nào là ý của chính mình?

- Nên quán mật tác dụng.

- Thế nào là quán mật tác dụng?

- Ngài nhắm mắt mở mắt để dạy.

Năm Ất Mùi, có chiếu rước Ngài và Thần Tú đến kinh đô, tôn làm Quốc sư. Vũ Hậu thường hỏi:

- Ngài bao nhiêu tuổi?

- Chẳng nhớ thân sanh tử xoay vần, vần xoay không đầu đuôi khởi diệt, huống thức tâm lưu chú không có gián đoạn. Cái thấy như bọt nước khởi diệt tức là vọng tưởng. Từ lúc ban đầu đến lúc tướng động diệt cũng chỉ như thế, có năm tháng nào để nhớ?

Sau Ngài giã từ cung cấm trở về Tung Nhạc, một hôm chợt bảo môn nhân rằng:

- Ta chết hãy đem thây vào rừng, đợi lửa rừng đốt.

Ðến ngày 8 tháng 7 đóng cửa ngồi yên mà tịch, thọ 128 tuổi. Môn nhân đem thây vào rừng. Quả nhiên có rửa lừng tự thiêu cháy, được xá lợi tám mươi viên, năm viên rất lớn màu hồng tím, sáng chói mắt.

 

33. ÐẠI SƯ PHÁP THUẬN

Họ Ðỗ, đời truyền là hóa thân Văn Thù. Sanh ở Ủng Châu. Người bệnh đến trước tòa của Sư liền được lành. Người điếc, Sư kêu tai liền thông; người câm, Sư nói chuyện liền nói được. Người điên khùng, Sư ngồi thiền trước họ, họ liền bái tạ rồi đi.

Ðường Thái Tông gọi Sư bảo:

- Trẫm nóng nảy, khổ nhọc, nhờ thần lực của Sư làm sao trị được?

- Chỉ cần ban lệnh đại xá, thì thánh thể tự an.

Vua theo lời, bệnh liền khỏi. Nhân đây ban cho Ngài hiệu Ðế Tâm. Thường vời vào cung cấm, hoằng truyền ý chỉ viên đốn của Hoa Nghiêm, tạo Pháp Giới Quán. Thiên hạ đều tôn sùng. Thường có kệ pháp thân:

Trâu Gia Châu ăn lúa

Ngựa Ích Châu no bụng.

(Gia Châu ngư khiết hòa

Ích châu mã phúc trường).  

Thiên hạ kiếm thầy thuốc

Châm cứu trên vai trái heo.

(Thiên hạ mích y nhân

Cứu trư tả bác thượng).

 

 34. HÒA THƯỢNG VẠN HỒI

Vạn Hồi ở Văn Hương, họ Trương, tuổi trẻ tiêu ngao, ngông cuồng, làng xóm không ai lường được. Có anh tên Vạn Niên đi chinh phạt Liêu Tả. Mẹ Ngài mong tin anh. Ngài nói:

- Việc này quá dễ.

Rồi từ biệt mẹ đi, đến chiều trở về, đem theo thư của anh. Lân lý đều kinh ngạc, nhân đó gọi là Vạn Hồi. Ngài cùng Sa môn Long Hưng và thiếu tướng Ðại Minh kết giao, thường qua lại nhà. Cấp Gián Minh Sùng Nghiễm ban đêm qua chùa thầy thần binh đứng hầu hai bên Ngài. Nghiễm kinh hãi.

Một hôm Ngài sai gia nhân quét dọn nhà cửa nói:

- Có khách quý tới!

Hôm ấy Huyền Trang từ Tây Vực trở về đến thăm Ngài. Ngài hỏi thăm phong cảnh Ấn Ðộ rõ ràng như tự mình trông thấy. Huyền Trang làm lễ đi nhiễu quanh Ngài gọi là Bồ tát.

Niên hiệu Hàm Hanh năm thứ tư (673).

Vua Cao Tông vời Ngài vào cung, độ làm sa môn. Khi ấy có tăng Mông Cổ Phù Phong, trước ở trong cung, thường nói: "Hồi đến! Hồi đến!” Và Ngài đến. Tăng Mông Cổ nói:

- Người thay thế đến, ta sẽ đi.

Nội trong một tuần Tăng ấy tịch.

Ðến lúc hiển hóa, Vạn Hồi được ban hiệu là Pháp Vân. Thường có kệ:

Sáng tối cùng quên mở mắt Phật

Chẳng cột một pháp, trổ rừng sen

Chân không chẳng hoại tánh linh tri

Diệu dụng thường còn công vô tác

Trí thánh xưa nay thành Phật đạo

Tịch quang chẳng chiếu tự viên thông.

 

(Minh ám lưỡng vong khai Phật nhãn

Bất hệ nhất pháp xuất liên tùng

Chân không bất hoại linh tri tánh

Diệu dụng thường tồn vô tác công

Thánh trí bổn lai thành Phật dạo

Tịch quang phi chiếu tự viên thông). 

Xem mục lục