Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

QUÁN SÁT NHƯ LAI TÍNH (Như Lai-如來)

______

*Như Lai tính: "Như Lai" là tôn xưng khác dành cho Phật, như là một siêu việt thể "vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ": không dựa theo cái gì mà đến, cũng không bởi cái gì mà đi, một siêu việt thể đã vượt qua mọi điều kiện của Sinh Tử, Nhân Quả… Tuy nhiên, phẩm này không chỉ nói về bản thân Đức Phật hay về hình tướng của Phật, như là một lý tưởng để đạt đến đối với mỗi cá nhân. Đúng hơn, là quán sát NHƯ LAI TÍNH, hay thường gọi là PHẬT TÍNH, như là một tính chất căn để nhất vốn hiện hữu trong tất cả mọi tồn tại, cái "Không-Đến-Không-Đi", cái vốn bên ngoài mọi điều kiện thuộc nhận thức, cái chân thật sơ nguyên của vạn hữu…

 

1

非陰不離陰

此彼不相在

如來不有陰

何處有如來

22.1

Vượt ra ngoài mọi điều kiện nhận thức (Âm-陰), mà không tách lìa khỏi điều kiện nhận thức,

Không tồn tại khái niệm tương tác giữa cái này và cái kia_

Như Lai như thế mà đến, không nương vào điều kiện nhận thức,

Vậy thì Như Lai tồn tại ở đâu?

 

陰合有如來

則無有自性

若無有自性

云何因他有

22.2

Như Lai nếu nương vào sự kết hợp điều kiện để hiện hữu,

Thì hẳn không thường hằng tự tính.

Nếu không hằng thường tự tính,

Thì làm sao có thể nương vào những điều kiện khác để hiện hữu?

 

法若因他生

是即為非我

若法非我者

云何是如來

22.3

Pháp (法-Dharma), nếu nương vào điều kiện khác để khởi sinh,

Thì tức là cái gì không có bản thể tự tồn tại (Ngã-我).*

Nếu Pháp là cái gì không bản thể tự tồn,

Thì làm sao là Như Lai, như-thế-mà-đến được?

 

______*"Pháp (法-Dharma), nếu nương vào điều kiện khác để khởi sinh, Thì tức là cái gì không có bản thể tự tồn tại (Ngã-我)". Hán văn: "法若因他生,是即為非我-Pháp nhược nhân tha sinh, thị tức vi phi ngã", trong đó: dụng ngữ "Pháp (法-Dharma) của Cưu Ma La Thập lần đâu tiên trong Trung Luận mang ý nghĩa thuộc kinh điển, là "Pháp giới"-Thế giới và ý nghĩa của nó trong cái nhìn của Như Lai, không chủ thẻ và đối tượng, không nương vào những điều kiện tạo tác và điều kiện tương đối của nhận thức, Cai-Như-Nó-Vốn-Là-Thế. Theo đó, chữ "Ngã-我-Atman" trong câu thứ 2, không có nghĩa là "Bản ngã, Tự Ngã, Tôi" như thông thường mà cần được hiểu một cách căn nguyên hơn: Bản thể Thường Trụ, cái tự nó là nó, không do những điều kiện khác mà thành, cái vốn có tự tính của nó... Như vậy, cả bài kệ này, với ý nghĩa thuộc về Pháp giới, cũng có thể hiểu vời một nghĩa rộng hơn, nói về tính cách tồn tại của Pháp giới và Như Lai Tính:

 "Tất cả mọi tồn tại, nếu nương vào điều kiện khác để khởi sinh,

 Thì tức là cái gì không có bản thể tự tồn tại.*

 Nếu tồn tại là cái gì không bản thể tự tồn,

 Thì làm sao là cái-như-thế-mà-đến được?"

 

若無有自性

云何有他性

離自性他性

何名為如來

22.4

Nếu không có tự tính,

Thì làm sao có tha tính?

Ở bên ngoài tự tính và tha tính,

Thì sao có thể gọi là Như Lai, như thế mà đến?

 

若不因五陰

先有如來者

以今受陰故

則說為如來

22.5

Nếu: Không do Năm điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰),

Trước đó đã tồn tại những gì như-thế-mà-đến,

Bây giờ người ta có thể nhận thức chúng thông qua những điều kiện nhận thức,

Thì những tồn tại như thế gọi cái-như-thế-mà-đến_Cái tự nó vốn là thế.

______*Dụng ngữ "Như Lai-如來" trong kệ này và những kệ tiếp theo, không còn hạn định trong ý nghĩa: Như Lai, Phật, như là một đấng toàn giác, mà được triển khai với ý nghĩa khái quát hơn: Như Lai tính, cái như thế mà đến, cái tồn tại vốn như là thể của mọi sự vật trước khi có tác động của nhận thức con người, cũng chính là cái cách nhìn mọi sự vật sau khi đã vượt qua tính chất nhị nguyên của nhận thức (chứng đãc); nhìn tất cả một cách chân thật vốn như là thế, không bị méo mó bởi tác động của tâm thức nữa. Cách nhìnnội dung cái được nhìn trở nên đồng nhất với nhau (việc này tự nó phi-luận lý), đó là cảnh giới viên dung vô ngại mà thuật ngữ Đại thừa muốn gợi ra.

 

今實不受陰

更無如來法

若以不受無

今當云何受

22.6

Nếu hoàn toàn không thông qua những điều kiện nhận thức,

Hơn thế nữa, cũng không có cái gì như-thế-mà-đến cả.

Nếu không thông qua điều kiện nhận thức và không có cái gì tự-nó-như-là-thế,

Thì con người ta làm sao có thể nhận thức được (bất kỳ cái gì, không chỉ là Như lai)?

 

若其未有受

所受不名受

無有無受法

而名為如來

22.7

Nếu một cái gì chưa hề chịu tác động của điều kiện nhận thức, __Thụ-受 = Thụ Ấm-受陰-Liên kết ý nghĩa với 6a__

Thì cái nhận thức (Thụ-受) ấy, không gọi là nhận thức có điều kiện (Thụ-受= Thụ Ấm-受陰_như trên) nữa.

Cái gì không có điều kiện tác động, không thông qua điều kiện nhận thức như thế,*

Thì được gọi là cái-như-thế-mà-đến.

 

______*"Cái gì không có điều kiện tác động, không thông qua điều kiện nhận thức như thế". Hán văn: "Vô hữu, vô thụ pháp-無有無受法", Chữ "Hữu-有" trong "Vô Hữu-無有" ở đây, chỉ có thể hiểu theo nghĩa "Hữu Vi-有爲": có tương tác, trong tương quan tác động và nhận chịu tác động, nói chung là có điều kiện tác động

 

若於一異中

如來不可得

五種求亦無

云何受中有

22.8

Nếu trong tương quan đồng nhất và dị biệt,

Không thể có được cái gì tự-nó-vốn-như-thế (Như lai-如來)

Trong năm điều kiện của nhận thức cũng không thể có,

Vậy thì làm sao có thể nhận thức nó bằng cách nhận thức có điều kiện?

 

又所受五陰

不從自性有

若無自性者

云何有他性

22.9

Vả lại, những gì nhận được từ năm điều kiện nhận thức,

Đều không do tự tính của nó mà có.

Những cái gì không có tự tính của nó,

Thì làm sao có được tha tính (để có thể nhận thức nó được)?

 

10 

以如是義故

受空受者空

云何當以空

而說空如來

22.10

Bởi ý nghĩa như thế (9):

Nhận thức tự nó cũng rỗng không, cái được nhận thức cũng rỗng không,

Xuất phát từ những cái rỗng không như thế,

Làm sao có thể nói rằng cái-như-thế-mà-đến không có (hoặc không có gì)?

 

______*"Nhận thức tự nó cũng rỗng không, cái được nhận thức cũng rỗng không". Bản Hán văn: "Thụ không thụ giả không-受空受者空", ở đây và ở kệ 11 tiếp theo, dụng ngữ "Không-空" trong cấu trúc của câu này, có thể bao gồm những ý nghĩa:

 1. "Không-空", danh từ: tính Không, cái không có gì.

 1a. Sử động dụng pháp: làm thành không.

 1b. Ý động dụng pháp: Xem như không.

 2. "Không-空", tĩnh từ: rỗng không.

 2a. Sử động dụng pháp: làm rỗng không.

 2b. Ý động dụng pháp: xem như rỗng không.

 3. "Không-空", động từ: không có

Nếu kể cả các dụng pháp khác như :

 _Vị động dụng pháp: vì .....không có,

 _Đối động dụng pháp: đối với.....thì là không,

 _Dữ động dụng pháp: cùng với....đều không,

 _Nhân động dụng pháp: bởi vì....nên không,

Thì ở đây có ít nhất là 11 nghĩa trùng lập trong một chữ "Không". Với ít nhất 11 nghĩa này, người ta có thể:

 1. Cảm nhận tất cả những nghĩa này cùng một lúc_trường hợp này, thì chữ Không "trong suốt", có thể nhìn xuyên qua nó để thấy hết mọi thứ_Hoặc,

 2. Tùy theo tâm trạng mỗi lúc mà hiểu một nghĩa tương ứng với tâm trạng đó_trường hợp này, thì chữ Không có thể "chảy" theo tâm thức tương ứng đang diễn ra bên trong người đọc nó. Hoặc,

 3. "Không" thể hiểu được, "Không" đọc nữa_xem như đó chỉ là một mớ ngữ nghĩa lộn xộn, ngớ ngẩn, "không" có nghĩa gì cả...

 Đây là một trong những dụng ngữ ảo ảo thực thực của Cưu Ma La Thập, không thể dịch được.

 

11 

空則不可說

非空不可說

共不共叵說

但以假名說

22.11

Con người ta không thể nói về Không.

Con người ta không thể nói về Không phải Không,

Cũng không thể nói về bốn phạm trù ấy, (1. Không, 2. Không phải Không, 3. Vừa Không vừa không phải Không, 4, Chẳng phải Không cũng chẳng phải không phải Không)

Đó chỉ là những khái niệm tạm thời giả định.

 

12 

寂滅相中無

常無常等四

寂滅相中無

邊無邊等四

22.12 (Cũng như thế đối với;)

Trong khái niệm Tịch Diệt (Tĩnh lặng Trống không) cũng không có,

Thường Hằng, Vô Thường và cả bốn phạm trù ấy (1. Thường Hằng, 2 Vô Thường, 3. Vừa Thường Hằng vừa Vô Thường, 4. Không Thường Hằng cũng không Vô Thường),

Trong khái niệm Tịch Diệt đã không có như thế,

Nên khái niệm Hữu biên và Vô Biên với bốn phạm trù (1. Hữu Biên, 2. Vô Biên, 3, Vừa Hữu Biên vừa Vô Biên, 4. Không Hữu Biên cũng không Vô Biên) cũng đều như thế.

 

13 

邪見深厚者

則說無如來

如來寂滅相

分別有亦非

22.13

Những kẻ có định kiến lệch lạc đã ăn sâu vào, thì

Hẳn cho rằng: Không có Như Lai, con người như thế mà đến tự do tự tại,___ (nghĩa thứ 2: Như Lai tính, Pháp tính, cái tự nó vốn như là thế, cái chân thật vốn có của vạn hữu)

Cũng như phân định biện biệt rằng:

Như Lai hay không có Tịch Diệt (Tĩnh lặng, Trống không).

 

14 

如是性空中

思惟亦不可

如來滅度後

分別於有無

22.14

Trong tính Không căn để của tự tính như thế,

Không có cơ sở nào để có thể dấy lên tư tưởng được.

Chỉ sau khi Như Lai diệt độ rồi,

Thì con người ta mới dấy lên phân biệt hay không có.

 

15 

如來過戲論

而人生戲論

戲論破慧眼

是皆不見佛

22.15

Như Lai, kẻ như thế mà đến tự do tự tại, kẻ đã vượt qua tất cả mọi hí luận,

Mà trọn cõi nhân sinh đang hí luận.

Bởi con người ta cứ mãi hí luận, con mắt tuệ mờ đi,

Nên không còn thấy được Như Lai.

 

16 

如來所有性

即是世間性

如來無有性

世間亦無性

22.16

Như Lai tính (Siêu việt thể) của Như Lai, kẻ như thế mà đến tự do tự tại giữa thế gian,

Cũng không gì khác hơn chính là Thế Gian tính (Tương đối thể),

Như Lai, kẻ tự do tự tại như thế mà đến, vốn không có tính cách nào lưu lại cả,

Thì Thế Gian cũng vốn không có tình cách nào lưu lại cả.

Xem mục lục