Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

不生亦不滅

不常亦不斷

不一亦不異

不來亦不出

 

Không khởi sinh cũng không hoại diệt.

Không thường hằng cũng không đứt đoạn.

Không đồng nhất cũng không dị biệt

Không từ đâu đến cũng không đi mất.

 

能說是因緣

善滅諸戲論

我稽首禮佛

諸說中第一

 

Tôi cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn

 đã thuyết giảng:

Về chuỗi nguyên nhân và điều kiện tạo tác vô tận,

Diệt tận ngọn nguồn mọi hí luận.

 Đó là Giáo lý Vô thượng trong tất cả mọi giáo lý.

 

TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ NHẤT

 

PHẨM THỨ NHẤT:

QUÁN NHÂN TỐ TẠO TÁC (NHÂN-) VÀ ĐIỀU KIỆN TẠO TÁC (DUYÊN-)

 

1

諸法不自生

亦不從他生

不共不無因

是故知無生

1.1

Tất cả mọi tồn tại đều không tự nó sinh ra

Cũng không do cái khác sinh ra,

Cũng không do cả hai (vừa tự nó vừa do cái khác) sinh ra,

Cũng chẳng phải là không có nhân tạo tác (Nhân-因) mà sinh ra,

Vì vậy hãy biết rằng: Mọi tồn tại đều vốn không sinh khởi.

 

______*"Hetu-Nhân-因": Nhân tố tạo tác và "Pratyaya-Duyên-緣": Điều kiện tạo tác. Ở đây cần phân biệt giữa cổ ngữ và ý nghĩa hiện chúng ta thường quen sử dụng như là “Nguyên nhân” và “Nhân duyên”:

 *"Hetu”: cái gây ra, cái tác tạo. “Nhân-因" cũng thế, với nghĩa “Nhân tố”, Tác nhân”. Tuy nhiên, cả hai dụng ngữ này đều chưa hẳn là “nguyên nhân” theo cách chúng ta ngày nay vẫn thường hiểu là: “cái nguyên nhân gây ra kết quả một cách cụ thể và trực tiếp” , hay “A là nguyên nhân của B: A sinh ra B”. Cùng trường hợp như thế là “Aition”(Cause) của tiếng Hy lạp cổ vẫn thường được hiểu là “efficiently cause”, trường hợp thứ ba này thì được Aristote phân biệt rõ ràng: 1. “Nguyên- Archē: Cái khởi đầu, tương đương với chữ Hán “元”, là “chỗ khởi đầu của sự vật mà người ta xuất phát từ đó trước tiên”, và 2. “Nhân-Aition”: cái gây ra, cái tạo tác = “因-Nhân tố”, là nhân tố hình thành sự vật, gồm bốn loại (Hình tướng, Chất liệu, Chuyển động và Mục đích). Aristote nhận xét “Nhân cũng được dùng trong một số ý nghĩa như Nguyên, vì tất cả Nhân đều là Nguyên’. Điều này cũng đúng với “Hetu” và “Nhân-因”. Trường hợp trùng hợp giữa ba loại ngôn ngữ cổ đại thuộc về ba nền văn minh khác nhau này không phải là điều gì lạ lùng, nếu chúng ta giải thích theo quan điểm của nhà ngữ học N. Chomsky: Có một hạch tâm phổ quát trong tất cả các ngôn ngữ. Thuật ngữ Phật giáo không có những định nghĩa khúc chiết như Aristote, nhưng lại có những phân biệt tinh tế như: “Sabhaya hetu”-đồng loại nhân và Câu hữu nhân-“Sahabhu-hetu” …(xem tiếp chú thích ở kệ 3), nếu chúng ta hiểu theo nghĩa “Nguyên nhân” thông dụng hiện tại, thì những khái niệm tinh tế này sẽ trở nên rất khó hiểu, và rất nhiều trường hợp trong Trung Luận cũng vậy (như ở kệ 9, phẩm 10). Vì những phân biệt rất tinh tế ấy, mà không những đối với đọc giả bình thường, đối khi ngay cả những học giả lão luyện như Thanh Biện, Thanh Mục cũng vẫn có thể mắc sai lầm trong phán đoán (Phẩm 17, kệ 17).

 *."Pratyaya-Duyên-緣": Điều kiện tạo tác. Cũng thường được dùng trong thuật ngữ Phật giáo, cũng như trong cách nói thông dụng như “Nhân Duyên”. Cũng như trên, thật ra “Nhân-因”và “Duyên-緣” là hai khái niệm khác nhau, được sử dụng trong kinh điển một cách khác nhau và cần được hiểu riêng biệt, mặc dù trong nhiều trường hợp thì “Điều kiện tạo tác ra một cái gì-Duyên” cũng chính là “Nhân tố tạo tác” ra nó, và cũng là “Nguyên do sinh khởi” của nó. Nhưng để phân biệt những ý nghĩa tế vi hơn trong thuật ngữ Phật giáo, thì sự phân biệt này là điều rất cần thiết (xem tiêp chú thích ở kệ 3).

 

 

2

如諸法自性

不在於緣中

以無自性故

他性亦復無

1.2

Tự tính của mọi tồn tại,

Không có trong những điều kiện tạo tác (緣-Duyên).

Vì không có tự tính,

Nên cũng không có tha tính.

 

3

因緣次第緣

緣緣增上緣

四緣生諸法

更無第五緣

1.3

Có bốn điều kiện tạo tác (緣-Duyên) là:

_Điều kiện tạo tác như là Nguyên Nhân tạo tác (Nhân Duyên-因緣).

_Điều kiện tạo tác có từ điều kiện tạo tác khác (-Thứ Đệ Duyên-次第緣).

_Điều kiện cho điều kiện tạo tác (Sở Duyên Duyên-所緣緣).

_Điều kiện tạo tác như là yếu tố thúc đẩy tạo tác (Tăng thượng Duyên-增上緣).

Ngoài bốn điều kiện tạo tác sinh trên, không còn điều kiện thứ năm nào nữa cả.

 

______*"Điêu kiện Tạo tác-Pratyaya-緣-Duyên": thường được sử dụng như là "Nhân Duyên-因緣" (trong kinh điển cũng như trong cách nói hàng ngày). Tuy nhiên, cần phân biệt "Hetu-Nhân-因":nguyên nhân tạo tác, nhân tố tạo tác, tác nhân; và "Pratyaya-Duyên-緣":điều kiện tạo tác, mặc dù trong một ý nghĩa khác, thì Duyên-điều kiện thường cũng chính là nguyên nhân để khởi sinh một cái gì đó.

Gồm bốn loại, có thể phân ra làm hai dạng theo tương quan Nhân Quả:

  1. Các điều kiện tạo tác cùng loại với với kết quả (“Sabhaya hetu”-Đồng loại nhân-同類因):

 _"Hetu-pratyaya-Nhân Duyên-因緣": những điều kiện hội tụ làm nguyên nhân trực tiếp sinh ra một cái gì.

 _"Sama-anantara Pratyaya-Thứ Đệ Duyên-次第緣": Điều kiện tạo tác khởi sinh ra điều kiện tạo tác khác, rồi tự nó biến đi. Như thế có một quá trình liên tục diễn ra từ điều kiện tác động này cho đến điều kiện tác động khác, thành một dòng chảy liên tục mà mỗi điểm là một điều kiện tạo tác khác nhau, nên còn gọi là "Đẳng Vô Gián Duyên-等無閒緣"

  1. Các điều kiện tạo tác tồn tại song song với kết quả tương ứng (“Sahabhu-hetu”-Câu hữu nhân-俱有因):

 _" Alambana-pratyaya- Sở Duyên Duyên-所緣緣":Những điều kiện làm điểm tựa những điều kiện tạo tác khác.

 _"Adhipati-pratyaya-Tăng thượng Duyên-增上緣": Những điều kiện tạo tác thúc đẩy những điều kiện tạo tác khác.

Tất cả những hiện tượng được sinh ra bởi điều kiện 緣-Duyên) đều có thể quy kết vào bốn loại trên, và các loại Điều kiện Tạo tác này trong thực tế (vật lý, sinh lý hay tâm lý...) liên kết với nhau để thành ra những mắc xích vô tận giữa những điều kiện và những cái được sinh ra và mất đi, trong tương quan nhân quả. Duyên khởi luận cũng chính là trung tâm điểm để đột phá và là cái lõi của Trung luận______

 

果為從緣生

為從非緣生

是緣為有果

是緣為無果

1.4 

_Kết quả (Quả-果), do từ những điều kiện tạo tác (緣-Duyên) sinh ra (?)

_Hay do từ phi-điều kiện tạo tác sinh ra (?)

_Ở trong điều kiện tạo tác đã có sẵn Kết quả (?)

_Hay trong điều kiện tạo tác không có sẵn Kết quả (?)

 

因是法生果

是法名為緣

若是果未生

何不名非緣

1.5 

Vì có những cái gì tạo sinh ra Quả,

Nên gọi đó là điều kiện tạo tác.

Nếu như Quả chưa sinh ra:

Thì tại sao không gọi đó là cái gì phi-điều kiện (phi-Duyên-非緣)?

______*Hệ luận: Cái phi-điều kiện vốn đã có sẵn trong Quả từ lúc nó chưa sinh ra. Hoặc: Khi Quả chưa được sinh ra thì vốn nó chẳng có tương quan với điều kiện gì cả.

 

果先於緣中

有無俱不可

先無為誰緣

先有何用緣

1.6

Quả vốn đã tồn tại trong điều kiện tạo tác (緣-Duyên) ra nó hay không? 

Cả tồn tại và không tồn tại đều không thể được:

_Vì, nếu nó vốn đã không tồn tại trong điều kiện sinh ra nó, thì điều kiện nào có thể tác động được nó để sinh ra nó?

_Vì, nếu nó vốn đã tồn tại trong điều kiện phát sinh rồi, thì cần gì đến tác động của những điều kiện ấy?

 

若果非有生

亦復非無生

亦非有無生

何得言有緣

1.7

Nếu, Kết Quả không sinh khởi từ những gì tồn tại,

Cũng không khởi sinh từ những gì không-tồn tại,

Cũng không khởi sinh từ những gì vừa tồn tại vừa không tồn tại,

Thì làm sao có thể nói được rằng điều kiện tạo tác (緣-Duyên) ra nó tồn tại?

 

果若未生時

則不應有滅

滅法何能緣

故無次第緣

1.8

Nếu như đang lúc Quả chưa khởi sinh ra:

Thì tất nhiên không có gì để Hoại diệt.

Cái gì đã hoại diệt, thì không có khả năng làm điều kiện tác tạo nữa,

Vậy không tồn tại loại điều kiện tự diệt khi Quả sinh ra (Thứ Đệ Duyên-次第緣).

 

9

如諸佛所說

真實微妙法

於此無緣法

云何有緣緣

1.9

Như chư Phật đã thuyết giảng:

Những Thực thể Chân Thật Vi diệu,

Vốn như là những tồn tại vô điều kiện (緣-Duyên).

Vậy thì: Làm sao có điều kiện tạo tác cho những điều kiện tạo tác (Sở Duyên Duyên-所緣緣) ?

 

10 

諸法無自性

故無有有相

說有是事故

是事有不然

1.10

Mọi tồn tại đều vốn không có Tự tính cố hữu,*

Vì vậy, không tồn tại nào vốn có tính chất cố hữu cả.

Nếu, cứ nói rằng: Tồn tại là cái gì cố hữu,

Mà mà cái cố hữu ấy tồn tại_thì không có căn cứ thỏa đáng. 

______*"Tự tính-自性"-Prakrïti: Tính chất cố hữu_vốn có, không thay đổi. Quan niệm của hệ phái Samikhya (Số Luận) cho rằng Tự tính-Prakrïti xuất phát từ Vật chất Tối sơ-màla-karànïa, nguyên nhân của vạn hữu, là cái gì tự-nó vốn là thế, không sinh ra từ một cái gì khác nó, vì thế nó thường hằng, bất biến. Quan niệm này bắt rễ rất sâu trong tư duy của người Ấn, vì hệ phái Samikhya là hệ phái cổ nhất trong hệ thống tư tưởng Ấn độ, đồng thời và phất triển song song, tương tác với Upanishad. Dưới hình thức văn học của Upanishad, khái niệm "Tự tính-Prakrïti" và "Thần Ngã-Purusïa" của hệ phái này được phổ cập hóa trong xã hội cổ đại Ấn độ.

 

11 

略廣因緣中

求果不可得

因緣中若無

云何從緣出

1.11

Một cách cụ thể hay một cách tổng thể,

Đều không thể tìm thấy kết quả (Quả-果) trong nhân tố tạo tác (Nhân-因) lẫn điều kiện tạo tác (緣-Duyên) ra nó.

Nếu trong nhân tạo tácđiều kiện tạo tác đều không tồn tại kết quả:

Thì sao một tồn tại có thể từ điều Kiện (緣-Duyên) mà khởi xuất?

 

12 

若謂緣無果

而從緣中出

是果何不從

非緣中而出

1.12

Nếu cho rằng: Trong điều kiện tạo tác không nội hàm kết quả,

Mà Quả lại từ điều kiện tạo tác khởi xuất:

Thì tại sao không thể cho rằng: Quả từ chỗ không cần điều kiện (phi-Duyên-非緣) khởi xuất?*

 

13 

若果從緣生

是緣無自性

從無自性生

何得從緣生

1.13

Nếu, Quả từ điều kiện tạo tác (緣-Duyên) khởi sinh ra,

điều kiện tạo tác ấy lại là cái gì vốn không tự tính,

Nếu nó đã từ một chỗ không tự tính khởi sinh ra:

Thì cần gì phải có điều kiện nhất định nào đó mới sinh ra nó được? 

 

14 

果不從緣生

不從非緣生

以果無有故

緣非緣亦無

1.14

Kết Quả không từ trong điều kiện tạo tác (緣-Duyên) khởi sinh,

Cũng không phải là sinh khởi phi-Điều kiện.

Vì vậy, chính Kết Quả tự nó cũng không (có lý do và không thể) tồn tại.

Bởi chính Kết Quả không tồn tại, nên điều kiện tạo tác và cả cái phi-Điều kiện, cũng không tồn tại.

Xem mục lục